Tôi vẫn nhớ rõ ngày hôm đó, cái ngày mà cả bầu trời âm u mây đen. Mặc cho sự háo hức mong mỏi đến nhập hội với bọn bạn ở trường đại học Thammasart của chúng tôi, mẹ nhất quyết không cho chúng tôi ra khỏi nhà. Suốt ngày trời, các kênh phát thanh liên tục nhồi nhét cho chúng tôi các bài hát yêu nước vô nghĩa và mấy bài diễn văn trong khi điện thoại không ngừng reo, và mỗi lần nhấc máy chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng khóc, tiếng rên rĩ và những lời thông báo rời rạc từ người nọ người kia - mà ở tình thế chúng tôi lúc này thì không thể biết diễn biến thực sự bên ngoài.
“Anh không thể chịu được nữa rồi!” tôi hét lên với Ning rồi bật dậy khỏi cái ghế trước điện thoại. “Anh đi ra ngoài đây.”
“Em đi với. Cho em đi với.” Ning cũng đứng dậy.
“Nat, Ning, hai đứa không đi đâu cả!” mẹ hét lên.
“Nhưng mẹ ơi...” Tôi vừa bồn chồn vừa tức giận.
“Nhanh lên, Amorn, kéo cửa cuốn xuống. Để khách đi ra qua cửa sau, còn chị Ngop, khóa cửa lại ngay.”
“Cho con đi đi mẹ... tất cả bạn con đều ở ngoài đó, đây là vấn đề sống chết. Để con tham gia với họ đi.” Tôi lao tới chỗ mẹ, điên cuồng lay cánh tay bà.
“Nat, mày nghe tao đây!” Bà siết mạnh bàn tay tôi. “Hãy nghĩ cho mẹ mày lấy một lần. Hai đứa mày có chuyện thì tao biết làm sao?”
“Mẹ đang ích kỷ đấy, mẹ,” Ning la lên. Nước mắt nó tuôn như suối. “Mẹ không bao giờ nghĩ về ai khác hết, mẹ thây kệ việc chúng con cảm thấy thế nào, mẹ chẳng quan tâm đến bất cứ thứ gì ngoài bản thân mình.”
“Tao công nhận tao ích kỷ đấy.” Mẹ quay người đối mặt với Ning. “Nhưng còn ai khác quan tâm đến tao đâu? Tao một thân một mình nuôi tất cả chúng mày. Không kẻ nào từng chìa tay ra lấy một lần. Còn hai đứa muốn tao để mặc chúng mày lao đầu vào chỗ chết như thế?”
“Còn mẹ muốn tụi con ngồi lì ra đó trong khi bạn bè nguy khốn” tôi to mồm đốp lại.
“Đúng thế đấy!” Mẹ hất tay tôi khỏi tay bà. “Nếu mày không chịu nổi phải nhìn cảnh bạn bè nguy khốn thì mày sẽ phải giương mắt trông mẹ mày nguy khốn trước!”
Mẹ hấp tấp lao tới quầy thu ngân giật mạnh ngăn kéo ra, chộp khẩu súng của bác Amorn giơ lên thái dương. Đôi mắt bà chiếu thẳng vào tôi và Ning với ánh nhìn sắt đá. Bà thở hổn hển khi rờ ngón tay quanh cò súng trong lúc tất cả những người còn lại ngây người ra.
“Mẹ, đừng” tôi gào khản cả cổ. “Con không đi nữa!”
Ning và tôi ngồi ôm nhau ở góc phòng. Chúng tôi không khóc nhưng nước mắt vẫn tuôn rơi. Chúng tôi ngồi như vậy đến khi ánh ngày mờ dần bỏ chúng tôi lại trong bóng tối. Chúng tôi không nói gì, không một từ, không chịu nghe bản tin trên đài, điện thoại, hay bất cứ âm thanh nào. Chúng tôi không đói, không mệt, không buồn ngủ - có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ cảm thấy gì nữa.
Tôi không nhớ là ngày hôm sau có mưa hay không, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn có cảm giác mưa đã rơi tầm tã và kéo dài, thật dài, đến nỗi nhiều người quên đi ánh mặt trời thế nào cũng như sự ấm áp và rực rỡ của nó.
Tôi rất cô đơn nhưng không dám đến gặp Eik hay bất cứ một người bạn nào khác, thậm chí cũng chẳng dám nhấc điện thoại lên gọi ai, cũng không ai liên lạc với tôi và Ning từ đó. Tôi đã từng gặp những sinh viên cảnh tả, chia nhau từng nắm cơm, làm việc cùng nhau sáng, trưa, chiều, tối, và chung nhau những quan điểm về bao vấn đề, nhưng vào những ngày mưa rơi ấy, khi tất cả chúng tôi đều ướt sũng, chúng tôi chỉ liếc nhìn nhau với đôi mặt ơ hờ khi lướt qua nhau và đi tiếp mà không hề cố gắng gặp lại, mỗi người tiếp tục cuộc đời mình như kẻ dưng dưới màn mưa mờ mịt.
Một tháng sau, mẹ Jom mất sau nhiều tháng nằm viện kể từ khi Jom bỏ nhà đi. Sau đó tôi biết được rằng với sự ra đi của bà, mọi tài sản đều rơi vào tay bà vợ mới của ông Withoon, và Jom không nhận được một xu nào từ bố mình. Cuộc sống đã từng ấm áp tình yêu, ấm áp và sung túc, cuộc sống của một công chúa nhỏ trong câu chuyện cổ tích, tất cả đã vỡ nát thành từng mảnh.
Tối nào tôi cũng đến đám tang mẹ Jom, hy vọng có thể gặp Jom, nhưng chị không xuất hiện lấy một lần. Thứ tôi chứng kiến là những con người hai mặt mà miệng lưỡi mật ngọt lập tức biến thành lời nói xấu ngay khi người ta vừa quay lưng đi, thậm chí cả về người chết còn đang nằm đó.
Yong cũng đến viếng. Tôi nhìn thấy anh ta. Chúng tôi nhìn nhau từ xa mà không nói một lời nào, mặc dù cả hai đều có bao điều để nói với người còn lại.
Ngày đầu năm có lẽ đã là ngày buồn nhất đời tôi nếu không có tấm thiệp Jom gửi. Tấm thiệp không có địa chỉ người gửi, chỉ có dấu tem Mae Rim.
“Béo thân yêu,
Lại một năm mới đến, chị không có quà gì tặng cậu ngoài những gì chị vẫn luôn dành cho cậu, đó là tình yêu, những lời chúc tốt đẹp và tấm lòng chân thành. Chị chúc cậu hạnh phúc và được mọi điều như ý.
Con trai chị đang lớn từng ngày. Chị nhìn bé âu yếm và chờ đến ngày bé sẽ bước ra ngoài thế giới. Bé là thứ quý giá duy nhất mà chị còn. Chị sống vì bé. Hãy ủng hộ chị nhé, Béo.
Yêu cậu và luôn nghĩ về cậu,
Jom.”
Tôi cẩn thận đặt tấm thiệp bên cạnh chiếc đồng hồ cát mà Jom đã từng tặng tôi nhân dịp sinh nhật nhiều năm về trước, lặng lẽ ngắm những hạt cát êm ả trôi xuống.
“Chúc mừng sinh nhật, Béo!” Tôi nhớ Jom móc từ túi áo ra một cái bọc nhỏ dúi vào tay tôi. “Chúc mừng sinh nhật sớm.” “Giờ thì em có thể lưu giữ thời gian trong một chiếc chai rồi.” Tôi tì cằm lên nắm tay thỏa mãn nhìn chiếc đồng hồ cát. “Ai bảo vậy?” Jom đan tay lại chống khuỷu tay lên bàn. “Thực tế là cậu đang hoài phí nó.” “Thật ư?” Tôi ngẩng đầu trố mắt nhìn chị. “Thôi quên đi.” Jom mỉm cười trìu mến. “Dù sao thì thời gian và đồng hồ cát đều của cậu cả. Cậu muốn làm gì với chúng là quyền của cậu.” “Em sẽ cố hết sức gìn giữ cả hai thật tốt,” tôi đã hứa. “Đứng dậy bỏ đĩa hát khác vào đi, đĩa chúng ta ấy.” “Đương nhiên rồi,” tôi đồng tình, bắt chước giọng của phát thanh viên trên đài thông báo: “Cô Jom muốn tặng ca khúc này cho anh Béo nhân sinh nhật của anh. Khi bạn lắng nghe ca khúc, xin hãy dành chút thời gian nghĩ tới người yêu cầu bài hát.” “Ngốc!” Jom vơ mấy thanh kẹo lạc ném vào tôi. “Cậu điên rồi Béo!”
Tôi không bao giờ cầm bút chì lên ngay sau ngày hôm đó, còn Ning cũng ngừng đọc sách sau cái ngày mẹ tống tất cả sách vở trong phòng nó vào thùng rồi ném xuống cái đầm sau nhà.
Chúng tôi sống cuộc sống hờ hững và cách biệt. Không có gì khiến chúng tôi nghĩ và hành động vì một mục đích nào đó. Chúng tôi còn không có sức dù chỉ để mơ mộng. Mỗi đứa ở lì trong phòng, đêm đêm cuộn tròn nhắm chặt mắt cố ngủ chỉ để thức dậy trong cô đơn và nghi ngờ.
Ning bắt đầu xử sự theo cái kiểu, như chúng tôi từng buộc cho nó, vô nghĩa - để xõa tóc, mặc quần áo Ấn Độ và đeo nhiều vòng tay, đi chân đất ra ngoài và chỉ nghe giai điệu của những cây đàn sitar cùng các loại nhạc cụ Ấn Độ khác. Nhiều khi có mùi benzoin thoảng ra từ phòng nó. Tôi nghĩ nó lén lút hút cần sa nhưng không bao giờ hỏi.
Tôi để tóc mọc lòa xòa và để ria, hoàn toàn không bận tâm tới quần áo dù có bẩn và nhăn đến đâu, cho tới tận khi tôi bị cấm không được vào lớp trừ phi cắt tóc và thay đồ mới. Mẹ bị gọi lên trường mấy lần để nhắc nhở. Lần nào mẹ cũng bảo vệ tôi đến cùng, nhưng ngay khi về đến nhà là bà suýt cầm dao cạo trọc đầu tôi.
Tôi không biết làm sao mà sống được qua khoảng thời gian đó, hay thậm chí chúng tôi đã đánh mất điều gì khi ấy để có thể tiếp tục sống đến bây giờ