• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:



Vừa đến chỗ cây ngô đồng ở đầu ngõ, đằng sau cậu có người la lên: "Thẩm Tử Thiện!"
Sau buổi tối hôm đó, Thẩm Tử Thiện lại ra sân đá bóng, cũng đá văng sang sân nhà bên cạnh mấy bận.

Nhưng lúc Thẩm Tử Thiện hoặc Tiểu Mãn chạy sang nhặt thì đều không thấy Thành Bích.
Sân trong phủ Thành lớn hơn nhà Thẩm nhiều, trong vườn còn có ảnh bích và nguyệt môn.

Cánh cửa nối sang nhà Thẩm chẳng qua cũng chỉ là một góc nhỏ dưới cây du nhà họ mà thôi.
Khi đợt rét nàng Bân kết thúc, cha Thẩm Tử Thiện nói rằng ông đã tìm cho cậu một ngôi trường dạy theo chương trình mới, mấy hôm nữa ông sẽ đưa cậu đến học.

Trường mới hơi xa nhà, nhưng nếu Thẩm Tử Thiện còn không đi học thì sẽ muộn mất.
Thẩm Tử Thiện thắc mắc:
- Đầu ngõ cũng có trường mà cha, hơn nữa chương trình cũng gần giống lúc con học dưới miền Nam.
Cha cậu đáp:
- Đó là trường tư, còn trường con mới được xây dựng có vài năm thôi.

Sau này con còn phải học trung học ở đó nữa.
Thẩm Tử Thiện "ồ" một tiếng, giọng nghe hơi uể oải.
Cha cậu thấy vậy thì băn khoăn:
- Sao thế, con sợ lạ nước lạ cái à?
Thẩm Tử Thiện lắc đầu.


Mùa hè, khi mới đến Bắc Kinh cùng cha, cậu đã nhìn thấy một đàn lạc đà rất dài trên đường.

Đây là cảnh cậu chắc chắn sẽ không thấy được nếu còn ở Giang Nam, vậy nên cậu đã lập tức thích nơi này.

Nhưng mấy tháng sau, cậu bắt đầu thấy nhớ những người bạn từng cùng mình lấy sách che mặt, lén lút ăn kẹo bánh trong giờ ở trường cũ.
Bắc Kinh rất tươi đẹp.

Có hội chùa náo nhiệt, có trò tung hứng thú vị, còn có bánh gạo nếp cuộn nhân đậu ngọt, có kẹo đường đủ hình thù, có bánh bột mì nướng… Nhưng khi Thẩm Tử Thiện ngồi cùng cha trên ô tô, mỗi ngày đều nhìn thấy cậu Thành và đám người theo đuôi đợi trong ngõ, rồi được một chiếc xe ngựa đưa đến trường học gần nhất, thì cậu lại thấy nơi này thật khác biệt.
Xe đưa đón cha Thẩm Tử Thiện cũng đi theo hướng tới trường cậu, thế nên mỗi ngày cậu đều ra khỏi nhà cùng cha.

Chỉ là buổi chiều có hơi rắc rối, vì cha Thẩm Tử Thiện tan làm muộn hơn, nên tài xế phải đưa cậu về trước, rồi lại quay đầu đi chuyến nữa đến đón cha cậu về.
Vì con ngõ khá hẹp, quay đầu xe rất tốn công, Thẩm Tử Thiện cũng thương tài xế, thế nên mỗi lần tan học, cậu đều xuống xe ở đoạn đường cách đầu ngõ một khúc để bác tiện quay đầu.

Có một buổi chiều nọ, Thẩm Tử Thiện tan học rồi xuống xe ở chỗ cũ.

Cậu lại gặp nhóm lâu la của cậu Thành đang cười nói ở đầu ngõ, có một thiếu niên còn cầm theo cả lồng chim.
Nhìn thấy Thẩm Tử Thiện, thằng nhóc mặc áo xám cậu từng gặp ở phủ Thành bèn nói:
- Ái chà, ta còn tưởng là ai cơ.

Đây chẳng phải cậu Thẩm sao?
Nó nói xong, cả đám cũng nhìn sang.
Cậu Thành cũng ở đó.

Cậu đứng giữa đám trẻ, trên người mặc áo quái màu vàng nhạt, màu áo này khiến khuôn mặt cậu càng thêm trắng trẻo.

Nhìn thấy Thẩm Tử Thiện, cậu không nói gì, biểu cảm cũng chẳng rõ ràng, chỉ mím môi đứng một chỗ.
Một tên nhóc mặt to miệng rộng, cao hơn cậu Thành một chút lên tiếng nói với giọng khinh thường:
- Lớn đùng ra rồi mà ngày nào cũng rúc vào lòng cha, thế mà cũng không thấy mất mặt đàn ông.

Nó vừa dứt lời, cả đám lại nhìn Thẩm Tử Thiện rồi ồ lên cười nhạo.
Thẩm Tử Thiện nghiêng đầu, nhìn chúng mà mỉm cười.
Thấy thế, tên nhóc cầm lông chim lập tức đổi sắc mặt:
- Mi cười cái gì?
Thẩm Tử Thiện không muốn để ý đến chúng.

Cậu đi về phía trước, nhưng lại bị tên miệng rộng ngăn lại:
- Không nói rõ thì đừng hòng đi.
- Đúng vậy.
Thẩm Tử Thiện chỉ có thể quay người lại lần nữa.

Đầu tiên, cậu nhìn cậu Thành đang khoanh tay một cách lạnh lùng, rồi lại lướt ánh mắt qua đám cậu ấm cao thấp nít nôi, nói với vẻ bình tĩnh:
- Các vị gọi tôi bằng "cậu" như thế, tôi không kham nổi đâu.

Các vị cũng ghét chuyện rúc vào lòng cha mà.

Hồi Thẩm Tử Thiện còn nhỏ, ông nội đã dạy vỡ lòng cho cậu.

Thời trẻ tuổi, cụ Thẩm từng trải qua khoa cử, đồng thời có rất nhiều thành tựu về Hán học.

Thẩm Tử Thiện cũng đã theo cụ đọc Tứ thư, Ngũ kinh, rồi đi cùng cụ khắp các hang cùng ngõ hẻm.

Năm ấy cụ nói với đứa cháu còn vắt mũi chưa sạch rằng, sau này không thể khinh thường người khác, cũng không thể để người khác khinh thường mình, đó chính là cách đối nhân xử thế.
Sau hôm đó, Thẩm Tử Thiện không xuống xe ở chỗ cũ nữa.

Bên cạnh nơi đậu xe có một cửa hàng sách, đương nhiên cậu cũng không vào được, mà chỉ có thể nhặt mấy quyển sách ở sạp sách nhỏ mé đường xem chơi.

Ban đầu cậu chỉ muốn tránh mặt đám người kia, dần dà sau này lại thành đam mê đọc sách.
Nhưng, vẫn có một số người cậu không thể nào trốn tránh được.
Ví dụ như cậu Thành.
Khi Thẩm Tử Thiện bước ra từ đống sách thì trời đã ngả màu hoàng hôn.

Ngày mùa xuân ngắn ngủi, đợi đến lúc cậu đi bộ về nhà, chắc trời đã tối hẳn rồi.
Thẩm Tử Tiện bóp nhẹ lên cẳng chân tê rần vì đứng lâu, sau đó trả tiền đọc sách rồi bước xuống bậc thang.
Vừa đến chỗ cây ngô đồng ở đầu ngõ, đằng sau cậu có người la lên:
- Thẩm Tử Thiện!
Đó là tiếng trẻ con.
Thẩm Tử Thiện quay đầu, treo nơi góc trời là ráng mây chiều rực đỏ.

Dưới chút ánh sáng còn sót lại, trên bậc thềm của cửa hàng bán hạt dẻ rang đang chuẩn bị dọn dẹp đóng cửa, có một người đang ngẩng cao đầu đứng đó.

Chẳng phải là cậu Thành hay sao?
Cậu Thành nhảy liền đôi ba bước từ bên ấy sang, đi đến bên cạnh Thẩm Tử Thiện, vắt hai tay sau gáy rồi liếc nhìn cậu:
- Đi thôi.
Đây không phải lần đầu tiên Thẩm Tử Thiện đi vào con ngõ này.
Nhưng là lần đầu tiên đi cùng cậu Thành.
Khi đến cửa nhà Thẩm Tử Thiện, cậu Thành gọi cậu đứng lại, sau đó lấy chiếc túi nhỏ ra lần mò tìm kiếm, cuối cùng đưa thứ gì đó cho cậu.
Trên tay Thẩm Tử Thiện lúc ấy là một hạt dẻ thơm ngọt, còn hơi ấm và đã được tách miệng sẵn.
───────────
Lời người dịch:
1.

"Ảnh bích", từ điển Nguyễn Quốc Hùng có giải thích là "bức tường có đắp thành hình ảnh phong cảnh đẹp mắt, coi như một lối trang trí".

Theo hiểu biết của mình thì trong kiến trúc, đôi khi ảnh bích cũng được coi như một bức tường làm bình phong chặn khí xấu lưu thông trong nhà.
2.

"Nguyệt môn" bản gốc là "nguyệt lượng môn".


Dùng từ này vì mình thấy một số trang kiến trúc, cũng như trang nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam và Trung Quốc đều sử dụng khái niệm "nguyệt môn".

Đây là một loại cửa hình tròn, thường được xây với mục đích trang trí.
3.

Trong truyện dùng "phủ" cho "phủ Thành" hoặc "phủ nhà họ Thành" nhiều hơn, bởi thật ra khi chế độ quân chủ còn thì không phải ai cũng có thể ở "phủ".

Được ở "phủ" gần như là một loại đặc quyền cho những người có địa vị cao, ở giai cấp cao.

Hồi đầu chúng ta cũng biết nhà họ Thành là hoàng thân quốc thích rồi đúng không ^^
Cha Thẩm Tử Thiện cũng là quan chức lớn trong bộ máy chính trị mới, nhưng mình nghĩ có thể họ ở nhà Tây và cũng theo văn hóa Tây nhiều nên ít dùng từ "phủ" có hơi hướm phong kiến này mà đa số chỉ dùng "nhà" thôi.
Cách dịch "phủ Thành", "nhà Thẩm" (chỉ nơi ở, địa danh, khác với "nhà họ Thẩm" chỉ gia tộc) thì mình có tham khảo từ cách dịch "vườn Thẩm" trong sách vở.

Đây là 1 địa danh khá nổi tiếng ở Trung Quốc, ban đầu là vườn trong tư gia nhà họ Thẩm, sau này được phát triển thành 1 địa điểm du lịch.

Bạn đọc có hứng thú có thể đọc giai thoại Lục Du, Đường Uyển và những kỉ niệm, thơ từ họ để lại ở vườn Thẩm nhé ^^
4.

Bánh gạo nếp cuộn nhân đậu ngọt bản gốc là 驴打滚, bánh bột mì nướng bản gốc là 火烧, mình dịch thoát ý theo nguyên liệu và cách làm trên baidu cho dễ hiểu.

Còn kẹo đường gốc là 糖人, nghĩa đen là kẹo đường hình người, nhưng thật ra kẹo đường người ta làm được 7749 hình thù, muốn rồng có rồng muốn phượng có phượng, tất cả vẫn gọi là 糖人 hết, nên mình cũng dịch thoát ý.
5.

Thành Bích mặc áo màu vàng nhạt (浅黄).

Cái này mình nhớ mang máng thôi chứ chưa tra lại, nói chung thì có thể màu vàng cấm kỵ mà người ta hay nói là màu vàng sáng (明黄), các sắc độ khác của màu vàng thì có thể du di.

Tra sách vở hơi mất thời gian, baidu thì mỗi người nói một kiểu nên mình không chắc, bao giờ chắc mình sẽ quay lại bổ sung ^^
6.

Chữ "Bích" trong Thành Bích là 璧, nghĩa là ngọc bích.

Chữ 璧 có bộ Ngọc (玉), trong tên anh chị em nhà họ Thành đều có bộ này.

Mấy chương cuối có nhắc đến nhân vật Thành Ngọc (钰) là em gái của Thành Bích, tên bạn ấy cũng được đặt theo bộ Ngọc..


Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK