- Lần sau, khi không có tài xế... - Lê Nam đưa tay vặn khóa cho nổ máy -... em đừng mang đồ quá đắt tiền...
- Có vấn đề gì sao? - Anh Thư ơ hờ hỏi, không buồn quay sang nhìn.
- Ở đây giờ loạn lắm rồi, tụi nó biết giá trị đồ em cầm còn sành hơn cả mình!
"Sành hơn cả mình", nghe buồn cười quá! Sao anh ta cứ cố cài những từ nghe có vẻ như họ vốn thuộc cùng một thế giới nhỉ? Chỉ nghĩ đến vậy, Anh Thư lờ chính suy nghĩ của mình đi; tại sao, bỗng nhiên hôm nay gặp lại một người, trong cô lại chỉ toàn những suy nghĩ về giàu nghèo, về đẳng cấp xã hội vậy? Là kiểu Lê Nam thể hiện khiến cô không thoải mái đón nhận một cuộc gặp giữa hai con người từng là bạn bè, từng là tình nhân của nhau? Hay là vì chính cô không muốn chấp nhận câu chuyện như trong phim vẫn điên khùng chiếu mỗi ngày trên ti-vi, rằng vì bị bội tình mà chàng trai vươn lên từ nghèo khó, trở thành giàu có rồi trả thù? Hoặc giả, rồi có lúc, con người ta cần phải chạy trốn cả quyết định của mình khi nhận ra bản thân đã tổn thương đến mức nào; nhưng họ lại ngu si bấu víu vào chính lý do cũ của quyết định rất cũ ấy!
- Anh cũng có vẻ sành nhỉ? - Anh Thư cố giãn sự ngột ngạt do chính mình tạo ra. - Hay mai đi ăn cướp đi, toàn nhắm vô đồ hiệu mà cướp thôi!
- Vợ anh... ở nhà có cả bộ sưu tập Hermes size này mà! - Lê Nam bình thản nói, chẳng quan tâm đến chuyện người nghe rồi sẽ cảm thấy gì.
Thật là Anh Thư cảm thấy bị xúc phạm nặng nề khi nghe câu Lê Nam nói, chẳng biết tại sao, nhưng sự thật, đây là cảm giác bị xúc phạm. Chẳng lẽ cô điên khùng đến độ nghĩ rằng ngoài kia, chẳng một ai có quyền được sưu tầm Hermes size 25 như mình? Hay, đấy là sự nhói lòng khi nghe một người mình từng thương bình thản nói về việc họ đã thuộc về một người phụ nữ khác? Có là vì gì thì cũng vô lý, vốn cô cũng đã thuộc về một người đàn ông khác còn gì?! Nghĩ đến chồng, Anh Thư nghe lòng nặng và trì xuống, như một mảnh ván được sơn trát đẹp đẽ vừa bị buộc vào một phiến đá trăm cân kéo trồi sụt dập dềnh lát rồi chìm hẳn giữa mặt biển bao la tưởng êm đềm.
Anh Thư nhắm mắt lại, hít sâu và thở ra nhè nhẹ, cố không nghĩ đến chồng nữa. Tất cả chỉ là suy đoán thôi, đừng tự ám thị mình để rồi mọi thứ lại trở thành sự thật, lúc ấy chẳng biết phải làm thế nào đâu.
- Em biết không... - Lê Nam hơi quay sang nhìn, cười lạt. - Anh mua nhiều xe, nhưng có sao thì cũng giữ cho mình một chiếc Bentley...
- Ừ, anh luôn thích Bentley mà?!
- Không! Là em thích!
Anh Thư lặng đi, thậm chí muốn nhưng không dám quay sang nhìn người đàn ông đang ngồi rất gần mình, gần đến độ, chỉ cần một cái với tay ơ hờ, cô có thể chạm được vào họ. Anh vì một câu nói đùa cách đây mười năm mà quyết mua cho bằng được chiếc xe này ư?
