Hai mươi chín tháng năm, trong một đêm đất trời biến sắc. Mấy nhà đại tộc cả đêm đều bị thiêu rụi, quý thích cả thành đều mất lá gan. Con cháu Vương thị phát lệnh cho các bộ ở Trực Lệ, đóng cửa toàn bộ kinh thành và xung quanh Trực Lệ, lấp thảm họa đêm thiên thu trong thành.
Ba mươi tháng năm, Diệp Ngưng Hoan mang theo Lục Sương Lăng, Trần Tử Yên, cùng với đám thân vệ còn lại ở đông phiên chưa kịp ra khỏi Trực Lệ Triệu Phùng Tắc, Đồng Tinh Hổ, dưới sự hộ tống của phiên thần binh tướng Bắc Hải rời khỏi kinh thành.
Cùng ngày, Thái hậu hạ ý chỉ, nói Sở Hạo trung tuần tháng tư phụng chỉ xuất cung thay mặt Thái hậu đến Phượng Đài cầu phúc, lúc đi qua khúc ngoặt Đồng Xuyên Bạc Dương thì gặp sơn phỉ tung tích không rõ, vẫn chưa an toàn trở về Phượng Đài. Hoàng thượng nghe tin kinh hãi mà sinh bệnh, Thái hậu lệnh cho Hưng Thành Vương sai người lục soát dọc theo dòng sông. Tông Đường gấp rút truyền tôn thất vào hầu hạ, cũng cho gọi chư vương vào kinh nghị sự.
Hưng Thành rất gần Trực Lệ, Hưng Thành Vương cũng sai sứ thần đi kinh thành chúc mừng trước. Sứ thần còn chưa trở lại, lại thấy triều đình cấp báo, Hưng Thành Vương kinh hãi, vừa thu dọn hành trang lên kinh, vừa lệnh cho hạ thần điều tra.
Hưng Thành Vương Sở Chính Viễn là dòng bên duy nhất trong mười phiên, tổ phụ Sở Diên Thư là anh em ruột của Tiên đế. Sở Diên Thư không đợi hưởng phúc được thì đã chết. Tiên đế chăm lo cho con cháu của hắn, phong phụ thân Sở Chính Viễn làm Hưng Thành Vương.
Sở Chính Viễn biết bản thân là dòng bên, không muốn bị chỉ trích. Hoàng thượng kiêng dè mười phiên thế nào, hắn càng biết rõ trong lòng. Bởi vậy vẫn không màng danh lợi, chỉ an dưỡng ở Hưng Thành. Sở Hạo đi qua địa phận của hắn, hắn lờ mờ chẳng biết không nói, còn nói xảy ra chuyện ở nơi của hắn. Hưng Thành Vương sợ tai họa, đương nhiên sốt ruột.
Mùng bốn tháng sáu, Hưng Thành Vương Sở Chính Viễn, Du Thành Vương Sở Tương cách gần nhất vội vàng đến kinh thành.
Mùng sáu tháng sáu Mộ Thành Vương Sở Chính Nghênh cũng tới kinh thành.
Hưng Thành điều động lực lượng, mùng mười, bên dưới nơi gọi là rãnh sâu Quỷ Sứ, vớt được rất nhiều hài cốt và thi thể thối rữa bị cá gặm tích tụ trước kia, trong đó có một thi thể đeo ngọc bội của Đông Lâm Vương, bởi vậy nhận định là Đông Lâm Vương.
Thái hậu khóc lóc thảm thiết, tuyên bố Đông Lâm Vương Sở Hạo hoăng, sai người tám trăm dặm khẩn cấp đưa di hài Đông Lâm Vương về Đông Lâm, lấy lễ nghi Tứ Phương Vương khóc tang cho Đông Lâm Vương, hơn nữa bắt buộc Hưng Thành tiếp tục nghiêm ngặt điều tra kẻ ác, thề phải rửa hận.
Hơn mười ngày sau, ba vương Nam Phong, Giản Quận, Bắc Hải ở nơi xa lần lượt tới kinh thành.
Người sống trong kinh đều biết, Bắc Hải Vương luôn ở đây. Lúc này chẳng qua là vì che giấu tai mắt người khác, che đậy thực hư chuyện đoạt vị. Nhưng Thái hậu hiện giờ đều nguyện ý ra mặt tương trợ, còn lại, chỉ nóng lòng khâu miệng lại, nào dám nói nữa?
Chỉ có hai vương Tây Ninh, Lư Tùng là không tới, đều cáo ốm.
Hai vương Lư Tùng và Giản Quận là quận vương, không thuộc mười phiên trấn. Nhưng hai người bọn họ có đất phong và binh quyền quận vương. Hai người xuất thân cao quý, là con trai Cố hậu của Tiên đế, vốn nên phong là thành vương. Trước kia tranh quyền với Thái tử Sở Phong quá cố, mà bị Tiên đế ghét, giáng chức nơi xa.
Lư Tùng Vương lần này không dám tới là tất nhiên, sát thủ phái đi không trở về, Hoàng thượng lại đau ốm khởi bệnh. Hắn đang sợ hãi trong lòng, sao dám đến?
Tây Ninh Vương không đến cũng nằm trong dự đoán, Tây Ninh Vương Sở Chính Ngật vẫn chưa đưa Thế tử vào triều. Nguyên nhân là lúc hắn làm Thế tử ở trong kinh, Sở Lan đối xử với hắn không tốt. Hắn kề cà không đưa con trai đi, sợ con trai bị Hoàng thượng gây khó dễ. Cứ như vậy, quan hệ với Sở Lan càng ngày càng tệ hại.
Lúc này đây, Hoàng thượng bất ngờ đổ bệnh, Đông Lâm Vương chết càng bất ngờ hơn. Hắn sợ có bẫy, đương nhiên không đến.
Lúc Sở Chính Việt danh chính ngôn thuận xuất hiện ở kinh thành, Sở Lan cũng không còn hữu dụng nữa.
Hai mươi bốn tháng sáu, sau cung biến gần một tháng, Chương Hợp Đế Sở Lan băng hà ở Thừa Thái Điện Kiền Nguyên Cung.
Độc dược mãn tính cướp đi tính mạng của hắn, Thái Y Viện sớm đã bị thanh tẩy ngay hôm cung biến, thái y đều là người Bắc Hải hoặc Vương gia. Sở Lan bức hại tôn thất, đến mức ai nấy có miệng đều khó trả lời là chết oan uổng. Nay đều bồi thường trên người hắn, hắn cũng khó trả lời như vậy.
Thái hậu đích thân ban bố di chiếu của Sở Lan: Hoàng trưởng tử tuổi nhỏ. Vì bảo vệ giang sơn Cẩm Triều, lúc này lấy người có năng lực nhất trong tôn thất. Sở Chính Việt từng được Tổ Hoàng đế khen ngợi là người xuất sắc của tôn thất, trị phiên hơn mười năm biên cương củng cố, có thể nói lao khổ công cao. Nghe tin đế bệnh, nhanh chóng lập tức lên kinh đích thân hầu hạ hai bên, cốt nhục thân thiết nặng tình. Tổ Hoàng đế phân đất phong hầu tứ phương, vì Tứ Phương Vương đều có người đức hạnh tài năng. Nay Đông Lâm Vương đã hoăng, Nam Phong Vương tuổi già, Tây Ninh Vương cáo bệnh chưa đến. Chỉ có Chính Việt có thể chịu nổi gánh nặng, cùng chung một mạch với Sở Lan, kế thừa giang sơn.
Di chiếu này thành toàn cho thanh danh của Sở Lan. Lấy giang sơn làm trọng, lập người có triển vọng mà không lập ấu, làm mẹ không thể mượn ấu đế mà chuyên quyền, ngoại thích không thể mượn đế non mà tăng thế lực.
Cái thứ thanh danh này, có khi còn cấp bách hơn cả tính mạng, có khi, lại còn buồn cười hơn cả hài kịch.
Chư vương trong kinh tâm sự khác nhau, bọn họ thấy Sở Lan thần chí mơ hồ, phần di chiếu này thật giả quả thật khó nói. Triều đình và Bắc Hải trước giờ xích mích, Hoàng thượng lại hào phóng như vậy, bản thân có con trai không lập, lại lập một đứa cháu bất hòa nhiều năm với hắn, cũng không bình thường.
Nhưng Thái hậu là mẹ ruột Hoàng thượng, bà đã không có ý kiến gì, ai muốn nhảy ra làm chim đầu đàn chứ? Chư vương hiện giờ ở trong kinh, không cẩn thận tắc thành thịt cá. Mặc dù nghi vấn đầy bụng, cũng đều ngậm miệng.
Chúng thần trong kinh đều là cô nhi dưới đao, ai dám không theo? Rơi lệ gào khóc, diễn một màn khắc cốt ghi tâm!
Nước không thể một ngày vô chủ. Ngày đó Tiên đế băng hà, Sở Chính Việt tiếp chỉ quản nước trước linh cữu. Ba mươi tháng sáu, Sở Chính Việt đăng cơ ở Hoàng Cực Điện, tiến hành đại điển lên ngôi.
Chuông trống nổi lên, cờ quạt phấp phới. Tiếng pháo vang giòn, quốc nhạc cất lên. Chiếu thiên hạ để chúc mừng, cho tứ phương hưởng thụ tốt lành, Cẩm Triều phồn thịnh, nghênh đón vị quân vương thứ ba. Lễ tế trời kế thừa thiên mệnh, tế ngũ phương kế thừa xã tắc, tế thái miếu yên lòng linh hồn người quá cố.
Định niên hiệu mới là Gia Thuận, tốt đẹp và phồn thịnh (1), thuận lòng trời mở lối! Vì bày tỏ sự kính trọng hiếu thuận, năm nay vẫn kéo dài dùng ký hiệu năm cũ là năm Chương Hợp thứ mười ba, sang năm là năm đầu Gia Thuận.
(1) gia (嘉): có nghĩa là tốt đẹp
Thiên hạ phòng đế kiêng kỵ, chư vương ngang vai ngang vế bỏ đi chữ “Chính”, được ban chữ “Nhậm”, tiếp tục đảm nhiệm trọng trách tôn thất.
Hai chữ “Chính” “Việt”, nếu nhất định phải viết, cần phải thêm giảm nét bút hơn nữa phải khác âm.
Các triều đại đều là như thế, rất nhiều chữ lệch, bí danh đều là bởi vì phòng đế kiêng kỵ.
Trong Hoàng Cực Điện chư vương và tôn thất quỳ xuống, văn võ mười phương hàng hàng bái lạy, ngô hoàng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!
Sở Chính Việt tôn Hoàng Thái hậu Vương thị làm Thái Hoàng Thái hậu, cũng kính trọng dùng tôn hào, vẫn ở Thọ Khang Cung. Tôn Hoàng hậu Tiên đế Thân thị làm Hoàng Thái hậu, chuyển đến Từ Khánh Cung trong phạm vi Thọ Khang Cung.
Trắc phi Trầm thị phong làm Quý phi, chọn ngày lành tháng tốt đón vào trong cung.
Ban tên thụy (2) Sở Hạo là Tương Anh Đông Lâm Vương, ban chiếu cho thê tử Diệp thị thay mặt Đông Lâm Vương tiếp quản mọi việc Đông Lâm.
(2) tên thụy: danh hiệu sau khi chết của vua, quan
Đông Lâm không thể tuyệt hậu người kế thừa, con trưởng Tiên đế Sở Nhậm Dĩ kế thừa Sở Hạo.
Thục phi cùng với Chiêu Hoa Phu nhân hôm cung biến sớm đã bị Vương Tường giết chết. Tuyên bố với bên ngoài Thục phi sinh xong máu hư không trị mà chết, mà Chiêu Hoa Phu nhân lại là bởi vì Tiên đế mất nên thương tâm qua đời. Hai người nhất thời quang vinh, cuối cùng không thể cả đời quang vinh.
Sở Chính Việt đăng cơ thì mọi người sớm đã quên mất bọn họ!
Sở Nhậm Dĩ tuổi nhỏ, tôn thất Sở Nhậm Qua thay mặt Nhậm Dĩ làm lễ chịu tang, ngay hôm nay quan viên tùy tùng đến Đông Lâm.
Khôi phục chức Đại Tư Mã của Hộ Quốc Công Vương Tường, một lần nữa lấy được binh quyền cũng gia phong thái tử thái bảo. Con cháu Vương thị như Vương Lễ, Vương Xã, Vương Chúc đều chia nhau quản lý Trực Lệ, đều có phong thưởng.
Phong Trịnh Bá Niên làm thống lĩnh Hành Vụ Thuộc Bắc Hải phiên, ban chức Thái úy; Lư Thụ Lẫm làm hữu thừa Kinh Kỳ Doanh; Tề Cẩn làm đề đốc Cửu Môn kiêm giám hộ bắc doanh Thanh Hoa Môn; Văn Tín làm đô kiểm tiền điện kiêm giám hộ đông doanh; Phương Diệu làm giám hộ tây doanh...
Cháu trai Sở Nguyên Phong giám phiên Bắc Hải, đám người Tề Trọng Đình, Thôi Hưng Quảng, Tôn Vân, Văn Kinh Nghiệp, Trịnh Lâm cùng phụ trợ, bảo đảm tất cả công việc bắc phiên.
Khiển trách Tây Ninh Vương Sở Nhậm Ngật với Lư Tùng Vương Sở Bái bất hiếu không làm theo quy tắc. Lúc Tiên đế hấp hối không thể hầu hạ cạnh đế để an lòng đế, khi Tiên đế băng hà thì không vào kinh thành khóc tang, lúc Tân đế lên ngôi không vào triều chúc mừng, yêu cầu hai người ngay hôm nay lên kinh.
Trong cung ngoài cung, thậm chí trong ngoài kinh thành toàn bộ bị phiên binh Bắc Hải khống chế, các nơi Trực Lệ đều giao cho Vương thị quản lý. Chư vương hiện giờ mới hiểu ra, khối bánh lớn thiên hạ này, Sở thị Bắc Hải và Vương gia đã cùng chia xong.