• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

"Chỉ dụ, trẫm nghe dân gian có oan tình, dư tình* trăm họ không dứt, tiếng than sục sôi, cũng biết Thiếu doãn phủ Kinh Đô khắc cần khắc kiệm, sự tất cung thân**, là người đầu tiên phát hiện và chủ động đứng ra tố giác oan tình, đặc khiển làm Phủ dụ sứ tỉnh Hoài Nam, nhận lấy trọng trách triều đình, xuôi xuống Hoài Nam án sát quan lại, tìm hiểu dân tình, tra rõ án "giết vịt trắng" tại huyện Giang Dương, Dương Châu, chiếu chỉ ban thưởng Triệu Bạch Ngư một thanh thượng phương bảo kiếm, cho phép ngươi tùy cơ ứng biến."

(*) Dư tình: ý kiến và thái độ của công chúng

(**) Khắc cần khắc kiệm: chăm chỉ tiết kiệm; Sự tất cung thân: việc gì cũng phải tự làm lấy

Đại thái giám bên người Nguyên Thú đế đứng giữa đại sảnh Lâm An quận vương phủ, cười nịnh đỡ Triệu Bạch Ngư dậy: "Ngài đứng dậy đi, tiểu Triệu đại nhân."

Rồi sau đó lão nhìn về phía Hoắc Kinh Đường vẫn còn chưa dậy, nụ cười lấy lòng càng rõ rệt: "Tiểu quận vương, ngài cũng mau đứng dậy thôi, bệ hạ gửi nô tỳ hỏi thân thể ngài gần đây khỏe không, ăn uống ra sao? Khẩu vị thế nào?"

Hoắc Kinh Đường đứng dậy, hai tay rút vào tay áo bào rộng, uể oải liếc mắt nhìn Đại thái giám: "Cũng được."

Đại thái giám: "Ngài không có gì muốn nói với bệ hạ sao?"

Hoắc Kinh Đường: "Ngài giúp ta thưa lại, thân thể khỏe không? Ăn uống ra sao? Khẩu vị thế nào? Nhé."

Lời thăm hỏi qua loa đến mức khiến người ta không biết phải về báo cáo thế nào, Đại thái giám bị làm khó thì đành vậy, cũng không dám cưỡng ép đưa ra yêu cầu nữa, đổi lại là Thái tử hoặc vị hoàng tử nào khác căn bản không cần ông nhắc nhở, ai nấy đều chỉ hận không thể moi móc tim gan ra biểu dạt lòng ái mộ bệ hạ, chỉ ngoại trừ Lâm An tiểu quận vương này từ khi chui ra khỏi bụng mẹ đã là một hỗn thế ma vương.

Đừng nói chi đến ái mộ, bắt hắn thể hiện một chút tình cảm bên cạnh bệ hạ thôi cũng đã khó lắm rồi.

Không thể làm Hoắc Kinh Đường thông suốt, Đại thái giám chuyển mục tiêu sang Triệu Bạch Ngư kế bên đang ngắm nhìn thượng phương bảo kiếm. bước lên phía trước nói: "Trong đoàn kịch thường có người hát Khâm sai đại nhân* về Giang Nam thể nghiệm dân tình, vì dân chờ lệnh, tiểu Triệu đại nhân, lần này ngài đã trở thành 'Khâm sai' rồi đấy!"

(*) Khâm sai: là chức vụ tạm thời được sử dụng nhiều nhất. Chức vụ này là một chức vụ đặc phái ra ngoài để giải quyết các công việc nội chính hoặc ngoại giao. (Wikipedia)

Tuy Phủ dụ sứ không có phẩm cấp nhưng lại có thể thay thế Hoàng đế thị sát, đến cả đại quan nhất phẩm thấy cũng phải quỳ, chính là Bát phủ tuần án*, Khâm sai đại nhân mà hí văn trên truyền hình hay nhắc đến.

(*) Triều Minh đặt ra chế độ Ngự sử xuất tuần địa phương tức Ngự sử thay mặt Hoàng đế đi tuần các địa phương, gọi là Tuần án Ngự sử (巡按御史), tục gọi là Bát phủ tuần án (八府巡按).

Triệu Bạch Ngư để lộ lo lắng: "Trước đây hạ quan cũng chỉ là thất phẩm, tuy nói có quản chuyện ngục tụng ba năm, nhưng bàn về kinh nghiệm thì lại không theo kịp các đại thần trong triều, làm sao bệ hạ có thể quyết định chọn ta làm Khâm sai đi Hoài Nam được chứ? Ta, ta bước ra khỏi Nha môn một cái quan nào ở phủ Kinh Đô cũng chẳng nhận ra nổi, đến Hoài Nam là càng mù tịt, hỏi ta phải tra làm sao đây? Nếu như ta phụ lòng thánh quyến bệ hạ, bản thân sẽ phải chịu đòn nhận tội —— cũng biết ngài đi theo bệ hạ nhiều năm, có thể tiết lộ cho hạ quan biết một chút không, vì sao bệ hạ lại chọn trúng ta đến Hoài Nam tra vụ án của Đặng Vấn An?"

Đại thái giám: "Tiểu Triệu đại nhân xem nhẹ mình rồi, ngài dám đến ngự tiền cứu ân sư là cao nghĩa, gan dạ không thua gì vạn phu làm quan. Tám mươi bảy người phạm cấm đêm ngài vẫn luôn bảo vệ, khăng khăng phải tra án rồi mới dùng hình, là việc mình phải tự làm, cũng là yêu dân như con, cả Kinh Đô này không tìm ra đưuọc quan tốt nào nghiêm túc và có trách nhiệm hơn ngài! Về phần năng lực, tiểu Triệu đại nhân quá khiêm tốn rồi, sáng nay lâm triều Trần đại nhân ân sư của ngài còn khen ngài có tài Trạng nguyên, ông ấy đã vỗ ngực khen ngài trong lòng có ngàn khe suối*, không những thế còn có tác phong quân tử ngay thẳng công bằng!"

(*) Nguyên văn - 胸有千壑 (Hung hữu thiên hách): theo mình tìm hiểu thì có một câu gần giống nghĩa là "Hung hữu khâu hác" – 胸有丘壑 trong lòng đã có đồi cao lũng sâu; khi vẽ tranh, làm văn, trong lòng đã có hình ảnh, ý tưởng cao thâm; giống như đối với sự việc đã có nhận định, giải quyết.

Lão vỗ vỗ cánh tay Triệu Bạch Ngư, ý cười thâm sâu: "Bệ hạ không phải là người tai mắt không nhạy, ai tầm thường, ai có thể trọng dụng, trong lòng bệ hạ rõ như gương sáng. Trước đây không có cơ hội, trước mắt gặp được rồi còn chẳng phải đã trọng dụng ngài đó sao? Đây chính là thời cơ vô cùng tốt để ngài thể hiện năng lực của mình cho bệ hạ xem đấy!"

"Tiểu Triệu đại nhân, phải biết quý trọng nhé."

Triệu Bạch Ngư treo nụ cười nhạt nhòa trên môi, vừa quay đầu nhìn Hoắc Kinh Đường bất động không muốn đi theo tiễn khách, vừa nhét vào trong tay Đại thái giám hai đĩnh bạc lớn rồi đưa người đến tận cửa: "Nhờ ngài chỉ điểm, đây là chút lòng thành, mong ngài nhận cho."

"Tiểu Triệu đại nhân khách sáo quá." Đại thái giám áng chừng trọng lượng đĩnh vàng, vui vẻ bảo ban thêm đôi câu: "Thật ra thì trong điểm không phải ở án oan này, mà chính là tất cả các quan lớn nhỏ ở Hoài Nam."

Tim Triệu Bạch Ngư chùn xuống: "Là thế nào?"

Đại thái giám ngó bốn phía vắng lặng rồi mới hạ thấp giọng nhắc nhở: "Trước đó Giám sát ngự sử Chương Tòng Lộ bị thiêu chết ở dịch trạm Từ Châu là do về quê thăm người thân, thuận tiện phụng mệnh điều tra phẩm hạnh của An phủ sứ Hoài Nam - An Hoài Đức, kết cục lại chôn xương nơi đất khách."

Triệu Bạch Ngư không kìm được hỏi ngược lại: "Dây dưa lắm mối như vậy, bệ hạ yên tâm giao cho ta ư?"

"Điều này chứng tỏ bệ hạ hết sức coi trọng ngươi, tiểu Triệu đại nhân!" Đại thái giám tận tình khuyên bảo, bày ra vẻ mặt sao ngươi còn chưa thông suốt thế, "Được rồi, tiểu Triệu đại nhân dừng bước đi thôi."

Đưa Đại thái giám đi rồi, Triệu Bạch Ngư mới quay về đại sảnh, thấy Hoắc Kinh Đường đang cầm cây kéo nhỏ tỉa tót chậu cây la hán. Triệu Bạch Ngư đứng bên cạnh xem, sắc mặt dần trở nên kỳ lạ, giương mắt nhìn cây cột nhà khắc mười tám vị La Hán, sau đó nhìn mấy phiến đá lộ ra dưới gốc cây la hán đang được cắt tỉa.

Trước đây cứ tưởng chỉ là đá bình thường, lúc này nhìn mới thấy rõ đó chính là mười tám tượng La Hán lớn chừng bàn tay.

"Hoắc Kinh Đường, ta hỏi ngươi một chuyện, ngươi phải thành thật trả lời ta, không được lừa ta."

Hoắc Kinh Đường nheo mắt nhìn y một cái rồi lại chậm rãi rũ mắt xuống: "Hỏi đi."

Trên cổ tay hắn đeo chuỗi tràng hạt gỗ đàn màu tím, bối vân* treo bảo thạch màu lam trĩu xuống đong đưa khiến Triệu Bạch Ngư đau mắt, chợt nhớ lại tối hôm qua Hoắc Kinh Đường còn dùng nó để tăng thêm hứng thú chuyện giường chiếu.

(*) Bối vân: là cái phần đá kèm dây tua rua móc thêm vào vòng hạt.



"Ngươi có nghĩ đến việc xuất gia tu hành không?"

Hoắc Kinh Đường lẳng lặng nhìn Triệu Bạch Ngư một hồi, nghiêng đầu không nói lời nào, tay vẫn tiếp tục tỉa cây.

Ánh mắt của hắn tịch mịch sâu thẳm, chúng đáp xuống cánh môi, sau tai, gáy và vài chỗ không thể miêu tả được trên cơ thể Triệu Bạch Ngư một cách lặng lẽ.

Nhưng ngay lúc này, Triệu Bạch Ngư vẫn đang tích cực hỏi: "Ý ta là đã từng, trước đây có phải ngươi từng muốn trở thành hòa thượng hay không?"

Nếu không thì y rất khó để mà giải thích lý do bộ sưu tập của Hoắc Kinh Đường tại sao không phải là La Hán thì chính là Bồ Tát, Diệp Công thích rồng* dù gì cũng đã từng có lòng hướng tới, không lý nào Hoắc Kinh Đường lại không có ý muốn đến cướp chén cơm của cao tăng ở Bảo Hoa tự được.

(*) Diệp Công hiếu long - 叶公好龙: Lấy từ điển tích Diệp Công thích rồng, đồ vật trong nhà đều khắc, vẽ hình rồng. Rồng thật biết được bèn đến thò đầu vào cửa sổ. Diệp Công nhìn thấy sợ hãi vắt giò lên cổ bỏ chạy. Ví với trên danh nghĩa thì yêu thích nhưng thực tế lại không như vậy.

"Không có." Hoắc Kinh Đường đặt cây kéo nhỏ xuống, xoay người nằm xuống ghế nằm bên cạnh, mười ngón tay đan lại đặt trên bụng, thoáng chớp mi rũ mắt nói: "Lệ khí của ta nặng, không đủ thành tâm kính Phật."

Lệ khí nặng ư?

Triệu Bạch Ngư hoài nghi, năm xưa không qua lại, y từng nghe không biết là bao nhiêu câu chuyện, tin vịt được mọi người truyền đi rằng nhân vật Lâm An quận vương này hung ác thế nào, sau khi gả vào phủ rồi mới phát hiện hắn thường xuyên ở thư phòng hậu viện, thỉnh thoảng ra ngoại ô mấy ngày, cuộc sống có quy luật, không có chiếu chỉ nhất quyết không đụng vào công vụ, hoàn toàn mang dáng vẻ mẫu mực của một kẻ giàu sang nhàn nhã.

So với những người bên ngoài tự cho rằng mình là người lương thiện hay vài kẻ chính nhân quân tử thì quả thật vẫn còn ôn hòa chán.

Vậy mà hắn còn nói mình không có lòng thành, sở thích nếu không phải chơi vòng phật thì cũng là khắc Bồ Tát, đọc kinh Kim Cương, từ chú vãng sanh đến chuyện đời được lưu truyền đều thuộc nằm lòng lại bảo mình không đủ thành tâm kính Phật, giống hệt như một tên giả vờ học kém thức trắng đêm ôn tập trước kì thi rồi lại bảo mình chẳng học gì vậy.

Hoắc Kinh Đường vươn tay ngoắc Triệu Bạch Ngư đến.

Bàn tay vừa đặt lên, Triệu Bạch Ngư đã bị hắn kéo xuống cùng nằm lên ghế dựa, tìm một tư thế thoải mái để ngủ cho ngon, y lại nghe Hoắc Kinh Đường nói: "Sát nghiệt của ta nặng, sợ vạ lây người thân bạn bè, lễ Phật chỉ dám cố gắng tận tâm hết mức, hy vọng có thể hóa giải được đôi chút, tránh bị báo ứng. Kính Phật chú trọng không ham không cầu, cần phải xuất phát từ nội tâm. Còn ta thì không, ta có dục vọng, cũng có sở cầu."

Giọng nói của Hoắc Kinh Đường nhẹ bẫng, rõ ràng không xen lẫn bất kì ưu tư nào, thế nhưng Triệu Bạch Ngư nghe mà lòng rất xót xa, y nhớ mình có từng nghe kể chuyện hắn khắc chết mẹ ruột giết hại anh em, thanh danh không được cha ruột công nhận, cũng nhớ hắn xuất chinh năm mười hai tuổi, mũi đao nhuộm máu, da ngựa bọc thây, mười một năm sống cuộc sống quân đội, ở Tây Bắc nhà nhà lập bia trường sinh của hắn, Hoắc Kinh Đường đã được vạn người kính yêu.

Vốn là vị tướng trẻ hăng hái, nhưng ngay tại thời điểm có thể đắc ý nở mặt lại bị trúng cổ độc, buộc phải trao trả lại binh quyền, co đầu rụt cổ ở một vùng ven kinh thành rồi tự mình chịu đựng nỗi đau do cổ độc hành hạ cùng với những lời bịa đặt vô căn cứ, cảm thụ khi ấy không thể nào giãi bày được hết chỉ trong đôi ba câu.

Từ một tướng quân trẻ tuổi vạn người tôn sùng, đến lúc phải chấp nhận kết cục của số phận nhuốm màu tà dương nơi núi Tây, y cũng chẳng biết năm đó Hoắc Kinh Đường đã dùng cách gì để thích ứng với sự sa sút này, để rồi mài dũa dáng vẻ của bản thân thành mũi nhọn ngày hôm nay.

Triệu Bạch Ngư túm chặt cánh tay Hoắc Kinh Đường, gò má nhẹ nhàng cọ lên cằm hắn. Râu trên cằm chi chít xử lí chưa sạch sẽ, cọ xát khiến gò má Triệu Bạch Ngư nhanh chóng đỏ ửng lên một mảng.

Đôi mắt lưu ly của Hoắc Kinh Đường híp lại, dùng ngón trỏ xoa lên má Triệu Bạch Ngư hỏi: "Ngươi thắc mắc vì sao thái độ của ta đối với Thánh thượng lúc thì cung kính, lúc lại hời hợt đúng không?"

"Ừ." Triệu Bạch Ngư suy nghĩ một chút, đáp: "Lúc nói chuyện công thì ngươi rất kính cẩn. Nhưng nhắc đến chuyện riêng là lại có hơi lạnh nhạt."

Mà Nguyên Thú đế thì ngược lại. Mặc dù có đôi lúc đế vương cũng sẽ quan tâm đến chuyện riêng của bề tôi để bày tỏ vua tôi tương nghi, nhưng sự quan tâm mà ông ấy dành cho Hoắc Kinh Đường không được bình thường lắm, lúc ở gần hắn cũng có hơi mất tự nhiên.

Như cảnh vua tôi chung sống mà Triệu Bạch Ngư nhìn thấy trước mắt, có thể cảm giác được sức nặng của Hoắc Kinh Đường trong lòng Nguyên Thú đế rất lớn, giống như trưởng bối vẫn luôn nghĩ sâu nghĩ xa...

Hoặc phải nói là giống như cha mẹ.

Ví dụ như lệnh cho Hoắc Kinh Đường đảm nhiệm chức Đại lý tự khanh giải quyết án gian lận thi cử, để hắn được một lần giành lấy chút tiếng tăm giữa môn sinh của Thiên tử và đám văn nhân sĩ tử, sau đó bảo vệ hắn tránh khỏi bị cuốn vào đại ngục.

Nhưng lợi dụng hôn sự của Hoắc Kinh Đường để thăm dò Triệu Bá Ung và triều thần, trơ mắt nhìn hắn cưới nam thê, đi đường ngang ngõ tắt trong mắt thế nhân thì lại chẳng nhìn ra được phần yêu mến thành khẩn nào.

Càng không nhắc đến thân phận bất tiện của Hoắc Kinh Đường, hắn là con trai trưởng của Tĩnh vương - người mà Nguyên Thú đế cực kì căm ghét, dù được ủy thác toàn bộ sự tin tưởng, ấy vậy mà binh quyền nhung mã nửa đời của hắn nói lấy đi là lấy đi ngay, không lưu lại chút tình cảm gì cả.

Tóm lại, đối với việc của Hoắc Kinh Đường, Nguyên Thú đế lúc nào cũng hành xử mâu thuẫn khiến người ta khó mà hiểu được.

"Cha và bệ hạ đấu tranh nửa đời cuối cùng cũng suy sụp, chức vụ, thế lực đều bị diệt trừ gần hết mà bệ hạ vẫn kiêng kị. Để xóa bỏ hoài nghi của bệ hạ, cha đưa ta vào hoàng cung làm con tin khi chỉ mới hai, ba tuổi. Từ ba tuổi đến chín tuổi, ta lớn lên trong cung, coi bệ hạ như cha. Năm mười tuổi bị trả về Tĩnh vương phủ, xảy ra cãi vả với huynh đệ trong phủ, có một ngày hắn không cẩn thận ngã chết, người hầu sợ bị đánh chết nên thừa nhận là ta giết huynh đệ của mình."

Thịch! Trái tim Triệu Bạch Ngư như bị bóp nghẹn lại, hai tay lần mò chạm lên mặt Hoắc Kinh Đường, lặng lẽ xoa một cái.

"Ta hy vọng bệ hạ có thể đón ta về cung, nhưng ông ta không thèm quan tâm. Hậu trạch vừa xấu xa lại phức tạp, ta chịu khổ không ít, hai năm sau dứt khoát theo ngoại công và các cữu cữu đi Tây Bắc, trong thời gian này có bị điều đến Định Châu hai năm. Sau khi tiếng tăm lẫy lừng, bệ hạ có ý bồi dưỡng nên để ta trú đóng Tây Bắc. Mấy năm trước trúng cổ độc, lại bỏ qua tin tức của huyết phách ngàn năm, thái y quả quyết rằng ta không sống được bao lâu nữa, vậy nên ta trả lại binh quyền, bệ hạ cũng không nói gì nhưng thật ra là đã muốn vứt bỏ ta lần nữa rồi."

Triệu Bạch Ngư cảm động lây một cách khó hiểu, Hoắc Kinh Đường cũng không được cha ruột yêu thương giống như y, tuy đã có Nguyên Thú đế bù đắp vào vị trí phụ thân nhưng rồi cũng thu hồi, lấy được rồi lại mất đi, không thể nói được tình huống nào bi thảm hơn như thế nữa.

"Trước đây một mình ta quá cô đơn, luôn muốn thiết lập ràng buộc với một người nào đó, để cho tâm hồn ta có một nơi để tựa vào."

Một thân một mình ở bên ngoài, xa hơn nữa là ra nước ngoài đã cảm giác được nỗi cô đơn quạnh quẽ vô tận rồi, mà y quay về tận cả trăm ngàn năm trước, thậm chí không phải là một triều đại lịch sử mà y quen thuộc, sự thống khổ mà cảm giác linh hồn phiêu bạt không chốn an thân đó mang đến thường xuyên hành hạ Triệu Bạch Ngư, người vẫn chưa thể nào dung nhập vào thời đại.

"Ta hầu hạ song thân, yêu mến huynh đệ, tự cho rằng đó là hiếu thuận nhưng bọn họ lại mắng là ta làm bộ làm tịch. Ta muốn thân mật, muốn khiêm nhường thì nói ta hai mặt, có mục đích khác, vậy nên bây giờ ta không cần bọn họ nữa." Triệu Bạch Ngư nhắm hai mắt, áp gò má của mình vào má Hoắc Kinh Đường: "Hoắc Kinh Đường, ngươi từng nói với ta nếu cần, ta có thể xem ngươi là cha ta, là huynh trưởng, ta cũng muốn nói bắt đầu từ bây giờ, ngươi có thể tin tưởng ta sẽ không chủ động rời bỏ ngươi."

Bởi vì Hoắc Kinh Đường đã dành cho y khao khát cả đời này, trói buộc linh hồn kia bên cạnh mãi rồi.

Hoắc Kinh Đường vén lọn tóc mai của Triệu Bạch Ngư móc vào bên tai, mắt Bồ Tát màu lưu ly trong veo khép mở phản chiếu khuôn mặt y, dịu dàng, yêu thương, từ bi ngập tràn.

Quản gia dừng chân đứng sát tường, vốn định đến báo cáo, vừa nghe thấy Hoắc Kinh Đường nhắc đến bệ hạ, trong lòng rơi lộp độp một chút.

Càng nghe càng không nói nổi, Hải thúc không nhịn được trợn trắng mắt, lòng dâng lên nỗi thương xót cho Triệu Bạch Ngư bị lừa gạt.

À đúng vậy, bệ hạ đúng là đã nhẫn tâm đưa tiểu quân vương chín tuổi đi, nhưng Hoắc Kinh Đường có dám nói rằng lúc ấy hắn giơ đao kêu đánh kêu giết với bệ hạ, còn mẹ nó đòi chơi cái trò cát bào đoạn nghĩa* gì đấy nữa hay không!

(*) Nguyên văn 割袍断义 – Cát bào đoạn nghĩa: Quản Ninh và Hoa Hâm cùng cuốc đất trồng rau trong vườn, họ trông thấy dưới đất có một miếng vàng. Quản Ninh vung cuốc không ngừng, xem đó như gạch đá không khác. Hoa Hâm nhặt miếng vàng lên rồi sau mới quăng đi. Hai người thường ngồi chung chiếu đọc sách. Có một vị quan ngồi xe cao bốn bên có buông rèm đi ngang qua cửa. Quản Ninh vẫn cứ đọc sách như cũ, còn Hoa Hâm thì bỏ sách xuống chạy ra ngoài xem. Quản Ninh liền cắt chiếu chia chỗ ngồi, nói rằng: "Ông không phải là bạn của tôi." Về sau dùng "cát bào đoạn nghĩa" để hình dung việc tuyệt giao với bạn bè. (Phi Yến Nhược Lam)

Mặc dù có bị mưu hại ở Tĩnh vương phủ, nhưng cũng không lâu sau đó trong Kinh Đô truyền ra tin đồn trước kia Tĩnh vương ái thiếp diệt thê, năm đó đoạt đích* thất bại làm bẩn cái danh vị vương hiền đức, cuối cùng gần như bị tiêu diệt.

(*) Đích ở đây ý là con trưởng, dòng chính.

Tuy hung tàn làm bậy chỉ là lời bịa đặt, nhưng đánh giá hắn là hỗn thế ma vương thì không sai, từ tận trong xương tủy của tiểu quận vương không có bao nhiêu phần nhân từ.

Đó gọi là từ bất chưởng binh*, nhà nhà ở Tây Bắc lập bia trường sinh cho hắn, hắn có thể là chủ tử bị người ta ức hiếp hay sao?

(*) Từ bất chưởng binh -: Là một lời dạy của người xưa về thống binh, dùng lời của Tôn Tử để nói chính là: "Sâu nặng mà không thể sai, yêu thương mà không thể lệnh, hỗn loạn mà không thể trị, ví như kiêu tử, cũng không thể dùng. Có thể thấy, chưởng binh không phải là không được có lòng nhân ái, mà chính là không được quá nhân từ. Nếu như cần nghiêm mà không nghiêm, mềm lòng nương tay, nhân nhượng cả nể, ấy là quá bao dung, thậm chí "không thể sai", "không thể lệnh", "không thể trị", tất nhiên sẽ không thể chưởng binh được.

Có điều bệ hạ đúng là đã bỏ rơi tiểu quận vương hai lần, đặc biệt là khi thái y vừa mới chẩn đoán hắn không sống được bao lâu nữa, phía Giang Nam cũng truyền tin về báo huyết phách ngàn năm không rõ tung tích, bệ hạ đã ngay lập tức đưa Lục hoàng tử đi Định Châu nhập ngũ.

Tuy là lấy đại cục làm trọng, suy cho cùng vẫn khiến cho lòng người rét lạnh thôi.

"Khụ —— Ờm!"



Mới vừa ho nhẹ hai tiếng nhắc nhở, ánh mắt cảnh cáo của Hoắc Kinh Đường đã lập tức quét qua, Hải thúc nhanh chóng dừng lại nhưng bị sặc nước miếng, suýt chút nữa là không lấy hơi nổi.

"Khụ khụ khụ!"

Cơn ho bất ngờ đánh tan không khí thân mật của hai người trong phòng, Triệu Bạch Ngư vội vàng nhảy ra, đưa lưng về phía Hải thúc, cúi đầu chỉnh lại tóc tai quần áo cho thẳng thóm.

Hoắc Kinh Đường vô cảm, ngón trỏ vươn ra chỉ nước trên bàn bên cạnh: "Uống nước đi, đừng để bị sặc chết."

Hải thúc cúi đầu: "Lão đến hỏi tiểu Triệu đại nhân có chuẩn bị hành lý lên đường ngay bây giờ luôn không, còn có sổ cái khoản chi của quý này cần tiểu quận vương ngài xem qua."

Hoắc Kinh Đường: "Để đi."

Triệu Bạch Ngư không thích xưng hô quận vương phi, vậy nên người trong phủ đều gọi y là 'tiểu Triệu đại nhân'.

"Hỏi Nghiên Băng là được." Triệu Bạch Ngư sờ cổ đáp.

Hải thúc nói xong chuyện cần nói liền nhanh chóng lui ra, đến cửa còn không quên quay đầu hỏi: "Lão nô đóng cửa và cửa sổ lại hết nhé?"

Keng một tiếng, Hoắc Kinh Đường ném cái tách tới trúng cạnh cửa vỡ tan tành. Hải thúc nhanh chân bỏ chạy, người hầu tới dọn dẹp mảnh vụn, lau chùi xong cũng biết thân biết phận chạy cho mau.

Triệu Bạch Ngư vân vê mép tay áo, rúc hai tay vào trong rồi liếc nhìn Hoắc Kinh Đường nói: "Ít ngày nữa là lên đường đi Hoài Nam rồi, vụ án của Đặng Vấn An không khó, chỉ là đã dính vào quan trường Hoài Nam thì cần được giải quyết triệt để, còn nếu muốn bảo toàn chính mình thì có lẽ sẽ không dễ chút nào."

"Không chỉ bắt ngươi đi xử lý vụ án Đặng Vấn An thôi đúng không."

Triệu Bạch Ngư vô thức ngẩng đầu, đối mặt với ánh mắt đương nhiên của Hoắc Kinh Đường: "Ngươi đoán ra được sao?"

Hoắc Kinh Đường: "Giám sát ngự sử Chương Tòng Lộ bị thiêu chết ở Từ Châu, Hoài Nam, không lâu sau bệ hạ liền điều Trịnh Sở Chi đến nhậm chức Chuyển vận phó sứ, lệnh cho Tiêu Vấn Sách tạm thời giữ chức Thường bình sứ, dụng ý là để khiến cho bọn chúng lơ là, đồng thời để trấn an, nói đơn giản thì chính là hạn chế và cân bằng lại Hoài Nam."

Hắn bóc tách quan trường Hoài Nam, giải thích từng việc một, tất thảy mọi thứ đều mở ra trước mắt Triệu Bạch Ngư.

"Trịnh Sở Chi là người cần thận nhưng lại thù dai, lão sẽ không chủ động gây khó dễ nhưng sẽ cố tình khuấy nước đục, đoán chừng lão được đưa tới đó chỉ là để làm một kẻ vô lại làm loạn. Quan trường Hoài Nam sẽ đề phòng Trịnh Sở Chi, chỉ là không chú ý những nguy hiểm tiềm ẩn. Trước mắt đang có nạn lụt Hoàng Hà, Hoài Nam trở thành củ khoai nóng bỏng tay vô cùng khó giải quyết, ta đoán bệ hạ cũng khổ sở vì không có cách nào bóc trần Hoài Nam vốn luôn vững chắc. Vừa hay án oan Đặng Vấn An xuất hiện ngay lúc dầu sôi lửa bỏng, có thể nói là ông trời tương trợ, đưa chuôi đao vạch trần Hoài Nam vào trong tay bệ hạ, tất nhiên ông ta sẽ nhanh chóng nắm bắt thời cơ."

"Việc tiếp theo chính là chọn ra người cầm đao, gần đây ngươi biểu hiện rất tốt nên đã lọt vào trong mắt bệ hạ, rõ ràng ngươi là sự lựa chọn tốt nhất. An đô tri là tâm phúc của bệ hạ, thể nào cũng sẽ tìm cách nói cho ngươi biết sự việc Chương Tòng Lộ chết cháy, nhắc nhở rằng ngươi không chỉ phải tra án Đặng Vấn An, mà quan trọng hơn là phải tận diệt quan trường Hoài Nam."

"Ngươi đoán không sai, An đô tri quả thật có ám chỉ với ta."

"Có điều..."

"Có điều gì?" Triệu Bạch Ngư hỏi.

Hoắc Kinh Đường nghịch bối vân ngọc lam, nụ cười phảng phất trên môi, trong ánh mắt có chút chế giễu: "Có điều không ai cho rằng ngươi thật sự có thể trở thành một thanh đao tốt."

"Bản chất của ta và Trịnh Sở Chi không khác nhau là mấy, đều là cái bia bị đẩy tới phía trước để thu hút thuốc súng, Khâm sai có năng lực lật đổ quan trường Hoài Nam mà bệ hạ chân chính nhắm vào, thật ra là một người khác sao?"

Số lượng kinh quan đông đảo đến thế, Triệu Bạch Ngư không biết rõ lắm, không chừng có vô số thế lực môn đảng vẫn còn ẩn giấu, y cũng không hề hay biết, hiện giờ bắt y phân tích xem kinh quan nào trong triều là người mà bệ hạ nhắm vào, quả thật không tài nào đoán ra nổi.

Đợi chút, Hoắc Kinh Đường có nói quan trường Hoài Nam là đại bản doanh của đảng Thái tử, tiêu diệt Hoài Nam chẳng khác nào chém đứt cánh tay đắc lực của Thái tử ư?

Phong ba này sẽ thành tội gán lên người Thái tử, nhưng vì sao Nguyên Thú đế lại nhắm vào Thái tử?

Là vì bất mãn với Thái tử nên có ý định phế trữ, hay chỉ đơn thuần là chĩa mũi nhọn vào Tư Mã thị có ham muốn ngày càng lớn?

Nếu như là cái sau, chỉnh đốn quan trường Hoài Nam thì trữ quân sẽ mang tội, hoạn lộ đứt đoạn. Nếu như là cái trước, thì đã nói rõ trong lòng Nguyên Thú đế đã có một trữ quân khác.

Người đó mới là người mà Nguyên Thú đế gửi gắm niềm hi vọng!

Những hoàng tử còn lại, người vừa độ tuổi chỉ còn mỗi hai vị Lục, Thất hoàng tử, sau lưng Lục hoàng tử có phủ Trịnh Quốc công, mà người này cũng đã theo nhà ngoại đến Định Châu nhập ngũ, nghe nói danh tiếng không tệ, cũng là tướng quân trẻ hồng anh* lẫm liệt, kiếm như sao rơi.

(*) Hồng anh: Chùm tua rua đỏ ở đầu cây giáo.

"Là Lục hoàng tử sao?" Triệu Bạch Ngư dò hỏi.

Hoắc Kinh Đường ôm eo Triệu Bạch Ngư, vùi mặt vào bụng y nhắm mắt đáp: "Đại Cảnh dựng nước bằng việc đoạt quyền trên lưng ngựa, vì vậy con em hoàng thất đều phải song toàn cưỡi ngựa bắn cung, Tĩnh vương... Bệ hạ và cha ta năm đó đều là tiểu tướng dưới quyền ngoại công, vì bị thương nên bệ hạ đã giải ngũ, còn cha ta là người dũng mãnh thiện chiến, danh tiếng lấn át bệ hạ, hơn nửa quan viên trong triều đều nghiêng về phía cha ta, đến cả Nguyên Phong đế cũng có ý định phế trữ, muốn đổi cha ta làm trữ quân tân nhiệm, tuy nhiên ngoại công và Triệu tế chấp thì lại kiên quyết ủng hộ bệ hạ —— "

Yên lặng hồi lâu, Hoắc Kinh Đường mới nói tiếp: "Cũng không thể nói rằng đây là lệ tổ, chẳng qua các quân vương Đại Cảnh đều từng tòng quân, nhưng đến phiên bệ hạ thì suýt nữa bị huynh đệ cùng tham gia quân ngũ cướp mất vị trí trữ quân, vậy nên sau khi lên ngôi, có một khoảng thời gian ông ta rất ghét những đứa trẻ hoàng thất nào nhập ngũ, về sau từ Thái tử, Tần vương đến các hoàng tử khác tuy có luyện tập cưỡi ngựa bắn cung, nhưng không ai tự đến doanh trại rèn luyện nữa."

"Năm Lục hoàng tử mười lăm tuổi đã tự cầu bệ hạ cho phép hắn đến doanh trại Định Châu, ban đầu bệ hạ rất giận nhưng cuối cùng vẫn đồng ý." Hoắc Kinh Đường cười nhạt: "Người ngoài đều cho rằng Lục hoàng tử chủ động buông bỏ ngôi vị Hoàng đế để lót đường cho huynh trưởng Tần vương của mình, Nào ngờ trong lòng bệ hạ vẫn lấy việc đoạt thiên hạ trên lưng ngựa làm vinh như tổ tiên năm xưa."

Lòng Triệu Bạch Ngư hơi hoảng, cảm giác Hoắc Kinh Đường đã tiết lộ quá nhiều bí mật không thích hợp để y biết được.

"Mấy chục năm trước, trong tay bệ hạ không có binh quyền nên chỉ đành nhượng bộ khắp nơi, nâng đỡ quan văn trên triều đình, hạn chế quyền lực của võ tướng, tự tay vực dậy phủ Trịnh quốc công cùng quân Ký Châu để chống lại quân Tây Bắc, nhưng dưới mắt lại đề phòng phủ Trịnh quốc công, lệnh cho Lục hoàng tử đến Định Châu bồi dưỡng một thế lực quân đội thuộc về mình. Trong tay đã có binh quyền còn sợ không trụ vững hay sao?"

"Thế nhưng ngươi đã giao lại binh quyền Tây Bắc rồi cơ mà?"

"Quân Tây Bắc chia làm bốn khu, ta giữ một khu nay đã giao trả cho bệ hạ. Một khu ở chỗ ngoại công trước nay đều nghe theo lệnh bệ hạ. Một khu nằm trong tay Ngạc Khắc Thiện, một khu còn lại vẫn đang do cha nắm giữ, bọn họ đề phòng lẫn nhau nhưng lòng người khác nhau. Nếu không thì quân Tây Bắc thần dũng thiện chiến làm sao có thể bị Đại Hạ và Nam Cương kiềm hãm đến nay?"

Tim Triệu Bạch Ngư đập loạn, đầu óc không kiểm soát được liên tưởng đến quá nhiều việc.

Ý của Hoắc Kinh Đường rất rõ ràng, trữ quân mà m lòng Nguyên Thú đế đã lựa chọn chính à Lục hoàng tử, tạm thời không bàn đến kết cục sau cùng trong nguyên tác người chiến thắng là Thái tử, từ những ý nghĩ đứt đoạn này có thể đưa ra được suy luận, Hoắc Kinh Đường tòng quân năm mười hai tuổi, đầu tiên là đến quân Ký Châu ở Định Châu, sau đó là vào quân Tây Bắc, Nguyên Thú đế đều giống trống khua chiêng ủng hộ.

Hơn nữa, tuy hiện tại hắn không đảm nhiệm bất kì chức vụ nào, nhưng hắn rất rõ ràng sự phân bố của các đảng phái triều đình, cực kì quen thuộc với lối suy luận của giới quan lại cùng với việc định ra cân bằng triều đình, mánh khoé chính trị cũng giống như là đã thấm nhuần quan trường nhiều năm, lòng dạ lẫn cách xử sự đều nằm trên đường ngay sáng sủa, đa mưu túc trí, nhất định không phải chí hướng của một thần tử.

Liên hệ với những gì đã nói trước đó, sau khi bị Nguyên Thú đế từ bỏ, việc Hoắc Kinh Đường trúng cổ độc giao lại binh quyền và việc Lục hoàng tử nhập ngũ dường như xảy ra một trước một sau, thật sự khiến người ta phải suy nghĩ nhiều.

Triệu Bạch Ngư cũng ôm lại Hoắc Kinh Đường, vỗ về sau lưng hắn, vẻ mặt như có điều suy nghĩ: "Ta nên làm như bệ hạ mong muốn, chủ động lội vào vũng nước đục, hay là giả vờ ngốc nghếch bo bo giữ mình đây?"

Hoắc Kinh Đường kéo tay Triệu Bạch Ngư, hôn lên đầu ngón tay mang mùi thơm của mực: "Cứ làm chuyện ngươi muốn làm thôi."

***

Phủ Thái tử.



"Thân phái Phủ dụ sứ, còn ban thượng phương bảo kiếm đến Hoài Nam xử lý án oan?" Ngũ hoàng tử uống sạch nước trà, lòng đầy hoài nghi: "Không phải chỉ là một án oan thôi à? Chỉ cần trả về huyện Giang Dương phúc thẩm là được rồi mà! Chẳng lẽ phụ hoàng còn sợ quan lại bên quan, muốn truy cứu toàn bộ quan trường Hoài Nam hay sao?"

"Chỉ sợ là có dụng ý khác! Cô đã sớm đoán được chuyện Chương Tòng Lộ chết cháy không thể dễ dàng bị bỏ qua như vậy rồi, chẳng qua là vì có lũ lụt Hoàng Hà lẫn công tác cứu giúp dân bị nạn cản trở trước mặt, An Hoài Đức mới có thời gian xử lí đầu đuôi trước sau, nào ngờ có một vụ án tự nhiên đâm ngang, chẳng lẽ là ý trời thật?"

"Ý trời chó má! Thân thế Nhị ca là rồng quý chân chính, đừng nói là giết một tên Giám sát ngự sử, dù có nửa đường chặn giết Khâm sai thì cũng chẳng ai dám nói gì!" Ngũ hoàng tử tàn nhẫn nói: "Nếu Khâm sai thật sự là đến tra chuyện Chương Tòng Lộ, chi bằng chúng ta gửi mật lệnh cho An Từ Đức nửa đường khiến cho hắn —— "

"Đệ muốn chết nhanh hơn hay sao?" Thái tử khoát tay, nhàn nhã uống trà: "Đừng nóng nảy, Khâm sai có đến Hoài Nam cũng không chắc sẽ tra ra được gì, tất cả chứng cứ đều đã bị thiêu cháy thành tro theo Chương Tòng Lộ rồi. Cứ để cho Khâm sai đi, đi bình an, về bình an, để chính miệng hắn nói rằng quan trường Hoài Nam sạch sẽ, lòng cương thần kính nể có thừa, người đó thay chúng ta làm trăm ngàn chuyện tốt càng có thể dễ dàng xóa bỏ nghi ngờ của phụ hoàng."

Ngũ hoàng tử ngẫm nghĩ một chút, cảm thấy Thái tử nói có lý: "Vậy chúng ta có cần phái người đi trước không?"

"Không cần vẽ rắn thêm chân. Chỉ cần viết một bức thư kín, dặn An Hoài Đức và Tư Mã Kiêu chú ý chút là được, còn Tiêu Vấn Sách nữa, bảo hắn mau chóng xử lý vụ Đặng Vấn An cho xong, đừng để cho Khâm sai kéo theo bọn An Hoài Đức vào."

"Vâng." Ngũ hoàng tử chợt nhớ đến điều gì đó, lên tiếng hỏi: "Ai được phái làm Khâm sai vậy?"

"Triệu Bạch Ngư."

"Lại là y?!" Ngũ hoàng tử phản ứng mạnh mẽ, mặt mày nhăn nhó: "Ta và y trái ngược nhau, xung khắc! Y kì lạ —— Nhị ca, huynh cũng thấy rồi, Triệu Bạch Ngư không bình thường, chúng ta căn bản không đoán ra được mưu kế của y."

"Thôi, người bớt kích động đi! Cũng do ngươi xem thường người khác trước, tự đặt mình vào thế yếu mới có thể ra tay thất bại, hơn nữa ngươi ta ở Kinh Đô này lúc nào nơi đâu cũng phải cẩn thận để tránh bước sai đường, không được so đo với Triệu Bạch Ngư. Chờ y đến Hoài Nam rồi, những quan lớn nhỏ ở đó đều là chúa đất, đã đến đó rồi còn chưa chắc ai mới là người bị chỉnh chết trước."

"Đúng vậy, đúng vậy." Đầu óc Ngũ hoàng tử bắt đầu chạy tới chạy lui, vỗ tay phụ họa: "Người dưới đáy quen thói a dua, qua loa tắc trách trì hoãn công việc, thủ đoạn chấn chỉnh khiến người ta ngậm đắng nuốt cay nhiều vô số kể."

Có như vậy, Ngũ hoàng tử mới yên tâm phần nào, thần kinh không còn căng thẳng lo lắng vì Hoài Nam bị đem ra làm bia đối phó nữa.

***

Triệu phủ.

Trong thư phòng, Triệu Bá Ung đang xem đề án mở cửa chợ đêm đang được tiến hành gần đây, thấy những chính sách hữu hiệu đâu ra đó thì không nhịn được vỗ bàn khen ngợi, đến nỗi Tạ thị đi vào cũng không phát hiện ra.

"Tốt!"

Tạ thị sợ hết hồn quở mắng lão: "Nhìn cái gì? Làm ta giật mình đấy."

Triệu Bá Ung buông bút đang phê đề án, nói với Tạ thị: "Là đề án mở cửa chợ đêm, từ luật pháp đến trị án bảo vệ, an toàn hỏa hoạn lẫn quân phòng các thứ đều nói rất kĩ càng, suy nghĩ tỉ mỉ, thủ đoạn lão luyện, chủ bút Mộ Quy tiên sinh này đúng là người đại tài."

Tạ thi: "Mộ Quy tiên sinh là người phương nào?"

Triệu Bá Ung: "Một ẩn sĩ có tài thừa tướng." Ông xúc động sâu sắc, trong mắt tràn đầy tán thưởng: "Nhân tài như thế đáng tiếc không muốn vào triều làm quan, nếu không nhất định có thể đem lại hạnh phúc cho trăm họ, ổn định được từng tấc đất."

Triệu Bá Ung còn trẻ tuổi đã thành danh, tự xưng là thông minh ngạo mạn, Tạ thị hiếm khi thấy ông khen ngợi một người như vậy, vậy thì Mộ Quy tiên sinh kia nhất định là rất xuất sắc.

"Uống chén canh ngọt đã, nói với ông chuyện này, Tứ lang muốn đi Hoài Nam nên cứ đến cầu xin tôi, tôi không chịu nổi thằng bé cứ ra vẻ nũng nịu nên đành đồng ý, nhưng tôi vẫn bảo Tam lang đi theo nó, còn đang chuẩn bị viết thư thông báo cho nhà mẹ ở Dương Châu, dặn bọn họ chăm sóc Tứ lang cho kĩ."

Triệu Bá Ung cau mày, không có vẻ gì là đồng ý: "Đường đi vất vả dễ tổn hại thân thể. Huống chi Hoài Nam đang gặp nạn lũ, phần lớn dân chạy nạn đều vào Dương Châu, nhỡ bị thương thì làm sao?"

Ta thị: "Tôi cũng nói với Tứ lang như vậy, nhưng nó cứ khăng khăng muốn đi giúp cứu nạn, muốn chăm sóc cho dân bị tạn. Chí hướng của nó là vào triều làm quan, lại ngại vì người yếu không thể không buông bỏ khoa thi, cảm thấy mình không làm nên trò trống gì, gần đây tâm trạng cũng kém, tôi muốn để nó đi Dương Châu quan sát mấy người bị nạn thử, sẵn đi thể nghiệm dân tình, xem coi nó nghĩ về việc làm quan thế nào."

Triệu Bá Ung vẫn còn cau mày.

Tạ thị cầm tay chồng mình, giọng ôn tồn lời nhỏ nhẹ: "Sang năm là Tứ lang đã tròn hai mươi rồi, tôi muốn cho nó tham gia khoa cử."

Môi Triệu Bá Ung giật giật, muốn nói con trai nhỏ nhà mình người yếu nhiều bệnh chỉ sợ là không gánh nổi áp lực, nhưng quả thực mấy năm nay thân thể đã khỏe lên rất nhiều, hơn nữa các huynh đệ trong nhà đều vào triều làm quan, ai cũng có tiền đồ, nếu như hắn có chí hướng cao xa thì cũng không nên bó buộc nữa.

Con trai của Triệu Bá Ung, có mong muốn nào mà không thể đạt được?

"Được rồi."

Cuối cùng Triệu Bá Ung cũng gật đầu.

===

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK