• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tôi sẽ thú nhận: chẳng có con mồi sau cùng, khó tróc nã, thôi thúc chúng tôi về Nam Nam Nam nào hết. Trước tất cả độc giả, tôi muốn đưa ra lời khai nhận trần trụi này: trong khi Ayooba Shaheed Farooq không có khả năng phân biệt giữa truy đuổi và trốn chạy, buddha biết rõ hắn đang làm gì. Mặc dù ý thức rất rõ mình đang tiếp thêm đạn dược - thông qua việc thừa-nhận-tội-lỗi, tiết-lộ-sự-suy-đồi-đạo-đức, bằng-chứng-của-sự-hèn-nhát - cho bất cứ bình luận viên tương lai. Hay cây bút phê bình tẩm độc nào (xin nhắn họ rằng: đã hai lần tôi trúng độc nọc rắn, và cả hai lần, tôi đầu chứng tỏ mình mạnh hơn nọc độc), tôi vẫn buộc phải nói rằng hắn, buddha, rốt cuộc không thế tiếp tục ngoan ngoãn chấp hành nhiệm vụ được nữa, đã ba chân bốn cẳng bỏ chạy.

Bị nhiễm loài dòi gặm nhấm linh hồn của sự bi quan vô nghĩa hổ thẹn, hắn đào ngũ, chạy đến chốn vô danh không lịch sử của rừng mưa, tha theo ba cậu bé con. Điều tôi muốn vĩnh viễn bảo tồn trong lọ ngâm cũng như trên giấy: một trạng thái của tâm hồn khi ta không thể chối bỏ những hệ quả của sự cam chịu, khi một toa thuốc hiện thực quá liều sẽ sinh ra khát khao bức bối muốn vượt thoát đến thế giới an toàn của những giấc mơ... Nhưng, rừng già, như mọi chốn nương thần, hoàn toàn khác - ít hơn mà cũng nhiều hơn - với những gì hắn chờ đợi.

“Em vui,” Padma của tôi bảo, “Em mừng là ông đã chạy.” Nhưng tôi nhấn mạnh: không phải tôi. Hắn. Hắn, buddha. Kẻ, cho tới khi con rắn xuất hiện, vẫn là không-phải-Saleem; kẻ, dù đã trốn chạy, vẫn bị cách biệt với quá khứ; dù hắn luôn giữ chặt, trong bàn tay như có giác hút[1], một chiếc ống nhổ bằng bạc.

[1] Nguyên văn: limpet fist. Limpet là một loài động vật thân mềm hình dáng như con ngao nhưng chỉ có một mặt vỏ cứng, mặt kia bám vào đá bằng phần chân có cấu trúc như giác hút.

Rừng già khép lại sau lưng họ như một nấm mồ, và sau hàng giờ chèo thuyền trong cơn kiệt sức và hoảng loạn ngày một lớn dần, giữa mạng kênh đào nước mặn chằng chịt như mê cung nằm dưới những rặng cây đổ bóng cao ngất như vòm giáo đường, Ayooba Shaheed Farooq hoàn toàn lạc lối. Hết lần này đến lần khác, họ quay sang buddha, kẻ chỉ hết “Đường kia” đến “Lối đó”, nhưng mặc dầu họ chèo cật lực, bất chấp cơn mệt mỏi, cơ hội thoát khỏi chốn này dường như cứ biến mất trứơc mắt họ như một ngọn đèn ma. Cho tới sau cùng, họ vây quanh chuyên gia truy lùng vốn dĩ không thể sai lầm của họ, và có lẽ đã nhìn thấy một tia hổ thẹn hay nhẹ nhõm lóe lên trong đồi mắt bình thường vẫn xanh-mờ-đục của hắn ta. Và giờ Farooq lầm bầm giữa màu xanh như mộ địa của cánh rừng: “Mày không biết. Mày chỉ nói bừa thôi.”

Buddha im lặng, nhưng trong sự im lặng của hắn, họ đọc thấy số phận của mình, và giờ khi biết chắc mình sẽ không bao giờ thấy mặt trời nữa, Ayooba Baloch, chính gã Ayooba-xe-tăng, òa khóc nức nở như một trận mưa rừng. Cái cảnh tượng tréo ngoe khi gã trai lực lưỡng tóc húi cua này khóc oa oa như một đứa bé, đã góp phần khiến Farooq và Shaheed mất tự chủ. Đến nỗi Farooq suýt nữa làm lật thuyền khi lao vào tấn công buddha, người bình thản chịu đựng những cú đấm như mưa trút lên ngực vai tay hắn, đến khi Shaheed phải kéo Farooq ra cho an toàn.

Ayooba Baloch khóc không nghỉ suốt ba giờ hoặc ngày hoặc tuần liền, cho đến khi trời bắt đầu mưa và làm nước mắt của gã trở nên không cần thiết. Và Shaheed Dar nghe thấy mình nói, “Khóc cho lắm vào, nhìn xem mày đã mở đầu cái gì,” chứng tỏ rằng họ đã bắt đầu lây nhiễm thứ logic của rừng già, và rằng đó chỉ mới là sự bắt đầu, bởi vì khi sự bí hiểm của đêm tối khiến vẻ phi thực của rừng cây thêm nồng đậm, Sundarbans bắt đầu sinh sôi nảy nở trong mưa.

Ban đầu họ còn mải múc nước ra khỏi thuyền, nên chưa ai nhận ra: nước lại đang lên, hẳn đã làm họ rối trí. Nhưng dưới ánh sáng cuối ngày, không nghi ngờ gì nữa: khu rừng đang gia tăng về kích cỡ, sức mạnh và độ hung bạo. Từng chiếc rễ cà kheo khổng lồ của những cây đước cổ thụ đồ sộ ngoằn ngoèo đói khát trườn trong ánh chiều chạng vạng, hút nước mưa và phình to hơn cả vòi voi. Trong khi bản thân những cây đước vươn cao đến mức, như sau này Shaheed Dar miêu tả, lũ chim trên ngọn cây chắc có thể hót cho Chúa nghe. Vòm lá trên cao của những cây dừa nước vĩ đại bắt đầu tỏa rộng như những bàn tay khum khum to tướng màu xanh lục, cứ thế căng phồng lên dưới mưa đêm cho tới khi cả khu rừng như được lợp mái tranh.

Và rồi những trái dừa nước bắt đầu rụng, chúng to hơn bất kỳ loại dừa nào trên trên đất và đạt một tốc độ đáng báo động khi từ độ cao chóng mặt lao xuống và nổ tung như bom trên mặt nước. Mưa ngập cả lòng thuyền, họ chỉ có bốn chiếc mũ vải xanh và một hộp thiếc cũ đựng bơ để tát nước. Đến khi đêm xuống và trận mưa bom dừa nước từ trên không trút xuống, Shaheed Dar bảo, “Hết cách rồi - phải lên bờ thôi,” mặc dù tâm trí gã tràn ngập giấc mơ về quả lựu và gã thoáng nghĩ có thể đây là nơi nó trở thành sự thật, mặc dù ở đây là loại quả khác.

Trong khi Ayooba ngồi khiếp sợ mắt đỏ ngầu và Farooq cơ hồ tan nát vì thần tượng sụp đổ, trong khi buddha vẫn im lặng gục đầu, Shaheed là người duy nhất còn khả năng suy nghĩ. Bởi mặc dù ướt đẫm và mệt lả và rừng đêm rú rít xung quanh, đầu gã phần nào trở nên tỉnh táo, mỗi khi gã nghĩ đến quả lựu tử vong của mình. Thế nên chính Shaheed là người ra lệnh cho chúng tôi, cho họ, chèo con thuyền sắp chìm của chúng tôi, của họ, vào bờ.

Một trái dừa nước rơi chệch con thuyền chỉ hơn một tấc, gây ra một cơn thủy chấn lớn đến mức làm lật thuyền. Họ chật vật bò lên bờ trong bóng tối, ôm theo trên đầu nào súng vải dầu hộp thiếc. Sau đó kéo thuyền lên, và khi đã dứt nỗi lo về mưa bom dừa nước, và bầy rắn rễ đước, lăn ra ngủ giữa con thuyền sũng nước. Khi họ tỉnh dậy, ướt-sũng-và-run-lẩy-bẩy bất chấp cái nóng, trời đã chuyển mưa phùn dày hạt. Họ thấy trên người phủ một lớp đỉa dài hai tấc gần như hoàn toàn không màu vì thiếu ánh sáng mặt trời, nhưng lúc này đã chuyển màu đỏ nhạt vì mọng máu và lần lượt nổ tung trên cơ thể bốn người vì quá tham lam nên không thể dừng hút dù đã no căng. Máu ròng ròng chảy dọc chân họ xuống nền rừng, khu rừng hút ngay lấy, và biết mùi vị của nó chế nào.

Khi những trái dừa nước giáng xuống nền rừng, chúng cũng trào ra một chất lỏng màu máu, một thứ sữa đỏ ngay lập tức bị hàng triệu con côn trùng bu vào, có cả những con ruồi khổng lồ cũng trong suốt như lũ đỉa. Lũ ruồi cũng ngả đỏ khi bú no thứ sữa từ những trái dừa… Suốt đêm ấy, Sundarbans dường như không ngừng lớn lên. Cao hơn hết là những cây sundri, loài cây đã đem đến cái tên cho khu rừng, cao đến nỗi đủ sức ngăn cản tia hy vọng nhỏ nhoi nhất của mặt trời. Bốn người bọn tôi, họ, trèo ra khỏi thuyền, và chỉ sau khi đặt chân lên nền đất cứng trống trải lổm ngổm bọ cạp màu hồng nhợt và lúc nhúc từng đống giun đất nâu xám, họ mới cảm thấy đói và khát.

Nước mưa đọng trên lá cây nhỏ xuống quanh họ, và họ ngửa mặt lên mái rừng mà uống. Nhưng có lẽ vì nước này đã chảy qua lá sundri và cành đước và tàu dừa trước khi đến chỗ họ, nên từ hành trình ấy, nó đã hấp thụ một phần nào đó sự điên dại của rừng già. Cho nên khi uống vào họ lún sâu thêm sâu nữa vào ách áp chế của thế giới màu xanh thẫm ấy hơi tiếng chim nghe như gỗ kêu cót két và tất cả rắn đều mù. Trong trạng thái tâm thần mê loạn, hôn ám do cánh rừng gây ra, họ chuẩn bị bữa ăn đầu tiên, một hỗn hợp của dừa nước và giun nghiền, thứ đã giáng xuống đầu tất cả bọn họ một trận ỉa chảy dữ dội đến nỗi họ phải nghiến răng kiểm tra phân xem ruột gan mình có xổ ra cùng mớ hổ lốn ấy không.

Farooq nói, “Ta chết ở đây mất.” Nhưng ở Shaheed có một khát khao sinh tồn mãnh liệt, bởi vì, sau khi hồi tỉnh khỏi cơn hoang mang đêm trước, gã trở nên tự tin rằng đây không phải là cái kết dành cho gã.

Lạc trong rừng mưa, và biết ngớt mưa chỉ là chuyện tạm thời, Shaheed quyết định rằng, chẳng có lý do gì họ phải cố gắng tìm đường thoát, khi cơn mưa trở lại có thể đánh đắm con thuyền tạm bợ của họ bất cứ lúc nào. Dưới sự chỉ đạo của gã, một chỗ trú được dựng lên từ vải dầu và lá cọ, Shaheed bảo, “Chỉ cần kiên trì ăn quả, ta sẽ sống sót.” Tất cả đã quên từ lâu mục đích hành trình của họ, cuộc săn đuổi, được bắt đầu từ rất xa trong thế giới thật, dưới ánh sáng biến dạng của rừng Sundarbans đã nảy sinh đặc tính của một ảo tưởng lố bịch, cho phép họ rũ bỏ nó vĩnh viễn.

Và thế là Ayooba Shaheed Farooq cùng buddha tự nộp mình cho những ảo tượng khủng khiếp của cánh rừng mê. Từng ngày trôi qua, tan lẫn vào nhau dưới sức mạnh của cơn mưa vừa trở lại, và bất chấp buốt giá sốt cao ỉa chảy, họ vẫn sống sót, hoàn thiện chỗ trú ẩn bằng cách bẻ thêm những cành sundri và đước mọc thấp, uống sữa đỏ của dừa nước, tích lũy các kỹ năng sinh tồn, như khi năng siết cổ rắn và phóng những cây gậy mài sắc chính xác tới mức chúng đâm xuyên diều những con chim nhiều màu.

Nhưng một lần Ayooba tỉnh đậy trong đêm tối và trông thấy hình thù mờ ảo của một người nông dân với một vết đạn giữa tim và lưỡi hái trên tay, đang sầu thảm nhìn xuống gã. Và khi gã lập bập trèo ra khỏi thuyền (họ đã kéo nó vào căn lán nguyên thủy của mình), một thứ chất lỏng không màu rỉ ra từ cái lỗ ở tim người nông dân và chảy sang cánh tay cầm súng của Ayooba. Sáng hôm sau, cánh tay phải của Ayooba nhất định không chịu cử động, nó cứng đờ và lủng lẳng bên người gã như bị bó bột. Sự giúp đỡ và cảm thông của Farooq Rashid cũng chả ích gì, cánh tay vẫn treo bất động trong thứ chất lỏng vô hình của hồn ma.

Sau lần ma hiện hồn này, họ rơi vào một tâm lý tin rằng, khu rừng có khả năng làm bất cứ điều gì. Mỗi đêm nó lại gửi đến họ những hình phạt mới, ánh mắt ai oán của những người vợ có chồng bị họ săn lùng và bắt giữ, tiếng gào khóc chí chóe của những đứa trẻ đã mất cha dưới tay họ... Và trong lần đầu tiên này, lần của sự trừng phạt, ngay cả gã buddha lạnh nhạt có chất giọng thành thị, cũng buộc phải thú nhận hắn đã bắt đầu tỉnh giấc về đêm và thấy rừng đang dồn về vây quanh hắn như một chiếc bàn kẹp, làm hắn không thể thở được.

Khi đã trừng phạt họ đủ, khi họ chỉ còn là cái bóng run rẩy của những con người trước kia họ đã từng là, rừng già cho phép họ hưởng thụ cảm giác xa xỉ hai lưỡi của nỗi hoài nhớ.

Một đêm, Ayooba, người quay về thời thơ ấu nhanh hơn bất kỳ ai trong số họ, và đã bắt đầu mút ngón tay cái còn cử động được, trông thấy mẹ đang nhìn gã và chìa cho gã món kẹo bột gạo mịn màng của tình yêu thương. Song đúng lúc gã vươn tay về phía món laddoo, bà líu ríu bỏ chạy, và gã thấy bà leo lên một cây sundri vĩ đại và đánh đu trên cành cao bằng cái đuôi vắt vẻo. Một con khỉ trắng như hồn ma mang khuôn mặt mẹ gã, đến thăm Ayooba hằng đêm, khiến sau một thời gian, gã buộc phải hồi tưởng lại nhiều chuyện khác về bà ngoài món kẹo. Bà thích ngồi giữa những hộp hồi môn, như thể bà chẳng qua cũng chỉ là một món đổ, cũng chỉ là một trong những lễ vật cha bà đem tặng chồng bà ra sao. Giữa rừng Sundarbans, Ayooba Baloch lần đầu tiên hiểu mẹ mình, và không mút tay nữa.

Cả Farooq Rashid cũng nhận được một ảo ảnh. Một hôm vào lúc nhá nhem gã cứ ngỡ mình vừa thấy đứa em trai chạy hộc tốc giữa rừng, và tin rằng cha gã vừa mất. Gã nhớ lại một ngày đã bị lãng quên, khi người cha nông dân nói với gã và đứa em ba chân bốn cẳng rằng lão chúa đất trong vùng, kẻ cho vay nặng lãi 300 phần trăm, đã đồng ý mua lại linh hồn ông cụ để đổi lấy món nợ mới nhất.

“Bao giờ bố chết,” ông lão Rashid dặn em trai Farooq, “con nhớ há miệng để linh hồn bố bay vào, rồi chạy chạy chạy ngay, bởi zamindar sẽ đuổi theo con!”

Farooq, người cũng bắt đầu hoàn đồng với tốc độ đáng báo động, tìm thấy trong cái chết của cha gã và cuộc đào tẩu của em trai gã, sức mạnh để từ bỏ những thói quen con nít mà rừng già ban đầu đã tái lập ở gã. Gã thôi không khóc khi đói và hỏi tại sao.

Shaheed Dar cũng được một con khỉ có khuôn mặt tổ tiên đến thăm, nhưng tất cả những gì gã thấy, là một người cha từng dạy gã phải làm sao cho xứng với tên mình. Điều này, tuy vậy, cũng giúp khôi phục ở gã ý thức trách nhiệm đã bị xói mòn bởi đòi hỏi nhắm-mắt-phục-tùng của chiến tranh.

Vậy là dường như cánh rừng thần bí, sau khi hành hạ họ vì những tội ác họ gây ra, đang dẫn dắt họ đến một tuổi trưởng thành mới. Và bay biến giữa rừng đêm là bóng ma của những hy vọng của họ. Tuy nhiên, riêng những hình ảnh ấy, họ lại không thể nhìn rõ, hoặc nắm bắt được.

Buddha, tuy vậy, không được nhận nỗi hoài nhớ ngay từ đầu. Hắn đã quen với việc ngồi xếp bằng dưới một gốc sundri, mắt và tâm trí dường như trống rỗng, và về đêm, hắn không bị tỉnh giấc nữa. Nhưng sau cùng, rừng già cũng tìm ra cách đến với gã. Một buổi chiều, khi mưa dội xuống rừng cây và bốc hơi tức thì, Ayooba Shaheed Farooq thấy gã buddha ngồi dưới gốc cây của hắn khi một con độc xà mù, trong mờ cắn và tiết nọc độc vào gót chân hắn.

Shakeed Dar cầm gậy đập nát đầu con rắn, trong khi buddha, bấy giờ đã tê liệt từ đầu đến chân, hình như không nhận thấy gì. Mắt hắn nhắm nghiền. Sau đó, ba gã lính trẻ chờ đợi cái chết của con chó-người, nhưng tôi khỏe hơn nọc rắn. Trong vòng hai ngày, hắn cứng đơ như tượng gỗ, và mắt bị lác đi, khiến gã nhìn thế giới như qua một tấm gương, bên trái thành bên phải. Tôi được tái hợp với quá khứ, được dồn vào nhất thể nhờ nọc rắn, và quá khứ bắt đầu tuôn trào từ môi buddha. Khi mắt hắn đã trở lại bình thường, lời lẽ của hắn chảy dào dạt đến nỗi có cảm giác nó là một phần của mùa mưa.

Ba chú lính-trẻ-con lắng nghe, mê mẩn, những câu chuyện từ miệng hắn, bắt đầu với một sự ra đời vào nửa đêm, rồi tiếp diễn không ngừng nghỉ, vì hắn đang giành lại hết thảy, tất cả mọi thứ, tất cả lịch sử bị thất lạc, tất cả muôn vàn quá trình phức tạp đã tạo nên một con người. Mồm há hốc, không sao rứt ra được, ba anh lính-trẻ-con uống từng giọt đời hắn như nước đọng trên lá, khi hắn kể về những đứa em họ đái dầm, về những lọ gia vị làm cách mạng, về giọng ca tuyệt mỹ của một người em gái... Ayooba Shaheed Farooq (nếu là ngày xưa) hẳn sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để biết rằng những đồn đại ấy là sự thật; nhưng giữa rừng Sundarbans, họ thậm chí không kêu lên một tiếng.

Và hắn tăng tốc: đến câu chuyện tình yêu nở muộn, chuyện Jamila trong căn phòng ngủ dưới vệt ánh trăng. Lúc này Shaheed không nhịn nổi rì rầm, “Ra là thế, sau khi hắn thú nhận, cô ta không thể chịu nổi có hắn ở gần...” Nhưng buddha vẫn tiếp tục, và cả ba thấy rõ rằng hắn đang vật vã, cố nhớ lại một điều gì đấy, một điều dứt khoát không chịu trở lại, một điều ngoan cố lẩn tránh hắn, khiến hắn buộc phải đi đến cái kết khi chưa tìm ra nó, và vẫn tiếp tục nhíu mày không thỏa mãn ngay cả sau khi đã kể đến đoạn cuộc thánh chiến, và đã tiết lộ về thứ từ trên trời rơi xuống.

Im lặng mất một lúc, rồi Farooq Rashid nói, “Quá nhiều thứ, yaar, trong một con người; quá nhiều chuyện đau thương, trách nào hắn chả câm như hến!”

Cô thấy không, Padma: chuyện này tôi đã kể một lần rồi. Nhưng thứ gì dứt khoát không trở lại? Thứ gì, bất chấp nọc độc giải phóng ký ức của một con độc xà không màu, không chịu xuất hiện trên môi tôi? Padma: gã buddha đã quên mất tên mình. (Chính xác hơn: tên riêng của gã.)

Trờỉ vẫn tiếp tục mưa. Mực nước dâng lên hàng ngày, tới khi họ thấy rõ rằng buộc phải đi sâu hơn vào rừng, để tìm chỗ đất cao hơn. Mưa to đến mức không thể dùng thuyền, thế nên, vẫn dưới sự chỉ đạo của Shaheed, Ayooba Farooq và buddha kéo nó đi xa khỏi bờ sông đang ăn sâu vào đất, buộc dây neo quanh một gốc sundri rồi phủ lá lên. Sau đó, chẳng còn lựa chọn nào khác, họ tiến sâu hơn vào thế giới bất trắc rậm rạp của rừng già.

Giờ đây, một lần nữa, Sundarbans lại thay đổi tâm tính, một lần nữa, Ayooba Shaheed Farooq thấy bên tai tràn ngập tiếng khóc than của những gia đình từng bị họ giằng khỏi vòng tay yêu thương những thành viên mà, hàng thế kỷ trước, được họ gọi là “những phần tử phản động”. Họ điên cuồng chạy thẳng vào rừng để thoát khỏi tiếng khóc đầy đau đớn và oán hận từ các nạn nhân của họ. Và khi đêm xuống, bầy khỉ hồn ma tụ tập trên cây hát bài “Bengal Hoàng Kim Của Chúng Ta”: “… Ơi Đất Mẹ, con dẫu nghèo, nhưng những gì con có, xin đặt dưới chân Người. Điều ấy làm tim con mê cuồng một nỗi hân hoan.”

Không thể trốn thoát cực hình khôn bề chịu đựng của những giọng người không ngừng tra tấn họ. Chẳng thể chịu đựng thêm một phút nào nữa gánh nặng của sự hổ thẹn, bây giờ đã tăng lên ghê gớm bởi ý thức trách nhiệm vừa-giác-ngộ-trong-rừng, ba anh lính cậu, cuối cùng, bị đẩy đến chỗ có những phản ứng tuyệt vọng. Shaheed Dar cúi xuống vốc một nắm bùn rừng đẫm nước mưa, quằn quại trong ảo giác kinh khủng ấy, gã nhét nắm bùn phản trắc của rừng mưa vào tai. Và bắt chước gã, Ayooba Baloch và Farooq Rashid cũng bịt tai bằng bùn. Chỉ có buddha là không làm gì với đôi tai (một bên tốt, một bên điếc) của gã, như thể riêng gã sẵn sàng hứng chịu sự trừng phạt của rừng già, như thể gã đang cúi đầu trước quả báo cho tội lỗi của mình...

Thứ bùn của rừng-mê, chắc chắn có chứa những xác trong mờ của côn trùng bị lẫn trong bùn, và ma tính của thứ phân chim màu cam tươi, đã làm tai ba gã lính cậu nhiễm độc và trở nên điếc đặc. Bởi thế, mặc dù thoát khỏi những lời kết tội ngân nga của rừng già, giờ đây họ buộc phải trò chuyện bằng một kiểu ngôn ngữ ký hiệu hết sức sơ khai. Dù vậy, dường như họ thà bị điếc còn hơn phải nghe những bí mật không hề dễ chịu mà lá sundri đã thì thầm vào tai họ.

Sau cùng, những giọng nói đã dừng lại, mặc dù lúc này chỉ có mình buddha (với bên tai lành) nghe thấy. Sau cùng, khi bốn kẻ lữ hành tiến đến ngưỡng hoảng loạn, rừng già dắt họ đi qua một tấm màn địa y[2] rồi mở ra trước mắt họ một cảnh tượng huy hoàng đến nỗi làm họ nghẹn lời. Buddha dường như cũng siết chặt hơn chiếc ống nhổ. Bốn người với một cái tai lành duy nhất, họ tiến vào một khoảnh đất trống rộn ràng tiếng chim hót du dương, ở chính giữa là một ngôi đền Hindu hùng vĩ, được tạc, trong những thế kỷ bị lãng quên, lên một vách đá khổng lồ độc nhất. Trên tường dập dìu từng dãy phù điêu nam nữ, được miêu tả đang giao hoan trong những tư thế với độ dẻo dai tột đỉnh và đôi khi, với vẻ kỳ quặc đầy hài hước.

Bộ tứ tiến lại kỳ quan này với những bước chân ngỡ ngàng tột độ. Vào bên trong, họ, sau cùng, đã tìm thấy một chỗ nghỉ ngơi dưới cơn mưa bất tận, và một pho tượng màu đen cao ngất, tạc một nữ thần đang nhảy múa, mà ba gã lính-trẻ-con từ Pakistan không nhận ra, nhưng buddha biết: nàng là Kali, phồn thực và đáng sợ, hàm răng còn tàn tích của sơn vàng. Bốn lữ khách nằm xuống dưới chân nàng và chìm vào một giấc-ngủ-không-mưa kéo dài có lẽ phải đến nửa đêm, khi họ đồng thời tỉnh dậy và thấy trước mắt là nụ cười của bốn thiếu nữ diễm lệ không bút nào tả xiết.

Shaheed, liên tưởng đến bốn houri đợi gã ờ vườn long não, đầu tiên tưởng rằng gã đã chết trong đêm, nhưng các houri nhìn khá thật, và sari của họ (họ không hề mặc gì bên dưới) bị rừng già làm rách và ố bẩn. Bây giờ tám đôi mắt nhìn nhau, sari được cởi ra, gấp ngay ngắn, và đặt xuống đất. Thế rồi những người con gái khỏa thân và giống nhau như tạc của rừng già đến bên họ, tám tay quấn lấy tám tay, tám chân liền với tám chân.