Hồi ấy, khi ông bà Cơ - cha mẹ Anh Thư - đi tiên phong trong việc đưa Bentley về Việt Nam, ông bà cấm tiệt việc cô cương quyết làm mẫu cho bộ ảnh quảng bá sản phẩm. Ức chế vì mộng trở thành người nổi tiếng không thành, Anh Thư ngoài than vãn, kể lể với Lê Nam ra, cũng chẳng biết làm gì hơn. Cô tự hỏi, là con gái của đại gia ô tô thì không có quyền làm mẫu hay sao? Trong khi cô xinh đẹp thế này, hấp dẫn thế này; ông bà Cơ cấm đoán vì thứ gọi là sĩ diện gia đình mà chẳng chịu nhìn thấy việc đã bỏ qua một cơ hội tốt cho chính con gái của mình. Khi ấy, Lê Nam đã hỏi Anh Thư, cô có dám mặc bikini đứng bên xe như những cô người mẫu khác? Anh Thư khẳng định rằng, Bentley là dòng xe dành cho giới "nhà giàu thứ thiệt", tức những doanh nhân thành đạt, và chắc chắn họ không bao giờ cần đến những bộ ảnh hở hang để làm gì; thứ họ nhắm đến là thương hiệu của chiếc xe. Nghe xong câu trả lời của cô con gái buôn xe "nhà nòi", Lê Nam đùa rằng, sau này, anh sẽ mua những chiếc Bentley mới nhất tại Việt Nam, chỉ để cô được làm mẫu chụp ảnh...
Với Anh Thư, đấy có thể chỉ là một câu nói đùa, nhưng với Lê Nam thì không! Anh xem câu mình nói là một lời hứa, một thứ nhất định phải làm cho bằng được, để đáp lại tình cảm của một cô gái vốn được cuộn sẵn trong nhung lụa, chấp nhận bước chân ra, lao thẳng về phía bùn đất nghèo hèn mà yêu anh! Lê Nam nghĩ nhiều, nhưng chưa từng bao giờ dám nói, vì tất cả lúc ấy với anh chỉ là mơ mộng hão huyền. Anh muốn phải làm cho bằng được để Anh Thư và cha mẹ cô ấy nhìn thấy, để họ yên tâm mà gả cô cho anh. Thế nên, ngày cô đến tìm anh và bảo, cha mẹ cô thấy anh không xứng, rồi lạnh lùng bỏ anh lại mà quay về với thế giới hào nhoáng của cô, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn... Điều đáng sợ nhất, là sâu thẳm trong anh, niềm tin vào tình yêu mãi mãi không bao giờ tìm thấy lại được nữa! Người vội vã quay đi thì làm sao nhìn thấy kịp thứ họ vừa đánh sập sau lưng mình?!
***
Những bữa cơm gia đình họ gần đây trở nên nhạt nhẽo, vô vị và lạnh lùng đến lạ; dẫu cũng vẫn chừng đó người - ông bà Cơ, Quốc Đạt, Anh Thư và bé Bông - và cũng vẫn chỉ chừng đó câu chuyện xoay quanh đề tài dòng xe gì, nhập về thời điểm nào, lợi nhuận bao nhiêu... Nhưng giờ, với Anh Thư, tất cả đều hoàn toàn vô nghĩa. Gần đây, cứ đến bữa ăn, cô cố tình tránh không ngồi gần chồng, cũng không ngồi ở vị trí mà phải nhìn thấy gương mặt thất thần, vô hồn của anh. Thậm chí, có những lần, Anh Thư cố tình để bé Bông ngồi giữa mình và Quốc Đạt, nhưng cương quyết không chịu quay sang đút cơm cho con, chỉ bởi, như thế nghĩa là rồi sẽ có những lần vô tình nhìn thấy anh đang lơ mơ về một thế giới xa xôi nào đó, hoặc một con người nào đó cũng nên.
- Con đã suy nghĩ về chuyện ba mẹ nói chưa? - Ông Cơ hỏi, sau khi nhấp một ngụm Rouges léger.
- Dạ... - Quốc Đạt hạ hai tay, đặt lên bàn, nhìn thẳng -... con vẫn đang nghĩ.
- Ba nghĩ, chuyện này mình đã nói rõ rồi? - Ông Cơ tỏ rất khéo sự không hài lòng khi giọng nói nghe vẫn có vẻ mềm mỏng.
- À... bên bệnh viện có ý đưa con lên phó khoa... Cũng nhiều việc phải cân nhắc!
- Lương phó khoa bao nhiêu? - Ông Cơ đưa cao ly rượu, đảo đảo bàn tay khiến rượu trong ly chòng chành.
- Anh! - Bà Cơ đặt tay lên bàn tay chồng, khe khẽ lắc đầu. - Mình còn đang bàn bạc mà, anh nên để con từ từ suy nghĩ.
Bà Cơ vẫn luôn là thế, suốt ba mươi năm làm vợ, chưa từng bao giờ bà phải lớn tiếng phản đối chồng, thậm chí tất cả những gì bà làm hay những câu bà nói ra, đều nghe dịu dàng đến mức nếu không để ý kỹ, người khác sẽ nghĩ bà là một phụ nữ giỏi cam chịu; nhưng thực chất, đằng sau sự nhẹ nhàng, ân cần ấy là một quyền lực lớn đến ghê người. Chưa từng bao giờ bà Cơ lên tiếng mà ông Cơ phản đối được; căn bản vì ông tôn trọng vợ và trên hết là thật sự nể phục trí tuệ cũng như cách hành xử khéo léo của bà.
- Mọi người đang nói chuyện gì vậy? - Anh Thư chau mày.
- Bông! - Bà Cơ nhẹ nhàng nhìn cháu ngoại. - Con vô bếp, nói vú chuẩn bị cho con học đàn.
Con bé ngoan ngoãn dạ rồi từ tốn rời khỏi bàn - một hành vi chứng tỏ được giáo dục kỹ lưỡng đến mức tưởng chỉ có trong những câu chuyện cổ phương Tây ở thế kỷ trước, tại những ngôi trường chuyên đào tạo các nữ sinh thượng lưu. Anh Thư nhìn theo con, nghe lòng nhói buốt một cảm giác rất kỳ lạ. Bà Cơ không muốn bé Bông tiếp tục ngồi đây, nghĩa là bà sắp nói một chuyện mà con bé hoàn toàn không nên nghe. Nhưng chẳng người mẹ nào lại có thể bình thản đón nhận việc con gái mình bị điều khiển theo nhu cầu của một người khác, cho dẫu người đó có là ai đi chăng nữa!
- Ba mẹ muốn chồng con về phụ chuyện kinh doanh của nhà mình! - Bà Cơ nói rất chậm, kiểu thể hiện mệnh lệnh tối thượng quen thuộc.
- Theo con... - Anh Thư bắt đầu thể hiện sự chống đối bằng giọng điệu lạnh lùng -... chuyện công việc của anh Đạt, ba mẹ không nên...
- Lương phó khoa bao nhiêu? - Ông Cơ gằn hỏi lại.
- Đây đâu phải chuyện thu nhập, ba? - Anh Thư cương quyết.
- Con nói phải! - Ông Cơ trở lại với kiểu mềm mỏng hay thấy. - Đây là chuyện cơ nghiệp của gia đình mình.
- Con lo nổi! - Anh Thư cả quyết. - Là tại ba mẹ không muốn cho con làm thôi!
- Là phụ nữ... - bà Cơ rất bình thản -... chuyện nên làm là thu vén gia đình và ủng hộ chồng mình!
- Mẹ biết không! - Anh Thư hất mặt bướng bỉnh. - Con thích con gái con đi học, khi bạn bè hỏi, nó nói ba nó là bác sĩ hơn là một con buôn!
- Hỗn láo! - Ông Cơ đập bàn.
Cả gian phòng lặng đi. Anh Thư cụp mắt, có phần sợ hãi. Vốn xưa nay, chuyện cha cô nổi nóng là rất hiếm hoi, gần như chưa ai phải nhìn thấy bao giờ. Thói quen ra ngoài, chiều chuộng những khách hàng khó tính biến ông thành một người khéo léo đan kết sự mềm mỏng với cương quyết thành một hỗn hợp hành vi cư xử khó phật lòng ai mà cũng khó khiến ai dám xem thường. Chừng đó năm đứng vững trên thương trường, trải qua những sóng gió lớn trong cuộc chạy đua liên quan đến duy nhất một thứ - tiền, chưa từng ai có thể chê trách hay than phiền khi làm việc với ông Cơ, càng chưa từng ai dám lên mặt xấc láo. Thế nên, lúc này đây, khi ông đưa ra một đề nghị cũng không có gì là bất hợp lý cho cả gia đình này, chuyện Anh Thư dám chống đối với kiểu nói không thể xúc phạm hơn, ông Cơ cảm thấy mình không cần phải kiềm chế.
- Mọi thứ con có - ông Cơ lạnh lùng - đều từ tay của hai con buôn này mà ra cả!
- Con xin lỗi! - Anh Thư lí nhí, vẫn cúi rịt đầu.
*
Nếu nói đúng ra, thì gia đình Quốc Đạt cũng chưa đủ giàu có so với ham muốn kết sui gia của cha mẹ Anh Thư. Nhưng đổi lại, cha làm giám đốc một công ty cổ phần, mẹ làm giảng viên đại học, Quốc Đạt có một nền tảng giáo dục đủ tốt để hành xử như một cậu ấm quý tộc biết chừng mực. Giữa hai gia đình lại có thêm một sự kết nối là mối quan hệ trung gian rất có lợi cho quá trình nhập xe về của ông Cơ, thế nên, bữa tiệc tùng mang danh kết giao ấy, thực chất là một buổi xem mắt mà ông bà Cơ muốn chủ động tổ chức. Mà hình như, cả Quốc Đạt và Anh Thư cũng biết về mục đích buổi gặp mặt này rồi. Họ điềm nhiên chấp nhận chuyện cha mẹ sắp đặt hôn nhân ngay ở thế kỷ hai mốt, đơn giản vì điều ấy không trái với thứ gọi là tự nhiên của gia đình mình.
Mọi chuyện bỗng trở nên suôn sẻ đến bất ngờ, khi mà Quốc Đạt bị hớp hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, lúc Anh Thư dịu dàng trong bộ váy trắng dài thướt tha từ cầu thang đi xuống. Cô hoàn hảo đến độ anh không thể tin trên thế giới này có một người con gái như thế - vẻ bề ngoài hoàn hảo với thân hình không thể cân đối hơn, kiểu điểm trang nhẹ nhàng nhưng thật sự hoàn hảo với gương mặt thanh tú cùng nụ cười ngọt như ru.
Anh Thư cũng nhanh chóng có cảm tình với Quốc Đạt, khi anh ngồi vào cây dương cầm đen bóng loáng giữa gian phòng khách rộng thênh thang, nhịp nhàng tạo ra âm thanh ngọt ngào của bản Love song bất hủ. Bản nhạc này, Lê Nam từng nghe cùng cô hàng trăm lần, qua hai chiếc tai nghe chia đôi cắm vào điện thoại của cô... Anh Thư thoáng giật mình khi không nhiên lại nghĩ về người cũ - người mà chính cô chủ động rời bỏ cách nay đã hai năm.
Cô càng có cảm tình với Quốc Đạt hơn, khi cả hai ngồi ngoài vườn nhà uống trà và nói về ước mơ của cuộc đời mình - một cách mở lòng rất dối mà những kẻ nhà giàu vẫn làm với nhau, bởi, họ chẳng bao giờ nói về sự thật trong lòng, thay vào đó là những viển vông tươi đẹp phù hợp với đẳng cấp của mình; ví như, em sẽ mở một quỹ từ thiện mang tên tập đoàn của cha mẹ, còn anh sẽ thu xếp để xây dựng chương trình khám bệnh miễn phí cho người nghèo... Bao nhiêu người giàu thật tâm nghĩ cho những cảnh đời éo le ngoài kia, không ai chắc cả; chỉ chắc chắn rằng, người nghèo luôn là cái cớ để họ trở nên thi vị, tốt đẹp, bao dung trong mắt những con người ở sát cạnh mình, giữa những buổi tiệc tùng đắt đỏ, từ những câu nói sáo rỗng mà có thể suốt cả đời chẳng bao giờ họ bắt tay làm... Nhưng hôm nay, ở đây, Anh Thư không cần nói dối và cũng chắc chắn rằng Quốc Đạt đang nói rất thật, về ước mơ trở thành một bác sĩ để xóa đi nỗi ám ảnh phải chứng kiến người thân rời bỏ mình - như bà nội anh đã từng! Cái khát khao thật ra rất giản đơn, lưu giữ nhiều phần hồn nhiên ấy, giống hệt Lê Nam - ngày anh bảo theo học IT chỉ để được chơi game nhiều hơn, vì nhà nghèo quá, chẳng có tiền mua máy tính, mua điện thoại, thậm chí đến tiền ra tiệm net cũng phải dùng dằng dành dụm rất nhiều ngày... Vẫn chỉ là Lê Nam! Vẫn là mọi thứ so sánh với người yêu đầu đời, người mà Anh Thư đã đánh giá là hèn yếu và vô dụng, rồi xem đó như cái cớ để kết thúc những năm tháng ngọt ngào yêu nhau... Tại sao vẫn cứ là Lê Nam như thế?
*
Anh Thư ngồi bần thần trước bàn trang điểm, tự hỏi, chuyện gì đang xảy ra với mình? Tại sao một cuộc gặp gỡ vô tình lại gợi nhắc quá nhiều thứ mà tự bản thân cô đã không còn muốn nhớ đến nữa? Lê Nam đúng là tình yêu tuổi trẻ, là mối tình đầu với nhiều kỷ niệm dễ thương, nhưng chẳng phải họ vốn đã không thể tìm thấy tiếng nói chung nên quyết định tách nhau ra hai ngả đấy sao? Nếu đã thế, sao giờ này cứ để lòng mình vướng bận mãi về một thứ rồi sẽ chỉ khiến nhiều người khổ đau?
Có tiếng gõ cửa rụt rè nhưng đủ khiến Anh Thư giật mình, trở về với thực tại, với cuộc sống của một người đàn bà có chồng, có con. Phải, cô còn có một đứa con gái! Bé Bông mở cửa, thò đầu vào rồi rụt rè bước từng bước vào trong phòng.
- Con... tối nay con muốn ngủ với vú!
- Sao vậy, con? - Anh Thư nhẹ nhàng. - Lại đây với mẹ!
Bé Bông tần ngần một lát rồi lắc lắc đầu.
- Con muốn ngủ với vú!
- Cũng được! - Anh Thư vẫn rất nhẹ nhàng với con. - Nhưng sao tự nhiên con lại muốn ngủ với vú?
- Con muốn nghe kể chuyện.
- Mẹ kể con nghe cũng được mà?
- Không! - Bé Bông cương quyết. - Con muốn vú kể!
- Được rồi! - Anh Thư bất ngờ với thái độ của con. - Để mẹ dẫn con qua phòng vú!
Nhưng khi Anh Thư vừa nhổm dậy, bé Bông đã lắc mạnh đầu, chạy lại giường, vơ con gấu bông nhỏ xíu rồi ù chạy đi, để lại cái nhìn ngơ ngác của mẹ. Con bé sao vậy nhỉ? Nó có chuyện gì buồn à? Hay hôm nay đi học có chuyện gì? Anh Thư nhìn theo con rồi đứng dậy, rời khỏi phòng, chậm rãi tiến về phía cuối hành lang, nơi có một gian phòng khá nhỏ, hắt leo lét ánh đèn nhờ nhờ vàng ra từ liếp cửa để hở - bé Bông không bao giờ cho đóng kín các cánh cửa ở bất kỳ nơi nào nó có mặt.
Tiếng vú Thơm rì rầm kể chuyện vọng ra, câu chuyện mà bé Bông đã nghe đến thuộc lòng, nhưng tuyệt đối không bao giờ chịu để cho Anh Thư kể; phải là vú kể câu chuyện này - "Ba chú heo con" - còn những người khác sẽ phải kể câu chuyện khác. Lặng im thêm một lát, Anh Thư trở ngược lại phòng. Đến căn phòng sát bên phòng ngủ, trước cánh cửa gần đây luôn khóa im lìm, Anh Thư tần ngần rồi đưa tay lên gõ.
- Ai đó? - Tiếng Quốc Đạt ơ hờ vọng ra, có vẻ gay gắt.
- Khuya rồi, anh! - Anh Thư cố gắng bình tĩnh.
- Em ngủ trước đi! - Quốc Đạt vẫn chỉ nói vọng ra. - Anh còn chút việc.
Bực bội, Anh Thư đưa tay vặn khóa cửa. Không được! Lặng đi một khoảng, đủ để Quốc Đạt biết cô vẫn đứng đợi ngoài này, nhưng tất cả vẫn chỉ là cánh cửa đóng im lìm.
- Anh mở cửa ra! - Anh Thư lớn tiếng. - Em có chuyện cần nói.
"Cạch" - chỉ một tiếng khô khốc báo hiệu khóa cửa vừa mở, nhưngvà vẫn chỉ là cánh cửa vẫn không hề động đậy. Gần như không thể chịu đựng thêm được nữa, Anh Thư dùng hết sức vặn khóa, đẩy cánh cửa mở bung cửa ra, bước thẳng vào trong. Quốc Đạt vừa ngồi lại vào ghế, đưa mắt nhìn ra, tỏ rõ sự khó chịu.
- Em làm cái gì vậy?
- Anh làm cái gì vậy?
Cả hai cùng lúc lên tiếng. Quốc Đạt cụp mắt xuống, đưa hai ngón tay day day giữa trán, vẻ mệt mỏi. Anh Thư thở hắt ra rồi tiến lại, ngồi xuống chiếc ghế đối diện, cách nhau một chiếc bàn gỗ lớn bày bừa đủ loại tài liệu y khoa.
- Gần đây, anh sao vậy? - Anh Thư dặn lòng phải nhẹ nhàng.
- Anh có sao đâu?! - Quốc Đạt ngẩng lên nhìn. - Nhiều việc, nhiều thứ phải suy nghĩ quá!
- Chuyện ba mẹ nói hả?
- Một phần! - Quốc Đạt cũng cố gắng giữ không khí không quá căng thẳng. - Chuyện ở bệnh viện nữa...
- Còn gì khác không? - Anh Thư cố giữ bình thản trong câu hỏi mà cô sợ phải nghe một câu trả lời giống như những gì mình suy đoán.
- Gì là gì? - Quốc Đạt chau mày. - Ý em là sao?
Là sao ư? Anh ấy liệu có nhớ được chính xác bao lâu rồi họ không có một đêm ở cạnh nhau đúng nghĩa vợ chồng? Anh Thư không cần tình dục, hay nói đúng hơn, cô là kiểu phụ nữ sống biết điều, đủ để biết đàn ông khi quá căng thẳng, quá mệt mỏi, họ có thể quên đi những nhu cầu rất đỗi bản năng ấy trong một khoảng thời gian. Nhưng có vợ để làm gì, khi mà đêm nào cũng nhốt mình trong phòng làm việc đến khuya, trở về phòng ngủ là ngay lập tức quay lưng đi tránh né? Có vợ để làm gì, mà mỗi lần như thế, khi cô chỉ vừa khẽ đưa tay chạm vào lưng, muốn hỏi một câu, muốn động viên một câu, là ngay lập tức nhận được một cái thở dài chán ngán, một câu lạnh băng "anh mệt" như thể thứ cô làm là một đòi hỏi quá đáng đến mức khó chấp nhận với anh?
