• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trong tháng Hai, Tề Thịnh bố cáo thắng lợi của cuộc viễn chinh phương bắc, sau đó mang theo hai nghìn người thuộc hoàng tộc Bắc Mạc cùng vô số vàng bạc châu báu từ Bình Ninh trở về. Bởi vì người đông, lại không cần phải về gấp nên tốc độ rất chậm, lúc về đến Thái Hưng đã bước sang tháng Ba. Nghỉ ngơi ở Thái Hưng hai ngày, tôi và Tề Thịnh lên thuyền rồng, được chiền hạm của thủy quân Phụ Bình hộ tống sang sông.

Gió ở trên sông vẫn còn lạnh, thổi vào mặt có cảm giác như gai đâm. Nhìn nước sông mênh mông, bất giác tôi thần người ra. Năm ấy, tôi cũng từng cùng Tề Thịnh chung thuyền qua sông, có điều lần đó là từ Phụ Bình sang Thái Hưng, anh ta đứng ở đầu thuyền, còn tôi náu mình ở cuối thuyền.

Năm năm trôi qua, cuối cùng tôi cũng được đường đường chính chính đứng ở đầu thuyền.

Đang suy nghĩ mông lung thì nghe thấy tiếng của Lý Hoằng ở đằng sau: "Gió trên sông lớn, Hoàng thượng mời nương nương quay vào khoang thuyền ạ".

Tôi quay đầu lại đánh giá con người quen thuộc ấy từ đầu tới chân. Năm đó cũng chính anh ta đã lén lút mang tôi ra khỏi hành cung Phụ Bình, sau khi đưa tôi đi một vòng trên sông Uyển Giang thì ép tôi nhảy xuống sông. Khi đó tôi không biết anh ta là thân tín của Tề Thịnh, càng không ngờ sau này lại mang thân phận đội trưởng thân vệ ở bên Tề Thịnh.

Tôi cứ đứng im đánh giá Lý thị vệ, một lúc lâu sau, vẻ mặt anh ta hơi lúng túng, cụp mắt xuống, đặt tay lên chuôi kiếm rồi lùi ra sau nửa bước.

Hành động bản năng của anh ta khiến tôi sực tỉnh, bất kể tôi là nam hay nữ thì đều phải lấy đức báo đức, lấy chính trực báo oán thù, không nên suốt ngày bị trói buộc trong ân oán tình thù mới phải.

Tôi bước lên trước hai bước, thong thả rút bảo kiếm đang đeo bên hông anh ta ra, quan sát lưỡi kiếm sắc bén đó rồi hỏi: "Kiếm pháp của Lý thị vệ cũng không tồi phải không?".

Lý Hoằng ngước mắt nhìn tôi: "Nương nương…".

Tôi đặt mũi kiếm lên ngực anh ta, cười: "Xin chỉ giáo một chút nếu chỉ muốn đâm vào da thịt của người ta mà không làm tổn thương đến lục phủ ngũ tạng bên trong thì lực tay phải khống chế như thế nào?".

Khuôn mặt của Lý Hoằng có vẻ đau khổ, không nói câu gì.

Tôi đẩy mũi kiếm sâu hơn mấy phân, đến lúc nhìn thấy có vết máu mới thu kiếm lại, cười nói: "Ái chà, thật xin lỗi, ta không khống chế được lực tay, Lý thị vệ mau tìm người băng bó đi".

Lý Hoằng cúi đầu nhìn ngực mình, vẫn im lặng.

Tôi lại hỏi: "Lý thị vệ, ngươi biết bơi phải không?".

Lý Hoằng im lặng giây lát rồi đáp lại với giọng rầu rĩ: "Tiểu nhân rõ rồi", nói xong liền quay mình nhảy thẳng xuống sông.

Hừm, quả là một người thông minh sáng dạ!

Trình độ bơi lội của Lý Hoằng quả nhiên không tồi, bơi theo thuyền quá nửa sông vẫn không bị chìm, lúc được kéo lên thì môi cũng chỉ hơi tím, người hơi run mà thôi.

Mong muốn trả thù trong tôi cuối cùng cũng được trút bỏ, lập tức cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Tề Thịnh biết chuyện thì dở khóc dở cười, lấy tay gí nhẹ vào trán tôi, cuối cùng đành phải cười bất đắc dĩ, nói: "Cũng tốt, đàn bà lòng dạ nên hẹp hòi một chút".

Nói xong liền sai Tả Ý đem nước gừng cho Lý Hoằng.

Ngày Hai mươi sáu tháng Ba, đại quân về đến Thịnh Đô, cả thành tưng bừng, nhộn nhịp không bút nào tả xiết. Nam Hạ, Bắc Mạc đã tranh chấp với nhau hơn ba trăm năm có lẻ, trong đó những cuộc đấu đá, chiến tranh quy mô nhỏ nhiều vô kể, cả hai nước đều đã từng có những vị vua hùng mạnh, mang mưu đồ thống nhất thiên hạ, nhưng từ trước đến nay vẫn chưa có ai thực hiện được giấc mơ đó.

Nhưng bây giờ Tề Thịnh đã làm được.

Thái hoàng thái hậu nước mắt giàn giụa, chắp tay trước ngực, vừa khóc vừa nói: "Liệt tổ liệt tông đã phù hộ cho Đại Hạ ta thống nhất được thiên hạ, di chí của Thành Tổ đã thành sự thực, bản cung cuối cùng cũng có thể yên tâm đi gặp người rồi".

Khấn cả nửa ngày, Lão thái thái lại quay sang tôi: "Con à, đã làm khó con rồi, con đúng là đứa trẻ ngoan".

Tôi vội rơi vài giọt nước mắt cho hợp hoàn cảnh, còn giả bộ dùng khăn tay chấm chấm khóe mắt.

Hai chị em Tề Uy và Tề Hạo nửa năm không thấy tôi nên có vẻ rụt rè, đứng quan sát hồi lâu rồi mới nhào vào lòng tôi. Ôm trong tay thân hình nhỏ bé mềm mại của hai con, nước mắt tôi cuối cùng cũng thực sự rơi.

Tề Thịnh vừa về đã bận rộn chuyện triều chính mấy ngày liền, nào là tế trời tế tổ, lúc rảnh còn phải luận công ban thưởng. Đương nhiên là dù bận thế nào anh ta cũng không quên việc trừng phạt những người có tội.

Dương Nghiêm bị phạt sung quân năm nghìn dặm, trực tiếp đi thẳng đến chiến trận ở Bắc Mạc.

Nhà xí huynh vừa phạm tội hành thích Hoàng đế, vừa cấu kết với quân địch, vốn phải xử tội chết nhưng Tống thái hậu bộ dạng đầu bù tóc rối chạy đến cung Đại Minh làm ầm lên, còn đưa ra di chỉ mà Tiên đế để lại, trong đó viết rõ: không cho phép Tề Thịnh được giết hại thủ túc, nhờ vậy mới giữ được tính mạng của Nhà xí huynh, nhưng vẫn bị tước vị, phế làm thứ dân và đi đày ở Lĩnh Nam.

Nhà họ Trương thì nhẹ nhàng nhất, không công không tội vô thưởng vô phạt. Chỉ có điều trong lần tấn công Bắc Mạc này xuất hiện không ít nhân tài mới, binh quyền của các thế gia trong quân vì thế mà bị phân tán, nhà họ Trương cũng không ngoại lệ.

Trương Phóng đặc biệt vào cung tìm tôi, bàn bạc cả nửa ngày mới đưa ra phương hướng phát triển cho nhà họ Trương sau này, nhất định phải kiên định đi theo đường lối "thuần tướng", giữ vững danh hiệu "thế gia" trong quân.

Vụ việc tiếp tục ồn ào đến gần hai tháng sau mới chấm dứt, chính sự trong triều dần đi vào nề nếp, Tề Thịnh tuy vẫn bận rộn như trước nhưng cũng xem như có thời gian rảnh đến hậu cung nghỉ ngơi.

Có ai ngờ rằng đúng thời điểm này hậu cung lại xảy ra chuyện.

Mọi việc bắt đầu vô cùng đơn giản. Vương chiêu dung đến cho Trần thục phi tán gẫu, lúc đi ngang qua ngự hoa viên thấy hơi lạnh liền bảo cung nữ theo hầu quay về lấy áo choàng. Không ngờ cung nữ vì vội vàng, vô ý đụng vào Hoàng hiền phi đang ngắm hoa ở ngự hoa viên.

Vương thị thường ngày hiền lành nhưng lại được Tề Thịnh coi trọng nhất trong số các phi tần, trước đây số lần được gọi đến tẩm cung cũng nhiều hơn người khác.

Hoàng thị vốn đã chướng mắt Vương chiêu dung, lần này cung nữ của nàng ta lại tự tạo cớ cho mình, đương nhiên không thể bỏ qua, lập tức sai người tát cho cung nữ kia một cái.

Vương thị biết tin liền đi tới, xem việc Hoàng thị làm như vậy là coi thường mình, liền đứng ra chắn trước mặt cung nữ kia, nhẹ nhàng nói: "Để ta xem ai dám tát!".

Thân phận của Vương thị tuy thấp hơn Hoàng thị nhưng dù sao là một Chiêu dung, cung nữ của Hoàng thị sao dám đánh nàng ta, khí thế hừng hực phút chốc tiêu tan, sợ hãi thu cánh tay lại.

Hoàng thị thấy thế lại càng tức giận, vừa than thở bên cạnh chẳng có người nào tin tưởng được, vừa xắn tay áo lên rồi tự mình xông đến.

Vì bị Vương thị cản lại nên bàn tay của Hoàng thị không chạm được vào mặt của cung nữ mà hạ cánh đúng vào mặt Vương thị. Vương thị sững sờ trong giây lát rồi đưa tay đánh lại.

Các phi tần mới trông thì ai cũng cao quý nhã nhặn nhưng họ đều là phụ nữ. Đã là phụ nữ thì cách đánh nhau cũng chẳng chệch đi đâu được, cứ như được luyện từ cùng một lò ra: đá đấm, cấu, véo, cào, xé... tuyệt đối không thiếu cái nào.

Cô bạt tai tôi thì tôi tát lại cô, cô tát tôi thì tôi cũng vả lại cô... Nó giống như diễn trò, chẳng mấy tác dụng.

Có một sự thật đã được thực tế chứng minh, đó là: trước hết phải nắm được tóc đối phương đã, sau đó thì muốn đấm muốn đá gì cũng được.

Hoàng thị và Vương thị hoàn toàn quên sạch thể diện của phi tần, chiến đấu vô cùng hăng hái. Các cung nữ xung quanh vội tiến lên ngăn cản, một cung nữ của Vương thị không biết lôi kéo Hoàng thị thế nào mà khiến Hoàng thị hai mắt đảo một vòng, ngất ngay tại chỗ.

Đám đông sững sờ, thất kinh.

May mà Vương thị còn giữ được bình tĩnh, vội ra lệnh cho các cung nữ đưa Hoàng thị đến chỗ gần nhất là cung của Trần thục phi, sau đó phái người đi bẩm báo với Hoàng hậu và triệu thái y.

Khi tôi đến nơi, Vương thị tóc mây xõa xượi, vẻ mặt thất thần đang đứng ở ngoài điện, vừa nhìn thấy tôi thì lập tức quỳ xuống, vừa khóc vừa nói: "Thần thiếp sai rồi, xin Hoàng hậu nương nương trách tội".

Tôi liếc cô ta một cái, cũng chẳng thèm để ý đến nữa, bước thẳng vào trong điện.

Tống thái y đang bắt mạch cho Hoàng thị vẫn hôn mê, vẻ mặt ông ta hơi hoang mang. Tôi quan sát kỹ hơn, tốt rồi, lại còn mồ hôi đầy đầu nữa chứ.

Tôi hỏi: "Thế nào rồi?".

Tống thái y không trả lời, chỉ đứng dậy, run cầm cập quỳ gối trước mặt tôi rồi mới mở miệng nói: "Hoàng hậu nương nương, đây, đây, đây...".

Tôi hơi sốt ruột: "Rốt cuộc là thế nào? Có gì cứ nói thẳng ra đi".

Tống thái y cúi thấp đầu xuống, nói tiếp: "Xin, xin, xin Hoàng hậu nương nương cho những người khác lui ra".

Tuy hơi ngạc nhiên nhưng tôi vẫn làm theo lời ông ta. Đợi cho đám Trần thục phi lùi ra ngoài điện hết, mới nghe thấy tiếng nói căng thẳng của Tống thái y: "Sức khỏe Hiền phi nương nương không có vấn đề gì lớn".

Tôi nhẹ cả người, chỉ cần đừng có đánh nhau đến bị thương nặng là được.

Tống thái y thận trọng nhìn tôi, lại nói tiếp: " Hiền phi, Hiền phi, Hiền phi có thai hơn ba tháng rồi".

Tôi sửng người, lúc sau mới thấm được nội dung trong lời nói của Tống thái y, lập tức trả lời: "Chuyện tốt mà".

Nhưng vẻ mặt của Tống thái y lại vô cùng kỳ lạ, ông ta nhìn quanh, sau đó nhẹ nhàng xòe tay ra: "Hơn ba tháng rồi".

Đã hơn ba tháng rồi cơ à? Thế lại càng tốt, thai nhi đã ổn định rồi không dễ xảy ra chuyện được. Chả trách mà trước đó Hoàng thị cứ kêu sức khỏe không tốt, thì ra là đã có thai, bây giờ nghĩ lại thì thấy có lẽ cô ta muốn giấu chuyện. Phải nói là tâm cơ của những người đàn bà trong hậu cung thật không đơn giản, đến cả việc mang thai mà cũng phải giấu giếm như kẻ trộm vậy.

Có điều, sao bỗng dưng tôi cảm thấy có gì không đúng!

Tống thái y cứ như sợ tôi không biết tính, lại giơ ba ngón tay lên, nhấn mạnh: "Hơn ba tháng rồi, ba…".

Trong đầu nổ ầm một tiếng, tôi lập tức hiểu rõ mấu chốt của vân đề.

Hoàng đế về cung chưa được hai tháng, Hoàng hiền phi lại có thai hơn ba tháng rồi... Chuyện này và truyền kỳ "Chồng ra trận hai mươi năm, trở về con trai đã tròn mười tám tuổi" có phần giống nhau.

Mấu chốt là... rốt cuộc là ai làm?

Tôi và Tống thái y tròn mắt nhìn nhau, không nói được câu gì.

Làm thế nào bây giờ? Chuyện này, nếu ở xã hội hiện đại thì chỉ cần một tờ giấy ly hôn là xong, mời được luật sư tốt thì không khéo Hoàng thị còn đòi được tiền nuôi dưỡng từ Tề Thịnh ấy chứ!

Nhưng bây giờ lại không phải là xã hội hiện đại, theo cách nói trong sách sử thì đây là xã hội tập quyền phong kiến độc ác. Ngươi dám cắm sừng lên đầu hoàng đế thì hoàng đế sẽ giết cả nhà ngươi, còn nhân tiện xóa sổ luôn họ hàng nội ngoại nhà ngươi luôn ấy chứ!

Tôi suy nghĩ rất lâu, thấy một mình mình không thể giải quyết nổi chuyện này, liền quyết định sai người để ý đến Hoàng thị, Vương thị và Trần thị cùng các cung nữ của họ, còn bản thân thì dẫn Tống thái y đến gặp Thái hoàng thái hậu.

Thái hoàng thái hậu vừa nghe xong chuyện thì ngẩn người ra, tiếp đó mặt liền biến sắc. Nhưng gừng càng già càng cay, trước tiên người bảo tôi lấy cớ chuyện đánh nhau này nhốt Hoàng thị và Vương thị lại, sau đó bí mật phái người xét hỏi chuyện của Hoàng thị.

Rất nhanh sau đó, cung nữ của Hoàng thị bèn khai ra, thì ra gian phu là một tên thái y trẻ tuổi của Thái y viện.

Trước đó một thời gian Hoàng thị đã kêu cơ thể không được khoẻ, cứ vài ba ngày lại cho mời thái y đến bắt mạch chẩn bệnh, mọi người đều không để ý, ai ngờ cô ta lại ngang nhiên mời thái y lên giường luôn...

Tôi đờ người ra, gan của Hoàng thị thật không nhỏ. Đương nhiên, gan của tên thái y kia còn to hơn, dám cắm sừng lên đầu Hoàng đế.

Chuyện này không thể giấu Tề Thịnh được, tôi chọn thời điểm khi tinh thần anh ta tương đối tốt, khéo léo kể lại chuyện này.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần đợi Tề Thịnh nổi trận lôi đình, nhưng ai ngờ nghe xong, Tề Thịnh chỉ chau mày, mắt chẳng thèm rời khỏi tấu chương, hờ hững nói: "Ban cho Hoàng thị một dải lụa trắng, còn Vương thị và Trần thị thì cứ trực tiếp đưa đến chùa là được rồi".

Tôi nghe mà choáng váng, ngạc nhiên hỏi: "Hoàng thị thì thế nào cũng được, nhưng chuyện này thì liên quan gì đến Vương thị và Trần thị chứ?".

Tề Thịnh ngước mắt lên nhìn tôi, cười nhạt: "Nàng thấy trong chuyện này, hai người họ không có liên quan gì sao?".

Tôi vẫn cho rằng chuyện này chỉ là tình cờ, chẳng ngờ Tề Thịnh lại xử lý nó một cách đơn giản mà nghiêm khắc như vậy, nhất thời không khỏi ngây ra.

Tề Thịnh nhận ra phản ứng của tôi, hỏi: "Sao vậy?".

Tôi mỉm cười, lấp liếm: "Phi tần trong cung vốn không nhiều, trừng phạt như thế thì hay rồi, một nửa dân số hy sinh, sang năm dù thế nào cũng phải tuyển tú nữ vào cung thôi".

Tề Thịnh cười thờ ơ, chẳng nói gì.

Tôi do dự một lát, cuối cùng vẫn không nén được, hỏi: "Có thể không giết Hoàng thị được không?".

Tề Thịnh hơi bất ngờ: "Nàng thương hại cô ta sao?".

Tôi lắc đầu: "Thiếp chỉ thuận miệng hỏi thôi, cứ coi như thiếp chưa nói gì".

Tề Thịnh nhìn sâu vào mắt tôi rất lâu rồi bình thản nói: "Hoàng thị cũng đưa vào chùa đi".

Nói xong anh ta liền rời khỏi cung Hưng Thánh, mấy ngày liền cũng không thấy mặt đâu.

Lục Ly biết chuyện lập tức giáo huấn cho tôi một trận, nói: "Hoàng thượng rõ ràng là có ý trừ bỏ tần phi trong cung, đây chẳng phải là vì nương nương sao? Nương nương đã không cảm kích lại còn xin tha tội cho Hoàng thị, thật hồ đồ! Lần này Hoàng thượng nhất định đã hiểu lầm nương nương đối với Hoàng thị là đồng bệnh tương lân rồi".

"Không phải hiểu lầm mà là sự thật." Tôi nhìn Lục Ly, bình tĩnh nói tiếp: "Nói cho cùng thì ta và Hoàng thị chẳng khác gì nhau, chỉ là bây giờ Tề Thịnh đang yêu ta, vì yêu nên mới sủng ái, cũng bởi vì không yêu nên mới tuyệt tình với bọn Hoàng thị như vậy. Nhưng có ai suy nghĩ cho bọn họ không, đều là danh chính ngôn thuận được vào cung, sao họ lại phải chịu tội như vậy?".

Lục Ly nghe xong thì sững sờ, nhưng vẫn nói tiếp: "Nhưng Hoàng thị không giữ đạo làm vợ!".

"Đạo làm vợ?", tôi không nhịn được cười: "Tề Thịnh đối với họ có thực hiện đúng đạo làm chồng không? Chẳng lẽ cứ bắt họ phải sống như quả phụ cả đời sao? Nếu là ta thì e rằng cũng không tuân thủ được".

Lục Ly há miệng ra nhưng mãi chẳng thốt được lời nào, cuối cùng chỉ có thể nói một câu: "Thần thiếp nói không lại nương nương, có điều, chuyện này Hoàng thượng không sai, chỉ là nương nương quá nhân từ thôi".

Tôi cũng chẳng còn hứng thú nói tiếp, chỉ cười cười.

Lục Ly đảo mắt, đột nhiên khẽ hỏi tôi: "Nương nương có muốn biết chuyện của Giang thị không?".

Tôi ngớ người, hôm đó dưới thành Bình Ninh, nhìn thấy Giang thị bị trói, nhưng sau đó Tề Thịnh trúng tên nên tôi cũng chẳng còn tâm trí nào để quan tâm cô ta sống hay chết nữa. Về sau tôi cũng không hỏi lại. Chiến trận ác liệt như vậy, ngay cả những vị tướng quân võ nghệ cao cường còn tử trận, huống chi là một cô gái yếu ớt.

Lục Ly cười hai tiếng lạnh lùng: "Nương nương hẳn đã coi thường Giang thị rồi, nhưng cô ta vẫn chưa chết, sau này lại được lão gia nhà thiếp cứu nữa kìa".

Tôi kinh ngạc hỏi: "Triệu vương cứu cô ta?".

Lục Ly gật đầu, bĩu môi nói tiếp: "Nương nương có biết sao cô ta lại rơi vào tay quân Bắc Mạc không? Năm ngoái Hoàng thượng đưa cô ta khỏi cung, nghe nói là sắp xếp cho cô ta một chỗ ở bên ngoài, nếu cô ta chịu ngoan ngoãn sống ở đó thì cả đời không phải lo lắng gì về chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng con tiện nhân đó lại không chịu từ bỏ hy vọng, biết Hoàng thượng ngự giá thân chinh thì cũng đuổi theo đến Giang Bắc, ai ngờ lại bị quân địch bắt được. Cô ta cũng thật trơ tráo, để bảo toàn tính mạng liền tự nhận là Hoàng hậu, nói là chỉ cần đưa cô ta đến chỗ Hoàng thượng, cô ta có thể khuyên Hoàng thượng rút quân khỏi Bắc Mạc".

Tôi ban đầu thì ngạc nhiên, sau đó thấy bình thường, đến cuối cùng thì thấy vô cùng thú vị.

Chà, chuyện này không thể xem là thoại bản[1] được mà sắp thành truyện truyền kỳ rồi.

[1] Thoại bản: một hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ đời Tống, chủ yếu kể về các chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này.

"Mệnh Giang thị cũng lớn nên mới không chết, lão gia nhà thiếp lúc trở về cứu viện cho Bình Ninh đã cứu cô ta khỏi đám quan quân hỗn loạn."

Tôi nghe xong mà hai mắt sáng long lanh, thiếu mỗi nước cầm hạt dưa lên cắn nữa thôi, chẳng nghĩ ngợi gì đã buột miệng hỏi: "Hay rồi! Hai người này liệu có tình cũ không rủ cũng tới không? Anh ta có cho Giang thị làm Vương phi không?".

Lục Ly vỗ đùi, hung hăng nói: "Anh ta dám! Nếu anh ta dám dây dưa đến Giang thị thì thần thiếp sẽ bế con trai anh ta nhảy xuống giếng!".

Tôi vội vàng ấn Lục Ly xuống, khuyên bảo: "Đừng kích động, đừng kích động! Có chuyện gì cũng phải nghĩ cho kỹ, chưa chi đã la lối om sòm đòi thắt cổ thì không phải là phụ nữ tốt đâu!".

Mắt của Lục Ly chợt xẹt qua một tia giảo hoạt, hỏi tôi: "Nương nương cũng thấy như thế không tốt?".

Tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều, gật đầu: "Không tốt, không tốt, đổi cách nào hòa bình hơn đi".

Đang nói đến đó thì Tề Thịnh đi từ ngoài vào, vừa nhìn thấy Lục Ly, vẻ mặt vốn không vui lại càng sa sầm.

Lục Ly liếc một cái, vẩy khăn tay, quỳ xuống ôm lấy chân tôi khóc to: "Nương nương, người phải giúp thần thiếp! Nếu Triệu vương điện hạ cưới Giang thị thì thiếp chẳng còn đường sống nữa, ai chẳng biết Giang thị không bao giờ chịu chung chồng với người khác. Thần thiếp không còn chỗ nào để đi nữa, cầu xin nương nương thu nhận, thần thiếp xin đội ơn nương nương, thề suốt đời trung thành với nương nương".

"Bậy bạ!", tiếng nói giận dữ của Tề Thịnh cắt ngang lời khóc lóc thỉnh cầu của Lục Ly: "Triệu vương coi thể diện của hoàng thất là gì hả? Giang thị sao có thể gia nhập hoàng tộc được nữa, đưa đi ngay, đưa đi ngay!".

Lục Ly quay người dập đầu trước Tề Thịnh, nhanh chóng đáp lại: "Thần thiếp lĩnh chỉ".

Nói xong dùng khăn tay lau nước mắt rồi lùi ra sau.

Tôi ngẩng đầu lên nhìn Tề Thịnh, ngơ ngác hỏi: "Hai chúng ta có phải đều bị con nha đầu này lợi dụng không?"

Tề Thịnh ngây ra, thẹn quá hoá giận, phẩy tay áo quay người bỏ đi.

Có được thánh chỉ của Tề Thịnh, Lục Ly nhanh chóng giải quyết vấn đề, vừa về nhà lập tức sai người đưa Giang thị ra khỏi Thịnh Đô. Triệu vương cũng không phản ứng gì, chẳng buồn chẳng vui, chỉ tiễn Giang thị đến cửa thành sau đó liền trở về Vương phủ ôm con trai.

Từ đầu đến cuối tôi vẫn cảm thấy tôi và Tề Thịnh bị vợ chồng nhà này lợi dụng.

Mấy ngày sau, Nhà xí huynh cũng chuẩn bị phải đi. Nơi anh ta lưu đày là Lĩnh Nam, cách rất xa Thịnh Đô, từ giờ trở đi coi như cách xa trung tâm quyền lực, thông tin liên lạc khó khăn, Tề Thịnh cuối cùng cũng có thể yên tâm được rồi.

Lĩnh Nam là nơi nghèo khó, Tống thái hậu sợ con trai khổ sở vất vả, không những lấy hết tiền riêng của mình ra cho Nhà xí huynh, còn hận không chuyển được một nửa số đồ đạc trong cung mình đến Lĩnh Nam cho con luôn.

Trước lúc đi, Nhà xí huynh vào cung dập đầu trước Tống thái hậu rồi nhân tiện đến cung của tôi xin cầu kiến. Tôi vốn không muốn gặp anh ta nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn cho mời anh ta vào, sau đó gửi lại tam giác vàng mà anh ta từng tặng tôi.

Nhà xí huynh nhìn tam giác vàng cười lạnh lùng, hỏi: "Nương nương muốn vứt bỏ đồng minh ư?".

Tôi nghĩ một lúc rồi lắc đầu, đáp: "Là ta thấy đường đến Lĩnh Nam rất xa, muốn thêm chút lộ phí cho ngươi thôi, dù gì thì đó cũng là vàng".

Vẻ mặt của Nhà xí huynh thoáng đờ đẫn, anh ta cụp mắt xuống, khẽ nói: "Chuyện ở Bình Ninh cũng là vì thần bị dồn vào đường cùng, tình thế bắt buộc mà thôi".

"Ta biết, cho nên ta không trách ngươi".

Nhà xí huynh đưa mắt nhìn tôi, thẫn thờ một lúc rồi đột nhiên hỏi một câu không đầu không đuôi: "Nếu ngay từ đầu người lấy nương nương là thần thì mọi việc có phải sẽ hoàn toàn khác không?".

Tôi giật mình, vội nói: "Chuyện này không thể đùa được".

Nhà xí huynh trấn tĩnh lại, đưa tay đẩy tam giác vàng về phía tôi, khẽ nói: "Thần đã tặng rồi thì sẽ không nhận lại, đồ vật cũng vậy, mà lời hứa cũng thế".

Nói xong liền đứng dậy, chắp tay hành lễ với tôi rồi quay người rời đi.

Tôi nhìn theo bóng anh ta, thầm nghĩ, làm người vẫn nên dành cho mình một lối thoát, bèn lên tiếng gọi anh ta: "Nếu gặp khó khăn gì thì cứ cho người tới tìm ta".

Nhà xí huynh quay đầu lại nhìn tôi một cái, mỉm cười rồi bước đi.

Thu qua, đông đến, thấm thoắt cái Tết đầu tiên sau khi thống nhất thiên hạ đã đến. Tề Thịnh lập Tề Hạo làm thái tử, vào mùa thu tôi lại được chẩn đoán có tin vui, mùa hạ năm sau hoàng tử thứ hai là Tề Tương ra đời. Cũng mùa hạ năm đó, Lý chiêu nghi vì sức khoẻ không tốt đã xin xuất cung dưỡng bệnh, Tề Thịnh đồng ý.

Mùa xuân năm thứ ba sau khi thống nhất thiên hạ, có triều thần dâng tâu thỉnh cầu Tề Thịnh tuyển tú nữ để bổ sung hậu cung, Tề Thịnh chỉ nói một câu: "Đây là chuyện riêng của trẫm, không cần ái khanh phải hao tâm tổn trí", kết thúc chuyện này.

Tôi thấy việc tuyển tú nữ trên phạm vi toàn quốc xem ra không được, bèn nghĩ đến việc sàng lọc lại lần nữa trong cung, so bó đũa còn có thể tìm được cột cờ, huống gì là so cả hàng nghìn cung nữ trong cung.

Tôi giấu Tề Thịnh, khó khăn lắm mới chọn ra được mười cô nương trẻ trung xinh đẹp trong số các cung nữ để tập trung lại đào tạo. Kết quả không biết vì sao thông tin lại bị rò rỉ, bản thân tôi còn chưa ngắm kỹ thì bọn họ đã bị Tề Thịnh đưa về cung Đại Minh, sau đó lập tức ban tặng cho các công thần trong cuộc viễn chinh phương bắc.

Không phải người của mình có khác, ban tặng cũng hào phóng thật đấy nhỉ!

Tôi thiếu chút nữa thì hộc máu, túm lấy đuôi long bào của Tề Thịnh điên cuồng cắn mấy chỗ, sau đó hùng dũng đến cung Đại Minh khuyên bảo Tề Thịnh: "Hậu cung sinh ra là để thêm con thêm cháu cho hoàng thất, Hoàng thượng cố chấp quá rồi!".

Tề Thịnh nhìn tôi, cười: "Ta cũng thấy trẻ con trong cung còn ít, hai chúng ta cố gắng thêm chút nữa đi".

Thế là không đến ba tháng sau, Hoàng hậu lại mang thai lần nữa.

Tả Ý được Tề Thịnh gả cho Lý Hoằng, Phúc nhi trở thành cung nữ đứng đầu cung Hưng Thánh, trợ thủ đắc lực bên cạnh tôi, vẫn nhanh nhẹn, tháo vát như trước.

Ngày tháng bình lặng trôi qua rất nhanh, chớp mắt một cái đã có tam hoàng tử.

Tôi bên này không ngừng "tạo người", Triệu vương và Lục Ly bên kia cũng không ngồi chơi, giống như một cuộc tranh tài, những đứa trẻ cứ đua nhau nhảy ra. Có điều, Triệu vương vẫn chưa lấy được chính phi. Mỗi khi đề cập đến vấn đề này, Thái hoàng thái hậu không nén được mà mắt đỏ hoe, luôn cảm thấy thiệt thòi cho Triệu vương. Sau đó liền kêu gọi các gia đình quyền thế tiến cử nữ nhi.

Mỗi khi sự việc được tiến hành đến giai đoạn này thì Lục Ly lại vào cung thăm tôi, lần nào cũng chọn đúng lúc Tề Thịnh có ở đó. Cô không nói gì khác cả, chỉ ôm chân tôi khóc, nói là nhớ tôi, vẫn luôn không yên tâm về tôi, may mà Thái hoàng thái hậu có ý tìm chính phi cho Triệu vương, đến lúc đó cô sẽ bàn giao công việc của phủ Triệu vương rồi vào cung hầu hạ tôi.

Mỗi lần như vậy Tề Thịnh đều tức giận bừng bừng, hôm sau liền chạy đến chỗ Thái hoàng thái hậu, không biết anh ta nói những gì với Lão thái thái mà chuyện tìm chính phi cho Triệu vương cũng dừng lại ở đó.

Sau vài lần như vậy, khi Thái hoàng thái hậu đề cập đên chuyện tuyển chính phi cho Triệu vương thì các gia đình quyền thế đều không mấy quan tâm nữa, các tiểu thư phù hợp cũng tìm mọi lý do để không phải gả đi. Cuối cùng chẳng còn có cách nào, Tề Thịnh cũng không nỡ nhìn huynh đệ của mình cô đơn cả đời, liền nâng Nhũ nhân vốn có trong Vương phủ lên làm chính phi.

Phủ Triệu vương ổn định, Tề Thịnh cũng có thể yên tâm.

Còn tôi thì lại bắt đầu lo lắng không yên, bởi vì các phi tần trong hậu cung không biết vì sao lại bắt đầu sùng đạo, hết người này đến người khác thi nhau đi tu.

Phi tần của Tề Thịnh vốn đã chẳng nhiều nhặn gì, nếu mỗi năm lại bớt đi một người thì may ra chỉ kéo dài được vài ba năm nữa. Đến năm thứ năm kể từ khi thống nhất thiên hạ, trong cung chỉ còn Lưu lệ phi, thế mà bây giờ cũng đang có ý hướng về cõi Phật.

Tôi đến chỗ Lưu lệ phi vất vả khuyên bảo: "Tuổi vẫn còn trẻ như vậy, việc gì mà phải nghĩ quẩn? Có chuyện gì mà không giải quyết được chứ? Trong cung cũng chỉ có ta và ngươi là người cũ, trước đây bảy, tám ngày mới đến lượt mà còn chịu được. Bây giờ Hoàng thượng ngoài ở chỗ ta thì lại đến chỗ ngươi rồi, sao còn muốn xuất gia chứ? Ở chùa có gì tốt hơn trong cung? Cả ngày hết ăn chay lại niệm phật. Ở lại đi, ở lại bầu bạn với ta, ta ăn thịt thì cũng không để ngươi ăn chay đâu!".

Nói đến đây, tôi không nén được cảm xúc của mình, mắt cũng đỏ hoe lên.

Không ngờ, Lưu lệ phi còn kích động hơn cả tôi, cô ôm lấy chân tôi, vừa khóc vừa cầu xin: "Nương nương, hãy để thần thiếp ra đi, thần thiếp đã hầu hạ Hoàng thượng mấy năm rồi nhưng chưa hề chạm được vào Hoàng thượng, thần thiếp có nỗi khổ tâm khó nói! Trước đây may còn các tỷ muội hầu hạ Hoàng thượng đỡ nửa đêm, bây giờ chỉ có mình thần thiếp, cả đêm chỉ có mình thần thiếp mà thôi! Thần thiếp tuổi cũng đã lớn, thức một đêm là nghỉ ngơi mấy ngày cũng không bù lại được! Người hãy nhìn vào đôi mắt thâm quầng của thần thiếp mà xem, phủ một lớp phấn dày lên rồi mà vẫn không che được!".

Lúc đó tôi mới ngớ người ra, thẫn thờ nhìn Lưu lệ phi nước mắt giàn giụa, một lúc lâu sau mới thương lượng với cô: "Nếu không, ta sẽ nói với Hoàng thượng, khuyên người không triệu ngươi qua thị tẩm nữa?".

Lưu lệ phi sống chết vẫn không thay đổi ý định, kiên quyết đòi xuất gia.

Tôi nhìn hậu cung vắng lặng, thực sự thấy không ổn, đành phải đích thân đến khuyên Tề Thịnh tuyển tú nữ, nói hết nước hết cái: "Hà tất phải như vậy? Trong cung oanh oanh yến yến chẳng phải sẽ vui vẻ hơn sao? Thiếp còn không để ý đến những chuyện đó thì chàng sao phải cố chấp như vậy?'.

Tề Thịnh chỉ cười: "Ta dùng lòng người đối lòng người, một năm không được thì mười năm, mười năm không được thì cả đời".

Tôi thật sự bất đắc dĩ: "Tề Thịnh, chàng không hiểu".

"Thế thì nàng giải thích cho ta đi", Tề Thịnh nói.

Tôi mở miệng định nói, lại không biết phải nói gì với anh ta. Tôi sao có thể nói rằng, chỉ cần một ngày anh ta còn là hoàng đế thì anh ta vẫn là ông chủ của tôi, khi tính mạng tôi còn nằm trong tay anh ta, thì tôi sao có thể bất chấp sống chết mà hết lòng yêu anh ta được.

Tề Thịnh không hiểu, cơ sở của tình yêu không phải là sủng ái, không phải yêu thương mà là bình đẳng. Nhưng anh ta là hoàng đế, tôi là hoàng hậu, giữa chúng tôi mãi mãi sẽ không có bình đẳng.

Mười năm sau khi thống nhất thiên hạ, Thái hoàng thái hậu cuối cùng cũng cưỡi hạc về trời tây. Tình cảm của Tề Thịnh và vị Hoàng tổ mẫu này rất sâu đậm, không tránh khỏi sa sút tinh thần. Năm sau đó càng có lý do chính đáng để không tuyển tú nữ.

Năm thứ mười ba sau khi thống nhất thiên hạ, tôi và Tề Thịnh đã trở thành cặp vợ chồng già, có ba trai hai gái, tổng cộng là năm đứa con rồi. Năm đó, Tề Thịnh lựa ra tất cả những thanh niên tài giỏi đẹp trai trong triều, lại chọn ra mấy người trông vừa mắt, điều tra gia cảnh tổ tông tám đời của họ rồi mới gả trưởng nữ là công chúa Vĩ Nguyên đi.

Tôi thương lượng với Tề Thịnh: "Chúng ta không sinh nữa được không? Đã sắp lên chức bà ngoại rồi, thiếp thật sự chẳng còn mặt mũi nào mà sinh con nữa".

Tề Thịnh suy nghĩ nghiêm túc chuyện này mấy tối liền, cuối cùng đã đồng ý cân nhắc kỹ lời đề nghị của tôi.

Năm thứ mười bốn sau khi thống nhất thiên hạ, Hoàng thái tử Tề Hạo đã đủ mười sáu tuổi, vất vả lựa chọn trong hàng nghìn hàng vạn người mới tìm được thái tử phi. Khi lựa chọn phi tần cho Đông Cung của nó, tôi chỉ bảo một câu: "Nếu con thích thì lấy thêm vài cô nương nữa cũng không sao, nhưng nếu đã không thích người ta thì dù một người cũng không nên lấy, đừng làm lỡ dở cả cuộc đời họ".

Thái tử còn trẻ, vẫn chưa hiểu được chỗ vi diệu của mỹ sắc, vội gật đầu: "Nhi thần trong lòng chỉ thích mỗi Ninh nhi, không cần nạp thêm nữa đâu".

Tề Thịnh lại nhìn tôi đầy suy tư, ngày hôm sau hẹn tôi đi du ngoạn chùa cổ ở Thuý Sơn, hỏi tôi: "Bồng Bồng không hạnh phúc phải không?".

Trong khói hương nghi ngút nơi cửa Phật, tôi đã đáp lại một câu thành thật nhất từ trước tới nay: "Hạnh phúc, rất hạnh phúc".

Chỉ có điều... đôi lúc nghĩ đến, đằng sau sự hạnh phúc ấy là cuộc đời của rất nhiều những cô gái giờ đây đã quy y nơi cửa Phật, tôi lại cảm thấy trong lòng không yên.

Tề Thịnh hỏi: "Đây chính là ngôi chùa mà bọn Hoàng thị đã xuất gia, họ đều ở đây, nàng có muốn gặp không?".

Tôi hơi ngạc nhiên, lắc đầu: "Không muốn".

Tề Thịnh lại cười, ghé sát vào tôi, khẽ nói: "May mà không muốn, nếu nàng muốn gặp, ta thực sự chẳng có cách gì biến ra họ cho nàng được".

Tôi nghe thấy câu nói ý tại ngôn ngoại này, trợn tròn mắt nhìn Tề Thịnh.

Tề Thịnh bình thản cười, lấy tay vuốt tóc tôi, nhẹ giọng nói: "Bồng Bồng, ta sao có thể nhìn lương tâm nàng bị giày vò, bọn họ... ta đều trả tự do rồi, mặc dù không được vinh hoa phú quý nhung cũng để họ được lựa chọn cuộc sống của chính mình".

Tề Thịnh thở dài một tiếng, kéo tôi bước ra khỏi Phật đường. Khi về đến cung, anh ta lại vui vẻ hẳn lên, quay sang cười với tôi: "Thấm thoắt đã gần hai mươi năm rồi, năm nay sinh nhật nàng ta sẽ dành tặng nàng một niềm vui bất ngờ".

Tôi gật đầu, trong lòng vì chuyện ban ngày mà vui vẻ, đêm hôm đó tôi đã vô cùng nhiệt tình hầu hạ lại Tề Thịnh. Tề Thịnh không thừa nhận mình đã già, kết quả là sáng ngày hôm sau anh ta lại trễ buổi chầu sớm.

Trước sinh nhật tôi, Tề Thịnh đã rời cung đi săn ở Giang Bắc, nói nhất định phải bắt mấy con chồn bạc làm quà cho tôi.

Tôi thực sự chẳng thích mấy thứ đó, nhưng thấy anh ta vui vẻ như vậy nên gật đầu nói: "Là Hoàng thượng nói đó nhé, đừng thất hứa".

Tề Thịnh cười, gật đầu rồi lên ngựa ra đi.

Vào một đêm nửa tháng sau đó, khoái mã phi như bay vào cung, bẩm báo là trong lúc Hoàng thượng đang đi săn, con ngựa bị hốt hoảng đã hất người ngã xuống và băng hà.

Nghe vậy, toàn thân tôi cứng đờ, hoàn toàn mất tự chủ, trong đầu chỉ còn một chút lý trí, thầm kêu: Đây đúng là niềm vui bất ngờ!

Thái tử đã lớn, cũng giúp Tề Thịnh xử lý chính sự vài năm, biết tin dù rất đau buồn nhưng không hoang mang, mang theo các huynh đệ lập tức đi giải quyết hậu sự của Tề Thịnh theo đúng nghi thức, sau đó thì lên ngôi hoàng đế.

Tôi cũng vì thế mà thăng chức theo, cuối cùng đã trở thành thái hậu.

Chờ đợi gần hai mươi năm, cuối cùng tôi đã có thể ngồi vào vị trí thái hậu, nhưng tại sao trong lòng lại chẳng vui vẻ chút nào, chỉ muốn khóc thật to?

Mà cũng không sao khóc nổi, chỉ cảm thấy khó chịu.

Tôi tự nhủ, tôi và Tề Thịnh dù sao cũng đã sống với nhau gần hai mươi năm, giống như việc nuôi chó nuôi mèo, thời gian dài như vậy còn nảy sinh tình cảm huống hồ là con người sống với nhau, vì thế trong lòng không vui là tất nhiên, một thời gian nữa rồi tất cả sẽ lại như cũ thôi.

Dù thế nào thì cũng đã trở thành thái hậu, Hoàng đế lại chính là con ruột mình, bên trên chẳng còn bà mẹ chồng nào nữa, chỉ cần không bán nước, không lạm quyền thì sẽ chẳng có ai dám đụng đến tôi.

Nghĩ vậy, tôi định đợi khi sức khỏe tốt lên thì sẽ chuyển ra khỏi hoàng cung, tìm một nơi non xanh nước biếc lập một trang viên, nuôi nhiều mỹ nhân để hàng ngày ngắm nhìn cho mãn nguyện.

Lại nghĩ, tuổi tác của mình hiện tại chưa phải là già, để tránh nội tiết không hài hòa thì cũng nên lén nuôi mấy tên trai lơ mới được.

Chỉ có điều chuyện này phải giữ bí mật, dù sao cũng phải giữ thể diện cho hoàng thất.



Tôi nghĩ rất nhiều đến cuộc sống tương lai, đều là những viễn cảnh tốt đẹp, chỉ có điều sức khỏe lại không nể mặt, mãi vẫn chưa ngồi dậy khỏi giường được.

Vĩ Nguyên công chúa Tề Uy cũng đã vào cung chăm sóc tôi nhiều ngày, thấy tôi cả ngày chỉ có ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, cứ nằm trên giường không chịu dậy liền gọi hết mấy huynh đệ tỷ muội lại, quỳ gối trước giường tôi đau khổ thỉnh cầu: "Mẫu hậu, xin người kìm nén đau thương, người như vậy, phụ hoàng ở trên trời biết được sẽ rất đau lòng".

Tề Thịnh ở trên trời ư? Ở trên trời cái con khỉ, chết hai tháng, chưa biết chừng đi đầu thai ở đâu đó từ lâu rồi ấy chứ.

Nhưng nhìn thấy mấy đứa con quỳ gối khóc lóc thỉnh cầu, tôi cũng thấy đau lòng, bèn nói: "Các con cứ về đi, ta sẽ khỏe nhanh thôi, yên tâm đi".

Tề Hạo là hoàng đế, tâm tư cũng sâu sắc hơn, lập tức nói: "Chừng nào mẫu hậu chưa chịu mời thái y đến chữa trị, chúng con sẽ không đứng lên".

Tôi chẳng có cách nào, đành thỏa hiệp, bảo chúng cho gọi thái y đến rồi sau đó phải làm gì thì đi làm nấy.

Thái y đên rất nhanh, quỳ gối trên sàn bắt mạch, mồ hôi lại toát ra đầy trán.

Tôi thấy thế ngạc nhiên hỏi: "Chẳng lẽ lại là bệnh nan y?".

Thân hình của thái y càng run rẩy hơn, phủ phục dưới đất, lắp bắp nói: "Không, không, không phải".

Tôi càng ngạc nhiên hơn: "Vậy ngươi run rẩy cái gì?".

Thái y lại tiếp tục lắp bắp: "Thái hậu nương nương... đây là, là, là hỉ mạch".

Tôi sững người, nhắm mắt lại một lát rồi mới khẽ nói: "Ngươi lui ra đi, chuyện này không được phép nói với ai, kể cả Hoàng thượng".

Thái y dập đầu một cái rồi lui ra.

Tôi nằm trên giường, cảm thấy trong lòng chua chát. Tề Thịnh ra đi nhanh chóng, sạch sẽ đến thế, nhưng lại để cho tôi một đứa trẻ mồ côi từ trong bụng mẹ, chuyện này tôi phải ăn nói thế nào với mấy đứa con của mình đây?

Ngày hôm sau Triệu vương vào cung thăm hỏi, thấy tôi vẫn nằm trên giường liền ra sức trêu đùa, rồi cười đầy vẻ gian xảo, nói: "Hoàng tẩu, thần đệ đã có cách trị bệnh này".

Tôi nghe mà buồn bực, hỏi: "Trị thế nào?".

Triệu vương hướng về phía cửa vỗ tay, tôi nhìn ra thì thấy một người đi từ bên ngoài vào, thân hình cao lớn, đầu đội một cái mũ có mạng che kín mít, không thể nhìn rõ dung mạo.

Triệu vương cười hà hà, nói: "Người này nhất định sẽ chữa khỏi bệnh cho Hoàng tẩu, thần đệ xin cáo lui trước".

Nói xong liền vòng qua người đứng ở cửa đi ra ngoài, còn tiện tay đóng luôn cửa điện lại.

Tôi cảm thấy trong lời nói của Triệu vương có ẩn ý, định tặng cho Thái hậu tôi một tên trai lơ mới ra lò ư? Thanh thiên bạch nhật thế này mà anh ta dám to gan vậy à? Cũng không sợ Tề Thịnh từ hoàng lăng chui lên sao?

Người đứng ở cửa kia bỏ mũ ra rồi từ từ ngẩng đầu lên, để lộ ra ngũ quan cân đối rắn rỏi. Anh ta nhếch môi cười, khẽ nói: "Bồng Bồng, cuối cùng thì nàng đã là thái hậu rồi, có vui không?".

Tôi bật dậy, sửng sốt nhìn anh ta, không nói nên lời.

Anh ta lại cười: "Đây có thể coi như một niềm vui bất ngờ được không?".

Tôi cứ ngồi như vậy rất lâu, cho đến lúc mọi vật trước mắt đều nhòa đi mới định thần lại, gật đầu nói: "Niềm vui bất ngờ, đúng là niềm vui bất ngờ."

Nụ cười của anh ta càng rạng rỡ hơn.

Tôi lại nói: "Tề Thịnh, có qua mà không có lại thì quả là thất lễ, thiếp cũng có niềm vui bất ngờ tặng cho chàng, có được không?".

Tề Thịnh nhướng mày ngạc nhiên: "Niềm vui bất ngờ gì vậy?"

Tôi cũng cười với anh ta, đáp: "Thái hậu... có thai rồi".

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK