Ngạc nhiên là ai cũng cho rằng ta lui hôn là chuyện đương nhiên, bởi vì so với Thân vương phủ, hoàng thượng có lẽ càng muốn ta gả vào cung làm thái tử phi hơn.
Hầu như người ở kinh thành đều biết, hoàng thượng và cha ta là trúc mã của nhau, thân như thủ túc.
Thuở thiếu thời, khi hoàng thượng còn là thái tử gia đã từng cùng cha ta, lúc đó chỉ mới là thiếu soái của Trầm gia quân, xuôi về miền nam du ngoạn.
Ở đó, hai người vô tình gặp gỡ mẹ ta, là con gái phú hộ giàu nhất miền nam.
Có thể nói, gia sản bên nhà ngoại của ta còn nhiều hơn kim khố của hoàng thượng. Dòng họ Nguyễn đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo, cũng đứng đầu cả nước về xuất khẩu trái cây. Ngoài gạo và trái cây, bên nhà ngoại của ta còn chen chân vào giới buôn bán trà, tiêu và điều. Chính xác thì món nào có thể kinh doanh ra tiền là ông ngoại ta sẽ đầu tư sản xuất, dù sao ruộng nhà ta cò bay thẳng cánh, khí hậu phía nam ôn hòa quanh năm, muốn trồng thứ gì cũng được.
Mẹ ta là con út nhưng là người duy nhất học cao hiểu rộng, sau đó mẹ ta trở thành thủ quỹ xử lý toàn bộ thu chi của tất cả các nhà xưởng cho dòng họ Nguyễn.
Khi ấy, cả hoàng thượng và cha ta đều phải lòng mẹ ta. Trong thời gian tá túc ở nhà họ Nguyễn, cả hai người đều ra sức bày tỏ tấm chân tình với mẹ ta. Vì lòng háo thắng, hai người quyết định giữ bí mật thân phận, công bằng theo đuổi như hai chàng công tử có bối cảnh ngang nhau.
Mẹ ta rất ngưỡng mộ tài trí và học thức của hoàng thượng nhưng cuối cùng lại chọn gả cho cha ta là người mỗi sáng sớm sẽ dầm mưa dãi nắng cùng bà ra ruộng hỏi thăm tá điền.
Cha mẹ ta yêu nhanh mà cưới cũng nhanh.
Người dân nam bộ không câu nệ tiểu tiết, tính tình hào sảng phóng khoáng. Cho nên ngay khi cha mẹ ta xác định tình cảm, ông bà ngoại của ta liền lập tức tổ chức đám cưới mà không cần sự có mặt của nhà trai. Họ bảo, chẳng lẽ hai trẻ nên vợ nên chồng rồi mà nhà trai lại không chịu nhận con dâu sao. Hơn nữa, đợi gặp mặt nhà trai, họ lại làm thêm một đám cưới nữa, dù sao cũng có tiền. Đây là lý do mà nội ngoại hai nhà của ta mỗi lần gặp nhau là như nước với lửa. Ông bà nội của ta vẫn còn rất giận vì lỡ mất một lần đám cưới của cha ta.
Trong tiệc cưới, hoàng thượng "vô tình" lỡ miệng tiết lộ thân phận. Thế là, cha ta bị mẹ ta phạt quỳ gáo dừa ngay trong đêm động phòng vì tội không thành thật.
Hoàng thượng lúc ấy còn cho rằng chuyện này sẽ phá hoại cuộc hôn nhân chớp nhoáng và hẳn mẹ ta sẽ quyết định lựa chọn lại. Nhưng ông ấy không ngờ rằng chuyện này chỉ khiến cha ta có cớ ở lại Nguyễn gia thêm một thời gian nữa, vừa vặn xây dựng tình cảm với mẹ ta. Lý do, cha ta què gối vì quỳ gáo dừa, cần dưỡng thương.
Ba tháng sau, cha ta mang mẹ ta trở về Trầm gia, lúc này mẹ ta đã mang bầu đại ca ta. Thế là bên nội của ta phải tổ chức gấp một đám cưới để chạy bầu.