Cũng từng rất nhiều lần, Anh Thư tự hỏi, giữa hai người họ có tình yêu hay không? Khi mà khoảng thời gian từ lần gặp gỡ ở buổi ra mắt do cha mẹ sắp đặt ấy, đến ngày cưới chỉ vài tháng ngắn ngủi? Họ thậm chí chỉ mới đi chơi riêng với nhau một vài lần, mà hơn nửa thời gian của những cuộc hẹn, anh dành cho những cuộc điện thoại công việc, với lời giải thích vì mới nhận việc ở bệnh viện nên muốn thể hiện mình nhiệt tình một chút! Họ thậm chí còn chưa từng bao giờ hỏi về sở thích hay đam mê của người kia, để cô mặc nhiên nghĩ, công việc là tất cả với anh, còn anh mặc nhiên nghĩ, sở thích của cô đơn giản gói trong những món hàng xa xỉ. Thậm chí, đến ngày ăn hỏi, hình như anh còn không biết hôm ấy chính là sinh nhật của cô... Nhưng hôn nhân chóng vánh hoàn toàn không mang nghĩa tạm bợ; Anh Thư mặc định cuộc đời mình rồi sẽ như mẹ, lặng lẽ sống bên cạnh một người đàn ông, sóng bước cùng họ theo đúng cách mình trọn vẹn thuộc về người kia. Gia đình cô giàu có, không ai có thể phủ nhận, nhưng như thế không có nghĩa cô sống tùy tiện hay quá tự do như một số người nhìn vào nhóm những người giàu và nghĩ, thừa tiền có nghĩa thiếu tình cảm, để khi không vừa lòng là dễ dàng buông tay.
Về sống cùng nhau, Anh Thư khá thoải mái với việc không phải làm dâu, khi cha mẹ cô đã có những "cuộc trò chuyện tình cảm" với sui gia, nói ra mong muốn đón Quốc Đạt về ở rể - chuyện này cũng dễ hiểu, vì cô là con gái độc của một gia đình tài phiệt nức tiếng Sài thành - và cả chuyện cô không phải tuýp phụ nữ chấp nhận cun cút ở bếp ăn. Nhưng Anh Thư đủ tử tế để cha mẹ chồng thấy hài lòng; chưa từng lễ tết, giỗ quảy nào cô không có mặt, dẫu chỉ là xuất hiện, ngồi vào bàn ăn rồi ôm con về. Anh Thư thậm chí còn chủ động sắp xếp để hai bên gia đình đi du lịch cùng, nhưng chuyện không suôn sẻ là ở phía cha mẹ Quốc Đạt, tự họ cảm thấy không thể tương đồng. Nhưng lẽ ra anh nên nhớ rằng, chính cô dạy bé Bông - con gái họ - phải yêu thương, kính trọng ông bà; và cũng chính cô là người luôn muốn cho con gái về thăm cha mẹ anh nhiều hơn những lần anh đưa ra đề xuất ấy.
Tự vấn lại tất cả, Anh Thư cảm thấy mình hoàn toàn không sai gì. Làm dâu, làm vợ, làm mẹ, tất cả cô đều đã cố gắng để chu toàn, theo thói quen mà bản thân cô đã được học từ ngày biết ghi nhớ. Thế nên, sau nhiều tháng dài ròng rã, hai vợ chồng vốn chỉ còn đúng nghĩa thấy mặt nhau chứ hoàn toàn không trò chuyện, với Anh Thư là điều khó chấp nhận, cho dù lời giải thích có là nhiều việc, thì cô cũng không thể cảm thấy hài lòng. Cuộc sống này, ai chẳng có gia đình, ai chẳng có công việc? Lẽ nào, cả thế giới cứ vì lời giải thích vô trách nhiệm ấy mà người thân có quyền tảng lờ nhau? Công việc không hài lòng, có thể tìm việc khác; nhưng liệu anh rồi có thể tìm được ai khác thế chỗ cô và bé Bông hay không? Có lẽ là có! Và, có lẽ đó là lý do cho sự lạnh nhạt mà anh đã dành cho cô bấy lâu nay!
- Anh nghĩ, mình đang bình thường hả?
- Anh không hiểu ý em? - Quốc Đạt bắt đầu có vẻ mất kiên nhẫn. - Em muốn gì thì cứ nói đi!
- Muốn gì à? Muốn một cuộc sống bình thường! Bao lâu rồi anh...
