mạnh của trí tưởng tượng và ảnh hưởng của
nó tới đời sống của chúng ta. Nhưng nghĩ lại,
tôi đã viết thay vào đó một truyện ngắn về
nhà thơ Andersen. Tôi nghĩ rằng truyện ngắn
này có thể thay thế cho chương sách và hơn
nữa, nó có thể làm ta hình dung rõ ràng trí
tưởng tượng hơn là những câu chuyện chung
chung về đề tài này.
Trong cái khách sạn bẩn thỉu và cũ kỹ này của thành Venezia không sao bới đâu ra mực. Mà ở đây người ta cần quái gì đến mực kia chứ. Để viết những bản thanh toán quá giá cho khách trọ chăng?
Thật ra, khi Andersen mới đến khách sạn này thì mực trong cái lọ bằng thiếc cũng vẫn còn lại một ít. Chàng dùng mực ấy viết một câu chuyện cổ tích. Nhưng câu chuyện mỗi lúc một nhợt nhạt trông thấy bởi Andersen đã mấy lần phải pha thêm nước lã vào. Thế là chàng không viết hết được câu chuyện - đoạn kết vui vẻ của nó vẫn còn nằm ở đáy lọ.
Andersen tủm tỉm cười và định bụng sẽ đặt tên cho câu chuyện cổ tích sau là "Câu chuyện còn nằm dưới đáy bình mực cạn".
Chàng yêu mến Venezia và đặt tên cho nó là "bông sen úa".
Những đám mây đen, thấp, cuồn cuộn trên mặt biển mùa thu. Trong những sông đào róc rách một thứ nước hôi hám. Gió lạnh thổi trên những ngã ba, ngã tư đường phố. Nhưng khi mặt trời vừa ló ra thì màu đá hồng đã trồi lên từ dưới đám rêu xanh và sau khung cửa sổ, cả thành phố hiện ra như một bức tranh của Canaletto, nhà danh họa già thành Venezia.
Thực vậy, Venezia có hơi buồn nhưng thật là đẹp. Nhưng đã đến lúc phải xa nó để đi tới những thành phố khác.
Vì thế mà Andersen đã chẳng luyến tiếc bao nhiêu khi bảo tay bồi phòng đi mua vé cho chuyến xe đêm sang Verona.
Tay bồi phòng thật xứng với cái khách sạn. Đó là một anh chàng lười biếng, lúc nào cũng ngà ngà say, hay ăn cắp vặt nhưng có gương mặt hồn nhiên, cởi mở. Y chưa hề dọn phòng cho Andersen lần nào, đến nỗi có việc quét cái sàn đá thôi y cũng chẳng làm.
Từ những màn nhung đỏ thắm ở cửa, mối bay ra trông giống như đàn ong vàng óng. Muốn rửa mặt phải dùng cái chậu sứ rạn có hình những cô gái vú nở đang tắm. Cây đèn dầu đã gãy. Thay vào đó người ta đặt trên bàn một chân nến nặng nề bằng bạc trên có một mẩu nến dở, thứ nến làm bằng mỡ lợn. Có dễ từ thời Titian cây đèn chưa hề được lau rửa.
Từ dưới tầng thứ nhất, nơi có quán rượu rẻ tiền, bốc lên nồng nặc mùi thịt cừu rán và mùi tỏi. Những cô gái trẻ bận áo lót nhung xơ xác buộc lỏng lẻo bằng những dải đã đứt, suốt ngày cười oang oang và gây lộn với nhau.
Đôi khi họ đánh nhau, giằng kéo nhau, túm lấy tóc nhau. Có những lần Andersen đi ngang đám đánh nhau, chàng dừng lại và thán phục nhìn những mái tóc rối tung, những gương mặt đỏ gay vì tức giận và những con mắt long lanh khao khát trả thù.
Nhưng đáng yêu hơn cả tất nhiên vẫn là những giọt nước mắt tức giận trào ra và chảy trên gò má như những hạt kim cương.
Khi thấy chàng, các cô gái dịu đi, ngượng ngùng trước ông khách gầy còm và lịch sự có cái mũi thanh tú. Họ tưởng chàng là một người làm trò quỷ thuật vừa ghé qua đây, mặc dầu họ gọi chàng là "signor thi sĩ" với vẻ kính nể. Theo hiểu biết của họ, chàng là một nhà thơ kỳ dị. Chàng sống không hăng say. Chàng không hát theo lục huyền cầm những khúc thuyền ca làm tan nát lòng người và không mê hết người đàn bà này đến người đàn bà khác. Chỉ có mỗi một lần chàng rút lấy bông hồng đỏ thắm vẫn thường cài ở khuyết áo ra tặng cho cô bé rửa bát xấu xí nhất bọn, hơn nữa, còn khập khiễng, lắc lư như một con vịt.
Khi tay bồi phòng đi rồi, Andersen chạy lại cửa sổ, hé mở chiếc rèm nặng nề và trông thấy y vừa đi vừa huýt sáo miệng dọc bờ con sông đào. Khi đi ngang qua chị hàng tôm mặt đỏ gay, y liền giơ tay ra bóp vú và bị một cái tát váng óc.
Sau đấy y đứng lại rất lâu trên chiếc cầu cong và chăm chú nhổ vào cái vỏ trứng rỗng trôi lềnh bềnh dưới chân cầu.
Cuối cùng y nhổ trúng và chiếc vỏ trứng chìm lỉm. Đoạn, y lại gần chú bé đội chiếc mũ dạ rách. Chú bé đang câu cá. Y ngồi xuống một bên, đăm đăm nhìn chiếc phao và chờ xem có con cá lang thang nào cắn mồi không.
- Trời ơi! - Andersen tuyệt vọng kêu lên - Chả có lẽ mà hôm nay mình sẽ không đi Verona được chỉ vì cái thằng cha đần độn này?
Andersen mở toang cửa sổ. Tiếng kính cửa rung mạnh đến nỗi tay bồi phòng nghe thấy và ngẩng đầu lên. Andersen giơ hai tay lên trời, phẫn nộ lắc lắc hai quả đấm, dọa nạt.
Tay bồi phòng giật chiếc mũ của thằng bé, hoan hỉ giơ mũ vẫy Andersen rồi chụp nó lên đâu thằng bé và nhảy cẫng lên, biến mất vào một góc phố.
Andersen phá lên cười. Chàng không tức giận chút nào. Cả đến những chuyện ngộ nghĩnh vặt vãnh như thế cũng chỉ làm cho thú say mê du lịch trong người chàng mỗi lúc một mạnh thêm.
Du lịch bao giờ cũng hứa hẹn những điều bất ngờ. Ai biết trước được khi nào ta sẽ bắt gặp cái nhìn hóm hỉnh của một người con gái ngời sáng nơi khóe mắt; khi nào những ngọn tháp của một thành phố không quen biết sẽ hiện lên ở đàng xa, và khi nào ta sẽ thấy cột buồm của những con tàu lớn nghiêng ngả ở chân trời! Ta không thể biết trước vần thơ nào sẽ đến với ta trước cảnh bão giông gầm thét trên dãy Alps và giọng ai sẽ ngân nga cho ta, như tiếng nhạc ngựa đường trường, bài ca về một cuộc tình dang dở.
Tay bồi phòng mang tấm vé xe về nhưng không trả lại tiền thừa. Andersen túm lấy cổ y và lịch sự tống y ra hành lang. Ở đó chàng đùa bỡn đập nhẹ lên gáy y một cái và tay bồi phòng liền phóng thẳng xuống cái cầu thang ọp ẹp, nhảy cách bậc và hát ầm ĩ.
Xe vừa ra khỏi thành Venezia thì trời đổ mưa lâm thâm. Đêm tối hạ xuống đầm lầy.
Tay xà ích than phiền rằng chắc hẳn chính quỷ vương đã bày ra cái chuyện bắt xe chạy đường Venezia - Verona phải đi đêm đi hôm như thế này.
Hành khách không trả lời. Tay xà ích im lặng rồi giận dữ nhổ bọt và báo trước để hành khách biết rằng ngoài mẩu nến tàn trong cái đèn bằng sắt tây không còn một cây nến nào đâu đấy.
Không ai chú ý đến chuyện đó. Y bèn tỏ ý hoài nghi về đầu óc khách trên xe, cho rằng họ không còn minh mẫn, và nói thêm rằng Verona là chốn khỉ ho cò gáy, người đứng đắn chẳng ai đến đó làm gì.
Khách đi xe biết y nói tầm bậy, nhưng không ai buồn phản đối.
Trên xe cả thảy có ba người; Andersen, một giáo sĩ có tuổi, vẻ cau có, và một thiếu phụ mặc áo choàng màu xẫm. Andersen có cảm giác như thiếu phụ lúc thì trẻ, lúc thì già, lúc thì đẹp, lúc thì xấu. Tất cả cái đó là do ánh lửa lập lòe của ngọn nến sắp cháy hết trong đèn gây nên.
- Hay là ta tắt nó đi? - Andersen hỏi - Bây giờ cũng chẳng cần đến nó. Đến lúc cần lại chẳng có mà thắp.
Giáo sĩ kêu lên:
- Đây là một ý nghĩ không bao giờ có thể có trong đầu một người Ý.
- Tại sao vậy?
- Người Ý không biết phòng hờ cái gì hết. Họ sực nhớ ra và kêu la ầm ĩ khi đã chẳng còn cách nào cứu vãn.
Andersen hỏi:
- Thưa cha, chắc cha không phải là người của cái dân tộc nhẹ dạ ấy?
- Tôi là người Áo!
Giáo sĩ giận dữ đáp.
Câu chuyện dứt. Andersen thổi tắt ngọn nến. Một lát sau thiếu phụ lên tiếng:
- Ở vùng này của nước Ý đi đêm không đèn mà lại hay cơ đấy.
- Dù sao thì tiếng bánh xe cũng vẫn cứ tố cáo có chúng ta đang ở trên xe - giáo sĩ phản đối và nói thêm. - Đi đêm đi hôm thế này, phàm là đàn bà con gái thì phải có người nhà đi hộ tống.
Thiếu phụ trả lời và cười hóm hỉnh:
- Người hộ tống của tôi ngồi kề tôi đó.
Thiếu phụ muốn nói Andersen. Chàng liền trật mũ cảm ơn người bạn đồng hành.
Ngọn nến vừa tắt thì tiếng động và mùi hương xông lên càng mạnh, như thể chúng mừng rỡ vì đối thủ của chúng đã biến mất. Tiếng vó ngựa, tiếng lạo xạo của bánh xe lăn trên sỏi, tiếng nhíp xe cọt kẹt và tiếng mưa vỗ lộp bộp vào mui xe nghe càng to. Mùi cỏ ẩm ướt và mùi bãi lầy lọt vào qua cửa xe cũng đậm thêm.
- Lạ thật! - Andersen nói - Ở Ý, tôi đinh ninh sẽ được thấy mùi rừng bưởi, hóa ra lại gặp cái không khí đất nước phương bắc của tôi.
Thiếu phụ nói:
- Sắp khác rồi đấy, thưa tôn ông! Xe đang lên đồi. Trên kia không khí ấm hơn.
Ngựa đi bước một. Quả thực xe đang lên một sườn đồi thoai thoải.
Nhưng đêm không vì thế mà sáng hơn. Trái lại, trời càng tối vì hai bên đường kéo dài những hàng du cổ thụ. Dưới cành lá lòa xòa của chúng bóng tối càng dày đặc hơn và im lặng hơn. Chỉ hơi nghe tiếng mưa rì rào trên lá.
Andersen hạ cửa xuống. Một cành du ngó vào xe. Andersen bứt vài chiếc lá làm kỷ niệm.
Giống như nhiều người giàu tưởng tượng, chàng say mê thu lượm đủ mọi thứ lặt vặt trong những chuyến đi. Nhưng những cái lặt vặt ấy có một đức tính quý báu: chúng làm sống lại dĩ vãng, nhắc lại cái trạng thái tâm hồn đã có trong chàng đúng lúc chàng nhặt những mảnh vỡ của một bức tranh ghép, một chiếc lá du, hay móng sắt bong ra của một con lừa nào đó.
- Đêm rồi!
Andersen tự nhủ.
Lúc này chàng thích bóng tối hơn là ánh sáng mặt trời. Bóng tối cho phép chàng được yên tĩnh suy nghĩ về mọi thứ trên đời. Và khi chàng suy nghĩ chán rồi thì bóng tối lại giúp chàng tưởng tượng ra đủ mọi chuyện trong đó nhân vật chính là bản thân chàng.
Trong những câu chuyện ấy Andersen bao giờ cũng hình dung mình rất đẹp trai, trẻ trung, hoạt bát. Chàng hào hiệp phân phát cho người xung quanh những lời nói làm họ say sưa, những lời mà các nhà phê bình đa cảm gọi là "hoa thơ".
Thực ra, chàng rất xấu xí và chàng cũng biết rõ điều đó. Chàng cao ngổng và nhút nhát. Tay chân chàng lòng thòng như tay chân con rối dưới sợi dây treo. Những con rối mà ở quê chàng trẻ con gọi là "hampenman".
Với những đặc tính như thế chàng không hy vọng được phụ nữ chú ý. Nhưng khi những người con gái đi ngang mặt chàng như đi qua một cái cột đèn thì lòng chàng vẫn cứ thấy đau đau.
Andersen thiu thiu ngủ.
Khi chàng mở mắt, vật mà chàng nhìn thấy trước tiên là một ngôi sao lớn màu lá mạ. Nó tỏa sáng ngay sát mặt đất. Đêm chừng đã khuya.
Xe đã dừng lại. Ở bên ngoài có tiếng nói lao xao. Andersen lắng nghe. Tay xà ích đang mà cả với mấy cô gái vừa gọi xe đỗ lại giữa đường.
Giọng các cô gái dịu ngọt và giòn giã đến nỗi cái cuộc mà cả du dương ấy giống như một khúc ngâm trong ca kịch cổ.
Tay xà ích không bằng lòng cho họ quá giang tới một thị trấn chắc là rất nhỏ bé nào đó với giá họ trả. Mấy cô gái nhao nhao nói rằng họ đã gom hết tiền túi mà họ có và cả ba không còn tiền thêm nữa.
- Thôi được! - Andersen bảo tay xà ích - Tôi sẽ trả nốt số tiền thiếu mà anh đã càn rỡ đòi các cô ấy. Tôi sẽ còn trả thêm nữa nếu như anh thôi không ăn nói bất lịch sự với khách và tán dóc.
- Thôi được, xin mời các mỹ nương lên xe. - tay xà ích nói với các cô gái - Hãy cảm ơn Đức Mẹ đã run rủi cho các cô gặp cái ông hoàng ngoại quốc quen ném tiền qua cửa sổ này. Thực ra, chẳng qua ông ấy không muốn xe phải dừng lại vì các cô, thế thôi. Chứ ông ấy báu các cô lắm đấy!
- Giêsu, lạy Chúa tôi! - nhà tu hành rền rĩ.
- Các cô lại ngồi gần tôi cho ấm. - thiếu phụ nói.
Mấy cô gái chuyền nhau đồ đạc, rì rầm bàn tán và lên xe, chào mọi người, bẽn lẽn cảm ơn Andersen, rồi ngồi xuống và im lặng.
Họ mang theo lên xe mùi phó mát sữa cừu và mùi bạc hà. Andersen lờ mờ trông thấy lấp lánh những hạt thủy tinh trong những đôi hoa tai rẻ tiền của các cô gái.
Xe đi. Sỏi lại lạo xạo dưới bánh. Các cô gái bắt đầu rì rầm trò chuyện.
- Họ muốn biết tôn ông là ai, có thật là một ông hoàng ngoại quốc không? Hay chỉ là một du khách bình thường?
Thiếu phụ lên tiếng và Andersen đoán nàng đang mỉm cười trong bóng tối.
- Tôi là nhà tiên tri - không đắn đo, Andersen đáp - Tôi có tài biết được tương lai và nhìn rõ trong bóng tối. Nhưng tôi không phải là một tên bịp bợm. Và, nếu như tiểu thư muốn, tôi là một thứ ông hoàng, có thể nói như thế, một ông hoàng nghèo ở cái xứ sở mà Hamlet đã sống ngày xưa.
- Ông làm thế nào trông rõ được trong đêm như mực thế này? - một cô gái ngạc nhiên hỏi.
- Như cô chẳng hạn. - Andersen trả lời. - Tôi nhìn thấy cô rõ đến nỗi trước vẻ kiều diễm của cô lòng tôi đã phải đắm say.
Chàng nói điều ấy và cảm thấy mặt mình lạnh toát. Cái trạng thái mà chàng thường trải qua mỗi lần sáng tác thơ hoặc chuyện cổ tích đã đến gần.
Nỗi ưu tư nhẹ nhàng, những từ ngữ không hiểu từ đâu đến, cảm giác bất ngờ về sức mạnh của thơ ca, về quyền lực của mình đối với trái tim người, tất cả hòa hợp trong trạng thái ấy.
Giống như trong một câu chuyện chàng viết, nắp chiếc rương thần cũ kỹ bỗng bật mở với một tiếng động ròn rã. Trong chiếc rương ấy giấu kín những ý nghĩ chưa thốt thành lời và những tình cảm còn ngủ yên, tất cả vẻ tuyệt kỳ của trái đất - tất cả những màu những sắc, những âm thanh, những làn gió ngát hương, những chân trời bao la nơi biển cả, tiếng lao xao của rừng, những dằn vặt của tình yêu và tiếng líu lo con trẻ.