• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tại Amsterdam, cha bận rộn và im lặng một cách khác thường, tôi thì bứt rứt chờ đợi cơ hội để hỏi cha về giáo sư Rossi. Ngày nào bà Clay cũng dùng bữa tối với chúng tôi trong phòng ăn ốp gỗ tối màu, bà ấy phục vụ chúng tôi nhưng đồng thời cũng cùng ăn như một thành viên trong gia đình, và trực giác của tôi mách bảo cha không muốn kể tiếp chuyện khi bà có mặt. Nếu tôi cố công tìm gặp cha trong thư viện thì cha sẽ hỏi han ngay về ngày hôm đó của tôi như thế nào, hoặc muốn xem bài vở của tôi ra sao. Tôi đã bí mật kiểm tra các ngăn kệ trong thư viện ngay khi trở về từ Emona, nhưng cuốn sách và những thứ giấy tờ kia đã biến mất khỏi vị trí của chúng; tôi không biết cha cất chúng ở đâu. Nếu đêm nào bà Clay không có mặt, cha lại đề nghị chúng tôi đi xem chiếu bóng, hoặc đưa tôi đến cái cửa hàng náo nhiệt bên kia con kênh đào để uống cà phê và ăn bánh ngọt. Có thể nói cha đang tìm cách né tránh tôi, ngoại trừ đôi lần tôi ngồi gần cha, đọc sách và trông chờ cơ hội tốt để hỏi chuyện, cha thường đưa tay vuốt tóc tôi, trên mặt phảng phất một nỗi buồn khó đoán. Những lúc như vậy, tôi không đành lòng khơi lại câu chuyện ấy.

Khi lại du hành về phương Nam, cha dẫn tôi theo. Ở đó, cha chỉ có một cuộc họp, hơn nữa lại là họp không chính thức, hầu như không đáng cho một chuyến đi xa, nhưng cha nói, ông muốn cho tôi thưởng thức phong cảnh vùng này. Lần này chúng tôi đáp xe lửa đi qua Emona, sau đó đi tiếp một chuyến xe buýt đến Ragusa. Cha vẫn thích sử dụng phương tiện công cộng, bất cứ khi nào có thể. Hiện tại, khi phải đi đây đi đó, tôi thường nhớ đến cha và sử dụng xe điện ngầm thay vì thuê xe riêng. “Rồi con sẽ thấy - Ragusa không phải là nơi dành cho xe hơi,” cha nói khi chúng tôi bám vào thanh vịn kim loại phía sau ghế ngồi của tài xế. “Bao giờ cũng nên ngồi phía trước để khỏi bị say xe.” Tôi bấu chặt thanh sắt đến độ các khớp đốt ngón tay trắng bệch ra; chúng tôi như đang bay giữa trùng trùng điệp điệp núi đá xám xanh của vùng đất mới này. “Ôi trời,” cha buột miệng thốt lên sau cú xóc nảy kinh hoàng tại một khúc quanh hình chữ chi. Các hành khách khác có vẻ hoàn toàn tỉnh bơ. Ở dãy ghế bên kia, một bà lão mặc đồ đen đang ngồi móc áo, khuôn mặt đóng khung trong mép khăn choàng, đu đưa theo nhịp xóc của xe buýt. “Xem kỹ nhé,” cha nói. “Con sắp được nhìn thấy một trong những thắng cảnh tuyệt vời nhất của miền duyên hải này.”

Tôi chăm chú nhìn qua cửa sổ xe, ước gì cha đừng cảm thấy cần thiết phải hướng dẫn tôi quá nhiều như vậy, nhưng vẫn cố hết sức thu vào tầm mắt phong cảnh núi đá trập trùng, trên đỉnh là những ngôi làng toàn nhà bằng đá. Trước lúc hoàng hôn, tôi vui mừng khi trông thấy một phụ nữ đứng bên đường, có lẽ đang chờ một chuyến xe buýt chạy hướng ngược lại. Bà cao, mặc một chiếc váy dài, nặng trình trịch với áo chẽn sát thân, đầu đội một kiểu mũ kỳ lạ, giống như một cánh bướm bằng vải phin ocganđi. Bà đứng một mình giữa những tảng đá, trong ánh chiều tà, bên cạnh là một cái rổ đặt trên mặt đất. Tôi cứ ngỡ người phụ nữ đó là một pho tượng, cho đến lúc bà ngoảnh cái đầu tuyệt đẹp khi xe chúng tôi chạy ngang qua. Khuôn mặt hình trái xoan xanh tái, ở quá xa để có thể nhận ra bất kỳ đường nét nào. Khi tôi tả lại người phụ nữ đó với cha, ông bảo bà mặc trang phục địa phương của vùng Dalmatia này. “Có phải là một chiếc mũ lớn, có dây buộc cằm và hai cánh che mỗi bên? Cha đã từng thấy những hình ảnh như vậy. Con có thể nói bà ta là một hồn ma - chắc hẳn bà ta sống trong một ngôi làng rất nhỏ. Cha nghĩ, bây giờ hầu hết những người trẻ tuổi vùng này đã diện quần jean xanh cả rồi.”

Tôi dán mặt vào cửa sổ xe. Chẳng còn hồn ma nào xuất hiện, nhưng tôi không bỏ sót một cảnh tượng kỳ diệu nào: Ragusa, tít xa bên dưới chúng tôi, một thành phố trắng ngà, mặt biển chan hòa ánh mặt trời vỗ sóng quanh những bức tường bao, bên trong khu thành tráng lệ có từ thời Trung cổ là những mái nhà ngói đỏ, đỏ hơn cả trời chiều. Thành phố nằm trên một bán đảo rộng lớn, những bức tường thành có vẻ như bất khả xâm phạm đối với bão biển và những cuộc xâm lăng, một tên khổng lồ ngự trị trên bờ biển Adriatic_. Nhìn từ điểm cao nhất của con đường, thành phố như một công trình thu nhỏ, giống như một vật được chạm khắc bằng tay không theo một tỷ lệ nào, nằm dưới chân những ngọn núi.

Vài giờ sau, chúng tôi đến con phố chính của Ragusa, con đường lát đá cẩm thạch, nhẵn bóng sau hàng thế kỷ chịu đựng những gót giày qua lại, phản chiếu ánh sáng từ các cửa hàng và dinh thự xung quanh đến nỗi nó lấp lánh như mặt nước một dòng kênh lớn. Ở một góc yên tĩnh cuối con đường, an toàn thoải mái giữa trái tim cổ kính của thành phố, chúng tôi buông mình xuống ghế trong quán cà phê, tôi quay mặt thẳng về hướng gió, những cơn gió mang hương vị của sóng vỗ bờ và - kỳ lạ thay khi đã vào mùa này mà tôi còn cảm thấy - mùi hương của những quả cam chín mọng. Biển và bầu trời hầu như đen kịt. Những chiếc thuyền đánh cá như nhảy múa trên mặt biển dữ dội ngoài khơi xa; ngọn gió mang đến cho tôi âm thanh của biển, hương vị của biển và một cảm giác dịu êm mới mẻ. “Chào phương Nam,” cha nói, vẻ hài lòng, cầm lấy một ly whisky và một đĩa bánh mì nướng với cá trích. “Giả sử con xuống thuyền ra khơi ngay tại đây trong một đêm trời trong gió lặng. Con có thể dựa vào các vì sao để từ đây dong thẳng đến Venice, hoặc bờ biển Anbani, hoặc đến tận biển Aegean.”

“Phải mất bao lâu để đến Venice vậy cha?” Tôi khuấy tách trà và làn gió thổi bạt hơi nóng bay ra hướng biển.

“À, một tuần hoặc hơn, cha nghĩ vậy, nếu đi bằng một chiếc thuyền thời Trung cổ.” Cha nhìn tôi, mỉm cười, thanh thản trong giây lát. “Marco Polo sinh ra ở bờ biển này, và người Venetian(1) thường xuyên xâm lấn vùng này. Có thể nói, chúng ta thực sự đang ngồi tại cửa ngõ dẫn vào thế giới.”

“Cha đã đến đây vào lúc nào?” Tôi chỉ mới bắt đầu tin vào cuộc sống trước đây của cha mình, lúc tôi chưa ra đời.

“Cha đã đến đây nhiều lần. Có lẽ là bốn hoặc năm lần. Lần đầu tiên cách đây đã nhiều năm, khi hãy còn là sinh viên. Vị giáo sư hướng dẫn đã khuyên cha nên từ Ý đến thăm Ragusa, chỉ để nhìn kỳ quan này, trong khi cha còn đang học - như cha từng kể với con là cha đã học tiếng Ý ở Florence trong một mùa hè.”

“Ý cha muốn nói giáo sư Rossi.”

“Đúng vậy.” Cha nhìn tôi, ánh mắt sắc lạnh, rồi nhìn vào cốc rượu.

Một khoảnh khắc yên lặng, được phủ lấp bằng âm thanh tấm vải bạt che mái hiên quán đang lật phật trên đầu chúng tôi trong cơn gió nồm ấm áp trái mùa. Từ bên trong quầy rượu và nhà hàng vẳng ra tiếng một đám khách du lịch, tiếng lanh canh của đồ sứ, kèn saxô, đàn dương cầm. Từ ngoài vọng vào tiếng ì oạp của sóng vỗ mạn những con tàu trong bến cảng tối thẫm. Sau cùng cha lên tiếng. “Cha sẽ kể cho con thêm một chút về ông ấy.” Cha vẫn không nhìn tôi, nhưng tôi nghĩ trong giọng nói của cha có một chút gắng gượng nào đó.

“Con thích chuyện đó,” tôi thận trọng đáp lại.

Cha nhấp ly rượu. “Có phải con cứ bướng bỉnh muốn biết những câu chuyện đó?”

Cha mới là người bướng bỉnh, tôi muốn trả lời như vậy, nhưng tôi tự kiềm chế không nói ra; tôi muốn nghe câu chuyện hơn là muốn tranh cãi.

Cha thở dài. “Được rồi. Ngày mai, cha sẽ kể cho con nghe thêm về ông ấy, trong ánh sáng ban ngày, khi cha không quá mệt và chúng ta có chút thời gian khi đi dạo dọc theo các bức tường bao.” Cha đưa ly rượu trỏ về phía những bức tường có lỗ châu mai màu trắng xám phía trên khách sạn. Lúc đó sẽ thích hợp hơn để kể chuyện. Nhất là câu chuyện này.”

Vào giữa buổi sáng, chúng tôi đã ngồi chễm chệ ở độ cao ba mươi mét trên các con sóng đang xô vào và sủi bọt trắng xóa quanh dãy tường bao khổng lồ của thành phố. Bầu trời tháng Mười một rực rỡ như một ngày hè. Cha mang kiếng râm vào, nhìn đồng hồ, gấp tập tranh ảnh giới thiệu về công trình kiến trúc có mái che cũ kỹ phía dưới lại, chờ cho nhóm du khách người Đức bước ra khỏi tầm nghe của chúng tôi. Tôi nhìn ra bên ngoài mặt biển bao la, phóng tầm mắt qua bên kia một hòn đảo phủ đầy cây cối, tít đến tận chân trời mờ xanh. Từ hướng đó, những chiếc thuyền của người Venetian đã từng đến, mang theo hoặc chiến tranh hoặc giao thương, những ngọn cờ màu vàng đỏ của họ đã từng không ngừng bay phấp phới dưới vòm trời lấp lánh này. Trong lúc chờ cha lên tiếng, tôi cảm thấy trào dâng một thấu ngộ chẳng mấy liên quan đến học thuật. Có thể những con tàu mà tôi tưởng tượng ra ở phía chân trời kia không đơn giản chỉ là một phần của một hoạt cảnh đầy màu sắc. Tại sao cha lại quá khó khăn để bắt đầu như vậy?

Chú thích:

1. Venetian: chỉ dân Venice nói riêng và người miền Bắc nước Ý nói chung.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK