Đình làng Vạn-thảo tọa lạc trên khu đất rộng rãi, xung quanh có tường gạch. Muốn vào đình phải qua cái cổng bằng đá xanh. Sân đình lát bằng những phiến đá lớn. Giữa sân có hai tấm bia. Quách Thịnh chỉ bia:
- Thưa quận chúa, hai tấm bia kia để khắc tên tuổi những người có chức, tước, văn học trong làng. Một tấm khắc tên quan văn, một tấm khắc tên quan võ.
Vượt qua sân, vào đình. Đình là một ngôi nhà lớn, dài ước khỏang ba mươi bước, tường gạch, mái ngói. Giữa đình có bệ. Trên bệ thờ thần thành hoàng. Khi Bảo-Hòa bước vào đình, thì mõ làng đã trải chiếu hoa từ bao giờ. Sát chân bệ thờ là một chiếu cạp điều. Thường chiếu này dành cho tiên chỉ, rồi tới bốn chiếu nhì. Một chiếu dành cho lý trưởng, phó lý, trương-tuần lại-dịch, thủ qũi. Một chiếu dành cho năm ông giáp trưởng. Ba chiếu còn lại dành cho các hào mục, các vị bô lão tuổi từ sáu mươi trở đi. Sau đó hơn ba mươi chiếu dành cho tất cả mọi người dân trong làng, tuổi từ mười sáu trở lên.
Về triều Lý, mỗi xã như một nước nhỏ tự trị. Hàng tháng xã họp một lần để bàn việc như một tiểu quốc hội ngày nay. Hội đồng hàng xã làm lệ làng. Thường lệ làng phải tuân theo luật nước. Nhưng khi luật nước quá khác biệt với đời sống dân chúng, lệ làng vẫn cứ được thi hành. Câu tục ngữ phép vua thua lệ làng phát xuất từ đấy.
Quách Thịnh mời chị em Thanh-Mai ngồi vào chiếu nhất của mình, rồi đứng dậy chắp tay hướng vào cử tọa:
- Trình quan viên hàng xã. Sở dĩ tôi cho đánh trống triệu tập các quan viên bất thường. Vì làng ta gặp đại phúc, được công-chúa điện-hạ, cùng tiên cô giá lâm.
Chàng kể sơ lựơc về 207 khê động Bắc biên, cùng gốc tích họ Thân, cho tới trận đánh Như-hồng mà chàng tham dự. Khi chàng kể đến việc Bảo-Hòa được cọp nuôi dưỡng, dân chúng súyt xoa, hướng nàng lạy liên tiếp. Quách Thịnh thuật đến việc bọn Triệu Anh sang Đại-Việt ăn trộm, rồi bị Bảo-Hòa sai thú vật bắt. Cuối cùng chàng chỉ vào Mỹ-linh giới thiệu là công chúa. Còn Thanh-Mai chàng giới thiệu giản dị là chị em kết nghĩa của Mỹ-linh. Dân chúng thấy Mỹ-Linh, Thanh-Mai mảnh khảnh, mặt đẹp huyền ảo. Họ nghĩ thầm:
- Tiên với công chúa có khác. Đẹp thực.
Mỹ-Linh hỏi:
- Khoan rồi hãy họp. Xin Quách hầu cho chị em chúng tôi lễ thần thành hoàng đã. Thần thành hoàng ở đây đã có sắc phong chưa?
Quách Thịnh đứng dậy đốt hương trao cho chị em Thanh-Mai:
- Thưa điện-hạ thần thành hoàng làng chúng tôi họ Trần húy Đại-Sinh. Về thời vua Trưng được phong làm tiên ông. Ngài rất giỏi nghề thuốc. Đương thời ngài có đến đây ẩn cư ba năm, trồng cây thuốc, dạy dân y đạo. Từ đó đến nay dân làng không dám sao lãng, tiếp tục nghề xưa. Vì vậy làng có tên Vạn-thảo. Làng tôi là nơi sản xất nhiều thầy thuốc danh tiếng trong nước.
Chị em Mỹ-Linh lễ thần xong, nàng hỏi han chi tiết về đời sống dân chúng rất cặn kẽ. Lý trưởng hướng vào Bảo-Hòa:
- Khải tấu tiên cô. Lệ làng có khoản nói rằng: khi một vị thần, một vị có huân công với xã tắc viếng làng, được quyền thêm hay sửa đổi lệ. Không biết tiên cô với công chúa có muốn thay đổi khoản nào trong hương-ước không?
Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Bảo-Hòa. Bảo-Hòa nói sẽ vào tai nàng mấy câu. Mỹ-Linh mừng lắm, gật đầu liên tiếp. Bảo-Hòa đứng dậy:
- Làng này sở dĩ giầu có, nảy sinh nhiều người tài, một là vì dân làng quyết tâm, chịu khó làm việc. Hai là nhờ địa linh. Hôm nay cô đến đây, thấy đàn bà con gái xinh đẹp, nết na, tài như trựơng phu. Cô xin đề nghị đổi hương ước như thế này: đàn bà, con gái được hưởng mọi quyền như đàn ông con trai. Ngược lại họ cũng phải luyện tập võ nghệ, giữ làng như hoàng nam.
Trong đình chỉ có đàn ông, con trai ngồi họp. Đàn bà con gái phải đứng ngòai. Tuy đứng ngòai, nhưng họ nghe rất rõ lời Bảo-Hòa nói. Họ vỗ tay đồng lọat. Đợi tiếng vỗ tay dứt, Mỹ-Linh hỏi:
- Này Quách hầu, này cụ lý, mỗi vị có mấy vợ?
Quách Thịnh chắp tay:
- Tiểu nhân đã từng ở Lạng-châu về, lẽ nào giám quên chỉ dụ của vua Bà. Tiểu nhân chỉ có một vợ thôi. Cụ lý cũng vậy.
Mỹ-Linh cười:
- Phần tôi. Tôi xin đổi hương ước như thế này: trong làng này trai chỉ được lấy một vợ mà thôi. Nhược bằng sau khi lấy nhau ba năm, mà vợ không sinh con nối dòng, thì phải xin phép tiên-chỉ, lý trưởng và trưởng-tộc cho được quyền lấy vợ lẽ. Tuy nhiên không được bỏ vợ cả.
Đúng ra Thanh-Mai không có quyền thay đổi hương ước. Nhưng Quách Thịnh thấy nàng là em kết nghĩa của Khai-quốc vương, thì khác chi công chúa? Vì vậy chàng cũng mời Thanh-Mai phát biểu ý kiến. Thanh-Mai nói::
- Thời Lĩnh-nam, vua Trưng là nữ, tể tướng Nguyễn Phương-Dung, tư-đồ Phùng Vĩnh-Hoa, cùng không biết bao nhiêu nữ tướng... Thế thì trong xã bầu tiên chỉ, lý trưởng, phó-lý. Các bà, các cô cũng có quyền ứng cử.. Sau này xã Vạn-thảo có nữ lý-trưởng, nữ tiên chỉ thì thực là tuyệt. Nào xin các vị cho ý kiến!
Lại dịch đứng dậy chắp tay vái chị em Thanh-Mai, rồi thưa:
- Tấu lạy tiên-cô cùng nhị vị công chúa. Tiên-cô cùng công chúa dạy, chúng con xin tuân. Có điều luật của bản triều định rõ: khi đàn bà phạm vào một trong thất xuất tức tội nặng, cho quyền chồng bỏ. Nay đổi lại chỉ cho lấy vợ lẽ, mà không cho bỏ, e trái luật của đức hoàng-đế.
Bảo-Hòa hỏi Mỹ-Linh:
- Thất xuất là gì vậy?
Mỹ-Linh nói lớn như muốn cho dân chúng cùng nghe:
- Luật của bản triều qui định rằng khi người đàn bà phạm tội thất xuất thì chồng có quyền bỏ. Thất xuất là:
1.Vô tử tức là không con.
2.Dâm dật, là ngoại tình.
3.Bất sự cậu cô, là thiếu bổn phận phụng dưỡng bố mẹ chồng.
4.Khẩu thiệt, tức lắm điều, nhiều lời.
5.Đạo thiết, tức trộm cắp.
6.Đố kỵ, là ghen tuông.
7.Ác tật, bị phong cùi.
Bảo-Hòa suy nghĩ một lúc, rồi đáp:
- Chúng ta có câu phép vua, thua lệ làng. Đây là lệ làng mà. Không con chẳng qua do cơ thể bẩm sinh không được bình thường, hoặc bệnh họan, chứ đâu phải là tội? Phàm người đàn bà phạm tội khác trong thất xuất thì chồng được bỏ. Còn không con, thì chồng không được bỏ.
Cuộc hội họp đến chiều mới ngừng. Làng làm cỗ đãi khách. Trong khi cả làng đang ăn cỗ, thì có tiếng trống từ cổng vọng về, rồi tiếng tù và thổi. Lý trưởng đứng dậy, gọi Lê Phụng-Hiểu :
- Chú trương tuần theo tôi ra cổng, xem có truyện gì?
Vừa lúc đó, một hoàng nam đến trước Mỹ-Linh hành lễ:
- Khải tấu công chúa, có một đại-tướng dẫn hơn nghìn quân kị đến trước cổng, xin vào yết kiến công chúa.
Mỹ-Linh truyền lệnh:
- Quân đóng ở ngoài làng. Còn tướng cho vào.
Hoàng nam ra được một lát, rồi trở lại với Ngô An-Ngữ, Tạ Diệu-Chi. Hai đứa trẻ Thường-Kiệt, Thường-Hiến cũng theo vào. Ngô An-Ngữ hành lễ với Mỹ-Linh:
- Tiểu-tướng được lệnh bài, vội đem quân đến đón công-chúa. Công chúa vắng mặt hơn tháng qua, làm tiết-độ-sứ cùng anh em tiểu nhân tìm khắp nơi.
Chàng nhìn Thanh-Mai:
- Ta tìm không thấy sư muội, vội sai người về Thiên-trường báo cho sư phụ biết. Chắc sư phụ cũng sai người đi tìm.
Chàng nói với Bảo-Hòa:
- Chỉ riêng đại-sư Huệ-Sinh, cùng thế tử Thân Thiệu-Thái vẫn ở trên chùa Sơn-tĩnh. Đại-sư nói Công chúa, quận chúa với sư muội tuy bị nạn, song qua ba bẩy hai mươi mốt ngày thì hết. Nay quả nhiên đúng như vậy.
Đôi chim ưng bay lượn trên trời kêu réo như có truyện gì khẩn cấp. Bảo-Hòa ra sân gọi chúng xuống. Nàng lấy thư dưới chân chúng ra coi, rồi xé nhỏ bỏ vào vũng nước. Nàng cầm bút viết đầy một trang giấy, gấp lại bỏ vào ống đựng thư dưới chân chim, rồi hú lên một tiếng, chúng bay bổng lên trời, biến vào đám mây mù.
Quách Thịnh truyền dân làng giải tán, chỉ còn lại chức sắc. Mỹ-Linh tường thuật sơ lược mọi biến chuyển cho Ngô An-Ngữ nghe, rồi nàng truyền lệnh:
- Tướng quân hợp cùng dân trong làng bắt cho được Đinh Toàn cùng Quách Quỳ. Tôi đưa Bảo-Hòa đến Vạn-thảo sơn trang chữa bệnh. Còn ba tên Tống này, tướng quân giải thẳng về kinh, để triều đình định đoạt.
Thanh-Mai nghe Mỹ-Linh truyền lệnh, phán xử đâu ra đấy, nàng mừng thầm trong lòng:
- Mới có mấy tháng qua mà Mỹ-Linh như thay đổi thành một người khác. Hồi mình gặp nàng, cái gì cũng hỏi, cái gì cũng ngơ ngác. Bây giờ thì phát lệnh, hành sự không khác gì một quân sư. Cứ đà này, thì chỉ vài năm nàng có kém gì thân mẫu Bảo-Hòa?
Sự thực thì Mỹ-Linh được ông nội là vua Lý Thái-tổ giao cho Nho thần Lý Đạo-Thành dạy dỗ. Đạo-Thành là một nhà Nho chân chính, ông muốn tạo nàng thành một người phụ nữ khuôn mẫu của Nho gia, một người vợ hiền thục, nết na, hết lòng hiếu với cha mẹ, thuận với chồng. Những gương phụ nữ trong sách vở Nho-gia như vợ vua Văn-vương, như thân mẫu Khổng-tử được coi là khuôn vàng thước ngọc. Phu xướng phụ tùy, chứ trong nhà, vợ không quyết định việc gì cả. Vì vậy nàng chẳng biết gì về xã hội Đại-Việt. Khi gặp biến cố xẩy ra, nàng không có phản ứng.
Từ hôm xẩy ra vụ thân mẫu qua đời, đưa đến nàng xin đi Trường-yên ở với chú là Khai-quốc vương, cuộc đời nàng hòan tòan đổi mới. Khai-quốc vương muốn cháu mình phải như những anh thư thời Lĩnh-nam. Ngày ngày vương đem sử thời Lĩnh-nam dạy nàng. Rồi đi đâu vương cũng mang nàng theo. Vốn có căn bản học thức sâu sa, nay được đi vào thực tế, nàng tiến rất nhanh. Lúc gặp Thanh-Mai, nàng mới thấy Côi-sơn đại hiệp Trần Tự-An dạy con thực tế hơn thầy nàng nhiều. Nếu nói về Tứ-thư, Ngũ-kinh thì nàng bỏ xa Thanh-Mai. Nhưng nói về lịch sử anh hùng dân tộc, cùng ứng phó ngoài đời nàng chỉ là đứa trẻ ngờ ngệch.
Trong chuyến đi nàng gặp bà cô là sư thái Tịnh-Huyền, với vóc dáng một vị ni sư đắc đạo, võ công tuyệt đỉnh, kinh lịch có thừa. Lại được gặp cô đang làm vua bà vùng Bắc-biên, rồi Bảo-Hòa. Hai người quyết đoán sự kiện, đối phó với biến cố thực tinh tế, mau chóng. Nàng đã thay đổi hẳn quan niệm của Nho gia.
Hàn Diệu-Chi lắc đầu:
- Công chúa đi như vậy, chúng thần không yên tâm. Thần xin dẫn hai cháu Tuấn, Hiến theo hầu công chúa một thể.
Biết không đừng được, Mỹ-Linh nhìn Bảo-Hòa như phân trần điều gì. Nhưng Bảo-Hòa trúng độc đã hơn tháng, người mệt nhừ, nàng đang thiêm thiếp ngủ. Nàng than thầm:
- Đi đâu mà đem quân lính theo thì còn thú vị gì nữa. Ta phải dùng quyền mới được.
Mỹ-Linh nghiêm mặt nói với Ngô An-Ngữ:
- Tướng quân với phu nhân án binh tại đây chờ tôi được rồi. Từ làng đến sơn trang không xa mà. Huống chi chú hai muốn tôi kinh lịch ngoài đời. Kinh lịch ngoài đời, mà đi đâu cũng phải có người theo giữ thì bao giờ bằng cô tôi cho được.
Bảo-Hòa nói với Hàn Diệu-Chi:
- Đa tạ sư thúc lo cho Mỹ-Linh. Nhưng sư thúc ơi, ra khỏi sơn trang giáp địa phận của núi Băng-sơn, nơi Hồng-sơn lão nhân ở. Lão nhân là một trong Đại-Việt ngũ-long, trong địa giới của người, không ai giám đánh đập con chó con mèo, chứ đừng nói đánh người? Còn sư thúc đi theo vì sợ lão hại Mỹ-Linh ư? Nếu lão hại, thì liệu sư thúc có cản nổi không?
Diệu-Chi nhận Bảo-Hòa có lý. Nàng gật đầu:
- Chúc công chúa lên đường may mắn.
Thanh-Mai đốc thúc mọi người lên xe, trực chỉ cổng nam, hướng Vạn-thảo sơn-trang. Xe ra khỏi cổng nam làng, theo hương lộ mà đi. Lê Phụng-Hiểu chỉ ngọn núi trước mặt:
- Kia là núi Băng-sơn, nơi Hồng-Sơn lão nhân ở.
Xa xa, hai ngọn núi cao vòi vọi tiếp giáp với nhau theo hình thước thợ. Chỗ tiếp giáp tạo thành khe núi. Dưới khe, nước chảy. Đến lưng chừng sườn núi, vách thẳng đứng, tạo ra thác nứơc. Thác ở trên cao đổ vào ngọn đồi dưới chân múi tạo thành chín ngọn suối nhỏ. Trông như chín con rồng đang ngoai từ núi xuống cánh đồng.
Càng đến gần, tiếng thác đổ càng lớn hơn. Xe qua mấy cây cầu bắc ngang suối, tiến đến cổng sơn trang. Trước cổng có bẩy tám người đang đứng chờ. Người nào lưng cũng mang vũ khí. Thanh-Mai ngạc nhiên, tự hỏi tại sao họ không vào trang. Lê Phụng-Hiểu đến trước một trung niên thiếu phụ, lưng đeo bảo kiếm thi lễ:
- Tỷ tỷ. Tại sao các vị tới đây lại không vào?
Trung niên thiếu phụ không trả lời, tay chỉ tấm bảng treo trên cổng. Lê Phụng-Hiểu nhìn lên, chàng đọc:
Kính cáo.
Đây là tư thất của Hồng-Sơn đại phu. Nơi này chỉ dành cho bạn hữu, thân nhân của người. Những ai bị bệnh, xin đến trước cổng chính của y viện.
Còn quý khách tới sơn trang, xin đứng chờ. Sơn trang sẽ có người ra hướng dẫn vào. Trong trang trồng rất nhiều hoa cỏ độc. Bằng bước qua cổng, lỡ trúng độc chết, trang chủ không trách nhiệm.
Mỹ-Linh nhìn đám người tới trước. Họ chia làm hai nhóm. Một nhóm ba người, đi trên chiếc xe bò. Người đánh xe là một cô gái da trắng mịn, đôi mắt sắc như dao cau, lạnh như nước suối mùa đông, loang lóang như tia nắng mặt trời ban mai. Trên xe, một người đàn ông cuốn chăn nằm dài, đang rên rỉ, dường như ốm nặng. Cạnh ông, có người đàn bà ngồi bưng mặt khóc thút thít, trên lưng đeo một cây bảo kiếm.
Mỹ-Linh nhìn cô gái, nàng nghĩ thầm:
- Ta tưởng trên đời, người đẹp nhất là mẫu thân ta, sau đến quý phi Đàm Thụy-Châu của ông nội. Không ngờ cô gái này còn có vẻ sắc sảo hơn cả mẹ ta, nhu nhã hơn Đàm quý phi. Chắc cô biết võ, nên mới đeo bảo kiếm bên cạnh.
Nhóm thứ nhì gồm bốn người. Họ cỡi ngựa. Trong bọn họ, có thiếu phụ đeo kiếm trả lời Lê Phụng-Hiểu. Ngoài ra còn một trung niên nam tử và hai thiếu niên một cao, một lùn.
Cả hai nhóm chỉ đưa mắt liếc qua bọn Thanh-Mai rồi lơ đãng nhìn trời. Thiếu niên lùn nói với thiếu phụ:
- U ơi, hay là u để con vào trong trang xem sao. Con sợ họ đi vắng cả . Chứ nếu có nhà, không lẽ chúng ta chờ từ sáng đến gìơ mà không biết? Thằng Mẫn mệt lắm rồi.
Thiếu phụ xoa đầu con:
- Minh, đừng nóng nảy. Hồi trưa u thấy phía bếp nhà họ có khói bốc lên. Hẳn họ nấu ăn, mới có lửa.
Thanh-Mai đưa mắt nhìn đứa trẻ tên Mẫn. Người nó gầy như cái que, hơi thở hổn hển, đôi mắt lờ đờ. Cạnh đó, một người đàn ông tướng mạo đường bệ, thản nhiên đứng nhìn nước suối chảy.
Bỗng trên trời có tiếng chim kêu. Bảo-Hòa ngước mắt nhìn lên, đôi chim ưng đang bay như tìm kiếm nàng. Nàng rút trong túi ra chiếc tù và, thổi liên tiếp một hồi dài. Đôi chim ưng ré lên gọi nhau, rồi đáp xuống.
Trung niên thiếu phụ kêu lên tiếng ủa kinh ngạc, rồi đưa nắt nhìn chồng. Bảo-Hòa gỡ ống tre ở chân chim mở nắp đổ ra. Trong có mảnh giấy nhỏ. Nàng đọc qua, lấy đá đánh lửa châm đốt đi. Đợi cho tờ giấy cháy hết. Bảo-Hòa hú lên một tiếng dài, đôi chim cất cánh bay bổng lên trời, từ từ khuất trong đám mây.
Bảo-Hòa chắp tay hướng hai toán người tới trước:
- Trời về chiều, mà chúng ta đợi mãi không thấy người ra đón. Tiểu nữ mạn phép gọi người trong trang. Nếu qúi vị thấy khó chịu, thì bịt tai lại.
Nói xong, nàng cho hai ngón tay vào miệng, hú lên một tiếng lảnh lót, dài liên miên bất tuyệt. Lúc đầu hai thiếu niên còn chịu được. Chỉ khắc sau, họ phải bịt tai nghiến răng như đau đớn lắm.
Quả nhiên, sau tiếng hú của Bảo-Hòa, trong trang xuất hiện một thiếu niên bước ra. Bọn Thanh-Mai bật lên tiếng ủa, vì y chính là cậu bé cỡi ngựa đánh nhau với bọn Quách Quỳ hôm trước.
Thiếu niên thấy bọn Thanh-Mai, thì cười tủm tỉm:
- Người xưa nói: tam sinh, hữu hạnh. Tiểu đệ lại được gặp các vị tỷ tỷ tại Van-thảo sơn-trang. Tiểu đệ họ Lê tên Văn, con út trang chủ. Thế nào bọn chệt đâu rồi?
Thanh-Mai đáp:
- Bọn chúng bị chúng tôi bắt trói lại, giải lên quan rồi.
Lê Văn hỏi:
- Vị đệ tử Tây-vu nào vừa giá lâm?
Thanh-Mai chỉ Bảo-Hòa.
Lê Văn mời:
- Xin thỉnh quý vị vào trang.
Lê Văn đi trước dẫn dường, mời mọi người ngồi vào trong căn nhà khách. Căn nhà khá rộng. Mọi vật dụng đều bằng tre hun khói rất thanh nhã. Lê Văn rót nước mời khách rồi nói:
- Mời quý khách xơi nước. Hồng-Sơn tiên sinh sắp ra.
Tiếng dép lẹp kẹp từ trong nhà đi ra. Thanh-Mai, Mỹ-Linh, Bảo-Hòa cùng đưa mắt nhìn nhau, vì bước chân trầm, tiếng động vang đi rất xa. Chứng tỏ người này có nội công rất thâm hậu, ít ra cũng bằng Huệ-Sinh, Tịnh-Huyền. Một người đàn ông tuổi khoảng năm mươi, mặc quần áo nâu, mắt sáng như sao. Mật mũi hồng hào. Trán rộng, cằm vuông. Người hơi mập một chút.
Lê Văn giới thiệu:
- Vị này là Hồng-Sơn đại phu, bố tôi.
Thanh-Mai kinh ngạc, đứng lên chào. Khi mới nghe tên Hồng-sơn đại phu, nàng tưởng ông phải già lắm, nào ngờ không lớn tuổi hơn thân phụ nàng. Mắt ông sáng lóang. Trên mặt có những vết dăn, làm cho ông có tứơng hổ. Ông lớn người, song có đôi bàn tay thực đẹp mịn màng, tươi hồng. Mỹ-Linh tự nhủ:
- Không ngờ mặt ông không đẹp, mà tay ông đẹp thế. Trong hòang cung, nào thiếu cung tần, mỹ nữ xinh đẹp, mà mình chưa thấy ai có bàn tay đẹp như thế này.
Hồng-Sơn đại-phu lên tiếng:
- Tại hạ đang mải mê chế thuốc, nghe tiếng hú lảnh lót của một cao đồ phái Tây-vu, vội vàng ra nghênh đón.
Mỹ-Linh hỏi:
- Chắc tiên-sinh có mối giao hảo với phái Tây-vu?
Hồng-Sơn đại-phu gật đầu:
- Không những giao hảo, mà còn có nhiều liên hệ nữa. Tại hạ với lạc hầu Thân Thiệu-Anh quen biết nhau từ lâu. Cũng vì quen biết, mà tại hạ phải ẩn cư ở đây.
Chợt ông đưa mắt nhìn Bảo-Hòa:
- Cô nương là ai? Tại sao bị trúng độc của phái Tây-vu?
Ông tiến lại bên Bảo-Hòa cầm tay bắt mạch. Bắt tay trái xong lại bắt tay phải. Cuối cùng ông bảo nàng há miệng, nhìn lưỡi, rồi nói:
- Cô nương bị trúng phải phấn Nhuyễn-cân của phải Tây-vu. Phấn này chính tại-hạ là người chế ra, tặng lạc hầu Thiệu-Anh, dùng làm bảo vật bảo vệ biên cương. Người trúng phấn này, mỗi ngày lên cơn sốt một lần. Khi cơn sốt hết, mồ hôi vã ra. Chân tay bải hoải vô lực. Sau bẩy lần bẩy là bốn mươi chín ngày thì chết. Ngoài thuốc giải của tại hạ chế ra, thì không thuốc nào chữa được. Tuy nhiên, dùng châm cứu cũng chữa được, nhưng chỉ thoát chết. Còn công lực hoàn toàn mất.
Ông chau mày:
- Cô là đệ tử Tây-vu, mà sao lại bị trúng độc của phái này? À phải rồi, chắc cô lầm lỗi gì, mới bị người trên phạt phải không? Cô ơi, phàm làm đệ tử, lầm lỗi, bị sư phụ phạt là truyện thường. Sao cô không năn nỉ xin tha, mà lại tới đây xin chữa bệnh? Ta không chữa cho cô đâu.
Bảo-Hòa kinh ngạc:
- Đại-phu! Từ ngày sinh ra đời đến giờ, cháu chưa từng nghe ai nói đến phấn Nhuyễn-cân có thuốc giải, mà chỉ nghe nói phải dùng châm cứu chữa trị mà thôi.
Đại-phu chau mày lại:
- Lạ thực, khi ta dạy Thân Thiệu-Anh chế phấn độc, cũng dạy y chế thuốc giải tại sao cô nương lại chưa từng nghe qua?
Ông cầm tay, bắt mạch Bảo-Hòa lần nữa, rồi nhăn mặt:
- Phàm người bị trúng phấn Nhuyễn-cân, phải ở nơi thoáng khí, không được xử dụng võ công. Đây, ngược lại, sau khi trúng độc, cô nương đã giao chiến với người, rồi ở trong phòng tối thiếu khí thở.
Mỹ-Linh kinh ngạc:
- Đúng như đại phu dạy. Sau chị cháu bị người ta đánh thuốc độc, rồi giam vào hầm đá gần tháng. Nhưng có điều chị cháu không hề xử dụng võ công.
Hồng-Sơn đại-phu chau mày lại bắt mạch lần nữa:
- Rõ ràng tiểu cô nương đây giao chiến với người của phái Thiếu-lâm, bị trúng Kim-cương chưởng của họ. Dường như là chiêu Vô tướng vô sắc. Người này là tục gia đệ tử chứ không phải là tăng.
Thanh-Mai phục quá. Nàng gật đầu:
- Đúng rồi. Hôm ấy sư muội cháu bị người ta đùng chiêu Vô tướng vô sắc đánh cho nghẹt thở, rồi phóng chất độc vào người.
Đại-phu trầm ngâm:
- Khi thoát khỏi nhà tù, tiểu cô nương viếng Vạn-hoa sơn-trang, hít hương thơm Thập đại danh hoa, thành ra phế tạng bị thương. Sau đó lại xử dụng thần công Tây-vu, điều khiển hổ, báo, vì vậy độc chất chạy vào tới tâm tạng. Cô nương thử hít mạnh một hơi mà xem, có phải sau khi thở ra, trong phế dường như bị kim châm không? Trong lòng cô nương bồi hồi không yên. Vì đó là độc chất chạy vào tâm. Y thư nói tâm chủ thần chí khi tâm bị chất độc xâm nhập, thì thần chí hỗn lọan, trong lòng hồi hộp không yên.
Ông ngồi ngay ngắn dậy hỏi Bảo-Hòa:
- Cô nương thuộc động nào, châu nào ở bắc biên?
Bảo-Hòa thụp xuống đất hành đại lễ:
- Thưa tiên sinh. Ông nội cháu chính là Thân Thiệu-Anh. Cháu là con của...
Mặt đại-phu hiện lên một luồng hắc khí:
- Vậy cô nương là con Thân Thừa-Quý với con gái Lý Công-Uẩn?
Mỹ-Linh thấy nét mặt của ông biến đổi, cùng cách gọi ông nội mình là Lý Công-Uẩn chứ không gọi là Thuận-thiên hòang đế thì biết ông có thù hận với họ Lý nhà nàng. Bảo-Hòa gật đầu:
- Vâng, mẹ cháu là Lĩnh-Nam bảo quốc, hòa dân công chúa.
Hồng-Sơn đại-phu đứng dậy:
- Không chữa. Ta không chữa cho cô nương. Điều thứ nhất, cô là cháu Thân Thiệu-Anh. Điều thứ nhì cô là cháu Lý Công-Uẩn. Mời cô nương rời khỏi đây.
Mỹ-Linh hỏi:
- Tai sao vậy tiên sinh?
__ Tại vì ta với Lý Công-Uẩn có mối thù bất cộng đái thiên. Ta giữ ba lời nguyền. Một là không chữa cho tụi Tầu, hai là không chữa cho những ai trong tộc thuộc họ Lý. Ba là chỉ nhận chữa những bệnh không ai chữa được.
Lão hỏi Mỹ-Linh:
- Còn cô, cô là ai?
- Tiểu nữ là cháu nội của Thuận-thiên hòang đế họ Lý tên Mỹ-Linh được phong công chúa Bình-Dương. Không biết tiên sinh có thù oán gì với họ Lý mà lại nguyền như vậy?
- Giữa ta với Lý Công-Uẩn không thù không oán. Nhưng y cướp ngôi của nhà Lê, là điều sĩ dân trong thiên hạ không ai khâm phục cả.
Trong đời Mỹ-Linh, nàng kính trọng ông nội như một vị thần. Nay nghe đại phu mạ lỵ ngài, nàng không chịu được:
- Tiên sinh liệu lời mà nói. Tiểu nữ là con cháu người. Tiên sinh nhục mạ người như vậy thì tiểu nữ không để yên đâu.
Đại-phu đổ quạu:
- Văn, con bắt đứa con gái này ngậm miệng cho bố xem.
Lê Văn hơi ngập ngừng một chút, rồi nó vung tay túm sau cổ Mỹ-Linh. Mỹ-Linh lạng người tránh, nhưng không kịp, Lê Văn đã túm được cổ nàng. Nàng há miệng định chửi, thì nhanh như chớp, Lê Văn nhét vào miệng nàng trái chuối cau. Nó mỉm cười:
- Trời ơi chị xinh đẹp thế này, mà sao già mồm thế? Mời chị xơi trái chuối cau. Chuối cau Vạn-thảo sơn trang có tiếng thơm, và ngọt.
Mỹ-Linh nhai trái chuối, nuốt cả vỏ. Nàng rút kiếm của Thanh-Mai đưa vào cổ Lê Văn bằng một chiêu thần tốc. Mọi người kêu thét lên, tưởng nó khó tránh khỏi cái chết. Không ngờ nó lộn đi một vòng, rồi bật người dậy. Nó tưởng như vậy là thoát khỏi lưỡi kiếm của nàng. Không ngờ khi nó bật người dậy thì mũi kiếm Mỹ-Linh đã di chuyển theo dí vào cổ nó. Biết gặp kình địch, nó né đầu tránh, rồi rút trong bọc ra một ống tiêu bằng trúc gạt kiếm Mỹ-Linh. Choang một tiếng, kiếm Mỹ-Linh vuột khỏi tay, bay lên cắm vào cột nhà.
Cánh tay Mỹ-Linh gần như tê liệt.
Nguyên Mỹ-Linh là đệ tử của phái Tiêu-sơn. Nàng mới học kiếm pháp Mê-linh do Tịnh-Huyền dạy. Mà kiếm pháp này lấy mau thắng chậm, lấy động chế tĩnh. Vì khinh thường nàng dùng kiếm dí vào cổ người, hóa ra lấy tĩnh chế động. Khi Lê Văn dùng ống tiêu gạt, đáng lẽ nàng phải biến chiêu để tránh sở đoản. Nàng lại giữ nguyên. Vì vậy kiếm bị bay mất.
Mỹ-Linh chạy lại nhổ kiếm. Trong đầu óc nàng vang lên tiếng Tịnh-Huyền giảng:
- Kiếm pháp lấy mau thắng chậm. Nếu học được 72 thức trấn môn, thì chiêu nọ nối với chiêu kia liên miên bất tuyệt, dù đối phương mạnh đến đâu cũng không sợ.
72 thức trấn môn trong tấm bia đá hiện ra. Nàng nhẩm đi nhẩm lại, rồi vung kiếm tấn công nữa. Hồng-sơn đại-phu cười nhạt:
- Được, cho cháu Lý Công-Uẩn, đấu với con ta, xem ai thắng, ai bại.
Mỹ-Linh đánh bốn chiêu. Bốn chiêu nối liền thành một dây, khiến Lê Văn phải lui lại ba bước mới tránh khỏi.
Hồng-Sơn đại-phu thấy chiêu kiếm của Mỹ-Linh hung hiểm lạ thường, lão hỏi:
- Này cô nương. Cô nương ra bốn chiêu kiếm liền, đúng là Mê-linh kiếm pháp. Đến chiêu thứ tư chiêu thức không đổi. Thế nhưng biến hoá khác thường. Phải chăng cô nương tự chế ra?
Thực ra bốn chiêu đều là Mê-linh kiếm pháp, song chiêu thứ tư Mỹ-Linh áp dụng phép kết hợp của 72 thức trấn môn, nên linh diệu khác thường.
Mỹ-Linh đã có một ý niệm về việc xử dụng kiếm pháp Long-biên. Nàng lại xuất liền một dây mười chiêu. Chiêu nọ nối với chiêu kia, khiến Lê Văn chỉ còn lo chống đỡ. Đến chiêu thứ mười bốn, thì ống tiêu bị văng lên không. Mỹ-Linh chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Nàng tần ngần đứng nhìn đối thủ.
Từ Hồng-sơn đại-phu cho đến Thanh-Mai đều kinh ngạc, rõ ràng Mỹ-Linh ra chiêu ngượng ngập như người mới học. Kiếm pháp của nàng là kiếm pháp Long-biên, thế mà dường như các chiêu biến hóa lạ lùng, không ai ngờ tới. Hồng-sơn đại phu bảo con:
- Thằng vô dụng, mi thua rồi, lui lại đi.
Tất cả những người hiện diện đều biết rằng võ công, công lực Mỹ-Linh thua Lê Văn xa. Khi nàng xử dụng kiếm lần đầu rõ ràng còn bỡ ngỡ. Sau khi thất bại, nàng đổi đi một chút khiến Lê Văn bị thua.
Thiếu phụ đeo kiếm hỏi Mỹ-Linh:
- Này công chúa. Tại hạ nghe nói công chúa học võ với Khai-quốc vương. Mà Khai-quốc vương là đệ tử phái Tiêu-sơn, tại sao công chúa biết xử dụng kiếm pháp Long-biên của phái Mê-linh?
Mỹ-Linh vốn tính chân thật, nàng đáp:
- Tôi học kiếm với thái cô.
Hồng-sơn đại-phu lên tiếng gọi:
- Thiếu-Mai đâu.
Một thiếu nữ trong nhà chạy ra. Thanh-Mai nhận ra, nàng là thiếu nữ đi cùng Lê Văn hôm trước. Võ công nàng cực cao, chỉ cần đánh một chiêu, hai anh em Triệu Huy đều lạc bại.
Hồng-Sơn đại phu chỉ Mỹ-Linh:
- Cô nương đây là công chúa Bình-dương, cháu Lý Công-Uẩn. Ba chiêu đầu cô bị thua Lê Văn, đến chiêu thứ tư, thì cô biến đổi kiếm pháp, khiến y bị thua. Con hãy lĩnh giáo mấy chiêu kiếm của cô cho bố xem.
Thiếu nữ mỉm cười nói với Mỹ-Linh:
- Mời công chúa.
Mỹ-Linh biết muôn ngàn lần mình không phải đối thủ của Thiếu-Mai. Nàng ước đoán bản lĩnh Thiếu-Mai còn cao hơn Tạ Sơn với chú nàng một bậc. Tuy vậy nàng nghĩ:
- Nàng này tuổi tác, võ công hơn mình xa. Chắc nàng không đả thương mình đâu. Đã vậy mình cứ tấn công, không cần thủ.
Nàng vung kiếm đánh xéo từ dưới lên trên. Thiếu-Mai né tránh dễ dàng. Mỹ-Linh thuận tay đánh chiêu khác, thiếu nữ cũng né tránh. Cứ thế Mỹ-Linh đánh hết 72 chiêu Long-biên kiếm pháp.
Thiếu nữ bảo Mỹ-Linh:
- Cô nương mơí xử dụng Long-biên kiếm pháp lần đầu, còn thô sơ lắm. Thôi mời cô nương ra sân ôn lại đi. Khi nào thành thạo, ta sẽ đùa với cô nương.
Nói rồi nàng đẩy một chưởng. Mỹ-Linh bay bổng ra giữa sân. Nàng đáp xuống cạnh bụi hoa trà. Nhìn nụ cười khinh khi của Thiếu-Mai, Mỹ-Linh tức ứa máu lên cổ. Nàng nhủ thầm:
- Ta học nghệ không tinh, để người khinh khiến ông nội. Tại sao ta không luyện kiếm tại đây được?
Nàng luyện lại 72 thức Long-biên kiếm pháp, rồi chuyển ra biến hóa. Mỗi thức có 36 chiêu thành 2592 chiêu.
Hồng-Sơn đại-phu không thèm đếm xỉa đến Mỹ-Linh, quay lại hỏi Thanh-Mai:
- Còn cô nương. Cô nương có phải là công chúa nữa chăng?
Thanh-Mai thản nhiên:
- Thưa tiên sinh, tiểu nữ họ Trần, tên Thanh-Mai thuộc phái Đông-a.
Mặt ông trầm tĩnh trở lại:
- Cô với Côi-sơn đại hiệp là chỗ thế nào?
- Tiểu nữ là con gái của người.
Đại-phu phóng chưởng tấn công Thanh-Mai liền. Chưởng chưa ra, mà nàng đã cảm thấy ngộp thở. Biết nguy hiểm, nàng vận đủ mười thành công lực xuất chiêu Đông-hải lưu phong, chân bước lui một bước để hóa giải bớt kình lực đối phương. Bình một tiếng. Nàng lảo đảo lui lại. Cánh tay như tê liệt. Nàng kinh hãi nghĩ:
- Quái nhân này nổi tiếng là thần-y đương thời, tính tình cổ quái đã đành, mà võ công cực kỳ cao thâm. Chiêu vừa rồi ông ta chỉ vận có ba thành cộng lực, chứ nếu ông ta mạnh tay thì mình còn sống thế nào được?
Đại-phu cười khành khạch, vỗ đầu Thanh-Mai:
- Đúng, cháu đúng là con người bạn ta. Thế nào bố vẫn mạnh khỏe chứ?
- Thưa tiên sinh, thì ra tiên sinh là bạn của bố cháu?
- Chúng ta chơi với nhau từ hồi còn để chỏm. Đã lâu lắm rồi ta không gặp bố cháu.
Bỗng mặt ông nhăn lại:
- Chiêu Đông-hải lưu phong vừa rồi của cháu quả đúng là võ công phải Đông-a, nhưng dường như nội công thì không hoàn toàn đúng.
- Thưa sư bá, quả như sư bá dạy.
Rồi nàng kể truyện Huệ-Sinh dạy Thiền-công cho nàng như thế nào. Đại-phu cười:
- À thì ra thế. Lão thầy chùa Huệ-Sinh đâu rồi?
- Đại sư hiện đang ở chùa Sơn-tĩnh.
Đại-phu nhảy phắt lên:
- Sơn-tĩnh à? Tại sao lão lại ở Sơn-tĩnh. Đến đó coi chừng thằng thầy chùa ăn thịt chó Nguyên-Hạnh nó hại ngầm thì đi đời.
Ông ngồi vuốt tóc Thanh-Mai:
- Hà hà, bạn ta có đứa con gái vừa xinh đẹp, vừa giỏi võ. Cháu phải ở đây với ta, ta dạy cháu tất cả bản lĩnh chữa bệnh của ta. Ừ, cháu mà học được nghề thuốc, rồi đi khắp nơi trị bệnh cho dân chúng, thì tuyệt.
Thanh-Mai thấy tính tình ông thất thường. Yêu ai thì yêu hết lòng, ghét ai thì ghét cả họ hàng nhà người ta. Ông muốn dạy nàng, mà không hỏi ý kiến bố nàng đã đành, đến nàng ông cũng không cho phát biểu ý kiến. Chợt ông chỉ Bảo-Hòa, hỏi Thanh-Mai:
- Cháu ngoan, tại sao cháu lại đi chung với mấy đứa cháu Lý Công-Uẩn?
Thanh-Mai kể sơ lược truyện nàng gặp Mỹ-Linh với Bảo-Hòa cho ông nghe, rồi tiếp:
- Nếu sư bá có hiềm khích với triều Lý, thì cũng nên nghĩ tới lạc hầu Thân Thiệu-Anh mà trị cho cháu gái người.
Đại-phu gọi Bảo-Hòa:
- Để ta nói cho cô biết tại sao ta lại cũng có thù với ông nội cô. Thủa thiếu thời, ta thường cầm quân chinh phạt vùng núi rừng Bắc biên. Ta gặp một người võ công cực cao, đang thống lĩnh 207 khê-động miền Bắc. Y với ta kết làm huynh đệ. Chính ta dạy y chế thuốc Nhuyễn-cân. Không ngờ khi vua Lê Ngọa-triều tại vị. Y chỉnh đốn binh mã định đem quân về đánh. Vừa lúc đó Lê Ngọa-triều băng hà. Y làm áp lực bắt triều thần phải tôn Lý Công-Uẩn lên ngôi vua, bằng không y kéo quân về. Quần hào sợ nội chiến, phải tôn Lý lên làm vua. Do vậy nhà Lê mất nghiệp.
Ông thở dài buồn bã:
- Vì vậy ta bẻ đũa thề, tuyệt tình với Thân Thiệu-Anh. Ta là kẻ thù của Lý Công-Uẩn và Thân Thiệu-Anh.
Mắt phượng quắc lên, Bảo-Hòa đứng dậy:
- Ta thà chết chứ không để người thù của ông ngoại chữa cho ta. Mỹ-Linh, chúng ta đi thôi.
Hồng-Sơn đại-phu búng tay một cái, bốn viên thuốc bay ra với tốc độ quay cực nhanh, nhưng đi rất chậm, bật lên những tiếng vo vo, inh tai nhức óc hướng ba người, Thân Bảo-Hòa, Lê Phụng-Hiểu, Trần Thanh-Mai. Ba người vung tay bắt. Khi thuốc sắp tới tay, thì tan ra thành bụi. Một mùi hương thơm nồng nực bốc lên. Ba người lảo đảo ngã ngồi xuống. Lão vẫy tay một cái một thiếu nữ sau màn bước. Lão chỉ Thanh-Mai:
- Con bé này là con gái yêu của bạn ta. Nó đang bị mệt. Các người đem vào phòng Vạn-hương nằm nghỉ. Ta vừa cho nó hấp một viên thuốc định thần, khi nó thức, các người nấu cháo cá quả cho nó ăn.
Lão chỉ vào bọn Bảo-Hòa:
- Ta bắn ra ba viên thuốc, nhưng con bạn ta thì được hấp thuốc định thần. Còn các người thì ta cho thưởng thức Hàn-ngọc đan. Các người tưởng Vạn thảo sơn-trang là chỗ ai muốn đến thì đến, muốn đi thì đi hẳn. Các người đã hỗn hào với ta, thì ta làm cho muốn sống không xong, muốn chết không được. Các người chịu khó nằm đó, cho đến khi nào con bé Mỹ-Linh kia thắng được Thiếu-Mai, ta sẽ chữa cho, và tha về.
Từ đầu đến cuối, hai nhóm người đến xin chữa bệnh ngồi im không lên tiếng. Bây gìơ đại-phu mới chú ý đến. Ông hỏi:
- Các vị là ai?
Trung niên thiếu phụ chỉ vào đứa con tên Mẫn:
- Thưa tiên sinh, chúng tôi cầu tiên sinh chữa cho đứa con của chúng tôi.
Đại-phu nắm tay, cầm mạch đứa nhỏ, trầm ngâm một lúc rồi nói:
- À bệnh này thì những cái thứ lang băm chữa không được đâu. Có phải tư hồi sáu bẩy tháng, nó bị lên cơn sốt, rồi bị ho, bị đau cổ họng. Bà tìm thày thuốc. Thày cho uống Ma-hòang, Quế-chi, Sinh-khương, Cam-thảo. Bệnh khỏi. Nhưng chỉ ít lâu lại tái phát. Và cứ thế kéo dài năm này qua năm khác. Đến năm thứ ba, nó biến thành suyễn, thầy lang lại cho uống Ma-hòang, Cam- thảo, Hạnh-nhân, Thạch-cao. Bệnh suyễn hết, nhưng từ đấy chân tay nó bị lạnh, ăn không được, chứng suyễn cứ phát đi, phát lại hòai.
Trung niên nam tử chắp tay:
- Đúng như tiên sinh dạy. Chẳng dấu gì tiên sinh, chính tôi là thầy lang chữa cho con tôi. Tiên sinh đã biết tường tận, hẳn có thể cứu được cháu.
- Cứu thì cứu được. Trước khi điều trị, tôi cần biết căn cước các vị.
Thiếu phụ khai:
- Chồng tôi họ Trịnh tên Thư, hiện làm nghề buôn bán, cũng biết chút ít y lý, nên thường hay tự chữa bệnh cho vợ con. Chúng tôi quê ở Đồn-sơn. Nhà chỉ có hai đứa con trai.
Đại-phu gật đầu:
- Như vậy con ông bà đủ điều kiện được điều trị. Để tôi nói về chứng bệnh thằng bé cho ông bà nghe. Con người ta chia làm hai phần là Tiên thiên khí và Hậu thiên khí. Khởi đầu, con người chỉ là hạt tinh khí của cha, bắn vào bà mẹ. Tinh khí đó được bào cung của mẹ nuôi dưỡng bằng nguyên-khí cho đến lúc sinh ra. Tinh-khí của cha, Nguyên-khí của mẹ hợp lại thành Tiên thiên khí. Sau khi người ta sinh ra, thở hít khí trời tức Thiên-khí, ăn uống thực vật là Địa-khí. Thiên-khí, Địa-khí thành Hậu-thiên khí. Bệnh của con người chia làm hai loại. Một là do Tiên-thiên-khí hai là do Hậu-thiên-khí. Bệnh của cháu thuộc Tiên-thiên-khí. Trong khi ông bà giao-hợp ,nhằm giữa lúc người ông đang bị bệnh phổi, họăc bị đau bao tử, vì vậy cháu mới bị loại bệnh này. Hoặc gỉa trong khi bị bệnh, bà ăn nhiều thức ăn khó tiêu, thành ra Tiên-thiên-khí của cháu yếu đuối. Khi Tiên-thiên-khí yếu đuối, thì sự hấp thụ hậu thiên kém đi, sinh ra khí huyết đều hư.
Ông sờ tay lên bụng thằng bé, rồi tiếp:
- Khí huyết hư nhựơc, bị ngoại tà xâm nhập qua đường da, đường hô hấp. Thầy lang cho uống Ma-hòang, có vị cay, tính lại nóng. Cay thì làm hàn tan, nóng để trị hàn. Ma-hòang có tính chất làm ra mồ hôi. Quế-chi tính cũng cay, nhiệt, lại làm thông dương khí, trị phong hàn rất tốt. Sinh-khương tính ấm, giải biểu phụ với Ma-hòang, Quế-chi. Bệnh cảm của cháu khỏi. Nhưng khỏi rồi, mấy hôm sau phong hàn lại tái nhập. Cứ như thế trong nhiều năm, tà nhập vào tới phế. Phế tạng bị hư, thành suyễn.
Ông ấn tay vào lưng đứa trẻ:
- Thầy lang cho uống Ma-hoàng, đúng, Hạnh-nhân để khỏi ngứa cổ, trị ho đúng. Thạch-cao tính hàn, hạ nhiệt. Đúng. Nhưng trong khi gốc của bệnh là khí huyết hư nhược vẫn còn. Nếu cứ dùng công phạt như thế mãi, thì tà tuy trục ra, mà bệnh nhân khô kiệt rồi chết. Đối với đứa trẻ này, phải dùng phép phù chính. Tức phải bổ Tiên-thiên khi, cùng bổ Hậu-thiên khí.
Ông cầm bút viết:
Phục-linh một tiền,
Nhân-sâm nửa tiền,
Bạch-truật một tiền,
Quế-chi nửa tiền,
Cam thảo ba miếng.
Ông gọi tiểu đồng:
- Con đem thuốc đổ vào siêu, cho ba bát nước, khi còn nửa bát đem cho thằng bé này uống.
Trịnh Thư hỏi:
- Thưa tiên-sinh, tại hạ không hiểu nguyên lý của thang thuốc này. Xin tiên sinh giải cho.
- Gốc bệnh của cháu là tỳ vị hư nhược. Phục-linh bổ tỳ. Tỳ là gốc của sự vận khí. Khi tỳ mạnh, cháu ăn uống ngon. Bạch-thuật cùng tính năng như Phục-linh. Phụ với Phục-linh. Nhân-sâm để bổ Tiên-thiên khí, cùng bổ thận khí. Quế-chi dương tính mạnh, thông dương, trợ tâm khí. Còn Cam-thảo là dược vị hòa Trung-tiêu mà thôi.
Thình lình đứa trẻ ho mấy tiếng, rồi lên cơn suyễn, khò khè trong cổ. Ông mỉm cười:
- Không hề gì. Ta trị suyễn bằng châm cứu.
Ông cầm kin châm vào huyệt Đại-trữ, Phong-môn, Phế-du, Khuyết-âm-du dùng tay xoay kim. Trong cổ thằng bé hết khò khè liền. Ông lật thằng bé dậy, châm vào huyệt Thiên-đột, Hiệp-cốc, rồi xoay kim. Chỉ trong vòng hai mươi tiếng đập tim, thằng bé thở như thường.
Đến đó tiểu đồng mang thuốc ra cho thằng bé uống. Ông dặn:
- Ông bà dẫn cháu về làng Vạn-thảo nghỉ ngơi. Mai lại đem cháu tới, tôi trị tiếp.
Vợ chồng Trịnh Thư chắp tay:
- Còn tiền tạ thầy thế nào, mong tiên sinh dậy cho.
- Không vội, hãy lo cứu đứa bé này đã. Tạ với biếu làm gì vội. Đợi khỏi bệnh rồi ta mới nhận tạ.
Vợ chồng Trịnh Thư dắt con, tạ từ lão rồi ra cửa. Bây giờ ông mới hỏi Lê Văn:
- Còn ai không?
- Thưa bố còn một người bệnh nữa. Để con mời vào.
Lê Văn dẫn thiếu phụ đi với cô gái có đôi mắt đẹp vào. Đại phu hỏi thiếu phụ:
- Thưa bà. Bà cần ta điều trị cho ai?
Thiếu phụ cùng người đàn ông đang nằm bất động thấy vị đại phu rất quen mặt, mà không nhận ra là ai. Bà chỉ người đàn ông đang nằm bất động, nói:
- Thưa tiên-sinh, cháu không có bệnh gì. Người bị bệnh là bố cháu. Bố cháu họ Lâm tên Tín làm nghề đánh cá.
- Bà có phải là tộc thuộc họ Lý họăc người Tầu không?
- Thưa không. Có điều...
- Không có điều gì cả. Bà không ở trong hai điều đó là được rồi.
Người đàn bà lạy thụp xuống đất:
- Thưa tiên sinh, mong tiên sinh cứu chồng tôi. Nguyên cách đây mười năm, một đêm bị lên cơn sốt mê mệt. Hôm sau cổ tay phải sưng lớn. Thầy lang cho uống thuốc trấn thống, bẩy ngày sau thì khỏi. Thế rồi sau đó khi thì nửa tháng, khi thì một tháng bệnh tái phát. Dần dần hai đầu gối sưng lớn, xương méo đi. Hiện nay cổ, hai cùi chỏ, cườm tay, đầu gối sưng, xương méo hết. Chân tay phù thủng, đi, đứng không được.
Ông bắt mạch, xem lưỡi bệnh nhân, rồi nói:
- Bệnh của ông không có gì đáng ngại cả. Ông ta bị phong thấp lâu ngày, trị không khỏi, rồi nó chạy vào xương. Y học cổ gọi là tý chứng. Bà đi một mình với ông, hay còn có ai đi theo?
Thiếu phụ chỉ ra ngoài:
- Tôi còn cháu gái đi theo. Vì không có lệnh của tiên sinh, cháu không dám vào.
Bà gọi vọng ra ngòai:
- Huệ-Phương. Đại phu truyền con vào.
Cô gái có đôi mắt đẹp bước vào. Cô trông thấy Hồng-Sơn đại phu thì đứng dừng lại, bật lên tiếng kêu:
- Là... là... tiên sinh đấy sao?
Hồng-Sơn đại phu quên mất xung quanh ông còn nhiều học trò, bệnh nhân. Ông ngỡ ngàng:
- Huệ-Phương. Huệ-Phương. Ta tưởng kiếp này không gặp lại cô nương nữa.
Huệ-Phương cũng không tự chủ được, nàng ngã vào lòng ông. Đám đệ tử cùng con cháu ông vội giải tán. Trong phòng chỉ còn lại bố mẹ Huệ-Phương.
Hai người ôm nhau một lúc, rồi ông buông nàng ra. Nước mắt như mưa, nàng nói:
- Em đi tìm anh khắp đất nước Đại-Việt, sang cả Trung-quốc hai năm qua mà không gặp. Nào ngờ... nào ngờ ông trời có mắt.
Hình ảnh hai năm cũ trở về. Bấy giờ Huệ-Phương là cô gái 17 tuổi, nổi tiếng văn hay chữ tốt, thi thư đều thông. Nàng lại là đệ tử của phái Sài-Sơn, nên từ may mặc đến bếp núc đều hay. Nhan sắc nàng có một không hai. Không biết bao nhiêu người đến đánh tiếng hỏi, mà bố mẹ nàng không nhận lời.
Vào một ngày mùa đông, mưa phùn gió lạnh. Bố nàng bị đau nặng. Nàng phải đội mưa đi tìm thầy lang. Không ngờ tìm hết thầy này đến thầy khác, không thầy nào nhận lời. Quá mệt mỏi, nàng bị xỉu trên đường đi.
Giữa lúc đó, một trung niên nam tử cỡi ngựa đi qua. Ông thấy một thiếu nữ nằm bên đường, vội nhảy xuống cứu. Nhưng ông là đàn ông, nàng là gái, làm sao bây giờ? Ông phải tùng quyền ôm nàng lên ngựa, rồi dùng ngón tay chỏ điếm huyệt Nhân-trung cho nàng. Nàng từ từ mở mắt ra, nhưng người run lên vì lạnh. Ông đành ôm chặt nàng vào lòng, rồi phi ngựa đi tìm quán trọ. Vào quán, ông nhờ đốt lò sưởi cho nàng sưởi, tuy nhiên tay vẫn để vào huyệt Đản-trung của nàng mà truyền chân khí cứu cấp. Huyệt Đản-trung nằm trên ngực, giao điểm của trung tuyến ngực với đường nối hai đỉnh vú. Sáng hôm sau nàng tỉnh hẳn. Ông đưa nàng về nhà, rồi từ biệt lên đường. Trung niên nam tử đó là Hồng-Sơn đại-phu.
Sau cuộc cấp cứu đó, tình cảm nảy sinh. Ông tương tư Huệ-Phương. Ngược lại Huệ-Phương cũng tương tư ông. Mấy tháng sau, không chịu được thương nhớ, ông trở lại tìm Huệ-Phương, thì bố mẹ cho biết tại triều có chiếu chỉ thiên tử tìm một trăm con gái đẹp tiến cung. Huệ-Phương có tên trong danh sách. Trong một trăm cô gái, Huệ-Phương được một hoàng tử lọt mắt xanh, tuyển làm phi tần. Trước khi lên đường, nàng khóc lóc thảm thiết, thú thực mối tình với bố mẹ. Nàng lấy bộ quần áo, cùng chiếc khăn mà nàng mang hôm gặp Hồng-Sơn đưa gửi bố mẹ, nói rằng thế nào ông cũng trở lại. Vậy xin trao khăn, quần áo cho ông. Hẹn kiếp sau tái ngộ.
Ông nhận cái áo cánh mầu nâu, cái quần lụa đen và cái khăn hồng quàng cổ trở về sơn trang. Cứ đêm đêm. Ông đem áo, quần, khăn của nàng ra hít lấy hơi, tìm lại hương hoa ngày cũ. Nhiều khi ông muốn mạo hiểm vào cung, tìm nàng, giải thoát mang về đây, nhưng rồi lại chần chờ. Hôm nay, sau mấy năm thương nhớ, nàng lại hiện đến.
Huệ-Phương ngồi ngay ngắn, sửa lại y phục, rồi hỏi đại-phu:
- Anh ơi! Bệnh này do đâu mà có?
- Bệnh này thuộc vào loại hỗn hợp, một nửa do ngoại tà ở ngoài xâm nhập. Một nửa do cơ thể suy nhược sinh ra. Đầu tiên do huyết hư, tỳ dương hư, thận dương hư, rồi phong, thấp, hàn xâm nhập mà thành.
Huệ-Phương ngơ ngác không hiểu. Khi ngơ ngác, đôi mắt nàng đẹp lạ lùng. Hồng-sơn đại-phu giảng:
- Cơ thể con người cũng như vũ trụ, phân làm âm, dương. Khí là dương, huyết là âm. Ngũ tạng là tâm, can, tỳ, phế, thận là âm. Lục phủ đại-trường, tiểu trường, tam-tiêu, bàng-quang, vị, đởm là dương. Nhưng trời đất sinh ra trong âm có dương, trong dương có âm. Vì vậy thận cũng phân ra thận âm, thận dương. Tâm phân ra tâm âm, tâm dương... Cơ thể con người cần điều hòa âm dương. Nếu âm dương bất điệu sinh ra bệnh. Mỗi tạng, mỗi phủ đều có khí âm dương chống bệnh. Dương chống âm, âm chống dương.
Huệ-Phương bật lên tiếng « a »:
- Em hiểu rồi. Để em nói xem có đúng không nghe. Cứ như anh nói, cơ thể của bố em bị huyết hư. Huyết là âm. Khi âm huyết không đủ thì phong tà xâm nhập. Như vậy phong là dương tà.
Đại-phu giật mình:
- Em thông minh thực, chỉ thoáng một cái đã đoán ra. Cơ thể thân phụ em bị huyết hư, nên phong tà nhập. Thận dương hư bị hàn nhập. Bởi thận dương chủ chống với ngoại hàn. Khi thận dương hư, thì hàn tà nhập. Cuối cùng tỳ chủ vận hóa thủy thấp. Khi tỳ dương hư, thì thủy thấp nhập cơ thể. Kết lại vì huyết, thận, tỳ hư, nên phong, hàn, thấp nhập cơ thể.
Mỹ-Linh đang luyện kiếm ngoài sân, lời đối đáp của đại phu cùng Huệ-Phương lọt vào tai nàng. Nàng nhớ lại, thầy dạy văn của nàng là Lý Đạo-Thành đã giảng Kinh-dịch cho nàng rất tường tận. Thái-cực sinh Lữơng nghi là âm dương. Lưỡng nghi sinh Tứ-tượng. Tức là trong âm cũng sinh ra âm dương. Trong dương cũng sinh âm dương nữa là Bát-quái. Trong 72 thức Long-biên kiếm pháp, mỗi thức biến ra 36 chiêu thành 2592 chiêu, nàng đã hiểu, cho nên khi biến từ 72 sang 2592 nàng thắng Lê-Văn. Bây giờ 2592 chiêu nàng biến ra âm, dương thành 5184 chiêu. Nhưng một chiêu đâm ra, thì thế nào là âm, thế nào là dương?
Trong khi đó, đại-phu đang giảng cho Huệ-Phương:
- Trong cơ thể con người thì trên là dương, dưới là âm. Phải là dương, trái là âm. Lưng là dương, bụng là âm. Cơ thể sao phải thăng bằng giữa khí và huyết, giữa phải và trái, giữa trên và dưới, giữa trước và sau. Như vậy thì trong người khỏe mạnh. Em đeo kiếm thì hẳn biết võ công. Khi xử dụng võ công em cũng phải phân ra công là đương, thủ là âm. Thở ra là âm, hít vào là dương. Như vậy sẽ không bị mệt mỏi.
Huệ-Phương ngơ ngác:
- Xin anh nói rõ hơn rõ hơn.
Hồng-sơn đại-phu đối với Huệ-Phương cực kỳ nhu nhã. Ông cầm ống tiêu tà tà đưa ra một chiêu, rồi từ từ chuyển sang phải. Từ phải chuyển lên trên, rồi cười:
- Như chiêu vừa rồi, anh đâm về trước. Từ trước anh có thể biến sang phải là dương hoặc sang trái là âm. Nhưng anh chuyển sang phải. Tại vị trí phải anh chuyển lên trên là dương, xuống dưới là âm. Mà này em ơi. Khi anh chuyển như vậy, em đâu có biết rằng anh vận sức hay không? Nếu vận sức là dương, không vận là âm. Trong khi ra chiêu, vận sức hay không chỉ mình mình biết. Khi vận sức là dương, là thực chiêu. Khi không vận sức là âm, là hư chiêu.
Hôm ở dưới hầm đá, Mỹ-Linh thấy kiếm quyết thì học, chứ thực sự nàng không hiểu. Bây giờ nghe quái nhân kể, nàng mới bừng tỉnh ngộ:
- Thì ra thế. Từ 72 thức. Mỗi thức có 36 chiêu thành 2592, cộng âm dương thành 5184. Nếu biến hóa tam hư thất thực thì có ba mươi sáu ngàn, ba trăm lẻ chín chiêu thực, và mười lăm ngàn năm trăm năm mươi hai chiêu hư. Tổng cộng 51.851 chiêu. Trong những chiêu đó, có 72 thức mối nối, nối liền các chiêu với nhau.
Nghĩ vậy tay nàng múa kiếm như mây trôi, như nước chảy, liên miên bất tuyệt. Múa một lúc, nàng ngừng lại, vì trời đã tối.
Lê Văn ra sân nói:
- Công chúa, mời công chúa vào xơi cơm. Tôi nói nhỏ cho công chúa biết, bố tôi là người rất tốt. Tuy vậy đôi khi cố chấp. Công chúa yên tâm. Tôi có cách khuyên bố tôi. Công chúa đừng buồn.
Mỹ-Linh, Bảo-Hòa, Lê Phụng-Hiểu được đưa vào căn nhà bằng tre, trang trí toàn bằng tre. Lê Văn chỉ bàn:
- Bố tôi giao cho tôi tiếp các vị. Mời các vị dùng chút ít thổ sản Vạn-thảo sơn trang.
Mỹ-Linh nhìn lên bàn: có hai món ăn chính, mà nàng chưa từng biết.
Lê Văn tủm tỉm cười:
- Chắc công chúa chưa từng ăn qua các món này phải không?