• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thầy Vĩnh cất bước ra đi, trong lòng vẫn còn nặng trĩu những dòng tâm tưởng. Mùi gió biển đã xa và trời cũng đã gần sáng tỏ. Thầy không chắc lời nhắn của mình còn để lại nơi đó có đến được với người cần đến hay không. Vì nhiều lí do, thầy ép buộc mình phải ra đi, trở về với cuộc sống cô độc và nhiều trọng trách nặng nề, bỏ lại cuộc sống êm đềm ở phía sau.

Thầy Vĩnh giờ chỉ muốn tập trung vào công việc. Nhiệm vụ trước mắt của thầy là phải lên thượng nguồn tìm miếu Hà Bá đã được chuyển lên đó. Người ta vẫn nói "Đất có Thổ công, sông có Hà Bá" - đâu đâu cũng phải có chủ, bước vào nhà người khác đã phải xin phép rồi, còn hơn nữa là làm gì đó ở trong nhà người ta. Trước khi tìm xác người, diệt quỷ ở dòng sông ấy, thầy cũng đã lập đàn lễ xin phép. Tuy vậy, vì miếu Hà Bá đã được khấn xin chuyển lên thượng nguồn ngăn lũ nên có lẽ lễ không đến tay Người. Thầy đã khuấy đảo cả một vùng hạ nguồn bằng rất nhiều trận địa phép. Hành động đó cũng giống như là đang dẫm vào đuôi của một con rắn độc, rất có thể sẽ vận vào thầy nhiều thứ không hay ho sau này. Vì thế nên thầy phải tìm về thượng nguồn – nơi đầu rắn và xoa dịu nó. Người thầy tên Lộc đó, một tên cao ngạo chắc cũng chẳng nghĩ tới việc cần thiết này, tuy nhiên thầy vẫn là người mở phép chính, vì vậy thầy sẽ hoàn thành nốt công việc này.

Con sông này lắt léo rất dài, kéo từ bên Campuchia sang Việt Nam, thượng nguồn cũng gần giáp biên giới. Thầy Vĩnh phải ngồi chòng chành trên xe khách mất mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi, trời cũng sập tối. Trước khi lên đường, thầy cũng đã kịp gặng hỏi những người dân làng chài hay dân buôn bán trên sông nước, họ là người rõ nhất về con sông này, cũng biết ở trên thượng nguồn xa xôi kia có những ai đang hoạt động và sinh sống. Thầy đã được một ông lão được tiếng ăn đời ở kiếp với con sông này, đã làm lụng ở đây rất lâu, chỉ cho một người bạn sống trên đó. Người ấy sẽ dẫn thầy tìm hiểu về người cai quản chiếc miếu thờ Hà Bá. Tối hôm đó thầy tìm được tới nhà người bạn kia và được ông tiếp đãi thịnh tình. Thầy Vĩnh rất cảm kích, dường như những con người sinh sống ở mảnh đất này đều rất thân thiện, hiếu khách và hiền hòa.

Đêm hôm ấy thầy Vĩnh nằm trên chiếc phản lát chiếu cói trong nhà của người đàn ông tên Thịnh, mở mắt chong chong không sao ngủ được. Thầy cố gắng không để những cảm xúc đang dâng lên tới tận cổ họng có dịp trào ra. Thầy lái suy nghĩ của mình đi một hướng khác, không cho trở về hòn đảo kia nữa, những gì đã bỏ lại thì phải quên đi. Những ngày qua thầy đã trải qua không biết bao nhiêu sự kiện kinh hoàng mà thầy không nghĩ mình có thể vượt qua được. Sống từng ngày trong sự giằng xé tâm can giữa quá khứ và hiện tại, sợ hãi và trách nhiệm khiến thầy hết sức mệt mỏi. Xong nhiệm vụ lần này chắc chắn thầy sẽ về ngôi nhà ẩm thấp của mình và an tâm dưỡng sức một thời gian.

Thế nhưng nhiệm vụ ngày mai cũng không hề đơn giản, phải làm thật khéo, thật tử tế và đàng hoàng. Dù sao thì thầy cũng đã tiền trảm hậu tấu, không được sơ suất gì thêm. Hà Bá trong truyền thuyết luôn mang màu sắc pha trộn, nửa thiện nửa ác, tính tình khó đoán. Có nơi quan niệm Hà Bá là một cụ ông râu tóc bạc phơ như Bụt, tay cầm phất trần và bình hồ lô chứa nước, lúc hiện thân thì ngồi trên lưng Rùa, ban nước cho đồng ruộng, phù hộ cho nhân dân đánh bắt cá tôm được mùa và lưu thủy êm xuôi, may mắn. Thế nhưng có những nơi lại cho rằng Hà Bá có tính hung hãn ác độc như một con quỷ, lúc giận dữ có thể dâng nước hại người, nhấn chìm mọi thứ. Hà Bá hay có thói quen kéo một số người mình thích theo để làm thân tín hoặc âm binh sai khiến, âm binh càng nhiều thì quyền lực càng lớn, hàng năm phải có người nọ thay cho người kia, không đủ người thì Hà Bá dễ phật ý, gây ra bão tố, lũ lụt. Ở một số nơi xưa kia còn có tục hiến tế trinh nữ, người dân cho Hà Bá để cả làng chài được mùa như ý, không có bão lũ. Thế nhưng tục lệ man rợ đó cũng đã được xóa bỏ. Hà Bá cũng chỉ là một Quan Thần cai quản sông nước, mỗi nơi đều có tính cách khác nhau, tổ nguồn cũng như Thủy Tinh trong truyện cổ tích Việt Nam vậy. Dựa vào giấc mộng mà vong ma da nữ đã cho thầy xem khi còn ở hòn đảo Độc Kiều, Vĩnh cũng phần nào đoán được tính tình của vị Hà Bá sông này. Ông ta là một người có tính gian hùng, thích phô trương thanh thế, trong mỗi năm cũng bắt bớ vài mạng người là ít. Những người có hạn Thủy trong năm mà lưu sông này cũng dễ ngã xuống hay đắm tàu mà mất mạng. Vì vậy để không làm Hà Bá nổi cơn thịnh nộ, thầy phải lập lễ thật thịnh và phải dâng hình nhân và tàu thuyền làm quà.

Đêm đó thầy Vĩnh lại nằm mộng.

Thầy đang đứng chơi vơi trên một mỏm đá giữa con sông có màu nước đen như mực, xung quanh là sóng nước trập trùng khiến thầy không khỏi rợn ngợp. Thầy không biết mình đang ở đâu và nên làm gì để vào bờ thì bất chợt một con cá trê rất lớn, ngoi lên khỏi mặt nước. Nó quẫy chiếc đuôi dài khiến cả một vùng nước dậy sóng, bọt tung lên trắng xóa, chiếc râu của nó dài và to như râu rồng, uốn lượn trên không trung. Chợt một giọng nói âm vang mờ ảo dội vào tai thầy Vĩnh:

"Đi theo ta!"

Nói rồi con cá quay lưng bơi ra xa một đoạn rồi dừng lại, như ngỏ ý chờ đợi dẫn đường.

"Nhưng..nhưng tôi không có thuyền..." Thầy Vĩnh lắp bắp trong cơn mơ.

"Cứ đi đi...Hãy nhớ, vạn vật chỉ là vô thường, cậu đang trong cõi tâm tưởng. Nghĩ gì sẽ được nấy."

Thầy Vĩnh ngẫm nghĩ 1 lúc rồi chợt hiểu. Lấy hết can đảm, thầy đưa đôi chân xuống dưới màn nước đen ngòm. Thật bất ngờ, bàn chân dừng lại ở mặt nước chứ không chìm sâu xuống dưới. Thế là thầy Vĩnh bình thản bước đi trên mặt nước như thuật khinh không, phía trước vẫn là bóng con cá trê bơi lội ẩn hiện trên mặt nước.

Đi một hồi lâu, thầy Vĩnh được dẫn đến một ngôi nhà ngói đổ nát trông như sắp sụp xuống dưới lòng sông. Chính giữa sàn ngôi nhà đó có một chiếc án đang ngự, đằng sau có người ngồi buông rèm, dáng dấp cao lớn, xung quanh đều có người theo hầu.

"Mau lạy quan!" Con cá trê ngoi lên bờ, bước lên bằng 2 chiếc chân trông hết sức kì dị, rồi thoắt cái hóa ra người, mặc bộ lễ phục, qùy sụp xuống. Thầy Vĩnh cũng cúi đầu xuống theo.

"Nghe nói ngươi có chuyện cần thưa ta?" Giọng nói trầm và vang vọng nghe rất quen thuộc vang lên.

"Bẩm Ngài, thần tới tạ lỗi vì đã khuấy đảo con sông của Ngài mà không xin phép. Thần đã tự tay chuẩn bị lễ, 1 mâm xôi đậu, 1 con lợn sữa quay, gà luộc, rượu tăm, thoi vàng tiền đồng, 100 hình nhân cống, 5 chiếc thuyền ngự,... sáng sớm mai sẽ có đủ đầy, không hiểu Ngài có vừa lòng không?"

"Ở đây ngươi thấy gì?"

"Dạ thần mắt trần thịt rữa, đâu dám nhìn ngang ngó dọc!"

Bỗng một tiếng RẦM lớn vang lên, sàn nhà rung bần bật khiến thầy Vĩnh run khiếp. Quan vừa đập mạnh tay xuống chiếc án trước mặt.

"Xấc xược! Nói vậy ngươi còn không hiểu mình thiếu sót gì à?" Tiếng quát vang dội phát ra từ sau chiếc rèm trúc.

Thầy Vĩnh giật mình tỉnh dậy, lưng lại ướt sẫm mồ hôi. Chưa lần nào thầy mộng thấy các Quan về rõ như thế, lại có cả sứ giả dẫn đường. Ngài nói thầy còn thiếu sót, nhưng quả thực thầy không hiểu mình đang thiếu gì.

Sáng sớm đó ông Thịnh dẫn thầy tới gặp cụ bà đang trông coi chiếc miếu được xây gần bờ sông, gọi là miếu thờ Hà Bá. Cả khu miếu hoang sơ tiêu điều trơ trọi, chỉ có một mình bà cụ trông nom. Cụ có con cái nhưng đều đã đi xa biền biệt, chính quyền địa phương cũng không bận tâm việc tu sửa ngôi miếu đã có tuổi đời ngót nghét mấy chục năm.

Thầy Vĩnh hỏi han bà cụ về lịch sử ngôi miếu này. Ngôi miếu do gia đình nhà bà trông coi đã mấy thế hệ, trước giờ vẫn cẩn thận lắm, nhưng tới đời của bà con cháu đều không chịu ở lại đây, đi xa lập nghiệp, chỉ còn mình bà ở lại. Mà sức bà càng ngày càng yếu, ngôi miếu dần trở nên hoang tàn. Cụ còn nhớ năm xưa bố bà kể, đời cụ ông của bố bà là người đầu tiên được người dân giao cho nhiệm vụ trông miếu. Năm đó lũ trên đầu nguồn đổ xuống liên miên, cuốn trôi không biết bao nhiêu nhà cửa, mạng người. Đê, đập xây lên đều vỡ, không trụ được, lại nghe nhiều thầy nói rằng miếu Hà Bá trấn dưới hạ nguồn nên trên này không được cai quản cẩn mật, gây ra nhiều sự vụ này. Muốn hạ yên thì thượng cũng phải yên trước. Thế là họ làm lễ dời khu miếu lên trên này. Quả thực sau đó thì thiên tai cũng giảm đi nhiều.

Lễ bộ đã mang tới đầy đủ, thế nhưng nhìn khung cảnh bấy giờ, thầy Vĩnh mới hiểu mình đã thiếu sót điều gì. Buổi lễ được hoãn lại tới cuối giờ chiều. Một cơn dông đang ngấp nghé ở cuối đường chân trời, có khi lại sắp có bão. Thầy xin đi đặt gấp 5 tòa nhà bằng mã lớn, chiều nay phải có để kịp làm lễ. Quan Hà Bá giờ không cần đâu thuyền bè bằng một cơ ngơi mới khang trang hơn.

Khi đồ đã về kịp, buổi lễ mới được diễn ra giữa những cơn gió đang thốc lên. Áo lễ thầy Vĩnh bay lật phật trong gió, nhưng thầy vẫn rất điềm nhiên làm lễ. Tất cả những đồ mã đều được hóa hết sạch. Đến lúc buổi lễ kết thúc cũng là khi bầu trời quang dần trở lại, cơn dông đã tan đi như một điều diệu kì. Thầy Vĩnh thở phào. Thầy cùng mọi người thu dọn đồ đạc, rồi sau đó, thầy khẽ giúi vào tay bà cụ trông nom chiếc miếu gần như toàn bộ số tiền còn có trong người mình rồi quay trở về nhà ông Thịnh nghỉ lại một đêm. Ngôi miếu này cần được tu sửa và chăm sóc hơn nhiều bây giờ. Sẽ chẳng có gì tốt đẹp nếu như để thần linh nổi giận.

Sáng hôm sau, thầy Vĩnh rời đi sớm. Thầy đã thức rất khuya để hoàn thành một bức thư. Trước khi lên xe trở về nhà, thầy rẽ qua ủy ban nhân dân địa phương để gửi lại bức thư thầy viết, mong rằng nó sẽ tới được tay người có thẩm quyền. Còn lại, phúc phận người dân ở đây tới đâu còn là do sự cố gắng của con người.

Cuối cùng sau những tháng ngày dài cảm tưởng như cả năm đằng đẵng, thầy Vĩnh cũng đã về tới nhà. Thầy cầm chắc túi đồ nghề và hành lí, chuẩn bị bước sang đường, nơi có con ngõ nhỏ mà đầu ngõ là thằng nhóc bán bánh mì quen thuộc.

Bất chợt thầy nhìn thấy một cậu bé chỉ tầm 3 tuổi đang chập chững đi ra mép vỉa hè, trong khi mẹ bé còn đang mải mua đồ ở hàng tạp hóa bên đó. Ngồi giữa đường không đâu khác, chính là một vong chết chợ đang vẫy tay dụ thằng bé đi xuống lòng đường. Xa xa, một chiếc xe tải đang trờ tới. Đứa bé quá nhỏ để người tài xế có thể kịp nhìn thấy.

Thầy Vĩnh vội vã lao như bay ra giữa đường, lách qua những chiếc xe máy bấm còi inh ỏi. Rất nhanh chóng, thầy rút ra lá bùa áp vong rồi đốt lên, hướng thẳng vào con ma kia. Nó rú lên rồi biến mất. Thầy vừa chạy vừa hét, ôm chặt lấy đứa bé ngã ra sau. Chiếc xe tải phanh kít lại tạo thành những vệt đen dài trên mặt đường. Chỉ chậm mấy giây nữa thôi là...

Người mẹ bị một phen kinh sợ đến thất hồn bạt vía, dựng hai thầy trò dậy, mặt mũi méo xệch, khóc lóc cảm ơn thầy. Vì xô đứa bé nên tay chân thầy Vĩnh bị xước xát hết. Thầy dặn dò người mẹ hãy để ý con cẩn thận, trẻ em dưới 3 tuổi rất hay bị vong trêu. Người mẹ quá hoảng sợ nên đã gọi chồng tới đón về. Đúng lúc đó trời bắt đầu đổ mưa. Hình như cơn dông ở tận đâu đó theo thầy về đây ư?

Lát sau, người chồng từ đầu đường chạy lại, qua đường, mang theo chiếc ô lớn, đón 2 mẹ con về, cả gia đình tíu tít hỏi han nhau. Có lẽ nhà họ ở gần đây. Thầy Vĩnh đứng dưới mái hiên của cửa hiệu tạp hóa, nhìn theo bóng dáng gia đình nhỏ đó đi khuất rồi chợt thở dài. Giá như cũng có người nào đó ở nhà chờ đợi thầy về. Thầy Vĩnh vội căng chiếc ô đen quen thuộc của mình lên, tập tễnh bước về phía con ngõ nhỏ, không cho những dòng cảm xúc cuồn cuộn dâng lên thêm nữa.

Bước gần về phía cửa nhà, bất chợt thầy khựng lại.

Một bóng dáng quen thuộc đang đứng nép dưới hàng hiên, chờ đợi thầy.

"Sao..sao em lại tới tận đây...?" Thầy Vĩnh lắp bắp.

Cô gái đáp, nhìn thầy bằng đôi mắt nâu sâu thẳm: " Anh chẳng bảo em hãy đi tìm niềm hạnh phúc riêng thuộc về em còn gì. Đối với em niềm hạnh phúc đó chính là..."

Chưa để cô gái nói hết câu, thầy Vĩnh buông ô giữa làn mưa xối xả, chạy lại ôm chầm lấy hình bóng ấy. Hai con người ướt lướt thướt dưới trời mưa.

Có lẽ, từ giờ thầy Vĩnh sẽ không còn sợ nước nữa. Mảnh tâm hồn nào đó của thầy bị khiếm khuyết từ xa xưa nay đã được lấp đầy.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang