• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tất cả mọi người đều có chung một đề tài nóng hổi là cái chết của Huyết Mai hội chủ Điền Sĩ Lệ, tức Minh chủ Võ Lâm Âu Dương Mẫn. Người có công lao lớn nhất trong vụ này lại chính là Thần Đao bảo chủ Tần Minh Viên.

Giữa giờ Thìn ngày rằm tháng mười một, đại hội tranh chức Minh chủ Võ lâm sẽ được cử hành long trọng.

Số người tham dự đông đến hàng vạn, nhiều hơn bất kỳ một thịnh hội nào trước đó trong suốt trăm năm trở lại đây.

Một trong những lý do hấp dẫn khách giang hồ là việc bãi bỏ quy định tuổi tác người ứng cử.

Từ một chàng trai hai mươi cho đến bà già trăm tuổi cũng được quyền thượng đài.

Nghe nói chính Hoài Âm Vương Chu Kiềm đã ra lệnh như vậy và ông sẽ đích thân dự khán đại hội lần này cùng vị Vương phi đẹp như Hằng Nga tái thế của mình.

Người ta kháo nhau rằng Tần vương phi còn đẹp hơn cả Đông Nhạc Tiên Hồ Dịch Tái Vân. Đẹp đến mức lão chết tiệt Diệu Thủ Thần Cơ phải bị thiến.

Quần hùng mò đến chân núi Thiếu Thất từ mờ sáng, để tìm cho mình một vị trí tốt. Hộ chễm chệ ngồi xuống chỗ đã chiếm được, vừa ăn sáng vừa nói chuyện phiếm. Tất nhiên đề tài nóng hổi chính là cái chết của Nam Thiên Tôn và vụ cháy Long Vân bảo.

Đắc ý hơn ai hết là bọn hào kiệt vùng phía Nam sông Hoài. Họ cười hô hố kể rằng Quảng Chiêu Phong đã sạt nghiệp, nghèo đến mức phải ăn chực Vương phủ, đừng nói đến việc dựng lại cơ đồ.

Mọi người cố phỏng đoán xem hung thủ là ai mà lại có thể huy động được âm binh và vét sạch phòng quỹ vô cùng bí mật của Long Vân bảo.

Thực ra chính Tú sĩ cũng nghi ngờ rằng Cầu Nhiêm đại hiệp Quách Tử Khuê còn sống và ra tay phục hận. Bằng cớ là đội quân tinh nhuệ của lão đi tấn công Hoàng Phong Hầu phủ đã chết sạch, còn một mình Lã Hoa Dương. Nhưng Thiếu Lâm Thần Côn chỉ gặp Lã Bất Thành và không biết bên Hầu phủ có những cao thủ nào. Do đó Quảng Chiêu Phong lại thiên về giả thiết Nữ Hầu tước đã được Nam Bắc bang hỗ trợ.

Tiết đông lãnh lẽo nhưng tuyết chỉ rơi lất phất. Tuy nhiên ai cũng mặc áo ngự hàn và uống vài chung rượu cho ấm người.

Mùa Đông chinh là thiên tai đối với người nghèo, cho nên hai chữ “cơ hàn” mới đi chung. Họ không tiền để mua áo lông cừu, đành chịu co ro trong những chiếc áo kép, áo bông sơ sài chẳng đủ ấm.

Ngược lại trời rét lại là dịp để người khá giả kheo khoang những bộ áo lông đắt tiền. Gọi là bộ vì ngoài áo choàng dài đến gót, còn có cả mũ và ủng.

Lông cừu, lông dê chỉ là loại xoàng. Loại sang nhất, đắt tiền nhất chính là lông Điêu Thử.

Điêu Thử là loài thú nhỏ sống ở Tây Bá Lợi Á, phía Bắc nước Nga La Tư, và ở Nhật Bản. Bộ lông của nó mượt mà, dài, rậm, chống rét cực kỳ hữu hiệu.

Người ta phải dùng mấy chục tấm lông Điêu Thử mới may thành một bộ áo ngự hàn, nên giá đắt hơn vàng. Tất nhiên thứ lông ấy cũng rất đẹp dù chỉ có hai màu, vàng hoặc đen.

Sáng nay hai người duy nhất mặc áo Điêu Thử chính là Hoài Âm Vương và Tần vương phi. Chu Kiềm chọn màu vàng còn Hạnh Nga màu đen, khiến gương mặt kiều diễm trắng như ngọc của nàng càng nổi bật.

Chính vì sự hiện diện của hai vị quý nhân này mà chiều sâu của lôi đài phải tăng lên gấp rưỡi. Phần được làm thêm cao hơn sàn đài một sải tay. Vương gia cùng Vương phi sẽ ngồi trên ấy dự khán, và bàn của ban giám khảo ở phía trước họ. Dĩ nhiên chung quanh họ còn không ít cận vệ.

Ban giám khảo tức Hội đồng Võ lâm cũng vẫn chỉ có sáu người y như cũ.

Lý do là vì trận đấu giữa Lôi Đình cung chủ và Long Vân Tú Sĩ đã bị hủy bỏ khi Long Vân bảo bốc cháy.

Ngay trong đêm ấy, Hắc Diện Thần Ưng Lý Quang Ban đã chạy vào thành Tín Dương đến Vương phủ báo tin. Long Vân Tú Sĩ rụng rời chân tay, phi ngựa như bay về Thốc Sơn nhưng đã quá muộn. Sang hôm sau lão cùng thuộc hạ đào bới dống gạch vụn, mò xuống phòng quỹ dưới tầng hầm. Chiếc Tủ gỗ dày bọc đồng lá vẫn còng nguyên, song số châu báu và ngân phiếu trị giá sáu chục vạn lượng vàng đã biến mất. Thế là Quảng Chiêu Phong tức đến phát ốm, chẳng còn lòng dạ đâu mà so tài với Trác Ngạn Chi nữa.

Đúng giờ đã định Hoài Âm Vương oai vệ nói lời khai mạc. Đại ý trong bài diễn văn là việc chấn hưng nền võ học Trung Hoa, giúp trai tráng được khỏe mạnh, can trường để rồi còn đi lính. Cuối cùng gã giới thiệu Trương Thiên Sư là người chấp chưởng mới của Hội đồng Võ lâm.

Phần lớn quần hùng bấm bụng cười thầm, bởi thực chất họ chính là những kẻ chống quân dịch, sưu thuế. Theo luật Đại Minh thì tất cả chàng trai trẻ hai mươi tuổi đều phải nhập ngũ hoặc đi làm sưu dịch, cho đến tuổi sáu mươi. Trừ tăng nhân đạo sĩ, những người tàn tật, bệnh nặng. Sau khi Hoài Âm vương huấn thị xong, Trương Thiên Sư bước ra tiến hành những thủ tục cần thiết. Ông đọc đài quy và kêu gọi quần hùng đăng ký ghi danh tham dự để ban giám khảo tra xét tư cách đạo đức.

Tránh vết xe đổ lần trước năm nay có thêm quy định là tân Minh chủ chỉ được trao cờ và ấn sau nửa năm điều tra cặn kẽ. Không những thế, trong lúc đương nhiệm, Minh chủ vẫn có thể bị Hội đồng Võ lâm truất phế khi có đủ sáu phiếu thuận và sự chuẩn y của Hoài Âm Vương.

Những cải cách ấy của Trương Thiên Sư đã được mọi người thán phục. Họ cho rằng tài lãnh đạo của Trương Sách hơn hẳn Vạn Thiên Tử. Bản thân Huyền Thiên chân nhân cũng rất cao hứng. Việc ông trừ yêu tróc quái ở Hoài Âm vương phủ đã lan truyền rộng rại khiến uy tín của Thiên Sư giáo được nâng cao chót vót. Bách tính hết lời ca ngợi Trương Sách và lũ lượt kéo đên các đạo quán và làm cho sự nghiệp Thiên Sư giáo hưng thịnh hơn bao giờ hết.

Giới hạn tuổi tác đã được nới rộng nên số người đăng ký tranh tài khá đông, song chẳng có ai trên bát thập. Ở tuổi ấy trừ những kẻ căn cơ thượng đẳng, kỳ dư đều gối mỏi chân chùn, đầu óc mụ mẫm yếu đi theo quy luật của tự nhiên.

Điều lệ mới còn tuyệt diệu ở chỗ phân chia các ứng viên thành hai nhóm tùy theo tuổi tác, từ nhị thập đến ngũ thập và từ ngũ thập trở lên. Hai kẻ đứng đầu hai nhóm ấy sẽ đấu trận bế mạc, ai thắng làm Minh chủ còn người thua làm phó.

Quy củ này làm nức lòng giới trẻ, họ ghi danh khá đông. Sự vắng mặt của Ngân Diện Hầu đã khiến nhiều người can đảm hơn. Vả lại đài quy chỉ cho phép các ứng viên thành danh nhờ ám khí xuất thủ một làn duy nhất trong một trận đấu.

Sự tham gia của Nga Mi Nhất Phụng Lạc Y Thường là một bất ngờ thú vị.

Đã ba bốn năm nay, Nhất Phụng không vào Trung Nguyên. Người thứ hai trong Võ Lâm Ngũ Tú đăng ký thượng đài là Vỡ Đương Thần Kiếm Mộ Duy Lộ.

Nhóm cao thủ lão thành cũng thiếu một người, đó là Long Vân Tú Sĩ Quảng Chiêu Phong. Giang hồ đã biết họ Quảng luyện thành tuyệt học “Thanh Hà”, hạ sát Nam Thiên Tôn dễ như trở bàn tay. Nghĩa là Tú sĩ thừa sức trở thành Minh chủ.

Tóm lại, sự khiếm diện của hai đại cao thủ một già một trẻ đã gây nhiều thắc mắc lẫn nỗi vui mừng. Nhưng thủ tục ghi danh xét duyệt còn tiếp tục đến cuối ngày hôm nay, nên chẳng ai dám đoán chắc Ngân Diện Hầu và Long Vân Tú Sĩ sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Lôi Đình cung chủ Trác Ngạn Chi là người nóng ruột nhất. Lão rất cần gặp đứa cháu hờ Tiêu Mẫn Hiên. Tiêu Lạp Dân và Tiêu Dị An đã qua đời nên người duy nhất có quyền định đoạt tài sản Hầu phủ là Tiêu Hầu gia. Nếu lão không sớm thu phục được Mẫn Hiên thì chỉ vài năm nữa, hai trăm đệ tử Thần cung sẽ chẳng còn gạo mà ăn. Trác Ngạn Chi đã vung tay quá trán khi xây dựng Thần cung mới, ngân quỹ bị thâm hụt rất nặng. Bao năm qua, Thần cung tồn tại được cũng là nhờ ăn chia với Hoạch Đầu hội. Do cái chết của cha con Lạp Dân và cây “Hắc Ngọc tiên đào” mà Đế Quân phải dời nhà vào Trung Thổ.

Khổ thay, chính thủ hạ của Đế Quân là Tổng quản Du Vinh lại khăng khăng nghe lời Tiêu Mẫn Hiên, duy trì Phi Đao Bảo An hội và không đi đâm thuê chém mướn nữa. Du Vinh được sự hậu thuẫn của toàn bộ nhân thủ Hoạch Đầu hội, cũng như Tiêu Nhị phu nhân Tử Lan nên Trác Ngạn Chi đành phải bó tay.

Đế Quân tức nổ đom đóm mắt khi hôm nay Du Vinh thản nhiên dương cờ Phi Đao Bảo An hội, hộ tống Hầu Tước phu nhân Tử Lan đến dự đại hội. Du lão và Từ nương được quần hùng đón chào nồng nhiệt và được ban tổ chức xếp ngồi ở dãy ghế danh dự, ngang hàng với Lôi Đình cung chủ. Từ nương đến đây với hi vọng gặp được con trai mình. Đứng hộ vệ sau lưng bà và Du Vinh chính là hai anh em họ Từ. Họ mới từ Bắc Kinh trở về đưa Kỹ Tòng Thư đến Hứa Xương hôm cuối tháng chín.

* * * * *

Giờ chúng ta tìm hiểu xem sao hai đại nhân vật ấy lại vắng mặt.

Thực ra thì Long Vân Tú Sĩ đã gặp phục binh. Mờ sáng ngày mười ba, Quảng Chiêu Phong cùng tá thủ hạ rời thành Nhữ Châu. Đoàn tùy tùng khiêm tốn ấy gồm Hắc Diện Thần Ưng và bảy tên đệ tử của Tú sĩ.

Trời lạnh cắt da, tuyết phủ trắng ngô đồng, lau sậy hai bên đường. Tuy là người cơ cảnh nhưng Tú sĩ cũng không nghĩ đến việc kẻ thù sẽ mai phục nơi trống trải thế này. Hơn nữa, nằm bất động hàng giờ dưới tuyết là hành vi dại dột và khó thực hiện. Dọc đường từ đây đến Đăng Phong thiếu gì những địa hình tốt để mai phục.

Nhưng khổ thay, phe đối phương lại khá ngu ngốc, chọn ngay hạ sách khiến một kẻ đa mưu túc trí như Long Vân Tú Sĩ phải bất ngờ. Từ những đống tuyết lạnh lẽo ở hai bên đường, phục binh bất thình lình ló ra chẳng khác nào thây ma đội mồ. Và những xác chết trắng toát ấy tân công Tú sĩ bằng một thứ ám khi rất lạ lùng. Mấy chục cái khiên băng thép mỏng vun vút xé gió đông bay đến và vây bủa chín con mồi.

Bọn mai phục cực kỳ xảo quyệt, xuất thủ đánh vào lưng và tả hữu lúc phe Tú sĩ sắp vượt qua trận địa. Vật bay càng nhanh âm thanh phát ra càng lớn, nên Quảng Chiêu Phong nhanh chóng rời yên ngựa bốc lên cao để tránh né. Họ không biết rằng đối phương đã tiên liệu trước, tập trung ám khí ở độ cao thích hợp. Hậu quả là những con mồi bị vành khiên sắc như dao xé rách.

Hắc Diện Thần Ưng và bảy gã đồ đệ thân tín của Long Vân Tú Sĩ kêu rên thảm khốc, rơi xuống đất. Ngy cả bản thân Long Vân Tú Sĩ cũng không toàn vẹn. Trong lúc cấp bách lão chẳng thể phát huy hết công dụng của “Thanh Hà bất hoại thần công”, nên đã thọ thương ở mông và đùi. May mà lão có mặc bảo y nếu không thì lưng cũng bắn máu tươi.

Cho rằng đã trúng phải mai phục của Xoa Lạp cốc chủ Nhạc Tự Chương, Long Vân Tú Sĩ chẳng dám sính cường ở lại chiến đấu. Chân vừa chạm đất là lão lao vút đi như tên bắn, chẳng màng đến tính mạng thủ hạ. Trong lúc thọ thương Tú sĩ không tự tin thắng được Nhạc Tự Chương và mấy chục cao thủ Xoa Lạp cốc. Lão vừa chạy và nghiến răng thề sẽ báo thù.

Họ Quảng không hề biết rằng toán phục binh chẳng hề nghĩ đến việc vây đánh lão. Họ nhanh chóng giết chết tám kẻ trúng thương, thu nhặt vũ khí, lục lọi chiến lợi phẩm rồi rút lui ngay.

Ba mươi hai người này được trùm kín toàn thân bằng thứ lông cừu thượng hàng nên có thể bày ra trận địa mai phục dưới cơn mưa tuyết. Hơn nữa, cái lạnh của mùa đông Trung Thổ chẳng thấm gì so với cao nguyên Sơn Tây hoặc Thiểm Bắc.

Xong xuôi, họ nhanh chóng kéo về nơi giấu ngựa, theo đường tắt mà đi về hướng Bắc. Dường như họ đã có sẵn kê hoạch chu đáo và sẽ dành cho Long Vân Tú Sĩ một bất ngờ nữa.

Gần cuối giờ Tý, có một kỵ sĩ áo cừu đen, mũ lông phủ tai, che kín gần hết gương mặt, dừng cương bên bờ sông Dĩnh Hà. Thành Đăng Phong bên kia sông chỉ cách chừng hai chục dặm.

Tuy được gã trạo phu đò ngang mời mọc ân cần, song kỵ sĩ nọ chẳng vội xuống đò, đảo mắt quan sát rất kỹ lưỡng. Khi thấy trên đò chỉ có bốn năm kẻ quê mùa già lão, mang theo quang gánh chứa đầy rau và gà vịt, người kỵ sĩ mới yên tâm hạ mã, dắt ngựa lên đò.

Gã trạo phu vui vẻ nói:

- Xin đại nhân chờ ít khắc, chỉ cần có thêm vài người khách nữa là tiểu nhân sẽ khởi hành ngay!

Kỵ sĩ áo đen nóng ruột phủ dụ:

- Lão phu đang gấp. Ngươi cứ việc khai thuyền, lão phu sẽ trọng thưởng.

Giọng nói thanh tao ấy là của Long Vân Tú Sĩ. Lão thấy gã trạo phu gật đầu cười hề hề, ra dáng muốn cầm tiền trước, bèn móc túi ra lấy tờ Bảo Sao năm lượng bạc.

Gã trạo phu chớp lấy rất nhanh rồi hớn hở ra lệnh sang sông. Đò ngang khá lớn chở được cả xe hàng hóa nên cần đến năm sáu tay chèo.

Quảng Chiêu Phong có trí nhớ rất tốt, đã vài lần qua đây nên biết mặt gã chủ đò ngay. Gã ta họ Trần tên Ngũ, hành nghề đã chục năm.

Tuy khá yên tâm Tú sĩ vẫn rất cảnh giác, vận thần công hộ thể để đề phòng bất trắc. Khi dồn chân khí ra châu thân, da thịt lão căng phồng lên, làm hai vết thương ở mông và đùi phải đau rát. Vết thương không nặng nhưng cũng làm khinh công của lão giảm sút đáng kể. Hai là những chỗ ấy rất dễ bị tổn thương lần nữa, nếu đối phương tấn công vào đấy.

Long Vân Tú Sĩ nghe lòng sục sôi lửa hận thù, quyết dành cho Nhạc Tự Chương cái chết thảm khốc nhất. Từ lâu lão đã rất ghét Xoa Lạp cốc chẳng kém gì đối với Ngân Diện Hầu. Lão đã nghe báo lại rằng trong cái đêm Xảo Diện Khách Khưu Trọng Nhiệm bị giết, đã có mấy chục gã kiếm thuẫn người Thổ, mang dang nghĩa gia đinh họ Quách.

Tú sĩ vô cùng thương tiếc đứa em ruột thịt tài ba. Khưu Trọng Nhiệm đã đổi họ, giết người cướp của mấy chục năm, tích cóp được bao nhiêu cũng đem về Thốc Sơn cho huynh trưởng. Nay số tài sản mồ hôi nước mắt ấy đã mất sạch, Tú sĩ cơ hồ phát điên lên được.

Dù đang miên man suy nghĩ như thế nhưng khứu giác của Tú sĩ vẫn ngửi được mùi hỏa dược. Lão là bậc thầy trong nghề sử dụng thuốc nổ nên chẳng lạ gì cái mùi khen khét ấy.

Long Vân Tú Sĩ kinh hoàng, nhún chân bay vèo lên cao, cố rơi cuống nước càng xa càng tốt vì hiểu rằng sức ép của vụ nổ sẽ lan trải dưới sông có thể giết chết lão.

Hai vết thương ở mông và đùi đã làm chậm chân Tú sĩ. Nhờ “Thanh Hà thần công” và bảo y mà lão thoát chết nhưng đã thọ thương khá nặng. Lão khôn ngoan giả chết, trôi theo dòng nước lạnh lùng của sông Dĩnh Thuỷ. Phe địch bơi đuổi theo nhưng không kịp, vì Tú sĩ bị hỏa dược đẩy văng đi rất xa.

* * * * *

Đấy là nguyên nhân khiến Long Vân Tú Sĩ không có mặt ở đậi hội võ lâm.

Còn Ngân Diện Hầu thì hiện diện từ lâu trong lốt hóa trang và không đi chung với Nữ Hầu Tước Trình Thiên Kim.

Tử Khuê ngại chạm mặt với Lôi Đình Đế Quân nên đã không dùng thân phận Ngân Diện Hầu. Chàng rất bất nhẫn khi nhìn thấy vẻ trông chờ tuyệt vọng trên gương mặt hốc hác của Tiêu Nhị phu nhân Từ Lan. Song bản thân chàng cũng đang ở trong trạng thái thống khổ cùng cực, từ lúc biết trừ mẫu thân chẳng ai còn sống sót.

Tử Khuê đã vùi đầu vào khổ luyện võ công để có thể tạm quên đi nỗi thương tâm. Nếu không chàng sẽ suy sụp và gục ngã. Nhưng hình bóng của Tái Vân, Tiểu Tinh, Tống Thụy, Tử Chiêm, Quan San... cứ mãi hiện ra khiến lòng chàng tan nát.

Tử Khuê đến đây chẳng phải để tranh ngôi Minh chủ, chỉ mong có cơ hội tốt để ám tập Long Vân Tú Sĩ. Nhưng kẻ thù lại vắng mặt một cách khó hiểu khiến chàng rất thất vọng, rời khỏi đại hội, lững thững dạo quang vòng ngoài.

Đại hội sẽ kéo dài bảy tám ngày, thậm chí lâu hơn, nên quán xá mọc lên như nấm, đông đúc hơn cả hồi năm ngoái, khi khách giang hồ đến đây tìm “Diêm Vương quỷ kỳ”.

Và không chỉ mình Tử Khuê chán ngán sự chờ đợi, trong lúc ban giám khảo tiếp nhận ghi danh hay xét duyệt, có hàng ngàn hảo hán đã bỏ ra đây để uống rượu và đấu khẩu.

Năm nay, do sự hiện diện của Hoài Âm Vương mà quan lại thành Đăng Phong khổ như chó! Lão Tri huyện thì phải túc trực dự khán đại hội, luôn ở trong tầm mắt Chu Kiềm để chứng tỏ mình mẫn cán, quan tâm đến mọi sự việc trong địa hạt. Phần Tổng binh Trịnh Trường Hoài đang đứng trước lều chỉ huy.

Chàng rất mến gã hiếu tử cương trực này bèn rẽ vào.

Trịnh tổng binh thấy khách chẳng hề quen bàn cau mày nói:

- Đây là chốn quân cơ, thường dân không được phép vào.

Tử Khuê thản nhỉên dấn bước, xòe kim bài ra nói:

- Bổn nhân là Ngân Diện Hầu đây!

Trịnh Trường Hoài mừng rỡ hớn hở ôm quyền thi lễ:

- Mạt tướng có ý mong đợi Hầu gia, không ngờ người lại cải trang vi hành thế này. Mời Hầu gia vào lều uống vài chén cho ấm bụng.

Tử Khuê lắc đầu:

- Cảm tạ hảo ý của Trịnh túc hạ. Nhưng ta ghé vào chỉ vì muốn biết túc hạ đã đòi được công đạo hay chưa?

Trịnh Trường Hoài vái dài, sắc diện rất rạng rỡ:

- Ơn tương trợ của Hầu gia suốt đời này mạt tướng không dám quên. Kẻ hèn này đã theo lời người dạy bảo, rắc thứ phấn tuyệt diệu ấy vào phong thư rồi gửi cho lão cẩu tặc Trác Thanh Khê. Đồng thời mạt tướng cử người đến Hàng Châu nghe ngóng. Quả nhiên họ Trác đã phát cuồng, cưỡng bức bất cứ nữ nhân nào lão trông thấy. Và nửa tháng sau lão chết trong cảnh điên loạn. Nha môn Triết Giang không hề nghi ngờ phong thư kia. Dẫu họ có điều tra thì cũng vô ích vì mạt tướng đã ghi một cái tên vớ vẩn nào đó.

Tử Khuê hài lòng chúc mừng họ Trịnh rồi quay bước. Sự thành công mỹ mãn của mưu kế đơn giản nọ khiến chàng thức ngộ ra trí tuệ luôn lợi hại hơn cả võ nghệ.

Khi nghe chàng kể về thứ bột “Cuồng Tâm tán” pha “Thiên niên Hà thủ ô”, Tống Tiểu Tinh kết luận rằng nó là loại thuốc độc không thể giải được. Bằng chứng là Lôi Đình Đế Quân phải bó tay, để Lập Dân và Dị An vong mạng, dù lão sở hữu giải dược “Cuồng Tâm tán”. Phụ Thân của Trác Ngạn Chi đã tặng ba trái “Hắc Ngọc tiên đào” cho Nhật Nguyệt Lão Nhân để đổi lấy chất kỳ độc cuồng tâm.

Tử Khuê bồi hồi nhớ đến số độc phấn còn lại đang nằm trong chuôi kiếm, tự hỏi mình có nên sử dụng để báo thù hay không và bằng cách nào?

Vừa đi vừa cân nhắc, đôi mắt của Tử Khuê chợt nhìn thấy Lạc Mạo chân nhân trong một quán trọ tồi tàn. Chàng mừng rỡ bèn ghé vào, ngồi xuống ghế đối diện và khẽ gọi:

- Sư thúc! Tiểu điệt là Vu Diệp đây!

Trời lạnh nên việc mang mặt nạ da người không gặp điều bất tiện như trời nóng bức. Hành thích Long Vân Tú Sĩ trước mặt Hoài Âm Vương dù thành hay bại cũng bị khép tội. Do đó Tử Khuê đã phải hóa trang cẩn thận. Hiện tại chàng mang dung mạo của một hảo hán đôi mươi, mặt bị bẫm, hiền lành, non nớt và danh tính là Dương Đức Thao, quê quán ở tận đất Ngân Xuyên, Tây Vực.

Nghe giới thiệu Lạc Mạo chân nhân hoan hỉ cười tít mắt:

_ Mẹ kiếp! Thế mà bần đạo cứ tưởng thuật bói toán của mình không còn linh nghiệm nữa. Ngươi mà không đến thì bần đạo phải đi Hứa Xương để tìm.

Tử Khuê cau mày hỏi:

- Sư thúc tìm tiểu điệt vì việc gì?

Chân nhân cười méo mó, nhăn mặt đáp:

- Bần đạo đã sai lầm khi xem Long Vân Tú Sĩ là Ma vương xuất thế. Thực ra đại nạn lại dấy lên ở phương Bắc, và ngoài ngươi ra không ai có thể vãn hồi tai kiếp này.

Tử Khuê ngao ngán lắc đầu, lạnh lùng ngắt lời:

- Đấy là việc của sư thúc! Tiểu điệt cũng vì những ân oán giang hồ mà mang họa diệt gia, giờ quyết chảng màng đến thịnh suy của võ lâm nữa.

Dứt lời, Tử Khuê đứng dậy, vái chào Chân nhân rồi bỏ đi. Chân nhân không hề giữ lại, vuốt râu mỉm cười bí ẩn.

Tử Khuê thẫn thờ rảo bước, cố tránh xa Lạc Mạo chân nhân. Không phải là chàng chán ghét lão, chẳng qua thù nhà quá nặng khiến hùng tâm, tráng trí lụi tàn.

Tử Khuê vô tình theo chân một nhóm hảo hán đến một tòa nhà gỗ lớn, nơi đang tập trung khá nhiều người.

Hàng rào bằng ván gỗ và những khoảng sân trơ đất ở chung quanh mộc xá chứng tỏ nó chỉ mới được dựng lên và không có ý định lưu lại mãi chốn này.

Tuy nhiên bản thân cơ ngơi ấy thì rất đẹp và đồ sộ. Có lẽ nó được mang từ nơi khác đến. Cột cái của kiến trúc gỗ thường được kê trên những chân tán bằng đá chứ không chôn xuống đất nên rất dễ tháo rời.

Sự hiện diện của bọn giáp sĩ giáo dài khiến Tử Khuê đoán rằng đây là chốn nghỉ ngơi của Hoài Âm Vương. Nhưng dường như không phải vì trên dãy hành lang mặt trước mộc xá bày biện những vật kỳ lạ gì đó, thu hút nhiều người xem.

Tử Khuê tò mò bước lại gần kiễng chân quan sát. Thì ra trên vách ván treo đầy những thanh bảo đao, bảo kiếm cũ kỹ, cổ kính. Các loại trường binh như côn, kích, giáo, đại đao thì được cắm dựng đứng trong giá binh khí, tất cả đều sáng loáng, tỏa ánh thép xanh rờn, thoáng nhìn cũng là đồ tốt.

Tử Khuê hỏi nhỏ gã kế bên:

- Này đại huynh! Phải chăng người ta đêm những vũ khí ấy đến đây để bán?

Hảo hán nộ quay lại thấy gương mặt non choẹt của đối phương thì phấn khởi, khoe khoang kiến văn:

- Tiểu huynh đệ chắc mới xuất đạo nên không biết. Đây chính là cửa hàng binh khí nổi tiếng nhất võ lâm. Chủ nhân của nó là Thiên Bảo Đổ Hầu Kỹ Thục Luân. Lão ta chuyên sưu tầm những vật quý giá, kỳ lạ trong võ lâm, kể cả binh khí, vài năm mới đem phát mãi một lần.

Tử Khuê gật gù hỏi thêm:

- Đại huynh! Thế sao trong chiêu bài của lão ta lại có chữ “Đổ Hầu”?

Gã kia vênh mặt đáp:

- Kỹ Thục Luân là em họ Kỹ Thục Thái Phi, mẹ của Đương Kim Hoàng Đế nên được phong tước hầu. Nhưng lão ta lại mê cờ bạc hết chỗ nói, liền xưng là “Đổ Hầu”. Lát nữa ngươi sẽ thấy lão ta đỏ đen ngay cả trong kinh doanh.

Gã dừng lại nuốt nước bọt, lấy hơi nói tiếp:

- Chắc ngươi không hiểu chứ gì? Ví dụ một thanh bảo kiếm giá một ngàn lượng vàng, nếu ngươi chỉ có tám trăm lượng thì có thể thử thời vận bằng cách chọn một trong mười hộp kiếm giống nhau, hoặc là ngươi đổ xúc xắc với lão ta.

Là kẻ xui tận mạng nên Tử Khuê rất chán ghét nghề đổ bác. Chàng cảm tạ hảo hán nọ rồi bước qua hành lang mé tả của mộc xá.

Ở đây, ngoài binh khí còn những bảo vật khác như áo giáp, hộ tâm kính, ngà voi.... và đặc biệt là một con sơn quỷ rừng Thần Y Giá. Lão già trông coi cửa hàng giới thiệu như thế.

Con vật nửa người nửa khỉ này chỉ cao bằng đứa trẻ chín mười tuổi, toàn thân phủ đầy lông đen tuyền nhưng không có đuôi. Nó đang bị nhốt trong một chiếc lồng sắt rất kiên cố.

Vu Mộc chân nhân từng tận mắt quan sát bọn sơn quỷ và vẽ lại rất sống động chính xác. Do đó, Tử Khuê biết con vật đó là đồ giả. Sơn quỷ thực phải có những đặc điểm như: trán thấp, mắt vàng, xương mi mắt lộ, mũi hếch, miệng rộng, răng nhọn, tai vểnh....

Trong khi con trước mặt chàng chẳng khác gì một con người mang bộ lông của loài khỉ. Và ánh mắt bi thương tuyệt cọng đầy vẻ bi thương kia đã khiến Tử Khuê phải rùng mình. Chàng cố bình tâm, cao giọng hỏi lão già mặc áo lông dê, thủ hạ của Thiên Bảo Đổ Hầu:

- Bẩn lão trượng! Chẳng hay con sơn quỷ ấy được bán với giá bao nhiêu?

Lão ta trịnh trọng nói:

- Con vật này thông linh tuyệt thế hiểu được tiếng người, tính nết lại hiền lành thuần hậu, làm được bất cứ việc gì do chủ nhân sai bảo. Không những nó giỏi nhào lộn mà còn biết múa quyền nữa. Do đó lão Hầu gia định đem về Bắc Kinh bán cho các Vương tôn, hoàng thân quốc thích. Chỉ có họ mới dám bỏ ra số tiền ba vạn lượng.

Tử Khuê chỉ đêm theo năm sáu trăm lượng ngân phiếu, đành ngậm ngùi nhìn đứa trẻ đáng thương kia mà xót xa. Chàng định bỏ đi cho lòng đỡ nhức nhối thì phát hiện con quỷ này thò tay qua song sắt dùng ngón trỏ viết vào không khí. Lập tức nó bị lão nhân áo lông dê vung roi quất vào tay, nên nó phải rút tay về.

Nhưng Tử Khuê nhãn lực phi thường đã nhận ra năm chữ:”Hứa Xương Quách Tử Khuê”. Chàng bàng hoàng choáng váng chẳng dám tin đó là sự thật.

Chàng cố nén xúc động quan sát lại thật kỹ và nhận ra những nét quen thuộc ở hàm răng, ánh mắt và bớt son nhỏ trên vành tai trái của sơn quỷ. Biết chắc đấy là bào đệ mình, Tử Khuê vui mừng khôn xiết, đồng thời cũng vô cùng tức giận trước thảm trạng của Tử Chiên.

Chàng chỉ muốn nhảy xổ đến phá tan lồng sắt cứu em ra. Song chàng còn đủ tỉnh táo để cân nhắc thiệt hơn, hiểu rằng sẽ không thoát ra nổi và di họa về sau này. Hơn nữa hàng chẳng thể lộ thân phận thực khiến Long Vân Tú Sĩ đề phòng, khó báo thù nhà.

Cuối cùng Tử Khuê đi đến chủ ý là nhờ Trình Thiên Kim mua con sơn quỷ. Với danh nghĩa Nữ Hầu tước nàng có thể nhận hàng trước trả tiền sau.

Tử Khuê vội vã trở lại lôi đài, nhưng nửa đường đã gặp Thiên Kim. Có lẽ nàng sợ chàng chạm mặt Long Vân Tú Sĩ ở ngoài này nên ra xem thử.

Chung quang không có ai, Thiên Kim có thể tùy tiện tỏ bày:

- Trước sau gì lão quỷ họ Quảng cũng xuất hiện, hà tất tướng công phải trông đợi, tìm kiếm. Hơn nữa kế hoạch của chúng ta là tập kích lão khi đại hội đang cử hành cơ mà.

Tử Khuê khua tay ngắt lời nàng và nói mau:

- Ta đã gặp Tứ đệ, Chiêm nhi vẫn còn sống.

Nữ Hầu tước ngạc nhiên và hân hoan khôn tả. Nàng thốt:

- Tạ ơn Hoàng thiên! Thiếp vẫn thường khóc thầm mỗi khi nhớ đến nó.

Chợt nàng nhận ra ánh mắt bi ai cổ quái của Tử Khuê, liền cau mày hỏi:

- Phải chăng Tứ đệ đang bị kẻ nào giam giữ?

Tử Khuê rầu rĩ gật đầu và kể lại mọi việc. Thiên Kim ứa nước mắt vì xót thương Tử Chiêm, song sau đó nghiến răng nói:

- Việc gom đủ ba vạn lượng vàng để chuộc Chiêm đệ hôm nay không phải là khó. Thiếp sẽ đứng ra mượn Thiếu Lâm tự, nhưng thiếp chẳng cam tâm để yên cho kẻ đã hãm hại, hành hạ Chiêm đệ.

Sợ ái thê nổi tính “Trương Phi” giết chết Thiên Bảo Đổ Hầu, Tử Khuê dịu giọng can ngăn:

- Biết đâu Kỹ Thục Luân mua lại Chiêm đệ từ tay kẻ khác. Trước mắt ta cứ mang Chiêm đệ về nhà chữa trị, khi biết rõ trắng đên hãy nghĩ đến chuyện ân oán.

Thiên Kim gật đầu tuân mệnh trượng phu, song vẫn còn hậm hực. Hai người quay lại tòa mộc xá để Thiên Kim gặp gỡ Tử Chiêm. Thiêm Kim mặc áo lông cáo tuyết nhưng đầu lại đội mũ lông Điêu Thử màu vàng rất đẹp. Hai tai mũ làm bằng lông đuôi Điêu Thử gọi là Điêu Nhĩ, nàng kéo một cái vắt ngang qua mặt để Tử Chiêm không nhận ra mà phản ứng thái quá. Nếu Kỹ Thục Luân biết họ là người thân sẽ không dám bán và lão sẽ đòi giá cao hơn.

Thiên Kim đến sát lan can hành lang mà ngắm con sơn quỷ thật lâu. Rốt cuộc nàng sa lệ hiểu rằng đấy chính là đứa em chồng ngây thơ láu lỉnh ngày nào.

Thiên Kim vội lui gót chẳng dám lưu lại lâu nữa vì sợ rằng mình sẽ bật khóc. Nàng vội trở về khu đại hội. Tử Khuê thì ở lại mộc xá trông chừng bào đệ.

Hơn một khắc sau, Thiên Kim trở lại, mắt phượng tròn xoe, đầy vẻ tức tối.

Nàng kể với Tử Khuê rằng:

- Thiếp đã đến gặp Thiên Bảo Đổ Hầu, đồng ý mua con sơn quỷ với giá ba vạn lượng vàng. Nhưng lão ta lại trở quẻ, bảo rằng thủ hạ lão nói bậy, lão không hề có ý định bán, và nếu bán thì cũng với giá mười vạn lượng vàng chứ không cho thiếu. Song ngân quỹ của Thiếu Lâm chỉ còn hơn ba vạn lượng. Thiếp giận quá nói ra sự thật và đòi kiện lão ta. Nhưng lão lại không sợ, bảo rằng lão đã mua lại Chiêm đệ với giá chín vạn lượng, chỉ lời có một vạn lượng, và lão ta còn rủ thiếp dánh bạc, nếu thắng thêm bảy vạn nữa thì đủ tiền chuộc Chiêm đệ.

Nghe xong Tử Khuê giận run người, nhưng trong đầu lại lóe lên ý hay.

Chàng suy nghĩ một lúc rồi cười bảo Thiên Kim:

- Nàng cứ nhận lời. Ta đã có cách vét sách hầu bao của Đổ Hầu.

Thiên Kim thở phào, bẽn lẽn nói:

- Thiếp đã làm việc ấy và đang lo bị tướng công quở trách.

Tử Khuê phì cười và dặn dò nàng kế hoạch hành động.

* * * * *

Đầu giờ Ngọ, đại hội võ lâm nghỉ trưa, giữa giờ Mùi mới tiếp diễn. Quần hùng đã biết tin Nữ Hầu tước mang ba vạn lượng vàng ra đánh bạc với Thiên Bảo Đổ Hầu, nên ăn uống qua quýt vài chén rồi quay lại. Canh bạc này liên quan đến số phận một con người nên được tổ chức nagy tại lôi đài, trước sự chứng kiến của toàn võ lâm.

Quần hùng vốn yêu mến Cầu Nhiêm đại hiệp Quách Tử Khuê nên rất thương cảm khi thấy em trai chàng bị biến thành khỉ, bị giam cầm như thú vật.

Tuy không chắc Đổ Hầu là thủ phạm song rất nhiều người lén thóa mạ lão. Kỹ Thục Luân thì chẳng dại gì công nhận mình biết con sơn qủy ấy vốn là người.

Giữa giờ Ngọ, chiếu bạc đã bày biện xong. Chiếc bàn dài của ban giám đài giờ đây được đặt xoay dọc ở giữa, chia lôi đài ra làm hai phần. Ghế của hai phe chơi bạc đặt cách xa bàn đến gần một trượng để tránh việc dùng chân khí thao túng những viên xúc xắc trong chén.

Nữ Hầu tước đã thách Đổ Hầu chơi trò tài xỉu. Thiên Bảo Đổ Hầu đồng ý nhưng ra điều kiện lão sẽ cầm cái và sẽ chỉ sử dụng ba cửa Đại, Tiểu và Bảo. Ba mặt cùng số gọi là Bảo, dẫu tay con đặt Đại hay Tiểu thì cũng thua. Đổ Hầu là tổ sư trong nghề cờ bạc chuyên nghiệp, đã khổ luyện mấy chụ năm, thủ pháp vô cùng tinh diệu, điều khiển ba hạt xí ngầu theo ý muốn. Nay lão cầm cái, Thiên Kim chỉ có xác suất thắng là một phần ba, sạch túi là đương nhiên.

Phe của Đổ Hầu gồm có lão, vợ chồng Vương gia, tri huyện Đăng Phong cùng vài đại cao thủ võ lâm như Lôi Đình Đế Quân, Xoa Lạp cốc chủ.

Bên Thiên Kim có Tử Khuê, Thần Đao bảo chủ, Phó hội chủ Phi Đao Bảo An hội Du Vinh, năm vị Chưởng môn nhân trong Hội đồng Võ lâm. Trương Thiên Sư thì đứng giữa ở đầu bàn hướng Bắc, phụ trách việc mở bát và công bố điểm số. Nghĩa là Đổ Hầu lắc xong trở về chỗ ngồi, rồi đến lượt Thiêm Kim đặt cược. Khi nàng đã yên vị thì Trương Chân nhân giở chén.

Ở dưới lôi đài, quần hùng háo hức chờ đợi, tay thủ sẵn hầu bao. Họ sẽ mượn kết quả trên lôi đài mà ăn thua với nhau. Mà cờ bạc là một trong những tật xấu cơ bản của người Hoa Hạ. Từ quan đến dân, từ giàu đến ghèo và phổ biến nhất là trong giới giang hồ.

Giờ đây họ im như thóc, không gian tĩnh lặng đến mức có thể nghe được tiếng xúc xắc reo lúc Đổ Hầu lắc chén. Nhưng khi lão ta vừa lắc xong thì tiếng giao ước, đặt của quần hào nổi lên, rì rầm như sấm dậy. Bị Trương Thiên Sư quở trách họ mới hạ giọng xuống.

Trên này Trình Thiên Kim bước đến bên bàn, đặt một tờ ngân phiếu xuống và run giọng:

- Cửa Đại một ngàn lượng.

Trương Thiên Sư vận công phát ngôn lại cho toàn trường được rõ. Sau đó lão thu vén tay áo đạo bào, chậm rãi mở bát và xướng thật lớn:

- Nhất, nhị, tứ... thất điểm: Tiểu!

Mặc kệ Thiên Kim xanh mặt, dưới này quần hùng chung chi cho nhau, kẻ thắng thì rạng rỡ, kẻ thua thì nhăn nhó chửi thề.

Canh bạc thứ hai Thiên Kim lại đặt cửa Đại hai ngàn lượng và thua... lần thứ ba nàng vẫn chọn cửa Đại bốn ngàn lượng, song vẫn thua.

Mọi người thầm thương hại Hoàng Phong Hầu, hiểu rằng nàng đang cố dùng chiến thuật cấp số, lần sau đặt gấp đôi lần trước ở cùng một cửa. Nhưng Đổ Hầu thừa sức lắc ra tám chín lần Tiểu liên tiếp, vét sạch ba vạn lượng vàng.

Đến lần thứ tư, khi nghe Tử Khuê nói nhỏ: “Đặt hết số vàng vào cửa đại” thì Thiên Kim bước lên tuyên bố:

- Hai vạn ba ngàn lượng cửa Tiểu!

Toàn trường giật mình, không ngờ Thiên Kim lại “khát nước” đến mức ấy.

Nàng ta đúng là tay non, bản lĩnh cờ bạc thấp kém, định lực yếu ớt. Trong nghề đổ bát, kẻ lão luyện rất sành đoán tâm lý qua sắc diện hoặc những cử chỉ nhỏ nhặt của đối phương. Đổ Hầu đã quan sát Thiên Kim thật kỹ rồi mới quyết định lắc Đại hay Tiểu. Cũng nhờ tài nghệ nhìn thấu lòng đối thủ mà lão mới vét được hơn hai chục vạn lạng vàng của bọn đai phú đất Nam Kinh.

Thiên Kim trở về chỗ ngồi, người run lẩy bẩy, lo lắng đđđđđđđđến mức toát mồ hôi. Tử Khuê ngồi ngay sau lưng nàng, rỉ tai trấn an:

- Nàng cứ yên tâm! Ta bảo đảm rằng sẽ thắng.

Tử Khuê rất tự tin vì đã có chỗ sở cậy. Ba lần đặt trước chỉ để thử nghiệm xem vận xui còn ám chàng nữa không. Chàng chọn cửa nào thì Thiên Kim chọn cửa ấy và thua. Đồng thời chàng cũng tình cờ nhận ra những ám hiệu không tán thành của Vương phi tần Hạnh Nga. Tức là ả hồ ly diễm lệ này thừa thần thông để nhìn xuyên qua bát sứ. Và lần này HạnhNga đã mỉm cười chứng tỏ Thiên Kim sẽ thắng.

Quả nhiên Trương chân nhân mở chén và hào hứng hô vang:

- Lục, nhất, nhị... cửu điểm: Tiểu!

Cử tọa vui mừng trước thắng lợi bất ngờ của Nữ Hầu tước, hoan hô kịch liệt.

Thiên Bảo Đổ Hầu chẳng hề biến sắc, ung dung bước ra lắc chén theo một nhịp không đều. Tử Khuê nhắm mắt, tưởng tượng rằng mìng đang đứng trước mảnh giấy có ba chữ Tiêu, Đại, Bảo. Lần này chàng phân vân cực đội, không thể xác định Đại hay Tiểu... Lát sau chàng thức ngộ ra rằng đấy cũng là kết quả, liền dặn dò Thiên Kim:

- Ta đặt hai cửa Tiểu Đại mỗi cửa hai vạn ba ngàn lượng. Nhưng nếu nàng nghe tiếng ta ho thì bỏ canh bạc này, yêu cầu Đỏ Hầu lắc lại.

Thiên Kim nhất nhất tuân lời nhưng giọn nói vẫn khá yếu ớt:

- Bốn vạn sáu ngàn lượng cho cửa Bảo.

Toàn trường chấn động vì theo quy củ Trương Thiên sư công bố lúc đầu thì nhà cái thua cửa Bảo theo tỉ lệ “tứ bội”. Tức là Thiên Kim đặt một ăn bốn. Vị chi, Đổ Hầu phải chung cho nàng mười tám vạn bốn ngàn lượng, bất kể ba hạt xúc xắc cùng mang số nào, từ nhất đến lục. Không nghe tiếng ho của Tử Khuê, Thiên Kim lững thững về chỗ. Nàng hồi hộp đến mức nghe bàng quang nặng trĩu, chỉ muốn tiểu ra quần.

Hoài Âm Vương cũng là con sâu cờ bạc, chẳng nén nổi lòng phấn khích, cười bảo:

- Hào hứng thực! Trương hiền khanh hãy nhường ta mở bát canh bạc này.

Tất nhiên Trương Thiên Sư mau mắn tuân lệnh. Chu Kiềm xăng xái bước ra mở bát và gầm vang:

- Ba mặt nhị: Bảo!

Quả xứng danh Đổ Hầu, Kỹ Thục Luân vẫn thản nhiên như chỉ thua vài lượng bạc lẻ. Lão chờ tiếng huyên náo của cử tọa lắng xuống mới nói:

- Lão phu sẽ trao sơn quỷ cho Nữ Hầu tước cùng với tám vạn bốn ngàn lượng vàng. Nhưng cuộc chơi vẫn tiếp diễn và lần này Trình Hầu tước làm cái.

Hoài Âm Vương cực lực tán thành khiến Thiên Kim không thể từ chối.

Quần hùng cũng reohò chẳng chịu thôi.

Mục đích của Tử Khuê là cứu cho được bào đệ, nay đã thành công mà còn lời được chẵn mười vạn lượng, không tính ba vạn mượng của Thiếu Lâm tự.

Hơn nữa chàng cũng nhận được cái gật đầu và nụ cười khuyến khích của Tần Hạnh Nga nên rất vững dạ. Ả hồ ly ấy đã đứng cạnh Hoài Âm Vương vì Chu Kiềm không chịu quay về chỗ. Thế là bọn giáp sĩ phải khiêng hai cỗ đại ỷ đến đặt ở đầu bàn hướng Bắc.

Thiên Kim khôn ngoan trả lại cho Đại Giác thiền sư ba vạn lượng, để lỡ có thua thì cũng hòa vốn. Nàng đang ngất ngây trong men thắng lợi song vẫn bật khóc khi chiếc lồng nhốt Tử Chiêm đang được mang từ mộc xa đến.

Cử tọa cũng phải mủi lòng khi con vật lông lá kia chui ra ôm chặt lấy Nữ Hầu tước và rú lên những âm thanh bi thiết của người câm. Thì ra nó chính là bào đệ chín tuổi của Cầu Nhiêm đại hiệp Quách Tử Khuê. Chiêm nhi vừa khóc vừa chỉ về phía Thiên Bảo Đổ Hầu như mách với chị dâu rằng lão đã hãm hại hành hạ mình.

Tiếng chửi rủa, thóa mạ lác đác vang lên và mỗi lúc một nhiều. Hoài Âm Vương bất bình trước hành vi tàn nhẫn của cậu họ mình nhưng vẫn lên tiếng trấn áp dư luận.

Chẳng hiểu Thiên Kim đã trấn an em chồng thế nào mà Tử Chiêm ngoan ngoãn ngồi trong lòng một gã đệ tử trẻ tuổi của Hoàng Phong bang ngay sau lưng nàng, kẻ đó chính là Tử Khuê. Chàng không thể biểu lộ tình cảm ở chốn này, liền an ủi Chiêm nhi vài câu rồi điểm huyệt ngủ.

Cố giấu vẻ lúng túng, cầm bát lắc loạn xạ mười mấy cái rồi đặt xuống.

nàng hi vọng rằng những tiếng reo hỗn loạn ấy sẽ khiến Đổ Hầu không sao đoán đúng kết quả.

Nhưng khổ thay lão chết dẫm Kỹ Thục Luân lại chẳng cần nghe ngóng, dùng ngay chiến thuật cấp số. Lão bắt đầu ở cửa Tiểu với một ngàn lượng, thua thì tăng gấp đôi, y như Thiên Kim đã từng làm.

Đối với người không rành cờ bạc như Thiên Kim thì chiến thuật kia rất hữu hiệu. Hơn nữa ba hột xúc xắc là của Đổ Hầu, có xu hướng ra Tiểu nhiều hơn Đại. Lão có thể điều khiển được chúng nhưng Thiên Kim thì không.

Cho nên chỉ sau chục ván, Nữ Hầu Tước đã thua hơn bốn vạn lượng. Và trong ván tiếp theo, số vàng mà Đổ Hầu đặt ở cửa Tiểu là năm vạn lượng. Thiên Kim đưa tay vuốt mồ hôi trán, nago ngán tuyên bố:

- Nếu ván này mà túc hạ thằng thì ta sạch vốn, không chơi nữa.

Đổ Hầu gật đầu tán thành vì tạm thu hồi đủ số. Còn con sơn quỷ kia thì lão đành chịu mất.

Nhưng Hoài Âm Vương lại thét lên:

- Tam tứ ngũ... Thập nhị điểm: Đại!

Đổ Hầu đau như bị thiến, chờ Thiên Kim lắc xong thì bước lên, chống hai ay vào cạnh bàn, giả vờ phân vân song kỳ thực là laõ đang dùng chân khí kiểm tra ba hạt xí ngầu. Chúng xao động tạo ra những âm thanh rất nhỏ, phe đối phương ngồi xa cả trượng chẳng thể nào nghe thấy được. Hoài Âm Vương công lực không cao, Tần vương phi thì chẳng biết võ nghệ, dẫu ngồi gần cũng vô dụng. Dựa vào tiếng động quen thuộc của xúc xắc, Đổ Hầu biết rõ kết qủa yên tâm dặt xuống cửa Tiểu mười vạn lượng.

Lúc Hoài Âm Vương giở chén và đọc điểm số: “Tam tứ lục” thì Đổ Hầu chết điếng, không dám tin vào tai mình, liền bước đến xem.

Trình Thiên Kim cười khanh khách, lên vơ trọn số ngân phiếu và đắc ý nói:

- Sao, Kỹ Hầu gia còn dám chơi tiếp không?

Như khiêu khích, nàng cầm bát lắc nhẹ vài cái rồi quay về ghế. Đổ Hầu vẫn đứng đấy, đem hét tài nghệ ra thi thố. Khi đã đoán chắc mười phần, lão trút cả hầu bao vào cửa Đại. Thấy tổng cộng chỉ có mười sáu vạn lượng, lão tháo luôn bảo kiếm bên hông và cao giọng:

- Đây là thanh thần kiếm, chém sắt như chém bùn. Lão phu định giá nó là bốn vạn lượng hoàng kim, bù vào số ngân phiếu cho đủ hai chục vạn lượng.

Quần hùng bất bình la ó:

- Mẹ kiếp! Sao lão lại ép người thái quá như thế? Dẫu có là Thái A hay Long Tuyền thì cũng chẳng đáng giá bốn vạn lượng vàng!

Quả đúng như vậy! Không phải ai có thần binh trong tay cũng trở thành vô địch. Chẳng hạn như trường hợp của Vân Thiên Tử, Chưởng môn phái Võ Đang. Tuy sở hữu “Trạm Lư bảo kiếm”, thần vật thời Xuân Thu nhưng vẫn không thắng nổi Nam Thiên Tôn. Và nếu lão đối phó với Lôi Đình cung chủ hoặc Long Vân Tú Sĩ cũng thua chắc. Đồng thời khách giang hồ chỉ cần bỏ ra vài chục lượng vàng là mua được một thanh kiếm bằng thép tốt, dẫu không sắc bén như Trạm Lư nhưng cũng dễ gì gãy nổi.

Trình Thiên Kim cũng đồng quan điểm với mọi người, cười nhạt bảo:

- Kiếm của lão quý ở chỗ nào mà tự ra giá ấy?

Kỹ Thục Luân rút kiếm ra khỏi vỏ bằng đồng đen, chậm rãi vuốt ve bản kiếm sáng như gương, tư lự kể:

- “Sau thời Xuân Thu, nghệ thuật đúc kiếm của Trung Hoa bị mai một.

Nhưng không hiểu sao tuyệt kỹ nọ truyền bá sang xứ Phù Tang và tồn tại cho đến bây giờ. Vào cưối thời Nguyên, một kiếm khách người Hán nuôi mộng đánh đuổi rợ Mông, nên vượt biển sang tận Nhật Bản. Ông ta đã nhờ lò rèn danh tiếng nhất xứ Phù Tang chế tạo cho mình một thanh kiếm, theo kích thước hình dáng của trường kiếm Trung Hoa với giá năm trăm lượng vàng. Ông ta đặt tên cho nó là “Đảo Nguyên thần kiếm”.

“Khi về đến Trung thổ, vị đại hiệp nọ theo phò Thái tổ Hoàng đế bổn triều, lập được rất nhiều công trạng. Nhưng sau đó Trần Khởi đột nhiên biến mất không rõ nguyên do.

“Ba năm trước lão phu đến Nam Xương đánh bạc, tình cờ mua được thanh “Đảo Nguyên thần kiếm” này của một tay chơi gặp vận xui...”

Biết chủ nhân đã khô cổ vì nói dông dài, thủ hạ của Đổ Hầu bưng đến cho lão một chén trà. Kỹ Thục Luân khoan khoái nhấp vài hớp rồi kể tiếp:

- Đảo Nguyên thần kiếm sắc bén phi thường và còn hơn những thanh kiếm thượng cổ ở chiều dài. Nó bằng với trường kiếm đương đại...

Trong số quần hùng có người nóng ruột, ném ngay lên đài một thanh đoản côn bằng sắt và thúc dục:

- Sao lão lắm lời thế! Hãy mau thử kiếm rồi chơi tiếp canh bạc.

Đổ Hầu cúi xuống nhặt cây côn lên và vung kiếm chém thật mạnh.

Sau hai nhát thanh côn gẫy đôi mà thanh kiếm vẫn không hề sứt mẻ.

Thành tích ấy quá đủ để chứng minh giá trị thần kiếm, dẫu Trạm Lư cũng khó hơn nổi.

Cử tọa vỗ tay, trầm trồ khen ngợi mãi.

Tử Khuê bồi hồi thức ngộ rằng “Đảo Nguyên thần kiếm” là vật chàng rất cần đến. Có nó, chàng mới có hy vọng giết nổi Long Vân Tú Sĩ. Tử Khuê liền bảo Thiên Kim chấp nhận cái giá bốn vạn lượng vàng của thanh kiếm quý.

Nữ Hầu tước nghe lời phu quân, đứng lên dõng dạc nói:

- Thôi được, bổn nhân đồng ý thanh “Đảo Nguyên” đáng giá bốn vạn lượng vàng. Nhưng ta nói trước, nếu lão thua thì đừng mong chuộc lại. Đổ Hầu gật đầu khẳng định, tra gươm vào vỏ, đặt chung với đám ngân phiếu.

Thấy Đổ Hầu không quay về ghế, Hoài Âm Vương vui vẻ vẫy Thiên Kim:

- Trình Hầu hãy đến cả đây để chứng minh canh bạc phi thường này.

Ngay cả ở Bắc Kinh cũng không có tay chơi nào ăn thua quyết kiệt như hai vị.

Chu Kiềm mở bát, chưa kịp hô điểm thì Thiên Bảo Đổ Hầu đã lảo đảo, ôm ngực ngã quỵ, miệng rên rỉ:

- Tức chết đi được... Trời hại ta rồi, sao lại có thể là Tiểu!

Rồi lão hộc máu và ngất xỉu.

* * * * *

Con người là động vật duy nhất có thể chết vì tức tối. những loài khác cũng biết tức giận khi bị tranh mất mồi, song chẳng có con nào ngu đến mức lăn đùng ra chết cả.

Trường hợp điển hình nhất, nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa chính là ngài Chu Du, Đô đốc của Đông Ngô thời Tam Quốc. Chuyện kể rằng Khổng Minh tam khi Chu Du, ba lần chọc giận cũng đủ khiến Công Cẩn hộc máu chết tươi.

Cách chết lạ lùng ấy chỉ xảy ra cho những kẻ cao ngạo. Người khiêm tốn thường dễ dàng vượt qua cảm giác bị xúc phạm.

Thiên Bảo Đổ Hầu không tự cao bằng Chu Du nên thoát chết. Lão chỉ bị liệt nửa người vì cơn đột quỵ. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ để Hoài Âm Vương bận rộn, tuyên bố hoãn đại hội võ lâm đến sáng mai.

Cử tọa vui vẻ tán thành ngay và lên tiếng đòi Hoàng Phong Hầu chiêu đãi.

Nàng đã thắng tổng cộng ba sáu vạn lượng vàng, không kể thanh bảo kiếm, trở thành người giàu có nhất võ lâm.

Thiên Kim quen tính tiết kiệm, dẫu là của bắt được cũng không hề hoang phí. Nhưng Tử Khuê lại cười bảo:

- Sau này về làm dâu của mẫu thân ta, nàng tha hồ thắt lưng buộc bụng.

Thứ tài sản phi nghĩa ấy chỉ nên dùng vào việc thiện hoặc cúng đường chùa miếu.

Nữ Hầu tước chẳng dám cãi lời phu tướng, bước ra cao giọng tuyên cáo theo đúng những gì Tử Khuê đã dặn dò, song nàng không lấy danh nghĩa cá nhân mà mượn tiếng bên chồng:

- Kính cáo chư vị đồng đạo võ lâm! Nay chuyết phu thất tung, Quách gia trang bị thiêu hủy, nhưng vì đạo làm vợ, làm dâu, bổn nhân quyết noi theo chí hướng của chàng. Bổn nhân xin đại diện Quách gia cúng đường tam Bảo, Tam Thanh mỗi phái một vạn lượng hoàng kim, kể cả Thanh Thành, Nga Mi. Riêng Cái bang, người đông của khó, bổn nhân xin tặng ba vạn lượng. Bảo An Phi Đao hội có ơn tương trợ Quách gia, xin nhận vạn lượng. Đồng thời mong Du Phó hội chủ cầm thêm năm ngàn lượng, thay mặt Quách gia chiêu đãi quần hùng. Bổn nhân phải đưa Tử đệ về chữa trị, không thể ở lại bồi tiếp chư vị được.

Tổng cộng là mất đứt đi mười hai vạn rưỡi lượng vàng, rộng rãi ngoài sức tưởng tượng của cử tọa. Nếu là kẻ khác thì chưa chắc đã chịu nhả ra xu nào. Mọi người hoan hô quá cỡ, tán dương nhà họ Quách khéo dạy nàng dâu.

Trong lúc ấy các Chưởng môn lần lượt bước lên nhận ngân phiếu. Trình Thiên Kim lễ từng vị tăng, đạo rồi cung kính dâng lên. Họ vô cùng cảm kích biết đây là ý của Tử Khuê.

Đại biểu hai phái Nga Mi, Thanh Thành là Nga Mi Nhất Phụng và Thanh Khê Tử, hai người này rất lúng túng, vừa mừng vừa ngượng, vì không ngờ rằng môn phái của mình lại có phần, dù đã nhiều năm chẳng tham gia phù trì chính khí võ lâm trung thổ. Nhưng họ phải nhận vì đây là của cúng đường chư Phật, chư Thần.

Nga Mi Nhất Phụng là đệ tử tục gia nên Thiên Kim không quỳ lạy, chỉ nghiêng mình thi lễ. Đối với Bang chủ Cái bang và Du Vinh thì nàng cũng làm vậy.

Đại hồng chung trên chùa Thiếu Lâm bỗng vang lên từng hồi trầm hùng, khoan thai như chứng giám cho lòng thành của phu thê Tử Khuê.

Cúng dường xong, Thiên Kim nói với cử tọa:

- Còn lại hai mươi ba vạn năm ngàn lượng, Quách gia sẽ chẩn tế cho tai dân và những người cùng khổ.

Nàng cáo biệt họ và vợ chồng Hoài Âm Vương rồi kéo thủ hạ rời đại hội.

Quần hùng tiễn đưa bằng những tràng pháo tay vang dội. Riêng Tần vương phi nở nụ cười hài lòng với Tử Khuê.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK