*(xã hội học) Người quan trọng (người thân, bạn bè...)
*(tiếng Anh - Mỹ) Vợ hoặc chồng, người yêu (viết tắt: SO) Far
*(cự ly) xa, cách xa
Từ điển Anh - Nhật Progressive, NXB Shogakukan, tái bản lần thứ ba.
Tôi đang học tiểu học và chẳng mấy chốc sẽ lên trung học cơ sở, không còn bé nữa. Tình trạng kỳ bí khi đó đã có thể được nhìn nhận lại dưới góc độ hoàn toàn khác. Ngày ấy tôi mới chỉ là đứa bé đang đi nhà trẻ, rất dễ bất an với mọi thứ. Mọi người đều cao hơn tôi, khi nói chuyện với họ, tôi phải ngẩng đầu lên, và mỗi khi người lớn chống nạnh tỏ ra ngán ngẩm thì tôi lại lo lắng: hay là mình làm gì sai? Cho nên, tôi có giải thích thế nào với người lớn cũng vô hiệu.
Hồi xưa tôi luôn có cảm giác thứ gì đó đang tồn tại dưới gầm giường tối đen. Tôi cảm thấy mình chỉ cần nói một câu “Đổ xuống?” là cây bút chị đang đựng đứng sẽ đổ ngay, chẳng cần đụng ngón tay vào nó. Hầu hết toàn là chuyện hư cấu nhưng không phải hoàn toàn không xảy ra. Tôi rất thích khoa học nhưng tôi nghĩ thế giới này vẫn còn những sự việc mà khoa học không thể giải thích được.
Những chuyện đó xảy ra khi tôi còn đi nhà trẻ. Vài chi tiết hơi mơ hồ, nhưng một là tôi đã cố nhớ lại nhiều lần, hai là rất nhiều người từng hỏi thăm nên mọi thứ trở nên tương đối rõ rệt.
Tôi sống cùng cha mẹ ở tầng hai của một khu chung cư. Tòa nhà xây trên một quả đồi nhỏ, tôi rất thích đứng bên cửa sổ ngắm nhìn quang cảnh thành phố với những chuyến tàu điện chạy qua chạy lại giữa những tòa nhà san sát.
Ngoài phòng khách và bếp, nhà tôi còn có hai gian phòng nữa. Trên tường có một bức tranh tôi vẽ cha, có mũ và túi đi nhà trẻ.
Tôi rất yêu cha mẹ. Cả nhà ba người chúng tôi thường cùng nhau chơi babanuki(2), vì tôi chỉ biết chơi mỗi trò đó. Chiếc bàn trong bếp là để ăn cơm, còn xô pha trong phòng khách là để cùng ngồi trò chuyện.
(2) Trò chơi bài dành cho 2 đến 9 người, sử dụng tú lơ khơ bao gồm cả lá Joker. Bài sẽ được chia đều cho mọi người, tất cả lần lượt rút bài của nhau theo vòng tròn để ghép đôi các quân bài. Sau cùng, người còn giữ lại lá Joker trong bài sẽ là người thua cuộc.
Đối với tôi, bộ ghế xô pha màu ghi này là đồ dùng quan trọng nhất của gia đình. Tôi hay ngồi đó xem ti vi, đọc sách, thi thoảng còn ngủ gật nữa. Bộ ghế êm ái mềm mại ấy giữ cho gia đình tôi luôn đầm ấm.
Lúc nào tôi cũng ngồi giữa ghế dài.
Mẹ ngồi bên trái, ngay gần bếp. Mỗi khi tôi hay cha tôi muốn uống gì, mẹ sẽ lập tức đứng dậy, loẹt quẹt bước vào bếp bằng đôi dép lê rồi đem ra nào bia, nào nước quả...
Cha tôi vốn sợ nóng nên ngồi bên phải tôi, chỗ này dễ chịu vì gần điều hòa lại còn xem ti vi rất rõ.
Tôi tung tăng bước đến bên xô pha rồi ngồi lên, huyên thuyên với cha mẹ những chuyện ở nhà trẻ. Tôi ngồi giữa nên dễ dàng nhìn thấy vẻ mặt tươi cười của cha mẹ.
Tôi không rõ chuyện bắt đầu từ khi nào, nhưng khi tôi nhận ra thì mọi thứ đã đi quá xa rồi.
Lúc đó tôi và cha tôi đang ngồi xem tivi trên xô pha ở phòng khách. Cha tôi
đăm chiêu, cong lưng xuống tì cằm lên hai bàn tay đan vào nhau.
Tivi đang chiếu chương trình “Những hiện tượng bí ẩn”, tôi biết chương trình này rất đáng sợ nhưng lần nào tôi cũng xem. Kỳ này là chuyện của một người đã chết vì tai nạn giao thông nhưng không nhận ra mình đã chết, cứ thế trở về nhà.
Mẹ đẩy cửa bước vào phòng khách mặt đăm chiêu hệt như cha. “Kìa, con xem tivi một mình à?”
Mẹ hỏi tôi. Vì giọng của bà vẫn như bình thường nên tôi không chú ý mấy.
Nhưng đúng là mẹ đã nói “một mình”?
Chuyện gì thế? Tôi liền nhìn sang cha, chắc ông sẽ rất bực bội khi bỗng dưng bị lãng quên, nhưng dường như cha không biết mẹ đã bước vào phòng khách.
“Quái nhỉ? Con nhìn không khí à? Con làm sao vậy?” Mẹ ngơ ngác hỏi khiến tôi chợt bất an.
Lát sau cha lặng lẽ đứng dậy rồi bước ra ngoài, không hề ngoảnh nhìn tôi và mẹ. Sao lại kì lạ như vậy? Thấy bộ mặt mếu máo của tôi, mẹ bèn lấy bộ tú lơ khơ ra rồi mỉm cười, “Mẹ con mình chơi babanuki nhé.” Tôi chẳng yên tâm chút nào nhưng mẹ đã cười thì chắc thì chắc là không có chuyện gì đâu.
Tôi chơi với mẹ được một lúc thì cha lại bước vào phòng khách. “Sao con lại chơi tú lơ khơ một mình?”
Cha vẫy tay với tôi.
“Hôm nay mình sẽ ra ngoài ăn cơm.”
Tôi tuột khỏi xô pha chạy đến bên cha, lúc ngoảnh lại thì thấy mẹ vẫn đang cầm mấy quân bài, ánh mắt như muốn hỏi “Con đi đâu thế?”
Hóa ra mẹ không đi cùng cha con tôi. Tôi ra khỏi phòng, cha liền tắt đèn rồi đóng xịch cửa lại, mặc kệ mẹ vẫn ngồi trong đó.
Vừa ngồi trong quán ăn gia đình, tôi vừa lo cho mẹ đang ở nhà một mình.
“Kể từ giờ sẽ vất vả đây.” Cha tôi lẩm bẩm.
Bữa cơm tối hôm sau rất kì lạ. Mẹ chỉ chuẩn bị cơm nước cho hai mẹ con, bát đũa trên bàn chỉ dành cho hai người.
Còn cha thì ra cửa tiệm mua cơm hộp về, cứ như không nhìn thấy đồ ăn mẹ nấu. Ông mua cho cả tôi và ông, đặt lên bàn trong phòng khách.
Ngồi trong gian bếp, tôi hỏi mẹ:
“Tại sao mẹ không nấu cơm cho cha?” “Gì cơ?”
Mẹ căng thẳng nhìn tôi. Thấy bà tròn mắt ngạc nhiên, tôi phát hoảng: mình đã nói gì sai thì phải, nên vội im bặt.
“Ơ kìa con đang làm gì thế? Muốn ăn hộp cơm nào?”
Tiếng cha từ phòng khách vọng vào. Khi có cả mẹ và tôi, nếu giọng ông cao hơn bình thường thì tôi hiểu rằng ông đang hỏi tôi.
Tôi đi sang phòng khách. Cha tôi đang nới lỏng cà vạt. “Sao mẹ con không có phần?”
Tôi hỏi cha, ông bỗng dừng rồi chăm chú nhìn tôi. Đúng là tôi không nên hỏi câu này.
Để làm yên lòng cả cha lẫn mẹ, tôi phải đi đi lại lại mấy lần giữa gian bếp và phòng khách. Tôi cứ ăn mấy miếng cơm mẹ nấu rồi lại chạy sang phòng khách ăn một chút cơm cha mua.
Cả cơm nhà nấu lẫn cơm hộp mua về tôi đều ăn không hết, vẫn còn lại một nửa nhưng hai người đều không giận tôi. Ăn cơm xong, cả nhà lại ngồi xem ti vi như thường lệ, tôi ngồi giữa ghế dài, mẹ ngồi bên trái, cha ngồi bên phải. Ti vi đang nói về một vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra cách đây mấy hôm, cha mẹ đều lặng lẽ xem.
Nếu là ngày trước thì chúng tôi sẽ nói chuyện rất vui khiến tôi cười như nắc nẻ, nhưng hôm nay cha mẹ yên lặng cả. Phải chăng đã xảy ra chuyện đáng sợ nào đó khiến gia đình tôi không được như xưa? Tôi còn đang cố nghĩ nguyên nhân thì mẹ đã ngoảnh sang nhìn tôi bằng ánh mắt nghiêm nghị.
“Cha con đã chết rồi, từ nay chỉ còn hai mẹ con sống với nhau. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều.”
Tôi không hiểu lời mẹ lắm nhưng giọng bà khiến tôi sợ hãi thật sự. Thấy vẻ hoang mang của tôi, mẹ bèn xoa đầu tôi, mỉm cười, “Mọi chuyện sẽ ổn thôi.”
Lúc này cha ngoảnh sang nhìn tôi, trong mắt ông, mẹ hoàn toàn không tồn tại, ông chỉ chăm chú nhìn vào mắt tôi.
“Con phải sống kiên cường vì mẹ con nữa!”
Lúc này tôi mới ý thức được rằng họ không nhìn thấy nhau. Cha không nhìn thấy mẹ, mẹ không nhìn thấy cha. Tôi tồn tại giữa cha và mẹ, nhưng cả hai người đều cho rằng bên cạnh mình không có người kia.
Qua những lần nói chuyện với cha và mẹ, tôi hiểu rằng - một trong hai người đã chết. Cha cho rằng mẹ đã chết, từ nay ông và tôi sống với nhau. Còn mẹ thì ngược lại, bà cho rằng cha tôi đã chết rồi.
Cho nên, hai người cùng không nhìn thấy nhau, người kia nói gì thì người này đều không nghe thấy. Họ chỉ cùng nhìn thấy đứa con là tôi.
Hồi đó tôi còn chưa nói sõi, không thể diễn tả chính xác cho cha mẹ những gì tôi nhìn thấy. Tôi từng nói mình nhìn thấy cả cha và mẹ, nhưng họ còn chẳng thèm để tâm.
“Cha ở ngay trong phòng kia kìa!”
Khi mẹ đang rửa bát trong bếp, tôi kéo tạp dề của bà và nói cha tôi đang ngồi trong phòng khách. Đúng là cha đang ngồi trên xô pha đọc báo.
“Được rồi, được rồi...”
Thoạt tiên mẹ chỉ khẽ gật đầu. Tôi bèn nhắc lại lần nữa thì mẹ ngồi xổm xuống, khuôn mặt bà ngang tầm khuôn mặt tôi.
“Mẹ biết con buồn lắm.”
Giọng nói nghiêm túc và lo âu của bà khiến tôi cảm thấy cái đầu mình có vấn đề, xem ra tôi không nên đả động đến chuyện này nữa.
Nhưng tôi vẫn cố gắng kể lại tình hình này với cha mẹ mấy lần liền.
Một buổi tối, cả ba chúng tôi đang ngồi trên xô pha. “Ba chúng tôi” tức là với tôi thì như thế, còn với cha mẹ thì chỉ có hai người, hai mẹ con hoặc hai cha con, đang ngồi đó mà thôi.
“Mẹ đang mặc áo len màu xanh đấy!” Tôi bảo cha. Kết quả là cả hai người đều nhìn tôi.
“Con nói gì nghe đáng sợ thế?”
Cha tôi cau mày. Ông ngơ ngác, bởi ông đâu có nhìn thấy mẹ. “Ừ, mặc áo len màu xanh, thì sao?”
Mẹ thì tỏ ra khó hiểu.
“Con có thể nhìn thấy cả cha và mẹ đều đang ở trong nhà.” Cả hai cùng ngờ vực nhìn tôi.
Những chuyện như vậy xảy ra mấy lần. Thoạt đầu họ không bận tâm nhưng về sau hơi tin một chút.
Có lần, mẹ đi tìm kéo vì mở túi bánh mãi không được.
“Ông chồng tôi cất kéo ở đâu thế không biết? Ông tìm ra nó đã rồi đi đâu thì đi!”
Mẹ vừa cằn nhằn vừa lục cái tủ lỉnh kỉnh bút chì, băng dính kê trong phòng khách. Lúc đó cha đang ngồi bắt chéo chân trên xô pha, ông dường như không nhìn thấy mẹ, nên tôi đành hỏi ông xem cái kéo để ở đâu.
“Hình như cất ở ngăn kéo tủ bếp.”
Cha tôi trả lời. Tôi bèn nói lại với mẹ lúc này vẫn đang đứng ở phòng khách. “Hình như cất ở ngăn kéo tủ bếp. Cha con bảo thế.”
Quả nhiên, cái kéo đang nằm ở đó. Chuyện tương tự thế xảy ra nhiều lần nên cuối cùng cha mẹ tin lời tôi.
“Con có thể nhìn thấy cha và nghe thấy cha nói.” Mẹ ngờ ngợ, gật đầu.
“Mẹ đang ở đây đấy, không phải chỉ có hai người là cha và con đâu. Nếu cha
định nói gì với mẹ thì con sẽ nói hộ cho.”
Tôi bảo cha, ông gật đầu vui vẻ “Ừ, đúng là có thể làm thế.” Rồi ông xoa đầu tôi.
Và thế là tôi bắt đầu trở thành cái loa truyền thanh của cha mẹ. Sự việc này thú vị một cách không ngờ.
Cả ba chúng tôi cùng ngồi trên xô pha xem ti vi.
Mẹ muốn xem chương trình “Du lịch”. Mẹ bảo tôi. Tôi lập tức nói lại với cha.
“Mẹ nói mẹ muốn xem cái khác, mẹ muốn xem về du lịch.” “Con bảo mẹ xem nốt phim hình sự đi đã!”
Cha tôi nói luôn, mắt không rời màn hình.
“Cha nói cha không muốn chuyển kênh khác.”
Nghe tôi nói vậy, mẹ tỏ ra không bằng lòng “Thật quá đáng!” Rồi mẹ đứng dậy đi vào bếp.
Tôi che miệng tủm tỉm cười. Hồi xưa từng có chuyện hay ho thế này, tôi thì rất vui vẻ làm người truyền tin của cha mẹ. Tôi có cảm giác ba người chúng tôi lại được ở bên nhau, gia đình lại trở nên đầm ấm.
Tôi cứ nghĩ mãi về thế giới mà cha mẹ đang tồn tại. Họ kể rằng đã gặp phải một vụ tai nạn giao thông, nhưng chuyện hơi phức tạp. Nói dễ hiểu hơn thì cả hai người đều bị cuốn vào một sự việc bất thường rồi chết.
Theo lời kể, sáng hôm đó hai người cần đưa đồ đến cho một ông chú, họ cùng oẳn tù tì và người thua cuộc sẽ đi tàu điện đến nhà ông chú.
Nhưng tình tiết sau đó lại không thống nhất. Trong thế giới của mẹ, cha bị thua nhưng trong thế giới của cha thì mẹ là người thua.
Tàu điện gặp tai nạn, thế là trong thế giới của mẹ, cha tôi đã chết; trong thế giới của cha tôi, thì mẹ đã chết. Cả hai người đều cho rằng mình không chết, sau đó cùng sống với tôi.
Vậy là cha mẹ đều may mắn thoát chết, nhưng thế giới của mỗi người đều như tấm ảnh lờ mờ không rõ nét, cho nên tôi trở thành điểm trùng hợp ở giữa, liên kết hai thế giới. Tôi có thể đồng thời nhìn thấy thế giới mà hai người đang tồn tại, điều này khiến tôi có phần tự hào; tôi dường như được lựa chọn làm người trung gian liên lạc với cha mẹ.
Giả sử cha mở cửa bước vào, đáng ra mẹ vẫn có thể nhìn thấy cửa phòng bỗng dưng mở ra rồi khép lại.
Nhưng thực tế thì mẹ không chú ý đến cửa phòng đóng hay mở. Sau khi tôi nhắc thì bà mới phát hiện ra, “à, đúng là thế thật.”
Lại giả sử mẹ đang giặt quần áo trong bếp nhưng cha lại không hề thấy có người đang giặt đồ. Họ sống trong thế giới của mình, và nếu tôi không giải thích thì họ sẽ chẳng bao giờ nhận ra.
Ăn cơm vẫn là hai người ăn riêng. Mẹ tự nấu cơm, cha thì mua cơm hộp về ăn.
“Cha không nhìn thấy cơm cà ri trên bàn ăn ạ.”
Tôi bưng đĩa cơm cà ri mẹ nấu đặt trước mặt cha và hỏi ông. Nhưng hình như ông không nhìn thấy gì hết, chỉ ngờ ngợ nhìn tôi.
“Hôm nay ở công ty, tôi nhận được một cú phôn kỳ quái.”
Có lúc cha nhìn vào gian nhà trong trống vắng nói với mẹ. Thực ra mẹ đang đứng ngay phía sau ông nhưng ông không nhìn thấy nên mới nói vào một hướng không xác định. Vì mẹ không thể nghe thấy nên tôi phải nói lại cho bà. Tôi thường bảo họ, tình trạng này đến là kỳ quặc.
Mỗi khi nghĩ rằng một trong hai người đã chết, tôi rất đau xót. Chỉ có mình tôi giữa hai thế giới của cha và của mẹ.
Thoạt đầu khi chưa rõ chuyện gì đã xảy ra, tôi rất lo khi cha mẹ không thèm nói chuyện với nhau. Nhưng giờ thì ổn rồi, tôi lại có thể thiếp đi trên xô pha giữa hai người.
Dù biết không thể thế này mãi, nhưng tôi vẫn chôn chặt ý nghĩ “ngày nào đó sẽ phải lựa chọn một trong hai thế giới”, vào sâu trong trái tim non nớt của mình.
Cũng như hồi trước, tôi không biết tình hình thay đổi từ lúc nào. Có một lần tôi nhận ra cha mẹ đang cãi nhau, không còn là mấy câu đấu khẩu hằng ngày như khi tôi còn đi nhà trẻ.
Ăn xong cơm, ba chúng tôi lại ngồi trên xô pha. Tôi đã quen rồi nên vừa xem ti vi vừa hỗ trợ cha mẹ đối thoại mà không cần suy nghĩ, chỉ cần lặp lại lời họ như một con vẹt là xong.
Tôi nhoài người trên ghế, hai tay chống cằm, chăm chú xem bộ phim hoạt hình ưa thích. Ngày trước mẹ hay nhắc nhở tư thế này rất xấu, nhưng tôi vẫn thích nằm nhoài thế này.
Cha đột nhiên vứt tờ báo lên bàn, hai người trở nên to tiếng. Lúc này tôi mới nhận ra thái độ của cha mẹ không ổn, những lời tôi đang truyền đạt toàn là mạt sát nhau.
Mẹ đứng dậy đi vào phòng ngủ. “Mẹ về phòng mất rồi.”
“Kệ bà ấy.”
Cha tôi chỉ buông một câu cộc lốc. Tôi bắt đầu lo lắng, quên cả xem phim hoạt hình bởi không có cha mẹ ngồi hai bên tôi chẳng thấy vui chút nào.
“Này con!” Lát sau cha tôi gọi. “Vào nói với mẹ con...” “Nói gì ạ?”
“Nói rằng, bà ấy chết rồi, thật là tốt quá!”
Vẻ mặt cha rất đáng sợ. Không muốn nói chút nào nhưng nếu thế, tôi sẽ bị ăn mắng, nên tôi đành bước vào phòng mẹ.
Hình như mẹ đang nằm nghĩ ngợi gì đó trên giường, thấy tôi vào, bà ngồi dậy.
“Cha bảo con nói lại: may mà mẹ đã chết rồi!”
Tôi cố nén không nấc lên. Mẹ lặng lẽ lau nước mắt, bà đang khóc. Tôi chưa từng nhìn thấy người lớn khóc nên sợ hãi, chỉ biết đứng ngây ra như phỗng.
“Thế thì con bảo với cha con thế này...”
Lần này đến lượt mẹ nói xấu cha. Vì có mấy từ tôi không hiểu lắm nên mẹ bảo tôi đứng lại luyện tập trơn tru đã. Tôi chỉ là đứa trẻ con nên không biết những lời nào bị coi là quá đáng.
“Con không làm đâu. Mẹ đừng nói thế này nữa.” Tôi nài nỉ nhưng không ăn thua.
“Con phải nói lại với ông ấy, rõ chưa?!”
Tôi bị ép phải nhớ những câu chẳng ra gì rồi chạy qua chạy lại giữa phòng mẹ và phòng khách cha ngồi như một nhân viên bưu điện.
Mỗi lần nói lại, cha mẹ đều hầm hầm nhìn tôi, ánh mắt khiến người ta cảm thấy đối phương đáng ghét kia chính là tôi. Những tiếng hét giận dữ nhằm vào tôi, chẳng khác gì chính tôi đang bị mắng mỏ.
Mới đầu, họng tôi như mắc nghẹn thứ gì đó rất khó nói ra, nhưng sau vài lần thì đầu tôi bắt đầu trơ ra vô cảm. Cảm giác đó giống như không nghe được âm thanh nào nhưng vẫn làm được nhiệm vụ của người đưa tin. Đến giờ tôi vẫn thấy kỳ quặc.
Miệng tôi hoạt động y hệt một chiếc máy ghi âm, ghi xong rồi phát lại, nhưng mắt tôi thì nhòa lệ. Tôi yêu cả cha lẫn mẹ, tôi không muốn nói những lời tàn nhẫn này.
Cuộc cãi nhau kéo dài khoảng một giờ rồi kết thúc.
Tôi thấp thỏm chờ đợi, mong họ có thể quay lại phòng khách và lại cùng ngồi trên chiếc xô pha. Cha vào buồng tắm để rửa mặt cho nguôi giận, chắc ông đã bình tĩnh trở lại. Giờ thì yên tâm được rồi.
Lúc này mẹ bước ra phòng khách. Nhỡ họ lại cãi nhau nữa thì sao? Tôi lo lắng nhìn mẹ. Mẹ hơi do dự, rồi ngồi xuống bên tôi. Đệm ghế lõm xuống làm người tôi nghiêng sang sát với mẹ hơn.
“Mẹ sai rồi.”
Mẹ nói và xoa đầu tôi. Tôi chăm chú nhìn ra cửa chờ cha vào để còn nói ngay với mẹ, nhưng cứ nhìn mãi nhìn mãi mà không thấy cha.
Mẹ đứng dậy đi vào bếp. Tôi nhìn theo mẹ rồi chợt nghe thấy tiếng loạt soạt giở tạp chí bên cạnh.
Cha đang ngồi ngay bên phải tôi. Tôi liên tục nhìn ra cửa mà không biết cha bước vào từ lúc nào. Hễ hít phải khói thuốc là tôi cảm thấy rất khó chịu, thế mà tôi không hề nhận ra cha đang hút thuốc ngay cạnh tôi. Vừa nãy tôi còn hít thở bình thường kia mà.
Tôi nghi hoặc nhìn cha tôi. Lúc này ông mới cau mày, nói: “Vừa nãy gọi con mấy lần mà con chẳng buồn nhìn cha.”
Nói đoạn, ông xoa đầu tôi hệt như mẹ lúc nãy. Đúng là bàn tay ấm áp của cha có tồn tại. Thật lạ lùng, sao vừa rồi tôi không hề nhận ra cha?
Tôi vừa nghĩ về điều này vừa nhìn cửa phòng chờ mẹ bước vào. Nhưng mẹ vẫn không từ trong bếp bước ra.
Trong phòng này chỉ có hai cha con tôi, ti vi đang mở kênh ca nhạc. “Con hỏi mẹ xem, ngày mai định làm gì?”
Có lẽ vì vừa cãi nhau xong, giờ cha muốn hỏi dò thái độ của mẹ. Tôi bèn
đứng dậy đi vào bếp.
Mẹ không có trong bếp, chỉ nghe có tiếng vòi nước đang chảy. Lạ thật, nếu bà ra khỏi bếp rồi đi sang chỗ khác, nhất định phải đi qua phòng khách chứ?
Tôi băn khoăn quay ra phòng khách thì thấy mẹ đang ngồi trên xô pha. Tại sao lại không hề thấy mẹ ra khỏi bếp? Tôi không biết. Nhưng bà đang ngồi ở vị trí lúc trước vẫn bỏ trống, tay cầm cốc cà phê, dường như từ nãy đến giờ vẫn như vậy.
Bây giờ lại không thấy cha tôi đâu, chỗ ông ngồi lúc nãy trống trơn. Gạt tàn,
điếu thuốc đang hút dở, khói thuốc bay khắp căn phòng, tất cả đã biến mất.
Tôi quên cả hỏi xem mẹ ngày mai định thế nào, tôi chỉ nhìn bà. “Con nhìn gì thế? Có chuyện gì sao?”
Bà nghiêng đầu, hỏi tôi. Đúng là lúc nãy bà đã bước ra khỏi bếp.
Hóa ra mẹ vẫn ngồi ở đây liên tục. À không đúng, cả cha và mẹ đều ngồi ở
bên tôi, mà mỗi lúc tôi chỉ có thể thấy một trong hai người.
Tôi thử ra khỏi phòng khách rồi lại bước vào. Lần này chỗ mẹ ngồi trống trơn, ngay chỗ lõm trên mặt xô pha cũng không thấy. Trái lại, cha xuất hiện ở vị trí khác. Tôi càng tin chắc mình đã đoán đúng.
Tôi ngồi lên xô pha, nhắm mắt. Khi tôi mở mắt ra, cốc cà phê bên tay trái lại xuất hiện thay cho điếu thuốc hút dở bên tay phải.
Tôi không còn nghe thấy cha mẹ nói gì nữa. Thế giới của hai người đang dần dần tách ra xa.
Khi tôi ở trong thế giới này thì thế giới kia biến mất, ngay cửa đóng mở hoặc người đi qua trước mặt, tôi cũng không cảm nhận được.
Lúc này tôi không còn là điểm trùng hợp nữa, tôi chỉ đi đi lại lại giữa hai thế giới bắt đầu tách ra xa.
Tối đó, tôi rất buồn. Kể từ nay ba chúng tôi sẽ không còn ngồi cùng nhau trên xô pha nữa.
Tôi không biết nói sao với cha mẹ. Thấy tôi yên lặng, mẹ dịu dàng vỗ về.
Tôi biết mình sắp phải lựa chọn.
Tôi vẫn nhớ ngày hôm sau là thứ Bảy. Bên ngoài trời âm u, có lẽ sắp mưa.
Mẹ đã ra ngoài, chỉ còn cha đang ngồi trên xô pha đọc báo. Tôi không thể đồng thời nhìn thấy cả hai nên thử đi tìm khắp nhà để xem có đúng mẹ đã đi vắng không. Có khi mẹ đang ngồi ngay bên cạnh tôi ấy chứ.
Đi một vòng, đúng là mẹ vắng nhà thật nên tôi quay trở lại ngồi bên cha.
Tôi do dự một lúc lâu không biết nói gì. Ti vi đang chiếu phim anh hùng với các kỹ xảo hay ho nhưng tôi cứ thấp thỏm chẳng thiết xem. Cha vừa đọc báo, vừa xoa cái cằm lởm chởm râu bằng bàn tay phải nổi đầy gân xanh.
“Con không nhìn thấy cùng một lúc được.”
Tôi sợ sệt ngập ngừng nói với cha, nhưng ông chỉ ngoảnh sang nhìn tôi, cau mày.
“Con nói gì?”
“Khi cha và mẹ cùng có mặt, con chỉ có thể nhìn thấy một trong hai người.”
Cha bất động như đang suy ngẫm câu nói của tôi, cuối cùng ông đặt tờ báo lên bàn.
“Ý con là sao?”
Hình như ông bực mình, ánh mắt trách móc đó làm tôi rất muốn lủi ra khỏi
phòng. Tim tôi đhập thình t ịch trong hối hận, đáng lẽ tôi không nên nói ra. Cha
đang ngồi xô pha nhưng tầm mắt vẫn cao hơn tôi, mỗi khi ông nghiêm nghị nhìn xuống thì tôi chỉ muốn hai tay ôm đầu ngồi thụp xuống sàn.
“Lúc cha có mặt thì con không nhìn thấy mẹ.”
Những lời giải thích trong tuyệt vọng của tôi có vẻ đã có tác dụng. Sắc mặt cha bỗng tái nhợt, ông nắm vai tôi và nhìn chằm chằm vào mặt tôi như định hỏi điều gì đó.
“Có... có thật thế không?”
Tôi quá sợ nên òa khóc. Chắc cha rất yêu mẹ, nhưng giờ tôi lại không thể kết nối hai thế giới của họ như trước kia nữa. Tôi buồn vô hạn. Đó là trách nhiệm của tôi, nếu tôi là đứa con ngoan thì cả ba chúng tôi lại có thể ở bên nhau.
Cha tôi nghiêm nghị nhắc lại câu hỏi mấy lần nhưng tôi chỉ biết khóc. Ông phát cáu, buông vai tôi ra rồi cho tôi cái tát. Tôi ngã nhào xuống đất, miệng lắp bắp “Con xin lỗi, con xin lỗi...” Cha ghét tôi rồi. Vì tất cả đều là tại tôi, tôi là đồ bỏ đi.
Tôi nhổm dậy chạy ra ngoài. Cha chỉ quát gọi tôi chứ không đuổi theo. Tôi chân trần chạy ra cửa chính, chạy ra phố, rồi chạy về phía công viên. Tôi không thể ở nhà được nữa. Tôi rất yêu cha, rất thích căn phòng khách có bộ xô pha
nhưng vết đau rát trên má khiến tôi hiểu rằng mình là người thừa trong nhà. Chân đau nhói nhưng tôi vẫn cố chịu đựng.
Công viên vắng tanh không một bóng người. Trời sắp mưa đến nơi nên bọn trẻ con không ra đây nô đùa. Thường ngày, khắp nơi đều có tiếng cười, hôm nay cầu trượt và xích đu đều là của tôi. Nhưng tôi chẳng còn bụng dạ nào mà chơi, cả công viên thênh thang chỉ có mình tôi. Tôi cô đơn quá.
Tôi ngồi ở bãi cát, đắp một ngọn núi trên bàn chân đất. Chắc cha mẹ đều không thích một đứa con như tôi. Vụ cãi nhau tối hôm kia là tại tôi, nếu tôi là đứa con ngoan, không kêu ca về món ăn hoặc quần áo, biết thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong thì cha mẹ đã không cãi nhau.
Cảm giác lạnh lẽo khiến tôi trào nước mắt. Da tôi ran rát bởi những hạt cát đen dính đầy chân tay. Sau lưng có ai đó gọi tên tôi. Thì ra là mẹ, bà đang ngạc nhiên nhìn tôi, tay còn xách chiếc túi đựng đồ.
“Con đi cùng cha con à?”
Mẹ tươi cười nhìn khắp công viên. Tôi lắc đầu. Mẹ tiến đến gần, rồi kinh ngạc khựng lại.
“Giày của con đâu? Sao mặt lại đỏ thế kia?”
Tôi áp bàn tay lên bên má bị cha tát, tôi không muốn mẹ biết tôi bị cha đánh. Hình như mẹ giận tôi, nhưng nhận ra sự bất an của tôi, bà đặt cái túi xuống đất, đưa hai tay ôm choàng lấy tôi.
“Có chuyện gì vậy con?”
Giọng mẹ thật ấm áp. Ngửi thấy mùi hương quen thuộc của mẹ, tôi đã thật sự yên tâm.
“Cha nổi nóng với con.”
Mẹ hỏi cha đã làm gì nhưng tôi chỉ im lặng. Bà lại dịu dàng xoa đầu tôi. Tôi đã khóc từ lúc nào không biết, khóc mãi không thể dừng lại. Trong công viên tĩnh mịch, mẹ đang an ủi con vật bé bỏng nước mắt nước mũi đầm đìa là tôi.
“Mẹ còn nhớ ngày trước, mẹ từng nói gì không?” “Con hỏi về lần nào?”
“Mẹ nói rằng, từ nay chỉ còn hai mẹ con sống với nhau. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều.”
“Ừ, vẫn nhớ.”
Mẹ gật đầu, nghi hoặc. Mưa bụi lắc rắc rơi từ lúc nào, đã ướt cả tóc tôi. Mẹ vén những sợi tóc bết trên trán tôi cho gọn.
“Con đã quyết định rồi, con sẽ sống trong thế giới của mẹ.”
Nghe tôi nói, mẹ vẫn nghi hoặc nhìn tôi. Trên đường mẹ cõng tôi về nhà, tôi cứ thút thít mãi.
Kể từ hôm đó tôi không bao giờ nhìn thấy cha tôi nữa.
Nay đã học lên trung học cơ sở nhưng tôi còn nhớ rất rõ các sự việc xảy ra hồi ấy. Tôi từng kể lại những trải nghiệm ly kỳ này với rất nhiều người, có lúc còn hỏi người ta lý do vì sao.
Sau hôm cha biến mất, trời nắng, bầu trời sáng trong không một gợn mây, từng chiếc lá cây in bóng xuống mặt đất. Tôi và mẹ dắt tay nhau ra khỏi nhà, cảm giác đầm ấm này thực ngọt ngào và vui vẻ. Tôi ngẩng nhìn trời rồi nhắm mắt lại, ánh nắng xuyên qua mi mắt tôi, chỉ thấy một vầng đo đỏ.
Mẹ dẫn tôi đến một nơi có rất nhiều truyện tranh và đồ chơi, rất nhiều bạn nhỏ trạc tuổi tôi ở đó. Có bạn bế búp bê vải, có bạn đang chơi ghép hình. Ngồi chơi một lúc thì mẹ dắt tôi vào phòng của một người đàn ông, bảo tôi ngồi lên ghế trước mặt ông ta.
Ông ta hỏi chuyện về cha tôi, tôi bèn kể rằng cha đã mất trong một vụ tai nạn giao thông. Ông băn khoăn khoanh tay trước ngực rồi mỉm cười hỏi tôi:
“Vậy người đứng phía sau cháu là ai?”
Tôi ngoảnh lại nhìn, không thấy ai cả. Chỉ có mẹ đang đứng cạnh tôi. Tôi trả lời, “Không có ai ạ?”
“Hình như con tôi không nhìn thấy cha nó.” Mẹ vừa khóc vừa nói với ông ta. “Nó có thể nghe thấy tôi nói nhưng không nghe thấy tiếng cha nó nói. Cha nó nắm tay nó, xoa đầu nó, nhưng nó không cảm thấy gì hết. Nếu cứ cố bế nó lên hoặc kéo tay nó, thì lát sau nó sẽ lả đi, người chẳng khác gì một con rối.”
“Tôi hiểu rồi.” Sau khi nói chuyện với mẹ một hồi, ông ta gật đầu nói, “Tức là, sau khi vợ chồng chị cãi nhau, người này coi người kia như đã chết rồi, và cứ thế tiếp tục sống. Cả hai anh chị nhồi vào đầu cháu cái tư tưởng này, cuối cùng thành ra như bây giờ.”
Nói xong, ông ta lại nhìn ra phía sau tôi, và gật đầu lia lịa cứ như đang nói chuyện với ai đó. Tôi bèn ngoảnh lại nhìn. Chỉ có khoảng trống mà thôi.
Nay đã lớn, tôi có thể hiểu được những lời ông bác sĩ ấy nói, và hiểu rõ điều gì gây nên hậu quả như vậy. Khi mẹ chìa tay ra nói với tôi “Cha con đang ở đây” thì tôi hỏi lại “Cha đâu”. “Sao con lại không biết cha đang ở đâu? Bây giờ con đang đứng sát người cha con đấy thôi.” Mẹ lúng túng khóc nức nở. Rồi mẹ ngoảnh sang phía cha, nói chuyện với ông.
Sau đó, cha mẹ không bao giờ cãi nhau nữa. Tuy không nhìn thấy cha nhưng tôi có thể cảm nhận được cha đang ủi mẹ khi bà khóc. Hai người vẫn sống nương tựa vào nhau. Mọi người bảo những hành động của cha mẹ đã làm tổn thương tâm hồn non nớt của tôi, nhưng đáp án tôi tìm ra hoàn toàn khác. Tôi nghĩ, chính vì niềm hi vọng của tôi mà gia đình tôi mới được như bây giờ. Đương nhiên là bởi tôi không muốn cha mẹ xa nhau.