Một hôm, sau khi về nhà, anh hưng phấn nói cho em biết, anh đã trở thành kiến trúc sư thiết kế nhà hát kịch bên bờ biển.
Thiết kế nhà hát kịch luôn là mơ ước của anh. Anh như trẻ con ôm chầm lấy em nũng nịu:
“Em đúng là nữ thần may mắn của tôi!”
Từ đấy về sau, mỗi một ngày lại là một lễ hội lớn hơn nữa.
Khi anh ở thư phòng phác thảo bản thiết kế thì em quay về với bức tranh của mình, anh phác thảo xong bản thiết kế liền đưa em xem.
Em làm sao hiểu biết nhiều bằng anh? Những thứ em biết, tất cả đều do em liều mạng học được, đâu có được thiên phú như anh.
Nhưng, anh luôn nói, chỉ cần em xem qua, anh sẽ yên tâm.
Nhà hát kịch xinh đẹp kia dường như là tâm huyết của cả hai chúng ta. Đỉnh nhà hát kịch được anh thiết kế dạng cầu, khiến em xem nó như đền Taj Mahal của chúng ta vậy, nó sẽ là chứng nhân cho mối tình bất diệt của anh và em.
Tiếc thay, em không thể cùng anh đợi đến ngày ấy.
Những ngày anh vội vàng đến công trường thi công nhà hát kịch, anh không chú ý đến một chuyện, nhưng em lại để tâm.
Khuôn mặt và cơ thể của em đã nổi lên những biến hóa rất nhỏ.
Phu nhân Hoa Hồng từng nói với em: “Một ngày nào đó cô sẽ quay về đây.” Em tựa hồ đã sớm hiểu được ý nghĩa câu nói đó.
Thời khắc ấy rốt cuộc đã đến.
Hai năm nay, là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời em. Em đã trải qua những tháng ngày không có mảy may tiếc nuối nào.
Dây chuyền và lắc tay ngọc trai anh tặng em, cả bông tai nữa, em đều mang đi, để chúng gợi nhắc em về khoảng thời gian được ở bên anh.
Khi anh tặng em đôi bông tai ấy, em từng thầm so sánh nó với đôi bông tai mà anh tặng Hạ Hạ trước kia. Anh đã tặng cho em một đôi bông tai đẹp hơn đôi bông kia rất nhiều.
Cuốn “Bức chân dung của quỷ dữ”, em đã đặt nó lại trên giá sách của anh. Anh từng nói, anh cho mượn tiền không trả lại cũng được, nhưng sách anh cho mượn thì nhất định phải trả, em vẫn luôn ghi nhớ, chỉ là đã trả nó muộn mất hai mươi hai năm mà thôi.
Tín Sinh, anh không cần tìm em đâu, anh không thể nhận ra em của hiện tại, cũng không thể yêu em của hiện tại. Quãng đời sau này chúng ta cũng sẽ không gặp lại nhau, nếu vậy, anh chỉ cần nhớ kỹ dáng vẻ trẻ trung của em, không phải rất tốt sao?
Hoa hồng này tặng cho anh, sinh nhật vui vẻ.
Em yêu anh còn nhiều hơn những gì anh biết, anh cảm nhận được rất nhiều.
Trữ Ân.”
Kiều Tín Sinh run sợ buông lá thư trong tay, ánh mắt dừng ở hoa hồng nơi phòng khách, trước kia quả thật ông chưa từng thấy sắc hồng như thế này. Ông chợt nhớ tới lá thư đã nhắc đến tên loại hoa này, “Hôm qua”.
Ông run rẩy vịn tay ghế đứng dậy, đi đến giá sách, nhìn cuốn truyện “Bức chân dung của quỷ dữ”, nó đã rất cũ kỹ, trang giấy đã ngả vàng, ông đột nhiên thấy lạnh người.
Lúc này, cửa phòng vẽ bị một trận gió thổi qua khẽ hé ra, ông đi vào, bên trong không có ai.
Chỉ còn lại bức tranh còn đang vẽ dở của cô.
Ông vội chạy đến mở tung cửa phòng ngủ, nhưng đón ông chỉ có bức màn gió lay động.
Ông lao ra khỏi nhà, chạy xuống cầu thang đá mài, lên xe.
Ông lái xe đến đường Thiên Cầm, cứ vòng đi vòng lại con đường đó, hết lần này đến lần khác, nhưng vẫn không tài nào thấy phòng triển lãm tranh mà cô nói.
Sắc trời đã nhuộm tối, ông vẫn khăng khăng vào từng cửa hàng để hỏi thăm xem quanh đó có phòng triển lãm tranh nào không? Song đáp án của mọi người đều giống nhau, chưa từng có ai biết đến nó.
Ông chặn những người qua đường lại để hỏi chuyện đó, nhưng không ai có thể nói cho ông biết.
Ông cuống cuồng chạy khắp nơi, muốn tìm cho ra phòng triển lãm tranh mà cô nhắc đến trong thư, muốn tìm cho ra cánh cửa sắt có ô cửa sổ nhỏ.
Ông níu lấy những người qua đường, hỏi bọn họ có biết phòng triển lãm tranh của phu nhân Hoa Hồng không, song họ đều nhất loạt hỏi ông “Ai là phu nhân Hoa Hồng?”
Ông khóc, khản giọng gọi tên cô. Những tháng ngày cô đơn sau này, ông thường ngồi một mình trong phòng vẽ của cô, cứ ngồi đấy hàng giờ liền, ông muốn thay cô vẽ xong bức tranh còn dang dở, nhưng lại chẳng cầm cọ lên bao giờ.