Mặc dù mẹ ta đã mang trong mình giọt máu của Trầm gia nhưng dường như điều đó cũng không làm hoàng thượng thôi nguôi hy vọng. Hoàng thượng lúc đó dăm ngày ba bữa lại kiếm cớ ghé qua Trầm gia. Ngoài mặt là tìm cha ta nhưng thật sự là sang ngồi trò chuyện cùng mẹ ta. Nghe ông nội ta kể lại, thời gian đó, Trầm gia không ngày nào yên ổn. Bởi vì cha ta rất không kiêng nể gì mà lôi hoàng thượng ra đánh mỗi khi nhìn thấy hai người ngồi trò chuyện riêng khi ông không có mặt.
Cha ta luôn lo lắng mẹ ta sẽ bỏ ông mà đi, bởi vì cha ta không tuấn tú nho nhã cũng không ôn nhu thấu hiểu giống như hoàng thượng. Đó là lý do cha ta tìm cách khác để ràng buộc mẹ ta, dùng con cái.
Sau khi mẹ ta sinh đại ca, hoàng thượng âm thầm giở trò sau lưng khiến cha ta được phong hào thống soái, điều này đồng nghĩa với việc cha ta phải rời kinh thành, ra thành bắc nhận ấn và nhận quân.
Cha ta đi được vài tháng lại lén lút chạy về ôm ấp vợ con, cứ đi đi về về như thế nên mẹ ta vẫn đều đặn sinh thêm nhị ca và tam ca.
Vào năm tam ca chào đời, thái thượng hoàng băng hà. Hoàng thượng chính thức lên ngôi. Cha ta vì phòng ngừa người nào đó lợi dụng quyền thế ép người quá đáng nên quyết định ôm hết vợ con ra ngoài biên ải.
Chín huynh muội ta là sinh năm một, đều bú sữa mẹ mà lớn lên. Kiểu như cha ta sợ mẹ ta rảnh một chút sẽ suy nghĩ viển vông nên luôn muốn bà bù đầu tóc rối với chuyện nuôi con.
Hoàng thượng sau khi lên ngôi đã nhiều lần ngỏ ý muốn cha ta trở về kinh thành làm tổng thống lĩnh nhưng đều bị cha ta thẳng thừng từ chối.
Mỗi lần cha ta viết báo cáo tình hình ngoài biên ải sẽ không quên khoe ngầm chuyện con cái đầy nhà của ông.
Không biết có phải hoàng thượng bị khiêu khích hay không mà lên ngôi chưa được bao lâu liền mở cuộc tuyển tú rầm rộ khắp nước, sau đó phong hào một lượt cho mười mấy vị quý phi cùng phi tần. Một năm sau đó, hoàng cung liên tục có tin vui. Một loạt hoàng tử và công chúa ra đời cùng năm với tứ ca, ngũ ca và lục ca của ta. Công chúa út sinh cùng năm với thất tỷ, là người con thứ mười sáu của hoàng thượng.
Ta nghe kể lại, sau khi mẹ ta sinh thất tỷ, cha ta tuyên bố với bên ngoài là sẽ triệt sản, dù sao ông đã có đủ cả nếp lẫn tẻ, không muốn mẹ ta phải tiếp tục nhọc nhằn. Hoàng thượng thấy số lượng con cái của mình nhiều gấp hai lần cha ta, cũng tự thấy hài lòng nên không cho phép phi tần nào hoài thai nữa.
Ai mà ngờ, liên tục hai năm sau đó, mẹ ta lại cho ra đời bát tỷ và ta.
Nếu phải nói lý do, hẳn là vì thất tỷ và bát tỷ đều giống bên nội. Cho nên cha ta không được vừa lòng.
Vì sao cha ta thương ta nhất nhà? Bởi vì ta giống mẹ ta như hai giọt nước. Ngay cả tính tình cũng thừa hưởng từ bà. Đây là lý do sau khi ta ra đời thì suốt một thời gian dài cha ta không đòi hỏi mẹ ta sinh thêm đứa con nào nữa. Bởi vì ông ấy còn đang bận rộn yêu chiều ta.
Khi ta gần một tuổi, cha mẹ ta mới quyết định đưa cả chín huynh muội chúng ta về thăm nhà ngoại.
Từ thành Chính Bắc muốn xuôi nam phải đi qua kinh thành, ngang qua kinh thành mà không ghé Trầm gia thì không phải phép. Thế là chúng ta dừng chân ghé lại. Những tưởng chỉ ở vài ngày, không ngờ dừng một lần liền dừng suốt chín năm. Bởi vì hoàng thượng từ lần đầu tiên nhìn thấy ta đã yêu thích không buông, suýt chút phong ta làm công chúa rồi mang vào cung nuôi dưỡng.
Mọi người đều bảo, ngày còn bé, ta trắng tròn xinh mọng như một quả đào. Ai nhìn cũng muốn ẵm muốn bồng. Ai thấy cũng muốn cắn một ngụm. Hơn nữa, lúc bé ta thường có những phát ngôn rất không hợp lẽ thường, có thể khiến cho người khó tính nhất cũng phải bật cười.
Truyền kỳ ngày còn bé của ta nhiều như sao trên trời nhưng nổi bật nhất là hai chuyện.
Chuyện thứ nhất là việc ta ị một bãi lên long bào của hoàng thượng khi ta ba tuổi.
Nghe kể lại, hôm đó là tết trung thu, hoàng thượng mở một buổi dạ yến và mời toàn bộ con cháu quan lại dưới tuổi vị thành niên vào cung chơi đốt đèn.
Thức ăn trong cung rất ngon. Món nào ta cũng muốn thử. Các ca ca tỷ tỷ đương nhiên không ai nghĩ tới chuyện ngăn cản ta. Hậu quả là ta bị chột bụng.
Ta chạy đi tìm cha ta, lúc ấy đang ngồi chơi cờ với hoàng thượng ngay bên ngoài mái đình. Nhìn dáng vẻ hớt ha hớt hải của ta, hoàng thượng thích thú bế ta đặt lên đùi, nhéo má ta rồi hỏi:
"Tiểu cửu nhi, chạy đi đâu đó?"
Vì hành động đột ngột này mà ta nhịn không nổi, phẹt một tiếng, ị một bãi, thấm ra khỏi nội y, chảy xuống long bào của hoàng thượng. Tất cả mọi người ở hiện trường đều kinh ngạc tới đứng hình.
Cha ta còn chưa kịp quỳ xuống tạ tội thì ta đã ngửa cổ khóc rống lên:
"Không chịu.. vàng vàng.. cha cha.."
Hoàng thượng đang đen mặt nhưng nghe ta nói mấy chữ bập bẹ liền tò mò hỏi:
"Con bé có ý gì?"
Cha ta xoắn xuýt, sau đó phải thành thật khai báo chuyện xấu hổ của mình.
Minh chứng rõ ràng nhất cho việc ta là con gái cưng của cha ta chính là chuyện ông tự tay chăm sóc ta từ bé cho tới lớn, từ bón cơm tắm rửa tới thay tã chùi mông. Chưa có ca ca hay tỷ tỷ nào có được vinh hạnh này, dù sao trong nhà không thiếu kẻ hầu người hạ.
Cha ta dùng lý do chưa từng trải nghiệm việc chăm sóc con ruột nên muốn thử xem sao. Trên dưới Trầm gia không ai có ý kiến, mẹ ta thì lười quản, vậy là cha ta trở thành bà vú riêng của ta.
Lúc ta còn bé, ông thường ôm ấp gọi ta là cục cứt thúi của cha. Mỗi lần thay tã cho ta, ông sẽ nói đùa, đây là cục vàng của cha. Việc này khiến cho trí óc non nớt của ta đưa ra một nhận định, phân của ta là vàng, vàng của ta chỉ dành riêng cho cha, không ai được lấy.
Hoàng thượng nghe cha ta trình bày xong liền á khẩu, sau đó ngửa đầu cười phá lên.
"Trầm Vọng a Trầm Vọng, trẫm quen ngươi lâu như vậy, không ngờ ngươi còn có một mặt lụy vợ lụy con như thế này. Đúng là khiến trẫm phải kinh ngạc."
Về sau có một vị công chúa cũng giả vờ ngây thơ diễn một màn ị phân lên long bào, hậu quả là quý phi mẹ ruột của nàng ta bị biếm vào lãnh cung, nàng ta cũng chịu chung số phận bị ghẻ lạnh. Cho nên, việc này trở thành truyền kỳ của ta, bởi vì ta là người đầu tiên cũng là người duy nhất có thể ị một bãi lên long bào của hoàng thượng mà vẫn toàn vẹn không tổn hại chút gì.
Chuyện thứ hai là việc thái hậu ban tặng Phù Ngọc cho ta vào năm ta năm tuổi.
Này phải nói tới căn nguyên từ đầu.
Năm ta năm tuổi, hoàng thượng ban lệnh đặc cách cho ta vào cung học cùng các vị hoàng tử và công chúa. Không ai thật sự hy vọng ta có thể trở thành tài nữ, mọi người đều biết, đây là hoàng thượng âm thầm muốn nuôi con dâu từ bé, chỉ không biết hoàng thượng muốn nhắm ta cho vị hoàng tử nào.
Đây là lý do mà hoàng hậu và các vị nương nương có con trai đều tỏ vẻ yêu thích ta. Bởi nói không chừng, vị hoàng tử nào nắm được ta liền có thể nắm được chức thái tử. Không ngờ, thái hậu cũng chen một chân vào.
Thái hậu lúc sinh thời có hai người con trai, một người là hoàng thượng, người kia chính là Thân vương. Hai người họ cách nhau những mười tuổi. Lúc Thân vương ra đời, hoàng thượng đã là thái tử, đã bắt đầu được thái thượng hoàng mang theo bên cạnh dạy cách xử lý triều chính. Cho nên tình cảm giữa hai huynh đệ bọn họ không tốt cũng không xấu.
Những năm cuối đời, thái thượng hoàng không còn mặn nồng cùng thái hậu. May mà những ngày quạnh quẽ nơi cung điện nguy nga của thái hậu còn có Thân vương bé bỏng bên cạnh. Đây là lý do mà tình mẹ trong lòng thái hậu về sau nghiêng hẳn về phía Thân vương.
Năm Thân vương tròn mười lăm tuổi liền được phong hào, được ban phủ đệ và lập tức kết hôn với con gái của thái phó, cũng là bạn thanh mai trúc mã của ông. Có lẽ vì cảm nhận được sự đau buồn của mẫu hậu trong chuỗi ngày bị phụ hoàng ghẻ lạnh mà Thân vương chỉ cưới một vị chính thê duy nhất. Đến bây giờ vẫn không có ý nạp thêm thiếp, cho dù vị chính thê này vì lý do sức khỏe mà chỉ sinh cho ông một người con duy nhất, chính là tiểu thế tử Lê Chiêu.
Tiểu thế tử Lê Chiêu sinh cùng năm với bát tỷ của ta, lớn hơn ta một tuổi.
Vị tiểu thế tử này từ nhỏ đã có dáng vẻ không tranh với đời, không màng danh lợi, rất giống phụ thân của hắn năm xưa. Hoàng thượng rất vừa ý đứa cháu trai này. Thái hậu càng không cần phải nói, đặc biệt cực kỳ yêu thích Lê Chiêu. Các hoàng tử trong cung có thứ gì, Lê Chiêu cũng sẽ được y như thế. Ngay cả việc lựa chọn con dâu nuôi từ bé là ta, thái hậu cũng muốn Lê Chiêu phải có phần.
Hoàng thượng dứt khoát ra chỉ lệnh, cạnh tranh công bằng, dựa vào bản lĩnh, ta chọn ai thì chính là người đó.
Ngày đầu tiên ta tiến cung, vì tranh giành chỗ ngồi bên cạnh ta mà một đám hoàng tử nhào vào đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Ta cùng Lê Chiêu đứng bên cạnh vui vẻ nhìn xem. Sau đó, vì tình hữu nghị "cùng xem đánh nhau" mà ta chọn Lê Chiêu làm bạn cùng bàn.
Có lẽ đã được người lớn trong nhà dặn dò từ trước nên Lê Chiêu mang theo rất nhiều điểm tâm ngọt rồi dùng chúng để dụ dỗ kết thân với ta.
Bữa sáng ở nhà ta không có bánh ngọt. Cha ta là võ tướng, chỉ thích ăn cơm cho chắc bụng. Mẹ ta xuất thân nhà nông, cũng chỉ thích ăn cơm cho chắc bụng. Ở nhà ta, bánh ngọt chỉ xuất hiện vào những dịp đặc biệt. Hiện giờ nhìn thấy một hộp bánh ngọt đầy màu sắc, ta không keo kiệt mà nhoẻn miệng cười lên, còn ngọt ngào gọi người ta một tiếng "tiểu ca ca".
Vì một tiếng "tiểu ca ca" này mà Lê Chiêu hào phóng đưa hết hộp bánh ngọt cho ta.
Ta tham lam ăn hết.
Hậu quả là ta bị chột bụng.
Ta xin lão sư cho về nhà bởi vì ta vẫn không có thói quen để người khác chùi mông cho ta.
Lão sư hỏi vì sao, ta xấu hổ không mở miệng trả lời được. Thế là ông ấy nghĩ ta cậy sủng mà kiêu căng càn quấy nên không cho phép ta rời khỏi lớp học. Ta không phải đứa bé ba tuổi chẳng thể nín nhịn như trước, hiện giờ ta đã năm tuổi. Vậy là ta ngồi xuống, gồng người nín nhịn đến đỏ mặt tía tai. Cuối cùng, ta vì nghẹn thở mà té xỉu khiến tất cả mọi người được một phen hoảng vía.
Sau khi về nhà, ta khóc lóc kể lại chuyện này cho cha mẹ ta nghe bảo rằng ta không muốn vào cung nữa, bởi vì ta không thể về nhà bất cứ lúc nào ta muốn.
Vậy là cha ta xin hoàng thượng thu hồi mệnh lệnh yêu cầu ta tiến cung mỗi ngày. Hoàng thượng đương nhiên không đồng ý. Hai người ở ngự thư phòng cãi nhau thế nào lại khiến chuyện này rơi vào tai thái hậu. Trước khi hoàng thượng ra chủ ý thì thái hậu đã sai người mang Phù Ngọc tới tặng cho ta.
Phù Ngọc là lệnh bài cao cấp nhất của cung thái hậu, cho phép người cầm nó được phép tiến xuất cung bất cứ lúc nào người đó muốn. Phù Ngọc chỉ có hai cái, một cái nằm trong tay của Thân vương, một cái nằm trong tay của tiểu thế tử Lê Chiêu. Hiện giờ thái hậu lấy lại một cái để đưa cho ta. Khỏi phải nói, thái hậu rất có lòng tin rằng ta thế nào rồi cũng sẽ về chung một nhà với Thân vương. Hơn nữa, Phù Ngọc có một đôi, chuyện này ai ai cũng biết, tặng ta một cái chẳng khác nào ngỏ ý đây là tín vật đính ước.
Hoàng thượng cầm Phù Ngọc, nhẹ nhàng thở ra:
"Trầm ái khanh, xem ra lần này mẫu hậu dốc cạn vốn liếng rồi."
Cha ta lặng lẽ cúi đầu.
"Hoàng thượng, thần luôn hy vọng Quỳnh nhi có thể tự do tự tại lớn lên, tương lai của con bé xin hãy để con bé được tự mình lựa chọn."
Hoàng thượng cười lên:
"Trẫm cho phép tiểu cửu nhi gọi trẫm là hoàng thượng bá bá. Khanh cho rằng, trẫm sẽ không mong điều tốt đẹp nhất cho con bé hay sao?"
"Thần thay mặt Quỳnh nhi tạ ân sủng của hoàng thượng."
"Trẫm và ái khanh còn nói ân sủng cái gì.."
Sau đó, hoàng thượng ban chiếu chỉ, cho phép ta toàn quyền quyết định có muốn tiếp tục tiến cung học tập cùng các vị hoàng tử công chúa hay không. Nếu tiến cung, ta mới cần sử dụng tới Phù Ngọc. Nếu không tiến cung, Phù Ngọc sẽ được trả về cung thái hậu. Quyết định này của hoàng thượng vừa không phật lòng thái hậu vừa không mích lòng cha ta, vẹn cả đôi đường.
Ta đương nhiên lựa chọn vào cung, bởi vì ta vẫn nhớ thương hộp bánh ngọt của tiểu ca ca nha.
Ba năm sau, thái hậu qua đời. Lời trăn trối cuối cùng của bà là muốn hoàng thượng phải tự mình viết chiếu chỉ tứ hôn cho tiểu thế tử và ta. Khi tiểu thế tử tròn mười tám tuổi, chiếu chỉ này sẽ chính thức được công bố.
Việc này đặt một dấu chấm hết cho cuộc tranh giành "con dâu nuôi từ bé", mở ra cuộc tranh giành vị trí thái tử. Đây cũng là lý do mà hai năm sau đó, khi ta tỏ vẻ muốn ngừng đi học mà chạy tới quân doanh, hoàng thượng chẳng thèm giơ tay ra cản, tùy tiện phất áo bảo ta đi đi.
Một lần đi này ta liền đi suốt bảy năm.
Thỉnh thoảng ta sẽ trở về kinh thành thăm ông bà nội, thăm các tỷ tỷ, cũng thăm hoàng thượng bá bá. Nhưng đã bảy năm, ta chưa từng gặp lại vị tiểu thế tử hôn phu của ta.