Vì tâm lý căng thẳng quá mức trước kỳ thi thử nên tôi ngã bệnh.
Giáo viên không liên lạc được với mẹ nên gọi cho Đường Khuynh.
Khi đó anh là sinh viên năm nhất khoa Y của đại học Hải Thành. Mấy hôm nay anh theo thầy đến một bệnh viện ở thành phố Giang, sau khi nhận được điện thoại thì lập tức chạy về ngay trong đêm.
Hơn nửa đêm, tôi mơ màng nằm trên giường truyền nước biển, chợt có bàn tay mát lạnh áp lên trán.
Tôi mở mắt ra, nhìn thấy anh thì nước mắt trào ra.
“Không sao, “ anh xoa trán tôi, “Anh về rồi đây.”
Đêm đó, Đường Khuynh luôn bên cạnh tôi.
Hoặc là nói, ba năm qua, mỗi thời khắc bất lực nhất, đều là Đường Khuynh ở bên cạnh tôi.
“Thi thử chỉ là cuộc thi bình thường thôi, không phải thi tuyển sinh đại học, đừng căng thẳng,” anh lấy một quả bóng nảy màu xanh lam trong túi ra, “Nếu em căng thẳng quá thì ném quả bóng này, sẽ giải tỏa bớt.”
Tôi nhận ra quả bóng này, lần đầu tiên tôi gặp anh, anh đang ném nó. Sau này tôi mới biết đó là cách anh giải tỏa căng thẳng.
“Nhưng em sợ không thi đậu đại học Hải Thành.” Tôi khóc.
“Không đâu,” anh vuốt tóc tôi, “Kiến thức em thế nào anh còn không biết sao? Em không tin bản thân nhưng không tin anh à?”
“Nếu lỡ sai lầm thì sao, ai cũng nói một phân là một thao trường.”
Anh cười: “Có mắc lỗi cũng không sao, với điểm số của em thì cho dù mắc nhiều lỗi vẫn có thể vào một trường đại học không tệ.”
“Nhưng em muốn vào đại học Hải Thành.”
“Tại sao?” Anh ghé vào mép giường, hỏi tôi.
Trong phòng chỉ mở một ngọn đèn ngủ, ánh mắt anh là một bầu trời dịu dàng.
Vì anh.
Vì muốn có thể thường xuyên nhìn thấy anh.
Nhưng tôi nói không nên lời.
Tôi cắn cắn môi, “Vì… vì khoa Văn đại học Hải Thành tốt nhất, mấy trường khác không tốt bằng.”
Anh phì cười, “Em nói vầy sẽ bị đánh đó,” anh dừng một lát rồi lại nói, “Có điều anh cũng hy vọng em có thể đậu đại học Hải Thành.”
“Vì sao?”
“Vì,” anh sửa chăn giúp tôi, “Vì em ở bên cạnh, anh yên tâm hơn.”
Tôi ngẩn ngơ nhìn anh.
Chính là như vậy.
Rõ ràng chỉ một câu nhẹ nhàng bâng quơ, lại luôn lấp đầy khoảng trống nhất trong trái tim tôi.
Có đôi khi tôi thật sự hy vọng mình có thể mạnh mẽ hơn, bớt gây phiền toái cho anh, để anh yên tâm, cũng để bản thân buông tay.
Nhưng có đôi khi, tôi lại không khỏi tham lam, khao khát được anh quan tâm, yêu thương, bởi vì chỉ có anh mới chú ý đến những cảm xúc nhỏ bé mà tôi che giấu, sẽ bao dung tính tình nóng nảy của tôi, sẽ vĩnh viễn đứng sau lưng kẻ tứ cố vô thân như tôi.
Loại mâu thuẫn này như bụi gai, chôn chặt trong lòng, dây dưa sinh trưởng, làm tôi đau khổ không yên, tôi biết nên nhổ cỏ tận gốc, nhưng tôi luyến tiếc.
Sau khi xuất viện, tôi xin nghỉ ốm một tuần. Đường Khuynh cũng xin nghỉ, ở lại nhà chăm sóc tôi.
Cuối tuần khi tôi hết bệnh, Đường Khuynh cần quay về bên thành phố Giang, dự án chưa kết thúc, thiếu người, tuy anh mới năm nhất nhưng giáo viên trong Viện đánh giá cao anh, chỉ định anh tham gia, cũng luôn thúc giục anh quay lại làm việc.
Đúng lúc hôm đó mẹ tôi quay về.
Có lẽ vì bộ dạng yếu ớt đáng thương, cũng có thể vì biết tôi bệnh mà vẫn ở lại thành phố với chồng đi công tác có phần áy náy, mẹ phá lệ nấu cơm cho tôi, còn giúp tôi dọn phòng.
Hôm đó trước khi ngủ trưa, tôi nhắn tin cho Đường Khuynh, nói anh quên mang quả bóng ném theo.
Anh trả lời rất nhanh. “Quả bóng ném đó cho em mượn chơi trước khi thi đại học. Đợi khi em thi xong thì tặng em một quả màu đỏ, màu em thích.”
Tôi mỉm cười, ngủ thiếp đi với chiếc điện thoại trên tay.
Nhưng tôi không thể đợi quả bóng ném màu đỏ ấy.
Trước khi ngủ, tôi quên khóa màn hình di động. Khi mẹ vào, bà lấy điện thoại của tôi.
Có lẽ như lời bà nói, đột nhiên bà muốn quan tâm tôi, quan tâm đến cuộc sống và bạn bè tôi.
Vì thế bà mở album ảnh ra.
Khi tôi thức giấc, chỉ thấy bà mặt tái mét ngồi mép giường tôi, nhìn chằm chằm vào tôi.
“Mẹ?” Tôi không hiểu ra sao.
“Cái này,” bà giơ màn hình di động lên, “Đây là cái gì?”
4.
Trong album ảnh, toàn bộ là Đường Khuynh.
Ảnh anh chơi bóng rổ, ảnh nghiêng khi ăn cơm, bóng lưng của anh.
Di động lập tức được ném thẳng vào mặt tôi, mẹ run rẩy hét lên: “Con nói đi! Đây rốt cuộc là cái gì?”
Tôi cắn môi, chịu đựng cơn đau trên mặt, cúi đầu không hé răng.
“Mày đang làm cái quái gì vậy!” Mẹ khàn giọng, “Mày không biết nó là anh trai mày sao? Đường Mật, sao mày có thể có ý nghĩ xấu xa như vậy? Anh trai mày có biết không? Anh mày có biết không?!”
Tôi lắc đầu, anh không biết.
Vốn dĩ không ai biết.
“Mày không thể ở lại đây nữa,” bà run run rẩy rẩy đứng lên, “Tao phải đưa mày đi, mày không thể ở lại đây nữa.”
“Mẹ!” Nước mắt lưng tròng, tôi nắm chặt ống tay áo bà, “Mẹ, con cầu xin mẹ, Đường Khuynh anh ấy không biết, con sẽ không nói gì hết. Con sắp phải thi đại học, mẹ đừng đưa con đi… con thề, không bao giờ con nói cho anh ấy biết.”
“Không được, không được…” bà hất tay tôi ra, lẩm bẩm, “Tao không tin mày, mày…”
“Cho nó biết cái gì?” Một giọng đàn ông lạnh thấu xương phát ra, tôi và mẹ đồng loạt sửng sốt.
Quay đầu nhìn lại mới phát hiện không biết Đường Trung đã về từ bao giờ, ông đang đứng ở cửa, ánh mắt u ám nhìn tôi.
Chuyện này không thể giấu được Đường Trung, kết quả cuộc thương lượng của hai người là đưa tôi sang Anh du học.
Bất kể tôi hứa hẹn thế nào, lại đau khổ van xin thế nào cũng vô ích.
“Mày bệnh hoạn.” Mẹ nói với tôi, “Tình cảm mày dành cho nó là dị dạng, chỉ có tách ra, không gặp được nhau thì mày mới có thể tốt lên.”
“Nhưng anh ấy không phải anh trai ruột của con.” Tôi vừa khóc vừa kéo tay áo mẹ, “Mẹ, con thật sự muốn học ở đại học Hải Thành, cầu xin mẹ, chỉ mấy tháng thôi…”
Bà im lặng, kéo tay tôi. “Mẹ vì tốt cho con,” bà nhẹ nhàng nói, “Đại học Hải Thành tốt nhưng chưa chắc con đã thi đậu. Con thấy đấy, chỉ kỳ thi thử mà con đã căng thẳng đến đổ bệnh chứ chưa nói đến thi đại học. Con dễ căng thẳng, con thi không tốt… Nhưng đi du học thì khác, mặc dù sang học dự bị đại học nhưng mức độ cạnh tranh nhỏ hơn trong nước rất nhiều.”
“Tại sao con muốn vào đại học Hải Thành, chẳng lẽ không phải vì Đường Khuynh sao?” Có lẽ đúng là mẹ hiểu con, chỉ cần bà chịu tốn tâm tư trên người tôi thì vẫn có thể “nhất châm kiến huyết”, chọc thủng bí mật trong lòng tôi, “Để con và Đường Khuynh học cùng nhau ba năm là sơ suất của mẹ. Sau này hai đứa không có khả năng ở cùng một trường.”
“Mẹ…” nước mắt tôi không ngừng tuôn ra.
Bà thở dài, lấy giấy lau nước mắt cho tôi, “Thật lòng mà nói, chú Đường không cắt tiền chi phí sinh hoạt của con, còn sắp xếp cho con đi du học đã là tận tình tận nghĩa, đối với con quá tốt. Con đã bao giờ tự hỏi, nếu không có chú Đường, cuộc sống con sẽ ra sao không? Ở quê có bao nhiêu đứa trẻ trạc tuổi con, chúng học trường nghề, trường trung học chuyên nghiệp, còn có đứa ra ngoài đi làm. Từ nhỏ con đã hưởng thụ tất cả mọi thứ do nhà họ Đường cung cấp, con phải có lương tâm, phải hiểu làm người biết báo ơn, hiểu không?”
Nói rồi, bà cũng khóc, “Còn cả bà ngoại, con không quan tâm bản thân, không quan tâm mẹ, cũng không quan tâm bà ngoại sao? Không có chú Đường, tiền điều trị đắt đỏ mỗi tháng vậy ai chi trả?”
Tôi không trả lời được, chỉ có thể nhìn bà mà khóc.
“Đường Mật,” bà kéo tay tôi, “Con hiểu cho mẹ đi, chú Đường con năm đó vì sao mà lấy mẹ? Chính vì mẹ đối xử tốt với con ông ấy, ngoài con ông ấy ra, ông ấy không có yêu cầu gì khác với mẹ. Bây giờ Đường Khuynh trưởng thành, tuổi mẹ cũng lớn, con biết bên ngoài có bao nhiêu cô gái xinh đẹp trẻ tuổi muốn chiếm lấy vị trí của mẹ không? Con biết nếu chú Đường ly hôn với mẹ, mặc dù mẹ có thể được chia ít tiền nhưng không thể kham nổi chi phí điều trị của bà ngoại. Bao năm qua, mẹ vì con và bà ngoại có thể sống tốt mà khom lưng cúi đầu, nuôi dạy con người khác, liều mạng giữ gìn cái gia đình này. Có thể con cho rằng mẹ nuôi con là lẽ đương nhiên, nhưng mà con có nghĩ cho mẹ không? Năm đó mẹ cũng có thể không lấy Đường Trung, không cần nuôi dạy con người khác, mẹ cũng có thể bỏ mặc con, tìm một người mình yêu, sống cuộc đời hạnh phúc không tốt sao?”
Bà càng nói càng đau lòng, ôm mặt khóc. “Như vậy không tốt sao? Mẹ như thế không tốt sao?”
Ngày đó, tôi và mẹ đều khóc.
Điện thoại tôi bị tịch thu, mấy ngày liền Đường Khuynh không nhận được tin tức của tôi, gọi điện thoại về tôi chỉ nói với anh, tôi muốn yên ổn ôn tập, gần đây không mở điện thoại.
Ở đầu dây bên kia anh động viên tôi cố lên mà không biết lúc này, mẹ ngồi bên cạnh nhìn tôi nói chuyện với anh.
Cúp điện thoại, bà lại thu di động, tắt máy.
“Chờ khi nó từ thành phố Giang về thì con đã đi, chuyện sau đó đã có mẹ và chú Đường giải quyết, giải thích ổn thỏa với Đường Khuynh, con không cần lo.”
Tôi thẫn thờ nhìn mặt sàn, nói được.
Nhưng không ai ngờ Đường Khuynh về sớm.
Ngày thi thử thứ hai kết thúc, anh cố ý xin nghỉ quay về, định chờ ở cổng trường cho tôi niềm vui bất ngờ. Nào ngờ chờ đến khi học sinh tan ra hết vẫn không nhìn thấy tôi.
Vì vậy anh điện thoại cho người giáo viên quen mới biết đã lâu tôi không đến trường.
Ngày đó cũng đúng là ngày tôi nhận được visa.
Vì vậy Đường Khuynh biết tôi sẽ đến Anh học dự bị đại học.
Trong nhà đủ mặt bốn người, anh nổi giận.
“Sao lại giấu con?” Anh nhìn ba người chúng tôi, chất vấn Đường Trung và mẹ, “Tại sao đột ngột đưa Đường Mật đi?”
Mẹ nhìn tôi.
Tôi cắn môi. “Em tự nguyện.”
Đường Khuynh không tin nổi nhìn tôi, “Em đang nói gì vậy? Không phải mơ ước của em là đại học Hải Thành sao?”
Không gian yên tĩnh, tôi nhắm mắt lại. “Anh sai rồi, ước mơ của tôi từ xưa đến nay chưa bao giờ là đại học Hải Thành.”
Anh ngơ ngác nhìn tôi.
Tôi đứng dậy, “Chú và mẹ không ép tôi gì cả, tôi biết có cơ hội này nên chủ động xin đi.”
“Em nói cái gì?” Khóe mắt anh đỏ lên, lặp lại, “Đường Mật, em nói cái gì?”
Đường Trung và mẹ tôi đứng lên đi ra phòng khách, khi rời đi, Đường Trung thở dài vỗ vai Đường Khuynh.
Tôi đóng cửa lại, nhìn Đường Khuynh đứng đối diện, cuối cùng thốt lên những lời trái lương tâm.
“Lần bị bệnh này tôi hiểu được một điều,” tôi khẽ khàng nói, “Đường Khuynh, tôi không thi đậu đại học Hải Thành là vì tiềm thức tôi không thích nó. Cơ hội này là tôi xin với chú Đường mà có.”
Tôi hít sâu một hơi: “Thật ra tôi không hề thích nơi này, từ ngày đầu tiên đến đây đã muốn rời đi.”
“Em đang… nói gì?” Anh ngây người nhìn tôi.
“Mười sáu năm tôi không có tình thương của mẹ, đều bị anh cướp đi mất. Anh cảm thấy tôi đối với anh, đối với người họ Đường của anh có thể thích được không?” Tôi dừng lại, “Đường Khuynh, cơ hội xuất ngoại này là nhà anh thiếu tôi, anh để tôi đi Anh, từ nay về sau chúng ta không ai nợ ai.”
“Anh không tin.” Anh lắc đầu tiến lên một bước, “Em nói anh biết, rốt cuộc là nguyên nhân gì?”
“Anh cảm thấy lý do là gì? Chẳng lẽ họ ép tôi đi? Bắt buộc phải tiêu tiền cho tôi ra nước ngoài học hành?” Tôi hỏi lại, “Họ có lý do gì để làm vậy? Tôi chỉ đang nói sự thật với anh thôi.”
Anh nhìn tôi sững sờ.
Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Hé miệng, vi phạm lời hứa với mẹ, tôi vẫn hỏi câu hỏi ấy: “Đường Khuynh, cho đến bây giờ, anh xem tôi là gì?”
“Anh xem em là gì?” Anh ngẩn ra, tựa như nghe được câu đùa nào đó, hỏi ngược lại, “Anh xem em là gì em không biết sao? Mấy năm nay anh đối xử với em thế nào, em không cảm nhận được sao? Anh xem em như em gái ruột của mình, anh vẫn luôn xem em là em gái ruột của anh!” Anh dừng một lúc, “Như vậy còn không được sao?”
Anh không hiểu, đúng là vì như vậy, không được.
Anh xem tôi như em gái, tôi lại yêu thầm anh.
“Tôi thì là em gái gì của anh,” một lúc lâu sau, tôi cười, “Anh em khác cha khác mẹ sao?”
Ánh sáng trong mắt anh dần dần tàn lụi.
“Cho nên ba năm nay, em trả thù anh sao? Trả thù anh cướp mẹ em suốt mười sáu năm, phải không?” Sắc mặt anh tái nhợt.
“Phải,” tôi cắn môi, “Cho đến bây giờ, cho tôi tiền, đưa tôi đi du học, xem như gia đình anh đã trả hết cho tôi, tôi không bao giờ muốn ở lại nơi tồi tệ này nữa, tôi muốn rời đi. Đường Khuynh, chúng ta ngoài có cùng một mẹ, không hề có quan hệ gì với nhau, anh đã phá hủy cuộc sống trước kia của tôi, còn định tiếp tục cản trở tương lai tôi mong muốn sao? Tôi phải đi, từ nay về sau, chúng ta đã thanh toán xong.”
Sau một lúc lâu, anh chợt mỉm cười.
“Được,” anh nói rất nhẹ, “Cuối cùng anh đã hiểu.”
Anh ngẩng đầu, vành mắt ửng hồng, “Ba năm, trước giờ em không gọi anh một tiếng anh trai, cũng là vì nguyên nhân này sao?”
Không phải.
Đương nhiên không phải.
“Phải.” Tôi nghe tiếng mình nói, “Cảm ơn anh ba năm qua chăm sóc, nhưng tôi thật sự không cách nào xem anh như anh trai.”
Không gian yên tĩnh, cửa mở rồi lại đóng, anh đi ra ngoài.
Tôi lê đôi chân không còn cảm giác của mình, tựa vào cửa.
Ngoài cửa, giọng Đường Trung khuyên nhủ xuyên qua ván cửa mơ hồ.
“Con bé đã 18, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Nó có oán hận với nhà chúng ta, với con, với ba, thậm chí với cả mẹ con… Ba năm nay con vì áy náy mà luôn đối xử với nó rất tốt, bây giờ nó muốn ra nước ngoài, chúng ta sẽ thỏa mãn nó. Ba cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ con bé học xong, cũng xem như trả lại những thứ còn nợ nó trong quá khứ.”
“Đường Khuynh,” ông thở dài, “Các con không phải anh em ruột thịt, con bé chưa bao giờ xem ba là cha, cũng không xem con là anh trai, nhưng mẹ con luôn xem con như con ruột của mình. Cho dù sau này không còn Đường Mật ở đây, chúng ta vẫn là người một nhà, giống như ba năm trước đây.”
Ngày hôm đó tôi không rơi một giọt nước mắt.
Vì tôi biết, sau này không còn ai lau nước mắt cho tôi.
Sau ngày Đường Khuynh rời đi đó, Đường Trung và mẹ tôi đẩy nhanh tiến độ cho tôi xuất ngoại.
Mãi đến trước ngày đi một ngày, tôi nói muốn tạm biệt các bạn trong trường, mẹ do dự một lúc rồi mới đưa điện thoại cho tôi.
Tối hôm đó, mẹ có việc ra ngoài, trong nhà chỉ còn mình tôi.
Tôi nhắn tin chia tay với các bạn cùng lớp xong, đang nằm trên giường thì bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ.