Đang khi khắp chốn đã như có loạn, thì Phùng Kình đứng ra “kế thừa” ý chí của Trương Cổ.
Ngồi trên nền tuyết trắng mênh mông, dưới bầu trời xanh lam, anh bắt đầu bình tĩnh suy nghĩ cho mạch lạc, phán đoán của anh không giống bất cứ ai:
Thằng bé Xoa là một bệnh nhân Down[12] đặc biệt, khác hẳn với chồng của Liên Loại, hình hài diện mạo của nó vĩnh viễn dừng lại ở trạng thái con nít nhưng bộ não thì vẫn phát triển bình thường, coi như trưởng thành.
[12]. Còn có danh từ “thù nho” = người lùn dị dạng, được vua chúa thời cổ nuôi làm “hề” ở cung đình, mua vui.
Nó hiểu rõ nhân tình thế thái nhưng đôi mắt nó vẫn trong sáng thơ ngây như một đứa trẻ con.
Nó cũng biết niềm vui trai gái với nhau, có cũng có dục vọng chín muồi như ai, nhưng của quý của nó lại bé tẹo quắt queo như của con nít.
Nó ghen tị với những người đàn ông “tráng dương” hăm hở và những phụ nữ xinh đẹp; nó quyến luyến tình mẹ nhưng lại thù hận bà mẹ; nó hằn học với những đứa trẻ hạnh phúc, hằn học với những đứa trẻ bình thường nhưng tranh giành tình yêu thương với nó.
Nó không muốn bộc lộ sự thật về mình với người đời, nó sợ phải gánh chịu trách nhiệm.
Nó sợ bị người ta coi nó như đồ quái vật và bỡn cợt nó cho vui. Nó sợ bị thế giới này kỳ thị và lợi dụng.
Nó ẩn náu trong thế giới trẻ con để hưởng thụ sự thương yêu cưng chiều.
Bởi lẽ ngoại hình và nội tâm luôn xung đột trong thời gian dài, nó trở nên quái dị cùng cực. Nó hẹp hòi nhỏ nhen, thâm hiểm độc ác, ham muốn giết chóc. Nó cực kỳ đáng sợ.
Sau khi bị bà mẹ “phanh phui bí mật”, nó bèn lừa một đứa cùng sinh một bọc với nó, bắt thằng bé ấy thế thân, chết thay nó…
Toàn thể dân chúng thị trấn nhỏ này kinh hoàng chờ đợi tai nạn giáng xuống đầu mình.
Phùng Kình tập hợp mọi người lại.
Anh đứng ở chỗ hơi cao, cầm chiếc loa điện giơ lên nói. Gió lạnh lồng lộng ngập tràn, khiến âm thanh của anh truyền đi rất xa. Anh kêu gọi mọi người hãy đoàn kết lại phản kích kẻ ác.
Có một số người không dám làm, họ sợ lại gặp kết cục như Trương Cổ. Đa số mọi người sẵn sàng hưởng ứng, họ nghĩ rằng: nếu cứ chấp nhận từng người từng người bỏ mạng thì rồi cũng sẽ đến lượt mình.
Cuối cùng đã có phương án thực thi: Phùng Kình chỉ huy hệ thống bố trí phòng bao vây thị trấn, cứ cách một quãng lại lập một trạm gác. Ngoài ra, anh bố trí một số người đi lục soát từng nhà từng hộ, xới tung cả thị trấn lên cũng được.
Nhưng vẫn không thấy bóng thằng bé đâu.
Trời tối dần, mọi người tham gia hành động đều sợ hãi, họ bỗng như lạc hết hồn vía, rồi cùng nhìn Phùng Kình.
Phùng Kình cũng hơi hoảng. Thực ra thằng nhãi ấy là thứ gì? Nó có tồn tại thật không? Hay là bà già đồng nát kia nói dối? Hay là, Trương Cổ khi còn sống đã hóa điên rồi?
Lúc này Phùng Kình bỗng nhớ đến căn nhà biệt lập trơ trọi ở ngoại vi phía tây thị trấn – căn nhà ấy ở khá xa, chỉ có nó nằm ngoài vòng vây hiện giờ.
Anh đi một mình.
Bước vào cửa, anh rất kinh ngạc: căn nhà âm u, khắp nơi là tóc rối. Bà già im ắng nằm trên giường. Con dao mổ lợn đặt bên cạnh bà ta, đo đỏ. “Người tiếp theo” chính là bà ta!
Bụng bị mổ nhưng đã được khâu vào. Cái bụng rất to, như bụng phụ nữ mang bầu. Các vết máu trên bụng đã khô cứng, trông rất kinh.
Cái quần thủng đít mà thằng bé đã mặc, được gấp lại ngay ngắn và đặt ở một bên.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thằng bé đã ở trong bụng bà già.
Vậy là, cuối cùng, nó đã giết mẹ nó.
Sau đó, nó tồng ngồng, chui vào bụng mẹ.
Bụng mẹ là nơi an toàn nhất.
Bụng mẹ trở thành nấm mồ của nó.
Bên cạnh bà già còn có một mẩu giấy, viết mấy chữ: Người tiếp theo sẽ là ngươi.
Tờ lịch treo trên tường: ngày 12 tháng 12.
Phùng Kình bỗng nhớ ra Trương Cổ từng nói với anh: 12 tháng 12 chính là ngày sinh nhật của thằng bé này.
Danh Sách Chương: