• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Giáp bào ngựa chiến chí sa trường, loạn lạc

Gấm thêu phục mỏng vọng no ấm, bình yên

Ban sư hồi triều, lệnh từ triều đình triệu hồi mấy trăm vạn binh lính. Lần này dẫn quân, tuy tuổi còn trẻ nhưng vẫn như thường lệ, Tống Thanh Dực trở về trong khải hoàn, bá tánh Đại Đô vô cùng hoan hỉ, bằng chứng là họ đã bỏ cả buổi sáng đứng đợi chỉ để chiêm ngưỡng phong khí ngút trời của thiếu tướng quân nhà quốc công.

Tống Thanh Dực là đích tử của Tống Trích Tư, người giữ chức vị quốc công đương triều, được xem như thân tín bên cạnh Nghinh Thành Đế, công danh hiển hách, có được đặc ân bất lệ, đó là được phép mang khí giới vào Kim Loan Điện. Phải biết, điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Nguyên triều. Nguyên cớ của đặc ân này phải nhắc lại năm Nghinh Thành Bác đăng cơ, Kim Loan Điện đã xảy ra một vụ thích sát bất thành, mà người khiến đám sát thủ kia thất bại đó chính là Tống Trích Tư. Ông đã dùng thân mình chắn mũi gươm của thích khách, cứu giá trong sát na. Từ lần đó, Nghinh Thành Bác đã ban cho Tống Trích Tư đặc ân này, quần thần không ai dám có ý kiến vì lúc sự việc xảy ra, cả đám bọn họ trốn như rùa rụt cổ, giờ chẳng lẽ lại tự tát mặt mình, nên đành im lặng cho qua.

Phủ quốc công.

- Phụ thân, con đã về!

Tống Trích Tư đang chăm chú vào con chim mới nuôi, nhìn cũng có chút tay nghề. Ậm ừ vài tiếng xem như đã nghe thấy rồi hất tay cho lui. Tống Thanh Dực rời đi ngay sau đó, chàng chẳng lạ gì thái độ của phụ thân. Từ nhỏ, ông đối với chàng đã rất nghiêm khắc, yêu cầu vô cùng cao, chính là kiểu trực tiếp thay chàng nhận lệnh dẫn binh lúc chàng chỉ mới mười lăm tuổi, chính là thanh thiên bạch nhật mắng chàng trước mặt hàng ngàn binh sĩ, chẳng cho chàng chút thể diện nào, chính là thẳng tay đánh chàng bằng roi gai, rồi nhốt vào nhà củi, trông chẳng chút xót xa. Nhưng ông vẫn là cha chàng, là người lén gửi bồ câu hỏi thăm tình hình chiến sự, đưa ra lời khuyên, tham mưu chiến lược, chính là người bênh vực sau lưng, hết lời khen ngợi chàng trong những lần diễn binh, cũng là người mỗi tối lén chạy tới nhà củi thoa thuốc cho chàng. Ông chính là nghiêm khắc nhưng quan tâm như thế, mới có chàng của hôm nay.

A Lan nhẹ nhàng vén phần đuôi tóc cho Cao Lâm Mạn, mỉm cười nói:

- Phu nhân, hôm nay trông người hồng hào sắc diện. Có phải là bởi vì biết tin thiếu gia ban sư hồi triều nên tâm trạng cũng theo đó mà vui vẻ hay không?

Vị phu nhân ấy là chính thất của Tống Trích Tư, con gái của tiền ngự sử, địa vị cao quý vô cùng. Tống Trích Tư yêu thương nhất là tiểu thiếp cưới về sau này, nhưng chức vị ngự sử cao như vậy, đại phu nhân dĩ nhiên được nể trọng hơn bội phần. Hơn nữa, trong hết thảy ba người vợ cả chính lẫn thiếp, duy chỉ có Cao Lâm Mạn là sinh được cho ông một đích tử hẳn hoi, tuy nói là được yêu thương vì "nối dõi" nhưng đó chỉ là một phần nhỏ lý do, cốt lõi là vì Tống Thanh Dực thật sự quá xuất chúng, hệt như bản sao của chính ông.

Tống Thanh Dực bước vào phòng, nhanh chân đi về phía Cao Lâm Mạn, ôm quyền khấu đầu:

- Mẫu thân! Hài nhi xin thỉnh an mẹ.

Tiếng Tống Thanh Dực thanh vang, trong trẻo như sưởi ấm cõi lòng lạnh giá bao ngày không cận kề phu quân của Cao Lâm Mạn, bà mỉm cười nhìn chàng ôn nhu, nói:

- Dực nhi, mau, lại gần đây cho mẫu thân xem nào. Con ốm đi rồi phải không?

Cao Lâm Mạn là ái nữ duy nhất của Cao Lâm Bái, tiền ngự sử Nguyên triều, công trạng không nhiều nhưng đều hiển hách, tuy tuổi đã xế chiều nhưng người ra vào thăm nom, hỏi han không ít. Năm nào đến dịp sinh thần hay lễ lộc, quà cáp, bạc vàng, kì trân, dị bảo cũng nhiều không đếm xuể. Không ít người nói rằng, địa vị hiện giờ mà Tống Trích Tư có được là nhờ cả vào nhà vợ, nói thế há lại chẳng phải động đến lòng tự ái của kẻ cầm quân. Có điều, rước được người vợ xinh đẹp, hiểu chuyện, lễ nghĩa như Cao Lâm Mạn thật cũng chẳng biết kiếp trước Tống Trích Tư tu đức nhiều ra sao. Từ lúc lấy nhau, nàng ta một câu cũng phu quân, hai câu cũng phu quân, đúng kiểu "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu", lần đó rời nhà đi lấy chồng liền đem họ Cao chuyển hẳn thành họ Tống. Người làm cha như Cao Lâm Bái chỉ có nước thở dài chua xót, ra sức bồi tụ con rể, hòng mong một cuộc đời an nhiên cho con gái và cháu ngoại. Địa vị và quyền lợi hiện có của hai mẹ con cũng coi như là Tống Trích Tư đang nể mặt người nhạc phụ kia.

Tống Thanh Dực nếu không nói là bản sao của Tống Trích Tư thì hẳn phải là huynh đệ ruột rà. Y cao ráo, thong thái, mày thanh mi dày, đẹp nhất là đôi mắt. Thanh tú thế này làm sao đánh giặc được, ấy thế mà mỗi lần điều binh, khiển tướng là điệu bộ oai phong không tả xiết. Kẻ dịu dàng, ôn nhu, lễ nghĩa, gọi là tài tử, kẻ cương trực, đoan chính, nhân nghĩa, gọi là quân tử, còn kẻ ít nói, từ tốn, dũng mãnh như chàng thì gọi là nhân khí. Là nhân khí quốc gia, Tống Thanh Dực thuộc lớp nhân sinh mới của Nguyên triều, nằm trong hàng ngũ những đối tượng phối hôn của công chúa, quận chúa.

Tống Thanh Dực nhìn ngắm Cao Lâm Mạn hồi lâu rồi ôn nhu nói:

- Mẫu thân, Dực nhi xa nhà đã lâu, lòng nhớ mẫu thân khôn xiết. Chiến trường gươm đao loạn lạc, nghĩ tới mẫu thân mà lòng con lo lắng không yên. Nay trở về, tự thấy mình đã nghĩ chuyện không đâu. Mẫu thân vẫn trẻ, lại còn càng ngày càng xinh đẹp.

Cao Lâm Mạn phì cười, ngước nhìn A Lan, nói:

- Nhũ nương, người xem. Chiến trường đao gươm loạn lạc mà miệng lưỡi nó thì cứ ngọt như mật. Con học từ đâu ra thế?

Tống Thanh Dực đặt bảo kiếm cạnh chân mình, hai tay vòng qua ôm lấy Cao Lâm Mạn, điệu bộ như thể nhớ nhung vô cùng. Chiến trường là nơi không bàn tình nghĩa, bảo kiếm kia chưa từng rời chàng một khắc, bao năm đã quen nên đi đâu chàng cũng mang theo. Có điều, công trạng hiện chưa đủ để chàng có được đặc ân vinh sủng như cha chàng.

Cao Lâm Mạn cười rồi kéo chàng ra khỏi người mình, nói:

- Lần này khải hoàn, cha con đã cho người chuẩn bị tiệc rượu thiết khách, con mau ra đó xem qua một chút. Đừng để ông ấy mất mặt đó.

Lại nữa rồi, Tống Thanh Dực luôn tự thấy mình bị bỏ rơi mỗi lần có chuyện gì đó liên quan đến cha chàng. Không hổ là đại phu nhân của quốc công đương triều, kiểu người này nếu có ai muốn đẩy bà ta khỏi vị trí đó thì chỉ có thể nói là kẻ bạc tình, vô nghĩa.

Tống Thanh Dực vốn chẳng muốn đi, giờ này nơi chàng nên đến đúng ra là Lý phủ chứ không phải ở đây nhưng đành chịu, chàng tự nghĩ cứ xem như là phép tắc phải có. Lửng thửng đi ra chỗ bày tiệc, chàng nhìn khắp một lượt rồi gượng gạo mà gật đầu cho có, họ đều là họ hàng xa của chàng đây mà, xa tới nỗi người như mẹ chàng còn chẳng nhớ có bà con với họ từ lúc nào.

Thân tín bên cạnh Tống Trích Tư bước lại gần chàng, nói:

- Thiếu tướng quân, quốc công nói ngài không cần ra đó.

"Loạn rồi, loạn rồi! Thật sự không cần ra sao? Cha chàng không cần mặt mũi nữa à?"

Ngờ vực hỏi lại, Tống Thanh Dực vẫn còn nét kinh ngạc vương trên ngũ quan:

- Không phải qua đó? Có thật không vậy, Tiết hộ vệ?

Tiết Minh gật đầu thay cho câu trả lời. Tống Thanh Dực quay người bỏ đi thật nhanh, chỉ hận bản thân không phải thỏ, có thể vương chân, búng thân mà chuồng cho lẹ.

Lý phủ.

Lý viên ngoại có một biệt phủ phải nói là phong cảnh hữu tình, có một không hai ở Đại Đô. Gia nhân ra vào cũng nhiều, ngoi lên thụp xuống cả chục lần rồi vẫn chưa tìm được thời cơ thích hợp để trèo vào. Từ nhỏ, Tống Thanh Dực đã không quen đi cửa lớn, đối với riêng Lý phủ thì lại cứ thích trèo tường mà qua. Thuở ấy, mấy lần gia nhân không biết còn tưởng chàng là tên trộm mà đánh cho thừa sống thiếu chết, ngẫm cũng thấy vui, tuổi trẻ đúng là tuổi trẻ. Trông qua sân vườn lúc này không có ai, chàng định leo lên rồi đi qua nơi muốn đi, ai mà ngờ thiếu tướng quân nhà quốc công lại bị bắt ngay tại trận, hết đường chối cãi:

- Sáu ngàn hai trăm lẻ sáu lần, ta nói này Tống Thanh Dực, cửa lớn Lý phủ nhỏ đến thế sao? Lần nào huynh cũng phải trèo tường vào thì mới đặng?

Tống Thanh Dực cười lớn, phủi phủi y phục qua loa có lệ, rồi chọn chỗ mái ngói ngang ngang mà ngồi xuống, thở ra nói:

- Thế chẳng phải lần nào huynh cũng đến đón ta đó sao? Lý đại thiếu gia gần đây lại có được thêm món gì thú vị mà ở lì trong phủ vậy?

Lý viên ngoại, người không làm quan giàu có nhất Đại Đô, Lý Phúc Đức. Nghe tên là thấy phúc đức đầy nhà rồi, con trai đầu tên Lý Kiên, con trai thứ tên Lý Dũng, ái nữ duy nhất tên Lý Tiên. Mỗi người đều được trời ban cho cái nét đúng như tên gọi. Lý Kiên bắt chân vắt vẻo, trả lời trống không:

- Bách Lý Đồ? Nghe thú vị không?

Bách Lý Đồ tương truyền là bản đồ cất giấu kho báu của tiền triều, chỉ có điều hễ ai có được nó đều mang họa sát thân. Mười năm trước đã từng bặt tin một lần, hôm nay đột nhiên lại xuất hiện. Tống Thanh Dực trầm ngâm lúc lâu, lắc đầu nói:

- Không hứng thú. Nhưng mà, ta nghe lời đồn về nó không ít, cũng không thể không phòng. Huynh nói xem, Lý phủ có bao nhiêu là bảo vật huynh không chơi lại đi vấy vào cái thứ nguy hiểm đó.

Lý Kiên tặc lưỡi nói:

- Còn không phải là vì huynh sao? Thiếu tướng quân cũng hẹp hòi với ta quá rồi. Chúng ta thân thiết bao năm, vậy mà huynh lại không chịu giúp ta.

Tống Thanh Dực phì cười, hỏi:

- Gì hả? Huynh vẫn còn chấp niệm với bức phù điêu đó sao?

Mười năm trước, vào thời điểm Bách Lý Đồ là vật thu hút toàn võ lâm, gây nên bao ân oán kéo dài tới hôm nay, biệt phủ Tống Trích Tư có một mật thất chứa những bảo vật hiếm có trong thiên hạ. Tiểu thiếu gia của phủ quốc công lại là đứa trẻ hay tò mò, thích khám phá mọi thứ. Trong một lần tình cờ cậu đã lẻn vào mật thất, rồi chẳng hay chẳng biết lại lọt vào một căn hầm bí mật phía trong mật thất đó. Nơi đây, bỏ qua bốn bức tường nhỏ hẹp, cũ kĩ thì chẳng có thứ gì đáng giá ngoài bức phù điêu được đúc bằng vàng với hoa văn vô cùng tinh xảo. Về sau, trong lúc trò chuyện với Lý Kiên, người huynh đệ từng cùng chàng quỳ gối mỗi lần cha trách phạt, từng cùng chàng chịu đánh, bị nhốt, chàng đã vui miệng mà tiết lộ việc này. Từ đó tới nay, Lý Kiên luôn mang chấp niệm có bằng được bức phù điêu ấy, nhưng mặc nhiên không thể hỏi thẳng, vì như thế chẳng khác nào thay mặt Tống Thanh Dực mà "lạy ông tôi ở bụi này" nên đành thôi, thế mà lại ôm ấm ức đến tận giờ này. Nghe Tống Thanh Dực nói thế, cõi lòng Lý Kiên lạnh lẽo thêm, y nói:

- Đó không phải là chấp niệm, mà là chân ái, huynh hiểu không? Thôi bỏ đi, huynh chắc chắn không hiểu được đâu.

Tống Thanh Dực ngửa đầu cười khoái chí, hồi lâu thì nói:

- Chuyện gì ta cũng có thể giúp huynh, duy chỉ có việc này là không được.

Lý Kiên lãnh cảm buông một câu:

- Thế thì chẳng còn gì để nói nữa.

Không khí chùng xuống một lúc, Lý Kiên giả ho vài tiếng, hỏi thăm:

- Lần này về kinh, bao lâu sẽ lại đi?

Hỏi là "lại đi" thì quá đúng thời hợp thế, không trận nhỏ thì chiến lớn, chẳng biết thế nào mà lại liên miên không dứt, từ mười năm trở lại đây. Năm nay Lý Kiên hai mươi hai tuổi, hơn một vài tháng so với Tống Thanh Dực nhưng cũng tính là cùng tuổi, thế mà chẳng thể có được vinh quang chói lọi như vậy, y tự thấy mình thua, chỉ là chưa bao giờ nói ra, nhưng trong lòng thì phục rồi.

Năm đó, y mười lăm tuổi, Tống Thanh Dực cũng mười lăm tuổi. Vì cha là quốc công nên cứ cho rằng nhờ đó mà Tống Thanh Dực được dẫn quân, mà y thì lại bị cha ngăn cấm, muốn đầu quân cũng không được, đành lỡ cơ hội làm người hùng trong chiến loạn. Tống Thanh Dực thở dài một hơi, nói:

- Tạm thời vẫn chưa có lệnh gì. Nhưng chắc cũng không lâu.

Trên đời ai cũng hy vọng có được cuộc sống an nhiên, yên bình. Có người nào lại muốn suốt ngày cầm quân đánh trận, máu nhuộm chiến bào, từ ly chiến hữu. Chỉ là lỡ sinh ra trong thời loạn, tự thân nam nhi phải mang chí sa trường. Tống Thanh Dực tự thấy hãnh diện về mình lắm, ở cái tuổi hai mươi hai đầy rực rỡ, chàng đã tô cho mình màu sắc đẹp đẽ nhất của thế gian, màu đỏ chu sa.

Phủ quốc công.

Tống Thanh Dực ôm quyền, cúi đầu, hỏi:

- Phụ thân! Bữa tiệc kết thúc rồi ạ?

Tống Trích Tư mắt nhìn vào binh thư, miệng "ừ" một tiếng, lạnh hơn cả khối băng. Thấy chàng mãi không đi, ông mới ngước mắt lên, hờ hững hỏi:

- Còn việc gì sao?

Những lần trước lúc chàng khải hoàn trở về, yến tiệc không lần nào được vắng mặt, đó là lệnh từ cha chàng. Thế nên lần này, đúng là có vắt nát óc chàng cũng vẫn chẳng thể nghĩ ra lý do. Tống Trích Tư hiểu ý, liền hắng một tiếng, nói:

- Họ đến đâu phải chúc mừng con thắng trận, hà cớ gì ở lại làm chi.

Im lặng hồi lâu, ông lại hỏi:

- Lại đến gặp Lý Kiên à?

Tống Thanh Dực gật đầu một cái rồi rời đi ngay sau đó. Trước nay, cha chàng là người trầm mặc, không thích nói nhiều, chàng cũng không khác ông là mấy, lúc về phòng thấy trời đã sập tối nên cũng không tiện ghé thăm mẫu thân.

Buổi sáng trời đẹp, chàng chỉnh y xong liền đến vấn an bà. Hai người dùng bữa sáng rồi cùng thưởng trà, lúc này Cao Lâm Mạn mới nhẹ giọng hỏi:

- Con thấy Triều Dương quận chúa thế nào? Lâu rồi không gặp con bé, hẳn là càng lớn càng xinh đẹp. Hồi bé, Triều Dương hay đến nhà mình chơi, con còn nhớ không?

Tống Thanh Dực ngờ ngợ, đôi mắt đăm chiêu rồi như ngẫm ra được điều gì đó không đúng, chàng liền buông nhanh ly trà, cười cười hỏi:

- Mẫu thân, sao tự dưng người lại nhắc đến quận chúa vậy?

Cao Lâm Mạn mỉm cười, chậm rãi nói:

- Triều Dương quận chúa vừa xinh đẹp vừa thuỳ mị, nết na, kiến thức thông tuệ lại hiểu lòng người. Mẫu thân rất ưng.

Tống Thanh Dực lại lần nữa dần hiểu ra cơ sự, liền lảng tránh, nói:

- Mẫu thân người xem, món chè hạt sen này vẫn ngon như vậy. Năm tháng có qua đi, tay nghề của mẫu thân vẫn không hề suy giảm. Ngon vô cùng!

A Lan đứng cạnh cười khúc khích, nói:

- Thiếu gia, chè đó là do nhũ nương nấu. Hôm nay, phu nhân bận làm bánh hoa quế cho ngài nên ta đã nấu thay.

Tống Thanh Dực đành ngậm bồ hòn làm vui. Chàng im lặng không nói, ngoan ngoãn lắng nghe. Cao Lâm Mạn phì cười, hỏi lại:

- Con đã có ý trung nhân chưa?

Từ năm mười lăm tuổi, thứ Tống Thanh Dực biết đến là gươm, giáo, chiến trường loạn lạc, người chàng thân nhất là binh lính nơi quân trướng, là kẻ địch không đội trời chung, chẳng mấy khi tiếp xúc với nữ nhi. Ngoại trừ Lý Tiên của Lý phủ thì nhắc đến cũng chỉ có Chiêu Tâm Đan, nàng y nữ của Dược Tâm Đường. Nghĩ tới hai người họ thì chàng lại thấy vui, muốn nhanh chóng đến đó gặp mặt, liền mỉm cười nói:

- Con vẫn chưa gặp được người trong mộng, khi nào có con sẽ nói với người. Mẫu thân, con ra ngoài một lát, cảm ơn chè của nhũ nương. Con đi đây!

Dứt lời, chàng phóng như bay lên Hắc Cẩu, nhanh chóng đi mất, chỉ còn tiếng vó ngựa vọng lại..

Cao Lâm Mạn phì cười, nói với A Lan:

- Nhũ nương, bà nói xem thằng bé có hợp với Triều Dương không?

A Lan mỉm cười, nói:

- Thiếu gia xét về dung mạo và cả tài năng đều xuất chúng, trung nghĩa lại hiếu thảo. Còn quận chúa thì xinh đẹp, hiền ngoan, thùy mị, hiểu biết. Tất nhiên là hợp, rất hợp, thưa phu nhân.

Cao Lâm Mạn gật đầu cười hiền, sau thì bảo A Lan sắp xếp ngày thích hợp sang bên đó mời quận chúa tới phủ làm khách. Xem ra lần này, thiếu tướng quân có mọc cánh cũng không thoát được.

Lý phủ.

Lý gia có một cô con gái cực kì xinh đẹp, đôi mắt sáng như sao, da trắng như tuyết, má hồng môi đỏ, phải gọi là tiên nữ, tên gọi Lý Tiên được đặt như chỉ dành riêng cho nàng. Lý Tiên đang cặm cụi phủ rơm, vén đất, nhét nhét vật gì đó vào trong một cái chậu nhỏ. Tống Thanh Dực rón rén lại gần, vốn định trêu nàng một chút nhưng rồi lại thôi, chàng khẽ khàng ngồi xuống ngay bên cạnh, hỏi nhỏ:

- Hoa này lúc nở chẳng biết có xinh đẹp như Tiên nhi nhà ta không nhỉ?

Lý Tiên không có chút ngạc nhiên vì từ lúc Tống Thanh Dực bước vào, nàng đã biết được đó là chàng. Trên người chàng luôn có một thứ mùi không tài nào lẫn lộn với một ai được, đó là mùi máu tanh và hy vọng, nàng từng nói thế không chỉ một lần với chàng mà với cả những người nàng quen biết, như thể một niềm tự hào không thôi. Mỉm cười nhỏ nhẹ, Lý Tiên đứng lên, vừa đi vừa nói:

- Hoa đẹp rồi sẽ tàn, con người cũng giống như hoa, rồi sẽ già nua, xấu xí thôi.

Tống Thanh Dực thở ra một hơi, nói lại:

- Ai thì ta không rõ chứ Tiên nhi thì không cần nói, muội trong lòng huynh chính là nữ tử xinh đẹp nhất, hơn cả hoa. Nếu được sánh cùng muội, đó chỉ có thể là hoa bất tử.

Lý Tiên mỉm cười, nàng e thẹn đi nhanh, Tống Thanh Dực đuổi theo, hồi sau thì hỏi:

- À phải rồi Tiên nhi, đại ca nhị ca của muội đâu? Lúc ở ngoài vào ta đã không thấy họ.

Lý Tiên vuốt ve đuôi tóc, nhìn qua một lượt dãy hành lang, nói:

- Hai huynh ấy ra ngoài từ sớm rồi. Vậy thật ra, huynh đến tìm họ hay là tìm muội?

Tống Thanh Dực tươi cười, nói:

- Tìm họ là phụ, cái chính là ta đến để thăm muội.

Tống Thanh Dực đối với Lý Tiên thực là có chút yêu mến, hơn hẳn những nữ tử khác. Những lần hồi kinh phục mệnh, dù bận thế nào chàng cũng sẽ dành chút thời gian ghé thăm nàng, không bao giờ xao lãng. Việc cha không bắt chàng phải ở lại trong gia yến tối qua đã quá rõ ràng. Thêm vào mẹ chàng lúc nãy còn hỏi chàng về ý trung nhân, rõ là muốn thay chàng định hôn sự, chỉ là đối tượng thì chưa chắc chắn, rất có thể là Triều Dương quận chúa. Thay vì cưới một người tuy không phải xa lạ nhưng cũng đã nhiều năm không gặp thì chi bằng chàng chọn Lý Tiên, dẫu sao cũng là người từng quen biết.

Phủ quốc công.

Tiết Minh đặt ly trà lên bàn Tống Trích Tư, nhẹ giọng:

- Quốc công, tối qua thiếu gia không ở phủ tham dự gia yến, ngài cũng không bắt buộc. Thuộc hạ có chút không hiểu dụng ý của quốc công, xin được thỉnh giáo.

Tống Trích Tư cười khẩy, nói:

- Bọn họ cũng thật không biết thân phận, lại còn dám có ý nghĩ muốn kết thân với ta. Nực cười!

Tiết Minh nghe thế liền hỏi:

- Kết thân? Lẽ nào họ muốn..

Tống Trích Tư đặt ly trà xuống bàn, ngả lưng tựa ghế, lấy tay xoa hai bên thái dương, nói:

- Người Dực nhi nên lấy phải là tam công chúa đương triều, viên ngọc quý trong tay Nghinh Thành Đế, Nghinh Hương Đoan Mẫn.

Như Lai tửu quán.

Lệ Ân Đình tay bưng khay trà bánh, mặt mũi hằm hằm, trông chẳng mấy vui. Nàng đặt thật mạnh cái khay xuống bàn, nói bâng quơ:

- Lộ phí đã không đủ dùng cho hai người, giờ lại thêm một người..

Chu Linh không nói gì, chỉ lẳng lặng lấy từ trong tay áo ra một cái túi nhỏ. Nàng cũng theo thanh âm khi nãy mà Lệ Ân Đình tạo ra đập "cộp" một tiếng rồi dùng tay đổ số bạc bên trong ra, không ít tí nào, là năm mươi lượng. Tính cách Lệ Ân Đình hào sảng, thoải mái, bộc trực, nàng thích sẽ nói, không thích cũng sẽ nói, lại chẳng sợ phiền toái tới ai. Lúc này, lại bĩu môi mà mạnh miệng:

- Thì chắc là đủ..

Sống chung đã hơn một năm, ít nhiều cũng hiểu nhau đôi chút, Chu Linh chẳng thèm chấp vặt Lệ Ân Đình. Nàng bước lại gần chỗ Tạ Vô Phong, hỏi:

- Ngươi định ở đây cho tới lúc nào hả? Còn không mau đi tìm người.

Tạ Vô Phong thờ ơ, chẳng thèm trả lời nàng, ngược lại hỏi:

- Cô tới đây, Chu thúc thúc có biết không?

Chu Linh có tật giật mình, giọng xìu xuống thấy rõ, đôi mắt thoáng chút ưu tư, nàng nói:

- Không biết, nhưng mà chắc giờ đã biết rồi. Có lẽ tên ngốc đó cũng sắp đuổi theo tới rồi đó.

Tạ Vô Phong cắn miếng lớn chiếc màn thầu rồi hỏi:

- Dương Nhất Phàm? Huynh ấy tới đây làm gì? Bắt cô về à?

Chu Linh tròn xoe hai mắt, cười khẩy, nói:

- Muốn bắt ta? Phải xem xem huynh ấy có cái bản lĩnh đó không đã.

Tạ Vô Phong mỉm cười im lặng, hồi sau mới nói:

- Ta vẫn chưa biết người đó là ai nên không thể tìm được..

Chu Linh ngạc nhiên, hỏi:

- Không biết? Chẳng phải cha ta nói rồi sao, người đó tên là Vân Du. Hỏi thăm là được mà.

Lệ Ân Đình lại chẳng ngồi yên được, chịu không nổi liền lên tiếng:

- Tìm được thì đợi tới cô nhắc à?

Chu Linh giận đỏ người, thực tình một câu cũng bắt, hai câu cũng bắt, rõ là muốn kiếm chuyện với nàng. Trước đó thì nhịn, giờ xem ra lại chẳng thể ngồi yên. Nghĩ vậy nên liền lên tiếng:

- Nè! Cô không thể nói chuyện tử tế được sao? Cứ phải gây sự với ta mới được hả?

Lệ Ân Đình trông thấy Chu Linh tức giận thì lấy làm hả hê lắm, được lúc thì vui lại rồi, sau mới từ từ xuống giọng:

- Chúng tôi thử hỏi rồi. Xung quanh đây không một ai biết Vân Du là ai cả. Dù là người ba đời tổ tiên đều ở đây đến cả những kẻ thông tường mọi sự trên đời cũng đều không biết.

Chu Linh xoay người định hỏi thì Tạ Vô Phong đã lên tiếng:

- Như Lai tửu quán hệt như tên gọi. Phàm là bất kể chuyện gì trong thiên hạ đều có thể thông qua các vị khách tới lui nơi đây mà tỏ tường.

Chu Linh gật gù, tiếp lời:

- Vì thế nên hai người mới chọn chỗ này sao?

Lệ Ân Đình buông câu khinh khỉnh:

- Chẳng lẽ rảnh rỗi ở đây chơi sao?

Chu Linh quay đầu liếc nhẹ một cái rồi im lặng, suy tư. Nàng trốn cha tới đây thì chí ít cũng phải là người hữu dụng, để lúc trở về còn có đường ăn nói.

Phủ quốc công.

Tiết Minh bước những bước dài, tiến thẳng thư phòng của Tống Trích Tư, ôm quyền nói:

- Quốc công, thiếu gia tới rồi.

Tống Trích Tư buông bút, đặt lên nghiên mực rồi phẩy tay cho Tiết Minh lui. Đoạn, hỏi:

- Sức khỏe con nay ổn rồi chứ?

Nguyên là lần trước xuất binh, chàng đã bị thương một chút. Việc này đến người tỉ mỉ như mẹ chàng còn chẳng biết, thế mà khối băng như cha chàng thì lại rõ mới hay. Chàng thầm vui trong lòng nhưng thôi chẳng nói, chỉ gật đầu một cái rồi im lặng. Tống Trích Tư xem xét biểu hiện của chàng, hồi lâu thì nói:

- Ôn Châu có dịch bệnh, hoàng thượng phái con tới đó kiểm soát tình hình, hỗ trợ quan địa phương. Không vấn đề gì chứ?

Tống Thanh Dực im lặng gật đầu nhận lệnh. Từ nhỏ chàng đã lĩnh binh xông pha trận mạc, chỉ chút việc cỏn con là đi tới vùng dịch thì lại có gì to tát? Thậm chí đến cả ông ấy là cha ruột của chàng còn không thấy có vấn đề gì thì với chàng có thể có vấn đề gì. Tống Trích Tư trầm ngâm một lát thì nói thêm:

- Con trở về chuẩn bị mọi thứ đi, ba ngày sau sẽ xuất phát.

Tống Thanh Dực lúc này mới lên tiếng:

- Ba ngày? Sao lại..

Tống Trích Tư đứng lên chỉnh y rồi từ tốn nói:

- Ngày mai là sinh thần của tam công chúa, con cùng ta vào cung tham dự gia yến. Sáng mốt hãy lên đường.

Trước nay gia yến trong cung dù lớn hay nhỏ cha chàng cũng chưa từng bảo chàng đi, theo kiểu nhất nhất phải đi thế này. Hôm qua yến tiệc tại nhà thì không cần chàng ở lại, mẹ chàng lại đột nhiên hỏi chuyện về quận chúa Triều Dương, sắp tới lại phải đi tham dự gia yến sinh thần của tam công chúa. Tới lúc này rồi, chỉ có kẻ ngốc mới không nhận ra mình sắp bị gả bán. Không ngăn được lòng, Tống Thanh Dực buộc miệng hỏi:

- Phụ thân, chuyện này là..

Tống Trích Tư bước lại gần chỗ con chim quý, lấy tay khều nhẹ thành lồng, nói:

- Bao nhiêu người tới không quan trọng, tam công chúa mới nên là đối tượng của con.

Rồi theo đó ví von:

Lồng son, chim quý, tiếng hót thanh.

Vinh cao, chức trọng, vãn lưu danh.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK