Phần lớn cổ phần của hộp đêm nằm trong tay một ông chủ tên Trạch Phong Mậu. Ông chủ Trạch là người gốc Đằng Thành. Thời còn trẻ lấy danh tính người Hồng Kông rồi quay về Đằng Thành phát triển với tên tuổi là thương nhân đầu tư Hồng Kông, sở hữu hơn chục sản nghiệp ở Đằng Thành và công ty đầu tư, còn tham gia vào sân chơi của spa cao cấp, khách sạn, cho vay vi mô và đủ loại công trình. Trạch Phong Mậu ít khi lộ diện, chủ yếu qua lại giữa Đằng Thành và Hồng Kông. Có điều nghe nói tính cách Trạch Phong Mậu ôn hòa, bình dị gần gũi, là nhân vật rồng thần thấy đầu chẳng thấy đuôi.
Trần Dị bước vào vòng vì bida. Ở hộp đêm, ban đầu anh làm việc cùng đội trưởng đội an ninh nội bộ. Người đội trường này họ Trần giống anh, cũng là một tay đam mê bida. Trần Dị nhỏ tuổi, ở người còn toát lên phong thái của dân giang hồ, thuốc lá rượu bia đánh bạc anh chơi tất, cũng cực kỳ cần mẫn siêng năng, còn kéo luôn cả Bảo Mao và Ba Tử vào hộp đêm. Trong giới này, lý lịch của anh coi như sạch sẽ và minh bạch. Là người ăn bát cơm này, thường xuyên qua lại với nhau trên bàn bóng, Trần Dị đánh bóng luyện bóng với người ta, nên rất biết quan sát sắc mặt. Khoảng thời gian đó, ngày ngày Trần Dị đắm mình cạnh bàn bóng suốt mười mấy tiếng đồng hồ, kỹ năng đánh bóng tiến bộ vượt bậc, cũng quen biết với Trương Tân và đám anh em thuộc hạ. Những người ấy không quá trẻ, khoảng độ ba, bốn chục tuổi, đoàn kết chặt chẽ, đủ sự ăn ý, người ngoài không dễ chen chân.
Mọi người nhận ra được lai lịch của nhóm người này không quá trong sạch. Không thể so sánh xã hội hiện giờ với trước kia được nữa, nay chẳng còn thịnh hành những trò đánh đánh giết giết. Các anh cả, ông trùm đã tự tẩy trắng cho mình, bớt tác oai tác quái, mở công ty doanh nghiệp, đám tay sai thì hỗ trợ việc dọn sạch đường. Ai cũng có cách kiếm tiền an toàn hơn, không còn phải sống những ngày tháng li3m máu trên đầu lưỡi đao nữa.
Ở hộp đêm, cược bóng là việc hết sức bình thường. Có khi Trần Dị sẽ đấu trực tiếp với người ta, có khi các ông chủ sẽ chọn cơ thủ để cùng đánh cược. Trương Tân có ấn tượng với Trần Dị, đó là chàng thanh niên chơi bóng đỉnh, hay phì phèo điếu thuốc, lại còn rất được các cô nàng ưu ái. Trường giang sóng sau dồn lớp trước, hết cách thôi, thiên hạ giờ là của người trẻ tuổi.
Quen Trạch Phong Mậu, Trần Dị được người ta dẫn đến khách sạn năm sao cược bóng. Người ngồi xem bóng không giàu thì cũng quý, toàn những gương mặt mà Trần Dị không hề quen. Nhưng dường như chẳng một ai quan tâm việc chơi thắng hoặc thua đứt hơn năm trăm vạn chỉ trong một đêm. Đánh vài ván bóng, trên bàn tiếng hoan hô reo liên hồi. May rằng Trần Dị không lâm cảnh bẽ mặt, sau cùng được chia năm vạn tiền hoa hồng, tiền đấy Trần Dị không nhận. Trong phòng bao, anh mời Trương Tân uống một chén rượu, cảm ơn ân đề bạt của ông ta.
Có người đàn ông độ trung niên nom không mấy nổi bật ngồi bên cạnh, thấy anh còn trẻ, mặt mũi khôi ngô, tiện miệng hỏi Trần Dị có muốn chơi bóng không. Ông ta ngỏ lời sẽ mời huấn luyện viên cho Trần Dị, cho Trần Dị sang Macao. Trần Dị nghe giọng ông ta hơi lẫn giọng Quảng Đông, bèn lễ phép châm điếu xì gà đưa qua, lắc đầu nói mình chẳng có chí hướng gì, vừa ra trường là làm việc ngay cho ông chủ Trương, luôn được người khác giúp đỡ chiếu cố, không có dự định đi.
Trạch Phong Mậu không để bụng, chắp tay sau lưng rời đi cùng Trương Tân.
Tối đó đánh bóng xong trở về, Trần Dị vẫn hoàn trả lại mấy ngàn tệ. Về nhà anh nằm trên giường, hai tay gác sau đầu, uể oải nhìn trần nhà. Miêu Tĩnh đem quần áo đã giặt sạch vào, thấy miệng anh ngậm điếu thuốc, tàn thuốc rơi vào đống đồ. Cô mím môi cất quần áo vào tủ đồ, rồi quay người rút điếu thuốc khỏi miệng anh, ấn vào gạt tàn.
Trần Dị cau mày tặc lưỡi, đứng dậy bóp vai cô, giục cô vào bếp nấu cơm.
Ở hộp đêm được một thời gian dài, không có chuyện gì phát sinh, lúc thiếu người sẽ gọi Trần Dị. Có lúc là cùng đánh ván bài, nhờ anh chạy vặt, làm chút việc linh tinh, hay ra ngoài làm tài xế lái xe, làm một thằng nhóc cu li cấp thấp nhất.
Cũng có lúc anh theo chân người ta đi gây sự. Chủ yếu là khu Lão Thành bị phá dỡ để cải tạo, cư dân ở khu ổ chuột của vùng đó vì khoản tiền phá dỡ nên không chịu dọn đi, bấy giờ cần huy động một số đông người. Đám côn đồ lưng hùm vai gấu nhìn là biết chẳng dễ chơi, miệng ngậm thuốc lá, cổ đeo dây xích đi phá xe bánh mì, lang thang len lỏi khắp đầu đường cuối ngõ, ngồi canh chừng mười ngày nửa tháng, gõ cửa các nhà. Rốt cuộc khoản tiền phá dỡ cũng được đàm phán ổn thỏa. Công ty bất động sản nhảy vào phá bỏ nhà ở cũ cũng phải đề phòng người ta gây rắc rối.
Sản nghiệp của Trạch Phong Mậu ở Đằng Thành quả thực nhiều vô số, một phần trong đó do Trương Tân quản lý. Hồi ấy xảy ra vụ một nhóm người xô xát nhau. Trương Tân có một công ty hậu cần đứng tên mình mà xích mích với công ty đối thủ. Đối thủ là một “anh cả” ở Đằng Thành, tên Hàn Ca, ngày xưa cũng thuộc dạng trùm băng đảng. Thời hoàng kim nhất, dưới trướng phải có hơn trăm thuộc hạ. Về sau lại rửa tay gác kiếm, đuổi hết đệ tử đi, tẩy trắng bản thân, cầm tiền đen mở công ty, thao túng ngành vận tải hành khách đường dài và vận chuyển hậu cần trong tỉnh của Đằng Thành.
Trương Tân phái một nhóm người từ hộp đêm, bao gồm cả nhóm nhân viên an ninh nội bộ, Trần Dị cũng đi theo, thế là hai nhóm người ẩu đả nhau trong một bãi đậu xe chở khách vì giành chỗ làm ăn.
Một tháng sau, Hàn Ca chết trước cửa một spa mát xa, chết do bị bắn.
Vụ án được giải quyết chỉ trong vòng ba ngày. Khi đó, người phụ trách vụ án là một viên cảnh sát hình sự tên Chu Khang An, chương trình thời sự trong khu vực còn theo dõi đưa tin. Kẻ nổ súng chính là một tay lâu la của Hàn Ca năm xưa, vì vụ phân chia tiền ăn cướp mà sinh thù oán với Hàn Ca, nên mới ác ý trả thù.
Trần Dị thấy thời sự đưa tin, trước kia anh từng gặp tên hung thủ này một lần ở hộp đêm. Sớ dĩ còn nhớ, cũng là do mấy bê bối tình d*c. Tên này tiếp một hơi hơn mười nàng khách, kết quả khách không thèm cho tiền boa, đơn rượu cũng chẳng buồn thanh toán, xong chuyện giám đốc hộp đêm cho khách đi luôn.
Không lâu sau, một tên tay sai quen mặt ở hộp đêm lặng lẽ rời đi, tình cờ hỏi tới thì bảo là đi Vân Nam làm việc rồi.
Tầng một của hộp đêm có phòng xì gà và phòng rượu vang, ngày trước tên tay sai này chịu trách nhiệm trông coi, sau khi hắn ta đi, bầu không khí cũng buông lỏng theo. Trần Dị mời người ta đi ăn cơm, cuối cùng chuyển khỏi phòng bida, tìm được một chức vị, chính thức trở thành đàn em chính quy của Trương Tân.
Miêu Tĩnh mơ hồ nhận ra đôi phần. Cô nắm rõ buồng ngủ của Trần Dị như lòng bàn tay, biết anh giấu giếm rất nhiều thứ bẩn thỉu. Ngoại trừ mấy đ ĩa phim người lớn, còn có món đồ nhạy cảm như máy nghe lén, thậm chí những thứ vũ khí sắc nhọn như dùi cui, dao găm cũng thỉnh thoảng xuất hiện, hôm sau lại lẳng lặng biến mất.
Cô làm được gì nữa bây giờ? Ngoài việc học hành nặng nề, đêm khuya cô còn trằn trọc khó ngủ. Lâu lâu hai người sẽ bùng nổ chiến tranh lạnh. Những khi tốt đẹp thì ăn ý đến độ biết ngay ý của nhau qua ánh mắt, những khi tồi tệ thì buông lời châm chọc nhau, không người nào nhường nhịn người nào. Trần Dị cóc sợ cãi nhau với cô, anh chịu được cô vậy đấy, chả sao cả.
Hai người luôn nói về việc học hành cuối cấp. Thành tích của Miêu Tĩnh như thế ắt phải học lên đại học, Miêu Tĩnh không muốn chỉ dừng bước ở tốt nghiệp cấp 3. Dù không có tiền, song vẫn có thể xin khoản vay sinh viên, có thể tự đi làm thuê, khác ở chỗ là học luôn trong tỉnh của Đằng Thành hay học ngoài tỉnh. Tuy nhiên, cô chắc chắn sẽ không ở lại Đằng Thành. Trần Dị những mong sao thời gian mau mau trôi qua, đợi Miêu Tĩnh đi cái là anh sẽ hoàn toàn tự do thoải mái, vốn chẳng có ý giữ cô lại, cũng không nghĩ mai sau sẽ như nào. Có lẽ… mai sau sẽ kết thúc vậy thôi?
Từ lúc Ngụy Minh Trân rời Đằng Thành cho tới nay, suốt ba năm trời, có lẽ anh thấy cô tội nghiệp, có lẽ xuất phát từ mục đích tỏ tấm lòng vàng, anh cho cô ở trong nhà dù rằng là miễn cưỡng. Những mỗi một lần anh đuổi cô đi, lời anh nói chưa bao giờ nể nang.
Miêu Tĩnh cứ thế sống cuộc sống cấp 3 vừa mông lung vừa mâu thuẫn.
Cũng không phải không có lúc nào vui vẻ. Anh vui lúc ăn món ăn cô nấu; vui lúc ra ngoài xã giao còn gói đồ ăn mang về cho cô; vui lúc ngậm điếu thuốc lá, cho cô tiền tiêu vặt với một phong thái hết sức phóng khoáng, đẹp trai; vui lúc thi thoảng học xong tiết tự học tối, bóng hình cao lớn lười nhác đứng ở cổng trường, góc áo bị gió đêm thổi phấp phới; lúc anh búng đầu cô, véo má cô, qua đường thì khoác vai cô, đều là những khoảnh khắc vui vẻ.
“Miêu Tĩnh này, người về nhà với cậu tối qua là anh trai cậu thật à?”
“Phải rồi.”
“Đẹp trai thật đấy, anh cậu bao tuổi? Có người yêu chưa?”
Đội mũ lưỡi trai, khoác chiếc áo jacket rằn ri, quần bò ôm lấy đôi chân dài, và cả kiểu giày vải bạt dành cho giới trẻ, sự thành thục của đàn ông và hơi thở trẻ trung cùng hòa quyện.
“Sắp 30 rồi, chưa có người yêu, anh ấy kém tắm quá, ngoài thì bóng bẩy mượt mà, trong thì ghẻ lở tiêm la chín tầng. Anh ấy biết đánh nhau nữa, phụ nữ con gái tránh như tránh tà.”
“Hả…” Khuôn mặt bạn nữ chung lớp lộ vẻ hoang mang, “Sợ… sợ thế cơ à?”
“Ừ!” Miêu Tĩnh nghiêm túc gật đầu.
Dù sao từ bé cô đã không có bố mẹ dạy dỗ, bịa đặt dối trá mấy câu cũng chả sao.
Vì là lớp cuối cấp, đứng trước sự chia ly của tuổi trẻ, tình cảm của mọi người dần dần đậm sâu. Cũng có con trai tặng quà cho Miêu Tĩnh, tạo nhóm học tập nhỏ với cô, tìm cơ hội được ở riêng với Miêu Tĩnh. Kỳ thi giữa kỳ của học kỳ trước, Trần Dị tranh thủ đi họp phụ huynh cho cô, phát hiện quà và thư tình trong ngăn bàn cô, mặt nhăn mày nhó, duỗi ngón tay kẹp một tờ giấy dùng viết thơ lên.
“Quái gì đây?”
“Không biết tự đọc à?”
Mẹ kiếp, đọc nửa buổi trời mới hiểu, là một bài thơ cổ do tên tài tử nào đấy viết, lại còn thơ viết theo lối giấu ý thơ ở chữ đầu câu. Đọc một hàng dọc chữ đầu câu nghe văn vẻ lắm, vừa đọc đã hiểu ngay là tên Miêu Tĩnh.
“Thế ý là sao?”
“Thích em, mến mộ em, muốn hẹn hò với em.”
Hàng mày kiếm của Trần Dị dựng đứng, giọng nhàn nhạt: “Lớp 12 là giai đoạn đặc biệt, đừng có sa vào mấy thứ mơ mộng sến súa kiểu đấy.”
“Chắc ý anh là… đừng có yêu đương trai gái nhỉ.” Miêu Tĩnh hơi sững, khẽ nhíu mày, ngờ vực nghiêng đầu nhìn anh, “Với trình độ kiến thức của anh thì làm nên được thành tựu gì? Đừng để bị bán còn giúp người ta đếm tiền, khi không phải chịu tội thay. Chẳng thà làm cái khác ổn định hơn một chút.”
Mặt anh hơi ửng đỏ, trấn định như sư tử đá: “Mày biết đếch gì, đây gọi là tìm giàu sang trong cảnh hiểm nghèo. Học của mày đi, bớt dò la chuyện tao.”
Mặt Miêu Tĩnh lạnh tanh, nghe tiếng anh bóc vỏ kẹo sột soạt trong ngăn bàn rồi bỏ một viên socola vào miệng ngậm. Anh bóc tiếp một viên khác, tiện tay nhét luôn vào miệng cô. Lòng bàn tay ấm áp đụng trúng môi cô, lần này là mùi socola và mùi thuốc lá trộn lẫn. Miêu Tĩnh khẽ m*t viên kẹo, lòng bàn tay va chạm lực hút. Tim Trần Dị ngưa ngứa, quay đầu nhìn, viên socola đã nằm trọn trong miệng cô, cánh mi cong vút run run, trông thuần khiết và ngoan ngoãn lạ thường.
Mùa thu ở Đằng Thành vô cùng ngắn ngủi, tiết thời nóng lạnh tráo trở. Lớp 12 tự học đến mười giờ rưỡi tối mới xong, Miêu Tĩnh đi xe đạp điện, có thể rút ngắn quãng đường về nhà xuống còn hai mươi phút. Nhưng bận ấy trời hay mưa gió, thời gian về nhà rất thất thường.
(còn tiếp)