Tôi nằm trên giường, không thể chợp mắt.
Ánh mặt trời từ từ ló dạng trên chạng cây dâu lớn nơi cửa sân, ve sầu cũng bắt đầu kêu râm ran.
Qua một lúc, có người gõ cửa, tôi ngồi dậy xem thử, là dì cả, trên tay dì xách theo một chiếc giỏ, bên trong đựng trứng gà và các loại bánh hấp.
Tôi trèo xuống giường chạy ra khỏi phòng, mẹ cũng từ trong phòng của bà mở cửa chạy ra, mẹ đưa tay ra định kéo tôi chạy về phía cửa, nhưng không kéo được.
“Thất nhi, đừng đi.”
“Là dì cả ạ.”
Tôi chạy ra sân, kéo chốt đẩy cửa ra.
“Dì cả, mẹ con không có chết.”
Dì cả lùi về sau hai bước, ngã phịch xuống đất.
Trứng gà và bánh hấp trong giỏ trúc rơi đầy ra ngoài, lăn lóc khắp nơi.
Dì cả dùng ánh mắt kinh hoàng hết nhìn tôi lại nhìn mẹ người ở phía xa sau lưng tôi.
Tôi xoay người nhìn về phía sau, mẹ đang đứng ở trước cửa phòng không bước ra đây. Biểu cảm của mẹ rất lãnh đạm, ánh mắt hơi rũ xuống.
“Em, em….Xuân Phụng, em đây là…”
“Chưa chết.”
Mẹ tôi ngắt lời dì cả.
“Chưa chết, nhầm lẫn thôi.”
Mẹ dùng giọng nói trầm lạnh đáp lời dì.
Dì cả bò dậy, lảo đảo chạy ra ngoài, tôi nhìn theo bóng lưng loạng choạng của dì, lòng tràn đầy nghi hoặc.
“Mẹ…”
“Đừng để ý tới dì con, vào đây.”
Mẹ kéo tôi vào phòng, sau đó lặng lẽ đặt mâm cơm sáng lên bàn, hai cái bánh hấp trong có vẻ như đã ôi thiu, và một đĩa dưa ngâm đã chuyển thành màu đen sẫm.
“…Mẹ, còn bánh hấp của dì cả mang đến thì sao?”
Mặc dù đã bị rơi xuống đất nhưng mặt trên của bánh vẫn còn trắng trẻo sạch sẽ, nhìn thế nào cũng thấy ngon hơn bánh trên bàn.
“Mau ăn đi.”
Mẹ nhìn tôi chằm chằm, dùng giọng điệu thản nhiên mà ra lệnh.
Tôi chỉ đành lấy một cái bánh dưới sự quan sát của mẹ, thử cắn một miếng, ngoài cảm giác phần bột vừa cứng vừa lạnh ra thì căn bản không cách nào có thể hình dung được mùi vị ghê tởm của nó.
Chua, cay, đắng, chát, cùng với một mùi tanh khó mà chịu nổi.
“Oẹ…”
Tôi nhịn không được nôn ra, dưới đất xuất hiện một bãi chất lỏng đặc sệt màu đen nhàn nhạt.
“Mẹ, mẹ….bánh này….”
Mẹ không nói lời nào, đứng lên thu dọn bánh và dưa ngâm xuống.
Trên mặt mẹ mang theo một loại biểu cảm mà tôi không cách nào diễn tả được.
Hệt như nhìn thấy thứ gì đó cực kì dơ bẩn vậy, một loại cảm giác vô cùng chán ghét.
Biểu cảm đó không lưu lại trên gương mặt mẹ quá lâu, rất nhanh bà đã trở về bộ dạng hiền hậu, dịu dàng như trước.
----
Từ nhỏ tôi và mẹ đã nương tựa lẫn nhau.
Tôi được sinh ra chưa bao lâu thì cha qua đời, vậy nên tôi hoàn toàn không có chút ấn tượng nào về ông ấy. Mẹ tôi cũng không tái hôn, bởi vì một số lý do---người dân trong làng đồn rằng mẹ tôi khắc chồng, còn có người nói bà đã từng học qua loại vu thuật tà bí, cho nên không có ai dám lấy bà.
Bà ấy một mình cày ruộng, làm thuê, bận rộn việc nhà, tự tay nuôi tôi khôn lớn.
Cuộc sống của tôi ngay từ nhỏ đã luôn rất khó khăn, mỗi năm cũng không có nổi mấy lần được ăn thịt, mỗi khi sinh nhật được ăn món thịt hầm khoai tây thì chính là bữa ăn vô cùng hiếm hoi, hơn nữa thường là khoai tây nhiều hơn thịt.
Khi đó chúng tôi tìm vui trong khổ, chơi trò gọi là “đào kho báu”, thật ra chính là nhắm mắt gắp thức ăn, xem gắp được thịt hay khoai tây. Tôi chơi “đào kho báu” rất lợi hại (dù sao thì dùng đũa chạm vào thức ăn cũng rất dễ phân biệt được là thịt hay khoai tây), tám phần mười đều có thể gắp được thịt, mẹ tôi lại cứ luôn gắp trúng khoai tây, thế là trên mặt mẹ lúc nào cũng nở một nụ cười bất lực.
Lớn lên một chút, tôi mới dần dần nhận ra, thật sự mẹ tôi cũng biết phân biệt khoai tây và thịt.
Tôi vĩnh viễn cũng không thể nào quên được, nụ cười bất lực và yêu chiều trên gương mặt mẹ.
Tôi không biết nụ cười trên mặt mẹ bây giờ có gì khác với trước kia, nhìn bề ngoài thì có vẻ hoàn toàn giống nhau.
Nhưng tôi cứ luôn cảm thấy, nó đã thiếu đi một thứ gì đó rất quan trọng.
Sau khi mặt trời đã lên cao, tôi mang giày muốn ra khỏi nhà, mẹ vừa nhìn thấy lại muốn ngăn cản tôi.
“Thất nhi, đi đâu vậy?”
“Con…con muốn nói với mọi người trong làng, nói với mọi người là mẹ không sao.”
“Đừng đi.”
Mẹ vội nói.
Qua mấy giây, bà lại nói thêm.
“Muộn một chút, đợi mặt trời xuống núi rồi hãy nói.”
Muộn một chút mới đi với bây giờ đi ngay có gì khác biệt đâu chứ? Trong lòng tôi lại lần nữa dấy lên nghi hoặc, nhưng tôi vẫn ngoan ngoãn nghe lời mẹ, mãi cho đến khi mặt trời lặn, ánh nắng không còn nữa, tôi mới ra ngoài.
Mẹ không đi theo tôi, bà chỉ đứng trước cười phòng, mỉm cười vẫy tay với tôi, không có ý định ra ngoài.
Nhà tôi được xây trên sườn đồi hướng Tây Bắc, tôi men theo con dốc chạy về phía trung tâm của ngôi làng, ánh tà dương phản chiếu bóng tôi xuống đường, kéo thành một đường xiêu vẹo. Tôi chạy đến nhà Tam Bình nơi cách mình gần nhất, cậu ấy và cha đang ngồi đập lúa trước cửa nhà, miệng lẩm bẩm nói gì đó.
“Tam Bình! Cha Tam Bình!” Tôi hét lên rồi vẫy tay với họ, “Mẹ con chưa chết, mẹ con bà ấy…!”
Vẫn chưa đợi tôi kịp nói xong, cha Tam Bình đã nhấc ghế lên, kéo cậu ấy đi vào trong nhà, sau đó đóng chặt cửa lại.
Tôi đứng chôn chân tại chỗ, sững sờ mất mấy giây. Nhấc chân đi đến nhà của Trương Vượng bên cạnh, còn chưa đến nơi, đã nhìn thấy mẹ cậu ta kéo cậu ta vào nhà, sau đó đóng chặt cửa y hệt như vừa nãy, ngay cả rèm cửa cũng kéo xuống.
Tôi đưa mắt nhìn sang nhà của Cao Phán, nhà của Tinh Nhi, còn có nhà của Triệu Hồng phía bên kia đường, thậm chí nhà của chú Tư ở bên cạnh con đập cách rất xa, cửa chính và cửa sổ nhà bọn họ đều khoá chặt, hệt như đang trốn thứ gì đó rất đáng sợ vậy.
Tôi đứng giữa đường, nhìn ngôi làng chết chóc bao trùm dưới ánh hoàng hôn.
Thường thì rõ ràng đây là thời điểm náo nhiệt nhất trong ngày, nấu cơm, la cà tám chuyện, cãi nhau, tán dóc, lùa gà, dắt trâu về chuồng.
Cứ như thế mãi đến tám giờ khi phim truyền hình phát sóng, mọi thứ mới dần yên ắng lại.
Tôi thẫn thờ nhìn bóng mình trải dài dưới mặt đường, rất lâu sau đó tôi mới dần hiểu ra.
Là bởi vì dì cả.
Nhất định là bà ấy đã nói gì đó với người dân trong làng rồi.
Trong lòng tôi dâng lên một cảm giác đau buồn khó tả.
Như thể bị thứ gì đó làm cho nghẹn lại vậy.
Tủi thân, căm hận, buồn bã, chua xót, tất cả đều dồn lại nơi lồng ngực.
Tôi nhớ lại chuyện lúc nhỏ--nhớ lại sự chỉ trỏ và lời thì thầm bàn tán của mọi người khi mẹ dẫn tôi đi ngang qua. Nhớ lại dáng vẻ lén lau nước mắt của mẹ lúc đi mua thịt nhưng bị người bán thịt đóng cửa không tiếp.
Bọn họ đều nói mẹ tôi là thầy đồng, khắc chết cha tôi.
Bây giờ bọn họ lại bắt đầu rồi!
Tôi xoay người chạy một mạch về nhà. Mẹ đứng ở trước cửa, dưới ánh trăng sáng tỏ mỉm cười đón tôi. Tôi dùng hết sức lực nhào vào lòng mẹ, nước mắt cứ thế rơi ướt cổ áo bà.
“Mẹ mẹ…huhu….bọn họ….bọn họ đều không tin mẹ chưa chết! Bọn họ….lại bắt nạt chúng ta…!”
“Không sao…không sao…”
Mẹ dịu dàng vuốt tóc tôi.
“Cần bọn họ tin làm gì, hai người chúng ta sống vui vẻ với nhau là được rồi.”
“Vâng”
“Thất nhi à, lần này hai mẹ con chúng ta đại nạn không chết, sau này nhất định phải sống thật tốt, cũng không bao giờ chia cắt nữa, nhé?”
“Dạ”
Mẹ lại an ủi tôi thêm mấy câu, sau đó dẫn tôi vào nhà, tôi vừa đi vừa cúi đầu lau nước mắt trên mặt, vô tình nhìn xuống mặt đất dưới chân.
Trăng tròn ngày mười lăm, mười sáu, ánh trăng lạnh lẽo soi rọi cả một khoảng sân, tôi phát hiện mặt đất dưới chân mình, cũng chính là bậc cửa nơi mẹ vừa đứng, chỉ có hai dấu giày in trên mặt đất rất rõ ràng.
Hoa văn dưới đế giày in trên đất vô cùng rõ nét, ngoại trừ nó ra xung quanh không hề có thêm bất cứ dấu giày nào khác.
Đột nhiên một suy nghĩ vô cùng hoang đường đột nhiên nảy ra trong đầu tôi:
Lẽ nào trong mấy tiếng đồng hồ mẹ tôi vẫn luôn đứng ở đây, không hề di chuyển.