- Anh đã nói là anh nhiều việc! - Quốc Đạt gắt.
- Việc? Việc quan trọng hơn hay gia đình này quan trọng hơn?
Nói rồi, Anh Thư bật dậy và rời đi rất nhanh. Thật ra, ngay từ bước chân đầu tiên rời khỏi gian phòng ấy, cô đã cảm thấy mình sai lầm; không phải bởi đã lớn tiếng, mà bởi cô đã không ở lại làm cho rõ ngọn ngành. Cô không tin vì công việc mà Quốc Đạt bỏ rơi cô cùng con gái suốt chừng ấy thời gian. Sống trong gia đình này, chứng kiến cha lèo lái con thuyền lớn với những hợp đồng bạc tỷ, nhưng chưa bao giờ bữa ăn tối vắng mặt ông, chưa từng bao giờ mẹ bệnh mà ông không ở cạnh chăm sóc, chưa từng bao giờ ông quên kế hoạch mỗi năm du lịch nước ngoài hai lần cùng vợ con... Quốc Đạt thật bận hơn cha cô sao? Không! Chắc chắn không! Nếu có, chỉ là anh ta đang có một mối quan hệ đủ quan trọng để phải dành nhiều thời gian hơn là gia đình này.
*
"Em ngủ chưa?" - tin nhắn từ một người chưa kết nối trên mạng xã hội, nhưng cái tên Lê Nam khiến Anh Thư không thể dửng dưng xem như một trong số những gã trai mới lớn ngưỡng mộ nhan sắc và gia sản của cô mà buông lời chòng ghẹo.
Anh Thư mở tin nhắn ra xem, nhưng không bấm nút chấp nhận tin nhắn chờ. Cô đợi một "lời mời kết bạn", có lẽ vậy, nhưng không gì cả. Năm rồi mười, mười lăm phút, chỉ là tin nhắn của một người lạ - theo đánh giá của facebook. Cô không nên trả lời!
"Anh thấy mình vô ý quá, chưa xin số điện thoại của em" - thêm một tin nhắn nữa sau khoảng thời gian tự Anh Thư muốn cho Lê Nam để anh có một hành động giữa thế giới ảo, nhưng đủ để cô xác định là muốn có nhiều hơn duy nhất một lần tương tác này. Cô vẫn không nên trả lời!
"Anh gọi số cũ, nhưng có vẻ như em không còn dùng..."
"Em đổi số rồi!" - Anh Thư nghe tim mình như bị bóp nghẹt, anh vẫn còn lưu số của cô ư? - "Anh vẫn còn lưu à?"
"Anh còn nhớ!"
Hình như, sau tin nhắn ấy, tự Lê Nam cũng cần một khoảng thời gian rất riêng, để tự hỏi, tại sao, sau chừng ấy thời gian không liên lạc, khi mà biết chắc người kia cố tình cắt đứt mọi thứ thuộc về mối quan hệ tưởng được trân trọng từ cả hai, anh vẫn còn có thể nhớ như in mười con số ấy, không hề nhầm lẫn, không chần chừ, một lần bấm là có thể chính xác ngay...?
"Em ngủ đi, khuya rồi!" - Hốt nhiên, Lê Nam nhắn, cắt đứt cuộc trò chuyện do chính anh chủ động tạo ra.
Anh Thư thần người, chỉ thế thôi sao? Anh chỉ muốn hỏi số điện thoại của cô, nhưng rồi dừng lại khi chưa nhận được câu trả lời? Có phải, anh không còn muốn biết nữa? Hay... ở đó, có ai khác xuất hiện khiến cuộc trò chuyện này không thể tự nhiên diễn ra theo cái cách mà cả anh, cả cô cũng chẳng biết rồi sẽ đưa họ đến đâu?
Có tiếng lạch cạch mở cửa, Anh Thư ngẩng lên và thoáng bối rối khi bắt gặp ánh mắt hối lỗi của Quốc Đạt hướng thẳng về phía mình. Trên tay, điện thoại cô lại rung lên báo có tin nhắn mới.
"Nếu có thể, nhắn cho anh số điện thoại của em nhé!"...