- Không... không! – Voi Lớn lúng túng. – Vương đóng quân nơi khác. Để tôi đưa cô đến đó, còn giờ... - Anh nhìn sang lũ trẻ đang đứng ở điếm canh trông ra. – Tôi không nói được.
Tôi liền hiểu ra sự việc, mỉm cười với anh ta:
- Ngựa và hành lý của em vẫn ở trong làng. Em vào chào mọi người một tiếng rồi sẽ đi cùng anh ngay!
- Bọn tôi đợi cô bên ngoài vậy. – Anh cười hiền.
Tôi gật đầu với Voi Lớn, đưa tay vẫy hai đứa trẻ rồi nhanh chóng chạy về nhà ông đồ Vĩ. Chẳng ngờ vừa đến đầu ngõ đã nghe tiếng người nhốn nháo, chú Minh Tịnh vừa trông thấy tôi đã kêu lên:
- Chị Nhã Phong, nhanh lên, bác Thôi bị thương nặng lắm!
Tim tôi liền hẫng đi một nhịp. Bác Thôi là người đàn ông hăng hái vỗ ngực bảo mình hiểu rất rõ địa thế khu đất lầy, cứ cách ngày lại vào bắt cá, tình nguyện tiên phong dụ địch. Tôi theo chú sa di chạy đến nhà bác, cố chen qua đám đông ken chặt ngoài sân, ai nấy cũng lo lắng, luôn miệng hỏi han, khung cảnh cực kỳ hỗn loạn.
- Thầy Vĩ, bác Thôi sao rồi? – Tôi hỏi ngay khi nhác thấy bóng lưng đồ Vĩ.
Ông đồ quay lại nhìn tôi, mặt tối sầm chẳng đáp được câu nào. Cạnh giường, một người đàn bà bụng mang dạ chửa đang giặt tấm khăn trong chậu nước đỏ ối, chị ta cố không khóc nên gương mặt càng méo mó. Tôi tiến thêm một bước, thấy bác Thôi đang nằm sấp, khó nhọc thở, cả người toàn vết chém ngang dọc, trên lưng còn cắm một mũi tên rất gần tim. Hình ảnh của ông Đảm hôm nọ tràn về trong đầu, nước mắt cứ thế tuôn ướt đẫm mặt mà tôi không hề hay biết.
- Tại sao lại như vậy? – Tôi nghe giọng mình lạ lẫm. – Không phải còn rất nhiều người tiếp ứng cho bác ấy sao? Sao lại ra nông nỗi thế này? Không phải chúng ta đã thắng sao? – Gần như tôi đã thét lên với đồ Vĩ.
- Quân Thát đuổi theo bác ấy đông hơn ta dự tính. Bác Thôi muốn diệt tất cả địch nên dụ chúng đi sâu hơn, qua khỏi địa phận ta mai phục, mọi người không đến kịp. – Ông đồ né tránh ánh mắt của tôi.
- Ba... gần ba mươi tên... - Người bị trọng thương cố giơ ba ngón tay lên. – Chết sạch! Chết sạch! – Bác Thôi cười gằn vài tiếng rồi đổ ra ho, máu tuôn ra từ miệng, từ mũi.
- Bác giỏi lắm! Giỏi lắm! – Tôi vội vã vuốt lưng bác trấn an, quệt nước mắt trên mặt mình – Bác chịu đau một chút, tôi nhổ mũi tên ra.
Đồ Vĩ liền nắm chặt cổ tay tôi, cau mày, khẽ lắc đầu. Tôi biết y thuật của mình có hạn, chưa chắc so được với ông ta chứ đừng nói đến việc cải tử hoàn sinh. Thế nhưng cứ nhìn người đã vì kế hoạch của mình vào sinh ra tử bị thương thế này mà không làm gì, tôi sẽ phát điên lên mất! Vết thương của bác Thôi hệt như ông Đảm, tôi không thể lần nữa để ông Đảm ra đi trước mắt mình! Tôi giằng mạnh tay, lạnh lùng nói với Minh Tịnh đang đứng phía sau:
- Cậu lấy con dao nhỏ nung nóng lên cho tôi.
Đoạn, tôi cố trấn tĩnh, quay sang hỏi chuyện người vợ đang ngồi cạnh bác:
- Con đầu của hai người ạ?
