May mà nhà là do ông nội tôi để lại, gần đây lại có vài trường đại học, miễn cưỡng gom đủ cân bằng thu chi, còn về vấn đề sinh hoạt của tôi, thì chẳng trông mong gì cửa hiệu này giúp tôi giải quyết được.
Từ bé tôi đã là kiểu người cái gì cũng bình bình, chẳng có chí hướng vĩ đại gì, lúc 12 13 tuổi bị hỏi lớn lên muốn làm gì, câu trả lời của tôi chính là: “Muốn làm chủ một hiệu sách, hàng ngày vừa phơi nắng vừa đọc sách.”
Mọi người cười rộ lên, nói: “Thằng nhóc này an phận quá.”
Là an phận.
An phận đến mức chẳng có dã tâm gì, 27 28 rồi mà cả ngày giữ một cửa tiệm không kiếm được tiền, ăn nằm chờ chết.
Bố tôi nói: “Mày xem con trai nhà chú Trần, mới từ Mỹ về, ra thẳng công ty thị trường làm giám đốc gì đó.”
Đối với những chuyện này, tôi chẳng buồn nghe vào đầu, bố tôi cũng quen rồi, nhưng ông vẫn cứ thích càm ràm, cuối cùng tôi đành phải nấu cho ông một bữa, cho ông ăn vui vẻ, không nói dông nói dài với tôi nữa, thế là xong.
Tôi bị ông bố thích càm ràm của mình gọi tỉnh giấc, hơn mười giờ sáng, nắng lên rồi, ấm không chịu được, tôi rúc trong ghế sofa cạnh cửa sổ ôm sách, không biết thiếp đi từ lúc nào, điện thoại đổ chuông cái doạ tôi giật nảy cả mình.
Bố tôi nói trong điện thoại: “Dì Từ của mày lại muốn giới thiệu đối tượng cho mày, hay là mày đi gặp xem sao?”
Tôi vừa ngáp vừa cười: “Bố đừng gây nữa, con thế nào bố biết mà.”
Ông “chậc” một tiếng, hỏi tôi câu không biết đã là lần thứ bao nhiêu: “Không sửa được thật à?”
Tôi phì cười: “Cái chuyện đồng tính thì sửa thế nào ạ? Đâu phải là thuận tay trái sửa thành thuận tay phải, bố đánh vài cái là sửa được đâu.”
Hồi nhỏ tôi thuận tay trái, về sau ông tôi bảo thế này không hợp quy tắc, cứ thế ép tôi sửa lại, cách làm là đánh tay.
Về sau bố tôi nói: “May mà ông mày lúc còn tại thế, mày không cho ông biết là mày thích con trai, nếu không nói gì ông cũng bắt mày sửa lại.”
Khi ấy tôi không phản bác bố, chỉ cười, nhưng tôi biết, đây là hai chuyện khác nhau.
Bố tôi thở dài ở đầu bên kia, không nói chuyện này nữa: “Được rồi, thế cuối tuần mày có về ăn cơm không?”
Trong lúc nói chuyện tôi nhìn thấy có người đứng ở bên ngoài, cậu nhóc đó không biết đã đứng bao lâu, cứ đăm đăm nhìn tôi, ánh mắt quái dị đến mức đáng sợ.
Tôi nói: “Nói sau đi ạ, không phải bố với dì Từ của con sống rất tốt sao?”
“Cũng tạm,” Bố tôi nói, “Mày không cần lo cho bọn bố đâu.”
Bố tôi một mình nuôi nấng tôi gần hai chục năm, năm kia mới quen một cô vô cùng xinh đẹp qua sự giới thiệu của người khác, hai người không đăng ký, cứ thế sống bên nhau.
Họ rất hợp nhau, bố tôi nghỉ hưu sớm vì lí do sức khoẻ, hai người ở nhà hưởng thụ sớm cuộc sống già cả, rất thích thú.
“Thế thì tốt quá,” Tôi nói, “Có chút chuyện, con không gọi với bố nữa nhé.”
Sau khi cúp điện thoại, tôi và cậu nhóc bên ngoài kia nhìn nhau cách lớp cửa sổ.
Trong ấn tượng, chín giờ hơn tôi đã bảo em đi được rồi, dù sao thì ăn uống no nê rồi, tiếp tục ngồi xổm ở đó cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Không ngờ, tôi đánh một giấc xong, em còn đứng đó nhìn tôi.
Sao lại bị giày vò đến mức này?
Áo quần tả tơi, đầu xuân rét mướt mà em chỉ mặc một đôi giày bong cả đế, quần bò bẩn thỉu cũng rách rồi, tóc vừa dài vừa rối, ánh nắng đảo qua cũng nhìn thấy được cả lớp bụi phủ.
Một nhóc vô gia cư điển hình.
Tay gầy chân gầy, nhưng dáng không lùn lắm.
Điều quan trọng hơn là, tôi phát hiện ra cặp mắt của cậu nhóc lang thang này vậy mà sáng cực kì, cứ như sói trong rừng rậm đang nhìn chằm chằm vào con mồi vậy.
Nhưng tôi không phải con mồi của em, cũng như tôi sẽ không cho em bữa ăn thứ hai vậy.
Tôi mỉm cười với em, rồi làm mặt quỷ với em, sau đó đứng dậy, uống hết tách cafe đã nguội trên bàn trước mặt, cầm cái cốc không đi rửa, cuối cùng bắt đầu thu dọn giá sách bên trong.
Việc khiến tôi bất ngờ là, khi tôi dọn dẹp xong xuôi rồi nấu hai món ăn cho bản thân, tôi phát hiện ra cậu nhóc ấy vẫn còn đứng đó, như thể chưa từng chuyển chỗ, chưa từng đổi tư thế vậy.
Tôi mở cửa hỏi em: “Em không cần đi vệ sinh hay gì à?”
Em ngẩn ngơ nhìn tôi, dáng vẻ đó thật sự khiến tôi không kìm được phải phì cười thành tiếng.