Dưới pho tượng Kali nhiều chi, bốn lữ khách đắm mình trong những vuốt ve dường như khá thật, những nụ hôn và cắn yêu nhẹ nhàng mà đau đớn, những nhát cào để lại dấu vết. Và họ nhận ra rằng đây đây đây chính là thứ họ cần, thứ họ hằng khao khát mà không biết, rằng sau khi trải qua hiện tượng hoàn đồng và những nỗi buồn thời thơ ấu của những ngày lạc rừng đầu tiên. Sau khi sống sót trước đợt công kích của ký ức và trách nhiệm và nỗi đau lớn hơn của những lời tái kết tội, họ đang vĩnh viễn bỏ lại tuổi thơ. Thế rồi, quên đi lý trí và hậu quả và bệnh điếc, quên đi hết thảy, họ lao vào bốn mỹ nữ giống hệt nhau với một tâm trí hoàn toàn trống rỗng.

[2] Nguyên văn: treebeard, danh pháp khoa học là Usnea barbata, một dạng địa y, có hính dáng như bộ râu (treebeard nghĩa đen là râu của cây).

Sau đêm đó, họ không thể bứt mình ra khỏi ngôi đền, trừ lúc đi lùng thức ăn. Và hằng đêm, những cô gái ôn nhu từ giấc mơ thỏa mãn nhất của họ, trở lại trong im lặng, không nói một lời, luôn gấp sari ngay ngắn, chỉn chu, và lần nào cũng đem bộ tứ lạc lối này đến tột đỉnh phi thường của sự hợp hoan. Không ai trong họ biết thời kỳ này đã kéo dài bao lâu, bởi vì trong rừng Sundarbans thời gian tuân theo những quy luật bí ẩn. Nhưng cuối cùng, cũng đến một ngày họ nhìn nhau và nhận ra mình đang trở nên trong suốt, rằng cơ thể họ đã có thể nhìn xuyên qua, mặc dù chưa thật rõ, song đã lờ mờ, như nhìn vào một cốc nước xoài.

Trong nỗi kinh hoàng, họ nhận rằng đây chính là trò lừa gạt tối hậu và hiểm độc nhất của rừng già, rằng bằng cách thỏa mãn khát vọng tự đáy lòng họ, nó đã lừa họ vắt kiệt những giấc mơ của mình. Bởi vậy khi cuộc-sống-trong-mơ của họ rỉ ra ngoài, họ trở nên trống rỗng và trong mờ như thủy tinh. Giờ đây buddha nhận ra rằng, sự không màu ở côn trùng và đỉa và rắn nhiều khả năng liên quan đến việc bị rừng già tước đoạt những mộng tưởng côn trùng, đỉa và rắn của chúng hơn là bởi thiếu ánh mặt trời...

Bừng tỉnh, như thể lần đầu tiên trong đời, trước cú sốc của một cơ thể trong mờ, họ nhìn ngôi đền bằng con mắt mới, và thấy những vết nứt rộng hoác trên vách đá, nhận ra những khối đá lớn có thể rời ra và giáng xuống đầu họ bất cứ lúc nào. Và rồi, trong một góc tối của điện thờ bỏ hoang, họ thấy tàn tích của thứ có lã đã từng là bốn đống lửa nhỏ - tàn tro cổ xưa, vết cháy sém trên đá - mà cũng có thể là bốn giàn thiêu, và giữa mỗi chỗ lại có một đống xương nhỏ, ám đen, bị lửa thiêu nhưng chưa nát vụn.

Buddha thoát khỏi Sundarbans ra sao: khi họ bỏ chạy khỏi ngôi đền, đến chỗ con thuyền, khu rừng ảo ảnh giáng xuống họ ngón đòn sau cùng và khủng khiếp nhất. Họ vừa tới chỗ con thuyền thì nó đến. Đầu tiên là một tiếng ì ầm ở xa, rồi mau chóng trở thành một tiếng gầm đủ sức xuyên thấu cả những đôi tai điếc đặc vì bùn. Họ chỉ kịp cởi dây buộc rồi cuống quýt nhảy lên thuyền khi cơn sóng ập đến. Và giờ, họ hoàn toàn nằm dưới quyền sinh sát của nước, thứ có thể quật họ nát bét vào một rặng sundri hay đước hay dừa. Nhưng thay vì làm thế, thủy triều cuốn họ xuôi theo những con kênh nâu dậy sóng, bỏ lại sau khu rừng đã tra tấn họ nhòa đi thành một bức tường xanh khổng lồ. Cứ như thể rừng già, đã chán ngán bốn món đồ chơi, bèn tống chúng không thương tiếc ra khỏi lãnh địa của mình.

Được nước chở đi, đẩy về phía trước và tiếp tục về phía trước dưới sức mạnh kinh hồn của con sóng, họ nhấp nhô một cách tội nghiệp giữa những cành cây gãy và xác rắn lột, để rồi cuối cùng bị hất văng khỏi thuyền khi con sóng rút đi quật nó vào một gốc cây cụt. Bị vứt lại khi nước lui giữa một ruộng lúa ngập đến thắt lưng, nhưng sống sót. Bị quẳng từ trung tâm khu rừng của những giấc mơ, nơi tôi đào tẩu đến với hy vọng tìm thấy sự bình yên và đã thấy vừa ít hơn vừa nhiều hơn, trở lại một lẫn nữa với thế giới của những đạo quân và ngày tháng.

Khi họ từ rừng trôi ra, là tháng Mười năm 1971. Tôi buộc phải thừa nhận rằng (nhưng, theo quan điểm của tôi, thông tin này chỉ càng củng cố sự nghi ngờ của tôi về ma thuật dịch chuyển thời gian của khu rừng) không có tài liệu nào ghi chép sự xuất hiện của một cơn sóng thủy triểu trong tháng này, mặc dù, một năm trước, lũ lụt quả thật đã tàn phá vùng này.

Trong cơn dư chấn hậu Sundarbans, cuộc đời cũ đang chờ tái chiếm tôi. Lẽ ra tôi phải sớm biết: đừng hòng trốn tránh những người quen cũ. Ta mãi mãi là ta của quá khứ.

Trong vòng bảy tháng của năm 1971, ba người lính và con chó săn của họ biến mất khỏi bề mặt cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, sang tháng Mười, khi mùa mưa chấm dứt và các toán du kích Mukti Bahini bắt đầu khủng bố các tiền đồn của quân Pakistan. Khi các tay súng bắn tỉa của Mukti Bahini bắn hạ cả lính lẫn sĩ quan cấp thấp, bộ tứ chúng tôi xuất hiện từ hư vô và, do không có nhiều lựa chọn, cố gắng tái hợp với quân chủ lực của Cánh Tây đang chiếm đóng Miền Đông.

Sau này, khi bị thẩm vấn, buddha luôn giải thích về sự biến mất của gã với sự trợ giúp của câu chuyện đã được cắt xén về việc bị lạc trong một khu rừng nơi rễ cây quấn lấy gã như một bầy rắn. Có lẽ gã đã gặp may khi chưa bao giờ bị thẩm vấn chính thức bởi những sĩ quan của đội quân mà gã là thành viên. Ayooba Baloch, Farooq Rashid và Shaheed Dar cũng không phải chịu những cuộc thẩm vấn như vậy, nhưng, về phần họ, đó là vì không ai sống sót được đến lúc phải trả lời các câu hỏi.

Giữa một ngôi làng hoàn toàn bỏ hoang gồm những túp lều tranh, vách trát bùn trộn phân bò - giữa một khu dân cư bị ruồng rẫy, đến cả lũ gà cũng đã bỏ đi - Ayooba Shaheed Farooq ngồi than thân trách phận. Bị điếc vì thứ bùn độc của rừng mưa, một sự tàn tật lúc này bắt đầu làm họ ức chế đáng kể khi những giọng nói cay độc của rừng già không còn lởn vởn trong không khí, họ thở ra những lời than vãn, tất cả tranh nhau nói, chẳng ai nghe ai. Buddha, tuy vậy, buộc phải lắng nghe tất cả:

Nghe Ayooba, người đứng úp mặt vào góc một gian phòng trống trơn, tóc bám đầy mạng nhện, rền rĩ “Tai tôi tai tôi, như có ong vo ve ở trong ấy,”

Nghe Farooq, người dằn dỗi hét lên, “Rốt cuộc, tại ai? - Ai, có cái mũi cái đếch gì cũng đánh hơi được? Ai bảo Đường kia, và đường kia? – Và rồi ai, ai sẽ tin? – về khu rừng và ngôi đền và lũ rắn trong suốt? - Chuyện thế kia mà, Allah, buddha, bọn tao nên bắn mày luôn-và-ngay!”

Trong khi Shaheed, yếu ớt, “Tao đói.”

Một lần nữa quay về thế giới thực, họ đã quên mất những bài học của rừng già.

Và Ayooba, “Tay tao! Allah, trời, cánh tay khô quắt của tao! Con ma ấy, rỉ nước vào...!”

Và Shaheed, “Bọn đào ngũ, họ sẽ bảo thế - tay trắng, không tù binh, sau ngần ấy tháng! - Allah, khéo sẽ có tòa án binh, anh nghĩ sao, buddha?”

Và Farooq, “Đồ chó đẻ, nhìn xem mày đã đẩy bọn tao đến đâu! Ôi Chúa ơi, quân phục của bọn tao! Mày nhìn đi, buddha - lôi-thôi-rách-rưới như một lũ ăn mày! Thử nghĩ xem ngài Chuẩn tướng - và tay Najmuddin ấy - tao thề trên đầu mẹ tao là tao không - tao không phải là đồ hèn! Không!’’

Và Shaheed, người đang giết kiến rồi giơ tay lên liếm, “Nhưng mà, làm thế nào để quay lại? Ai biết họ ở đâu, mà chắc gì đã còn ở đây? Rồi còn bọn Mukti Bahani nữa - pằng!pằng! bọn nó từ chỗ nấp bắn ra, thế là mày chết! Chết, như một con kiến!”

Nhưng Farooq đang tiếp tục, “Mà không chỉ quân phục, trời ơi, còn tóc nữa! Đây có còn là đầu nhà binh nữa không? Đây, dài kinh người, rủ xuống tai như một búi giun? Cái đầu đàn bà này? Allah, họ sẽ xử tử bọn mình - bắt đứng dựa tường rồi pằng!pằng! - mày cứ chờ xem!”

Nhưng giờ Ayooba-xe- tăng đang trấn tĩnh lại, Ayooba lấy tay bưng mặt, Ayooba lầm rầm với chính mình, “Hỡi ôi, hỡi ôi. Tao đến đây để chiến đấu với bọn Hindu ăn chay khốn kiếp. Còn đây, là chuyện hoàn toàn khác. Một chuyện quá sức tồi tệ.”

Khi ấy vào độ tháng Mười một, họ đang đi khá chậm, ngược lên phía Bắc Bắc Bắc, qua những trang báo phất phơ in một thứ văn tự vòng vèo kỳ quái, qua những đồng không nhà trống, thỉnh thoảng lại qua một bà cụ gùi một bó củi trên vai, hoặc một nhóm con nít tám tuổi với cái đói láo liên trong mắt và sự đe dọa của dao găm trong túi, và được nghe chuyện Mukti Bahini âm thầm di chuyển trên vùng đất mờ mịt khói này ra sao, những viên đạn vo ve bay đến như ong- từ-trên-trời-rơi-xuống... giờ đã đến thời điểm bước ngoặt, và Farooq, “Nếu không phải tại mày, buddha, Allah, đồ quái thai mắt xanh như ngoại quốc, Chúa ơi, yaar, mày hôi quá!"

Chúng tôi đều hôi: Shaheed, người đang đi (bằng cái gót ủng xơ xác) một con bọ cạp dưới nền đất bẩn thỉu của túp lều bỏ hoang; Farooq, đang lùng tìm một cách lố bịch một con dao để cắt tóc; Ayooba, đang gục đầu vào góc lều trong khi một con nhện bò dọc đỉnh đầu gã; Và cả buddha nữa: buddha, kẻ tỏa mùi hôi ngất giời, đang nắm chặt cái ống nhổ xỉn màu trong tay phải, và cố gắng nhớ lại tên mình. Và chỉ gọi ra được các biệt danh: Thò Lò, Mặt Nhọ, Hói, Cả Khịt, Mảnh Trăng.

Gã ngồi xếp bằng giữa cơn bão khóc than của nỗi sợ hãi trong lòng đồng bạn, cố ép mình nhớ lại, nhưng không, không ăn thua. Và cuối cùng buddha, quật cái ống nhổ xuống nền đất, hét lên với những đôi tai điếc: “Thật không - KHÔNG - CÔNG BẰNG!”

Giữa đống đổ nát của chiến tranh, tôi khám phá ra sự công-bằng-và-bất-công. Bất công có mùi như hành tây, mùi hăng của nó làm tôi trào nước mắt. Nghẹt trong hương vị cay đắng của sự bất công, tôi nhớ lại Jamila Ca sĩ đã cúi xuống bên giường bệnh - của ai? tên gì? - ra sao, đám mề-đay-và-sao cũng có mặt thế nào - em gái tôi - không, không phải em tôi! cô ta - cô ta đã nói, “Anh ơi, em phải đi xa đi hát phục vụ tổ quốc; bây giờ Quân đội sẽ trông nom anh - vì em, mọi người sẽ chăm sóc anh rất, rất chu đáo.”

Cô ta đeo mạng, từ sau lớp gấm thêu kim tuyến vàng-và-trắng tôi ngửi thấy nụ cười phản bội của cô ta, qua tấm sa che mặt cô ta đặt lên lông mày tôi nụ hôn phục hận. Thế rồi cô ta, người luôn giáng đòn báo thù khủng khiếp lên đầu những kẻ yêu cô ta nhất, vứt tôi lại trong vòng tay thương hại của đám mề-đay-và-sao... Và sau sự phản bội của Jamila, tôi nhớ đến sự tẩy chay tôi phải chịu dưới tay Evie Burns. Rồi hai cuộc lưu đày, rồi cú lừa dã ngoại, và cả một núi đồ sộ những sự kiện phi lý giày vò đời tôi. Và giờ, tôi khóc hận mũi-dưa-chuột, mặt nhọ, chân vòng kiềng, sừng-thái-dương, đầu sư cọ, ngón-tay-cụt, một-tai-điếc, và cái ống nhổ làm tê liệt, tẩy não. Giờ tôi khóc như mưa, nhưng cái tên vẫn lẩn tránh tôi, và tôi lại thét to:

“Không công bằng, không công bằng, KHÔNG CÔNG BẰNG!”

Và, thật bất ngờ, Ayooba-xe-tăng từ góc nhà bước ra, Ayooba, có lẽ đang nhớ lại chính lần suy sụp của gã trong rừng Sundarbarns, ngồi xuống trước mặt và quàng cánh tay lành lặn của gã lên cổ tôi. Tôi chấp nhận sự vỗ về của gã, tôi khóc lên áo gã, nhưng rồi một con ong xuất hiện, vo ve bay đến, trong khi gã ngồi quay lưng vào ô cửa sổ không kính của ngôi nhà, có gì đó rít lên trong không khí oi nồng, trong khi gã bảo, “Coi nào, buddha - thôi mà, buddha - nào, nào!” và trong khi một đàn ong khác, đàn ong của bệnh điếc, vo ve trong tai gã, có gì đó chích vào cổ gã. Gã ọc lên một tiếng sâu trong cổ họng rồi gục lên người tôi. Viên đạn bắn tỉa đã giết chết Ayooba Baloch lẽ ra đã xuyên qua đầu tôi, nếu gã không ngồi đó. Bằng cái chết, gã đã cứu mạng tôi.

Quên đi những nhục nhã trong quá khứ, gạt sang một bên công-bằng-với-bất-công, và thứ-gì-chữa-không-được-thì-phải-chịu, tôi bò ra từ bên dưới xác Ayooba-xe-tăng. Trong khi Farooq, “Ôi Chúa Ôi Chúa Ôi!” còn Shaheed, “Allah, không biết súng của tao có còn...” Và Farooq lại “Ôi Chúa Ôi! Ôi Chúa, làm sao biết thằng chó đẻ ấy nấp ở đâu...!” Riêng Shaheed, y như trong phim, đứng áp sát bức tường cạnh cửa sổ. Tại ba vị trí: tôi ở dưới sàn, Farooq co rúm trong góc nhà, Shaheed dựa lưng vào lớp vữa trộn phân bò: chúng tôi chờ đợi, trong bất lực, xem điều gì sẽ xảy ra.

Không có phát súng thứ hai, có lẽ tên bắn tỉa, không nắm được quân số kẻ thù nấp trong ngôi nhà vách bùn, chỉ bắn một phát rồi chuồn. Ba chúng tôi tiếp tục nấp trong ngôi nhà suốt một ngày một đêm, cho đến khi xác Ayooba Baloch bắt đầu đòi được xử lý. Trước khi đi, chúng tôi tìm cuốc chim, rồi chôn cất gã... Và sau này, khi quân Ấn đến, chẳng còn Ayooba Baloch để chào đón họ với lý thuyết vì sự ưu việt của thịt so với rau. Chẳng còn Ayooba xông ra đấm đá, miệng hô, “Binh! Bốp! Hự!!”

Có lẽ như vậy cũng tốt.

Và vào khoảng tháng Mười hai, ba người bọn tôi, cưỡi xe đạp ăn cắp, đi qua một cánh đồng, nơi từ đó có thể nhìn thấy thành phố Dacca ở phía chân trời. Một cánh đồng trồng những hoa màu hết sức kỳ quái, bốc ra một mùi hết sức buồn nôn, đến nỗi chúng tôi không thể ngồi vững trên xe. Tụt xuống trước khi ngã khỏi xe, chúng tôi tiến vào cánh đồng khủng khiếp ấy.

Một người nông dân đang tha thẩn mót đồng nát, vừa sục sạo vừa huýt sáo, lưng đeo một cái bị cói ngoại cỡ. Các khớp ngón tay trắng bệch nắm chặt cái bị thể hiện một tâm trí kiên định. Tiếng huýt sáo, chói tai nhưng réo rắt, cho thấy bác đang giữ tinh thần lạc quan. Tiếng huýt sáo vang vọng trên cánh đồng, nảy lên từ những chiếc mũ sắt rơi rụng, dội lại trống rỗng từ những nòng súng tắc bùn, chìm lỉm vào những chiếc giày rơi rụng của cánh đồng hoa màu rất rất kỳ quái, với một thứ mùi, như mùi của sự bất công, có khả năng làm buddha trào nước mắt.

Hoa màu đều đã chết, bị một bệnh dịch lạ tấn công... Và hầu hết, nhưng không phải tất cả, mặc quân phục Tây Pakistan. Ngoại trừ tiếng huýt sáo, âm thanh duy nhất là tiếng các đồ vật rơi vào tay nải báu vật của bác nông dân: thắt lưng, đồng hồ, răng vàng, gọng kính, cặp lồng, bi đông, giày bốt. Bác ta nhìn thấy họ và chạy về phía họ, cười cầu tài, nói liến thoắng bằng một giọng phỉnh phò mà chỉ một mình buddha phải nghe. Farooq và Shaheed đờ đẫn nhìn cánh đồng trong khi bác nông dân bắt đầu giải thích.

“Bắn nhau dữ lắm! Pằng!Pằng!” Bác giơ tay làm bộ bắn súng. Bác nói một thứ tiếng Hindi bập bẹ và cứng nhắc.

“Bẩm các ngài! Quân Ấn đã đến! Bẩm vâng! Bẩm vâng.”

Khắp cánh đồng, loại hoa màu nọ đang rỉ thứ tủy xương giàu dinh dưỡng vào lòng đất trong khi bác ta, “Đừng bắn con, hỡi các ngài. Bẩm đừng. Con có tin - bẩm, tin nóng hổi! Quân Ấn đã đến! Jessore thất thủ rồi, thưa các ngài, chỉ một-bốn ngày nữa, Dacca, có-hay-không?”

Buddha lắng nghe, đôi mắt buddha nhìn qua bác nông dân ra cánh đồng.