- Vâng! – Chị ta sụt sùi. – Sống hơn bốn mươi năm trên đời mới có được một mụn con...
- Những gì tốt đẹp thường đến muộn mà! – Tôi cố chọc cho chị ta vui. – Đứa bé này lớn lên nhất định sẽ là một đại anh hùng!
Nụ cười yếu ớt hiện lên trên môi người đàn ông thô kệch. Chú Minh Tịnh mang con dao để trên vải sạch đến trước mặt tôi. Vừa lúc đó, Dã Tượng bước vào:
- Cô Nhã Phong định...
Tôi cắt lời anh bằng ánh mắt đầy trông cậy, anh lập tức hiểu ra, nói với bác Thôi gái:
- Phu nhân, xin lui ra một chút!
Khi Dã Tượng đã chắn trước tầm nhìn của vợ người bệnh, tôi đưa cuộn vải vào miệng bác ta, khẽ nói:
- Chúng ta cùng cố nhé!
Bác Thôi cắn chặt cuộn vải, tôi cũng hít sâu một hơi, đưa mũi dao đến cạnh mũi tên đang cắm sâu vào da thịt bác, bắt đầu rạch xuống. Chiếc giường tre như run lên bởi cơn đau của người bị thương. Đâu đó ngoài kia vang lên tiếng khóc, tiếng kêu la hoảng sợ. Tôi thấy ông Đảm như đang nhìn mình, tôi mấp máy môi khẽ nói với ông:
- Cháu sẽ không để ông chết! Không để ai chết nữa!
Vì cố nén cơn xúc động, rạch được miệng vết thương thì tay tôi đã gần cạn sức. Tôi run run nắm lấy mũi tên toan nhổ ra thì đồ Vĩ đã nhanh tay hơn, ông ta khảng khái bảo tôi:
- Để cho thầy. – Ông ta nhếch mép cười. – Y thuật của chị chẳng biết thế nào nhưng tinh thần không bỏ cuộc quả là đáng để thầy học tập.
Tôi không đáp chỉ dịch người sang một bên nhường chỗ cho ông ta, mắt chăm chú nhìn vào mũi tên. Đồ Vĩ rút mạnh một cái, bác Thôi thét lớn. Máu bắn lên thành tia, tôi sợ điếng người, lập tức lấy tay giữ chặt miệng vết thương để ông đồ bịt vào bao nhiêu là thuốc cầm máu. Vải sạch, băng gạc, lá thuốc, từng chậu nước đầy máu liên tục được đưa ra đưa vào. Không biết là bao lâu đã trôi qua, máu vẫn không ngừng tuôn dưới tay tôi, sinh mạng của bác Thôi cứ thế tuột đi, tôi giữ thế nào cũng không được!
- Bác cố lên! Cố lên! – Tôi thét lớn, không còn giữ được bình tĩnh nữa.
- Cô Nhã Phong!
- Chị Phong! Tên cắm quá sâu, chúng ta đã làm hết sức rồi!
Đồ Vĩ và Dã Tượng kéo tôi ra, cố trấn an. Tay tôi vẫn giữ chặt vết thương, mắt chỉ còn thấy màu đỏ, mũi chỉ còn ngửi được mùi tanh, tai chỉ còn nghe được tiếng gươm giáo chạm nhau loảng xoảng, tiếng thét la, tiếng khóc. Bóng lưng của ông Đảm cứ sừng sững trong đầu. Mọi người vì tin tưởng tôi mà lao đi chiến đấu nhưng tôi đã không cứu được ai, không giữ được ai!
- Tiên sinh đang ở gần đây phải không? Em đi tìm người! Chắc chắn người sẽ cứu được bác ấy! – Tôi vén áo toan chạy ra ngoài.
Dã Tượng giữ chặt lấy tôi, tha thiết can ngăn:
- Cô Nhã Phong! Cô Nhã Phong! Bình tĩnh lại!
- Anh muốn nói cả tiên sinh cũng không cứu được bác Thôi sao? Em không làm gì được cho bác ấy nữa sao?
- Cô Nhã Phong! – Dã Tượng nhìn tôi như van xin.
Chúng ta không được để lộ nơi đóng quân! Dù có chạy như bay thì cũng mất nửa ngày tiên sinh mới có thể đến đây, bác Thôi không đợi được! Những việc này tôi đều hiểu cả.
"Phong, thầy thuốc không phải là thần tiên. Có rất nhiều việc chúng ta không cách nào thay đổi. Sinh tử vốn lẽ thường, không nên vì cố thỏa mãn chấp niệm của mình mà khiến người bệnh đau đớn thêm." Lão già từng dạy như thế, tôi đều hiểu cả.
Tôi đều hiểu cả!
- Mình ơi! – Tiếng khóc nỉ non của bác Thôi gái làm tôi chết lặng.
Trên giường bệnh, người đàn ông toàn thân đầy máu đang an tĩnh tựa vào vai vợ mình, tay bác đặt lên chiếc bụng tròn trĩnh của chị, gương mặt chỉ có thanh thản và hạnh phúc, như chưa hề có trận chiến đổ máu vừa qua, như chưa hề có tiếng thét đau xé lòng khi nãy.
- Nếu là con gái, hãy đặt tên nó là An. Nếu là con trai, nó sẽ tên là Bình. – Bác thều thào. – Mình có giận tôi không?
Bác Thôi gái lắc đầu nguầy nguậy, dịu dàng nắm lấy bàn tay gân guốc của chồng:
- Tôi hãnh diện về mình!
Nụ cười nở trên đôi môi đã xám ngoét. Bác Thôi nhìn về phía tôi, tôi vội chạy đến ngồi sụp bên bác, khóc nấc lên:
- Tôi xin lỗi! Xin lỗi bác...!
Người đàn ông nọ chỉ khoát nhẹ tay như bảo tôi chẳng có chuyện gì to tát. Lại khó nhọc hít một hơi dài, bác nói:
- Tôi là nhà nông nghèo ít học, đời này chỉ có hai việc đáng tự hào. Một là, để lại người nối dõi cho dòng họ. Hai là, hôm nay giết được những ba mươi tên giặc...
Tôi gật đầu liên tục, cố nở một nụ cười.
- Lẽ ra tôi muốn đặt tên con trai là Thắng. Nhưng khi nó lớn lên, Đại Việt hẳn đã thanh bình. Nói với nó, cảnh ấy do thầy nó dùng máu vẽ nên, nó phải cố gắng giữ gìn. Cố gắng giữ gìn...
Bàn tay đang vẽ cảnh thanh bình dừng giữa không trung rồi rơi phịch xuống. Bác Thôi gái ghì chặt chồng vào ngực, khóc không thành tiếng. Dã Tượng đưa tay lên ngực, cúi gập người tiễn bác một cách trang trọng. Bên ngoài, dân làng ôm chặt lấy nhau.
Tôi cứ ngồi mãi, ngồi mãi bên giường, khi bác Thôi gái đã để mọi người đưa thi thể bác ra ngoài, khi dân làng đều đã rời đi hết, mãi đến lúc Dã Tượng đến quỳ một chân trước mặt, bảo tôi:
- Cô Nhã Phong, chúng ta phải đi rồi, vương gia đang đợi.
***
- Chị Nhã Phong đi thật sao? – Hai cậu Nhất, Nhị níu tay tôi.
- Hai em ngoan ngoãn ở lại cùng dân làng, khi nào giặc tan, hãy sống lương thiện. – Tôi khẽ khàng vuốt tóc chúng dặn dò.
- Chị là người nhà quan? – Đồ Vĩ hỏi.
- Sau này tôi sẽ giải thích với thầy.
Khi mọi người đều đã rời đi, tôi xếp lại cái đẫy, lấy thanh kiếm toan theo Dã Tượng rời làng. Anh tay dắt Cụ Nhỏ, ân cần hỏi:
- Cô không định thay y phục sao?
Tôi nhìn xuống áo mình, hóa ra cả người đã dính đầy máu mà không hay biết.
- Vương gia trông thấy cô như vậy sẽ lo lắng lắm.
Tôi chậm chạp gật đầu với anh rồi trở vào thay một bộ áo sạch sẽ. Khi bước trở ra, tôi hướng về phía ngôi nhà của bác Thôi, vái chào.
Tôi nhất định sẽ trở lại đây, đưa tiên sinh trở lại đây, sẽ chăm sóc vợ con của bác, sẽ dùng cả đời bảo vệ sự thanh bình cho con bác.
Tôi khẽ thầm thì với chính mình như thế rồi dứt khoát nhảy lên lưng ngựa, rời khỏi làng Cổ Sở.
***
Dã Tượng dẫn tôi đi rất lâu, băng qua mấy đoạn đèo, vượt mấy khe suối mới đến rừng mơ. Anh bảo vùng này gọi là Cổ Mai, ở ngay phía nam Thăng Long nhưng rất ít người biết đến vì địa thế hiểm trở. Tiết đang vào cuối đông, hoa mơ nở trắng trời, từng cành kiêu hãnh trong giá rét, phơn phớt một màu hồng dịu dàng, hương thơm thoang thoảng. Ngoài lão già, trên đời chắc chẳng có ai chọn một nơi thơ mộng như thế này để đóng quân.
Trên đường đi, Dã Tượng không ngớt lời kể cho tôi kế hoạch của quân ta. Khi quân triều đình vừa khởi hành đến Bình Lệ Nguyên, người dân trong thành đã nhận được lệnh đi sơ tán. Đích thân quốc mẫu ra sắc lệnh này, quân đội của thái sư tỏa ra sắp xếp việc thi hành. Nhanh như cắt, toàn bộ lương thực, thuốc men và hành lý của mọi người đã được chuyển lên thuyền, xuôi về các làng ở phía tây và phía nam. Hai ngày sau, khi bệ hạ rút quân về từ Phù Lỗ, ngài cùng người trong cung và tôn thất cũng lên mấy con thuyền lớn để đến một nơi an toàn khác. Tâm trạng vẫn còn nặng nề nên từ đầu đến cuối tôi chỉ im lặng lắng nghe.
"Anh Cả, nếu như ta để lại cho giặc một tòa thành trống rỗng, chúng có dám tiến vào không? Có trụ lại được lâu không?" Nhiều năm trước, có lần Hưng Đạo vương đã hỏi lão già câu này, đến giờ tôi mới nhớ.
"Tôn Vũ dạy Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã, bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã." [2] Lão già đáp, vẻ như rất tán đồng.
Chẳng trách hôm trước tôi nghe Hưng Đạo vương định đón đầu giặc ở Quy Hóa rồi sau không nghe tung tích nữa. Vương say mê binh thư từ thuở bé, mỗi khi nghĩ được trận pháp nào hay đều nhân lúc rỗi việc chạy từ Vạn Kiếp đến Yên Bang bàn luận với lão già. Tính vương vốn quật cường, quyết đoán, ý tưởng táo bạo như việc bỏ thành dụ địch cũng không phải lạ. Đó là chưa kể phò trợ cho bệ hạ còn có thái sư. Trần Thủ Độ là thái sư. Tôi vì ông Đảm mà muốn giết Trần Thủ Độ, người dân thương tiếc họ Lý mà hận Trần Thủ Độ, nhưng ai cũng biết Trần Thủ Độ là một kẻ bản lĩnh khó ai bì.
Hơn nữa, mỗi một người lính đều giống như Nguyễn Nam, như ông Đảm, như bác Thôi, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vẫn không bỏ cuộc, lúc ra đi chẳng mảy may ân hận.
Hậu phương của họ còn có lão già mà tôi xem như trời như đất!
***
Khi tôi đến được quân doanh đóng ở lưng chừng núi, trời đất của tôi đang ngồi tựa gốc cây tự đánh cờ vô cùng nhàn hạ. Bàn cờ vẽ bằng kiếm gạch trên nền đá, sỏi thay cho quân đen, hoa mơ thay cho quân trắng. Hôm nay lão không mặc bộ áo màu lam quen thuộc mà toàn thân gọn gàng y phục đen, tóc búi cao rất ra dáng chủ tướng quân Thánh Dực nhưng cử chỉ vẫn ung dung như thể khói lửa ngoài kia chẳng là gì. Bên cạnh, Trần Cụ đang ngồi săm soi mấy mũi tên.
- Vương gia, Dã Tượng về rồi! – Người anh lớn của tôi đứng từ xa ôm quyền cúi chào.
Quân lính ở gần đó trông thấy tôi, nhất tề đứng lên hành lễ, tôi cũng khẽ gật đầu chào họ. Quân Thánh Dực bao gồm quân của hai lộ Hồng và Khoái, đặt dưới sự chỉ huy của lão già. Nửa năm ở Hồng Lộ tôi hay theo lão già đến quân doanh nên đa số bọn họ đều biết mặt tôi.
- Cô Nhã Phong! – Trần Cụ mừng rỡ chạy đến. – Không phải cô về Yên Bang sao? Sao giờ lại ở đây?
Tôi gật đầu chào hắn thay cho lời đáp, mắt chỉ hướng về phía lão già. Từ hôm tạm biệt lão ở Hồng Lộ đến giờ chỉ hơn hai tháng, nhưng nhiều việc xảy ra quá khiến tôi ngỡ như cả một đời đã trôi qua, trong chốc lát, tôi không biết phải đối diện với lão thế nào. Giữa khung cảnh thần tiên thế này, giữa ba quân khí thế choáng ngợp này, người ở trên cao, tôi dưới thấp. Đó là lần đầu trong đời tôi cảm thấy lão cách xa mình đến vậy.
Lão già đặt "quân cờ" trên tay xuống bàn, đoạn cầm chiếc áo choàng đứng dậy, thong thả bước đến, gương mặt không thể hiện cảm xúc gì. Khi lão đến cách tôi một sải tay, tôi khẽ cúi chào:
- Tiên sinh!
Đôi hài của lão dừng lại, tôi chậm chạp nhìn lên. Thoắt một cái, chiếc áo choàng của lão đã trùm lên vai tôi, rồi lão từ tốn nắm lấy cổ tay tôi dắt đến chỗ bàn cờ, thong thả ngồi xuống vị trí ban nãy. Tôi không biết phản ứng thế nào chỉ có thể ngoan ngoãn xuôi theo, ngồi xuống bên gối lão. Lão vẫy Dã Tượng đến ngồi đối diện, hỏi:
- Tình hình bên ngoài thế nào rồi?
- Bẩm vương gia, đúng như chúng ta dự đoán, quân Thát không tìm thấy gì ở Thăng Long đã chia quân ra các làng cướp bóc. Nông dân của ta ngày thường chăm chỉ tập luyện võ nghệ, bọn chúng tổn thất rất nhiều. Cô Nhã Phong cũng đã dẫn dắt dân làng Cổ Sở diệt được không ít giặc.
Tôi không rõ lão có nhìn mình cười một cái hay khen cho một câu dễ nghe không. Đầu óc vẫn lơ lửng tận đâu đâu, tôi ngồi cạnh nghe lão và Dã Tượng bàn chuyện công mà chẳng vào được câu nào. Vết thương trên người vì đường xa mà bắt đầu đau nhức, gió lạnh thổi từng cơn, chỉ có hơi ấm từ tấm áo của lão giữ cho tôi biết mình còn sống.
- Mấy cái vại kia dùng để làm gì ạ? – Hồi lâu, tôi chợt nhìn thấy rất nhiều vại lớn nhỏ dựng trong góc, bèn lên tiếng hỏi.
Mặt mũi của Trần Cụ và Dã Tượng bỗng nhiên trở nên rất khó coi, ú ớ không nói được tiếng nào. Bỗng nhiên lão bật cười sảng khoái:
- Hỏi hay lắm! Quên mất việc này phải giao cho em mới phải!
Nói rồi lão kéo tôi đến chỗ để vại, ấn một cái vào tay tôi, bảo:
- Ta muốn ủ rượu mơ để vài hôm làm tiệc mừng công. Bình này dành riêng cho Quốc Tuấn, em phải làm cho thật thơm thật ngon vào đấy!
- Giờ là lúc nào mà thầy vẫn muốn ủ rượu? – Trần Cụ há hốc mồm.
- Vương gia, Hưng Đạo vương đâu có thích rượu mơ? – Dã Tượng thật thà, hỏi rồi chợt đưa tay bịt mồm như nhận ra mình đã lỡ lời.
Lão nhìn khắp lượt, cười cười bảo:
- Bọn Thát đang chết đói trong thành. Chúng ta thong dong đợi thời cơ ở nơi non nước hữu tình thế này mà không tận hưởng, quả là lãng phí!
Rồi mặc kệ mọi người ngơ ngác, lão quay lại chỗ bàn cờ, vừa đi vừa ngâm nga mấy câu thơ Lý Bạch:
"Sầm phu tử
Đan Khâu sinh.
Thương tiến tửu,
Bôi mạc đình!
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:
Chung cổ soạn ngọc bất túc quý,
Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh..." [3]
Đến khi hiểu ra mọi việc, tôi thấy mình đang ngồi một góc tuyển chọn những quả ngon nhất trong số mơ mà binh sĩ đã hái về. Phía xa kia, lão già vẫn đang bàn việc quân cùng tướng sĩ đến tận hoàng hôn. Tôi nhìn Dã Tượng chợt thấy thương cảm cho anh. Trước giờ quen tác phong quy củ của Hưng Đạo vương, mấy hôm nay theo lão già nhà tôi hẳn là đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, người như anh khó mà thích ứng được. Tôi chọn mơ xong thì mang ra suối rửa, rửa sạch lại vẩy cho ráo nước rồi xếp vào bình, rót thêm ít rượu rồi lèn chặt, nhờ anh lính đào hố chôn sâu xuống gốc mơ to nhất, cắm thêm một nhánh cây làm dấu. Tôi cứ mơ hồ thấy có gì đó không đúng lắm, nhìn dáng vẻ của Dã Tượng và Trần Cụ lúc nãy có thể đoán được lão đang cố giấu chuyện gì, nhưng đầu óc vẫn không tỉnh táo nên tôi chẳng buồn nghĩ thêm gì nữa. Xưa giờ chỉ cần có lão ở cạnh, tôi liền sinh ra ỷ lại. Hết việc rồi tôi lại nằm dài trên một cành cây thấp, nhìn trời nhìn đất rồi nghĩ mông lung. Nếu không phải ngoài kia chiến chinh loạn lạc, khung cảnh này thật khiến người ta muốn quên hết sự đời giống như lời lão hát.
Trời về chiều, binh lính thay nhau nhảy xuống suối tắm rồi chia lương khô ăn cho qua bữa. Nhìn mấy người đàn ông mình trần tóc ướt đi đi lại lại nói cười vui vẻ, tôi ngán ngẩm thở dài. Tuy chẳng câu nệ mấy việc này nhưng thân thể tôi không như họ, không thể cứ vậy mà ùm xuống nước. Ở đây ít ngày, không chừng Quang Khải có thể mang bài vè năm xưa trêu ngược lại tôi. Cũng may, trời rất lạnh nên đi cả ngày cũng chưa đổ mồ hôi.
- Đói chưa? – Lão già từ xa đi đến, hỏi.
Lão cũng vừa tắm xong, tóc vẫn còn sũng nước, áo chỉ khoác hờ để lộ văn thân trên vai và ngực. Nam nhân họ Trần ai cũng xăm mình, nghe nói vì năm xưa tổ tiên sống bằng nghề chài lưới nên họ hay xăm hình thủy quái lên người để dọa cá dữ, lâu dần thành tục lệ. Tôi cũng vài lần trông thấy hình xăm trên người lão, nhưng vì ngày thường lão mặc y phục rất kín đáo, rất thư sinh, rất có dáng vẻ thanh cao thoát tục nên mỗi lần thấy mấy hình vẽ ngoằn ngoèo đáng sợ tôi lại buồn cười. Lần này cũng không ngoại lệ. Lão nhìn nhìn tôi một lúc rồi đưa gói lương khô, ngồi xuống bên cạnh:
- Quân doanh đông người, nổi lửa nấu ăn sẽ tạo khói làm lộ tung tích. Về nhà ta bảo bác Dương nấu món ngon cho mà ăn!
Tôi cầm lấy, bốc một miếng cho vào mồm, ký ức lại chợt nhớ về hôm người phương Bắc đưa túi lương khô đến Dưỡng Chân Trang. Lắc lắc đầu để không chìm vào những suy nghĩ chán chường, tôi quay sang nhìn lão, chợt thấy dải băng trắng quấn trên cổ tay mà từ trưa đến giờ tôi vô tâm chẳng nhận ra. Lòng lại như bị ai đó cứa vào, tôi cứ lật tới lật lui săm soi mãi.
- Có cần tháo ra để xem nên dùng thuốc gì thì tác dụng nhanh mà tiết kiệm nhất không? – Lão cười cười có ý châm chọc.
Nhưng tôi không buồn đáp, nhắc đến y thuật tôi lại giận mình không giúp được bác Thôi mà chỉ làm bác ấy khổ sở thêm, ủ rũ lắc đầu.
- Chắc tình cảnh khi ấy nguy khốn lắm! – Tôi đau lòng nhìn vết máu nhờ nhờ bên dưới lớp băng vừa mới.
- Ở trận Phù Lỗ, ta muốn giúp Phú Lương hầu một tay nhưng không kịp... - Giọng lão nhẹ như gió.
Tôi nghe Dã Tượng kể Phú Lương hầu đã hy sinh ở Phù Lỗ. Quân triều đình rút về Thăng Long, ngài đã chặt cầu rồi ở lại bên này sông Cà Lồ chặn giặc, sau cùng tuẫn tiết để giặc khỏi bắt làm con tin. Tiền tuyến hay hậu phương, đâu cũng có người ngã xuống, đâu cũng có cảnh tang thương. Lão già của tôi tài giỏi như thế nhưng cũng là người, cũng có máu có thịt, mạng sống cũng có hạn kỳ... Tôi nén tiếng thở dài, chân thành nói với lão:
- Thời gian qua em đã hiểu ra được nhiều thứ lắm, tiên sinh không cần lo em chịu khổ không quen!
Lão cười hiền, đoạn tự kéo áo vò tóc cho ráo nước rồi đưa bình rượu lên miệng hớp một ngụm lớn cho ấm người. Tôi nhẩn nha ăn hết phần lương khô lão đưa, nhìn màn đêm dần phủ lên tán hoa trắng như mây trời. Tôi có nhiều điều chưa nói với lão, nhiều ấm ức chưa được giãi bày, nhưng giờ chẳng phải lúc thích hợp, nơi này càng không phải nơi thích hợp. Đã không giúp được gì thì cũng đừng làm tảng đá vướng chân! Lão còn phải nghĩ cách đối phó giặc, tâm trí nào để chăm lo những muộn phiền nhỏ nhặt của tôi?
- Vại rượu chôn ở dưới này sao? – Lão lười nhác gõ gõ mũi kiếm xuống chỗ đất tôi đánh dấu ban nãy.
- Vâng ạ. – Tôi đáp. – Vài hôm nữa quân ta thắng trận hẳn cũng vừa kịp uống.
- Đúng là những lúc thế này không thể thiếu em. – Giọng lão bỗng nghiêm túc. – Hôm qua ta nhờ Trần Cụ...
- Hắn không biết ủ rượu ư? – Tôi ngạc nhiên hỏi, nhớ lại bình rượu nếp cái hoa vàng mà hắn mang ra thết đãi ở hồ Cấm Sơn hôm nọ, vẫn có thể tưởng ra được mùi thơm ấy.
- Hai cân mơ ta sai người hái về, nó lựa được mười quả. Quả thì chê vàng không đều, quả thì bảo hai bên lá không đối xứng.
Tôi bật cười, nhìn lên cao, cơn gió mạnh lướt qua thổi hoa mơ bay như tuyết trắng.
[1] Câu trong bài Lương châu từ của Vương Hàn:
"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi."
(Nghĩa là:
"Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly
Muốn uống nhưng đàn tỳ bà đã giục lên ngựa
Say khướt nằm ở sa trường, anh chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về đâu.")
[2] Người lãnh đạo bách chiến bách thắng cũng không hẳn đã phải là người lãnh đạo giỏi thiện chiến. Không đánh mà có thể khuất phục được quân địch mới là người giỏi thiện chiến, mới là người lãnh đạo có cảnh giới cao nhất.
[3] Trích bài Tương tiến tửu của Lý Bạch, dịch nghĩa:
"Này ông bạn họ Sầm
Này ông bạn Đan Khâu
Xin mời uống rượu
Chớ có ngừng chén
Tôi xin ca một khúc cho các anh
Xin các anh vì tôi lắng tai nghe
Chuông trống cỗ bàn không đáng quý trọng
Chỉ xin được say hoài không muốn tỉnh
Xưa nay các bậc thánh hiền đều không còn tiếng tăm
Chỉ có kẻ uống rượu mới để lại tên tuổi..."