“Tiểu tử cậu thế nào buổi trưa rồi còn chưa rời giường? Lâu như vậy mới nghe điện thoại, thật nhẫn tâm nha.”
Nghe thấy giọng tôi có lẽ em cũng thanh tỉnh vài phần.
“Hạo Nhiên sao? Tôi cứ chờ điện thoại của cậu mãi.”
Là vậy sao? Tôi méo miệng, hóa ra mình mới là kẻ nhẫn tâm, vội chuyển đề tài.
“Cậu thế nào? Sao không đi đâu chơi mà ở nhà ngủ vậy?”
“Đi chơi? Chơi với ai? Chơi gì?”
Tôi không biết nói gì, lại hỏi: “Ba mẹ cậu đâu?”
“Bọn họ đi du lịch rồi, tôi ở nhà một mình.”
“Trời, ba mẹ cậu thật nhẫn tâm nha. Như thế nào mới đầu năm đã để cậu ở nhà một mình, đi du lịch cũng không mang cậu theo.”
“Tôi không khỏe mà, đi lại không tiện.”
Ngẫm lại cũng đúng, thân thể em thật tệ quá, làm gì cũng phải đắn đo. Lại nói chuyện phiếm một hồi, tôi cúp máy.
Mẹ tôi ngồi một bên hỏi: “Tôn Dập? Nó ở nhà một mình sao?”
“Đúng vậy, cậu ấy sức khỏe rất kém, ba mẹ cậu ấy đi du lịch rồi, cậu ấy ở nhà một mình, còn đang ngủ.”
Mẹ lộ ra vẻ khó tin, lại hỏi: “Thật hả? Sao có thể như thế? Đứa nhỏ thật đáng thương, hay con đến nhà cậu ấy đi? Thân thể như vậy ở một mình đâu có ổn?”
“Tôn Dập cũng không phải ở sát vách nhà mình a, làm sao muốn ở cùng là ở cùng được ngay.” Tôi cười.
“Liên quan gì, hay bảo nó chuẩn bị hành lí rồi đi xe lửa tới đi, đến ngày quay lại trường thì hai đứa cùng đi luôn. Mà tới trường chẳng phải sẽ đi qua nhà mình sao.”
Tôi nghĩ như vậy cũng tốt, lại hai ngày nữa trôi qua, ở nhà một mình thật nhàm chán, tôi lại gọi điện thoại nói chuyện với em. Chuyện kia em có chút do dự, nói rằng tối nay khi ba mẹ về sẽ thử hỏi ý kiến.
Ba mẹ em cũng không phản đối, buổi chiều hai ngày sau đó tôi ra sân ga đón em. Đứng ở trạm chờ thật lâu đã nhìn thấy bóng dáng em từ phía xa, thân hình cao một mét tám tám ấy không khó nhận giữa náo nhiệt những người là người.Gần một tháng không gặp trông em không hề đổi khác, trên thân vẫn khoác một chiếc áo lông to xụ, nét mặt có chút tái nhợt, đại khái là vì đi xe đường dài cho nên không tránh khỏi mệt mỏi. Em đứng đó, hai mắt vô thần, tìm kiếm tôi. Tôi mỉm cười đi đến, vỗ vai em, đờ đẫn nhìn tôi trong thoáng chốc, em nở nụ cười. Mặc dù trông em khi đó thực mệt mỏi mà mỉm cười nhìn tôi, nhưng là không khỏi cảm thấy ấm áp, nhất thời không biết nói gì…
Tối hôm đó nhà tôi ăn rất nhiều món, vốn dĩ trong nhà còn rất nhiều đồ ăn chuẩn bị cho Tết, Tết cũng không thể ăn hết nhiều vậy được. Qua kĩ thuật nấu nướng tuyệt vời của mẹ cùng với tay nghề làm mấy món ăn nhẹ của ba, một bàn ăn đầy màu sắc được dọn ra. Tiếc là tôi gần đây ăn quá nhiều đồ, bây giờ nhìn thấy cũng chẳng động tâm.
Tôn Dập kinh ngạc nhìn thức ăn bày biện trên bàn, lại tới giúp mẹ tôi chuẩn bị chén bát, nói bà thật khách khí.
Tôi khi ấy đang vắt vẻo nằm trên sofa, cười tươi bảo em, “Như này đã là gì, mấy ngày nay tôi mỗi ngày đều ăn nhiều những đồ ăn như thế, đến mức mập lên này.”
Em nhìn tôi một chút, sau đó bảo: “Ừ, mập lên thật.”
Mẹ tôi yêu mến em vô cùng, vì thế mà toàn khen ngợi em, lại dìm tôi xuống. Bà nói tôi thời gian này ở nhà hết ăn lại nằm, việc gì cũng không phải động tay động chân, cho nên mới mập ra như thế. Tôi đương nhiên không phục, lại gào lên, nói ai cả ngày dòng đi theo mẹ xách đồ, Tôn Dập mới giúp mẹ lấy chén bát đã khen nhiều như thế, lòng tôi thực ủy khuất đi…
Mẹ lườm tôi một cái, bảo sắp đến bữa cơm, hay là còn phải đút cơm cho tôi nữa? Em nghe xong liền cười trộm. Trước lúc tôi vào, ba đã ngồi trước ở bàn ăn, đọc báo và nhấm nháp li rượu. Bốn người chúng tôi quây quần bên bàn ăn, ăn uống, nói chuyện rất vui vẻ.
Nhà tôi không giàu có gì, ba mẹ đều là công nhân viên chức, cuộc sống cũng đủ để cung cấp cho sinh viên ăn học như tôi. Ngôi nhà chúng tôi ở cũng không lớn, một phòng khách nhỏ, liền kề là một phòng ăn, có hai phòng ngủ và một phòng đọc. Không gian cũng không rộng nhưng được bố trí vẫn tốt. Buổi tối, dĩ nhiên em ngủ cùng tôi.
Trên bàn học vẫn còn bày mấy cuốn ảnh mà hai ngày trước đứa em họ tôi đến chơi và lấy ra xem, tôi lười cất đi, nên nó để đâu thì vẫn cứ ở nguyên đó. Tôn Dập sau khi tắm xong, vừa lau tóc vừa bước tới, tiện thể ngồi xem một chút.Mở ra, bên trong đa phần đều là ảnh tôi khi còn nhỏ, có một ít chụp cùng ba mẹ, lại một ít chụp cùng người thân khác. Em vừa xem vừa cười thật vui vẻ, cứ thấy tấm ảnh nào thú vị sẽ lại chỉ cho tôi, còn nói rằng “Nhà cậu thật tốt, ăn cơm chiều cũng vui như vậy, đúng là chụp ảnh gia đình a.”
“Gia đình nào mà chẳng có ảnh gia đình. Nhà cậu không sao?”
“Có lẽ cũng từng.” Em nói.
Giọng em thật nhỏ, tôi nghe cũng không rõ, mông lung nhìn em, sau đó em cũng quay qua nhìn tôi, do dự lấy trong ba lô ra chiếc ví, rồi lại từ trong ví lấy ra một ảnh chụp cũ kĩ. Trong ảnh là một phụ nữ xinh đẹp đang ôm một đứa bé, khung cảnh là ở một công viên nào đó, hai người đều cười rất xán lạn.
Tôn Dập cúi đầu chăm chú nhìn tấm ảnh, tóc mái vương trước trán che đi đôi mắt nên tôi chẳng thấy được đôi mắt ấy đang nghĩ gì.
“Tôi chụp ảnh không nhiều lắm. Đây là mẹ tôi.”
Qủa thực em không nói thì tôi cũng biết, đôi mắt hai người trông rất giống nhau, còn có khóe miệng khi cười thì hơi nhếch lên, nhìn có chút nghịch ngợm, tạo thành một đường nét hoàn hảo… Mà tôi cũng chưa một lần nhìn thấy ảnh chụp của em bao giờ, nên không biết rằng em cũng có lúc cười rạng rỡ như thế. Nụ cười của em hiện tại không phải không vui, chỉ là trầm mặc hơn rất nhiều.
Nét mặt em tràn đầy sự thương yêu, nhìn tấm ảnh, nói.
“Mẹ tôi thực sự rất đẹp, đáng tiếc năm tôi lên tám thì bà qua đời. Mẹ trông đau đớn như thế nào, có lẽ đời này tôi sẽ không bao giờ quên được.”
Tôi giật mình, đây là lần đầu tiên nghe em kể về gia đình.
“Có chuyện gì sao? Chẳng phải ba mẹ cậu bây giờ…”
“Đó là mẹ kế. Sau khi mẹ mất được một năm, ba tôi đi bước nữa. Cũng đã có một đứa con trai.” Cất đi tấm ảnh, em bình thản trả lời.
Tôi kinh ngạc không nói nên lời, em hóa ra còn có một đứa em trai. Em thật là thâm tàng bất lộ, vẫn nghĩ em luôn cất giấu điều gì đó trong lòng, cũng rất ít khi nhắc tới người nhà, càng ít khi gọi điện về nhà, thật không nghĩ tới gia cảnh em là như vậy.
Đờ đẫn ngồi ở mép giường, em thu thập các thứ xong xuôi liền trèo lên giường.
“Này, thảm điện đâu?”
Tôi cũng chui vào chăn theo. “Tôi không dùng.”
Em lại cười. “Ừ, cậu đúng là thanh niên khỏe mạnh, trong phòng tôi có bật lò sưởi nhưng cũng không ấm bằng chăn cậu ủ cho.”
“Sau trở lại trường tôi lại ủ chăn cho cậu là được chứ gì.”
Tôi đáp. Em lại cứ thế quấn lấy người tôi, bướng bỉnh nói một câu. “Cùng lắm thì mùa hè tôi cho cậu ôm, thân nhiệt tôi luôn thấp.”
Có lẽ vì vừa tắm xong nên cơ thể em cũng không lạnh đến mức khiến tôi dựng tóc gáy, da thịt kề cận với nhau cảm giác thật thoải mái, dần dần em cũng đi vào giấc ngủ. Từng đợt hơi thở nhẹ nhàng phả vào cổ tôi, bao quanh là mùi hương dễ chịu từ cơ thể em. Chỉ là tâm tư tôi lúc đó không nhè nhẹ như vậy. Đó là lần đầu tiên nghe em tâm sự, tuy là không nhiều, nhưng cũng đủ để giải thích vì sao trông em lại khác hẳn với những bạn học cùng trang lứa như thế. Vẻ ngoài trầm mặc, thậm chí là lạnh lùng ấy chẳng phải vì em kiêu ngạo, chẳng phải em có bề ngoài đẹp đẽ, chẳng phải em có thông minh, có thành tích học tập xuất sắc. Tất cả, chỉ là em tự mình khép chặt bản thân mà thôi. Quen em lâu, đối với em hiểu càng nhiều, mới thấy được đằng sau vẻ ngoài anh tuấn mê hoặc không biết bao nhiêu người ấy, lại là một con người tịch mịch, cô đơn và thống khổ biết nhường nào.
Ngày hôm sau tôi đem Tôn Dập đi dạo, thành phố tôi sinh ra cũng ngày càng phát triển lớn mạnh hơn, nơi nào cũng được trùng tu, xây dựng, thực sự cũng chẳng có chỗ nào để chơi. Chí ít thì có hai người vẫn hơn một mình tôi buồn chán. Đối với chuyện của em, tôi vẫn rất hiếu kì, chỉ là không biết nên mở miệng thế nào cho phải, đành nghẹn lại nơi cổ họng.
Đến giờ đi ngủ mà tôi vẫn thấy đôi mắt em không có ý gì muốn ngủ, tôi chần chừ sau vẫn mở miệng hỏi: “Này…Tôn Dập…em trai cậu, bao nhiêu tuổi rồi."
Em nhìn tôi, chớp nhẹ mắt. “Nó ra đời năm tôi mười tuổi. Bây giờ là chín.”
Tôi lại hỏi: “Vậy nó theo ba mẹ đi du lịch sao?”
Em vùi mình trong chăn rầu rĩ ừ một tiếng. Mỗi khi nhắc tới gia đình em lại như vậy, không mang theo chút tình cảm nào, nhìn cũng không ra sự lo lắng nào, thậm chí một chút bất mãn cũng không. Chỉ có khi đó, em lấy ra ảnh chụp của mẹ, tôi mới thấy tình cảm gia đình trong em. Thứ tình cảm phức tạp, hỗn độn, tiếc nuối có, quyến luyến có, hoài niệm cũng có, nhưng phần đa, là chết lặng. Một hồi lâu, tôi lại lên tiếng trước.
“Này, cậu đối với người mẹ bây giờ thế nào…?”
Em nhìn lung tung một lát, cuối cùng cũng bảo “Bình thường, chí ít cũng vẫn để ba cho tôi tiền tiêu.”
Tôi nói: “Trước đây không phải cả nhà vẫn sống với nhau sao?”
Em lắc đầu, “Tôi trước đây ở lại trường học, nếu không thì cũng là bệnh viện. Sau ra viện thì ba đưa đến viện điều dưỡng, đều phải chăm lo cho em nhỏ, không có thời gian cho tôi.”
“Là vậy à.” Tôi nói. “Vậy hẳn là ba cậu cũng có nhiều tiền đi? Tôi nghe nói ở trong viện điều dưỡng phải trả phí rất cao.”
“Cứ coi là vậy đi, ông ấy có công ti riêng, làm ăn cũng không tệ.”
Sau đó còn nói chuyện gì nữa tôi đều không nhớ, đêm đó chúng tôi nói chuyện rất khuya. Về phần mẹ kế của em, tuy rằng như em nói thì không phải người xấu, nhưng nghĩ lại thời điểm lúc mới gặp em, bên người chỉ có túi hành lí nhỏ đến đáng thương, khẳng định là tự mình chuẩn bị tất. Cũng vì thế mà cái gì cũng không đầy đủ, hơi một tí lại phải đi mua. Ở chung một mái nhà, với danh nghĩa là “mẹ”, không biết người đó có bao nhiêu yêu thương dành cho em? Em lại có thể thản nhiên mà nói, nếu không ở trường thì cũng là bệnh viện. Em lại từng phẫu thuật nhiều như vậy, ba em khẳng định là không có thời gian chăm lo cho em, cũng chưa từng nghe em nói về ông bà. Trong quãng thời gian em đau như vậy, ai là người ở bên em, bảo vệ cho em? Hay là tấm ảnh cũ của mẹ em? Càng nghĩ lại càng thấy thương em vô hạn, bên ngoài lạnh lùng đến thế, cởi bỏ đi lớp vỏ bọc bên ngoài, kì thực là những vết thương thấu tận tâm can.