Bố tôi là giảng viên đại học, dạy môn Kinh Tế Tư Bản Chủ Nghĩa, một giảng viên giỏi, một người thầy tâm đắc với nghề. Vào cái thời buổi thay đổi kinh tế những năm đầu của thế kỷ 21, lương không phải là eo hẹp, nhưng ở cái tuổi “xuân vừa qua, già sắp tới”, dự án kinh tế tâm huyết lại không được xem trọng, nên lâm vào cái chứng bệnh chán ngán thời cuộc. Bố tôi đâm ra rượu chè, lô đề, rồi theo đám bạn ăn chơi xa xỉ. Nợ chồng nợ chất, chỗ này đắp vào chỗ kia, lãi mẹ lại đẻ lãi con, tất cả không dưới hai tỷ đồng. Cuối cùng gia đình phá sản, phải bán nhà ra thuê trọ ở ngoài, tưởng rằng sẽ phải bỏ nghề tha hương mà trốn nợ. Cũng may vào cái bước đường cùng ấy bố tôi gặp lại bạn học cũ là bác Hùng, lúc này đã là giám đốc một công ty lớn. Bác ấy đứng ra trả nợ giúp bố tôi, với danh nghĩa là cho vay lãi thấp, khi nào có thì trả dần cũng được. Bố tôi cuối cùng cũng ngộ ra, kiên quyết sửa đổi để làm lại từ đầu. Tiền lương tháng được bao nhiêu ngoài việc lo chi trả cho em Sương ăn học và tiền sinh hoạt thì đều dồn vào để trả nợ, nói là trả nợ nhưng thực ra là trả lãi còn không đủ. Mẹ tôi vẫn cam tâm chịu khổ không hé răng một lời. Mẹ vẫn đẹp, đẹp y như cái tên của mẹ.
Ông ngoại mất, bà ngoại đề nghị bố mẹ tôi về ở cùng, nhưng bố tôi vẫn còn giữ sĩ diện nên nhất định không chịu về.
Ba năm sau…
Cố gắng theo lời dặn của ông ngoại trước lúc đi xa, tôi đã thành sinh viên năm thứ nhất, Hè năm ấy Bảo Nhi thi đại học, cô ấy chọn vào đúng trường tôi đang học, chỉ có điều khác khoa. Mặc dù cô Tâm Phương kịch liệt phản đối nhưng xem ra Bảo Nhi vẫn rất quyết tâm, đương nhiên tôi tôn trọng cô ấy.
Hôm chở Bảo Nhi đi xem kết quả, cả quãng đường cô ấy dựa vào lưng tôi, lặng im không nói một lời nào, hơi thở ấm áp dồn dập lên lưng áo phông mỏng của tôi. Tim tôi cũng đập mạnh, cả người cứ nóng dần dần lên. Xe dừng ở cổng trường, Bảo Nhi cương quyết bắt tôi ngồi chờ ở ngoài, tôi biết rằng chính là cô ấy sợ mình bị trượt, Bảo Nhi không muốn tôi chứng kiến sự thất vọng của cô ấy.
Dáng cô ấy mỏng manh, làn da trắng hồng, lo lắng chen vào trong đám đông. Tôi đứng ở ngoài cũng hồi hộp như chính cô ấy vậy. Bảo Nhi đi một đoạn lại quay lại nhìn tôi cười, tôi vẫy vẫy tay cười cổ vũ.
Một lúc lâu sau Bảo Nhi trở ra, tôi vẫn ngồi nguyên trên chiếc xe Dream của ông ngoại, đôi mắt chăm chú nhìn, cố đoán từng cảm giác thay đổi trên khuôn mặt cô ấy. Tôi thấy Bảo Nhi nặng trĩu một nỗi buồn, lòng tôi chùng lại. Tôi tự vấn bản thân phải cười để cô ấy không buồn. Bảo Nhi ra đến cổng, tôi nhìn cô ấy cười quyết không hỏi gì thêm, chỉ âu yếm bảo:
“Mình về thôi em.”
Cô ấy thở ra một cái, cười tinh quái nhào tới ôm chặt lấy lưng tôi:
“Em đỗ rồi!”
Cô ấy nói trong niềm hạnh phúc tràn đầy, tôi chết lặng, toàn thân run lên nhẹ nhẹ, tôi thấy chính mình đang bay lên, bay lên chín mươi chín tầng mây xanh. Cả hai chúng tôi đứng lặng ở đó, thời gian như ngừng lại. Tôi, em và chiếc Dream là vật chủ của khoảng thời gian và không gian này, mặc cho mấy bạn sinh viên khác đi qua gato mà nhìn vào.
Chúng tôi quyết định liên hoan ngày hôm nay bằng việc phóng xe ra dạo hồ Hoàn Kiếm và ăn no kem Tràng Tiền. Bảo Nhi cầm hai tay hai cây kem, ăn rất ngon lành, hôm nay cô ấy đã quên mất cả việc ăn kiêng giảm béo. Tôi nhất định là không nhắc, cô ấy dù có béo thêm ba mươi ký nữa thì vẫn là người đẹp nhất trong lòng tôi. Thứ duy nhất mà tôi muốn chính là cô ấy luôn luôn được vui vẻ.
Tối hôm qua tôi trằn trọc không ngủ được, sáng nay trước khi sang đón Bảo Nhi, tôi đã phi xe đi rất sớm, gõ cửa nhà cô bán hoa và chờ đợi cả nửa tiếng để mua một bó hoa hồng hình trái tim. Tôi cẩn thận cất bó hoa vào trong một cái hộp cát tông, buộc nhẹ nhàng ở trước lượn xe. Tôi chắc chắn là Bảo Nhi sẽ không hỏi về chiếc hộp, đơn giản là lần nào chở cô ấy đi chơi tôi cũng mang theo các hộp quà của bà ngoại mang cho các bạn của bà.
Tôi dự định hôm nay tôi sẽ tỏ tình với Bảo Nhi. Sau cả buổi băn khoăn cuối cùng địa điểm tôi chọn chính là bờ hồ Hoàn Kiếm.
Tay tôi run run, tôi loay hoay mở chiếc hộp trong ánh mắt tò mò của Bảo Nhi, ánh mắt cô ấy thi thoảng lại chớp chớp, hai má hồng hồng càng khiến tôi bối rối. Bó hoa chui mình ra khỏi chiếc hộp, đỏ thắm như dòng máu chảy trong tim tôi. Tôi thấy ánh mắt cô ấy rạng rỡ, đứng lặng ở đó vì niềm vui bất ngờ. Tôi hai tay ôm bó hoa đến trước mặt Bảo Nhi, một sức mạnh dũng cảm phi thường từ thượng đế ban cho, tôi nói với nàng:
“Từ khi em mười hai tuổi, thấp hơn anh một cái đầu, lần đầu gặp em bên gốc hoàng lan thì anh đã thích em rồi. Sáu năm đi sau em anh vẫn chờ đợi để được nói với em câu này: Bảo Nhi, em làm người yêu của anh nhé?”
Mặt ửng đỏ, sững sờ, cô ấy đón lấy bó hoa của tôi. Hai chúng tôi chỉ còn cách nhau một bó hoa, tôi cúi sát hôn lên má cô ấy. Một khắc, môi chạm vào làn da hồng mềm mại, thơm nhẹ như sữa. Một cảm giác tê liệt truyền lên não, người tôi vô lực, tôi bàng hoàng cộng với bối rối, hai tai và mặt đỏ ửng. Tôi xấu hổ quá liền theo cái hướng mặt, cắm đầu mà đi thẳng, người tôi nóng ran, bước chân mỗi lúc một nhanh hơn.
Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ dám nhìn mặt Bảo Nhi nữa, đi được nửa vòng hồ tôi bắt đầu bình tĩnh lại, tôi chợt cảm thấy lo lắng không biết Bảo Nhi sẽ nghĩ gì, cô ấy có giận tôi không? Cô ấy có ghét tôi không? Cô ấy sẽ không cảm thấy bị bắt nạt mà khóc nhè đấy chứ? Nghĩ miên man, thế là tôi cắm đầu chạy vội nửa vòng hồ còn lại.
Nắng hè chứa chan, ve hè kêu râm ran như khúc nhạc trong lòng tôi. Bảo Nhi đứng trước mặt tôi, may quá, môi cô ấy vẫn đọng một nụ cười, tôi đứng cách đến bốn bước, sẵn sàng chờ sự trừng phạt của cô ấy.
Môi cô ấy đọng một nụ cười, nhưng tâm hồn rõ ràng là đã bay đi tận đâu mất rồi, tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Bảo Nhi cuối cùng nhìn tôi nghiêm nghị bảo:
“Anh đúng là yêu nhân nha! Người ta mới mười hai tuổi mà đã đã dám thích rồi!”
Tôi đưa tay sờ đầu mình, thực ra vì bối rối không biết phải nói gì.
Cô ấy nhìn tôi cười tinh quái:
“Nhưng mà yêu nhân cũng không sao, từ giờ anh là của em rồi!” Cô ấy nhào tới ôm chặt lấy tôi.
Miệng tôi không mím lại được, mắt tròn xoe, hình như chân dẫm không tới đất nữa, nơi tôi đứng cứ êm êm tựa mây. Tôi chắc chắn lúc này tôi là người hạnh phúc nhất thế giới.
Cả buổi hôm ấy, đi đâu Bảo Nhi cũng ôm chặt, dựa vào lưng tôi. Tôi chả còn nhớ đường dài, đường ngắn và chúng tôi đã đi qua những đâu nữa.
Mặt trời lên đến quá đỉnh đầu, bụng đói meo, chúng tôi lượn vào phố Thái Thịnh ăn miến lươn. Gọi hai bát to, Bảo Nhi liên tục gắp sang bát của tôi bảo:
“Anh ăn đi, em phải ăn kiêng.”
Tôi gắp trả cười bảo:
“Em ăn đi, béo anh chịu hết.”
“Ahihi! Anh nhớ nha! Em béo cấm chê à!”
Cô ấy ăn ngon lành hết bát miến to, đương nhiên là tôi ủng hộ cô ấy. Trời mùa hè nắng bao nhiêu cũng chỉ thấy ấm ấm. Tôi gọi điện về báo cho ngoại là ăn ở ngoài cùng Bảo Nhi, trong điện thoại tôi thấy giọng ngoại dường như đang rất vui. Đó là những ngày tháng êm đềm chưa hề có sóng gió của hai chúng tôi.
***
Nàng gối hồng ấm ấm, giật mình tôi tỉnh giấc, cửa sổ vẫn chưa đóng. Ban công nhà bên trống vắng, sống mũi tôi khẽ gai gai.
Tôi đứng lặng bên cửa sổ, thỉnh thoảng lại phải ngước lên nhìn trời một lúc. Tôi thuê căn phòng này đã bốn năm, ngày Bảo Nhi rời xa tôi đã tròn hai năm, vì điều gì khiến tôi vẫn ở lì nơi đây? Tôi đợi chờ một phép màu mang Bảo Nhi của tôi quay trở lại chăng? Giá như có phép màu? Phải chăng tôi vẫn chưa chấp nhận được sự thật này?
Đóng cửa sổ, tôi trở về gường lười nhác kéo chuột máy tính, trên màn hình có tin nhắn của Tiểu U vợ bé nhỏ:
“Chồng ngủ nhớ đóng cửa sổ nhé!”
Tôi mỉm cười tắt máy tính, Tiểu U chưa tới đây bao giờ, chuyện cái cửa sổ là tôi nói với cô ấy. Gần đây tôi thường tránh quá thân mật với Tiểu U trên mạng, mặc dù trong lòng tôi nhớ cô ấy rất nhiều.
Có thể mười năm sau tôi ba mươi ba tuổi, tôi và Tiểu U sẽ làm đám cưới, con gái đầu lòng của chúng tôi sẽ đặt tên là Bảo Ngọc, nhưng đó là chuyện của mười năm sau. Bây giờ chuyện quan trọng nhất với nàng ấy vẫn là mau lớn và học thật giỏi.
“Ahihi!”