“Khủng khiếp lắm, thưa ngài! Quân Ấn! Chúng có một tên lính dũng mãnh, giết chết sáu người một lúc, bẻ cổ kẻ thù khựcc-khựcc bằng đầu gối, thưa ngài? Đầu gối - đúng chữ ấy chứ ạ?”

Bác vỗ đầu gối. “Con đã thấy, thưa ngài. Tận mắt, bẩm vâng! Hắn không chiến đấu bằng súng, hay gươm. Bằng đầu gối, và sáu cái cổ gãy khựcc-khựcc. Ôi Chúa.”

Shaheed đang nôn mửa ra giữa đồng. Farooq Rashid lững thững đi đến đằng kia cánh đồng và đứng nhìn xác một cây xoài.

“Chỉ một-hai tuần nữa nà chiến tranh kết thúc, thưa các ngài! Tất cả sẽ quay về. Giờ thì đi hết rồi, riêng con thì không, thưa các ngài. Quân lính truy lùng Bahini và giết nhiều rất nhiều, cả con trai con. Bẩm vâng, thưa ngài, bẩm quả có vậy.”

Ánh mắt buddha trở nên mờ đục. Hắn nghe thấy tiếng rền của trọng pháo ở xa xa. Từng cột khói bốc lên nền trời tháng Mười hai không màu. Cánh đồng hoa màu kỳ quái vẫn nằm yên, không bị gió làm xao động...

“Con ở lại, thưa các ngài. Nơi đây con thuộc tên chim muông cây cối. Bẩm vâng. Con tên Deshmukh, chuyên kinh doanh ý tưởng. Con bán nhiều đồ rất xịn. Ngài cần chứ? Thuốc táo bón, cực tốt, bẩm vâng. Con có. Đồng hồ phát quang trong bóng tối, ngài cần? Con cũng có. Rồi sách, bẩm vâng, rồi đồ chơi khăm. Trước con rất nổi tiếng ở Dacca. Bẩm vâng, thực đấy - Đừng bắn.”

Nhà buôn ý tưởng tiếp tục huyên thuyên, mời chào hết thứ này đến thứ khác, tỉ như chiếc thắt lưng thần kỳ cho phép người đeo nói tiếng Hindi

- “Con đang đeo đây, thưa ngài, nói quá ngon, phỏng ạ? Quân Ấn nhiều mua lắm, họ nói đủ các thử tiếng khác nhau, đây là một vật Trời ban!” - và rồi bác ta đế ý thấy vật buddha cầm trên tay.

“Bẩm ngài! Quả là tuyệt tác! Bằng bạc ạ? Đá quý ạ? Ngài đưa con, đưa đài phát thanh, máy ảnh, gần như hoạt động tốt, thưa ngài! Giá vậy quá hời, thưa ngài. Đổi lấy mỗi cái ổng nhổ, quá tốt. Bẩm vâng. Bẩm vâng, thưa ngài, ta vẫn phải sống, vẫn phải buôn bán, thưa ngài, phỏng ạ?”

“Hãy kể thêm,” buddha nói, “ về tên lính đánh nhau bằng đầu gối.”

Nhưng giờ, một lần nữa, một tiếng ong vo ve, ở đằng xa, đầu kia cánh đồng, có một người quỵ xuống, trán một người gục xuống đất như thể đang cầu nguyện. Và ở giữa cánh đồng, một cây hoa màu, mới đây vẫn còn sống đủ để bắn, cũng trở nên hoàn toàn bất động.

Shaheed Dar hét lên một cái tên: “Farooq! Bớ Farooq!”

Nhưng Farooq nhất định không trả lời.

Sau này, khi hồi tưởng về cuộc chiến với chú Mustapha, buddha kể lại, gã đã chạy vấp lên vấp xuống trên cánh đồng ứa rỉ tủy xương tới chỗ người đồng đội gục ngã ra sao. Và, còn cách rất xa cái xác đang cầu nguyện của Farooq, gã đã bị chặn lại bởi bí mật khủng khiếp nhất của cánh đồng thế nào.

Ở giữa cánh đồng, có một kim tự tháp nhỏ. Kiến bò trên đó, nhưng đó không phải là tổ kiến. Kim tự tháp có sáu chân và ba đầu, và ở giữa, một khối bùng nhùng tạo thành bởi những mẩu thân người, những mảnh quân phục, những đoạn ruột và lấp ló những xương vỡ. Kim tự tháp vẫn còn sống. Một trong ba cái đầu bị chột mắt trái, di sản của một vụ cãi vã hồi bé. Một cái khác có mái tóc dính bết dầu bóng. Cái đầu thứ ba kỳ quái nhất: nó có hai hốc lõm sâu ở chỗ đáng ra là thái dương. Hai hốc lõm hẳn là do kẹp forcep cùa bác sĩ phụ khoa gây ra, vì kẹp cái đầu quá chặt khi đỡ đẻ... chính cái đầu thứ ba này nói chuyện với buddha:

“Ê mày,” nó nói, “Mày làm cái quái gì ở đây thế?”

Shaheed Dar thấy rõ kim tự tháp của quân địch đang trò chuyện với buddha; Shaheed, bỗng nhiên bị một sức mạnh phi lý thôi thúc, nhào lên người tôi và đè tôi ngã ngửa ra, quát, “Mày là ai? Gián điệp? Phản động? Hả? – Tại sao chúng lại biết mày là…?” Trong lúc Deshmukh, nhà buôn ý tưởng, xoắn xuýt một cách tội nghiệp quanh chúng tôi, “Bẩm các ngài! Đánh nhau như vậy là đủ lắm rồi. Bình tĩnh đi, thưa các ngài. Tôi xin đấy. Lạy Chúa.”

Kể cả Shaheed có tỉnh táo để lắng nghe, tôi khi đó cũng không thể cho gã biết điều sau này tôi đã tin là sự thật: rằng động cơ của cuộc chiến tranh này nhằm tái hợp tôi với cuộc đời cũ, nhằm đưa tôi gặp lại cố nhân. Sam Manekshaw hành quân đến Dacca để gặp người bạn cũ – con Cọp, và các chế độ liên kết tiếp tục hoạt động. Bởi vì trên cánh đồng đang ứa rỉ tủy xương, tôi được nghe kể về cặp đầu gối sát thủ và được chào đón bởi mộ kim tự tháp ba đầu đang chết, và tại Dacca tôi sắp được gặp Parvati-phù-thủy.

Khi Shaheed bình tâm lại và buông tôi ra, kim tự tháp không còn nói chuyện được nữa. Cuối chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục hành trình về thủ đô. Deshmukh, nhà buôn ý tưởng, hoan hỉ gọi với theo: “Bẩm các ngài! Bẩm các ngài tội nghiệp! Ai biết được bao giờ một người sẽ chết? Ai, thưa các ngài, biết được vì sao?”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK