Trong phòng y tế, tôi ngồi ở cạnh giường nhìn đăm đăm vào mặt Tống Kỷ Dương.
Từ khi anh đứng lớp và giới thiệu bản thân bằng tiếng anh, tôi đã có cảm giác, có phải tôi đã từng gặp anh ở đâu rồi không?
“Cho tôi ăn đã rồi lát nữa ngắm tôi sau được không?” Chẳng biết anh đã tỉnh từ khi nào, tôi đờ đẫn quá nên không nhận ra.
Tôi hốt hoảng đứng bật dậy, đi ra lấy cơm nhưng cơm đã nguội rồi. Tôi ngoảnh lại, thấy anh vẫn đang truyền dịch glucose nên nói với anh: “Thầy Tống, thầy cứ truyền xong đi đã.”
Tôi lại đi mua suất cơm mới.
Không ngờ anh nghe vậy thì khó ở: “Người là sắt, cơm là thép, không ăn thì đói lắm, nhanh, mau cho tôi ăn cơm đi, nguội cũng được.”
Tôi đặt hộp cơm xuống, cúi người nhìn anh: “Sao mấy hôm nay thầy Tống không ăn cơm?”
Anh ngừng lại, gãi đầu: “Em cho tôi mấy phút để tôi bịa lí do.”
Tôi: “…”
Sau rồi y tá đã giúp chúng tôi hâm nóng cơm lại.
Nhìn anh ăn thanh lịch như thế, tôi hỏi anh có phải tôi đã gặp anh ở đâu rồi không?
Anh buột miệng: “Gặp trong tim tôi.”
– Hả?
– À, gặp trong escape room.
Rõ ràng tôi không hề hỏi về lần gặp hôm ấy.
Lúc dọn đồ chuẩn bị rời đi, tôi tiện hỏi: “Thầy Tống, bao giờ thầy Dương về thế?”
Tay anh đang chỉnh lại quần áo bỗng ngừng lại: “Không muốn gặp tôi à?”
– Không không không, em chỉ hỏi vậy thôi.
– Muốn gặp tôi thì được, thầy Dương sắp về rồi.
Tâm trí tôi đảo điên, không phải tôi không muốn gặp anh nhưng cũng không phải là tôi muốn gặp anh.
Trên đường về, anh cố tình đưa tôi về kí túc nhưng tôi đã từ chối nghiêm túc, việc tiễn con gái về kí túc nó mập mờ vô cùng.
Mặc dù Tống Kỷ Dương còn trẻ, đẹp trai và tài năng, nhưng… Chúng tôi là thầy trò.
Lúc từ chối, anh bỗng hỏi: “Nếu tôi không là thầy thì sao?”
Tôi thấy hơi khó giải quyết, lời anh nói chứa rất nhiều thông tin nhưng cũng không thể suy đoán thái quá được.
Trong lòng tôi hơi khó chịu, tôi nói thẳng: “Thầy Tống, thầy là giáo viên còn em là học sinh.”
Tôi không nói nửa câu còn lại nhưng chắc anh cũng sẽ hiểu.
Hành động của anh khiến tôi lo lắng, dường như anh đã bất chấp xông vào thế giới của tôi, những gì diễn ra hồi trước chẳng khác nào hiệu ứng ếch luộc cả.
Tôi không muốn dính dáng đến anh nên nói tạm biệt rồi vội vàng chạy đi.
Sau khi về phòng, tôi vẫn không hết khó chịu mà nó còn bùng cháy hơn nữa.
Nằm trên giường không sao ngủ được.
Một bên là Từ Lâm tôi đã thích bốn năm trời, một bên là Tống Kỷ Dương cứ luôn thử thách giới hạn của người ta.
Khoảng hơn hai giờ sáng, tôi nhận được tin nhắn của Tống Kỷ Dương.
Xin lỗi, sau này tôi sẽ chú ý giữ khoảng cách với em.
Những câu chữ ấy không khiến tôi dễ chịu hơn chút nào, bởi anh đã cho tôi biết rằng, tôi không phải người duy nhất mất ngủ trong đêm.
7.
Ngày hôm sau, lịch học đã về như lúc đầu, chỉ là tôi đã ít bị gọi lên bảng hơn, số lần liên lạc với Tống Kỷ Dương cũng giảm đi rất nhiều.
Khi cõi lòng tôi đã nhẹ nhàng hơn, tôi cũng sẽ cố gắng không nghĩ về anh nữa.
Đến giờ học, tôi sẽ ngồi một mình trong góc, nhìn anh đứng dạy trên bục giảng bằng giọng tiếng anh lưu loát, anh đeo kính, thật lạnh lùng và xa cách biết bao.
Tôi dần nhận ra, dường như đây là mới là tính cách thật sự của anh.
Tôi mở inbox, tin nhắn cuối cùng là dòng chữ anh gửi cho tôi vào đêm hôm ấy.
Nếu như không có lịch sử tin nhắn, tôi sẽ tự hỏi rằng mình có từng nói chuyện với anh không.
Nhưng thực tế là, đến cả người như Từ Lâm cũng không thích tôi thì sao Tống Kỷ Dương lại thích tôi được.
Bạn cùng phòng thấy tôi không ổn nên đã nghĩ cách giúp tôi vui lên, đồng thời cũng không bao giờ nhắc đến hai chữ “Từ Lâm”.
Có lẽ, không chỉ có mỗi Từ Lâm…
Buổi tối có lễ hội âm nhạc được tổ chứ dưới sân trường, bạn cùng phòng đã kéo tôi tham gia.
Ánh đèn tỏa rạng khắp mọi nơi khiến người đau đầu, tiếng nhạc hòa cùng tiếng người đinh tai nhức óc.
Tôi không thích khung cảnh như thế này, ở những nơi náo nhiệt khiến tôi càng thêm đơn độc.
Tôi bị bạn cùng phòng kéo về phía trước, chen chúc lên hàng trên cùng. Tôi ngẩng lên nhìn thì thấy người đứng nhảy trên sân khấu là Chu Tiểu.
Sự phóng khoáng, nhiệt huyết, tự tin, ấy là những thứ cả đời tôi không bao giờ học được.
Chu Tiểu đã ở đây thì chắc chắn cũng sẽ có sự xuất hiện của Từ Lâm.
Chỉ một bài hát nhưng khiến tâm trí tôi đảo điên. Sau khi Chu Tiểu xuống sân khấu, tôi cũng đi ra ngoài, mặc kệ tiếng la hét bùng cháy của bạn cùng phòng.
Tôi không biết mình muốn làm gì, nhưng tôi hiểu, có những thứ đã đến lúc phải kết thúc rồi.
Ra khỏi sân trường, thanh âm dần dần nhỏ đi, con đường tăm tối chẳng có mấy người qua lại, cách đó mấy hàng cây, tôi nhìn thấy hai bóng lưng quen thuộc.
Hai người cận kề trao cho nhau những nụ hôn sâu.
Đây là lần đầu tiên biết được, hóa ra khi cậu ấy thích ai đó thì nó sẽ như thế này.
Người tôi đơn phương suốt bốn năm trời… Cuối cùng vẫn ở bên người con gái khác.
Khóe môi tôi mặn đắng, con tim buốt đau theo từng nhịp thở.
Tôi đứng như trời trồng, đôi chân không thể động đậy, cũng chẳng thể nhìn đi nơi khác.
Bỗng nhiên, một đôi tay ấm áp đã chắn ngang đôi mắt tôi, cả thế giới bỗng rơi vào bóng tối.
Chẳng biết thời gian đã trôi qua bao lâu, bàn tay ấy mới buông xuống, hiện ra trước mắt tôi là Tống Kỷ Dương.
Tôi ngoảnh mặt lau sạch nước mắt, cứ im lặng mãi rồi mới ngẩng lên nhìn anh, cất tiếng nghẹn ngào khàn khàn: “Sao lúc nào em thảm hại cũng bị thầy bắt gặp thế?”
Khi chơi escape room bị Từ Lâm đẩy ra không chút do dự.
Khi khóc òa, mất hết hình tượng bên bờ sông.
Khi đứng đây nhìn bọn họ hôn nhau nồng cháy.
Tống Kỷ Dương đút một tay vào túi, tay còn lại rút giấy ra rồi hơi khom người: “Ừ, sao lần nào cũng bị tôi nhìn thấy nhỉ?”
Gió đêm lành lạnh, tôi mệt mỏi vô cùng, im lặng suốt quãng đường, chỉ nghe anh kể chuyện câu được câu chăng.
Nhưng thật ra, tôi chẳng biết anh đang nói gì cả.
Tôi chỉ đang nghĩ rằng, chuyện tình đơn phương bốn năm đằng đẵng của tôi đã kết thúc, đã đến lúc phải buông tay người mà tôi đã trao cả thanh xuân rồi.
– Lạc Hoa Hoa.
Giọng Tống Kỷ Dương đã kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ, giờ tôi mới biết mình đã đứng ở dưới kí túc xá rồi.
Tôi quay lại thì thấy anh đã dừng bước từ bao giờ, vì cả hai đứng xa nhau nên tôi không nhìn rõ biểu cảm của anh.
Dưới ánh đèn đường, anh vẫy tay với tôi: “Em ngủ sớm đi, mai đừng đi học muộn.”
8.
Tình đơn phương không được ánh mặt trời chiếu rọi, cuối cùng cũng đã biến mất âm thầm trong màn đêm tĩnh lặng.
Tôi không khóc nức nở, cũng chẳng phát điên lên, dây đàn trong tâm trí vẫn luôn căng lên vì cậu thì giờ đã được buông lơi.
Hôm sau, tôi không ngồi trong góc nữa mà ngồi bàn đầu với bạn cùng phòng.
Đây là lần đầu tiên tôi ngồi hàng đầu trong tiết của Tống Kỷ Dương.
Nhưng khi tiếng chuông vang lên, người vào lớp lại là… thầy Dương.
Tay tôi đang cầm bút bỗng ngừng lại, tôi trố mắt, bên tai chợt vang vẳng giọng nói của Tống Kỷ Dương vào đêm hôm qua.
Hóa ra, thời gian anh dạy thay thầy đã kết thúc rồi…
Thầy Dương là một “ông già” vui vẻ, hài hước và hóm hỉnh, bởi vậy lúc nào cũng nghe thấy tiếng cười của cả lớp thoảng bên tai.
Song, tôi lại vô thức nhớ về khoảnh khắc Tống Kỷ Dương giảng bài trên lớp, và rồi những tiếng cười khanh khách đã cắt đứt dòng hồi ức của tôi.
Tựa như có một thế giới khác đang kéo tôi, mọi thứ xung quanh sao thân quen mà xa lạ quá đỗi.
Kể từ buổi học ấy, tôi không bao giờ ngồi bàn sau nữa, lên lớp sẽ chủ động lắng nghe và ghi chép bài giảng, nhưng tôi không còn được gọi lên trả lời câu hỏi.
Chẳng biết từ bao giờ mà Từ Lâm lại ngồi sau lưng tôi, nhưng tôi cũng không bao giờ quay lại nữa.
Đến khi quay lại thư viện, tôi cảm giác thời gian đã trôi đi rất lâu rồi.
Đợt trước đến thư viện vì Từ Lâm muốn tham gia một cuộc thi tiếng anh nên trong khoảng nửa năm, ngày nào tôi cũng giảng bài cho cậu ở nơi này.
Thoáng chốc, cảnh còn đó mà người đâu mất rồi.
Tôi ngồi ở vị trí quen thuộc, nhìn xuống dưới qua ô cửa sổ, có một nhóm người mặc trang phục chỉnh tề bước vào giảng đường khoa học.
Khi gần tối, lúc tôi chuẩn bị về thì trời đổ cơn mưa.
Tôi đứng ngoài cửa đợi một lúc, thấy mưa vẫn không ngớt nên che đầu chạy ra ngoài.
Vừa mới chạy thì cánh tay tôi đã bị kéo lại, một chiếc ô đen xuất hiện trên đầu.
Dường như mọi thứ xung quanh đã chìm vào thinh lặng, bên tai chỉ còn tiếng mưa rơi tí tách.
Tống Kỷ Dương mặc bộ vest thẳng thớm, phối với chiếc cà vạt có hoa văn màu xanh, anh vẫn đeo chiếc kính không gọng như thế.
“Thầy, thầy Tống…” Tay tôi vẫn còn đang che đầu, tôi ngạc nhiên nhìn anh.
Anh cúi đầu cười khẽ: “Chào em, tôi là Tống Kỷ Dương, học thạc sĩ ngành Hải dương học hóa học.”
Tôi ngơ ngác ngẩng lên nhìn anh, tâm trí ngập tràn câu hỏi của anh khi trước:
– Nếu tôi không phải thầy giáo thì sao?
Thì ra… Anh không phải là giáo viên.
“Đừng ngây ra nữa, cho em ô này.” Nói xong, anh đưa chiếc ô ra trước.
Tôi vô thức cầm lấy rồi hỏi ngược lại anh: “Thế anh thì sao?”
Anh chỉ vào nhóm người đang mặc bộ vest hao hao anh: “Tôi đi với bọn họ.”
Lúc ấy, tôi làm gì cũng đờ đẫn, nhưng trước khi đi tôi vẫn nhớ phải hỏi anh làm thế nào để tôi trả ô cho anh được.
Anh nói: “Tủ khóa số 7 ở ngoài thư viện tầng ba.”
Chỗ này…
Hình như tôi… Nhớ ra rồi, năm ngoái, ở đúng nơi đây, đúng thời tiết như thế này, tôi vội vàng cho bạn mượn ô để lấy cớ chạy vào ô của Từ Lâm.
Lúc ấy anh cũng hỏi làm cách nào để anh trả ô cho tôi.
Tôi đáp:
– Tủ khóa số 7 ở ngoài thư viện tầng ba.
Hết chương 3.