Anh đã quen với sự khác biệt giữa anh và A Ly, do đó hầu hết những băn khoăn lo lắng anh đều vô tình bỏ qua.
Anh chàng này ngay từ nhỏ đã quen thuận buồm xuôi gió, chuyện duy nhất làm khó anh chỉ có chuyện tình cảm với A Ly. Trước khi hoàn toàn có được A Ly, mặc dù ngoài miệng nói cứng, nói là bản thân mình thật ra không hề có lỗi với Tạ Liên, nhưng trong tiềm thức vẫn nảy sinh áy náy. Nay đã nhận ra tình cảm của vợ dành cho mình, Tạ Liên cũng đã rước về một nàng dâu xinh đẹp, đối với anh em thì tình cảm vẫn như xưa, với vợ thì cầm sắt hài hòa, làm cho bao người phải ghen tị, ngay cả một chuyện xíu xiu không như ý cũng chưa từng nếm trải.
Sống trong sự viên mãn như vậy, anh thực sự không nghĩ ra bản thân anh còn có điều gì phải lo sợ nữa.
Trong một thời gian ngắn gió thổi vạn dặm, biển rộng trời cao, bừng bừng hăm hở, tính cách lại quay về như cũ.
Cuộc sống trở nên thoải mái vô cùng.
Tuy rằng Hoàng Thượng đã bước vào tuổi tứ tuần, tự biết thân thể vẫn khá, còn có thể giúp nhi tử chống đỡ thêm vài năm, do vậy mới còn bị anh dày vò dài dài.
A Ly gả cho anh hai kiếp, từ lâu đã quen với thói quen hay làm khổ người khác của anh. Tuy đã chấp nhận theo anh dù nghèo khổ hay sang giàu, nhưng vẫn không sao quên được kết cục của kiếp trước. Nếu như truyện cổ tích có câu “Từ đó về sau họ mãi mãi hạnh phúc bên nhau”, so sánh với hiện thực, A Ly cảm thấy cũng không có mấy phần chân thật.
Chỉ là một vài lần bật dậy từ trong giấc mộng, tỉnh táo đã thấy anh đang ngủ say bên cạnh, mỉm cười trong giấc mơ, cả bờ mi khóe mắt đều hiện ra câu “vừa lòng thỏa ý”, nhịn không được khẽ thở dài một hơi. Không biết quãng thời gian tốt đẹp nhường này, còn có thể kéo dài được bao lâu.
Mùa xuân năm Chiêu Minh hai mươi mốt, Bắc Yến bị Bắc Tần thâu tóm đã được năm năm, Bắc Tần ban ra công văn quan trọng —- Tần đế nể trọng vị Thừa tướng người Hán đã vì đại cục mà lao lực quá sức, bệnh nặng không dậy nổi. Trước khi lâm chung có để lại di ngôn: mặc dù Tư Mã thị an phận trên phần lãnh thổ của mình, nhưng vẫn là dòng giống Hoa Hạ, quân minh thần hiền, trên dưới cùng hỗ trợ lẫn nhau, không được có mưu đồ khác. Chỉ riêng người Tiên Bi với người Khương, cùng nước Tần có chung một mối thù diệt quốc, vốn là tâm phúc đại họa, nên trừ khử từ gốc rễ.
Đáng tiếc khi ông ta còn sống, hai vấn đề trên đã không thể lay chuyển được Tần đế, sau khi mất đi lại càng không thể.
Cái người Tần đế này, nói ông ta ngờ nghệch cũng được, mà nói ông ta quang minh lỗi lạc cũng đúng. Nói tóm lại, người này mặc dù sinh ra đã là người Hồ, nhưng lại có tâm hồn của người Hán, chính là có trái tim thánh hiền của người Hán. Ngay cả Hoàng đế của người Hán cũng chưa chắc đã biết vận dụng hiểu biết trong các sách thánh hiền nho gia, mà ông ta đã cố công thực hiện học đi đôi với hành một cách hoàn mỹ nhất có thể. Chí ít ở hiện tại, trên đời này không thể tìm ra được người thứ hai giống như ông ta, lấy đức trị vì một phương, là một quân vương chí hướng cao xa như trời cao biển rộng.
Làm gì có khả năng một người Hồ mang tâm hồn người Hán lại chỉ an phận làm Hoàng đế của người Hồ, sớm muộn gì ông ta cũng sẽ để lộ ham muốn đoạt và trị vì người Hán, chân chính làm một Hoàng đế của người Hán.
Trong tháng Sáu, từ Kinh châu đến Từ châu, liên tục nổ ra những cuộc chiến lớn nhỏ. Vì thế mọi người đều tung tin, Bắc Tần đã bắt đầu thăm dò.
Hoàng Thượng cố tình đẩy Tư Mã Dục thay mặt ông ra tiền tuyến tuần sát, thúc giục phòng ngự. Liên tiếp mấy ngày nay đều giữ rịt anh ở bên người, thay ông xử lý chính vụ, còn tùy cơ mà giảng dạy.
Về cốt cách thì gia tộc Tư Mã vẫn chưa hề thay đổi.
Mọi loại trách nhiệm lớn nhỏ, bất luận ai là quân vương tương lai, đều sẽ phải đối mặt.
Đầu tiên loại bỏ Bắc Lỗ (cách gọi khinh miệt Bắc Ngụy), chinh phục Thần Châu, thứ hai là bình định non sông, tăng sức mạnh những chỗ yếu kém.
Nay hai vấn đề đó hãy còn xa. Những chuyện như loại bỏ Bắc Lỗ, hiện tại ngược lại nên gắng sức gìn giữ ngai vàng của nước nhà thì hơn, tuyệt đối không để rơi vào tay người Hồ. Mà cái gọi là tăng sức mạnh những chỗ yếu kém, nói cho đúng chính là cân bằng thế lực các thế gia, củng cố hoàng quyền. Đem thiên hạ gồm mười ba châu, quân sự và chính trị thâu tóm trong lòng bàn tay. Chỉ riêng chuyện này, ngay cả hai nhà Vương Tạ cũng đều phải thừa nhận đó là chí hướng phải làm, nhưng ngay chính bản thân Hoàng Thượng cũng không thể nói thẳng đó đều là có lý do. Về phần lý do vì sao “không thể làm”, chính là đã gánh nợ thay những đời vua trước.
Tư Mã Dục cũng đã có cách nghĩ của riêng mình, chẳng qua không nói ra mà thôi.
Lúc anh lên mười một, đã từng hỏi qua người thân cận Thái tử, giang sơn của Tư Mã gia là nhờ đâu mà có. Người thân cận của Thái tử không chịu trả lời chân thật với anh, chỉ nói những năm đó nội loạn chưa ngừng, mà mối họa ngoại xâm lại bùng lên. Hung Nô, Khương, Hạt, ba dân tộc nổi bật của người Hồ cứ như lốc xoáy ùn ùn kéo đến, vây khốn Lạc Dương. Hiếu Trang Hoàng đế cùng hai vị hoàng tử bỏ thành mà chạy, chết trong tay loạn binh, dâng tặng ngai vàng. Hiếu Trang Hoàng hậu Vương Lâm lên triều cầm quyền, ngăn cơn sóng dữ, một mình ra tay trấn giữ, đánh cho ba thế lực người Hồ thua trận chạy về Lạc Thủy. Hiếu Trang Hoàng hậu biết rằng Lạc Dương đã không thể thủ, cố giữ lại sinh mạng của Lang Gia Vương vượt sông hạ lưu Trường Giang để Nam hạ, để tạo lập một nền móng khác. Ba năm sau, hai thế lực dân tộc Hồ gồm Tiên Bi và Đê quay lại phản chiến, khiến thành Lạc Dương bị phá, Hiếu Trang Hoàng hậu đã dùng thân mình hi sinh cho tổ quốc. Còn Lang Gia Vương thì lại đứng ra xưng đế ở Giang Tả, lương hỏa tương truyền, kéo dài cơ nghiệp. Lúc này mới có được thiên hạ cho Hoàng đế hiện nay.
Vốn dĩ Tư Mã Dục chỉ là tiện miệng hỏi mà thôi, nghe y kể đầu đuôi câu chuyện, tuy biết được tổ tiên của mình năm đó đã khổ công tranh đoạt thiên hạ, nhưng đã làm ra một số chuyện đê tiện. Trái lại không còn thấy vẻ vang.
Mấy ngày sau bận rộn tứ bề, không hiểu sao cứ luôn nghĩ tới giai thoại này. Bèn đến hỏi thăm Thái Phó. Gặp lúc Tạ Hoàn đang chơi cờ cùng Vương Thản, vừa nhàn tĩnh thương nghị mọi chuyện trên trời dưới đất.
Nghe Tư Mã Dục hỏi, nhìn nhau, rồi mỗi người đều như chìm vào cõi xưa. Ngay sau đó, lấy quân cờ chỉ vẽ trên bàn cờ, chia thiên hạ ra làm ba phần, từ Tào đến Ngụy, rồi tỉ mỉ giảng đến cha con Văn Đế, Vũ Đế bức bách như thế nào, cướp lấy ngôi vị Hoàng đế từ trong tay cô nhi quả phụ ra sao.
Tư Mã Dục ngồi im trên tháp lắng nghe, nghe xong đầu óc như bị vùi trong một mớ rối ren, không thể nói rõ.
Nếu ngôi vị Hoàng đế cứ đoạt được với một cách thức như thế, sau đó bị một kẻ khác dùng một cách tương tự đoạt đi thì chính là gieo gió gặt bão. Lúc ấy khi Tư Mã thị soán ngôi, chắc hẳn không đoán được sẽ có một ngày, một thế gia khác sẽ lên nắm giữ chính quyền, bắt chước theo cách của hắn mà áp bức cô gia quả phụ.
Tất nhiên, hiện nay còn chưa đạt tới loại tình trạng này, nhưng gần như Tư Mã Dục đã lường trước được nó, sớm hay muộn gì rồi sẽ có một lúc như thế.
Trước đây các thế gia cùng Tư Mã gia cùng là các bậc làm quan, cùng chung nỗi kính sợ và trung thành. Khi nổi loạn, sa cơ lập tức không còn tồn tại nhiều kiêng kị, cùng lắm là mỗi nhà đều lập mưu tự mình tư lợi mà thôi. Vương triều loạn chính, dù đã phục hồi lại gốc rễ, nhưng trong chốc lát chưa thể chửa trị tận gốc. Hoặc là tính việc lâu dài, còn không thì cũng chỉ có thể mưu toan một hướng đi khác —- mục đích chính mà Thái Phó và Vương Thản muốn nói cho anh là đây, Tư Mã Dục coi như đã lĩnh hội được rồi.
Tư Mã Dục ủ rũ một lúc, rồi hỏi thêm: “Kể cho ta nghe một ít chuyện sau này đi”.
Thái Phó lại kể tiếp chuyện Giả Hậu loạn chính năm đó, khi Hiếu Trang hoàng đế còn là Thái tử, vì tự bảo vệ mình mà giấu tài, giả ngu giả đần. Không biết như thế nào Giả Hậu vẫn cứ một mực không buông tha cho y, có ý đồ vu hãm y mưu phản. Do đó Hiếu Trang Hoàng đế mới đánh đòn phủ đầu, tru sát Giả Hậu, bè cánh của Triệu vương, bố cáo tội trạng trước toàn thiên hạ. Không lâu sau, Huệ đế thoái vị, Hiếu Trang Hoàng đế mới vào thế chỗ. Đáng tiếc thiên hạ cũng đã đại loạn rồi, Hiếu Trang Hoàng đế không có lực lượng xoay chuyển cục diện. Người Hồ đánh giết vào Lạc Dương, ông buộc phải bỏ thành để Nam hạ.
Giai thoại này, Tư Mã Dục đã nghe người thân cận Thái tử nói qua. Nhưng khi nghe Thái Phó kể lại, anh vẫn im lặng lắng nghe. Thái Phó kể chuyện rất cẩn thận, từ những chuyện từ mấy tháng trước, so với chuyện đã xảy ra cách đây mười năm thì nói rất lâu.
Lúc ông kể tới chuyện sau khi Hiếu Trang Hoàng hậu hi sinh thân mình cho tổ quốc, liền ngừng lại lần nữa, thật lâu vẫn không nói thêm.
Tư Mã Dục đã biết, khi anh hỏi về việc khai quốc khi xưa, người thân cận Thái tử cũng đã kể qua việc Hiếu Trang Hoàng hậu mất đi như thế nào, không có gì sai sót. Từ lúc vị Hoàng hậu này chống chọi năm thế lực người Hồ, máu tươi hòa cùng đất nước, giang sơn này mới chính thức trở thành nhà Tư Mã.
—–Ngay cả đế vị đạt được là do bất chính, nhưng chiếm được chính là chiếm được. Chỉ cần còn giữ vững ngôi vị một ngày, Tư Mã thị chính là đỉnh cao của đất nước. Loại trừ Bắc Hồ, khôi phục Trung Nguyên, đó là chức trách không thể tránh khỏi. Còn hết thảy những chuyện khác, vẫn phải xếp phía sau.
Lại hỏi tiếp: “Lăng mộ của Hiếu Trang Hoàng hậu ở đâu?”.
Vương Thản đáp: “Ở trên núi Mang của Lạc Dương. Năm đó thần theo đại tướng quân đánh trận quay về Lạc Dương, cúng tế Hoàng lăng, trông thấy lăng mộ của Hiếu Trang Hoàng hậu vẫn như trước đây. Chỉ vì, lăng tẩm trên núi Mang chẳng qua chỉ là một tòa mộ chôn cất quần áo kèm di vật mà thôi”.
“Chuyện này cũng là một kỳ văn khó giải thích”, nói đến điểm quan trọng, ngay cả Thái Phó cũng nhịn không được nhiều chuyện nói xen vào, “Năm đó Mộ Dung Hoành đánh vào Lạc Dương, Hiếu Trang Hoàng hậu đã đứng trước mặt hắn ta mà tự vẫn. Sau đó Mộ Dung Hoành bị khí phách của tiên Hoàng hậu làm cảm phục, đã hậu táng long trọng theo lễ nghi của đế vương, linh cữu đặt vào được một tháng. Khi hạ táng, thì nhìn thấy từ bên trong quan tài của tiên Hoàng hậu lóe lên dị quang rực rỡ, giống như Phượng Hoàng, bay vút lên trời xanh. Mộ Dung Hoằng mở quang tài ra xem xét, bên trong chỉ có y quan. Di thể của tiên Hoàng hậu đã biến mất không còn tung tích”.
Thái Phó kể xong câu chuyện lạ kỳ, Tư Mã Dục vẫn còn hơi khó hiểu, “Tại sao lại có thể xảy ra chuyện này được?”.
Thái Phó nhân đó mới nói: “Lúc đầu thần cũng không tin, nhưng mà sau khi tiên Hoàng hậu tự sát, lúc hạ táng đều có người thân cận nhìn thấy. Nếu bảo là dân chúng ước mơ, biên soạn ra cũng thôi đi. Nhưng đằng này, phía Mộ Dung thị cũng đã xác nhận như vậy, thần cho rằng phần lớn là đúng sự thật”.
Chuyện này dù sao cũng chỉ là một đoạn giai thoại, nhưng không biết cớ gì Tư Mã Dục cứ luôn muốn truy cứu đến cùng.
Đương nhiên việc truy cứu này sẽ không có kết quả.
Lại hỏi: “Còn sau đó thì sao?”.
Thái Phó lại kể cho anh nghe câu chuyện về các Tông Hoàng đế đã khổ công xây dựng nên xã tắc như thế nào, ở Giang Đông bắt đầu cơ nghiệp ra sao. Nói đến Trung Tông Hoàng đế, tất nhiên cũng không thể không đề cập đến Trung Tông Hoàng hậu.
Trung Tông Hoàng đế đích thực là một người bình thường yếu đuối, nếu không phải phụ thân ông dẫn theo hai ca ca bỏ chạy rồi chết dưới tay quân phiến loạn, thì có nằm mơ cũng không tới phiên ông lên nắm quyền lực. Mặc dù ông ấy sống đơn giản, cần cù, thật thà, nhưng vẫn luôn nhớ mãi không quên di mệnh của Hiếu Trang Hoàng hậu, tiếc là tư chất của ông có giới hạn. Ông không phải dạng người nên đặt nhiều kỳ vọng. Vào ngôi chưa tới hai năm, mọi quyền hành đều để lọt vào tay Vương đốc. Vương đốc tác loạn, ông chẳng những không trấn áp được, mà còn không bảo vệ được mình.
Lúc này, Trung Tông Hoàng hậu mới ra mặt.
Đó chính là một nữ nhân có trí tuệ lớn lao, Vương đốc đóng quân ở thành Thạch Đầu, cả triều đình hoảng hốt, bà ấy lại dám một mình xông vào quân doanh địch thám thính tư mật. So sánh với A Ly mà nói, bà ấy căn bản chính là một bộ máy chống đỡ cùng phát triển của Trung Tông Hoàng đế. Vào lúc Vương đốc có uy thế thịnh vượng nhất, bà ấy đã tiến hành mượn tay Trung Tông Hoàng đế thông báo chiếu chỉ. Đề bạt các tân tú (tú tài mới), lôi kéo lãnh thổ Giang Tả, bố trí kế hoạch thảo nghịch, khiến cho các thế lực theo phe Vương đốc tan rã…… Lập kỳ tích chuyển bại thành thắng, dẹp yên phản loạn.
Mười năm sau đó, các chiếu chỉ của triều đình Trung Tông từ lớn chí nhỏ, đều do bà làm chủ. Bà cùng với Hoàn Bộ Thanh người trong người ngoài, bắt tay nhau hưng thịnh nước nhà. Hoàn Bộ Thanh lần đầu đi Bắc phạt, thế như chẻ tre san bằng thành trì, thâu tóm hết các vùng cố thổ phía Nam Hoàng Hà, mắt thấy mọi sự sắp sửa hoàn thành, thì núi cao đổ sập, trụ cột suy đồi —- Trung Tông Hoàng hậu quy tiên.
Hoàn Bộ Thanh cấp tốc quay lại quân đội, đối kháng với Mộ Dung Tuyển uy danh lừng lẫy, lần thứ hai Bắc phạt đã thất bại.
Hai năm sau, Trung Tông Hoàng đế băng hà. Rồi ba năm sau nữa, tổ phụ của Tư Mã Dục, Hiếu Mục Hoàng đế lên ngôi.
Còn những chuyện về sau, Tư Mã Dục đã nghe qua không biết bao nhiêu lần. Chỉ là lần này, bỗng nhiên anh lại cảm thấy có chút bất thường, “Trung Tông Hoàng đế băng hà, kế đến tổ phụ lên ngôi, khoảng cách là ba năm, sao giai đoạn đó Thái Phó lại không kể nốt?”.
Tạ Hoàn và Vương Thản liếc nhau, sắc mặt đều hơi hơi khó coi, “Ba năm này, không hẳn là không thể nói”. Nhưng muốn bắt đầu từ đâu, cũng là một chỗ khó xử, “Trung Tông Hoàng Thượng không có con…..”.
Tư Mã Dục liền gật gật đầu, bất chợt nghĩ ra một điều, “Chư Vương tranh vị?”.
“Thật ra không hề xảy ra việc này…..” Tạ Hoàn cười nói, “Trung Tông Hoàng đế cố ý phù trợ con gái độc nhất của Hiếu Trinh Hoàng hậu lên ngôi. Sau khi Hiếu Trinh Hoàng hậu qua đời, Trung Tông Hoàng đế thoái vị, rồi năm năm sau đó…… Nữ Đế lâm triều”.
Cũng khó trách đã giữ kín như bưng. Tuy nhiên từ đầu đến cuối trong vòng hai mươi mấy năm toàn là nữ nhân đứng ra ngăn cơn sóng dữ, khiến cho mỗi người đều phải nghi vấn, nam nhân của Tư Mã gia khi ấy có gì đáng khen? Rồi sau đó lập nên Nữ đế, quả thực là thuận lý thành chương.
Chẳng qua là đến cả Thái Phó cũng không chịu nói ra sự thật, chỉ sợ năm đó tổ phụ của anh lên ngôi Hoàng đế, cũng lại là việc không minh bạch gì.
Tư Mã Dục quả là không biết có nên hỏi thử hay không.
Cuối cùng vẫn muốn hỏi, “làm sao mà Cô Bà bị thoái vị?”.
Thái Phó và Vương Thản đều cúi đầu uống trà, sau một lúc lâu, mới hỏi lại: “Điện hạ có tin hay không, trên đời này thật sự có quỷ thần?”.
Tư Mã Dục: ……. Anh hỏi tổ tiên nhà mình thì có liên quan gì đến quỷ thần cơ chứ?
“Cũng giống như Hiếu Trang Hoàng hậu có phải không?”.
“Không khác là mấy”. Tạ Hoàn nói, “Lúc đại quân bức vua thoái vị, bao vây đến con kiến còn không chui lọt. Trước mắt bao nhiêu người, một phút trước công chúa còn đang đứng trước điện, một khắc sau khắp điện nổi lên ánh sáng mờ mờ. Chờ đến khi Chư Vương bước lên điện yết kiến, trên ngai vàng chỉ còn để lại một chiếu thư duy nhất. Còn người thì đã không còn tung tích”. Ông ngừng trong chốc lát, nói thêm, “Tuy năm đó thần tuổi còn nhỏ, nhưng việc này chính là tận mắt nhìn thấy”.