– Nhìn trên kia kìa! – một người nói.
Thế là các gia nhân trông thấy những trái lê lủng lẳng tương phản trên nền trời ban mai, họ nhìn mà sởn tóc gáy. Bởi chúng không còn nguyên vẹn, đó là những nửa trái lê bị bổ dọc, mỗi trái vẫn đu đeo trên cái cuống của mình: tuy nhiên, chỉ còn nửa phần bên phải (hoặc nửa phần bên trái tùy theo vị trí của người nhìn, song tất cả đều chỉ có một bên), còn nửa bên kia thì biến mất, bị cắt, hoặc có lẽ bị cắn.
– Ngài tử tước đã đi ngang đây! – Họ nói.
Chắc chắn, sau khi kín cửa và nhịn ăn nhiều ngày, đêm hôm đó cơn đói kéo đến, khi gặp cái cây đầu tiên chú đã trèo lên mà ăn quả.
Tiếp tục đi, đội gia nhân bắt gặp một nửa con ếch đang nhảy trên một tảng đá, nhờ thể chất ếch của mình, nó vẫn còn sống.
– Chúng ta đang lần theo đúng dấu vết!
Và họ lại tiến bước. Vì không trông thấy một nửa quả dưa lẫn với đám lá, họ bị mất dấu, thế là phải quành lại cho đến khi nhận ra.
Thế rồi, từ đồng ruộng họ đi vào rừng, và họ nhìn ra một cây nấm đã bị cắt một nửa, đó là một cây nấm xép, sau đó, một cây nấm khác, một loại nấm độc nhiều cùi màu đỏ, rồi lần lần càng đi sâu vào rừng, thỉnh thoảng họ tiếp tục tìm ra những cây nấm, một chỗ này, một chỗ kia, mọc ra trên đất, nửa chân, và chỉ xòe nửa đầu. Dường như chúng đã bị một một nhát dao sắc lẻm cắt đôi, nửa bên kia thì một bào tử cũng không thấy. Chúng là đủ các loại nấm: đầu trứng, đầu noãn, đầu ô; và nấm độc cũng nhiều không kém nấm ăn được.
Lần theo các dấu vết rải rác này, đội gia nhân tới một nơi gọi là "Cánh đồng cỏ Nữ tu", có một cái ao nằm giữa cỏ. Trời hoàng hôn, trên bờ ao, hình dáng mỏng teo của chú Medardo, quấn trong chiếc áo choàng đen, soi bóng trên mặt nước lềnh đềnh các đầu nấm trắng, vàng, hoặc nâu đất. Đó là những nửa cây nấm mà chú mang theo, giờ đây đã được rải lên cái bề mặt trong suốt ấy. Dưới nước, các cây nấm trông như nguyên vẹn, tử tước quan sát chúng, đội gia nhân – đang im thin thít nấp ở bên kia bờ ao – cũng nhìn chòng chọc vào các cây nấm lềnh đềnh, cho tới khi nhận ra chúng đều là loại nấm ăn được. Thế còn những cây nấm độc? Nếu không ném xuống ao, thì chàng ta đã làm gì? Đội gia nhân vội vã quay lại khu rừng. Không phải chạy bao xa, bởi họ gặp một cậu bé đang ôm rổ đi trên con đường mòn, trong rổ có tất cả các nửa cây nấm độc.
Cậu bé đó chính là tôi. Đêm hôm ấy, trên Cánh đồng cỏ Nữ tu, tôi đang tung tăng đây đó, đột ngột bật ra từ một gốc cây tự mình chơi trò ngáo ộp, thì gặp chú tôi lúng búng cái cẳng chân của mình đi trên đồng cỏ, tay xỏ một chiếc rổ.
– Chào chú ạ! – tôi kêu lên: đây là lần đầu tiên tôi có dịp ngỏ lời chào chú.
Chú có vẻ hết sức hài lòng khi trông thấy tôi.
– Chú đang đi nhặt nấm – chú giải thích.
– Thế chú có nhặt được nhiều không ạ?
– Cháu nhìn đây.
Chú nói, và chúng tôi ngồi xuống bên bờ ao. Rồi chú lựa các đầu nấm, vứt một số xuống nước, số còn lại giữ trong rổ.
– Cháu cầm lấy! – chú bảo, chìa đưa cho tôi cái rổ với số nấm đã chọn – đem đi mà xào.
Tôi muốn hỏi tại sao trong rổ mỗi cây nấm chỉ là một nửa; song tôi hiểu câu hỏi ắt sẽ thiếu lễ độ, sau lời cảm ơn, tôi chạy đi. Đang đem về nhờ người xào hộ, thì tôi gặp đội gia nhân, và biết rằng chúng đều là nấm độc.
U già Sebastiana, nghe kể lại câu chuyện, bảo:
– Cái nửa ác ôn của thằng Medardo đã trở về. Không biết phiên tòa hôm nay sẽ thế nào.
Hôm đó là ngày diễn ra phiên tòa xử án một băng cướp, bị các viên đốc hiệu của tòa lâu đài bắt giữ ngày hôm trước. Những tay cướp này trực thuộc lãnh thổ chúng tôi, nên tử tước sẽ phải phán xử. Phiên tòa đang diễn ra, chú Medardo ngồi trên ghế, xệch hoàn toàn sang một bên, cắn móng tay. Các tên cướp bị xích bước vào: tay đầu đảng, một thanh niên tên gọi Fiorfiero, vốn là người đầu tiên đã trông thấy chiếc cáng khi đang hái nho. Phía nạn nhân xuất hiện, đó là một đội kỵ sĩ người Toscani, trong chuyến đi Provence, khi băng ngang một khu rừng thì bị Fiorfiero và băng nhóm đột kích và trấn lột. Fiorfiero tự bào chữa rằng, các kỵ sĩ này săn trộm trong lãnh thổ của chúng tôi, nên anh ta đã ngăn chặn và tước vũ khí của họ, và cũng vì các viên đốc hiệu đã không nghĩ tới. Cần nói rằng, trong những năm đó, cướp bóc là một hoạt động rất phổ biến, cũng bởi luật pháp đã dung nhượng. Thế rồi hoàn cảnh nhiều nơi ở xứ chúng tôi dễ xảy ra cướp bóc, đến nỗi ngay cả vài thành viên trong tòa lâu đài, trong những khoảng thời gian xáo động, đã gia nhập các băng cướp. Đó là tôi chưa nói đến sự thể, săn trộm là một cái tội nhẹ nhất mà người ta có thể hình dung.
Tuy nhiên, nỗi e ngại của u già Sebastiana là có cơ sở. Chú Medardo kết án Fiorfiero và toàn bộ băng đảng phải bị treo cổ vì tội ăn cướp. Song vì các nạn nhân, tới phiên họ, lại phạm tội săn trộm, nên chú kết án họ phải phơi thây trên giá. Và để trừng phạt các viên đốc hiệu, đã không biết ngăn ngừa hành vi xấu xa của kẻ săn trộm lẫn kẻ ăn cướp, chú ký sắc lệnh treo cổ họ luôn.
Tổng cộng khoảng hai mươi người. Bản án tàn nhẫn này gây sững sờ và xót xa cho tất cả chúng tôi, chứ không chỉ cho các quý ông người Toscani mà chúng tôi trước giờ chưa từng gặp, cũng như cho các tay cướp; và các viên đốc hiệu, nói chung được quý mến. Bác ThạchĐầuĐinh, thợ làm yên thồ và thợ mộc lão luyện, được giao nhiệm vụ làm giá treo: một người lao động nghiêm túc và thông minh, cật lực trong mọi công việc. Hết sức đau đớn, vì hai trong những kẻ bị kết án là họ hàng bà con, bác dựng lên một cái giá treo cổ trổ nhánh như một ngọn cây, tất cả các sợi dây chão được kéo lên cùng lúc, thao tác bằng một cái cời duy nhất; đó là một cỗ máy đồ sộ và tinh xảo đến mức có thể treo cổ một lượt nhiều người hơn những kẻ bị kết án, đến mức tử tước lợi dụng để treo cổ luôn mười con mèo, cứ hai tội nhân thì có một con. Các thi hài trơ xương và các thây mèo hư thối bị treo lơ lửng ba ngày, và lúc đầu thì không ai chứng kiến mà con tim không thổn thức. Song cái tính chất uy nghi của cảnh tượng nhanh chóng được nhận ra, thế là ngay cả sự phán xét của chúng tôi dường như cũng băm năm xẻ bảy thành các cảm xúc cách biệt, đến mức có kẻ thấy tiếc khi các xác chết được hạ xuống và cái cỗ máy hoành tráng đó bị dỡ đi.