Vua Thái Tông vào Thạch Châu chiêu an bá tánh, rồi truyền lệnh cho chư tướng đem binh đánh Tiếp Thiên Quan. Phan Nhơn Mỹ, Cao Hoài Đức và Hô Diên Táng lãnh mạng kéo binh tới trước ải khiêu chiến. Tướng giữ Tiếp Thiên Quan là Lục Lượng Phương, liền bàn với phó tướng là Vương Văn:
- Nay binh Tống đã kéo đến trước ải, túc hạ có kế gì ngăn chống chăng? Vương Văn vốn là tướng thất trận ở Thiên Tỉnh Quan, nên buồn bã nói:
- Xin tướng quân chớ gấp lo việc cự chiến. Binh Tống thế mạnh, còn binh ta thế yếu, phải giữ thành cho bền vững, chờ cho binh Tống hết lương thảo, sẽ kéo binh ra ứng chiến.
Lục Lượng Phương nghe lời, liền bế cửa ải không xuất quân. Hô Diên Táng khiêu chiến mấy ngày vẫn không thấy trong ải có động tịnh gì hết, nên nổi giận truyền quân công phá. Quân trên thành bắn tên và lăn gỗ đá xuống làm cho binh Tống bị chết rất nhiều. Hô Diên Táng nghĩ thầm:
- Lục Lượng Phương đã đề phòng trước, cố thủ như vậy khó mà hãm thành được. Lý Kiến Trung nói:
- Địa thế ải này rất khó đánh, nếu muốn lấy gấp cũng không được. Thôi, bọn ta nên lui binh về trại để tính kế thì hay hơn.
Cách vài hôm sau, Hô Diên Táng sai người đi thám thính, rồi về báo:
- Ải ấy quân binh giữ gìn mỗi ngày một chắc chắn hơn trước.
Hô Diên Táng nghe nói buồn bã, bỗng có một người vào báo:
- Ngoài trại có một ông già muốn vào ra mắt.
Hô Diên Táng liền hối quân mời vào. Ông già ấy bước tới thưa:
- Tôi nghe tướng quân đánh Tiếp Thiên Quan không nổi, nên đến dâng kế cho tướng quân. Hô Diên Táng nói:
- Nếu được như vậy ta sẽ tâu với Thiên tử ban thưởng cho ông. Ông già nói:
- Ải này địa thế hiểm trở lắm, bốn phía đều có núi cao, nên mới gọi là Tiếp Thiên. Còn tướng trấn ải là Lục Lượng Phương, hữu dõng vô mưu, song phó tướng là Vương Văn là một người đa mưu lúc trí. Tướng quân lại chẳng biết đàng sau ải ấy còn có một ải nữa tên là Tam Trấn Quan. Ải ấy có một con đường tuy hẹp mà thông qua Hà Đông được. Vậy tướng quân hãy sai người qua đó nói với tướng giữ ải ấy là Lý Thái Công, mượn đường đặng đem binh qua Hà Đông. Nếu đi khỏi chỗ đó thì chẳng còn ai ngăn trở nữa. Hô Diên Táng nghe nói mừng rỡ:
- Nếu vậy trời khiếp ông giúp ta đó.
Ông già muốn từ giã ra đi. Hô Diên Táng giữ lại, chờ việc thành công, tâu với vua phân thưởng. Ông già nói:
- Tôi không trông chuyện ấy!
Nói rồi liền bước ra khỏi cửa, bỗng trời nổi lên một cơn gió, ông già ấy biến mất. Hô Diên Táng thấy chuyện lạ như vậy liền cúi lạy tạ ơn.
Ngày sau, Diên Táng sai Liễu Hùng Ngọc đem năm ngàn quân theo đường hẹp vòng qua chân núi, rồi tìm đến Tam Trấn Quan, Hùng Ngọc vào nói tự sự xin Lý Thái Công ượn đường. Lý Thái Công nói:
- Ngươi phải biết, ải Tiếp Thiên là chỗ yết hầu của Hà Đông. Nếu cho chúa ngươi mượn đường ấy đem binh qua lấy Hà Đông thì chẳng khác nào ta cắt thịt mà cho ngươi. Thôi, ta tha cho ngươi phải mau trở về nói với Tống tướng có giỏi thì đem binh đánh với ta.
Lý Thái Công có hai người con trai, con lớn là Lý Tín, con thứ là Lý Kiết, đều võ nghệ cao cường, thấy Lý Thái Công nói lẩm bẩm thì thất kinh lui ra trại, thuật rõ mọi việc cho Liễu Hùng Ngọc nghe. Liễu Hùng Ngọc nổi giận kéo binh đến trước ải khiêu chiến. Lý Thái Công liền khiến con lớn mình là Lý Tín đem binh ra đánh. Hai tướng đánh nhau chưa được hai hiệp thì Liễu Hùng Ngọc bị Lý Tín đâm một thương nhào xuống ngựa. Lý Tín giết binh Tống một hồi rồi trở về ải. Hô Diên Táng nghe tin, sợ hãi nói:
- Việc tính không xong, lại bị mất một tướng, nếu quân giặc áp tới vây hai đầu, thì ta cự sao nổi. Lý Kiến Trung nói:
- Nếu vậy phải thừa lúc này đem binh đánh lấy cho được Tam Trấn Quan thì mới bảo vệ được.
Hô Diên Táng nghe lời sai Cao Hoài Đức đi cùng Lý Kiến Trung đến đánh Tam Trấn Quan. Lý Thái Công nghe quân báo, biết Tống tướng muốn đại chiến cùng mình, liền sai người đến Tiếp Thiên Quan tin cho Lục Lượng Phương đem binh cứu ứng. Lục Lượng Phương bàn với Vương Văn:
- Binh Tống bị ta ngăn chận, lén ra sau ải mà đánh, nếu cha con Lý Thái Công mà cự không nổi, để Tống lấy Tam Trấn Quan rồi thì bọn ta không còn giữ ải nổi. Vậy túc hạ phải đem quân ra tiếp ứng.
Vương Văn vâng lời kẻo hai ngàn quân ra đi. Lý Thái Công được tin Vương Văn kéo binh tới, liền ra đón tiếp. Vương Văn nói:
- Tướng công chớ lo, để tôi hiệp sức với lệnh lang mà phá Tống.
Hôm sau, trời vừa rạng đông, Lý Tín cùng Vương Văn khai cửa ải đem binh ra giáp chiến, Hô Diên Táng giục ngựa ra trận chỉ Vương Văn nói:
- Ngày trước ngươi bại trận khỏi chết là may, bây giờ còn muốn đến nạp mình sao? Vương Văn nói:
- Lúc ấy ta thua ngươi là vì Triệu Toại không nghe lời ta, nay ta quyết giết bọn ngươi, không để một miếng giáp cho nguyên.
Nói rồi xốc ngựa ra đánh. Đánh đặng hai hiệp, Vương Văn giả thua quay ngựa mà chạy. Diên Táng biết Vương Văn là người giỏi, tính muốn bắt sống về mà trọng dụng, liền giục ngựa rượt theo. Bỗng nghe phía trước núi nổ lên một tiếng pháo. Hô Diên Táng ngước mặt xem thì thấy Lý Tín kẻo binh tới bọc ngả hậu mình, bèn tới đánh nhầm con ngựa của Vương Văn quị, Vương Vãn thất thế, bị bộ hạ của Diên Táng ào tới bắt sống, Hô Diên Táng liền quày ngựa lại đánh cùng Lý Tín, Lý Tín thấy Vương Văn bị bắt, thì không dám đánh, bèn thối binh chạy về ải. Diên Táng không theo, thâu binh trở về trại, quân sĩ dẫn Vương Văn đến nạp, Diên Táng vừa thấy, lật đật chạy ra mở trói, dắt mời ngồi, thết đãi trà nước rồi bèn xin lỗi và nói:
- Khi nãy nơi trận, tôi lỡ mà làm xúc phạm túc hạ, xin túc hạ miễn chấp. Vương Văn trả lời:
- Tôi đây bất tài nên bị tướng quân bắt đặng, tha giết cũng nhờ ơn lẽ đâu dám chịu hậu đãi như vậy? Diên Táng nói:
- Tôi cũng người quê quán ở Hà Đông, bị chuyện ức nên phải về đầu Tống, đầu sống thác cũng giữ dạ trung thần, còn nghĩ người đảm lược mưu trí như lúc hạ mà phò tá người không xứng đáng như vậy, thì tôi lấy làm tiếc lắm, ví chẳng khác chi ngọc vùi chỗ tro bụi. Thôi, xin túc hạ bằng lòng phò Tống chúa mà lập công đặng để danh thơm tiếng tốt nơi đời sau cho con cháu hưởng nhờ, như vậy chẳng phải là đẹp sao? Vương Văn nghe Diên Táng nói, lòng muốn xiêu, bèn trả lời:
- Lời tục có nói: Chim khôn lựa nhánh mà đỗ, tôi hiền lựa chúa mà thờ. Nay cơ hội này tôi cũng chẳng nói chi đặng nữa. Thôi nguyện cùng tướng quân đồng phò Tống chúa cho an thân!
Từ đó, Hô Diên Táng đãi Vương Văn cách trọng hậu, lại tâu cho Thái Tông phong thưởng rồi bèn thương nghị cùng Vương Văn, lo mưu kế đánh lấy cho đặng hai ải Tiếp Thiên và Tam Trấn. Vương Văn nói:
- Việc ấy phải tùy cơ ứng biến mới đặng. Vả nay cha con Lý Thái Công thấy tôi bị bắt rồi, dẫu có chết cũng không dám đánh cùng tướng quân nữa. Tướng quân phải y kế như vầy. . như vầy. . .
Hô Diên Táng cả mừng, bèn khiến Lý Kiến Trung đi phục binh, còn mình đem binh tới Tiếp Thiên Quan mà công phá. Quân báo cùng Lục Lượng Phương. Lục Lượng Phương biết Tống tướng đánh không nổi Tam Trấn Quan, nên trở lại đánh mình, bèn truyền cho quân sĩ cứ việc bế cửa mà cố thủ. Hô Diên Táng làm bộ thúc binh, công phá ải ấy cho đến tối. Lúc gần canh hai, Hô Diên Táng giả chước khiến binh của mình nổi đèn đuốc leo bờ ải mà đánh thì binh của Lục Lượng Phương trên bờ ải cứ làm như cũ, lăn cây và đá xuống. Binh của Hô Diên Táng thấy vậy thì dang ra hết. Bỗng thấy bên phía Đông Bắc có một đạo binh kéo riết vào, Hô Diên Táng biết là binh của Vương Văn đến làm kế cùng mình, liên giục ngựa ra giả đánh hỗn chiến cùng Vương Văn. Đánh đặng vài hiệp, Hô Diên Táng giả thua, quay ngựa mà chạy. Vương Văn giả rượt theo một đỗi, rồi trở vào cửa ải mà kêu lớn rằng:
- Binh Tống bị tôi phá trận đã thua chạy rồi! Vậy phải mở cửa ra mà tiếp cùng tôi.
Quân giữ ải nghe thì biết tiếng của Vương Văn là phó tướng của mình, liền vào báo với Lục Lượng Phương. Lục Lượng Phương tưởng Vương Văn đi tiếp cứu ải Tam Trấn trở về bèn hối quân khai cửa ải. Té ra bị Hô Diên Táng núp bóng Vương Văn xốc ngựa tới giao chiến. Lục Lượng Phương biết mình mắc kế, nhưng trở vào không kịp, lại thấy Lý Kiến Trung phục binh ngoài xa, kéo quân vào tiếp ứng. Lục Lượng Phương đành phải đánh với hai tướng, nhưng biết sức mình cự không nổi, liền giục ngựa bỏ chạy, bị Hô Diên Táng rượt theo đâm một thương nhào xuống ngựa. Còn Lý Kiến Trung kéo quân vào ải dựng cờ chiêu an. Binh Bắc Hớn đầu hàng hết.
Lúc trời vừa sáng, Tống tướng nhóm nhau mừng công, Hô Diên Táng nói với Vương Văn:
- Lấy được ải này nhờ có mưu hay của túc hạ. Vương Văn nói:
- Việc tôi làm cũng chẳng có công chi lắm!
Hô Diên Táng liền sai người báo cho vua Thái Tông hay, rước xa giá vào thành rồi chiêu an bá tánh. Lúc này bên ải Tam Trấn hay tin binh Tống đã lấy Tiếp Thiên Quan rồi, nên Lý Thái Công Kinh hãi bèn hối hai con bỏ ải, cùng nhau kéo quân chạy về Hà Đông. Tướng giữ ải Phong Châu là Trương Công Cẩn, nghe binh Tống đã chiếm ải Tiếp Thiên thì sợ hãi. Phó tướng là Lưu Bính đến thương nghị:
- Binh tướng Tống đã đông lại giỏi, đến như Tiếp Thiên Quan là chỗ hiểm trở mà còn lấy được thay, huống chi Phong Châu thành đã thấp, đất lại bằng, làm thế nào mà cự nổi. Thôi, xin tướng quân nghĩ việc đầu hàng, cho sinh linh khỏi đồ thán. Trương Công Cẩn nói:
- Lâu nay chúng mình thọ ơn Hán trào, nay lúc nguy biến không ra công báo bổ, để đi đầu hàng cũng ngặt. Trong lúc còn đương dụ dự thì Lưu Bính lại thúc giục, Công Cẩn nói:
- Thôi, tướng quân dâng biểu qua dinh Tống mà nộp.
Lưu Bính vâng lệnh, đến ra mắt Hô Diên Táng thuật lại mọi chuyện. Hô Diên Táng liền báo cho vua Thái Tông biết.
Hôm sau, Hô Diên Táng vâng chiếu hộ giá đến Phong Châu. Trương Công Cẩn liền mở cửa ải nghênh tiếp. Vua vào ải chiêu an bá tánh, rồi hạ chiếu cho các tướng đem binh đánh thẳng tới Hà Đông. Lưu Quân được tin sợ hãi, nhóm họp quần thần thương nghị. Đinh Quai tâu:
- Binh Tống đi đường xa, chắc là lương thảo gần hết, xin chúa công sai sứ qua Đại Liêu cầu Tiêu thái hậu sai tướng đem binh triệt đường để Tống hết lương rồi sẽ đánh.
Lưu Quân y lời, sai sứ qua Đại Liêu viện binh. Sứ thần vừa qua Đại Liêu thì Tiêu thái hậu đã hay tin, đón vào thương nghị. Tiêu Thiên Hữu tâu rằng:
- Hà Đông với nước ta cũng như răng với môi, xin bệ hạ phát binh giúp Lưu Quân, chớ nên chậm trễ.
Tiêu thái hậu nhận lời, liền khiến đại tướng Gia Luật Sa đem hai ngàn binh đi cứu Hà Đông. Gia Luật Sa lãnh mạng, kéo quân đến núi Bạch Mã, hạ trại nghỉ ngơi. Quân thám thính về Phong Châu báo tin ấy, vua Thái Tông nổi giận nói:
- Lưu Quân nghịch mạng, ta đem bình vấn tội, chớ can gì đến Đại Liêu, mà nước ấy khởi binh trợ nghịch như vậy?
Liền kêu Cao Hoài Đức và Hô Diên Táng đem binh đánh Bắc Phiên, rồi sau sẽ đánh Hà Đông. Cao Hoài Đức lãnh mạng kéo quân ra đi. Quách Tấn nói:
- Việc chiến chinh, phải đánh gấp, không để cho địch đủ ngày giờ sắp xếp việc binh cơ. Nay binh Liêu đóng tại núi Bạch Mã cách trở một con khe Hoành Sơn, nên độ binh rất khó. Để tôi đem binh qua khe ấy mà đánh trước, rồi các vị thủng thỉnh theo sau mà tiếp ứng.
Cao Hoài Đức khen phải, liền phát binh cho Quách Tấn đi trước. Gia Luật Sa hay đặng tin, thương nghị với Địch Liệt rằng:
- Ta cùng tướng quân phải đem binh nơi khe Hoành Sơn đón trước, chớ cho tướng Tống qua khe. Địch Liệt nói:
- Cứ để cho binh Tống qua khe nửa chừng, rồi mình phục binh mà đánh thì chúng nó phải bị tiêu diệt.
Nói rồi liền kẻo binh đi, đến khe Hoành Sơn đón quân Tống.
Lời bàn: Cũng muốn vì mình hơn kẻ khác, nên gây thù oán với kẻ giúp đỡ kẻ thù của mình. Vua Thái Tông đang chinh phục Lưu Quân, thế mà binh Liêu xuất quân trợ lực cho Lưu Quân thì giận dữ truyền bỏ Lưu Quân đi đánh quân Liêu. Nên đặt vấn đề quyền lợi lên trên đạo nghĩa thì vua Thái Tông cho đó không là lẽ phải, nhưng nếu luận đề sự tương trợ lẫn nhau thì nước Liêu nên ứng cứu cho Lưu Quân là lẽ phải. Thói đời ít ai nghĩ đến lẽ phải, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình mà thôi. Xã hội loài người là nặng ý thức riêng tư mà làm cho tình nghĩa con người bị tổn thương.-oOo-
- Hết hồi 36:0 (27):
Danh Sách Chương: