Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Tình hình đất nước khi đó chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Binh lính Việt Nam Cộng Hòa lẫn Quân giải phóng có dịp gặp nhau, nhưng dần dà hai phía phá vỡ những ký kết hòa bình trong Hiệp định Paris.

Để rồi ngày mười chín tháng giêng năm 1974, sự kiện chấn động diễn ra khi Trung Quốc bất ngờ chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa.

Không lực Việt Nam Cộng Hòa chuẩn bị năm phi đoàn phản lực F-5, đợi lệnh tại Đà Nẵng nhưng cuối cùng kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa đã không được thực hiện, nguyên nhân là chính phủ Mỹ lên tiếng ngăn chặn kế hoạch này...

Sau sự kiện "Hải chiến Hoàng Sa 1974", vào tháng hai cùng năm, một chuyện "chấn động" khác xảy đến với tôi.

Ngày hôm đó, Phong Khởi có vẻ bất ngờ trước việc tôi xin nghỉ phép và đến đơn vị tìm anh. Sau khi hỏi han xong, mấy anh đồng đội liền đùa: "Thôi tụi mình để cho vợ chồng Tiểu đội trưởng được riêng tư đi", rồi kéo nhau đi mất. Ngồi xuống ghế dưới gốc cây, anh hỏi tôi đi đường mệt không, tôi lắc đầu. Anh lại hỏi tôi muốn ăn gì không, tôi cũng lắc đầu. Tôi thấy anh nhìn mình từ trên xuống dưới, hình như xem thử vợ có bị đau ở đâu, chắc do biểu hiện của tôi khác lạ quá.

- Em tới sao không báo anh biết trước?

- Tại có việc bất ngờ quá nên em muốn tới đây gặp anh.

- Bộ xảy ra chuyện gì à?

- Anh nè, nếu nhà mình có thêm một người nữa thì sao?

- Thêm một người? Vậy là ở nhà có chuyện chi hả?

- Ý em là nói vợ chồng mình ấy...

- Anh nghe nãy giờ mà không hiểu em nói gì hết.

- Là nếu giữa vợ chồng mình có thêm một người đó.

- Sao lại thêm một người? Mà đấy là ai? Ở đâu?

Chán Tiểu đội trưởng này ghê, tôi thầm nhủ rồi kéo tay anh qua đặt lên bụng mình, nói câu rõ ràng: Nó ở đây nè! Phong Khởi ở trước mặt tôi thừ ra một lúc, biểu hiện này giống y như cái lần anh nghe tôi bày tỏ vậy, bất ngờ và mừng rỡ đan xen. Anh nhìn chằm chằm tôi, tay sờ tới sờ lui trên cái bụng chưa nhô lên làm tôi nhột muốn chết, tiếp theo hỏi: "Thật hả?", ngay cả câu hỏi cũng chẳng khác hồi đó.

- Thiệt, qua em mới bị nôn, chị Miên thấy nghi liền nhờ bác sĩ Hiệu khám cho em. Sao nè, anh vui không? Có thích không?

- Vui chứ, vậy là anh có con rồi hử?

- Thì con anh đó, tới nhận đi.

Tôi bảo đùa khiến Phong Khởi cười lớn, tay ngừng xoa anh lại chuyển qua áp tai lên bụng vợ nghe ngóng, tôi liền vỗ nhẹ vai anh: "Mới có mấy tháng hà, anh mà nghe được cái gì mới hay đó". Anh ngồi trở lại chỗ cũ, quàng tay qua ôm bờ vai tôi. Tựa đầu vào ngực anh, tôi vân vê vạt áo bà ba tím nhạt, hỏi khẽ:

- Đứa bé này là trai hay gái anh nhỉ.

- Trai gái gì đều được, chỉ cần con sinh ra bình an là tốt rồi.

- Vậy em ráng sinh một trai, một gái cho anh.

- Hay không em sinh cho anh một tiểu đội mười đứa luôn đi.

- Tham vừa thôi, đàn ông các anh tưởng mang bầu sinh đẻ dễ lắm hả?

- Anh biết vợ chịu cực rồi, sinh xong anh sẽ bù đắp cho vợ.

- Hứa mà không làm thì biết tay em.

Tôi giơ tay lên liền bị anh nắm giữ lại, hai vợ chồng nhìn nhau cười miết. Thật, sắp làm cha làm má tới nơi mà chúng tôi toàn làm mấy cái chuyện không đâu.

Tối đó, tôi ở lại chỗ Phong Khởi, trong một căn phòng nhỏ khang trang. Đơn vị anh xây phòng này để ưu tiên cho vợ chồng các đồng chí có thời gian tâm sự tỉ tê sau những khoảng thời gian tạm chia xa.

Lúc tôi trở về phẫu sư đoàn thì năm ngày sau, Phong Khởi đã xin phép đơn vị nghỉ hai ngày để đến gặp tôi. Anh hỏi han liên tục, nào là tôi có bị nghén không, có thấy mệt mỏi không, hay chăm sóc thương binh có nhiều quá không... Hành động của chồng y hệt trẻ con, khiến mấy chị đồng chí được dịp chọc ghẹo. Anh thản nhiên đáp lại các chị, ai mới lần đầu làm cha mà không mừng?

May sao đứa trẻ trong bụng tôi ngoan lắm, mấy tháng đầu tôi không hề ốm nghén, chỉ hơi mệt mỏi và thèm ăn, bé cũng không quấy phá gì. Chị Miên ngưỡng mộ tôi rằng mang bầu khỏe như em thì sướng nhất đời rồi! Tôi cười bảo, chắc con nó biết ba má đang cực khổ chiến đấu để sau này con sống trong hòa bình nên mới ngoan vậy! Đúng rồi, khi tôi vuốt ve bụng mình, tôi cũng hi vọng lúc con chào đời thì đất nước đã giành được độc lập.

Nội anh với má tôi cũng nhận được tin mừng, khuyên tôi giữ gìn sức khỏe, vừa làm quân y vừa mang bầu thì cực lắm. Tôi nói sức mình chịu được, ngày ngày biết con đang lớn lên trong bụng mình, tôi như được tiếp thêm sức mạnh.

Nhưng sau đó tin buồn kéo đến, nội mất! Hôm qua bà vẫn bình thường, ngủ một đêm xong thì bà không tỉnh dậy nữa. Má tôi bảo, nội ra đi thanh thản vậy là phúc đức lắm. Đơn vị cho phép tôi và Phong Khởi nghỉ vài ngày về chịu tang.

Nội vừa mất thì miền duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra trận chiến quan trọng, là trận Thượng Đức tỉnh Quảng Nam, giữa Quân giải phóng miền Nam với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phát súng đầu tiên mở màn vào đêm hai tám và rạng sáng hai chín tháng bảy. Trận chiến trải qua hai đợt kéo dài đến ngày bảy tháng tám.

Đến tháng mười, tôi sinh. Trước đó tôi đã về nhà được vài ngày, đến tối tự dưng đau đẻ, má đỡ đẻ cho tôi luôn. Hồi má đẻ tôi, nhanh như cái chớp mắt, và đứa con này của tôi cũng vậy, cơn đau vừa dứt thì tôi nghe tiếng con khóc rồi. Má vui mừng trao đứa con gái đỏ hỏn cho tôi, nhìn con khóc oe oe trong tay mình, tôi thấy chưa chi mà cái miệng con đã giống ba Khởi nè!

Tôi sinh xong vài ngày thì Trận Thượng Đức bắt đầu đợt chiến thứ ba, thế giằng co giữa Quân giải phóng và quân Việt Nam Cộng Hòa kéo dài cả tháng trời. Kết quả vào cuối tháng mười một, Quân giải phóng tái chiếm thành công quận Thượng Đức. Toàn bộ hệ thống phòng thủ Đà Nẵng bị phá vỡ, thành phố thủ phủ miền Trung rơi vào thế cô lập khiến quân địch phải rút lui.

Ngày Phong Khởi về nhà, đón lấy đứa con gái đầu lòng từ trong tay tôi, mắt anh đỏ hoe xúc động. Tôi nói anh đặt tên cho con đi, em nghĩ hoài không ra!

- An Phương! - Đó là cái tên anh bật ra sau nửa ngày ngồi suy nghĩ thật lâu - Dù ở phương trời nào đi nữa, con gái ba cũng sẽ thật bình an, thật vui vẻ khỏe mạnh.

Tôi rất thích cái tên này, nghe thật hay và ý nghĩa. Lúc này loạn lạc với chiến tranh liên tục, được sống bình an là điều khó khăn nhất. Một tay ôm con, một tay ôm tôi, đưa mắt nhìn ra ngoài mảnh vườn nhỏ vắng lặng nhưng phía xa kia vẫn nghe âm vang tiếng đạn bom, anh thì thầm một lời nghe chắc chắn:

- Hòa bình nhất định sẽ tới, con gái mình sẽ lớn lên khi đất nước thống nhất, không phải như ba má hay ông bà chúng sống trong khói lửa đổ máu. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ và buông súng, anh sẽ cho mẹ con em sống đời bình an.

Tôi thấy Phong Khởi nhìn đăm đăm về phía hoàng hôn cuối trời, nơi những cánh chim dáo dác bay về tổ ấm sau một ngày vất vả. Điều anh hi vọng cũng là điều tôi hi vọng, mơ về một đất nước hòa bình độc lập cho con cái chúng tôi. Những thế hệ trước đã quá đau khổ mất mát rồi, và tôi không muốn thế hệ sau lần nữa bước qua đau thương như chúng tôi đã từng như thế...

Tôi và Phong Khởi ở nhà với An Phương chưa được bao lâu thì phải quay về đơn vị vì một trận chiến mới lại nổ ra. Ngày tiễn vợ chồng tôi, má ôm cháu trên tay, dặn dò hai bây cứ đi "quýnh" giặc, con Phương để ở nhà má chăm cho! Nhìn con gái vừa sinh đã phải rời vòng tay mẹ, tôi kìm nước mắt không khóc. Chồng hôn con xong rồi quay qua dỗ dành vợ, tôi thấy mình chẳng khác gì đứa trẻ sắp rời nhà đi xa. Lúc lên xe tôi ngoái đầu nhìn con, nước mắt lăn dài.

...[Tới tháng mười hai năm 1974, tiếp tục diễn ra trận đụng độ quân sự lớn giữa Quân giải phóng miền Nam và quân Việt Nam Cộng Hòa trong "Chiến dịch đường 14 - Phước Long". Cuộc chiến chỉ vỏn vẹn ba tuần, đặt dấu kết thúc vào ngày sáu tháng giêng năm 1975, với phần thắng của Quân giải phóng. Nhờ sự đóng góp về sức người, vật chất của tầng lớp công nhân cao su và các dân tộc thiểu số, giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Quan trọng hơn, đường Hồ Chí Minh được mở thông từ Vĩnh Linh nối liền với Nộc Linh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam Bộ.] ...

Giữa tháng hai, may mắn thế nào tôi và cả Phong Khởi đều được nghỉ phép về nhà cùng lúc, chỉ có hai ngày thôi. An Phương sinh được ba tháng rồi, nằm ngủ trên giường tre, má tôi bảo con bé ngoan lắm không quấy khóc gì đâu. Má sang xin sữa của chị con dâu nhà bà Hai Lía, rồi chắt nước cơm cho cháu uống nữa.

Má sang xin sữa của chị con dâu nhà bà Hai Lía, rồi chắt nước cơm cho cháu uống nữa. Nghe vậy tôi thương con lắm, cả ngày bồng bế cho bú. Chồng tôi cũng ở cạnh không rời. Hai ngày ít ỏi để gia đình sum vầy vui vẻ trôi qua nhanh chóng, đêm cuối má tôi bồng cháu về buồng mình ngủ để vợ chồng tôi được ở riêng.

Đêm ấy trăng sáng, gió cũng dịu mát, chúng tôi cuộn vào những miên man, để sự nóng hổi của da thịt hòa nguyện nhau. Ánh trăng chảy tràn rớt vào phòng tối, qua khe cửa sổ khép hờ, khuôn mặt Phong Khởi hiện lên trong đáy mắt tôi. Vẫn mạnh mẽ dạn dày gió sương qua bao cuộc chiến, và cái nhìn dành cho tôi chưa bao giờ thôi dịu dàng. Anh vẫn ôm tôi thật nhẹ nhàng trong vòng tay cứng cáp mỗi lần gần gũi. Tôi nghe hơi thở anh, tiếng anh thì thầm cứ nửa xa nửa gần:

- Anh thương em...

Lấy nhau và đã có một đứa con, vậy mà mặt tôi vẫn còn đỏ bừng mỗi khi nghe ba từ này từ miệng anh. Cảm giác yêu thương trong chúng tôi như mới ngày hôm qua, giữa anh chàng đội trưởng và cô quân y thuở trước, ngại ngùng trong từng ánh mắt, từng cái nắm tay hay cái hôn sâu. Thời gian ở gần không nhiều, khoảng cách cùng bom đạn chiến tranh khiến tình yêu con người thêm sâu sắc chứ không hề vơi đi. Mỗi lần kề cần là thêm một lần góp nhặt những hạnh phúc nhỏ nhoi.

Tôi vùi mặt vào khuôn ngực lấm tấm mồ hôi của anh, như thói quen khó bỏ, nói:

- Vợ chồng mình đang thân mật, anh còn nói lời này, em ngượng chết đấy.

- Em như vậy không sợ con gái cười hả?

- Thì em nói với con là do ba nó hổng biết xấu hổ.

- Thế anh sẽ nói em nghe mấy lời xấu hổ này, đẻ cho anh thêm đứa con nữa.

Tôi buông chồng ra, hai tay đưa lên che kín bưng hết mặt, thật chịu không nổi!

- Em hổng muốn, anh tự mà đẻ.

- Hồi đó chính em hứa ráng đẻ cho anh một trai, một gái.

- Giờ em rút lại lời hứa, anh làm gì em?

- Thì phạt đồng chí Hoa phải đẻ cho anh đứa thứ hai.

Anh liền kéo hai tay tôi xuống, tôi thấy vẻ mặt ngại ngùng của mình in hằn trong đôi mắt lấp lánh đó, rồi anh hôn lên môi tôi thật lâu cùng những tiếng cười khẽ. Cả đêm ấy, chúng tôi quấn quýt không rời.

Khi chìm đắm trong men say tình yêu, người ta không nghĩ rằng sẽ dễ dàng mất đi hạnh phúc mình đang có.

Cũng như tôi, đêm nay ngủ vùi trong lòng anh, tôi đã không biết đây là lần cuối.

...

[Tháng ba và tháng tư năm 1975 trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện miền Nam.

Bắt đầu ngày bốn tháng ba đến ngày ba tháng tư cùng năm, chiến dịch Tây Nguyên với mật danh "Chiến dịch 275" do Quân giải phóng phát động tấn công vào Buôn Ma Thuột khiến cánh nam của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân trên địa bàn Tây Nguyên để giữ miền duyên hải Trung Bộ, nhưng với quyết định sai lầm này đã khiến Quân đoàn II của Việt Nam Cộng Hòa tan rã rồi tháo chạy trên con đường số 7 định mệnh.

Chiến dịch Tây Nguyên tạo nên biến động lớn trên chiến trường miền Nam, mở ra cuộc tấn công cuối cùng là "Chiến dịch mùa xuân 1975" diễn ra trong năm mươi lăm ngày xuân và Quân giải phóng khiến Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn sụp đổ.

Trưa ngày ba mươi tháng tư, xe tăng của Quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trong sự hân hoan, vui mừng của dân miền Nam. Chấm dứt hoàn toàn chiến tranh tại Việt Nam và thống nhất đất nước sau hai mươi mốt năm bị chia cắt.]

...

Trong dòng người đang đứng reo hò trước chiến thắng lịch sử thì tôi bật khóc.

Trước ngày giải phóng một ngày, tôi hay tin anh hi sinh...

***

Sài Gòn, tháng tám năm 1977.

Tôi ngồi trong một quán nước nhỏ bên góc đường công trường Lam Sơn, bên cạnh tôi là An Phương đang giương đôi mắt tròn xoe hiếu kỳ nhìn khung cảnh người người qua lại, lúc này đang là buổi sáng đầu thu mát mẻ vô cùng. Tôi ngồi đây tầm nửa tiếng rồi, khi tôi uống xong nửa ly nước cam thì chiếc ghế phía đối diện tôi được kéo ra, người đàn ông da ngăm đen, hơi thấp và ốm, nụ cười vui vẻ.

- Có phải chị Hoa, vợ anh Khởi hôn?

- Đúng là tôi, anh là người chiều qua gọi điện cho tôi hả?

- Phải rồi chị! Trời ơi may quá, cuối cùng tôi cũng tìm được chị!

Tôi thấy anh ta lau mồ hôi bịn rịn trên trán, gọi chủ quán cho ly chanh đường. Uống một hơi gần cạn hết ly, bấy giờ anh ta đưa mắt nhìn lại tôi, giới thiệu:

- Tôi tên Hiếu, hồi trước ở cùng đơn vị với anh Khởi, đúng hơn là cấp dưới ảnh.

- Không biết anh Hiếu gọi tôi ra đây có chuyện chi?

- Trước khi nói cái đó, tôi có thể biết giờ chị ở đâu, làm gì? Nửa năm rồi, tôi tìm đến nhà chị dưới Vĩnh Long mà nghe người ta nói má con chị dọn lên Sài Gòn rồi.

- Sau giải phóng, ở dưới đấy cũng khó khăn, tôi không tìm được công việc gì để làm, quân y như tôi trở về nhà cũng đâu được trợ cấp gì nhiều, rồi tôi có một chị hồi trước làm cùng đơn vị rủ lên Sài Gòn làm thợ may, tụi tui làm cũng tốt lắm nên tôi đưa má với con gái lên đây sống luôn. Nhà chỉ là do ba má hồi trước mua để lại, có hai gian, chỉ cho tui thuê một gian.

- Vậy hả chị, thế tôi cũng yên tâm. Bé năm nay nhiêu tuổi vậy chị?

- Cũng gần ba tuổi rồi anh.

- Nhìn bé giống anh Khởi quá nghen.

Anh Hiếu vuốt nhẹ cái má bầu bĩnh của An Phương, cười cười rồi nói tiếp:

- Hồi giải phóng tới giờ cũng hai năm rồi, thiệt tình tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ mắc công người còn sống đau lòng chị à. Là về anh Khởi...

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK