Tôi lườm ông ta: “Nếu là ở luôn thì nơi tôi về phải là Diễn Châu cơ!”
Ông ta chưng hững một lúc rồi bật cười khoái chí: “Còn đùa được là biết cô vẫn ổn. Nhược Lan lo cho cô lắm, nếu biết cô ghé đây chắc mừng phát khóc mất. Cô vào nhà trong với cô ấy đi.”
Tôi nghe lời Hoàng phệ đi vào trong. Nhược Lan đang ngồi khâu áo cho em bé. Bụng chị ấy hôm nay lum lúp lên rồi, trông tròn tròn xinh xinh. Vừa thấy tôi Nhược Lan đã òa lên: “Cô hai ơi sao đi về Hải Châu mà không nói gì với em cả. Em lo cho cô lắm, cô có biết không?”
Tôi đưa tay xoa xoa bụng chị mỉm cười: “Bây giờ người chị nên lo là tiểu hài tử này nè.”
Nhược Lan nhìn bụng mình rồi gật đầu với tôi, hỏi tiếp: “Em nghe nói mợ cả trong ấy sinh con trai hả cô? Chắc em bé dễ thương lắm.”
Tôi nghĩ đến Thiên Quý mà không khỏi nhung nhớ, nói bằng một giọng rất tự hào: “Đúng rồi, đáng yêu lắm chị ạ. Bé mới hai tháng thôi mà to bằng ngần này này…”
Tôi vừa nói vừa đưa tay lên diễn tả cho Nhược Lan nghe. Tôi kể lại chuyện thằng bé bú sữa như thế nào, hay tè bậy ra sao, đêm đêm có khi còn quấy khóc… Nhược Lan nghe mà bật cười khanh khách. Mặt trời nhanh chóng ngả sang sắc vàng, Hoàng phệ chuẩn bị kiệu cho tôi về nhà. Tôi và Nhược Lan lại có cuộc chia tay đầy bịn rịn.
Tôi về đến cổng nhà, nhưng không vội bước vào, cứ thẩn thờ ở cửa. Cho đến khi trời nhá nhem tối, một nô bộc ra cổng châm đèn cho sáng, thấy tôi hoảng hốt kêu lên: “Mợ ba, sao mợ không vào nhà, đứng đây một chút gió lạnh bị bệnh đó.”
Tôi men theo hành lang đi thẳng về phòng mình, không buồn ghé qua phòng Cát chào hỏi anh. Phòng tôi vẫn được quét dọn sạch sẽ và đồ đạc vẫn ngăn nắp khi tôi rời đi hai tháng trước. Tôi mở cửa sổ ra cho thoáng, nhìn sang căn phòng ở dãy tây, không biết hiện giờ người trong ấy như thế nào rồi. Biết đâu đã trở thành mợ ba thứ hai của nhà này rồi cũng nên.
Xuân Mai bước vào phòng tôi thông báo: “Em chuẩn bị nước nóng rồi, mợ ba tắm đi cho khỏe.”
Tôi “Ừm” một hơi nhỏ rồi quay sang hỏi Xuân Mai: “Cô ta đâu rồi?”
“Nghe mọi người trong nhà nói rằng cô ta đã rời khỏi nhà rồi. Không biết nguyên do vì sao.”
Tôi chợt nhớ đến anh cả, không biết việc này có phải do anh thu xếp hay không. Một lần nữa Cát vì tôi mà xảy ra hiềm khích với anh cả, chắc lần này anh ấy sẽ càng ghét tôi hơn.
Sáng hôm sau biết Cát có việc không ra ruộng nên tôi chuẩn bị thật nhiều quà bánh cùng Xuân Mai đến ruộng bông. Lúc tôi về Hải Đông bông vải đang độ chín, khi tôi trở ra nơi này thì mọi người đang bắt tay vào mùa vụ thứ ba. Một số nông dân trông thấy tôi, kêu to lên: “Mợ ba về rồi mọi người ơi.”
Những người khác dừng tay, đổ ánh mắt về phía tôi. Chẳng lâu sau, chúng tôi gần như đứng cùng một chỗ.
Mỗi người một câu, hỏi thăm tôi. Tình cảm chân thành của mọi người khiến tôi rơi nước mắt. Tôi kêu Xuân Mai lấy quà ra biếu mọi người, ai cũng vui vẻ như đón người thân từ phương xa trở về. Thì ra, chính bản thân tôi cũng không hay biết rằng mình quyến luyến những người nông dân chất phác nơi này đến như vậy.
Anh Mộc lại gần tôi, gãy gãy đầu, thật thà nói: “Mợ ba, tôi cảm ơn mợ.”
Tôi ngạc nhiên: “Sao lại cảm ơn tôi?”
Anh Mộc cười: “Cuối mùa vụ trước tôi là nông dân chăm chỉ nhất, được cả hai phần tiền lương. Chú Bảy, thím Thu cũng giống tôi, cũng là nông dân chăm chỉ. Mùa này chúng tôi nhất định cố gắng hơn, không phụ tấm lòng của mợ.”
Tôi bỗng nhớ đến những gì trước đây đã nói với Cát. Có lẽ anh đã thay tôi thưởng cho mọi người. Nhìn họ hăng say làm việc, tôi thấy lòng mình cũng trở nên thư thái làm sao!
*
* *
Rồi một đêm tôi giật mình tỉnh giấc, tiếng sáo thân quen như một buổi tối tại Diễn Châu năm nào. Tôi cố gắng nhắm mắt mình, không nghĩ gì về tiếng sáo ấy nữa. Nhưng lòng dạ tôi như bị ai thêu đốt, bứt rứt không yên.
Ngày hôm sau tôi tình cờ gặp Cát một lần lúc anh chuẩn bị ra đồng. Chúng tôi nhìn nhau ngượng ngùng, không ai nói lời nào.
Đêm hôm đó tôi lại nghe vang lên tiếng sáo, càng da diết hơn.
Rồi đến đêm thứ ba, tiếng sáo ấy như một lời trách cứ. Tôi bật dậy, khoác chiếc áo vào. Nhưng khi định đưa tay lên mở cửa thì lại không đủ dũng khí để đi tìm người kia. Gặp lại nhau thì sao? Cũng đâu thể thay đổi được gì. Hy vọng anh sẽ quên tôi và hạnh phúc với tiểu thư nhà Binh bộ thượng thư.
Ngày thứ tư, khi tôi ra ruộng bông để cùng mọi người làm việc thì có một người tiến đến chỗ tôi ngồi. Hình dáng ấy từ xa tôi đã có thể nhận ra, dù trên người anh là một bộ quần áo lấm lem bùn đất.
“Tại sao không ra gặp anh?” Lý Nhật Trung đối diện với tôi, hỏi thẳng.
Tôi quay mặc sang chỗ khác, lơ đễnh trả lời: “Tại sao tôi phải ra gặp anh?”
Anh nhìn tôi bằng một ánh mắt buồn: “Đã ba đêm rồi, anh còn nghĩ em không nhận ra tiếng sao của anh nên không ra gặp. Thì ra em đang lẩn tránh anh.”
Tôi bức xúc nhìn anh ta: “Tôi không việc gì phải trốn tránh anh và tôi càng không việc gì phải ra gặp anh. Tôi là gái đã có chồng, không phải chỉ vì anh muốn gặp là gặp, anh không muốn gặp là tôi phải ở nhà chờ đợi anh. Còn anh nữa, sao không yên ổn làm tứ hoàng tử của anh đi, chạy đến ruộng bông nhà tôi làm gì?”
Gió làm tóc tôi bay bay, vài sợi tóc mai dính nơi đuôi mắt. Nhật Trung định đưa tay vén ra sau cho tôi nhưng tôi nhanh chóng gạt tay anh ra: “Đừng chạm vào tôi. Xin anh đừng chọc ghẹo tôi nữa, tôi không thấy vui vẻ gì đâu. Anh quay về đi, Ngô tiểu thư đang ở nơi đó đợi anh kìa.”
Anh nghe tôi nói, chưng hững một lúc rồi bật cười: “Thì ra em đang ghen à?”
Tôi không quan tâm câu hỏi của anh, chỉ hỏi lại một câu: “Tôi không việc gì phải ghen. Tôi chỉ không muốn anh lãng phí thời gian để trêu chọc tôi nữa. Ngay cả bản thân tôi cũng không lấy gì làm vui vẻ vì điều này, anh có biết không?”
“Bé con à, hôm nay em sao vậy?” Thái độ của tôi hôm nay có lẽ khác với mọi lần nên Nhật Trung thu lại nụ cười, lo lắng hỏi tôi.
Trong làn gió miên man của một ngày cuối hạ, tôi còn nhớ rõ gương mặt thảng thốt của anh như thế nào khi nghe tôi tuyên bố rằng: “Tôi… có thai rồi.”
Trong làn gió ấy, anh đã rời đi, thân ảnh cô liêu xa dần ngay trước mắt tôi. Tình yêu – âu cũng chỉ là một trò đùa của ông trời, có đáng chi để ta phải hoài vấn vương. Nếu một lời nói dối có thể chấm dứt mọi chuyện để không ai phải bận tâm hay đau khổ nữa, thì tôi tình nguyện trở thành một kẻ dối trá. Tôi quay lưng lại, mỉm cười với chính mình. Thì ra buông bỏ, cũng không hẳn là một việc quá khó khăn!
Lý Nhật Trung, hãy quên tôi đi và sống thật hạnh phúc. Tôi nguyện đem cả cuộc đời này để cầu cho anh vạn sự bình an!
“Sông Bùng nước chảy đầy vơi
Một lần gặp gỡ - trọn đời xa nhau”
*
* *
Không còn Lý Nhật Trung, tôi cũng chẳng còn việc gì phải buồn phiền hay vướng bận. Tôi cảm thấy mình dần quay trở lại như Trần Chân trước đây, vô lo vô nghĩ. Ngay cả chuyện Bảo Trân trước đây, tôi cũng sớm đem xếp nó vào ngăn tủ ký ức. Nếu ông trời đã định cuộc sống của tôi là với anh ta, tôi đã chấp nhận được thì việc anh ấy yêu ai cũng chẳng khiến tôi cảm thấy khó khăn. Từ bỏ được Nhật Trung, cùng lắm tôi chỉ mất đi một hình bóng trong tim. Tôi vẫn ăn uống, đi thăm Nhược Lan hoặc ra ruộng làm việc cùng mọi người như trước đây đã từng. Cùng lắm chỉ có những đêm tôi gặp ác mộng, sau khi bừng tỉnh dậy, cảm thấy tim mình trống trải một chút thôi.
Cứ mỗi khi tôi có gì vui đều chạy sang kể cho em bé trong bụng Nhược Lan nghe, dù rằng những chuyện ấy nhảm nhí hết sức vô cùng. Chẳng hạn như giàn Sử quân tử tôi gieo trồng hôm nào đã bắt đầu ra hoa, hay chuyện con gà mái nhà tôi đẻ một ngày được cả ba cái trứng… Tôi vừa ăn bánh in vừa kể chuyện, suýt chút nữa bánh vướng cổ nghẹn chết mất rồi. Nhược Lan đưa cho tôi tách trà để hớp vào rồi vỗ vỗ lưng tôi: “Hai… hết năm nay cô là cô đã mười sáu tuổi rồi, sao vẫn không khác gì năm mười ba vậy.”
Tôi phì cười: “Năm em mười ba thì ai cũng nói nhìn em như lên mười. Bây giờ mười sáu thì chị nói giống mười ba. Vậy cuối cùng em vẫn lớn lên đó thôi.”
Nhược Lan không ăn bánh in mà cũng nghẹn họng. Chị không còn cách nào nói chuyện với tôi nữa nên chỉ đành vỗ vỗ nhẹ lên cái bụng hôm nay đã to vượt mặt của mình: “Con à, sau này lớn lên đừng có giống cô hai biết không.”
Tôi khoái chí bật cười: “Con chị và Hoàng phệ, giống em mới là vấn đề đó chứ.”
Nhược Lan cũng bật cười. Đứa bé trong bụng chắc cũng cảm nhận được mẹ đang vui nên đạp vài cái khiến Nhược Lan nhăn mặt. Tôi hôm nay cũng muốn ra ruộng bông nên không ở lại chơi với Nhược Lan lâu. Uống hết tách trà tôi cùng Xuân Mai rời khỏi nhà Hoàng phệ, đi thẳng về hướng ruộng bông.
Khi chúng tôi rảo bước đến gần bờ sông thì lại có một phát hiện mới – xác một người.
Tôi đáng lẽ đã định bỏ đi nhưng không hiểu sao lại tò mò đột xuất. Chúng tôi tiến lại gần xem thử. Xác chết nằm úp, không thấy mặt mũi, nhưng qua hình dáng bên ngoài có thể đoán được đó là đàn ông, còn là một gã đàn ông rất cao. Tôi kêu Xuân Mai dùng một nhành cây chọt chọt vào người hắn xem có thật sự chết chưa thì thấy hắn không có động tĩnh gì.
Đầu năm nay có lẽ do tôi chưa giải hạn, hết cãi nhau với Cát giờ lại gặp ách giữa đường như thế này. Chẳng biết hắn từ đâu trôi dạt đến đây, cớ làm sao mà chết tức tưởi như thế. Nếu bây giờ tôi còn ở lại đây thì dám chừng tôi không tránh khỏi vạ lây. Tôi kêu Xuân Mai nhanh chóng rời khỏi chỗ này, xem như mình chưa từng thấy qua gì hết. Thế nhưng chưa kịp bước đi đã nghe một tiếng rên nhỏ vang lên từ phía sau.
“Xuân Mai, chị có nghe gì không?” Tôi hỏi.
“Hình như là có” Xuân Mai trả lời.
“Không lẽ có ma?” Tôi lại hỏi tiếp.
Xuân Mai quay đầu lại nhìn nơi phát ra âm thanh, tôi cũng quay nhìn theo. Hắn vẫn nằm im không có gì động tĩnh. Xuân Mai thì thầm với tôi: “Không phải ma đâu mợ, hình như hắn còn sống!”
Tôi thấy so với việc hắn chết đi, thì việc hắn còn sống còn phức tạp hơn gấp trăm ngàn lần. Tôi đi không nở, mà ở lại càng không dám. Tâm trạng rối bời, thầm tự trách bản thân mình: “Trần Chân ơi là Trần Chân, thường ngày niệm Phật làm chi để giờ đây thấy chết không thể không cứu!”
Vậy là tôi đành phải để Xuân Mai đi kêu thêm người đến giúp. Còn tôi thì ngồi lại canh chừng cái xác, à không, cái người sắp sửa thành xác kia. Xuân Mai đi khuất rồi tôi mới hối hận vô cùng, đáng lẽ tôi nên đi để Xuân Mai ngồi lại, chí ít tôi cũng sẽ không sợ như lúc này. Tôi đúng là ngốc đến độ vô phương cứu chữa mà!