Trong tiếng pháo ồn ào náo nhiệt, Diệp Trọng Cẩm ở Diệp gia nghênh đón năm thứ tư kể từ lúc trùng sinh.
Thân tộc của Diệp Thị đều ở Tân Châu cách kinh thành rất xa, bình thường vẫn thường xuyên thư từ qua lại, nhưng gặp mặt thăm viếng thì cực kỳ hạn chế, chỉ có ngày cuối năm là bất kể thế nào cũng phải hồi hương bái tổ, đây là ý của Diệp lão thái gia, phía bên nhà Diệp lão thái gia vì nợ ân tình mà bất đắc dĩ tiến vào quan trường, nhưng không có nghĩa ông nguyện làm bẩn thanh danh của người trong tộc.
Dù không ở gần họ hàng thân tộc, tân xuân hàng năm Diệp gia vẫn rất náo nhiệt.
Môn nhân nhà họ trải khắp thiên hạ, quan viên trong triều phàm có chút tài danh nếu truy đến ngọn nguồn đều sẽ tìm thấy dấu vết liên quan đến Diệp Thị, thường là học trò từng được Diệp Thị dạy, hoặc là người từng nghe người của Diệp Thị giảng bài, xa hơn chút nữa là môn sinh của học trò từng được Diệp Thị dạy.
Cũng vì những nguyên nhân sâu xa ấy, mấy ngày tân xuân không thiếu qua lại viếng thăm vài bận, tặng nhau chút mặc bảo hoặc tranh chữ, xem như có cái để chuyện trò đàm thi luận phú.
Mùng năm tháng giêng được xem là ngày thân hữu đăng môn bái phỏng, các danh sĩ trong triều lũ lượt kéo đến cổng Diệp gia, người nào cũng tay ôm lễ hạp làm quà, Lưu quản gia đứng trước cửa tươi cười chào tân khách, Diệp tướng ngày thường không qua lại với quan viên nào, cổng nhà quanh năm chìm trong tình trạng đìu hiu quạnh quẽ, chỉ nhờ vào mấy ngày này mới hưởng chút không khí náo nhiệt.
An Thị và An ma ma kiểm kê lễ vật được tặng, hai cậu quý tử Diệp gia lẽo đẽo theo sau, líu ríu bình phẩm mấy món có vẻ bắt mắt.
An Thị cười nói: “Các con xem đi, thích cái nào cứ lấy mang về.”
“Vâng, mẫu thân.” Diệp Trọng Huy và Diệp Trọng Cẩm ngoan ngoãn đáp.
Diệp Trọng Cẩm hào hứng dạo quanh một vòng rồi mất hứng quay về chỗ cũ, mấy hộp quà gói ghém cẩn thận không phải là mặc bảo thì cũng chỉ là thi họa linh tinh. Nhớ ngày xưa y còn là tổng quản trong cung, tân niên năm nào đám thuộc hạ dưới quyền cũng dâng tặng cả núi trân bảo giá trị ngàn vàng, nam hải dạ minh châu, san hô tử kim, nào là bích huyết như ý, có tặng tranh chữ nghiên mực gì đó thì chí ít phải là danh tác của tiền triều, mấy thứ đó có giá trị hơn so với tranh chữ của đám đương đại. Mấy món đồ trước mắt này đẹp thì có đẹp, nhưng đều do người sống sờ sờ đích thân chấm mực, đem bán cũng chẳng được mấy đồng.
Đời trước Tống Ly không phải vô duyên vô cớ mà bị người đời mắng nhiếc là phường gian nịnh, thuở bé y trải qua quá khổ, cho nên trưởng thành rồi y cực quý tiền tài. Bất kỳ ai muốn hiếu kính Tống Ly đều thẳng tay thu hết, hiện tại không có chỗ dùng thì đem bày trong phòng để ngắm cũng vui mắt vậy. Trên đời làm gì có ai ngại mình nhiều tiền đâu?
