Hôm ấy Dương Hoa bảo chàng đợi nàng, nhưng mãi về sau vẫn chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Tuy vậy, huyện lệnh cũng chẳng mấy để tâm. Tới thành Lệ đã ba tháng, huyện lệnh không còn cờ bạc khắp hang cùng ngõ hẻm với mọi người nữa. Chủ yếu là vì những kẻ chơi chung thấy chàng thắng hoài nên tị, dần dà họ thôi không đánh cuộc với chàng. Cho nên huyện lệnh lại tiếp tục công việc xây dựng trường học của chàng.
Trường học nọ được xây ngay bên phải tòa nhà tri phủ. Ngày ngày ai ai cũng nghe thấy tiếng giảng những đạo lý lớn như “Minh đức chí thiện”. Huyện lệnh đích thân dạy học, chàng đọc câu nào, đám học trò nhắc lại câu đấy tròn vành rõ chữ, vô cùng nghiêm túc.
(Minh đức chí thiện: đạo lý thuộc sách Đại Học. Sách Đại học đã nói đến bản thân con người và sứ mệnh của con người trong trần gian như sau: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.” Dịch: Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện (vô cùng hoàn thiện). Link tìm hiểu.)
Tới những ngày cuối năm cũ đầu năm mới, thành Lệ yên ắng hơn rất nhiều. Mọi người không còn ra ngoài mua bán nữa, mà ở nhà chuẩn bị những việc trong Tết. Thành Lệ là nơi đặt chân của đông đảo thương nhân, họ đến từ năm châu bốn bể, nên tập tục ăn tết cũng khác nhau.
Có người đã nấu xong cháo ngũ vị cho lễ Laba mồng 8 tháng Chạp từ sớm, có kẻ giết gà béo làm tiệc, có người lại thích ăn thịt khô lạp xưởng; có kẻ đi hội chùa, dạo phố hoa, đốt pháo, vô cùng ung dung, có người lại vội vàng đưa gia đình lên núi tế tổ. Tóm lại, mỗi nhà có một kiểu riêng.
(Mùng 8/12 Âm Lịch là lễ Laba (Lạp Bát) của người Trung Quốc. Theo tiếng Trung Quốc, từ “lạp” mang ba nghĩa: Một là tiếp nối, có hàm nghĩa là sự chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới; hai là từ đồng nghĩa với từ “săn” tức là săn bắn động vật hoang dã, chim, gà rừng dùng để cúng tổ tiên và tế thần; và nghĩa thứ ba là xua ma quỷ trừ tà. Vào ngày này họ hay ăn cháo Laba. Link tìm hiểu.)
Nhưng tòa nhà tri phủ lại chẳng có gì, chỉ dán câu đối đo đỏ ngoài cửa, có thể miêu tả bằng từ lạnh lẽo cô quạnh.
Huyện lệnh cũng không ra ngoài, chàng chỉ nằm bên bếp lò suốt ngày, ôm một quyển sách cũ mèm.
Cậu sai vặt đứng kế bên chốc chốc lại thêm than vào lò, thi thoảng xen lời: “Huyện lệnh, nên lật qua trang mới rồi ạ”. Ngài ấy đã nhìn mặt giấy chỉ có ba hàng chữ kia chằm chằm suốt hơn một canh giờ.
“…” Huyện lệnh lạnh mặt, ném quyển sách qua một bên, nhìn cậu ta, hỏi, “Ngươi có biết chỗ nào thú vị không?”
Cậu sai vặt ngẫm ngợi một lát rồi thưa: “Đi hội chùa ạ, cầu phúc cho năm mới.” Khẩn cầu hoàng đế mau ra chiếu gọi đại nhân nhà cậu ta về kinh đi.
Chàng ngồi bất động, không hề đáp lời. Chàng không muốn đi.
“Ngài đi cầu cho bá tánh ở thành Lệ bình an khoẻ mạnh, năm sau mưa thuận gió hoà, kiếm được tất cả tiền tài của thiên hạ đi ạ.” Cậu sai vặt nói đầy vẻ bất đắc dĩ.
Huyện lệnh nghe thế là vui ngay, hài lòng gật đầu, “Không tồi không tồi, đi thôi.” Chàng vỗ vỗ vai cậu ta, đứng dậy đi ngay.
Đường đến hội chùa rất lầy lội, đất trộn mưa dầm mấy bữa qua. Hạt mưa dính trên những chiếc đèn lồng treo ngoài đường, khiến chuỗi sáng đỏ kia lộng lẫy sạch sẽ lạ thường, nhuộm màu nhung ấm áp cho cái Tết năm nay.
Đường sá cũng không đông đúc, dầu gì mưa chỉ vừa mới tạnh, chẳng ai lại muốn quấy nhiễu sự thanh bình của vạn vật.
Chùa miếu hoang vu vắng lặng, không một bóng người. Đống lá rụng từ đầu Thu chất đầy khoảng sân, không ai quét dọn, quả thực còn quạnh quẽ hơn cả cái phủ xoàng xĩnh của chàng.
Bái Phật phải xem giờ lành ngày tốt, người ở thành Lệ thường đến chùa vào Mùng 1 tháng Giêng, họ đã tới quá sớm.
Huyện lệnh đạp lên lá khô, phá vỡ sự tĩnh lặng của ngôi chùa.
Có tiếng động, mới có người ra chào.
Huyện lệnh ngẩng đầu lên, thấy một người uyển chuyển đi ra từ đằng sau cánh cửa. Nàng đang cầm ống quẻ, tà váy đỏ mỏng tang. Nàng khoác áo choàng bông mềm bên ngoài, nhẹ nhàng bước tới trước mặt chàng.
Mặt nàng không điểm son thoa phấn gì, da trắng như tuyết, môi hồng ưng ửng. Nàng cười với chàng, “Huyện lệnh tới cầu phúc ạ?”
Chàng ngỡ ngàng lên tiếng, “Đúng vậy.” Đoạn hỏi ngược lại, “Nàng là người canh chùa à?”
Nàng đi lên trước dẫn đường cho chàng, “Ngôi chùa này chẳng có ai canh bao giờ, thi thoảng em mới tới thôi.”
Chàng đốt hương, vái bức tượng Phật phủ đầy bụi bặm kia ba vái. Chàng nhắm hai mắt, mười ngón chụm vào nhau, vừa yên tĩnh vừa thành kính.
Dương Hoa thấy chàng quỳ xuống, dập đầu, lòng bỗng xao động. Nàng những tưởng trên đời chẳng ai trị nổi chàng, hóa ra Phật lại trị được chàng. Có lẽ dù không dốc lòng hướng Phật, cũng không phải tín đồ, nhưng chàng vẫn kính sợ.
Khi chàng đứng dậy, Dương Hoa lắc lắc ống trúc trong tay, bảo chàng rút một que.
Bốn chữ “Cầu được ước thấy” nhỏ nhắn xinh xẻo, đẹp đẽ thanh nhã được khắc trên đầu quẻ bói.
“Quẻ này tốt đấy”, ngón tay mảnh khảnh trắng muốt của chàng nhẹ nhàng cọ qua bốn chữ kia.
Dương Hoa nhìn lướt qua quẻ của chàng, rồi quay sang hỏi cậu sai vặt đang đứng ngoài cửa, “Đằng ấy cũng rút một quẻ chứ?”
“Thôi ạ”, cậu sai vặt xua tay từ chối, đoạn quan sát hai người một lát rồi biết điều bỏ đi.
Dương Hoa vươn tay kêu chàng trả quẻ lại, cười nói: “Quẻ này không theo người đâu.”
“Huyện lệnh ước ao điều gì thế?” Nàng vô cùng tò mò.
“Tất nhiên là cầu phúc cho bá tánh rồi.” Chàng đáp rất đường hoàng.
“Em còn tưởng ngài tới cầu thăng quan rời khỏi chỗ này cơ.” Giọng điệu của Dương Hoa phỉnh phờ, lời lẽ nhuốm màu mỉa mai.
“Đấy, thế mà quên khuấy mất.”
Dương Hoa không thích kiểu làm bộ làm tịch của chàng, nhưng cũng không cáu gắt với chàng. Nàng để ống trúc lên giá cắm nến, cầm lấy cái chổi đằng sau cánh cửa.
Huyện lệnh thấy vậy, bèn cướp cây chổi từ tay nàng, nhiệt tình nói: “Để ta.”
Dương Hoa khoanh tay trước ngực, không nói gì cả.
Nàng ngồi trên bậc thang trước tượng Phật nhìn chàng. Chổi chạm đất, phát ra tiếng sàn sạt. Chàng chất lá vụn thành một đống dưới gốc cây, những vệt nước còn chưa khô lưu lại trên mặt đất.
Trước cửa Phật không nắng cũng chẳng gió, tiếng sàn sạt kia tựa như quyển kinh Phật mà ngày xưa mẹ nàng hay niệm hoài. Ngày ấy mẹ nàng quỳ gối trước Phật, Dương Hoa đứng bên cạnh bà, cha nàng quét rác trong sân. Hồi đó mẹ nàng ho khan mãi, khi bà ho nặng quá, cha nàng sẽ vứt chổi chạy tới.
Giống như bây giờ, một bóng người cao lớn cản tầm mắt nàng.
Chàng hỏi, “Dương chưởng quầy là người tín Phật à?”
“Không ạ”, Dương Hoa định thần lại nhìn chàng. Ánh nắng trên đầu chàng hơi chói, nàng không thấy rõ mặt chàng.
Nàng không tin Phật, Phật chưa từng cứu người mẹ mắc bệnh nặng của nàng.
Chàng cất chổi tử tế xong thì định bụng rời đi. Dương Hoa đóng cửa lại về theo chàng.
Hôm nay nàng lạnh nhạt hơn thường ngày, không khoa trương như mọi khi. Điều ấy khiến chàng hơi ngạc nhiên. Trong suy nghĩ của chàng, đúng ra ngày tư ngày Tết phải vui vẻ hơn mới phải.
Họ đi một trước một sau. Mưa đã tạnh được một lát, đường đông hơn hẳn, kha khá sạp hàng đang được bày biện.
“Huyện lệnh tên là gì?” Nàng bỗng dưng thốt lên một câu. Chàng đi đằng trước nghe không rõ lắm, nên bước chậm lại hỏi nàng, “Cái gì?”
“Em hỏi tên huyện lệnh đó, ngài tên là gì?”
“Lục Việt, tự Hồi Chi.” Chàng đáp khẽ.
(Tên Tự: hay tên chữ, gọi tắt là tự, là phép đặt tên cho người trưởng thành theo quan niệm Nho giáo. Tên tự của Lục Việt có nghĩa là quay về.)
Dương Hoa ngẩn người, giọng chàng tuy sạn, nhưng tiếng lại trong. Khi chàng lặng yên, trông chàng tựa một công tử dịu dàng khiêm tốn.
“Biết tên, thì xem bói được à?” Chàng hỏi.
Nàng nghe thế, bỗng cười, “Tính nhân duyên, xem tiền đồ, bói may rủi, hoặc là giải mộng, Lục đại nhân muốn xem gì?”
“Ô? Thiên cơ đến rồi à?” Chàng kinh ngạc nói, tỏ vẻ cao thâm khó dò.
Dương Hoa gật đầu, “Dạ.”
Nhưng Lục Việt lại chưa nghĩ ra nên bói gì, chàng đi một đoạn rồi mới cất tiếng, “Để lần sau vậy.”
Ánh nắng nhạt dần, trời mỗi lúc một lạnh hơn. Cơn gió rì rào làm người ta rét run cầm cập.
Ngôi chùa nằm ngoài ngoại ô thành Lệ, chỉ có một con đường duy nhất. Lúc về họ phải đi chung thật lâu thì mới tới chỗ chia tay ở góc đường.
“Kìa! Hoa Nhỏ ơi, ăn kẹo hồ lô không?” Một ông cụ mặt hồng hào hô to.
Ông cụ đi về phía Dương Hoa, cụ bước rất khó khăn, nhưng nét mặt lại vô cùng vui vẻ.
“Ấy ——” Dương Hoa chạy tới dìu cụ.
Ông cụ nhìn thấy Lục Việt ở bên cạnh nàng, cau mày, “Ơ… Chỉ còn một cái thôi.”
Lục Việt còn chưa nói gì, Dương Hoa đã giành cây kẹo hồ lô trước, “Không sao ạ! Ngài ấy không cần đâu.”
Lục Việt đành phải gật đầu cười.
“Cảm ơn thúc bá ạ.” Dương Hoa nháy mắt với cụ, nói giọng nghịch ngợm. Ông cụ nhìn Dương Hoa, rồi nhìn Lục Việt, buông tiếng thở dài, muốn nói lại thôi. Cụ chỉ bảo “Năm mới vui vẻ” rồi bỏ đi.
(Thúc bá/chú bác: chỉ quan hệ giữa anh em họ cùng ông hoặc cùng cố, hoặc là một cách xưng hô của quý tộc ở thời Xuân Thu.)
Cuối cùng họ cũng đi tới đầu một con hẻm, Dương Hoa cúi đầu chắp tay thi lễ, Lục Việt để tay sau lưng nhìn nàng. Ánh đèn đường đo đỏ đong đưa hắt lên mặt nàng.
Chàng bỗng nhiên thấy nàng ngẩng đầu nhìn mình. Khi đôi mắt chạm nhau, nàng nói: “Lục đại nhân đừng nên tổ chức trường học vô dụng ấy nữa thì hơn.”
Ánh mắt của nàng vô cùng chân thành tha thiết, nhưng lời nói lại không vương chút tình cảm.
Chàng hỏi, “Vì sao?”
Dương Hoa đứng thẳng dậy, cười khẩy, “Sau này Lục đại nhân muốn có người bầu bạn thì cứ tới tìm em, hà tất phải bắt tụi con nít chịu khổ.”
Lục Việt đứng tại chỗ không nói lời nào, mặt tỏ vẻ không vui.
Dương Hoa nói xong thì bỏ đi, dáng uyển chuyển thanh nhã.
Nàng cắn một miếng kẹo hồ lô, chua ngọt ngon miệng, nhớ tới đôi môi mím chặt trên gương mặt tuấn tú điển trai kia. Khi nàng nói toạc ra, mặt chàng đột nhiên quay về vẻ hung dữ.
Đúng vậy, Dương Hoa luôn cảm thấy chàng rất dữ, dù chàng thoải mái hiền hòa với người khác, nhưng vẫn không giấu nổi sự cao ngạo từ trong xương tủy. Không chỉ mình Dương Hoa thấy thế, mà toàn bộ dân trong thành Lệ đều nhận ra được. Chàng có khí chất khác thường, tuy hành động hơi phóng đãng, nhưng thực ra lại cực kỳ giữ lễ, vừa nhìn đã biết là người xuất thân từ gia đình quý tộc bề thế. Có lẽ những kẻ thân thiết với chàng trong thành Lệ cũng không khỏi mang tâm lý bấu víu. Dầu gì, dân buôn bán luôn hám lợi, mặc cho chàng đã sa cơ lỡ vận tới nỗi phải tới đây.
Nàng vốn không phải là phường tọc mạch, cũng không hề có ác ý, nàng chỉ không muốn chàng biến thành một tên tiểu nhân giả nhân giả nghĩa như thế thôi.