- Cậu ơi!
- Gì hở chị?
- Cậu ưng xuống xơi sáng ở gian lớn hay để đem vào buồng?
- Tùy chị ấy.
- Hôm nay cậu thấy trong người thế nào?
- Nói thì xấu hổ chị ạ, tôi đói.
Câu chuyện trao đổi qua khe cửa đối với nàng là cả một thiên tiểu thuyết.
- Thôi thế thì để chúng tôi mang lên buồng cho cậu, như thế cũng khỏi phật ý cha tôi.
Lẹ làng như một con chim, nàng bay xuống bếp.
- Chị Nanong ơi, lên dọn dẹp buồng cho cậu ấy đi.
Cái thang hễ động đến là kêu răng rắc, cái thang gác ấy hôm nay Ogieni lên xuống không ngớt và thấy nó mất hết cái vẻ già cỗi ngày trước. Nó trở nên rực rỡ ánh sáng, nó như biết nói, nó cũng trẻ trung như nàng, mối tình đầu của nàng; nó phục vụ mối tình đầu ấy. Bà mẹ hiền từ độ lượng cũng sẵn lòng chiều theo những ý muốn ngông cuồng của người con si tình. Khi buồng Saclo đã thu dọn xong, hai mẹ con Ogieni lên trò chuyện với chàng: chả phải đạo Chúa cao cả dạy người ta lấy đức nhân ái mà an ủi những người đau khổ hay sao? Hai người đàn bà ấy dựa vào tôn giáo mà tìm ra vô số ngụy thuyết bào chữa cho hành vi của họ, cho nên Saclo thấy mình được nâng niu âu yếm hết sức. Càng đau khổ, Saclo càng thấy tấm tình của họ êm ái, mặn mà và nhận ra sự thông cảm thắm thiết của đôi tâm hồn tù túng, một phen được tự do bay lượn trong bầu trời tự nhiên của họ, bầu trời khổ đau.
Cậy thế là bà con, Ogieni vào xếp đặt áo quần, đồ trang sức cho Saclo, nhờ vậy nàng tha hồ ngắm nghía mọi thứ vặt vãnh bằng bạc, bằng vàng trạm sang trọng của chàng, mỗi thứ vào tay nàng, nàng giữ lại rất lâu với cớ là để ngắm xem. Saclo thấy bà bác và người chị họ chú ý đến mình một cách hào hiệp như thế thì lấy làm cảm động. Chàng hiểu khá rõ xã hội thủ đô.chàng biết rằng trong hoàn cảnh hiện tại của chàng, nếu ở Pari, chàng chỉ gặp những con người thờ ơ, ghẻ lạnh. Trước mắt chàng, Ogieni hiện lên rực rỡ trong một vẻ đẹp riêng biệt, và từ đây, chàng sinh ra kính phục cái phong độ thực thà mà hôm qua chàng chế nhạo. Khi Ogieni giành lấy chiếc bát sứ đầy cà phê kem trên tay mụ Nanong một cách rất tự nhiên để bày ra cho Saclo uống và nhìn chàng trìu mến, chàng bỗng ứa nước mắt. Chàng cầm bàn tay nàng, hôn.
Nàng hỏi:
- Ồ! cậu lại có chuyện gì rồi?
- Không đâu. Tôi quá cảm kích về sự săn sóc của bác và chị đó thôi.
Ogieni vội vàng quay mặt lại phía bệ sưởi và cầm đôi đèn:
- Chị Nanong, cất đôi đèn này.
Khi nhìn lại phía Saclo, má nàng hãy còn ửng đỏ, nhưng ít nhất mắt nàng cũng dối được người ta và không để lộ niềm vui sướng vô biên tràn ngập trong lòng nàng. Tuy vậy bốn mắt cùng nói lên một tình cảm, hai tâm hồn hòa hợp trong một ý nghĩ chung: tương lai là của họ.
Sự cảm kích của Saclo càng bất ngờ lại càng có ý vị giữa cảnh sầu não mênh mang.
Một tiếng gõ cửa dội đến, làm hai người đàn bà phải trở xuống tầng dưới. Cũng may họ đi khá nhanh nên khi Grangde vào thì họ đã ở nguyên chỗ cũ, tiếp tục công việc. Giá chỉ gặp họ ở dưới vòm cuốn cũng đủ cho Grangde sinh nghi rồi, Grangde ăn sáng qua quýt. Sau bữa, người gác rừng ở Phoroaphong mang đến một con thỏ rừng, vài con gà gô tơ hắn bắn được, mấy con chạch và hai con cá măng của bọn thợ xay nộp tô. Cái khoản phụ cấp Grangde hứa với lão ta, lão vẫn chưa thấy trả.
- À! à! Cái lão Coocnoie quý hóa này, lão đến phải lúc quá, như tôm tươi vào chợ. Các cái thứ kia đã vừa ăn chứ? (Thú rừng bắn được, người Châu Âu thường để cho thịt bắt đầu ươn mới đem ăn)
- Vâng,thưa ông chủ hào phóng và kính mến, vừa lắm, bắn được hôm kia đấy.
- Nào, mụ Nanong, xắn tay lên nào! Xách xuống bếp đi, để làm bữa tối nhé. Ta đãi hai lão Cruyso đấy.
Mụ Nanong mở to đôi mắt ngơ ngác nhìn khắp mọi người:
- Ô! thế còn mỡ và gia vị, tôi đào đâu ra?
Grangde quay sang vợ:
- Bà à, bà đưa cho mụ Nanong sáu phorang hộ tôi, và nhớ nhắc tôi xuống hầm lấy thứ vang ngon.
Lão gác rừng nãy giờ đã soạn xong bài diễn văn để yêu cầu Grangde giải quyết dứt khoát món phụ cấp:
- Thưa ông Grangde, còn cái việc này nữa, thưa ông chủ...
- Cha cha cha cha! Ta biết rồi, ta biết lão muốn nói gì rồi. Lão là người khá lắm. Nhưng mai hẵng hay, hôm nay ta vội quá. Bà ơi, cho lão ấy năm phorang.
Grangde nói xong chuồn thẳng. Còn người đàn bà đáng thương kia thì lấy làm may mắn vì mua được sự yên tĩnh chỉ với mười một phorang. Bà biết ông chồng sẽ làm thinh mươi lăm hôm sau khi lấy lại từng đồng một tất cả số tiền ông đã đưa cho. Bà giúi mười phorang vào tay Coocnoie bảo:
- Cầm lấy, lão Coocnoie. Một ngày kia, chúng ta sẽ xét công cho lão.
Coocnoie không biết nói thế nào nữa, ra về. Mụ Nanong quàng khăn đen, tay xách giỏ, từ bếp lên:
- Bà ơi, tôi chỉ cần ba phorang. Bà giữ chỗ còn lại, không sao đâu, chừng ấy cũng xong.
- Chị Nanong ơi, Oggieni nói, cố làm bữa tối cho ngon nhé, cậu ấy cũng sẽ xuống ăn đấy.
Bà Grangde bảo con:
- Nhà này sắp có cái gì khác thường đấy, chắc chắn thế. Từ thuở mẹ về với cha con, lần này là lần thứ ba ông ấy đãi cơm.
Khoảng bốn giờ chiều, mẹ con Ogieni bày xong một bàn tiệc sáu người ăn và Grangde cũng đã mang lên mấy chai thứ vang đến ngon mà người hàng tỉnh nâng niu cất giấu. Saclo từ trên gác xuống. Da mặt chàng xanh. Người chàng, từ cử chỉ, dáng điệu đến cặp mắt, giọng nói đều đượm một vẻ u buồn rất dễ ưa. Chàng không đóng kịch, chàng đau buồn thực sự, cho nên gương mặt chàng phảng phất một vẻ sầu tư dễ làm cho người phụ nữ để ý và có cảm tình. Nó càng khiến Ogieni quyến luyến. Thêm nữa, có lẽ cảnh gia biến cũng đẩy chàng đến với nàng. Saclo ngày nay không còn là chàng thanh niên đẹp trai và sang trọng ở trong một thế giới nàng không với tới; chàng chỉ là một người bà con chìm đắm trong cảnh khốn cùng kinh khủng. Sự khốn khổ san bằng mọi đẳng cấp. Người đàn bà giống thiên thần ở chỗ cảm thông với những đau khổ của con người.
Ogieni và Saclo nói với nhau, thông cảm với nhau chỉ bằng đôi mắt; bởi chàng công tử thất thế người con mồ côi ấy ngồi yên một xó, không nói không rằng, điềm nhiên và tự trọng. Thỉnh thoảng cặp mắt hiền dịu và mơn trớn của người chị họ dừng lại nơi chàng, sáng lên trên người chàng, buộc chàng phải từ bỏ những tư tưởng u ám, để cùng nàng bay lên bầu trời của hy vọng, của tương lai.
Ngày hôm ấy tất cả Xomuya xôn xao về cái tin Grangde đãi cơm nhà họ Cruyso, còn xôn xao hơn hôm qua khi nghe tin Grangde bán rượu, mà việc bán rượu của ông ta là một tội đại phản bội đối với cái xứ sở trông nho này. Giá ông chủ nho khôn ngoan cũng dụng ý như tướng Alcibiade (tướng thời cổ Hy Lạp, hiếu danh, vô đạo, một hôm đem con chó yêu quý nhất ra chặt đuôi để làm cho dư luận chú ý đến mình ) thuở xưa chặt đuôi chó để dư luận chú ý đến mình, thì hẳn ông ta là một bậc vĩ nhân. Nhưng cái thành phố Xomuya đối với ông có ra cái thứ gì. Ông ta muốn lừa muốn lỡm lúc nào thì muốn, bảo ông ta thèm để ý gì đến những dư luận ở đấy hay sao!
Bọn nhà Đe Gratxanh không mấy lúc cũng hay tin ông Guyom chết bất đắc kỳ tử và có lẽ vỡ nợ. Họ dự định ngay tối hôm ấy đến chia buồn và tỏ cảm tình với Grangde, đồng thời tìm hiểu vì sao trong cảnh huống như thế, ông ta lại mời bọn Cruyso ăn tiệc.
Đúng năm giờ chiều, chú cháu ông Cruyso đến, đóng bộ như ngày lễ. Họ ngồi vào bàn ăn, và trước hết là họ ăn cẩn thận. Grangde trầm tư, Saclo lặng lẽ, Ogieni im lìm, bà Grangde như lệ thường không mấy khi mở miệng, cho nên bữa tiệc biến thành một bữa cơm ma chay thực sự. Ăn xong, Saclo thưa với hai bác:
- Xin phép hai bác cháu lên buồng riêng. Cháu cần viết nhiều thư và thư chẳng vui vẻ gì.
- Cháu cứ tùy tiện.
Saclo đi khỏi một lát, Grangde đoán chàng không thể nghe thấy gì nữa và chắc chắn đang cắm đầu cắm cổ viết thư, bèn nhìn vợ một cách ma mãnh và nói:
- Bà Grangde ạ, cái câu chuyện mà chúng tôi sắp nói với nhau đây với bà cũng như tiếng Latinh thôi, bà có nghe cũng chẳng hiểu gì đâu. Bảy giờ rưỡi rồi, tốt hơn là bà quay về cái buồng khuê của bà. Con gái ạ, con ngủ ngon giấc nhé.
Grangde hôn con, rồi Ogieni đi ra với mẹ.
Ở gian phòng ấy, lát sau, Grangde trổ ngón giao thiệp khôn ngoan hơn bất cứ lúc nào hết. Cái tài ấy, Grangde luyện được trong khi tiếp xúc với người thiên hạ. Có nhiều đối thủ bị ông ta cắn quá đau, đã đặt cho ông cái danh hiệu chó già. Giá ông Thị trưởng Xomuya đặt tham vọng cao hơn, giá ông may mắn được leo lên những địa vị cao trong xã hội và được cử đi các hội nghị quốc tế, ở đấy nếu ông đem cái thiên tài sử dụng vì quyền lợi cá nhân ra mà thi thố vì quyền lợi cảu Tổ quốc thì chắc chắn là ông đã phụng sự nước Pháp một cách vinh quang. Nhưng cũng có thể là ra khỏi địa hạt Xomuya thì cái ông Grangde ấy chả làm nên trò trống gì: tài năng có thể cũng giống như một đôi con vật, mang đi xa thổ nghi quen thuộc thì chẳng sinh sôi nảy nở được.
Grangde nói:
- Ông ...ông...chanh...chanh...chánh án, ông...ông...no...no...nói rằng việc vơ...vơ...vỡ nợ...
Grangde giả vờ nói lắp từ những bao giờ, làm cho người ta tin đó là tật tự nhiên, cũng như cái bệnh nặng tai mà ông ta thường kêu ca khi trở trời. Nhưng lần này cái bệnh nói lắp ấy làm cho hai ông Cruyso chán ngắt và bực mình, mặt nhăn rúm lại mà tự họ không biết: hai ông cứ loay hoay nghĩ ngợi như muốn tìm ra nốt những tiếng mà Grangde cố tình lặp cặp là cà.
Đến đây có lẽ chúng tôi cần phải kể nguyên do vì sao Grangde điếc và nói lắp. Thật ra trong miền Angiu, không ai nghe rõ thứ tiếng Pháp địa phương bằng ông ta. Nhưng dù tinh ranh rất mực, ngày xưa cũng có một lần, ông ta mắc lừa một người Do Thái. Người Do Thái ấy bảo mình nặng tai cho nên khi nói chuyện, hắn khum khum bàn tay đằng sau tai để nghe cho rõ. Hắn lại lặp cà lặp cặp, tìm tiếng tìm câu một cách khó khăn, Grangde dại dột vì động từ tâm, bèn nhắc hộ anh Do Thái, gợi ý gợi lời cho anh ta, hoàn thành những câu lý giải mà anh ta nói lỡ dở, nói đúng những điều mà chính anh Do Thái chết vằm ấy đang nói. Tóm lại trong buổi hội kiến, Grangde đã hóa thân làm anh Do Thái chứ không còn là Grandge nữa. Kết quả cuộc giao chiến lạ đời ấy là Grangde đã ký cái bản hợp đồng duy nhất làm ông ta hối tiếc trong suốt cuộc đời hoạt động thương mãi của mình. Nói về tiền thì ông ta có thua thiệt, nhưng về mặt tinh thần thì ông lại được một bài học quý, rất có lợi về sau. Chung quy, Grangde cảm ơn người Do Thái đã dạy cho ông ta cái thuật làm cho đối thủ sốt ruột, khiến đối thủ mải lo phát biểu ý kiến của ta mà quên bẵng đi cái dự định ban đầu của chính họ.
Trong vụ hiện tại, Grangde giả điếc, giả lắp, giả lúng ta lúng túng hơn lúc nào hết để cho ý nghĩ của mình lẩn trong một mớ bòng bong. Là vì trước hết, Grangde muốn không chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình, ưng đổ cho người khác phát biểu; sau nữa, ông không thích tự ràng buộc mình bằng một lời hứa hẹn, ông ta muốn để cho người ta cứ hồ đồ về những dự định của ông ta.
- Thưa ông Đo Bongphong. °(Tác giả vẫn tiếp tục ghi lời ông Grangde trong cuộc thương thuyết này theo kiểu nói lắp. ..)
Ba năm nay, lần này là lần thứ hai Grangde gọi ông Cruyso chánh án là ông Đo Bongphong. Vì vậy ông chánh án chắc mẩm mình sắp được kêu làm khách động sàng.
- Ông nói rằng có trường hợp việc vỡ nợ có thể ngăn chặn do, do...
- Do chính tòa án thương mại. Việc ấy ngày nào không diễn ra.
Ông Đo Bongphong đã lao theo ý kiến của Grangde. Tưởng là mình đoán ra điều Grangde muốn biết, ông định thân tình giải thích hộ ông ấy. Ông nói:
- Ông nghe đây nhé.
- Vâng, tôi nghe. Grangde từ tốn đáp.
Ông ta lấy dáng điệu một chú học trò tinh quái, ngoài mặt vờ chăm chú lắng nghe lời thầy giảng mà trong lòng thì cười thầm thầy ngây thơ.
- Khi một người có địa vị, có uy tín như mồ ma ông Guyom Grangde , em ông ở Pari.
- Em tôi...vâng.
- Mà có cơ khánh kiệt...
- Cái đó gọi là khánh kiệt?
- Phải... khi nạn phá sản xét không thể tránh khỏi, thì tòa án thương mại có thẩm quyền cử ra một số thanh toán viên để giải quyết công việc của hãng ông ta. Thanh toán không phải là vỡ nợ, ông nghe rõ chưa. Vỡ nợ thì không còn gì là danh dự cá nhân, thanh toán thì vẫn còn là người lương thiện.
- Vâng, khác thật, khác xa thật, nếu là không tốn kém nhiều hơn.
- Ấy, người ta lại có thể thanh toán không cần tòa án nữa chứ.
Ông chánh án hít một hơi thuốc lá, nói tiếp:
- Ừ nhỉ! Quả thật tôi chưa bao giờ nghĩ đến.
- Trường hợp thứ nhất, do chính thương gia hay người đại diện chính thức mang bản kê gia sản đến nộp lại tòa án. Trường hợp thứ hai, do các chủ nợ yêu cầu. Thế thì, nếu thương gia không nộp bản kê biên, mà cũng không có chủ nợ nào yêu cầu, tòa án tuyên bố thương gia ấy vỡ nợ thì thế nào?
- Ờ... ờ... thế nào nhỉ?
- Thì gia đình của người quá cố, hoặc người đại diện hoặc người thừa kế, hoặc chính thương gia ấy nếu anh ta còn sống, hoặc bạn bè anh ta, nếu anh ta đi trốn, những người ấy đều có quyền đứng ra thanh toán. Ông Grangde, có lẽ ông muốn thanh toán cho ông em ông chăng?
Ông chưởng khế reo:
- Chao ôi! Ông bạn Grangde ơi, thế thì quý hóa biết bao nhiêu. Ở tỉnh nhỏ chúng ta vẫn có ý thức danh dự mà. Nếu ông bạn đứng ra cứu vớt tên tuổi mình, phải rồi, đích là tên tuổi ông chứ còn gì nữa, thì ông sẽ là một người...
- Phi thường! Ông chánh án nói hớt chú.
Grangde đáp:
- Đúng là chú nó cũng tên là Grangde, không khác gì tôi. Quả thế. Tôi có nói không đâu... Và cái việc thanh toán này xét về mặt nào cũng rất có lợi cho... thằng cháu tôi, mà tôi quý mến. Nhưng mà cũng còn phải xem đã. Cái bọn láu cá ở Pari ấy tôi đã được tiếp xúc lần nào đâu! Tôi chỉ là một anh nhà quê ở Xomuya mà thôi, các ông biết đấy mà! Tôi còn công việc của tôi, các đồng nho, các hào trồng bạch dương...và những việc khác nữa. Tôi chả có bao giờ làm hối phiếu. Hối phiếu là cái gì? Tôi đã nhận được khá nhiều hối phiếu của người ta, nhưng phần tôi thì tôi chưa từng ký cái nào hết. Cái thứ ấy người ta mang đi lĩnh tiền, mang đi chiết khấu, ấy, tôi chỉ biết bấy nhiêu là hết. Tôi có nghe lờ mờ rằng người ta cũng có thể mua lại hối phiếu.
- Phải rồi, ông chánh án nói. Người ta có thể mua lại hối phiếu trong giới thương mại và tài chính, giá mấy mươi phần trăm của nguyên số tiền ghi ở hối phiếu là tùy. Ông nghe rõ chứ?
Grangde đặt bàn tay thành cái loa ở sau tai, ông chánh án buộc phải nói lại câu ấy một lần nữa. Grangde bảo:
- Thế nghĩa là trong các công việc ấy, cũng có cái chấm dứt đấy ư? Tuổi tác ngần này mà cơ khổ, tôi có hiểu gì về cái ấy đâu. Tôi phải ở nhà để phòng bão. Bão tố đã nhóm rồi mà có thóc thì mới có tiền trả mọi khoản °(Grangde chơi chữ- Nguyên văn Pháp dùng từ grain vừa có nghĩa là thóc, vừa có nghĩa là bão. Ở đây chỉ có thể dịch theo nghĩa của từ grain trong mỗi câu). Lo gì cũng không qua lo mùa màng. Tôi có công việc quan trọng ở Phoroaphong, những việc lý thú đáo để. Tôi không thể rời nhà để chạy theo những chuyện rối ra rối rít quái quỷ như thế kia, những chuyện tôi chẳng hiểu xơ múi gì cả! Ông bảo rằng muốn thanh toán, muốn ngăn ngừa cái lệnh tuyên bố vỡ nợ thì tôi phải lên Pari. Ai ở được hai nơi một lúc, trừ phi có là con chim!...và...
Ông chưởng khế nói lớn:
- Tôi hiểu ý ông rồi. Này ông bạn già ạ, ông có những ông bạn, những ông bạn cố cựu có thể tận tụy giúp ông.
Ông chủ nho nghĩ bụng:
- “Vẽ! Chú mày có đợi gì mà không xung phong đi?”
- Nếu có một ông bạn đi Pari để tìm thằng cha chủ nợ gộc nhất của ông Guyom và nói với hắn rằng...
- Hượm .. hượm ở đây đã! Ông bảo rằng ông bạn tôi nói với thằng chủ nợ gộc nhất..nói cái gì nào? Có phải nói đại khái thế này không? “Cái ông Grangde ở Xomuya ấy mà... ông ấy thương em, ông ấy quý cháu. Ông Grangde là một người họ hàng tốt, ông có nhiều thiện ý. Ông ta bán vụ nho vừa qua khá hời. Đừng có kê khai phá sản làm gì, các anh hãy họp nhau lại cử thanh toán viên. Rồi ông Grangde sẽ xem. Thanh toán thì các anh có lợi hơn là để cho cái bọn tư pháp dí mũi vào...” Đại khái thế, có đúng không?
- Đúng! Ông chánh án nói.
- Bởi vì, ông Đo Bongphong nghĩ thử có phải không, còn phải xem rồi mỡi quyết đoán được chứ. Hễ bất lực là.. bất lực. Trong mọi việc tốn tiền, muốn cho khỏi khuynh gia bạ sản thì phải cân nhắc khả năng thu, chi của mình, có phải không? Tôi nói đúng không?
- Đúng. Tôi có ý kiến rằng sau đó mấy tháng, ta có thể thương lượng để chuộc lại các khế nợ bằng một số tiền nào đó, và được coi như đã trả trọn vẹn. Ôi chao! Đem một miếng mỡ giơ trước mõm chó thì ta có thể dắt chó đi xa đến đâu ấy. Đến khi người ta không tuyên bố vỡ nợ nữa, mà ông lại cầm tất cả giấy nợ trong tay thì danh dự của ông trở nên trong trắng như tuyết.
- Như tuy...tuyết? Grangde vừa nhắc lại vừa làm loa tay sau vành tai. Tôi chưa hiểu ra cái chuyện tuyết ấy.
Ông chánh án kêu:
- Đã thế thì ông nghe tôi đây.
- Tôi nghe đây.
- Một cái hối phiếu là một mặt hàng mà giá trị có thể khi cao, khi hạ. Đấy là một cái luật, suy diễn từ nguyên lý cho vay lãi mà Jeremi Bentham đã phát hiện. Bentham chứng minh rằng cái thành kiến đối với người cho vay nặng lãi là một sự ngu xuẩn.°(Jeremi Bentham, nhà triết học và luật học tư sản nước Anh đầu thế kỷ XIX, đã viết quyển “Bào chữa cho việc cho vay nặng lãi”).
- Thế ư?
- Chiếu theo nguyên lý của Bentham, thì tiền bạc là một món hàng và cái gì thay thế cho tiền bạc cũng thành món hàng nốt; chiếu theo quy luật rành rành chi phối các giá khoán ở thương trường như một thứ hàng hóa và một giá khoán mang chữ ký của một vị nào đó cũng như một món hàng hóa, tùy có ít hay có nhiều ở thị trường mà cao giá hoặc trụt giá đến gần con số không, tòa án quyết nghị...- Ô hay! Tôi xuẩn ngốc quá, xin lỗi...- tôi có ý kiến là ông sẽ có thể chuộc danh dự của ông Guyom với hăm lăm phần trăm tổng số nợ thôi.
- Ông gọi cái ông ấy là Je...Je...Jeremi Ben...gì?
- Bentham, một người Anh.
Ông chưởng khế vừa nói vừa cười:
- Cái anh Jeremi này thì lại làm cho chúng ta đỡ than khóc trong việc giao dịch.°(Theo Kinh Thánh, có một nhà tiên tri tên là Jeremi, khi báo trước việc thành Jesusalem suy bại thì than khóc kêu la thảm thiết, dai dẳng. Ông chưởng khế chơi chữ trên cái tên Jeremi trùng nhau).
- Cái ...cái bác người Anh ấy một đôi khi cũng biết lẽ phải trái đấy chứ. Vậy là, theo Bentham, nếu các hối phiếu của chú nó mà có giá...ờ ờ...không có giá! Nếu tôi...này tôi nói đúng đấy chứ? Cái điều này tôi thấy thật quá rõ ràng...Bọn chủ nợ sẽ...ờ không không phải thế... tôi hiểu rồi.
Ông chánh án bảo:
- Ông để tôi giải thích tất cho ông rõ. Đứng về pháp lý mà nói, nếu ông giữ trong tay tất cả những khế ước của ông Guyom, thì nghĩa là ông ấy hoặc những người thừa kế của ông ấy không mắc nợ ai một đồng xu nhỏ nào cả. Thế đấy.
- Thế đấy. Grangde lắp lại.
- Về mặt pháp lý, nếu các hối phiếu của ông em được ướm bán(bán, ông nghe rõ chưa?) ở thị trường tài chính với một tỉ lệ thua lỗ bao nhiêu đó, lúc bấy giờ nếu có một ông bạn của ông chợt đi qua và mua lại các giá khoán đó- các chủ nợ tự ý muốn bán khế nợ chứ chả bị ai dùng bạo lực bắt buộc đâu nhé – như vậy thì những người thừa kế của ông Guyom bất hạnh được chính đáng, coi như là không còn mắc míu thiếu đủ ai nữa.
- Phải rồi, việc mua bán là mua bán. Khoản đó kể đã rõ. Nhưng các ông cũng biết thật là khó đấy. Tôi không có tiền, cũng không có thì giờ.
- Vâng, ông không thể bỏ công việc ở đây mà đi được. Thế này thì tôi phải đi Pari hộ ông (rồi ông tính lại lộ phí cho tôi, chả là bao, nói cũng ngượng). Tôi sẽ tìm bọn chủ nợ tôi nói chuyện với họ, tôi làm kế hoãn binh và sau này, ông tính thêm cho họ một món tiền nào đó ngoài khoản họ thu được trong cuộc thanh toán di sản ông Guyom để lại, để thu hồi tất cả các khế ước, thế là yên chuyện.
Cái ấy rồi chúng ta sẽ xem thế nào. Tôi không thể, tôi không muốn cam kết gì mà không … Ai ...ai … bất lực là bất lực, phải không?
- Phải.
- Đầu óc tôi như sắp vỡ ra vì cái chuyện ông nói đây. Lần này là lần đầu tiên tôi bắt buộc phải suy nghĩ về … về cái...
- Vâng, ông không phải nhà luật học.
- Tôi chỉ là một người giồng nho hèn mọn, các cái việc ông nói tôi chả biết một tí gì sốt. Tôi cần phải đọc những cái đó.
Như muốn tóm tắt cuộc thảo luận, ông chánh án lấy điệu nói tiếp:
- Bây giờ thì...
Ông chưởng khế chặn lại, giọng trách móc:
- Này anh!
- Thưa, chú bảo gì?
- Anh cứ để ông Grangde nói rõ ý định của ông ấy. Việc ủy nhiệm này quan trọng, phải để ông bạn quý của chúng ta tuyên bố rõ ràng, dứt...
Ông chưởng khế nói không hết câu vì có cái tiếng gõ cửa, tiếp đến gia đình Đe Gratxanh vào nhà, rồi chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Ông ta hết sức hoan nghênh sự phá ngang ấy, bởi vì Grangde đã bắt đầu lườm nguýt ông ta và cái chóp mũi động đậy của lão báo hiệu có một cuộc bão táp nổi dậy trong lòng. Ông chưởng khế thận trọng ấy thấy trước hết là không nên để cho một ông chánh án tòa án sơ cấp lên Pari để bắt bí một bọn chủ nợ, và ghé tay vào một hành động gian lận nghiêm trọng vi phạm trắng trợn đức trung tín ở đời. Sau nữa, thấy ông Grangde chưa hề tỏ ý ưng thuận xuất một khoản tiền nào để trả một cái gì cả, tự nhiên ông chưởng khế cảm thấy trờn trợn, lo cho cháu mình sa lầy trong việc này. Thừa lúc bọn Đe Gratxanh đến, ông ta kéo ông chánh án ra cửa sổ, bảo:
- Anh ạ, anh tỏ lòng dạ anh như thế là đủ rồi. Không nên tận tâm quá mức. Anh ưng lấy con lão ta quá nên mờ con mắt. Chao ôi! Không nên hăng máu vịt như thế. Từ nay trở đi anh cứ để cho tôi lái con thuyền, anh chỉ cần giúp tôi một tay là đủ. Công việc của anh đâu có phải là đem cái thể thống quan tòa ra làm cho nó tổn thương trong một vụ như …
Ông chưởng khế dừng lại. Ông nghe thấy ông Đe Gratxanh vừa bắt tay Grangde, vừa nói:
- Bác Grangde ơi! Chúng tôi mới hay tin bác gặp gia biến. Chúng tôi nghe nói ông em của bác mất, háng buôn của ông ấy phá sản. Chúng tôi hết sức đau xót về cái tai họa kia và đến đây tha thiết chia buồn với gia đình bác.
Ông chưởng khế ngắt lời ông chủ ngân hàng:
- Không có cái tai họa nào khác ngoài cái việc ông Guyom Grangde qua đời! Mà như thế cũng tại bởi ông ấy quên nghĩ đến việc cầu cứu ông anh đó thôi, nếu không thì cũng chả đến nỗi phải tự tử. Ông bạn già của chúng ta đây có ý thức danh dự đến tận kẽ răng chân tóc, ông ấy định thanh toán nợ nần của hãng Grangde ở Pari. Để tránh cho ông ấy mọi sự phiền phức về một số công việc có tính chất hoàn toàn tư pháp, ông chánh án cháu tôi đã tự nguyện đi Pari ngay bây giờ , để thương thuyết với bọn chủ nợ và làm thỏa mãn họ một cách phải chăng.
Grangde mân mê cái cằm, như để xác nhận những lời ấy. Ba bà con nhà Đe Gratxanh, suốt dọc đường đã nói xấu Grangde về bệnh keo bẩn của lão ta không tiếc lời, thậm chí còn bảo lão gần như là giết em lão, đến bây giờ đâm ra kinh ngạc. Đe Gratxanh nháy vợ, nói to:
- Mình thấy không, tôi biết mà! Dọc đường tôi nói với mình cái gì nào? Tôi bảo cái bác Grangde, bác ấy trọng danh dự hơn cái gì hết trên đời. Bác không để cho tên tuổi bác bị xúc phạm đâu, dù là mảy may cũng không. Tiền tài mà không danh dự là tiền tài báo cô. Cho biết ở các địa phương chúng ta vẫn có truyền thống trọng danh dự đấy nhé! Bác Grangde ạ, việc làm của bác tốt, tốt lắm. Tôi là một anh quan võ già, tôi chả biết đãi bôi giả dối. Tôi nói trắng ra sự thật: cái việc này, trời đất ông bà ơi! Cái việc này quả là phi thường!
Đe Gratxanh hăng hái lắc mạnh tay Grangde, trong khi Grangde bảo:
- Cái phi thường... cũng thật là đắt nhỉ.
- Tôi nói cái này chắc ông chánh án không được vừa ý lắm. Bác Grangde ạ, việc của bác hoàn toàn là một việc mua bán, cho nên đòi hỏi một tay thương thuyết già dặn: Phải biết tính toán các khoản khấu trừ, các khoản lợi tức, có phải không? Tôi có việc sắp đi Pari, nếu cần tôi có thể nhận giúp...
- Thế thì hai chúng ta sẽ thỏa thuận với nhau theo khả năng của mỗi người và làm thế nào để tôi đừng dính vào những sự cam kết mà tôi không muốn. Bởi vì, ông thấy không, lẽ tất nhiên là ông chánh án hỏi tiền lộ phí.
Grangde nói câu này một mạch, không lắp nữa.
- Ơ kìa! Bà Đe Gratxanh bảo, được đến Pari là thú chứ. Giá tôi thì tôi sẵn lòng bỏ tiền ra để mà đi.
Rồi bà ta ra hiệu cho chồng như muốn khuyên chồng thế nào cũng phải phỗng tay trên cái món ân nghĩa ấy. Rồi bà nhìn qua chú cháu ông Cruyso một cách ranh mãnh. Mặt mày hai ông này xịu xuống. Grangde nắm cúc áo Đe Gratxanh, kéo ra một góc phòng và bảo:
- Được ông đi thì tôi tin cậy hơn ông chánh án nhiều lắm. Vả lại – ông Grangde động đậy chóp mũi – cũng có chút mưu mô này nữa. Tôi muốn chơi thực lợi; tôi định mua mấy ngàn phorang thực lợi, và chỉ ưng mua với giá tám mươi thôi. Người ta bảo rằng cứ cuối tháng thì cái thứ ấy hạ giá. Ông thạo cái khoa này đấy chứ?
- Hẳn rồi! Thế là tôi sẽ được lấy cho ông mấy ngàn phorang thực lợi ư?
- Lần bắt đầu này cũng chả bao lăm! Nhưng không được nói ra đấy nhé. Tôi muốn chơi một cách kín đáo, không để cho ai biết. Ông thương lượng mua cho tôi một vụ cuối tháng. Nhưng đừng nói gì với bọn Cruyso hết, chúng biết sẽ băn khoăn. Ông đã định đi Pari thì nhân thể, ông giúp thằng cháu tội nghiệp của tôi xem thử cái việc của nó có cơ giải quyết thế nào.
- Đồng ý.
Ông Đe Gratxanh lại nói to:
- Mai tôi sẽ đi xe trạm, trước khi tôi đi tôi sẽ đến xin những ý kiến cuối cùng của ông vào lúc... lúc mấy giờ nào?
- Năm giờ, trước bữa ăn tôi.
Ông Grangde vừa nói vừa xoa tay.
Hai phe địch thủ đối diện nhau một lát nữa. Đe Gratxanh vỗ vai ông Grangde bảo:
- Có nhưng người họ hàng như thế này thì thật quý hóa!
- Vâng vâng, Grangde đáp. Tôi là một người họ hàng tốt tuy bề ngoài không có vẻ thế. Tôi yêu mến chú em tôi và tôi sẽ chứng tỏ điều ấy nếu... nếu không tốn.
Ông Grangde ngắt lời đúng lúc, không để cho ông ta nói trọn câu:
- Chúng tôi phải xin cáo bác, bác Grangde ạ. Thế là tôi đi Pari trước kỳ hạn, nên cần thu xếp một số công việc.
- Đúng, đúng. Phần tôi, vì cái việc ấy... ấy mà, tôi cũng cần phải rút vào phòng... phòng nghị án như ông chánh án Cruyso nói.
- Mẹ kiếp! Ta không còn là ông Đo Bongphong nữa. Ông chánh án rầu rầu nghĩ như thế và bộ mặt của ông ta dài ra như khi gặp một vụ kiện tụng rắc rối.
Các vị thủ lĩnh của hai họ kình địch đi song song với nhau. Cả hai bên đều quên bẵng đi chuyện Grangde bội phản xứ sở nho; họ bận dò dẫm lẫn nhau để tìm hiểu đối phương ức đoán thế nào về những ý định nằm trong thâm tâm Grangde quanh vụ thanh toán; nhưng họ mất công toi.
Bà Đe Gratxanh hỏi ông chưởng khế:
- Ông có đi đến bà Đoocxongvan cùng một thể với tôi không?
- Chúng tôi sẽ đến sau. Tôi có hẹn với cô Đo Gricobua sẽ đến thăm cô ấy. Nếu chú tôi đồng ý, chúng tôi sẽ tạt vào đấy một tí đã.
- Thế thì xin chào các ông. Bà Đe Gratxanh nói.
Đi mấy bước, Adon nói với cha:
- Bọn chúng nó tức ứa máu đấy nhé!
- Im đi con, bà Đe Gratxanh bảo. Chúng còn có thể nghe lọt đấy. Với lại chữ nghĩa của mày dùng nghe sặc cái mùi trường Luật, chẳng lịch sự chút nào.
Về phía họ Cruyso, khi thấy bọn Đe Gratxanh đi đã xa, ông chánh án nói với ông chưởng khế:
- Này, chú ơi! Tôi bắt đầu là “quan chánh án Đo Bongphong” mà chung cuộc chỉ còn là một anh Cruyso cụt ngủn.
- Chú cũng thấy công việc không chiều theo ý anh, nhưng biết làm sao! Bọn Đe Gratxanh đang gặp gió thuận. Anh tuy thông minh thế nhưng vẫn còn khờ lắm!... cứ để cho chúng lên thuyền với một câu “chúng ta sẽ xem thế nào” mơ hồ của lão Grangde, còn anh, anh cứ bình tĩnh đợi, anh cháu ạ: bề nào Ogieni cũng sẽ là vợ anh.
Chả mấy chốc, cái tin Grangde dự định làm một việc hào hiệp lan ra mấy nhà, rồi khắp thành phố chỉ bàn tán về việc ông anh kia tận tình với ông em ấy. Ai cũng sẵn sàng tha thứ chuyện bán mua thất ước của Grangde, để thán phục cái đức trọng danh dự của ông, ca ngợi cái bụng hào hiệp không ai ngờ ở ông ta. Cái tính của người Pháp là thế: dễ bột phát, dễ bốc cháy, dễ say sưa về cái ánh chớp hào nhoáng, cái bong bóng xà phòng rực rỡ một lúc. Phải chăng các khối cộng đồng, các dân tộc không có trí nhớ?
Grangde đóng cổng xong thì gọi mụ Nanong.
- Mụ đừng mở xích chó và hãy thức đấy chờ, mụ với tôi sắp có việc phải làm. Mười một giờ khuya, thằng cha Coocnoie sẽ đánh cỗ xe ở Phoroaphong tới đây. Mụ lắng nghe lúc nào hắn tới thì ra mở cổng chứ đừng để cho hắn đấm cửa, rồi bảo hắn nhẹ gót đi vào. Luật cảnh sát cấm làm ồn ào vào ban đêm. Vả lại ở khu phố cũng không cần biết là tôi sửa soạn đi xa.
Dặn dò xong, Grangde vào buồng thí nghiệm của mình. Thế rồi mụ Nanong nghe tiếng ông đi lại, sục sạo, động vật này đẩy vật khác, nhưng rất cẩn thận nhẹ nhàng. Cố nhiên là ông không muốn cho vợ và con gái thức giấc, nhất là không muốn cho Saclo để ý. Lúc mới lên, thấy buồng Saclo còn ánh sáng đèn, ông đã lầm rầm nguyền rủa anh chàng.
Vào nửa đêm, Ogieni vì quá lo lắng về Saclo nên trong giấc ngủ, mơ màng như có tiếng rên rỉ của một người sắp chết. Không nghi ngờ gì nữa, người sắp chết ấy là Saclo. Lúc ban chiều chia tay nhau, Saclo võ vàng tuyệt vọng làm sao! Có lẽ chàng tự tử. Nàng vùng lên, choàng vội cái áo có mũ trùm đầu, toan ra đi. Ban đầu, cái ánh sáng chói lòa lọt qua khe cửa làm cho nàng tưởng cháy nhà; sau đó, nghe tiếng chân mụ Nanong chen lẫn với tiếng ngựa hý thì nàng đỡ lo ngại. Nàng vừa thầm nghĩ: Cha ta mang cậu ấy đi đâu chăng? Vừa nhẹ tay đẩy cửa, nàng vừa cẩn thận cố giữ cho khỏi có tiếng cọt kẹt, nhưng cũng hé đủ để nhìn thấy mọi việc diễn ra trong hành lang.
Đột nhiên mắt nàng gặp mắt bố. Mắt ông ta tuy bâng quơ vô tình nhưng cũng đủ làm cho nàng chết khiếp. Một cây đòn to nối liền Grangde với mụ Nanong, mỗi đầu đặt lên vai phải của mỗi người; giữa đòn có một sợi dây cáp buộc một cái thùng con giống thứ thùng mà lúc rỗi ông Grangde thường đóng để tiêu khiển.
Mụ Nanong nói khẽ:
- Đức thánh mẹ ơi, nó nặng làm sao!
- Thế mà tiếc quá! Chỉ rành có đồng xu thôi, coi chừng kẻo đụng cây đèn.
Một cây nến độc nhất, cắm trên thân đèn để giữa hai chấn song cái tay vịn cầu thang, soi cái cảnh tượng đáng sợ ấy.
Grangde gọi người gác rừng không lương của ông ta:
- Coocnoie à! Lão có mang súng ngắn theo đó không?
- Thưa ông không ạ. Ái chà! Cái thứ xu ấy mà sợ nỗi gì?
- Phải, phải. Chả có gì sợ cả.
- Vả lại chúng ta sẽ phóng nhanh lắm. Bọn tá điền chọn những con ngựa tốt nhất cho ông đây.
- Tốt, tốt lắm. Lão không nói với họ là tôi đi đâu chứ?
- Tôi biết ông đi đâu mà nói.
- Phải rồi. Xe có chắc không?
- Ông chủ còn phải hỏi! Này, xe này chở những ba nghìn cân. Vậy chớ các thùng khổ của ông nặng bao lăm đó?
- Ờ, tôi cũng có biết đấy, mụ Nanong nói. Có đến ngót nghìn tám cơ.
- Mụ có câm mồm đi không, mụ Nanong? Mụ báo với bà là tôi về nhà quê, chiều tối tôi sẽ về kịp bữa ăn tối. Cho đi nước lớn đi Coocnoie. Chúng ta cần có mặt ở Angie trước lúc chín giờ.
Xe đi khỏi, mụ Nanong đóng cổng, thả con chó rồi đi nằm, một bên vai đau nhừ. Hàng phố chẳng ai biết ông Grangde đi, và đi như thế để làm gì. Ông già ấy hết sức kín đáo. Không ai trông thấy một đồng xu trong cái nhà đầy ắp vàng của ông ta bao giờ. Buổi sớm ra bến thuyền, ông ta nghe người ta kháo nhau rằng giá vàng lên gấp đôi vì ở Nangto người ta đương trang bị cho nhiều tàu sắp hạ thủy, và có một bọn đầu cơ đến lùng mua ở Angie. Thế là ông ta mượn suông một chuyến ngựa của các bác tá điền để đem số vàng nhà đi bán, và định sẽ mang về bằng giá khoán công khố, số tiền cần thiết để mua phiếu thực lợi, số ấy gồm cả cái vốn vàng tích lũy lẫn số lãi đầu cơ.
Từ trên gác trông xuống. Ogieni nhìn thấy tất cả. Nàng nói:
- Cha ta đi rồi.
Cảnh nhà lại trở lại yên lặng. Tiếng bánh xe lăn ra trên đường cái lắng dần xuống, không còn nghe âm vang trong thành phố Xomuya ngủ say. Bỗng Ogieni nghe có tiếng rên từ trong buồng Saclo bay đến xuyên qua mấy bức vách. Tiếng rên ấy như dội vào tim nàng trước khi tai nàng nghe thấy. Một lần ánh sáng mỏng như lưỡi kiếm lọt qua cửa buồng chàng và như cắt ngang mấy chấn song ở cầu thang. Nàng leo lên hai bậc, tự nhủ:
- Chàng đau khổ.
Một tiếng rên thứ hai lôi phắt nàng đến cửa buồng. Cửa hé mở, nàng đẩy toang ra. Saclo ngủ, đầu ngoẹo ra ngoài ghế, tay rời bút, buông thõng gần chấm đất. Ngồi nghịch chiều như thế nên hơi thở chàng hổn hển, Oggieni đâm hoảng, vội vã bước vào. Thấy một đống mười cái thư đã niêm phong, nàng tự nhủ:
- Chắc chàng mệt lắm!
Nàng đọc địa chỉ trên các phong bì:
- Kính gửi công ty đóng xe ngựa Phary, Braymang, Kính gửi ông Buytxong, chủ hiệu may, v.v... Nàng nghĩ thầm:
- Chắc chàng lo thu xếp cho xong mọi công việc để nay mai từ giã nước Pháp.
Mắt nàng vô tình dừng lại trên hai bức thư chưa gấp. Bức thư thứ nhất bắt đầu bằng mấy chữ: “Em Anet thân yêu...” làm cho nàng hoa mắt. Ngực nàng phập phồng, chân nàng như dính xuống nền gạch.
- Em Anet thân yêu! … Thế là chàng đã yêu và có người yêu! Còn gì nữa mà mong! Chàng nói gì với người ấy nhỉ?
Mấy ý nghĩ ấy xuyên qua óc nàng, tim nàng. Mấy chữ ấy, nàng đọc thấy khắp nơi, ngay cả trên nền gạch hoa, bằng những nét lửa.
- “Ta đành phải từ bỏ chàng rồi ư! Không, ta không nên đọc thư này. Ta phải đi thôi... Thế nhưng nếu ta đọc thì đã sao?”
Nàng nhìn Saclo rồi dịu dàng nâng đầu chàng lên đặt tựa vào lưng ghế. Saclo cứ mặc nàng làm gì thì làm, hệt như đứa bé trong giấc ngủ vẫn nhận biết mẹ mình và để yên cho mẹ ẵm bồng, hôn hít. Ogieni đỡ cái cánh tay buông thõng lên và cũng hệt như một bà mẹ, nàng hôn nhẹ nhàng trên mái tóc. “Em Anet thân yêu!” Hình như có một con quỷ dữ cứ thét mãi mấy tiếng ấy vào tai nàng. Nàng thầm nghĩ:
- Ta biết thế là sai, là sai, nhưng ta cứ phải đọc thư. Nàng quay đầu đi, bởi vì đức tính trung thực cao quý của nàng phản đối. Trong tâm trạng này, lần này là lần đầu thiện và ác chạm trán nhau. Cho đến nay, chưa bao giờ nàng phải thẹn thùng xấu hổ vì một hành vi nào cả. Nhưng lần này, lòng say đắm, trí tò mò dã chiến thắng và khiến nàng đọc thư. Mỗi câu, mỗi đòn làm cho quả tim nàng giãn ra. Một luồng nhiệt khí bốc lên trong người làm tăng cái ý vị say sưa của mối tình đầu.
“Em Anet thân yêu, không gì có thể chia rẽ chúng ta nếu không có cái tai họa ghê gớm vừa giáng xuống đầu anh, một tai họa mà ở trên đời này người lo xa mấy cũng không thể lường trước. Cha anh vừa tự tử, cả gia tài của người lẫn của anh đều tiêu tán. Luôn luôn được cha nuông chiều chuộng, đến ngần này tuổi, anh vẫn còn như một đứa trẻ con, ngày nay phải chịu đựng phận côi cút. Ấy thế mà từ dưới đáy vực anh rơi xuống, anh phải vượt lên làm một người trưởng thành. Anh đã thức một phần đêm nay để suy nghĩ. Nếu anh muốn từ giã nước Pháp như một người lương thiện- tất nhiên anh muốn làm người lương thiện- thì anh không còn đủ một trăm phorang để đi thử thách vận hạn của mình ở bên Ấn Độ hay bên Mỹ. Anna ạ, anh sẽ tìm đến những nơi ma thiêng nước độc nhất cố để xây dựng cơ đồ. Người ta bảo rằng ở những nơi như thế, có thể làm giàu mau và chắc. Còn như ở lại Pari thì anh chịu thôi. Tâm hồn anh, mặt mũi anh không thể chịu đựng sự thóa mạ, sự ghẻ lạnh, sự khinh bỉ nó đang chờ người sa sút, người con kẻ vỡ nợ như anh. Trời đất ôi, nợ những hai triệu... chắc chắn là anh sẽ bị giết trong một trận đấu kiếm nào đó ngay tuần lễ thứ nhất. Vì vậy anh không trở về Pari. Tình yêu của em” vẫn chưa đủ sức kéo anh về, tuy rằng đó là mối tình dịu dàng, tận tụy nhất từng làm cho một quả tim đàn ông trở nên thanh quý. Hỡi ôi! Người yêu của anh! Thậm chí anh không đủ tiền để đến với em, hôn em và nhận của em một cái hôn cuối cùng nó sẽ là nguồn nghị lực giúp anh phấn đấu trong sự nghiệp tương lai...”
Ogieni ngừng đọc, nói thầm:
- Tội nghiệp Saclo. Ta đọc thế này lại hóa hay! Ta có một ít vàng, ta sẽ đưa biếu cậu.
Nàng lau nước mắt, đọc tiếp.
“Trước kia, chưa lúc nào anh nghĩ rằng mình sẽ gặp cảnh nghèo khổ. Thế mà bây giờ đây nếu anh dồn đủ một trăm lu-i để mua vé tàu, thì anh cũng chẳng còn gì để mua hàng sang bán. Nhưng không, đừng nói một trăm lu-i hay một lu-i. Chỉ khi nào anh thanh toán xong nợ nần của riêng anh ở Pari, thì anh mới biết anh còn lại bao nhiêu. Nếu không còn gì cả, anh cũng vẫn bình tĩnh đi Nangto, xin một chân thủy thủ và sang đấy, anh sẽ bắt đầu cuộc đời như bao nhiêu những con người quả cảm và trẻ trung, ra đi tay trắng mà về giàu to. Từ sáng nay anh nhìn tương lai một cách bình thản. Tương lai của anh đối với anh sẽ gớm ghiếc hơn đối với ai hết, bởi vì anh được cha mẹ anh nâng như nâng trứng, hứng như hững hoa, bởi vì vừa bước chân vào đời, anh gặp ngay một người yêu như Anna! Từ trước tới nay, trên đường đời anh chỉ biết hái hoa hồng; cái diễm phúc ấy làm gì trường cửu được! Tuy vậy, em Anet ơi, anh vẫn nhiều can đảm. Một chàng thanh niên vô tư quen được người đàn bà kiều diễm nhất thủ đo yêu chiều, quen sống trong cảnh lạc thú gia đình, cái gì cũng đắc ý, mỗi sở cầu đều thành một cái lệnh để cho cha thi hành, không ngờ một thanh niên như thế mà lại có nhiều can đảm... Ôi! Cha anh! Annet thân yêu ơi, cha anh đã chết rồi!... Anh đã nghĩ đến tình cảnh của anh, anh cũng đã nghĩ đến tình ảm của em. Chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ, anh đã hóa nên một người già dặn. Em Anna yêu quý, dù em có hy sinh tất cả những thói ăn diện, tiêu xài, hát xướng để giữ anh ở lại bên em, thì em cũng không thể bảo cho anh sống xa xỉ ở Pari được. Vả anh cũng không lòng nào để em phải hy sinh như thế. Vậy nên chúng ta vĩnh viễn từ biệt nhau ở đây”.
- Chàng từ bỏ Annet, Đức mẹ ôi! Sung sướng làm sao!
Ogieni vui mừng nhảy lên. Saclo cựa mình làm cho nàng kinh hãi. May thay, chàng vẫn ngủ. Nàng lại đọc tiếp:
“Bao giờ thì anh về? Anh không biết. Khí hậu Ấn Độ làm cho con người ta chóng già, nhất là người lao lực. Hãy cho là mười năm nữa. Mười năm nữa, con gái em mười tám tuổi. Nó sẽ sống ở bên em, sẽ theo dõi hành vi cử chỉ của em. Đối với em, xã hội sẽ độc ác, con gái có thể độc ác hơn nữa. Chúng ta đã từng thấy xã hội thượng lưu nhận xét người như thế nào, chúng ta cũng biết nhiều con gái bạc bẽo với mẹ, chúng ta phải lấy đó làm bài học. Em hãy cất giữ ở đáy lòng cái kỷ niệm bốn năm hạnh phúc, cũng như anh cất giữ nó. Nếu có thể, em cố gắng trung thành với người bạn đáng thương này. Nói thế thôi chứ anh không đòi hỏi, anh không thể đòi hỏi ở em điều ấy vì, em Annet thân yêu, anh phải xét đến cảnh ngộ của anh, anh phải nhìn việc đời bằng con mắt thiết thực và trị giá đúng của nó. Bởi thế anh phải nghĩ đến chuyện hôn nhân, vì nó đã trở thành một điều cần yếu đối với cuộc sống mới của anh. Anh thú thật với em rằng về Xomuya đây, anh đã tìm thấy ở nhà ông bác một người chị họ mà dung nhan, cốt cách, trí tuệ và tâm hồn sẽ làm vừa ý em; ngoài ra hình như người ấy có...”
- Thấy bức thư bỏ dở giữa câu, Ogieni lầm nhầm:
- Chắc là chàng mệt lử nên mới không viết tiếp được nữa.
Nàng bào chữa cho Saclo. Cái giọng lạnh nhạt bàng bạc trong bức thư, làm thế nào nàng nhận thấy? Những thiếu nữ được nuôi dạy trong đạo Chúa, khờ khạo trong trắng, khi họ bước chân vào thế giới yêu đương kỳ ảo thì cái gì họ cũng thấy đáng yêu cả. Tâm hồn họ tỏa ra một htứ ánh sáng thần kỳ và họ đi lại trong ánh sáng ấy. Nó chiếu lên mình người yêu thành muôn đạo hào quang đủ màu sắc, tô vẽ cho anh chàng trở thành lộng lẫy. Mối tình của họ, những ý nghĩ tốt đẹp của chính họ, họ đem gán cho người yêu. Hầu hết những lỗi lầm của người đàn bà đều do ở lòng tin mà ra, tin ở chữ chân, chữ thiện. Những tiếng “Annet thân yêu”, “em yêu quý” ngân vang trong lòng Ogieni, như tiếng thỏ thẻ du dương của thần tình ái; nó mơn trớn tâm hồn nàng như mấy tiếng phong cầm đánh khúc Hãy lại đây kính Chúa, những tiếng nhạc kỳ diệu đã ru nàng êm ái thuở ngày thơ.
Vả lại những giọt nước mắt còn đầm đìa trên mặt Saclo đã biểu hiện tâm hồn cao quý của chàng; người thiếu nữ, ai mà không say đắm những tâm hồn như thế? Ogieni thấy Saclo thương yêu cha tha thiết và khóc cha chân tình; nàng biết đâu rằng lòng yêu mến ấy không do mọt bản chất tốt, trọng tình chuộng nghĩa xủa người con, mà do sự nâng niu chiều chuộn của người cha. Thật vậy, vợ chồng ông Guyom Grangde luôn luôn chiều theo ý con, tạo điều kiện cho con hưởng thụ mọi thú vui trong cảnh phú quý, cho nên saclo không phải tính toán khả ố như phần đông con cái những nhà khác ở Pari; bọn này bị cuộc sống phồn hoa cám dỗ, cho nên luôn luôn thèm khát, luôn luôn có những dự định mà hễ cha mẹ còn sống thì chúng còn phải khổ tâm hoãn lại, không biết bao giờ mới thực hiện được. Ở gia đình Saclo, tính hào phóng của người cha đã gây cho người con một lòng hiếu thảo chân thực, không ẩn ý.
Tuy thế, Saclo vẫn là một đứa con của thành phố Pari, phong tục Pari và chính tay Annet đã tập cho chàng thói quen tính toán trong bất cứ việc gì, làm cho trí chàng già cỗi mặc dù mặt mũi trẻ trung. Chàng chịu sự giáo dục kinh khủng của cái xã hội thượng lưu. Ở xã hội ấy, bằng tư tưởng, bằng lời nói, trong một buổi tối, người ta phạm nhiều tội ác bị trừng trị từ xưa tới nay trong các phiên tòa đại hình; ở xã hội ấy, những câu hóm hỉnh giết chết những tư tưởng lớn lao nhất; ở xã hội ấy chỉ có những người nhận xét đúng mới là người cừ, mà ở đây, nhận xét đúng nghĩa là không tin gì cả, không tin tình nghĩa, không tin người, không tin cả đến sự việc; về sự việc thì họ muốn đặt để ra tùy ý. Ở đây, muốn nhận xét đúng, phải nhấc túi tiền của bạn mỗi buổi sáng xem thử nặng nhẹ, phải biết khôn khéo đặt mình lên trên mọi sự biến cố, phải biết lâm thời không khâm phục cái gì cả, không phục những tác phẩm nghệ thuật, không phục những hành động cao quý, cho mọi việc ở đời đều do một động cơ duy nhất là quyền lợi cá nhân.
Sau khi làm nghìn chuyện ngông cuồng hoang đãng, cái bà lớn quý tộc hay là nàng Annet xinh đẹp ấy bắt buộc Saclo phải suy nghĩ nghêm túc. Nàng vừa luồn bàn tay thơm nức nước hoa vào trong tóc Saclo, vừa nói chuyện về địa vị tương lai của chàng. Vừa nắn một àn tóc uốn, nàng vừa tập cho chàng làm tính về cuộc sống: Thế là Saclo học làm con người đỏm dáng ủy mị, lại vừa học làm con người vật chất. Thối nát hai lần, nhưng thối nát lịch sự, cao sang, đúng điệu.
Mình ngây ngô lắm Saclo ạ. Em chắc phải mất nhiều công phu mới bày cho mình biết được cách ở đời. Mình không nhã nhặn với Des Luypo là không đúng.°(Des Luypo: nhân vật trong nhiều truyện của Balzac, kinh doanh xảo trá). Em cũng biết hắn ta là người chả ra gì, nhưng hãy đợi đến lúc hắn thất thế, lúc ấy mình hãy khinh bỉ hắn tha hồ. Mình có biết bà Campan dạy chúng tôi thế nào không? (Tên con gái là Henriete Genet, phụ trách một nhà dạy trẻ của Napoleon). Bà bảo: “Các con ạ, khi một người nào đó còn ở Bộ thì phải tôn kính hắn. Khi hắn đổ thì phải giúp người ta lôi cổ hắn tới xe rác. Còn quyền thế thì hắn là một vị thần, khi thất bại, hắn còn kém thua Marat trong lỗ cống bởi vì Marat chết rồi mà hắn thì còn sống °(Marat, nhà cách mạng và nhà báo trứ danh trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền Pháp năm 1789, triệt để cách mạng, luôn bênh vực dân nghèo, đòi trừng trị bọn phản bội. Bị ám sát. Khi bọn phản động lên cầm quyền, chúng đem tượng Marat vứt xuống sông). Cuộc đời là một tràng những mưu chước, phải nghiên cứu, phải chạy theo mới mong luôn ở địa vị cao sang”.
Saclo là một người quá hợp thời, được cha mẹ nâng niu, người ngoài tâng bốc quá nên không thể có những tình cảm lớn. Chút hạt vàng mà mẹ chàng gieo trong tim chàng đã dàn thành chỉ mỏng trong cái xã hội Pari; chàng dùng nó về bề mặt nhiều quá, nó đã mòn đi vì cọ xát. Tuy vậy Saclo mới có hai mươi mốt tuổi. Ở tuổi ấy, sự tươi mát bên ngoài có vẻ như gắn liền với sự trong trắng bên trong. Giọng nói, con mắt nhìn, vẻ mặt, tất cả đều hình như ăn khớp với tình cảm. Bởi thế khi đương sự còn có đôi mắt tinh anh, trong vắt, cái trán không vết nhăn thì vị quan tòa khắc nghiệt nhất, anh nguyên cáo tinh đời nhất, tên chủ nợ khó tính nhất cũng ngần ngại chưa tin rằng người thế kia mà tâm hồn đã khô cỗi, trí óc đã tính toán điêu ngoa. Saclo chưa có dịp áp dụng những câu châm ngôn xử thế của thành phố Pari và đến nay chàng vẫn còn cái vẻ đáng yêu của con người chưa lịch lãm. Nhưng chàng đã bị tiêm nọc ích kỷ mà chàng không biết. Cái mầm chính trị kinh tế học riêng của người Pari lâu nay dấm trong cơ thể chàng, sẽ tức tốc nảy nở, đâm hoa kết trái khi chàng không còn làm người khách xem nhàn rỗi, mà trở thành người diễn viên trong tấn trò đời.
Hầu hết các cô thiếu nữ đều bị mắc lừa bởi những vẻ hứa hẹn bên ngoài ấy. Dù Oggieni có cẩn thận và tinh ý như một số chị em tỉnh nhỏ, nàng cũng không thể đề phòng với Saclo, bởi vì ở chàng, lời nói, cử chỉ và hành động hãy còn phù hợp với ước vọng của tâm hồn. Sự tình cờ tai hại ấy đã làm cho nàng bắt chợt những niềm cảm xúc chân thành cuối cùng, có thể nói là những hơi thở tối hậu của lương tâm Saclo. Nàng tự hứa với lòng sẽ yêu chàng mãi mãi. Rồi, không quan tâm đến chuyện khiếm nhã của mình, nàng nhìn sang bức thư thứ hai. Nàng bắt đầu đọc bức thư ấy để tìm hiểu thêm nhiều bằng chứng về những đức tính cao quý của chàng; cũng như bao nhiêu những phụ nữ khác, nàng đã chọn được người yêu thì tưởng tượng người ấy có đủ đức tính tốt:
“Anh Anphong thân mến, khi anh đọc bức thư này thì tôi cũng chả còn ai là bạn hữu nữa. Nhưng tôi thú thật với anh rằng khi tôi nghi ngờ người đời, họ quen lạm dụng tiếng bạn hữu, thì tôi vẫn không nghi ngờ tình bạn của anh. Vì vậy tôi nhờ anh thu xếp công việc cho tôi và tin tưởng là anh sẽ giải quyết hộ các món tư hữu của tôi một cách có lợi nhất. Hôm nay thì chắc là anh đã biết tình cảnh tôi. Tôi không còn gì ở trong tay cả. Tôi muốn sang Ấn Độ. Tôi vừa viết thư cho tất cả những người tôi nhớ có nợ họ nhiều ít. Danh sách kèm theo đây, tôi đã cố moi trí nhớ để ghi chi đúng. Tôi nghĩ rằng sách vở, ghế bàn, mấy cỗ xe, và mấy con ngựa của tôi cũng đủ trang trải các món nợ. Tôi chỉ muốn dành lại những món linh tinh vô giá trị, nó sẽ là những món hàng đầu tiên trong chuyến tạp hóa tôi định mang theo. Anh Anphong thân mến, tôi sắp gửi cho anh một tờ ủy nhiệm hợp thức về việc bán đồ đạc kia, để gặp trường hợp lôi thôi thì anh xuất trình. Mọi thứ vũ khí của tôi, anh gửi cả cho tôi. Xong, anh giữ lại con Britong mà nuôi. Con vật quý ấy không ai mua được đúng giá đâu. Tôi muốn biếu anh, cũng như theo thủ tục, người sắp chết biếu chiếc nhẫn cho người thi hành chúc thư. Hãng Phari, Braymang có đóng cho tôi một cỗ xe đi đường rất tiện lợi, nhưng họ chưa giao: nhờ anh thương lượng với họ để họ giữ mà không đòi bồi thường tổn hại. Nếu họ không chịu giải quyết như thế thì anh cũng nhân nhượng dàn xếp cho xong, tránh cho tôi tất cả mọi tai tiếng không lợi trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi còn nợ cái cậu người Anh ấy sáu lu-i trong một ván bài tôi đánh thua, anh nhớ trả...”
Ogieni bỏ thư xuống, kêu khẽ: “Ôi, cái cậu Saclo thân yêu này!” Rồi cầm lấy cây nến đương cháy, rón rén về buồng riêng.
Nàng hết sức hân hoan mở cái ngăn kéo cái bàn cổ bằng gỗ sồi, một công trình mỹ thuật đẹp đẽ thời Phục hưng, trên ấy còn lờ mờ nét chạm con liu điu trưng biểu của nhà vua. Nàng lấy ra một chiếc túi bằng nhung đỏ, đính trái găng vàng và viền kim tuyến của bà ngoại nàng để lại cho. Kiêu hãnh, nàng nhấc nhấc chiếc túi trong tay xem nặng nhẹ rồi trút cái vốn bỏ quên của mình ra, kiểm lại một cách hứng thú. Trước hết nàng lọc ra hai mươi đồng Bồ Đào còn mới nguyên, đúc từ thời Giang V: hai mươi đồng ấy có trị giá hối đoái chính thức bằng năm đồng Lisbon hoặc là mỗi đồng ăn một trăm sáu mươi tám phorang sáu mươi bốn xangtim °(một phần trăm của đồng phorang) theo như cha nàng bảo, nhưng giá thỏa thuận trên thị trường thì đến một trăm tám mươi phorang bởi vì thứ tiền vàng ấy hiếm và đẹp lắm, sáng choang như những mặt trời. Rồi năm đồng Gienovin tức đồng trăm phorang ở xứ Geenes °(thành phố cộng hòa tự trị ở Ý ngày xưa, thời Phục Hưng buôn bán rất thịnh vượng) một loại tiền quý khác, giá hối đoái là tám mươi bảy phorang nhưng giá mua bán là một trăm phorang chẵn đối với người chơi vàng. Tiền này của cụ cố Bectenlie cho. Rồi ba đồng piston đôi, tiền vàng Tây ban Nha đời vua Philip V, đúc năm 1729, của bà Grangchie cho; mỗi khi cho một đồng vàng này, bà Grangchie lại nói: “Cái con hoàng yến này giá đến chín mươi tám đồng phorang cơ đấy! Cháu gái yêu quý của bà, cháu cất cho kỹ, nó sẽ là cái hoa trong kho của quý báu của cháu đó”. Rồi cái này bố nàng quý chuộng hơn hết cả (vì là vàng chín già dặn); một trăm đồng Đuyca Hà Lan ra lò năm 1756, mỗi đồng ăn mười ba phorang. Rồi, một món lạ gồm có những loại mề đay quý làm híp mắt bọn tham vàng: ba đồng ru-pi hình Trinh nữ, đều là vàng mười chính cống, thứ tiền này là thứ tiền quý giá của hoàng đế Án – Mông°(Đế quốc do quân viễn chinh Mông Cổ thành lập tại Ấn Độ), mỗi đồng trị giá ba mươi bảy phorang bốn mươi xangtim, nếu tính trọng lượng vàng, nhưng đối với người sàng sỏi và ham vàng thì ít ra là năm mươi phorang. Sau hết, đồng Napoleon bốn mươi phorang mới nhận hôm kia, nàng cũng bỏ vào túi đỏ ấy mà không chú ý lắm.
Cái túi đựng của quý ấy chứa đựng những đồng vàng mới mẻ, nguyên trinh, những công trình nghệ thuật thực sự. Thỉnh thoảng Grangde hỏi thăm tình hình những đồng vàng ấy và muốn xem mặt chúng để giảng giải cho con gái nghe phẩm chất khác biệt của mỗi loại, như vàng đẹp thế nào, diện óng ánh ra sao, chữ nhiều mà mà cạnh chữ sắc sảo chưa hề bị sứt. Ogieni không chú ý đó là những của hiếm, cũng chả nghĩ gì đến bệnh nghiện vàng của cha, đến sự nguy hiểm xảy ra nếu nàng để xổng cái kho vàng mà cha nàng hết sức quý chuộng. Không, nàng nghĩ đến Saclo. Nàng có tình nhầm đôi chỗ nhưng rồi cuối cùng cũng biết rằng mình có độ năm nghìn tám trăm phorang trị thực giá, nhưng nếu bán ở thương trường thì cũng có đến ngót hai nghìn equy. Thấy mình có của, Ogieni vỗ tay reo mừng như một em bé nhảy nhót một cách hồn nhiên để trút bớt nỗi vui sướng thừa thãi trong lòng. Người cha và người con gái mỗi người đều kiểm kê tài sản của mình, cha để mang vàng đi bán, con để đổ vào biển ái nguồn ân. Nàng thu tiền vào túi, xách túi đi lên thang gác không ngần ngại. Cảnh nghèo túng âm thầm của Saclo làm cho nàng quên đêm tối, quên cả lễ nghi; vả lại nàng cũng vững tin ở thiện ý, ở sự thành tâm của mình, và chỉ biết chạy theo niềm vui sướng tràn ngập trong lòng.
Một bàn tay cầm nến, một tay xách tiền, nàng vừa bước đến ngưỡng cửa thì Saclo thức dậy. Trông thấy người chị họ, Saclo há mồm kinh ngạc. Nàng tiến lên, đặt lên bàn và nói, giọng xúc động:
- Cậu ơi, cậu tha thứ cho tôi cái lỗi nặng tôi đã phạm đối với cậu. Nếu cậu vui lòng xúy xóa thì chắc Chúa cũng khoan dung cho tôi.
- Lỗi gì thế chị? Saclo vừa hỏi vừa dụi mắt.
- Tôi đã đọc hai bức thư kia.
Saclo đỏ mặt. Nàng nói tiếp:
- Việc xảy ra như thế nào? Tại sao tôi lại lên đây? Thú thật, bây giờ tôi cũng không hiểu làm sao nữa. Tuy vậy, tôi cũng không muốn ân hận quá đáng bởi vì nhờ đọc mấy bức thư ấy mà tôi hiểu lòng cậu, tâm hồn cậu và...
- Và thế nào?
- Và những dự định của cậu cùng với việc cậu cần một số tiền.
- Chị yêu quý...
- Suỵt, suỵt cậu ơi! Chớ có nói to thế. Không nên đánh thức ai sốt. Nàng vừa nói tiếp vừa mở túi vàng: đây là số tiền dành dụm của một người con gái hèn mọn chả cần tiêu pha gì. Cậu Saclo cậu hãy nhận lấy. Cho đến sáng nay tôi vẫn không biết tiền vàng bạc là gì, vừa rồi chính cậu đã dạy cho tôi biết: tiền bạc là một phương tiện, thế thôi. Em chú bác cũng chả khác em ruột là mấy, cậu có thể mượn túi tiền của chị cậu.
Là thiếu nữ mà tự tin như một người đàn bà, Ogieni không hề dự kiến rằng người ta có thể từ chối. Saclo nín lặng.
Quả tim hồi hộp của Ogieni đập rõ mồn một trong cảnh tĩnh mịch hoàn toàn; nàng hỏi:
- Thế nào? Cậu từ chối ư?
Saclo do dự khiến nàng tủi nhục. Nhưng cảnh cùng quẫn của Saclo hiện ra còn rõ rệt hơn lòng tự ái của nàng nên nàng quỳ xuống.
- Nếu cậu còn chưa nhận số vàng này thì tôi hãy còn quỳ dưới đất. Cậu ơi, tôi van cậu, cậu trả lời đi... Để cho tôi biết cậu còn quý trọng tôi không, cậu có độ lượng không, cậu có...
Saclo đã nắm hai bàn tay Ogieni để giữ không cho nàng quỳ xuống. Nghe những tiếng kêu thất vọng cao quý ấy, Saclo để rơi mấy giọt nước mắt trên tay nàng. Ogieni vừa thấy mấy giọt nước mắt nóng hổi rơi trên tay thì vội vã vồ lấy túi tiền đổ ra bàn. Nàng vừa khóc sung sướng vừa nói:
- Thế là nhận, phải không? Đừng sợ gì hết cậu ạ.
- Cậu sẽ làm giàu. Vàng này sẽ phù hộ cậu. Rồi một ngày kia, cậu lại trả cho tôi. Hay là chúng ta hùn với nhau. Tóm lại, cậu ra điều kiện thế nào tôi cũng vui lòng nhận hết. Duy cậu đừng coi cái món của biếu này là một cái gì ghê gớm quá như thế.
Bấy giờ Saclo mới nói được ý nghĩ của mình:
- Vâng, chị Ogieni ạ, tôi không nhận chẳng hóa ra tôi hẹp hòi nhỏ nhen lắm. Tuy vậy không tin nhau thì thôi, tin nhau phải có qua có lại cho toại lòng nhau.
Ogieni kinh hoàng kêu lên:
- Cậu nói cái gì vậy?
- Ogieni, chị thân mến, chị hãy nghe tôi nói. Tôi có mang theo đây....
Chàng dừng lại để chỉ cái hộp gỗ vuông bọc da để trên tủ.
- Ở trong ấy có một vật đối với tôi cũng quý như tính mạng trời cho. Cái hộp ấy là một món quà của mẹ tôi. Từ sáng nay, tôi nghĩ rằng mẹ tôi đã yêu quý tôi mà sắm cho bộ dụng cụ bằng vàng ấy thì bây giờ, nếu mẹ tôi có cách gì trở về cõi đời này giây lát, tất mẹ tôi thân bán đi cái số vàng ấy để lấy tiền cho tôi. Thế nhưng tự tay tôi làm cái việc ấy thì tôi thấy như là một tội bất hiếu.
Nghe câu cuối cùng này, tự nhiên Ogieni siết cứng tay Saclo. Chàng dừng lại một chốc, bốn con mắt nhìn nhau rớm lệ. Chàng tiếp:
- Không, tôi không muốn phá hủy cái của quý ấy, cũng không muốn mang theo để cho nó phải chịu những nỗi bất trắc trong những hành trình. Ogieni thân yêu, chị hãy cất cái vật báu ấy. Tôi dám chắc chưa có người bạn nào gửi gắm cho người bạn nào vật thiêng liêng đến như thế. Chị xem đây rồi mới tin lời tôi.
Chàng đi lấy cái hộp, trút bao da, rồi mở ra. Rầu rầu, chàng chỉ cho Ogieni xem một bộ đồ vàng mà kỹ thuật chạm trổ tinh vi càng làm tăng thêm giá trị. Oghieni vô cùng thán phục, Saclo bấm một cái lò xo để bày ra một đáy hộp thứ hai, vừa nói:
- Cái mà chị ngắm say sưa đó cũng chưa thấm gì đâu! Cái này đối với tôi mới thật quý hơn cả vũ trụ.
Chàng lấy ra hai bức truyền thần, kiệt tác của bà Mirbel chung quanh khảm đầy ngọc trai quý giá °(họa sĩ Pháp mà lối vẽ truyền thần được nhiều người ham thích ở nửa đầu thế kỷ XIX).
- Chao ôi! Con người đẹp quá sức! Có phải cái bà mà cậu viết...?
- Không, Saclo mỉm cười. Bà này là mẹ tôi, và đây là cha tôi, tức là chú và thím của chị. Ogieni, tôi muốn quỳ xuống mà cầu khẩn cho chị giữ gìn hộ tôi cái món của quý này. Nếu tôi chết đi mang theo cả vốn liếng của chị, thì những đồ vàng kia sẽ đền bù cho chị. Còn hai bức chân dung này, chỉ có chị là tôi có thể giao được thôi. Chị là xứng đáng cất giữ nó. Mai sau, chị sẽ hủy bỏ đi để cho sau chị, nó không còn qua tay ai khác....
Ogieni nín lặng, Saclo ngọt ngào nói:
- Đồng ý nhé? Ogieni đồng ý rồi đấy nhé!
Nghe mấy tiếng ấy, Ogieni ngước nhìn chàng, lần đầu tiên nhìn chàng với con mắt của người đàn bà yêu đương, con mắt đắm đuối nồng nàn mà cũng quyến rũ. Saclo cầm tay nàng lên hôn.
- Chị quả là một thiên thần trong trắng! Giữa hai ta, tiền bạc không có nghĩa gì hết, phải không chị? Nhờ có tình cảm, tình cảm mới có chút đỉnh ý nghĩa, chỉ có tình cảm là tất cả đối với chúng ta.
- Cậu giống thím tôi quá, giọng nói của thím có êm ái như giọng cậu không hở cậu?
- Ôi chao! Êm ái hơn nhiều chứ...
- Vâng, với cậu, Ogieni vừa nói vừa chớp mắt nhìn xuống. Thôi, Saclo ngủ đi một chút, tôi muốn thế. Saclo mệt lắm. Mai nhé.
Ogieni nhẹ nhàng rút bàn tay khỏi Saclo. Saclo cầm đèn tiễn nàng đi. Đến cửa buồng Ogieni, Saclo buột miệng:
- Ôi! sao tôi lại lâm cảnh cùng mạt nhỉ?
- Không sao đâu cậu! Cha tôi giàu, tôi chắc thế.
- Tội nghiệp chị chửa! Saclo vừa nói vừa bước vào buồn, lưng tựa vào vách. Nếu bác giàu tất bác đã không để cho cha tôi chết, không để cho chị sống thiếu thốn nghèo nàn như thế này, vả giàu thì nếp sống của bác đâu có như thế này!
- Nhưng cha tôi có ấp Phoroaphong.
- Thế ấp Phoroaphong đáng giá bao nhiêu?
- Tôi không biết. Ông còn có trại Noaye nữa.
- Bất quá một cái trại khổ nào đó chứ gì!
- Ông có vườn nho, đồng cỏ...
Saclo bĩu môi:
- Lại những thứ chả ra sao! Chỉ cần bác thu lợi tức mỗi năm hai mươi bốn nghìn phorang thôi thì cũng đâu đến nỗi chị phải ở một cái buồng lạnh lẽo trống trơn như thế này? Saclo vừa nói vừa bước chân trái lên.
- Chỗ này là chỗ cất của quý của tôi đây, phải không chị? Chàng nói tiếp và chỉ cái tủ xưa, để che giấu ý nghĩ của mình.
Ogieni ngăn không cho Saclo bước vào cái buồng ngổn ngang.
- Về ngủ đi.
Hai bên từ biệt nhau bằng một nụ cười, rồi Saclo trở về buồng riêng.
Chàng và nàng cả hai đều thiếp đi trong một giấc chiêm bao, và từ đó cảnh tang tóc của Saclo bắt đầu điểm một đôi cánh hoa hồng.
Sáng hôm sau bà Grangde gặp con gái đi dạo vườn với Saclo. Saclo vẫn còn buồn. Rơi tận đáy vực của đau khổ, chàng đã ước lượng nó sâu thẳm chừng nào và cảm thấy trĩu nặng trên vai gánh nặng của cuộc sống sắp tới. Thấy vẻ lo ngại hiện ra trên gương mặt của mẹ, Ogieni vội bảo:
- Cha con đến tối mới về ăn cơ, mẹ ạ.
Nhìn dáng điệu Ogieni, vẻ mặt nàng và nghe giọng nàng bỗng nhiên trở nên đầm ấm êm dịu lạ thường, rất dễ đoán là nàng và Saclo hoàn toàn tâm đầu ý hợp. Tâm hồn đã hòa hợp với nhau say sưa có lẽ trước khi họ thử thách mối tình gắn bó của mỗi bên sâu sắc đến chừng mực nào.
Saclo ngồi lại ở gian lớn, nỗi u hoài không bị ai quấy phá. Ba phụ nữ trong nhà đều bận việc tíu tít. Vì Grangde gác công việc lại nên có khá đông người đến hỏi. Người thợ lợp, người thợ hàn, người thợ nề, người thợ rường, những người đào đất và một số tá điền kéo đến, người này để lãnh làm công việc tu bổ, kẻ kia để nộp tô hoặc nhận tiền. Bà Grangde và Ogieni bắt buộc phải lăng xăng đi lại, hết trả lời cho thợ lại trả lời cho nông dân, không ngớt. Ở nhà bếp thì mụ Nanong nhận tô, thu xong bao giờ mụ cũng đợi lệnh chủ để xem cái gì nên giữ ở nhà dùng, cái gì đáng mang ra chợ bán. Giống một số quý tộc nông thôn, Grangde quen uống rượu dở, ăn quả xấu mình sản xuất.
Khoảng năm giờ chiều, Grangde ở Angie về. Ông ta đã bán vàng được mười bốn nghìn quan và cất vào cặp da những công phiếu sẽ sinh lợi từ bấy giờ cho đến ngày đem ra mua phiếu thực lợi. Ông ta để lão Coocnoie ở lại Angie để chăm sóc mấy con ngựa gần ngã, cho chúng nghỉ ngơi lại sức, rồi đánh chầm chậm về. Ông nói với vợ:
- Tôi đi Angie về đây, bà ạ. Tôi đói lắm.
Từ nhà bếp, mụ Nanong gọi lên hỏi:
- Thế từ tốt hôm qua đến nay ông chả ăn gì hay sao?
- Chả ăn gì cả.
Mụ Nanong bưng xúp lên. Khi cả nhà ngồi vào bàn ăn thì Đe Gratxanh đến nhận lệnh Grangde để đi Pari. Từ lúc về, Grangde vẫn chưa nhìn thấy Saclo. Đê Gratxanh nói:
- Bác cứ ăn tự nhiên, bác Grangde ạ. Ta nói câu chuyện sau. Người ta đổ đến Angie mua vàng đưa vè Nangto, bác có biết giá vàng ở Angie bao nhiêu không? Tôi sắp sửa gửi đến đấy một ít.
- Đừng gửi, ở đấy đã thừa thãi rồi. Chúng ta là bạn thân, tôi không thể để cho ông mất thì giờ vô ích.
- Nhưng ở đấy giá vàng hiện nay những mười ba phorang rưỡi kia mà.
- Nên nói là trước kia.
- Nó ở chỗ quái nào đổ về mới được chứ?
Grangde đáp khẽ:
- Tối hôm qua tôi đi Angie.
Ông chủ ngân hàng giật mình. Rồi cả hai ghé tai kề miệng thầm thì với nhau, thỉnh thoảng nhìn về phía Saclo. Rồi Đe Gratxanh giật mình kinh ngạc một lần nữa, có lẽ vào lúc bác nguyên phó thùng bảo ông ta mua cho mười vạn phorang thực lợi. Ông ta quay lại nói với Saclo:
- Ông Saclo, tôi đi Pari đây. Nếu ông có việc gì cậy tôi...
- Không có việc gì cả, thưa ông. Xin cảm ơn ông.
- Phải cảm ơn ông đây một cách sốt sắng hơn thế, anh ạ. Ông đi Pari là để thu xếp công việc của hãng Guyom Grangde ta.
- Vậy cũng có chút hy vọng ư?
Grangde vờ kiêu hãnh rất khéo:
- Ô hay! Anh không phải là cháu tôi hay sao? Danh dự của anh là danh dự của chúng tôi. Anh không phải mang tên Grangde ư?
Saclo đứng lên ôm Grangde hôn, cảm động đến tái người, và đi ra. Còn Ogieni nhìn cha cảm phục...
- Nào, chào bác, bác Đe Gratxanh thân mến, bác đi mạnh giỏi và nhớ rót mạnh đường mật vào tai bọn ấy cho.
Hai nhà ngoại giao siết tay nhau rồi ông nguyên phó thùng đưa ông chủ nhà băng ra cổng. Đóng cổng xong, Grangde trở vào, ngồi thụp xuống ghế bành và gọi mụ Nanong:
- Mang chai catxi ra đây cho tôi.
Nhưng xúc động quá, ông ta ngồi không yên. Ông đứng lên, nhìn chân dung ông Bectenlie mà hát, chân nhảy nhót theo cái kiểu mà mụ Nanong gọi là những bước vũ:
Trong đội vệ binh Pháp
Ta có người cha hiền...
Mụ Nanong, bà Grangde và Ogieni lặng lẽ nhìn nhau. Sự vui sướng của ông Grangde lúc nào lên đến cực độ cũng làm cho họ sợ hãi. Buổi tối chung của gia đình hôm nay sẽ chấm dứt sớm. Trước hết là vì Grangde ưng đi ngủ sớm; mà hễ ông ta đã ngủ thì cả nhà phải ngủ, cũng như khi Oguysto uống rượu thì cả nước Ba Lan phải say °(Nhắc lại một câu thơ của vua Phổ chế nhạo vua Phorederich Oguysto III ở Ba Lan, thế kỷ XVIII). Sau nữa vì mụ Nanong, Saclo và Ogieni cũng mệt mỏi không kém ông ta. Còn như bà Grangde thì nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại, nhất nhất đều làm theo ý muốn của chồng. Tuy nhiên trong khoảng hai tiếng đồng hồ thức để tiêu cơm, grangde đã pha trò nhiều hơn bao giờ hết và nói những câu châm ngôn riêng, mà chỉ một câu thôi cũng đủ nói sức thông minh của ông ta. Chẳng hạn, khi nốc xong cốc rượu catxi, ông ngắm cái cốc mà nói:
- Môi vừa kề, cốc đã cạn. Cuộc đời của chúng ta là thế đấy. Người ta không thể vừa sống cái hiện tại, vừa sống cái dĩ vãng. Đồng tiền không thể vừa lăn đi, vừa nằm yên trong túi, nếu không thì đời chẳng là quá đẹp sao!
Ông vui vẻ và độ lượng. Khi mụ Nanong mang xa quay ra, ông bảo:
- Mụ chắc mệt lắm. Thôi hãy để gai đấy.
- Ái chà! Chà... Thế thì chán chết.
- Tội nghiệp con mụ Nanong này! Mụ uống một chút catxi nhé.
- À! Cái gì chứ catxi thì tôi chả từ chối. Bà nhà ta cất catxi ngon hơn cái lũ dược sư nhiều lắm. Cái thứ chúng cất bán không khác gì thuốc nước.
- Chúng bỏ nhiều đường quá, chả còn mùi vị gì nữa.
Tám giờ sáng hôm sau, cả nhà ngồi quây quần ăn sáng, lần đầu cảnh gia đình đầm ấm. Hoạn nạn đã làm cho bà Grangde, Ogieni và Saclo nhích lại gần nhau. Ngay cả mụ Nanong cũng cảm thông với họ mà không biết. Cả bốn bà con ấy bắt đầu làm thành một gia đình. Còn ông già Grangde, phần thì đã thỏa bụng tham của, phần thì yên trí cậu công tử bột nay mai sẽ đi khỏi nhà mình, mà mình chẳng phải tốn kém gì ngoài khoản tiền xe đi Nangto cho nó, nên không lấy có việc Saclo trong nhà làm bận lòng. Ông để mặc cho hai trẻ- ông gọi Saclo và Ogieni như vậy sống với nhau thế nào tùy ý, với sự coi sóc của bà Grangde; về khoản phong hóa và tín ngưỡng thì ông hoàn toàn tín nhiệm bà vợ. Ông ta mải bận về việc gióng hướng các đồng cỏ và hào hố dọc theo đường cái, việc trồng bạch dương theo bờ sông Loa và mọi công việc mùa đông ở ấp Phoroaphong và các vườn nho.
Một mùa xuân yêu thương bắt đầu với Ogieni. Từ hôm trong cảnh đêm vắng lặng, nàng trao cái túi vàng cho Saclo thì nàng cũng trao luôn quả tim nàng. Cùng giữ chung một bí mật, Saclo và Ogieni thường đưa mắt nhìn nhau hội ý, sự đồng tình đồng lõa ấy làm cho mối cảm tình đối với nhau càng nặng, cáng sâu. Dần dần họ càng tâm đầu ý hợp, và càng đưa nhau ra ngoài cuộc sống bình thường. Tình bà con há không cho phép họ dịu ngọt trong lời nói, âu yếm trong khóe mắt hay sao? Vì vậy, Ogieni lấy làm sung sướng được đem mối tình chớm nở với bao nhiêu lạc thú ngây thơ làm nguôi những nỗi đau lòng của cậu em họ. Thời kỳ bắt đầu của tình yêu há không có những nét ý nhị giống thời kỳ thơ ấu của con người sao? Không phải người ta cũng ru trẻ bằng những bài hát êm ái, những cái nhìn âu yếm sao? Người ta không kể cho trẻ nghe những câu chuyện huyền diệu làm ngời sáng tương lai là gì? Đối với trẻ hy vọng há không luôn luôn mở đôi cánh rực rỡ đó sao? Trẻ cũng khi thì khóc buồn, khi thì khóc vui. Trẻ cũng giận dỗi gây gổ vì những chuyện không đâu, vì những hòn đá cuội để xây một tòa lâu đài chông chênh, vì những chùm hoa vừa bị bẻ song đã bị bỏ xó. Trẻ cũng háo hức tranh lấy thời gian, muốn chóng trưởng thành trong cuộc sống. Ái tình là sự biến đổi thứ hai trong đời ta. Giữa Ogieni và Saclo, cái chuyện tình cũng như chuyện trẻ con kia: một mối tình đầu với tất cả trò trẻ thơ của nó. Những trò trẻ thơ ấy càng dễ ưa, càng mơn trớn vì lòng họ đang nặng sầu tư. Ra đơi trong cảnh tang tóc, mối tình của họ lại càng thích hợp với cuộc sống giản dị trong ngôi nhà cũ kỹ. Trao đổi mội vài lời bên miệng giếng, trong mảnh vườn con cho đến lúc mawth trời khuất núi, để nói với nhau những cái chả có gì mà trọng đại; trầm tư mặc tưởng giữa tòa nhà cổ và bức thành hư trong không khí vắng lặng như ở dưới vòm nhà thờ; sống cảnh ấy Saclo mới hiểu tình yêu là thiêng liêng. Bởi vì cái bà lớn quý tộc, cái em Annet thân yêu của Saclo chỉ làm cho chàng hưởng những phút say sưa cuồng loạn. Chàng đang rời bỏ cái thú tình ở thành thị đàng điếm, phù hoa, hào nhoáng, để đi vào con đường tình trong lành chân chất.
Chàng quyến luyến nhìn cái này; tập tục ở đây, chàng không thấy buồn cười như khi mới đến. Chàng xuống từ sáng sớm để chuyện trò với Ogieni giây lát trước giờ phát lương thực. Khi nghe bước chân ông già vang lên trên thang gác thì chàng lẩn tránh ra vườn. Những cuộc hẹn hò buổi sớm này, họ lén lút mẹ, còn mụ Nanong thì vờ như không biết; cái tính chất tội lỗi, vi phạm cấm kỵ của những cuộc hẹn hò ấy, dù nhỏ, cũng làm cho mối tình trong sạch kia trở nên bội phần ngon lành, hấp dẫn như những quả cấm.
Sau bữa sáng, Grangde đi ra đồng rồi thì chỉ Saclo với hai mẹ con Ogieni, lúc bấy giờ Saclo hưởng những thú say sưa chưa từng biết, khi được đưa hai tay ra làm giá cho họ mắc chỉ, được ngắm nhìn họ làm việc, được nghe họ thỏ thẻ chuyện trò.
Cuộc sống ở nhà ấy giản dị như trong tu viện, làm cho Saclo nhận thấy tâm hồn đẹp đẽ của hai phụ nữ, những tâm hồn hoàn toàn xa lạ với cảnh sống phù hoa. Chàng rất cảm kích. Trước đây chàng cứ tưởng ở nước Pháp không có phong thái ấy, chỉ ở Đức mới có, mà cũng còn là chuyện hoang đường, chuyện trong tiểu thuyết của Oguyt Laphongten °(Auguste Lafontaine, nhà văn Đức gốc Pháp, thế kỷ XVIII- XIX). Không mấy lúc, Ogieni qua con mắt Saclo trở nên cô Macgorit lý tưởng trong Gotto, cố nhiên là trừ phần tội lỗi °(Goeth- đại văn hào Đức, thế kỷ XVIII- XIX, tác giả vở bi kịch Phaoxto trong đó nhân vật Macgorit là một thiếu nữ hồn nhiên trong sạch bị cám dỗ vào con đường tội lỗi).
Càng ngày lời ăn tiếng nói, cặp mắt của Saclo càng làm cho cô thiếu nữ ngây ngất. Nàng say sưa để mặc cho tình yêu cuốn đi. Nàng với lấy hạnh phúc cũng như người bơi lội với cành liễu rủ để đu người lên bờ ngồi nghỉ.
Nhưng cái chuyện ly biệt sắp tới cũng bắt đầu làm vẩn buồn những giờ phút sung sướng nhất trong những ngày chóng vánh trôi qua. Mỗi bữa đều có một sự việc nho nhỏ nhắc hai người nhớ đến chuyện biệt ly. Chẳng hạn ông Đe Gratxanh đi được ba hôm thì Grangde đưa Saclo tới tòa án sơ cấp một cách long trọng,- những người hàng tỉnh làm các việc ấy một cách long trọng- để làm giấy từ bỏ quyền thừa kế bố. Chuyện từ bỏ này thật là đau đớn, nó cũng giống như là không thừa nhận cha mẹ tổ tiên. Rồi Saclo đến phòng ông chưởng khế Cruyso làm hai tờ ủy quyền, một cho ông Đe Gratxanh, một cho người bạn chàng nhờ thanh toán đồ đạc. Rồi phải làm những thể thức cần thiết để xin hộ chiếu.
Khi Saclo nhận được những quần áo để tang giản dị mua ở Pari, thì chàng gọi một thợ may Xomuya đến bán lại hòm quần áo nay trở nên vô dụng. Hành động ấy làm cho Grangde thích chí đặc biệt. Thấy chàng mặc cái áo phủ bằng dạ đen thô, ông bảo:
- Ồ, trông anh bây giờ mới thật đúng là một người định lên đường đi tha phương lập nghiệp. Thế là tốt, rất tốt.
- Thưa bác, Saclo đáp, xin bác tin rằng cháu biết xử sự đúng với hoàn cảnh của cháu.
Saclo đưa cho Grangde xem một nắm đồ vàng. Mắt ông già sáng quắc lên.
- Cái gì, cái gì thế?
- Thưa bác, cháu dồn lại những cúc vàng, nhẫn vàng tất cả những thứ vô ích mà có thể bán được ít nhiều tiền; nhưng không quen với ai ở Xomuya, cháu định nhờ bác....
- Mua chỗ ấy cho anh? Grangde nói hớt.
- Không, không, thưa bác... định nhờ bác chỉ cho một người đứng đắn bằng lòng...
- Đưa đây cho tôi, anh cháu ạ. Tôi mang lên trên này trị giá hộ anh, rồi trở xuống nói cho anh biết, có sai cũng chỉ một vài xangtim mà thôi.
Ông ta ngắm nghía một sợi dây chuyền dài, bảo:
- Vàng nữ trang, bảy, tám tuổi.
Rồi ông xòe bày tay rộng hứng cả khối vàng, mang đi.
- Chị ạ, chị cho phép tôi biếu chị hai cái khuy này, có thể dùng để cài băng ở cổ tay. Cái kiểu vòng ấy hiện nay người ta ưa lắm đấy.
Ogieni hiểu ý, đưa mắt cho Saclo và đáp:
- Tôi sẵn lòng nhận của cậu.
- Bác ơi, đây là cái bao ngón tay của mẹ cháu cất giữ lâu nay, trìu mến trong hòm hành trang.
Saclo vừa nói vừa đưa cho bà Grangde một chiếc bao ngón bằng vàng rất xinh, đã mười năm nay bà Grangde ao ước có một chiếc.
- Bác không biết nói gì để cảm ơn anh, anh cháu ạ. Bà Grangde vừa nói, vừa ứa nước mắt. Từ nay, sớm chiều cầu kinh, bác sẽ đọc thêm bài cầu cần kíp nhất cho anh, bài cầu của những người đi đường. Còn cái vật quý này thì khi bác chết đi, Ogieni sẽ thay bác giữ gìn cho anh.
Grangde mở cửa bước vào, báo:
- Tất cả đáng giá chín trăm tám mươi chín quan bảy mươi lăm xangtim, anh cháu ạ. Để anh khỏi mất công mang đi bán chác lôi thôi, tôi sẽ xỉa cho anh số tiền tương đương … bằng bạc nén.
Ở vùng duyên hải của sông Loa, danh từ bằng bạc nén có nghĩa là mỗi nén ăn sáu phải được coi như là sáu phorang, không trừ gì cả.
- Cháu không dám đề nghị bác mua hộ, chứ mang những đồ trang sức này đi bán rao trong thành phố bác ở, cháu thấy ngại lắm. Cũng như Napoleon đã nói, có áo lót bẩn, hãy để trong nhà mà giặt với nhau. Cháu rất cảm tạ bác đã có nhã ý như vậy.
Grangde gãi tai. Trong một phút im lặng.
Saclo vừa nhìn Grangde vừa nói tiếp, vẻ băn khoăn như sợ chạm lòng tự ái của ông ta:
- Bác quý mến ơi, bác gái cháu và chị cháu mỗi người đã hạ cố nhận một vật kỷ niệm hèn mọn. Bây giờ đến lượt bác, cũng xin bác vui lòng nhận mấy cái khuy cài tay áo này, cháu không cần dùng nữa: nó sẽ nhắc nhở bác nghĩ đến đứa cháu tội nghiệp, đứa cháu ở nơi xa xôi nhưng luôn tưởng nhớ đến những người từ nay sẽ là tất cả thân quyến của nó.
- Cháu à, cháu à, đừng có tự lột hết của cải của cháu đi như thế...
Ông nói xong, háo hức quay về phía vợ:
- Bà ơi, bà được cái gì đó? Ồ, một cái bao ngón bằng vàng. Còn con gái yêu? Ơ này, mấy cái khuy cài nạm ngọc. Thôi được, bác nhận mấy cái khuy của cháu, Grangde vừa nói tiếp vừa siết tay Saclo. Nhưng cháu... cho phép bác giả hộ... ừ, giả hộ cháu tiền tàu sang Ấn Độ. Phải, bác muốn giả tiền tàu cho cháu. Huống nữa, cháu biết không? Khi trị giá trang sức của cháu, bác chỉ tính chất vàng; có thể cũng còn đòi thêm được chút ít về công thợ. Thế là dứt khoát rồi đấy nhé. Bác sẽ đưa cho cháu một nghìn rưởi phorang... bằng bạc nén vay của ông Cruyso; bởi vì ở cái nhà này, chẳng có lấy một đồng xu nhỏ nào, trừ phi thằng cha Perote có mang trả số tiền thuê đất mà hắn để quá hạn. Ờ, ờ! Tôi phải đi đời hắn mới được.
Grangde mang găng, đội mũ đi ra.
Ogieni đưa cặp mắt buồn rầu lẫn khâm phục về phía Saclo, nói:
- Thế là cậu đi?
- Đành thế, Saclo đáp và cúi mặt.
Từ mấy ngày nay, lúc đứng ngồi, khi ăn nói, Saclo tỏ ra là một người buồn bã, khổ tâm nhưng biết hết trách nhiệm nặng nề của mình, nên tìm thấy một nguồn nghị lực mới trong tai biến. Chàng không thở dài nữa, chàng đã luyện tập được tinh thần cứng cỏi của một người trưởng thành. Bởi vậy chưa bao giờ Ogieni đánh giá cậu em họ cao như khi thấy chàng ở trên gác đi xuống với bộ quần áo dạ đen xấu, rất hợp với khuôn mặt xanh xao và dáng người ảo não của chàng. Hôm ấy, mẹ con bà Grangde để tang cho ông Guyom và cùng với Saclo dự buổi lễ cầu siêu cho linh hồn ông ở nhà thờ xứ.
Trong bữa ăn trưa, Saclo tiếp được mấy bức thư từ Pari gửi đến, bóc ra xem. Ogieni hỏi khẽ:
- Nào, cậu Saclo, công việc ở Pari vừa lòng cậu chứ?
Grangde phê phán:
- Đừng bao giờ hỏi như thế con ạ. Công việc của tao, tao cũng không báo với mày, thì mày dí mũi vào công việc của Saclo làm quái gì thế? Hãy để mặc anh ấy.
- Ồ, cháu chẳng có chuyện gì giấu diếm cả.
- Cha cha cha cha, anh cháu ạ, rồi anh sẽ biết, trong công việc mua bán phải biết kìm cái lưỡi lại.
Khi đôi bạn đã ở ngoài vườn không ai chứng kiến. Saclo kéo Ogieni ngồi xuống chiếc ghế cổ, dưới bóng cây bạch đào và nói:
- Tôi tin Anphong là phải, hắn xử trí rất tuyệt, hắn thu xếp mọi công việc của tôi một cách thận trọng, trung thực. Hiện nay tôi chả còn thiếu nợ gì ai ở Pari; đò đạc tôi hắn bán được có giá lắm. Hắn lại báo cho tôi biết là theo lời khuyên của một viên thuyền trưởng hàng hải, hắn đã dùng ba ngàn phorang còn lại mua cho tôi một lô hàng gồm những vật lạ châu Âu, bán ở Ấn Độ chạy lắm. Hắn đã gửi hành trang của tôi đến Nangto, ở đấy có một chiếc tàu đương bốc hàng đi Giava. Chị Ogieni ơi, trong năm hôm nữa, chúng ta phải từ biệt nhau, phải xa nhau, nếu không mãi mãi thì cũng lâu dài. Cái đợt hàng kia, cùng với số tiền một vạn phorang hai người bạn gửi cho tôi là một cái vốn ban đầu quá ít ỏi. Cho nên còn lâu tôi mới nghĩ đến chuyện về. Ogieni thân yêu, chị không nên đem sóng cuộc đời tôi với cuộc đời chị: tôi có thể chết, còn chị, nếu có đám nào giàu có...
- Saclo yêu tôi?
- Chao ôi! Vâng, tha thiết. Giọng Saclo nồng nàn, chứng tỏ mối tình của chàng sâu sắc.
- Tôi sẽ chờ, Saclo ạ.
Saclo nhích lại định ôm Ogieni, nàng đẩy ra, kêu:
- Trời ơi! Cha tôi đứng ở cửa sổ kia.
Ogieni bỏ chạy vào dưới vòm cuốn, Saclo đuổi theo. Thấy chàng, nàng lùi về phía thang gác, và mở cửa thông. Rồi cũng không biết mình định đi đâu, nàng đến bên buồng xếp của mụ Nanong, chỗ tăm tối nhất trong nhà cầu. Saclo theo nàng đến đấy, cầm tay nàng đặt lên ngực mình và choàng tay qua người nàng, kéo nhè nhẹ vào người mình. Ogieni không chống cự nữa. Nàng nhận và trao cái hôn trong lành, thắm thiết mà cũng toàn vẹn nhất đời. Saclo rủ rỉ:
- Ogieni yêu quý, một người em họ còn hơn là một người em ruột, nó có thể cưới ta.
Nanong mở cửa buông chui ra kêu:
- Lạy Chúa tôi!
Đôi tình nhân kinh hãi chạy trốn vào gian lớn. Ogieni tiếp tục công việc may vá, Saclo cầm quyển kinh nhật tụng của bà Grangde, đọc thiên cầu đức Mẹ. Mụ Nanong bảo:
- Kìa! Ai ở đây cũng cầu nguyện cả.
Từ khi Saclo báo ngày giờ lên đường, thì Grangde lăng xăng để làm cho người ta tưởng là mình chú ý đến người cháu nhiều lắm. Cái gì không tốn tiền thì ông ta rộng rãi. Ông chạy đi tìm cho chàng một người chuyên đóng kiện các hàng hóa rồi chê người ấy toan tính tiền thùng đắt quá; thế rồi ông khăng khăng đòi tự mình làm lấy thùng cho Saclo. Ông dùng ván cũ. Từ sáng sớm, ông dậy bào, chuốt, lắp đóng đanh các miếng ván, làm ra những cái thùng rất đẹp. Ông bỏ tất cả hành lý của Saclo vào đó. Ông nhận trách nhiệm gửi các thùng ấy đi tàu xuôi sông Loa, sau đó đi Nangto đúng lúc.
Từ lúc Ogieni nhận cái hôn ở hành lang, thời giờ trôi qua nhanh một cách kinh khủng. Có lúc nàng muốn liều đi theo Saclo. Ai đã có lần yêu đắm đuối mà hối hả, vì phải tính ngày cái thời gian yêu đương, bởi lẽ tuổi tác đã cao hoặc vì ngày họp mặt có hạn, hoặc vì bệnh tật nan y, hay là vì một vận hạn oái ăm nào đó, người ta sẽ hiểu nỗi lòng Ogieni. Nhiều khi nàng khóc thầm trong lúc đi dạo mảnh vườn bây giờ hóa ra quá tù túng chật hẹp, cũng như cái sân, cái nhà và cả thành phố ấy: nàng để cho tâm trí nàng đi lên trước, lao vào cái khoảng trời biển mênh mông.
Thế rồi cái ngày cuối cùng trước khi lên đường đã đến. Buổi sáng, nhân lúc Grangde và mụ Nanong đi vắng, Ogieni và Saclo kính cẩn mang cái hộp yêu quý đựng hai bức chân dung đặt vào cái ngăn kéo duy nhất có khóa trong tủ Ogieni. Ngăn kéo ấy chỉ đựng cái túi vàng bấy giờ trống rỗng. Cái lễ cất của này được điểm rất nhiều cái hôn và giọt nước mắt. Khi bỏ chìa khóa vào túi áo trong ở ngực, Ogieni bảo:
- Nó sẽ không bao giờ ra khỏi chỗ này, anh ạ.
- Nếu thế thì quả tim anh cũng mãi mãi ở đấy.
Saclo hôn chỗ để chìa khóa, Ogieni không đủ can đảm ngăn chàng. Nàng nói, giọng pha trách mắng:
- Ồ! saclo, như thế không nên.
- Không phải chúng ta là vợ chồng hay sao? Em đã hứa chờ anh, bây giờ thì em nhận lời hứa của anh nhé:
- Anh mãi mãi yêu em.
- Em mãi mãi yêu anh.
Đó là lời thề trao đổi giữa hai bên.
Lòng trong trắng của Ogieni đã làm cho tình yêu của Saclo trở nên cao thượng một lúc, cho nên trên cõi đời này dễ không có lời nguyền nào thanh khiết như lời nguyền của họ.
Bữa sáng hôm sau thật là buồn bã. Ngay đến mụ Nanong cũng không vui, mặc dù Saclo cho mụ cái áo thêu kim tuyến và một chiếc thánh giá đeo cổ. Không gì buộc mụ phải che đậy tình cảm, mắt mụ luôn rớm lệ.
- Cái cậu cả tội nghiệp này mà phải ra đi, vượt biển xa khơi... Lạy Chúa phù hộ cho cậu!
Mười giờ rưỡi, cả nhà tiễn Saclo đến bến xe đi Nangto. Mụ Nanong thả chó, đóng cửa và đòi mang xắc cho Saclo. Tất cả những người có cửa hàng ở phố cũ đều ra đứng cửa để xem đoàn này đi qua. Đến chợ thì ông chưởng khế Cruyso cũng nhập bọn. Bà Grangde dặn con gái:
- Ogieni con ơi! Con chớ có khóc đấy nhé.
Đứng trước cửa quán, Grangde ôm Saclo hôn hai bên má, bảo:
- Cháu ơi, bác chúc cháu đi nghèo rồi về giàu, rồi lúc ấy cháu sẽ thấy danh dự của cha cháu không bị tổn thương chút nào. Bác là Grangde đây, bác đảm bảo với cháu như thế; bởi vì lúc ấy chỉ còn tùy cháu...
- Chao ơi! Bác ơi, bác đã làm cho cái cảnh ra đi của cháu đỡ phần cay đắng. Đó là món quà quý nhất cho cháu.
Saclo ngắt lời Grangde nên không hiểu hết ý ông ta. Vì vậy, chàng khóc cảm kích, nước mắt chan hòa lên da mặt rám nắng của ông già. Trong khi ấy Ogieni siết mạnh tay người yêu và tay bố. Chỉ có ông chưởng khế mỉm cười khâm phục cái ranh mãnh của Grangde, vì chỉ có ông ta hiểu. Bốn bà con Grangde đứng bên cạnh xe, cùng với một đám đông nữa, cho đến khi xe chạy. Khi xe lên cầu mất hút, tiếng bánh không còn vọng lại từ xa, thì Grangde nói:
- Anh đi cho thuận nhé!
May chỉ có ông Cruyso nghe được câu chúc ấy vì Ogieni và mẹ nàng đã tìm đến chỗ trống để nhìn theo xe. Họ lấy khăn tay trắng ra vẫy theo, Saclo rút khăn vẫy lại. Khi chiếc khăn tay của Saclo cũng khuất nốt thì Ogieni nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con ao ước có được cái quyền lực vạn năng của Chúa trong chốc lát.
Để việc tương thuật những biến cố xảy ra trong gia đình Grangde sau này khỏi gián đoạn, chúng tôi thấy cần nói trước nhiều ít về những công việc của ông Grangde ở Pari, do ông Đe Gratxanh làm trung gian. Sau khi Đe Gratxanh đi được một tháng thì Grangde mua mười vạn thực lợi, giá mỗi phiếu là tám mươi phorang. Đa nghi và cẩn thận như ông ta, ông ta đã làm cách nào để mang tiền đi Pari mua phiếu? Bản thống kê tài sản sau khi ông chết không ghi chú khoản gì khả dĩ soi sáng việc ấy. Ông chưởng khế Cruyso đoán rằng mụ Nanong là công cụ vận chuyển trung thành, mà chính mụ không biết. Vào thời gian ấy, mụ vắng nhà năm ngày, nói là để đi cất đặt cái gì đó ở Phoroaphong, làm như ông Grangde lại có thể để vương vãi cái gì! Về công việc của hãng Guyom Grangde thì tất cả những dự tính của ông Grangde đều được thực hiện.
Ai cũng biết rằng ở nhà Pháp quốc ngân hàng có những tài liệu chính xác nhất về các gia tài lớn ở Pari cũng như ở hàng tỉnh. Tên tuổi Đe Gratxanh và Phelich Grangde thành Xomuya có ở trong hồ sơ ấy; trong giới tư bản có những cơ sở ruộng đất rộng lớn chưa từng bị chấp trái.
Ông chủ ngân hàng Xomuya đến Pari, người ta bảo là để thanh toán di sản nhà hãng Grangde theo luật danh dự. Vì vậy linh hồn nhà đại thương Guyom Grangde đỡ chịu cái tủi nhục bị kê là bất kham. Người ta bóc dấu niêm nhà cửa ông ta trước mặt các chủ nợ. Những người này nhất trí cử ông chủ ngân hàng Xomuya làm thanh toán viên song song với ông Kenle, một chủ hãng lớn, có quyền lợi to trong việc thanh toán. °(Francois Keller- nhân vật tiểu thuyết của Banzac- chủ ngân hàng giàu có và là nhà chính trị phóng khoáng). Họ trao cho các thanh toán viên những quyền hạn cần thiết để cứu vãn danh dự nhà Grangde đồng thời bảo đảm các khoản trang trải công nợ. Uy tín của ông Grangde thành Xomuya, và cái hy vọng ông gieo rắc trong lòng mọi người qua sự trung gian của ngân hàng Đe Gratxanh, làm cho mọi cuộc thương thuyết trở nên dễ dàng. Không có chủ nợ nào kèn cựa. Không một ai nghĩ đến việc ghi khoản nợ của nhà Guyom Grangde vào cột lỗ lãi bất thường trong sổ sách nhà mình. Mọi người đều tự nhủ:
- Cái anh Grangde ở Xomuya sẽ trả hết.
Sáu tháng trôi qua. Bọn Pari đã bỏ tiền ra thu hồi các hối phiếu đứng tên Guyom còn lưu hành trên thương trường, và cất kỹ vào cặp da. Đó là cái kết quả đầu tiên mà bác phó thùng muốn đạt tới. Chín tháng sau cuộc họp lần đầu, thanh toán viên chia cho các chủ nợ bốn mươi bảy phần trăm số tiền nhà Guyom thiếu họ. Món tiềm ấy có được là do việc bán chác những giá khoán, những sản nghiệp, tài sản và các thứ sở hữu thông thường của ông Guyom quá cố. Công việc thanh toán được tiến hành một cách hết sức ngay thẳng, trung thực. Các chủ nợ ngồi đâu cũng tán dương cái nếp trọng danh dự tốt đẹp không chối cãi được của họ nhà Grangde. Khi những lời tán tụng ấy lưu hành tạm đủ, thì các chủ nợ hỏi khoản tiếp khoản còn thiếu. Họ viết một bức thư liên danh gửi đến cho Grangde. Grangde ném bức thư vào bếp, nói:
- Tôi đã biết! Hãy kiên tâm một chút, các ông bạn nhỏ ạ.
Trả lời những đề nghị trong thư, Grangde đòi bọn chủ nợ phải mang tất cả những giấy nợ của Guyom gửi lưu trữ tại một phòng chưởng khế, cùng với biên lai các món tiền đã giả. Ông ta viện cớ là cần phải duyệt chỉnh sổ sách và lập bảng kê khai tình hình di sản một cách đúng đắn. Cái đề nghị lưu trữ ấy gây ra trăm chuyện rắc rối.
Nói chung anh chủ nợ là một thứ gàn bát sách: Hôm nay sẵn sàng thương lượng, đến mai lại khăng khăng muốn huyết chiến đến cùng, rồi mấy ngày sau lại hiền từ như bụt đất. Hôm nay vợ nhà tươi tắn, chú út nhú răng, mọi người trong nhà êm thuận, nên anh ta không nhượng bộ một xu: hôm sau trời mưa, anh ta không đi phố được, anh buồn, anh chấp nhận tất cả mọi đề nghị để kết thúc một công việc dở dang; hôm sau nữa, anh đòi phải có những bảo đảm: cuối tháng như một đao phủ, anh ta muốn chặt đầu chúng ta.°(Người ta biết rằng suốt đời Banzac bị chủ nợ giày vò). Người ta thường thách trẻ con đặt hạt muối lên đuôi con chim sẻ, nhưng chim sẻ có đứng yên cho đâu! Anh chủ nợ giống như con chim sẻ ấy. Nhưng anh chủ nợ thì quay lại bảo đó chính là hình ảnh con nợ, vì anh ta có chụp được gì ở con nợ đâu.
Grangde đã quan sát những diến biến thời tiết ở người chủ nợ, và các chủ nợ của ông em ông đã hành động đúng theo dự đoán của ông anh. Có người đâm khùng tuyên bố dứt khoát không chịu đưa giấy nợ đi lưu trữ. Khi đọc thư ông Đe Gratxanh báo cáo việc ấy, Grangde xoa tay nói:
- Được! Thế là tốt.
Một số khác chỉ đồng ý giao lưu trữ với điều kiện là phải chính thức xác nhận mọi quyền lợi của họ, không trừ khoản nào, kể cả quyền đề nghị kê báo Guyom vỡ nợ. Lại thư đi thư về, sau đó Grangde chấp nhận tất cả mọi điều kiện họ đưa ra. Bằng vào sự nhân nhượng của Grangde, các chủ nợ dễ dãi thuyết phục các chủ nợ khó tính và cuối cùng công việc lưu trữ cũng làm được, tuy có đôi tiếng phàn nàn.
- Cái anh già ấy chơi xỏ cả anh lẫn chúng tôi đấy.
Hai mươi ba tháng sau khi Guyom Grangde chết, nhiều nhà buôn mải bị lôi cuốn vào dòng hoạt động của thương trường thủ đô, đã quên món nợ nhà Guyom, hoặc có nhớ chăng cũng chỉ để nói:
- Ta bắt đầu ngờ rằng chỉ có bốn mươi bảy phần trăm là hết, chẳng còn xơ múi gì nữa.
Ông phó thùng đã tính chắc ở quyền lực của thời gian mà ông bảo là một trợ thủ đắc lực. Cuối năm thứ ba, Đe Gratxanh viết thư cho Grangde nói rằng ông ta đã trả mười phần trăm trên tổng số nợ hai triệu từ hãng Guyom còn thiếu, nhờ vậy đã khiến cho các chủ nợ giao giấy nợ lại cho ông ta. Grangde phúc thư nói người chưởng khế và người trung gian của hãng Guyom, trước kia bị vỡ nợ tan tành khiến em ông phải chết, thì hiện chúng vẫn còn sống sờ sờ ra đó, và có thể có khả năng thanh toán, cho nên phải truy tố họ để kiếm lấy ít nhiều, hầu lấp phần nào cái lỗ hổng trong di sản Guyom.
Cuối năm thứ tư, kết toán chính thức, khoản nợ còn lại của nhà buôn Guyom là một triệu hai mươi vạn phorang. Cuộc thương thuyết kéo dài sáu tháng giữa các thanh toán viên và Grangde. Cuối cùng, bị thôi thúc phải giải quyết đến tháng thứ chín, grangde trả lời cho hai thanh toán viên là cháu ông đã làm giàu lớn ở Ấn Độ, và đã tin cho ông biết là hắn có ý định trang trải trọn vẹn các khoản thiếu đủ của cha, cho nên ông không dám đương cái trách nhiệm trang trải dối trá mà không hỏi ý kiến của hắn; ông ta nói đã hỏi và hiện đương chờ Saclo trả lời.
Giữa năm thứ năm, ông Grangde tuyệt diệu vẫn còn đánh lui bọn chủ nợ bằng cái trang trải trọn vẹn mà ông ném ra đúng lúc trong nụ cười ruồi. Và khi nói: các ngài ở Pari ấy, ông không bao giờ quên văng tục và mỉm cười hóm hỉnh... song trời đã dành chio các chủ nợ kia một số phận chưa từng có trong lịch sử thương mại. Grangde đặt cho họ vào vị trí nào thì họ giữ nguyên vị trí ấy, mãi cho đến khi những việc diễn biến trong chuyện này lại buộc họ xuất hiện lần nữa.
Về công việc của Grangde, thì khi phiếu thực lợi lên một trăm mười lăm phorang, ông ta bán phiếu và rút khoảng hai triệu bốn mươi vạn phorang tiền vàng. Số tiền ấy đi theo số sáu mươi vạn lời mẹ lẫn lừi con trước đó, cùng vào nằm trong mấy cái thùng con của Grangde.
Đe Gratxanh thì ở Pari vì những lý do sau đây: trước hết ông ta được bầu vào nghị viện; sau nữa, mặc dù là gia trưởng, nhưng chán cảnh sống buồn tẻ ở Xomuya, ông mê tít một cô đào hát trong số đẹp nhất ở rạp Bà Quận, tên là Pholorin, và thế là anh võ quan trác táng hồi sinh với cái lốt ông chủ nhà băng. Nói đến hạnh kiểm của ông cũng chả ích lợi gì, dân Xomuya người ta cho ông là hoàn toàn vô hạnh. Bà vợ ông lấy làm may mắn được xử chia của với chồng, và đã có đủ trí óc để tiếp tục quản lý ngân hàng Xomuya sang tên cho bà ta. Nhờ vậy bà cố lấp những lỗ hổng trong gia sản do sự hoang phí của ông chồng để lại. Bọn Cruyso lại đầu độc thêm tình thế, khiến cho bà góa không chết chồng ấy gả con chẳng được nơi môn đăng hộ đối, và cũng không dám tính đến việc dạm hỏi Ogieni cho con trai mình nữa. Adon lên Pari với cha, và nghe nói hắn cũng trở thành một tay hoang đãng. Bọn Cruyso đắc thắng. Khi Grangde cho bà Đe Gratxanh vay một số tiền có đảm bảo, ông ta nói:
- Ông nhà mất cả lương tri. Tôi buồn về cái cảnh của bà quá, bà là một bà vợ tốt.
- Ông ơi, người đàn bà đáng thương ấy đáp, ai có ngờ cái ngày ông ấy ở nhà ông ra đi Pari cũng là cái ngày ông ấy đâm đầu vào chỗ cùng mạt?
- Thưa bà, hoàng thiên chứng giám cho tôi là tôi đã làm đủ mọi cách cho đến phút cuối cùng để ngăn ông ấy đi Pari. Ông chánh án nằng nặc đòi đi thay ông ấy mà không được. Bây giờ chúng ta mới biết vì sao ông nhà thích Pari dữ vậy.
Như thế, Grangde chẳng mang ân nghĩa gì của Đe Gratxanh cả.