Cái tư tưởng ấy cứ thế ăn sâu vào trong máu thịt, trải qua một đời vẫn không đổi được, thậm chí hiện tại ngày ngày phải đối diện với người nhà họ Diệp trong sạch không coi trọng tiền tài thì bản chất ấy vẫn cứ y sì bất di bất dịch.
Bên kia Diệp Trọng Huy vừa nhấc lên một bức tranh chữ của một danh sĩ nào đó, hai mắt như phát sáng, Diệp đại thiếu gia thích nhất là hương giấy mực, khác xa với nhóc đệ đệ chỉ thích mùi đồ ăn của mình.
Phát hiện tiểu chủ tử mình dường như không còn kiên nhẫn, An ma ma cười hỏi: “Tiểu chủ tử không thích gì sao?”
Diệp Trọng Cẩm nào dám huỵch toẹt ra mình đang cực kỳ khinh bỉ đám quan viên keo hết chỗ nói kia, đến nhà người ta làm khách mà chỉ tặng một đống tranh chữ tự viết tự vẽ, bĩu môi đáp: “A Cẩm xem không hiểu lắm.”
An ma ma cười nói: “Lão nô cũng không hiểu, nhưng những thứ này đều do mấy vị đại nhân có danh tiếng tặng, hẳn là rất quý, tiểu chủ tử mau chọn một vài món mang về cất giữ, mai này vào học đường, nghe tiên sinh giảng giải rồi sẽ hiểu hết ấy mà.”
Diệp Trọng Cẩm cảm thấy lời An ma ma nói rất có lý, hiện tại không đáng xu nào, nhưng một mai thì ai biết được, dù sao mình vẫn còn nhỏ, đợi qua vài chục năm nữa, mấy người này phỏng chừng đi gặp tổ gặp tiên cả rồi, tranh chữ họ để lại biết đâu sẽ tăng giá thì sao.
Nghĩ vậy, bèn đánh tiếng: “Vậy trong này… có thư họa của tiên sinh nào lớn tuổi chút không ạ?”
An Thị nghe con trai hỏi thì cười đáp: “A Cẩm của mẫu thân thật thông minh, đã biết dựa vào tuổi tác và kinh nghiệm để chọn tranh chữ rồi cơ đấy, đây là chữ của đại học sĩ Hàn Lâm viện Lưu đại nhân, ngài ấy tuy đã đến tuổi nhĩ thuận chi niên [1], nhưng vẫn lạc quan phóng khoáng lắm, bút pháp hữu lực có hồn, ý cảnh dài rộng, có thể thấy là một người tâm tính rộng rãi, A Cẩm có lẽ sẽ thích.”
[1] Nhĩ thuận chi niên: 60 tuổi thì tai thuận.
Dựa theo cách chia các giai đoạn tuổi của Khổng Tử viết trong Luận Ngữ nói về mình: Thập hữu ngũ nhi chí Vu học; tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” – 15 tuổi dốc sức vào sự học; 30 tuổi thì vững vàng; 40 tuổi thì không còn mê hoặc; 50 tuổi thì biết được mệnh trời; 60 tuổi thì tai thuận; đến 70 tuổi thì dẫu muốn tùy tâm sở dục cũng không thể.
“Lưu lão…” Diệp Trọng Cẩm mở bức “Tiếu Xuân Đồ” ra, góc dưới bên trái quả nhiên trông thấy con dấu của Lưu Bách Tuế.
Lưu Bách Tuế tên thật là Lưu Sầm, là lão già sống thọ nhất ở kinh thành, đời trước khi Tống Ly chết, ông ấy chắc cũng tám mươi lăm, vậy mà vẫn dẻo dai như thanh niên trai tráng, mỗi ngày đúng giờ mão có mặt ở Hàn Lâm viện, cuộc sống tiêu dao tự tại ứng trên người ông thật sự chẳng ngoa.
Với lão nhân gia này, Diệp Trọng Cẩm không dám chắc mình có thể sống lâu hơn nổi không.
Nhưng mẫu thân y đã nói vậy, y không thể làm gì khác hơn là cuộn bức tranh chữ ấy lại, ngọt ngào nở nụ cười: “Cảm tạ mẫu thân, A Cẩm cảm thấy bức tranh này rất đẹp.” Có điều không đáng giá nửa đồng.
Diệp Trọng Huy cũng chọn được một bức, có lẽ là bức tự họa của danh sĩ mà hắn rất thích, nom dáng vẻ rất vui.
Trên đường về tiền thính, An Thị lại dặn dò An ma ma thêm một lúc: “Ngày mai chúng ta trở về An phủ, lễ vật cho các chất nữ của của ca ca ma ma đã chuẩn bị đủ chưa? Còn hai vị tẩu tử nữa, dạo gần đây các phu nhân trong kinh rất chuộng mấy món trang sức bằng thúy ngọc, chuẩn bị cho hai tẩu mỗi người một bộ, mẫu thân xưa nay yêu thích ngọc Phật, lần trước vào cung nương nương có ban thưởng một bộ dây chuyền ngọc Phật, ma ma nhớ phải mang theo đấy, còn bên phía phụ thân… người thích nhất là rượu ngon, mấy vò nữ nhi hồng mà lão gia cất xem ra có chỗ dùng rồi.”
An ma ma cười đáp: “Đã chuẩn bị đủ, đều dựa theo phân phó của phu nhân, không sót món nào.”
An Thị lúc này mới thả lỏng, gương mặt không giấu được vui sướng: “Tuy mấy năm nay ta vẫn hồi phủ thăm viếng, nhưng dẫn theo Huy nhi và A Cẩm cùng về thì là lần đầu, không thể có sai sót gì.”
Diệp Trọng Huy nghe thế thoáng nhíu mày, như muốn nói gì đó, sau cùng lại lặng im không lên tiếng.
Sáng mùng sáu, hai vợ chồng Diệp Nham Bách dẫn theo con cái về An gia bái phỏng.
Diệp Trọng Cẩm đi chuyến này rất vui, không phải y có kỳ vọng gì với An gia, chẳng qua từ lúc y sống lại luôn bị nhốt trong Phúc Ninh Viện, ngoại trừ tướng phủ thì chỉ dạo qua vài chỗ trong cung là hết, đô thành phồn hoa bên ngoài y sống cả hai đời nhưng chưa một lần được nhìn ngắm kỹ càng.
Xốc lên xa liêm vừa dầy vừa nặng, chưa kịp nhìn rõ cảnh vật bên ngoài đã hứng phải một trận gió lạnh phất qua, An Thị vội ôm nhóc quỷ bướng bỉnh đặt lên đùi mình, nhẹ giọng quở trách: “Không được lộn xộn, hứng gió vui lắm sao? Chốc nữa phải bảo ma ma nấu cho con chén trà gừng, lúc đó đừng có khóc lóc không chịu uống đấy.”
Diệp Trọng Cẩm mấp máy môi, cuối cùng lựa chọn ngoan ngoãn ngậm miệng.
Diệp Nham Bách cười nói: “A Cẩm là bé trai, hiếu động một chút là lẽ thường mà.”
An Thị thở dài một tiếng, xoa đầu con trai nhỏ: “Lý đại phu đã nói thân thể A Cẩm còn phải dưỡng vài năm nữa, sao có thể so với người bình thường được, đừng nói bé trai, nếu A Cẩm chúng ta được như mấy tiểu cô nương hoạt bát hiếu động thôi là thiếp đã mãn nguyện lắm rồi.”
Diệp Nham Bách trầm mặc một lúc, cũng buông tiếng thở dài: “Lý đại phu cũng đã nói rồi đấy thôi, thân thể A Cẩm cẩn thận dưỡng thêm vài năm nữa là có thể như người thường, phu nhân đừng lo lắng quá.”
Mấy lời này đều là mớ lý thuyết vẫn thường treo ở cửa miệng của người nhà họ Diệp, nói mãi rồi trở thành lý giải chân thật lúc nào không hay.
Diệp Trọng Cẩm lơ đãng nghe hai vợ chồng Diệp Nham Bách trò chuyện, bản thân y cũng biết, người trong nhà đều mong có ngày y hoàn toàn khỏe mạnh, không phải quanh quẩn mãi trong tiểu viện vây giữa bốn bức tường, nhưng thật lòng y không quá để tâm đến chuyện này, đời này vô duyên vô cớ nhặt được cơ hội sống tiếp, sống lâu thêm một ngày thì lời được một ngày, khỏe hẳn đương nhiên là chuyện tốt, còn nếu không thì cứ tiếp tục sống chung với bệnh tật cũng chẳng hề gì.
Ăn được ngủ được đã tốt lắm rồi, còn cầu chi chạy nhảy khắp nơi, không sợ mệt chết sao.
Diệp Trọng Huy từ đầu đến cuối luôn trầm mặc đột nhiên lên tiếng: “Phụ thân mẫu thân, hài nhi cảm thấy A Cẩm như vậy rất tốt.”
Diệp Nham Bách nhíu mày: “Đừng nói linh tinh.”
Nếu là chuyện khác, nghe cha mình mắng Diệp Trọng Huy sẽ lập tức ngậm miệng, nhưng chuyện liên quan đến Diệp Trọng Cẩm hắn lại muốn tranh luận đến cùng.
Vẻ mặt hắn rất nghiêm túc, tiếp lời: “Phụ thân, A Cẩm tuy hơi yếu nhưng tính mệnh không đáng ngại, sống phóng túng không phải là chuyện tốt, con cảm thấy A Cẩm không khác người bình thường chỗ nào, phụ thân mẫu thân thử ngẫm lại xem, so với mấy đứa trẻ khác A Cẩm kém họ chỗ nào, hoạt bát thì có gì tốt, không phải là ồn ào lắm chuyện khiến người ta phát phiền ư?”
“Con thì biết cái gì, thân thể A Cẩm yếu như vậy, mai này làm sao thành gia lập nghiệp?”
Diệp Trọng Huy cứng cỏi đáp: “Có hài nhi ở đây, A Cẩm tất có nhà, còn lập nghiệp hay không thì có gì quan trọng, A Cẩm chỉ cần vui vẻ hưởng phúc, kiến công lập nghiệp, rạng danh gia tộc có hài nhi là đủ rồi.”
Diệp tướng được mệnh danh nói năng khéo léo nhất thời bị con trai tuổi chẳng bao nhiêu thuyết giảng đến sững người, An Thị thấy thế vội khuyên giải: “Nhưng mà sau này A Cẩm vẫn phải lấy vợ sinh con, riêng chuyện này thì huynh trưởng như con không thể làm thay được.”
Diệp Trọng Huy muốn ương ngạnh nói vì sao mình không thể, rồi chợt nghĩ lại, quả thật là không thể, thoáng chốc không còn gì để nói.
Diệp Trọng Cẩm thấy sắc mặt hắn đỏ lên, không kiềm được bật cười thành tiếng.
An Thị cũng lấy khăn che miệng, cười nói: “Về nhà ngoại tổ đừng nhắc lại mấy lời đùa giỡn này, không khéo mấy cữu cữu con cho rằng con muốn pha trò cho họ đấy.”
Diệp Trọng Huy nắm tay thành quyền, trong lòng buồn bực, hắn có thể thay A Cẩm làm tất cả mọi chuyện, nhưng đến khi A Cẩm trưởng thành rồi, ngộ nhỡ muốn thành thân thì phải làm sao bây giờ.
An gia mấy năm nay tuy sa sút không ít nhưng dẫu sao cũng là thần tử hai triều, lão thái gia xưa kia còn làm tới chức thái sư, căn cơ cực kỳ thâm hậu, chỗ ngồi trong căn nhà cũ của An gia so với tướng phủ còn khí phái hơn gấp mấy lần.
Hai huynh đệ An Thành Hâm và An Thành Lỗi đã chờ trước cửa chính, xe ngựa Diệp gia vừa đến, hai người lập tức dẫn gia phó tiến lên nghênh tiếp.
“Diệp tướng, muội muội về rồi.”
An Thị thấy huynh trưởng ra đón, thân thiết đáp lời: “Hai vị huynh trưởng vẫn khỏe, phụ thân và mẫu thân gần đây chẳng hay thế nào?”
An Thành Lỗi cười nói: “Phụ thân vẫn như xưa, mẫu thân thì lại tái phát chứng nhức đầu, đêm ngủ không yên, vừa nghe Huy nhi và A Cẩm sẽ về thăm, ấy vậy mà bệnh tật gì cũng biến mất, suốt ngày cứ nhắc mãi, hôm nay cuối cùng có thể gặp mặt rồi.”
An Thành Hâm ở bên liên tục gật đầu phụ họa.
Sắc mặt An Thị lướt qua hổ thẹn, “Khởi Dung bất hiếu, không dẫn bọn trẻ về thăm phụ mẫu sớm hơn, Huy nhi A Cẩm, hai vị này là đại cữu và nhị cữu của các con, hai con mau chào hai vị cữu cữu đi nào.”
Diệp Trọng Huy nghiêm mặt gật đầu, hắn ở trước mặt người ngoài vẫn luôn nghiêm túc đoan chính, lãnh đạm nói: “Đại cữu, nhị cữu.”
Diệp Trọng Cẩm bị gió thổi cho lạnh run cũng gọi một tiếng: “Bái kiến đại cữu, nhị cữu.”
Hôm nay y mặc áo lụa đỏ, bên ngoài khoác áo hồ cừu, chân đi hài thêu hai cái đầu hổ viền vàng, gò má trắng nõn bị khí lạnh làm cho ửng hồng, đôi mắt đen láy sũng nước, nhìn vào thật khiến cho người ta mềm lòng thương tiếc.
An Thành Hâm và An Thành Lỗi vội vàng gật đầu đáp lại, An Thành Hâm nói: “Được rồi được rồi, hai cháu đều rất ngoan, phụ thân mẫu thân mà thấy nhất định sẽ rất vui.”
Đám người tiến vào cửa chính, Diệp Nham Bách nói: “Phu nhân có sai người chuẩn bị ít lễ mọn, đều là tâm ý phu thê đệ, hai vị đại cữu xin đừng từ chối.”
Ông là đích hệ tử tôn của Diệp Thị, hiện tại là đương triều thừa tướng, hoàng đế còn không dám ra vẻ trước mặt ông, hai huynh đệ An gia càng không dám, luôn miệng đáp: “Muội muội có lòng, muội phu có lòng.”
Bỗng một tiểu cô nương chừng năm sáu tuổi từ sau bồn hoa lao ra, ôm lấy chân An Thành Hâm, nũng nịu kêu: “Cha, cha đoán xem con là ai?”
Khách quý còn đang đứng bên cạnh, An Thành Hâm hơi ngại, nhưng vẫn phối hợp đoán một câu: “Có phải Phan nhi của cha không?”
An Linh Vi nói: “Sai rồi sai rồi, cha ngốc quá, là Vi nhi, không phải ca ca đâu.”
Sinh liên tiếp hai đứa con trai, An Thị rất muốn có một cô con gái, thấy cháu gái hoạt bát đáng yêu thì yêu thích không thôi, cúi xuống lấy ôm cô nhóc: “Để cô cô nhìn xem, Vi nhi có phải xinh hơn rồi không?”
Diệp Trọng Cẩm chậc lưỡi, y quên mất, nha đầu kia đời này là biểu tỷ của mình.
===========
Hết chương 30.