Chiếc xe Maria đen được dùng để chở tù nhân đi gặp thân nhân sáng nay hư máy, không chạy được. Người ta phải gọi điện thoại về Bộ xin xe khác và vào lúc 11 giờ sáng Chủ nhật ấy, khi Nerzhin được gọi xuống từ phòng Âm thính, đến phòng kiểm soát, sáu tù nhân được đi thăm hôm nay đã có mặt ở đó. Vài người đang bị khám, vài người đã khám xong đi quanh quẩn hoặc ngồi ở bàn. Trung tá Klimentiev đứng gần tường, thẳng người, hai tay chắp sau lưng, thanh thản như người không liên hệ đến công việc khám xét đang được làm ở đây, nhưng Klimentiev biết rõ hơn ai hết là sự có mặt của y bắt buộc bọn giám thị phải khám xét kỹ hơn.
Vừa bước vào khu khám, Nerzhin gặp ngay vòng tay chờ đợi của Krasnogubenky, tên giám thị khám kỹ nhất, lục lọi nhất và đáng ghét nhất bọn.
"Trong túi có gì?" Krasnogubenky hỏi ngay.
Từ lâu rồi Nerzhin không còn cái vẻ vội vã làm theo lời hèn hạ của những người mới ở tù trước mặt bọn giám thị. Chàng không cần trả lời và cũng không thèm nhìn lại cái túi bộ áo mới may bằng hàng cheviot vừa được phát cho chàng để mặc đi thăm. Chàng chỉ nhìn tên giám thị bằng cặp mắt vô hồn và giơ hai cánh tay lên vừa đủ để cho gã khám túi chàng. Sau năm năm ở tù và qua không biết bao nhiêu là lần khám xét như thế này. Nerzhin không còn cảm thấy, như những người mới vào tù ai cũng thấy, việc bị khám thân thể là dã man, những ngón tay dơ bẩn chạm vào người mình như chạm vào chính trái tim rướm máu của mình. Sáng nay, đặc biệt là sáng nay, không một việc gì xảy ra có thể làm cho tâm hồn chàng mất vui sướng.
Krasnogubenky mở hộp thuốc lá do Potapov tặng chàng làm quà sinh nhật và kéo từng điếu thuốc gài trong đó ra coi xem có vật gì giấu trong đó không. Gã đổ cả những que diêm ra lòng bàn tay gã. Gã vuốt đường viền chiếc khăn mùi-soa của Nerzhin. Ngoài mấy vật đó ra, trong túi Nerzhin không có gì khác. Rồi gã nắn bóp khắp người Nerzhin, sờ cả vào bẹn, vào hậu môn chàng. Gã ngồi xuống sau lưng chàng để sờ kỹ hai chân chàng từ đùi trở xuống.
Nhờ Krasnogubenky ngồi xuống, Nerzhin nhìn thấy người tù đang bị khám sau chàng. Người này là một anh thợ điêu khắc. Chàng thấy rõ anh này đang bối rối và chàng biết vì sao anh bối rối. Nguyên lại là sống trong tù, anh thợ điêu khắc bỗng phát giác được rằng anh có khiếu viết truyện ngắn - và anh cặm cụi viết những truyện ngắn kể lại kinh nghiệm tù binh của anh thời chiến tranh trong những trại tù binh của Đức Quốc Xã, về những cuộc gặp gỡ trong phòng giam, về tòa án. Nhờ vợ anh, anh từng chuyển được vài truyện ngắn của anh ra ngoài, nhưng những truyện ngắn như thế làm sao có thể đăng được? Ngay cả ở bên ngoài, chị vợ anh cũng phải khổ sở giấu giếm những gì chồng chị gửi ra và chỉ dám cho những bà con thân nhất đọc. Nhưng một ông có học, dường như ông chú của vợ anh, đã được đọc những truyện ngắn ấy và nói với vợ anh rằng anh viết truyện ngắn còn hay hơn cả Chekhov. Lời khen này làm cho anh càng hứng chí sáng tác 1.
Ở trong tù, tất nhiên là nhà văn tập sự này phải giấu kín những gì anh viết. Việc mang được một tờ giấy có chữ viết ra khỏi tù là một việc khó khăn không thể tưởng tượng được. Hôm nay anh thợ khắc mang theo một đoản thiên mà anh cho là tuyệt tác của anh, nhưng khi thấy có mặt Krasnogubenky trong phòng khám, anh sợ bị gã xét thấy và anh đã bỏ tờ giấy có những chữ viết nhỏ li ti vào miệng nuốt đi. Giờ đây, khi anh thấy Krasnogubenky không khám anh, anh hối hận đến đờ đẫn cả người - nếu anh gan hơn một chút, nếu anh đừng vội nuốt đi, biết đâu anh chẳng mang lọt đoản thiên ấy ra ngoài?
"Cởi giày ra".
Krasnogubenky nói và Nerzhin đặt chân lên chiếc ghế đẩu để cởi dây giày, rồi chàng vung chân đá chiếc giày không cần biết là nó bay đi đâu, Krasnogubenky lượm chiếc giày lên nhìn kỹ bên trong và uốn cong xem có vật gì giấu trong đế giày đó không. Với vẻ mặt thản nhiên như chàng từng làm việc này mỗi ngày, Nerzhin đã đá nốt chiếc giày kia ra khỏi chân. Cả hai chiếc vớ của Nerzhin đều rách và có những lỗ thủng lớn. Những lỗ thủng này cho gã giám thị cái quyền nghĩ rằng chàng không thể giấu vật gì ở trong vớ nên gã không cần bắt chàng tháo cả vớ.
Klimentiev chớp mắt liền mấy cái khi Nerzhin đá đôi giày văng ra khỏi chân. Y coi đó là một hành động sỉ nhục giám thị. Và một lần nữa Klimentiev cảm thấy hối hận vì để cho tên tù hỗn láo Nerzhin được đi gặp vợ hôm nay. Y nghĩ đến chuyện tìm cách bắt lỗi tên tù này để hủy cuộc đi thăm của hắn, y thấy rõ tên tù này không những là không cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì tình cảnh tù đày khốn nạn của hắn, trái lại, hắn còn có vẻ hợm hỉnh khinh thường những người có nhiệm vụ canh giữ hắn.
"Nghe đây…"
Klimentiev đột ngột nói lớn và bảy người tù cùng bảy viện giám thị đều quay về cả phía y:
"Các người đã biết luật lệ. Các người không được nhận bất cứ một vật gì do thân nhân các người đưa, hoặc vật gì các người muốn đưa cho thân nhân, đều phải đưa cho tôi, qua tay tôi. Trong khi nói chuyện, các người không được nói đến công tác, điều kiện công tác, điều kiện sinh hoạt, ăn uống, không được nói đến tên Viện này hoặc bất cứ một điều gì dính dáng đến Viện. Các người không được nói tên bất cứ ai. Các người chỉ nên nói rằng mọi việc đều tốt và các người không cần gì hết, không thiếu gì hết".
"Nếu cấm hết thì chúng tôi còn có chuyện gì để nói với nhau?" - một người nào đó đứng cuối hàng kêu lên - "nói chuyện chính trị ư?"
Klimentiev không thèm trả lời câu hỏi này. Y thấy đó là một câu hỏi ngu ngốc.
"Hãy nói đến tội lỗi của bạn" - một tù nhân nào đó rầu rĩ lên tiếng - "hãy nói đến chuyện bạn hối lỗi".
Klimentiev can thiệp ngay:
"Không được nói đến án tù của các người. Phải giữ bí mật về án tù, hạn tù. Hãy hỏi về chuyện gia đình, cha mẹ, con cái. Còn điều này nữa. Đây là luật mới: từ nay trở đi các người không được nắm tay vợ, không được hôn vợ. Cấm nắm tay, cấm hôn".
Nerzhin từ đầu vẫn thản nhiên trước cuộc khám xét và việc nhắc lại những luật lệ ngớ ngẩn - chàng biết cách qua mặt bọn giám thị ngồi canh chàng - cảm thấy máu chàng chạy mạnh khi nghe chuyện cấm hôn, mắt chàng sáng rực lên:
"Mỗi năm chúng tôi chỉ gặp được nhau có một lần…"
Chàng la lên và Klimentiev nghiêng bản mặt hồng hào của y nhìn chàng. Klimentiev có vẻ hân hoan chờ đợi chàng nói tiếp và Nerzhin nghe thấy tiếng nói chưa được phát ra trong cổ họng y: "Tôi hủy cuộc đi thăm của anh. Anh ở lại…", chàng nghẹn lời và im lặng.
Nerzhin hiểu rằng cuộc đi thăm của chàng được báo vào phút cuối, có một cái gì không được hợp lệ và Klimentiev dễ dàng hủy bỏ, y đang muốn hủy bỏ.
Là một tù nhân giàu kinh nghiệm, chàng biết nén giận.
Không gặp sự phản đối, Klimentiev thản nhiên nói tiếp:
"Nếu các người hôn nhau, nắm tay, hay vi phạm điều gì khác, cuộc gặp mặt sẽ chấm dứt tức khắc".
Người thợ điêu khắc lên tiếng:
"Nhưng vợ tôi không biết điều cấm ấy. Vợ tôi hôn tôi thì sao?"
Klimentiev vẫn thản nhiên:
"Vợ anh sẽ được nói cho biết trước khi gặp anh".
"Chưa từng có luật cấm hôn bao giờ".
"Bây giờ có".
Bọn ngu đần - Klimentiev nhìn những bộ mặt ngơ ngác và nghĩ thầm - Chúng thật ngu. Phản đối với mình thì ích gì? Chúng nó làm như mình đặt ra không bằng. Luật do thượng cấp đặt ra, mình chỉ là người thi hành.
Bọn tù nhao nhao hỏi:
"Được gặp nhau bao lâu?"
"Nếu mẹ tôi đến thay cho vợ tôi, mẹ tôi được vào không?"
"Được gặp trong ba mươi phút. Chỉ có người nào có tên trong giấy mới được vào".
"Con gái tôi năm tuổi có được theo mẹ nó vào không?"
"Trẻ con mười lăm tuổi được vào theo người lớn".
"Còn mười sáu tuổi?"
"Không được vào. Còn ai hỏi gì nữa không? Xong rồi. Đi ra".
Tuyệt diệu. Hôm nay họ không phải ngồi kín trong chiếc xe Maria Đen chở tù đi thăm những lần trước, một chiếc xe buýt nhỏ sơn xanh chờ họ ngoài sân.
Ba nhân viên giải tù, cả ba đều lại mặt ở Viện Mavrino, bận thường phục, đội mũ nỉ mềm, tay cầm súng lục trong túi áo, lên xe trước. Họ ngồi cách nhau trong xe. Hai tên trong bọn trông có vẻ như tướng cướp giải nghệ hoặc võ sĩ quyền Anh về già. Họ bận những chiếc áo khoác mới và đẹp.
Sương mù buổi sáng đã tan nhưng còn lạnh.
Bảy người tù lục đục lên xe.
Trung tá an ninh Klimentiev cũng đi nhưng đi bằng xe riêng.
--- ------ ------ ------ -------
1 Anton Chekhov: Văn sĩ viết truyện ngắn nổi tiếng nhất của Nga ở cuối thế kỷ XIX.