Thứ tư hàng tuần, tạp chí chỉ làm việc nửa ngày, Hy Lôi không muốn về nhà sớm, không có việc gì làm bèn kéo Mai Lạc đi dạo phố. Để tiết kiệm tiền mua nhà với Tùng Phi, Mai Lạc thường chỉ đi ngắm chứ ít mua, toàn là mặc thử quần áo rồi tìm ra một loạt lý do như chất xấu, không hợp màu... để không mua bộ quần áo đó nữa, khiến nhân viên bán hàng cũng phải cau mày khó chịu. Hy Lôi thì không thế. Cô là một con nghiện shopping rất điển hình, thể hiện chính ở trong việc mua quần áo. Đồ mỹ phẩm thì cô không quan trọng hàng hiệu, còn trẻ, da vẫn đẹp nên dùng cái gì cũng thể hiện được nét đẹp của mình, nhưng cô tin rằng “người đẹp vì lụa”, chỉ cần mặc những chiếc áo mới của một nhãn hàng danh tiếng là đã thấy mình tự tin gấp trăm lần, tràn đầy sức sống. Bởi vậy, cứ cách một khoảng thời gian là Hy Lôi lại đi mua quần áo. Mà nhãn hiệu cô thích chủ yếu là những bộ đồ của Yikeai và Geliya, mặc dù so với những người giàu có, hai nhãn hiệu này chưa là gì, nhưng một bộ cũng mấy trăm tệ, vài lần đi shopping là khoản tiền lương ít ỏi của Hy Lôi đã cạn.
Ở siêu thị, cô với Mai Lạc cùng thích một cái áo khoác lông, tận 1080 tệ, nghĩ lại món tiền lương 2000 tệ mới được nhận nằm trong túi, cô do dự một chút rồi không mua nữa.
Hôm nay Hứa Bân tan ca sớm, cùng Hy Lôi đi dạo phố, lại vào siêu thị đó thấy chiếc áo khoác lông mà Hy Lôi thích, Hy Lôi lại mặc thử một lần, đứng ngắm nghía rồi xoay mấy vòng trước gương, hỏi Hứa Bân:
- Đẹp không?
- Đẹp lắm, dáng em đẹp thật, mặc cái gì cũng đẹp! - Hứa Bân cất tiếng khen.
Hy Lôi nũng nịu:
- Em muốn mua!
Hứa Bân sảng khoái nói:
- Muốn mua thì mua! Bao nhiêu tiền, anh mua cho em! - Nhìn thấy cái mác đề giá 1080 tệ, Hứa Bân nói khẽ. - Hơi đắt, để tháng sau mua cho em nhé!
Hy Lôi không vui, sa sầm mặt xuống:
- Tháng sau là mùa xuân rồi, không cần mặc áo khoác nữa!
Nói mãi mới lôi được Hy Lôi ra khỏi cửa hàng đó, lúc này Hứa Bân mới nói nhỏ với cô:
- Hôm qua anh vừa lĩnh lương, nhưng mẹ bảo anh đưa mẹ rồi, nói là hai đứa mình ở nhà ăn cơm thì phải đóng tiền sinh hoạt phí, chỉ cho anh có 300 tệ tiền tiêu vặt, đủ làm sao mà mua!
- Ngày trước anh ở nhà cũng phải nộp tiền cho mẹ à?
- Không, anh hết tiền còn phải xin mẹ! Nhưng mà mẹ anh nói bà thích cảm giác con trai hiếu thuận đưa tiền cho mẹ.
Hy Lôi không nói gì nữa, trong lòng thì nghĩ thầm: Mình cũng thích cảm giác được chồng nộp tiền lương mỗi tháng!
Nộp tiền ăn hình như là chuyện đương nhiên, nhưng vì sao mình về đây ở thì mới phải nộp tiền? Chẳng nhẽ không phải người nhà sao? Trong lúc tức giận, Hy Lôi quay lại gian hàng ban nãy, thản nhiên bảo nhân viên bán hàng gói chiếc áo lại rồi móc tiền túi ra trả.
Hứa Bân cũng không nổi giận, ngược lại còn thấy hơi xấu hổ, lại đuổi theo cô, nhăn nhở:
- Lần sau, tháng sau anh mua cho em! Đừng giận nhé!
- Em không giận! - Hy Lôi gắt lên.
Về tới nhà, Hứa Bân còn nóng ruột hơn cả Hy Lôi, bắt cô lập tức mặc áo mới lên cho anh xem. Hy Lôi thay áo trong phòng, cho Hứa Bân ngắm nghía chán, đường may, chất liệu, kiểu dáng, tất cả đều rất đẹp và thoải mái, trông cô mặc lên càng thể hiện sự cao quý, Hứa Bân lại đẩy Hy Lôi ra ngoài, nói lớn:
- Mẹ ơi, mẹ xem này, áo mới của Hy Lôi! - Giống như trước đây mỗi lần anh mua quần áo mới lại mặc cho mẹ anh xem.
Bà mẹ chồng tay dính đầy bột từ nhà bếp chạy ra, nhìn cái áo khoác của Hy Lôi, không tỏ ra kinh ngạc hay khen ngợi gì, chỉ lạnh nhạt nói:
- Lại mua áo mới à?
Một chữ “lại” khiến cho tâm trạng vui vẻ của Hy Lôi lập tức đóng băng.
Trên bàn ăn, mẹ chồng lại không nhịn được nữa, hỏi:
- Cái áo đó bao nhiêu tiền?
Hy Lôi còn đang do dự không biết có nên nói thực giá không thì Hứa Bân đã nhanh nhảu:
- 1080 tệ, một nửa tiền lương của cô ấy đấy!
Sắc mặt mẹ chồng lập tức sầm xuống, nói:
- Hy Lôi này, lấy chồng rồi, đừng có tiêu xài hoang phí như thế nữa, sau này còn nhiều việc phải tiêu đến tiền lắm! Như thế chẳng có kế hoạch gì cả!
Mẹ chồng nói hình như cũng không phải không có lý, Hy Lôi cũng tìm ra lý do gì để phản bác, đành nói:
- Mùa đông rồi mà mẹ, với lại con cũng mới cưới, không thể cứ mặc quần áo cũ mãi được! Mua một cái áo thì có sao đâu! Con mua bằng tiền của con mà, có phải của người khác đâu.
Mẹ chồng nghe thấy vậy, lại thăm dò:
- Hay là thế này, sau này tiền lương của các con cứ đưa cho mẹ, giữ lại đủ tiền tiêu vặt thôi, tiền thì mẹ để dành cho hai đứa, được không?
Hy Lôi vừa nghe đã lập tức trả lời trong bụng “không được”, nhưng ngoài miệng thì không nói gì, cứ im lặng, một lúc sau vẫn không trả lời, Hứa Bân đành cười giả lả, cuối cùng bố chồng là người lên tiếng:
- Được rồi, được rồi, con trai đưa tiền cho em là được rồi còn gì!
Lời của bố chồng khiến mẹ chồng đành phải bỏ ý định này, nhưng sắc mặt vẫn không vui, miệng còn giải thích:
- Em nói cũng đúng mà, ăn cơm ở nhà, phải mua gạo, mua mì, mua thức ăn, rồi còn tiền điện, tiền ga, tiền nước, có cái gì là không tiêu tiền đâu, em tính toán cho cả nhà để hai con không tiêu tiền lãng phí thôi!
Chẳng ai nói năng gì nữa, mẹ chồng cũng đành im lặng.
2.
Các nhân viên văn phòng bận rộn suốt cả một tuần nên cuối tuần ai cũng có thói quen ngủ nướng, Hy Lôi và Hứa Bân cũng không ngoại lệ. Mẹ chồng thấy con trai mình cũng ngủ nướng nên ngại chẳng dám nói. Nhưng bà vẫn dậy rất sớm quét nhà, lau nhà, giặt quần áo, làm việc gì cũng cố ý gây ra tiếng động thật lớn. Hy Lôi rất thính ngủ, thường tỉnh dậy khi nghe thấy những tiếng động này, một chuyện rất nhỏ này cũng khiến Hy Lôi bất giác nhớ tới mẹ mình. Ở nhà, nếu Hy Lôi còn đang ngủ, mẹ cô dậy sớm thì làm việc gì bà cũng rón rén, khẽ khàng, sợ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của con gái, lúc nào cũng thương xót đứa con bận rộn học hành. Nghĩ tới đây, Hy Lôi bật cười nhạo, sao có thể so sánh mẹ chồng với mẹ đẻ được, lúc chẳng có việc gì làm, cô còn nhào vào lòng mẹ mà nhõng nhẽo nữa cơ mà! Bản thân cô cũng có đối xử với mẹ chồng như mẹ đẻ đâu, thế thì cô dựa vào đâu mà bắt người ta phải giống mẹ đẻ của mình?
Đánh răng rửa mặt xong xuôi, Hứa Bân vẫn còn ngủ. Mẹ chồng đang trong nhà tắm giặt quần áo. Rõ ràng là có máy giặt nhưng rất ít khi thấy bà dùng, thường chỉ giặt tay trong một cái chậu nhựa to đùng. Quần áo bẩn Hy Lôi để trong phòng cũng được bà lôi ra giặt một thể. Mỗi khi mẹ chồng giặt quần áo cho Hy Lôi là trong lòng cô vừa thấy cảm kích, vừa khó chịu. Cô biết là mình lười, nhưng dù sao cô cũng là cô gái thích sạch sẽ, xinh đẹp, bởi vậy quần áo của cô cho dù để trong giỏ mấy ngày thì cô vẫn nhớ mang đi giặt. Mẹ chồng giặt quần áo giúp cô, không chỉ thể hiện sự chăm chỉ, hiền lương của bà mà còn làm nổi bật sự lười biếng và không hiểu chuyện của Hy Lôi. Bởi vậy, mỗi khi nhìn thấy mẹ chồng giặt quần áo cho mình, Hy Lôi lại lập tức giằng quần áo lại, xấu hổ nói:
- Mẹ, mẹ không cần giặt quần áo cho con, con tự giặt!
Mẹ chồng lại không quên dạy bảo Hy Lôi:
- Quần áo bẩn đừng để lâu quá, bốc mùi lên. Còn nữa, quần áo mới mặc có mấy ngày đã để đó, có bẩn đâu mà cứ giặt, giặt nhiều hỏng quần áo đấy! Lại lãng phí điện nữa! Bọn trẻ các con chẳng biết tiết kiệm gì cả.
Hy Lôi cầm cái khăn lụa mà mẹ chồng vừa bỏ vào nước lên, đã thấy nó bị bàn tay thô kệch của mẹ chồng cào xước một vết, mặt hoa văn vốn rất đẹp nay bị xù lên một chỗ. Nhìn kỹ lại, một cái áo len cũng bị mẹ chồng vứt vào chậu, trời ơi, cái áo len đó phải giặt khô. Hy Lôi vội vàng lấy ra, kêu lên:
- Mẹ, không cần giặt quần áo cho con nữa, con tự biết giặt.
Mẹ chồng thấy Hy Lôi không biết điều, bèn thở dài:
- Chờ chị giặt thì không biết tới bao giờ. Đã không giặt quần áo cho chồng thì thôi, đến quần áo của mình cũng không nhớ mà giặt.
Hy Lôi giả bộ như không nghe thấy gì, bỏ cái áo len vào túi quần áo, đi sang một phòng tắm khác, cho cái khăn vào nước sạch rồi giặt tay. Khăn giặt xong cô phơi ngoài ban công, vết bị móng tay cào xước trông càng rõ hơn.
Cô thở dài đi vào phòng ngủ thu dọn mấy cuốn tạp chí hôm qua vừa đọc, Hứa Bân vẫn còn ngủ say.
Một lúc sau, mẹ chồng cũng giặt xong quần áo, bắt đầu cất tiếng gọi ở bên ngoài:
- Con trai, dậy thôi! Mặt trời chiếu tới mông rồi!
Hứa Bân lật người một cái, miệng lẩm bẩm:
- Ồn quá đi mất! - Rồi lại ngủ tiếp.
Mẹ chồng gọi một lúc lâu, thấy Hứa Bân chẳng có phản ứng gì, bèn đi thẳng vào phòng, vén chăn lên, cười hiền lành:
- Dậy thôi, dậy thôi.
- Trời ơi, hôm nay chẳng có việc gì, để con ngủ thêm lát nữa! - Hứa Bân thích chỉ mặc quần lót đi ngủ, lúc này mẹ chồng đã lật hẳn chăn ra, vỗ vào mông con trai, híp mắt cười:
- Dậy thôi, hôm nay mẹ với bố phải đi ăn cưới con trai một người bạn, hai con đi cùng bố mẹ.
Hứa Bân bị mẹ nói nhiều, bực mình quá đành ngồi dậy:
- Không đi, không đi, con có quen đâu, bố mẹ đi đi.
Lúc này mẹ chồng đã tìm cho Hứa Bân một cái quần mùa thu từ trong tủ quần áo, thân mật vỗ vào đùi con trai:
- Nào nào, mẹ mặc cho con!
Hứa Bân còn đang ngái ngủ, nửa tỉnh nửa mê, để mặc mẹ mặc quần cho mình, anh cũng lười chả muốn xuống giường mặc quần áo.
Hy Lôi đứng một bên, trố mắt nhìn.
Mẹ chồng đã ra ngoài. Hy Lôi ghé sát tai Hứa Bân, chế giễu:
- Uống sữa thôi! Anh tưởng anh mới 3 tuổi à! Kinh dị!
Hứa Bân cười hi hi, chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Hy Lôi chẳng cần nhìn cũng biết, cho dù lúc này mẹ chồng đang ở trong nhà vệ sinh thì Hứa Bân cũng sẽ đường hoàng, trong ánh nhìn của mẹ mình, vạch quần ra tiểu tiện, không hề ngượng ngùng. Mẹ con họ là vậy, không bao giờ tránh né điều gì. Dùng cách nói của mẹ chồng thì là:
- Có gì mà phải xấu hổ, con lớn thế nào thì cũng là con trai của mẹ, hồi nhỏ còn trần truồng chạy trước mặt mẹ nữa là.
Hy Lôi đã nói mấy lần, nhưng mẹ con họ vẫn vậy, cô đành phải nhắm mắt làm ngơ.
Hứa Bân đi vệ sinh rồi đánh răng rửa mặt xong, ngồi phịch xuống trước máy tính, không hề có ý đi đám cưới cùng bố mẹ. Mẹ chồng vẫn còn cằn nhằn, bắt con trai đi cùng mình, Hứa Bân không muốn đi, bố chồng cũng nói:
- Thôi bỏ đi, hai đứa không muốn đi thì thôi! Đi đông người thế làm gì!
Mẹ chồng chép miệng:
- Nhà mình đi nhiều ăn cho hết tiền chứ. Không đi thì phí quá.
- Không sợ mất mặt à! Đi thôi. - Hai ông bà già cuối cùng cũng đi.
Hy Lôi thở phào nhẹ nhõm, vòng tay ôm Hứa Bân từ phía sau:
- Ông xã, muốn ăn gì nào? Hôm nay em nấu cơm cho hai vợ chồng mình.
Hứa Bân vừa nghe thấy thế đã reo lên:
- Hay lắm! Anh thích nhất là cơm rang Dương Châu em làm, rất tuyệt. Đi nào!
Hy Lôi vừa mới bước vào phòng bếp, điện thoại đã đổ chuông, là Mai Lạc:
- Gái ơi, ăn cơm chưa? - Nghe ra có vẻ như tâm trạng của Mai Lạc rất tốt.
- Chưa. Đang chuẩn bị nấu cơm.
- Cậu nấu cơm á! Hiếm có thật. - Mai Lạc trêu cô.
- Hôm nay bố mẹ không có nhà, tớ vào bếp!
- Đừng nấu nữa, ra ngoài đi, tớ với Tùng Phi mời cậu.
- Được thôi, chờ chút nhé! - Hy Lôi quay về phòng, gọi Hứa Bân thay quần áo. - Đi anh, Mai Lạc mời hai đứa mình ăn cơm!
3.
Chẳng mấy khi mùa đông có ánh mặt trời, thi thoảng lại thấy vài con chim sẻ đậu trên nóc nhà nhảy qua nhảy lại mổ thức ăn. Tâm trạng Hy Lôi cũng vui vẻ theo, giây phút đó cô nghĩ, không biết những con chim sẻ trên nóc nhà kia có gì phiền muộn không nhỉ. Hứa Bân bẹo má Hy Lôi, cười: - Làm gì mà vui thế?
Hy Lôi cười lớn, giang hai tay ra rồi ôm chặt vào, hít sâu một hơi:
- Em cảm thấy em giống như chú chim vừa được thoát khỏi lồng.
Hứa Bân thản nhiên cười:
- Xì, cứ như là có ai nhốt em lại ấy!
Tới nhà hàng đã hẹn trước, Mai Lạc và Tùng Phi đã chờ ở đó từ trước, từ đằng xa vẫy tay với Hy Lôi:
- Hy Lôi, ở đây!
Hy Lôi và Hứa Bân ngồi xuống.
Mai Lạc thoải mái nói:
- Ăn gì? Cậu chọn đi! - Sau đó lại gọi nhân viên phục vụ. - Chị ơi, cho tôi gọi món!
Hy Lôi cầm thực đơn, liếc qua một cái:
- Ừm, hai xuất tôm nõn hầm bí đao, bốn phần vi cá, một con tôm hùm, còn... - Chưa chờ Hy Lôi nói xong, nhân viên phục vụ đã bụm miệng cười, ở đây chỉ là một tiệm ăn bình thường, làm gì có mấy món đắt tiền như thế.
Mai Lạc biết là Hy Lôi cô tình chọc mọi người, bèn cười nói:
- Cậu muốn ăn cho tớ phá sản à! Nào, để đấy tớ gọi! - Mai Lạc cầm thực đơn lên, gọi vài món ăn, có thịt có rau, có nóng có nguội, vừa kinh tế mà tiết kiệm, đúng là tác phong của Mai Lạc.
- Nói đi, sao tự nhiên lại nhớ ra mà mời tớ ăn cơm thế? Có chuyện gì vui à? Hay là trúng xổ số, không nói là tớ gọi món đắt tiền đấy nhé!
Mai Lạc thần bí cười:
- Cậu đoán xem! Mà thôi, để Tùng Phi nói cho nghe!
Tùng Phi quê ở vùng nông thôn thị trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây, con người anh thật thà, đôn hậu, cùng làm phóng viên ở đài truyền hình với Mai Lạc, rất chiều chuộng cô.
Tùng Phi vẫn nở nụ cười hiền lành thường khi, có vẻ xấu hổ như chàng trai mới lớn:
- Bọn anh, anh với Mai Lạc chuẩn bị kết hôn, tháng sau.
Hứa Bân và Hy Lôi vừa nghe thấy vậy đã buột miệng nói:
- Chúc mừng nhé, tuyệt quá!
Hứa Bân nhớ ra, bèn hỏi:
- Hai người cưới xong sống ở đâu? - Ngày trước Mai Lạc cùng thuê chung với Hy Lôi một căn chung cư, Tùng Phi thì ở ký túc của cơ quan.
Mai Lạc lấy một hợp đồng mua nhà từ trong túi ra, đắc ý giơ tay:
- Nhìn đây, bọn tớ mua nhà rồi, mấy hôm nữa là được giao chìa khóa.
Hy Lôi cầm tờ giấy xem một lát, thì ra chỉ là một căn nhà rộng chừng 50m2, bởi vì là căn hộ loại nhỏ nên giá cũng thấp, tiền nộp đợt đầu chỉ có 3 vạn tệ, sau đó mỗi tháng trả 2000 tệ là được. Mặc dù nhỏ, nhưng người ta dù sao cũng có tổ ấm của riêng mình, còn mình, mặc dù được ở nhà to nhưng lại cảm giác chỉ như một vị khách trọ, bất giác cô thấy ngưỡng mộ bạn mình. Thế là cô hỏi:
- Có còn căn nhà nào thế này không? Tớ cũng muốn mua!
- Hình như là không, lúc bọn tớ đi mua đã là căn cuối cùng rồi.
Hứa Bân thấy vậy, chọc Hy Lôi:
- Em mua? Em có tiền không?
Hy Lôi lườm anh một cái. Hứa Bân không biết, hồi kết hôn, mẹ Hy Lôi đã cho cô 1 vạn tệ làm của hồi môn, trước tết Hy Lôi cũng được một khoản tiền thưởng, rồi thi thoảng viết bản thảo cho một tạp chí khác kiếm thêm tiền, Hy Lôi là người thận trọng, không nói cho Hứa Bân biết những thứ này, đã âm thầm để dành được 2 vạn tệ để dành lúc cần.
Các món ăn lần lượt được mang lên.
Hy Lôi không che giấu được sự ngưỡng mộ của mình:
- Ngưỡng mộ cậu quá đi mất, Mai Lạc, có nhà của mình rồi.
Mai Lạc cười:
- Tớ còn ngưỡng mộ cậu hơn. Được ở trong cái nhà to như thế mà không biết hài lòng.
Hứa Bân cũng phụ họa theo:
- Đúng thế!
Hy Lôi hạ thấp giọng gắt:
- Anh thì biết cái gì! - Cô nhớ lại lời nói của nhân vật Vương Hy Phượng trong tác phẩm “Hồng lâu mộng”, tâm lý của cô lúc này chắc cũng như thế: Bề ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong thì khổ! Hy Lôi chẳng nói gì nữa, chỉ nghe Mai Lạc huyên thuyên cái gì mà lấy được chìa khóa xong, sơn tường màu gì, mua rèm cửa màu gì, ghế salon kiểu gì, tivi của hãng nào, rất ra dáng một bà chủ gia đình.
Ăn cơm xong, Mai Lạc gọi nhân viên quán ra tính tiền, soi tỉ mỉ tờ hóa đơn mấy lần, xác định là không nhầm rồi mới thanh toán. Thức ăn còn thừa rất nhiều, có mấy món ăn hầu như không động đến, Mai Lạc lại bảo người ta gói vào hộp cho mình mang về.
Hứa Bân đứng cạnh khen:
- Xem Mai Lạc biết sống chưa kìa, rồi nhìn lại em xem.
Mai Lạc cười khổ:
- Biết sống cũng là do bị ép thôi. Không có gì cũng được, nhưng đừng không có tiền, người ta nói đúng, tiền không mua được tất cả, nhưng không có tiền thì chẳng mua được cái gì.
4.
Về tới nhà, thấy bố mẹ chồng vẫn chưa về. Dọc đường, Hy Lôi cứ buồn rầu không vui, Hứa Bân nói gì để chọc cười cô, Hy Lôi cũng không thèm đếm xỉa đến, vừa vào phòng đã nằm vật ra giường, Hứa Bân lại gần hỏi thăm, Hy Lôi bật khóc, nước mắt giàn giụa, thấm ướt cả chăn.
Hứa Bân giật mình:
- Cưng, em làm sao thế! Anh có làm gì em đâu!
Hy Lôi quay người lại đấm vào ngực Hứa Bân:
- Chính là anh, là anh chọc em, anh là kẻ lừa đảo. Anh nói anh sẽ khiến em hạnh phúc, nhưng anh có làm được không? Anh xem Mai Lạc kìa, cô ấy có nhà của mình rồi, mặc dù hơi nhỏ nhưng nó là của cô ấy, còn em thì sao, cứ như một khách trọ đến ở nhờ nhà anh ấy. Em thấy khó chịu, khó chịu, vô cùng khó chịu, em sắp không chịu được nữa rồi!
Hứa Bân trước nay không biết rằng trong lòng Hy Lôi lại có nhiều điều bất mãn như thế, đành an ủi cô:
- Sao thế? Chẳng phải ở thế này rất tốt sao? Nhà thì to, lại toàn người một nhà, em muốn làm gì thì làm, tự mình mua dây buộc mình rồi khó chịu là sao? Mẹ anh hay cằn nhằn, em cứ coi như không nghe thấy là được rồi. - Hứa Bân nói mãi, cảm thấy mình cũng thật là oan ức, thế là bỏ sang thư phòng.
Một mình Hy Lôi ở trong phòng khóc rất lâu, cảm thấy có phải là thực sự mình có vấn đề hay không, bèn soi lại mình trong gương, mặt thì nhợt nhạt, tóc tai thì rối bời, nước mắt tèm lem, trông thật xấu xí. Cô nhớ lại một bản điều tra về chứng trầm cảm mà tạp chí của cô từng làm, không biết mình có bị mắc bệnh trầm cảm không nhỉ?
Cô vỗ vỗ lên mặt, dùng tay kéo hai mép lên thành một nụ cười, nói với bản thân: Hy Lôi, mày tuyệt lắm!
Lúc này thì bố mẹ chồng về tới nhà. Hy Lôi vội vàng lau khô nước mắt.
Cô ra ngoài rót nước, mẹ chồng vẫn nhìn thấy những giọt nước mắt trên mặt cô, bèn hỏi:
- Sao thế? Cãi nhau à?
Hy Lôi vội vàng che giấu:
- Dạ không, không ạ!
Thấy Hy Lôi không chịu nói, mẹ chồng cũng không hỏi nữa. Hứa Bân cũng hỉ hả lại gần quàng tay qua vai vợ:
- Bọn con vẫn bình thường mà.
Bố mẹ chồng đi vào phòng ngủ. Một lát sau trong đó vọng ra tiếng cãi vã.
- Tìm lại đi? Có phải ở trong không? - Tiếng của bố chồng.
- Làm gì có, rõ ràng là em để ở đây mà. - Thì ra mẹ chồng không thấy ví đâu.
Một lát sau mẹ chồng lại đi ra, hỏi Hứa Bân:
- Con có lấy ví của mẹ không?
Hứa Bân bực bội đáp:
- Không, ai biết mẹ để đâu mà lấy.
Cuối cùng cũng có thể xác định là ví đã bị người ta lấy trộm mất. Mẹ chồng nhớ lại, lúc xe buýt lắc lư, hình như có cảm giác ai đó chạm vào túi mình, có thể bị lấy trộm vào lúc đó, cũng may trong ví chỉ có ít tiền lẻ, khoảng hơn 100 tệ. Bố chồng an ủi:
- Thôi bỏ đi, chỉ có hơn trăm tệ thôi mà, mất rồi thì thôi. Lần sau cẩn thận hơn chút là được rồi.
Mẹ chồng ngồi phịch xuống ghế salon, khóc nhỏ. Lúc đầu những giọt nước mắt của bà chỉ như một dòng suối nhỏ, nhưng chỉ một lúc sau, nó đã như cả đại dương mênh mông, bà cất giọng khóc lớn.
Hy Lôi lẳng lặng đứng im.
Hứa Bân thấy mẹ khóc đau lòng quá cũng cảm thấy kỳ lạ, bèn mang khăn mặt cho mẹ, an ủi:
- Có gì đâu mà khóc.
Nhưng bà vẫn khóc. Hứa Bân lại móc ví ra 200 tệ, nhét vào tay bà, an ủi:
- Nào nào, mẹ xem, tiền về rồi, sung kho, sung kho. - Hứa Bân nói những câu mà thường ngày mẹ anh hay nói, mẹ nắm chặt tiền trong tay, bật cười.
Ngẩng đầu lên thấy Hy Lôi đang nhìn mình, bà tỏ vẻ đề phòng, hỏi:
- Hy Lôi, nhìn cái gì? Hứa Bân cho mẹ tiền, con không vui phải không?
- Con! - Hy Lôi không biết nên trả lời thế nào, thực ra cô chỉ nhìn bà khóc, đứng ở bên cạnh chứ không để ý Hứa Bân đưa bà tiền.
Buổi tối trước khi đi ngủ, nói tới việc mẹ chồng vì mất tiền mà khóc, Hy Lôi cảm thấy vừa tức vừa buồn cười.
Hứa Bân nói:
- Mẹ anh hồi nhỏ sống khá vất vả, hồi đó ông bà ngoại tới đây trong chuyến chi viện Tây Bắc, đều là công nhân bình thường, tiền lương không cao, lại phải nuôi năm đứa con, cũng khó khăn lắm, bởi vậy từ nhỏ mẹ đã rất tiết kiệm, chẳng bao giờ mua quần áo đắt tiền, năm đó anh đi học đại học, phải ở lại trường, bố thì thường xuyên đi công tác, mẹ ở nhà chẳng chịu mua thức ăn, ngày nào cũng ăn mì. Thực ra anh hiểu được vừa nãy bà khóc như vậy thực ra không phải là vấn đề tiền nhiều hay ít, mà là sau khi mất đồ, bà thường có cảm giác thất vọng rất lớn.
Hy Lôi nghe anh nói vậy, cảm thấy mẹ chồng cô cũng vất vả, lại lần đầu tiên cảm thấy Hứa Bân cảm tính như thế, hiếu thuận như thế. Nghĩ lại những gì Hứa Bân nói, “sau khi mất đồ, bà thường có cảm giác thất vọng rất lớn”, Hy Lôi chìm vào suy nghĩ.