Sau khi xe buýt khởi hành được hai tiếng, khung cảnh dọc đường đã không còn bóng dáng của thành thị nữa, máu nóng của Tô Liệu dần bị mùi mồ hôi và chân thối trên xe buýt làm nguội đi một nửa, lý trí dần dần len lên não. Anh bắt đầu suy xét một số vấn đề hiện thực: "Buổi tối chúng ta ngủ ở đâu?"
"Ở chỗ ông nội tôi." Du Vũ phất tay, "Chú hai của tôi hiện đang sống trên đảo, bởi vì ông tôi không chịu lên thành phố, nên chú cũng ở đấy để tiện chăm sóc ông. Chú hai mở homestay ở đảo, có cửa hàng lặn, chúng ta muốn ngủ ở đâu cũng được."
Chuyện này phát sinh đột ngột, Tô Liệu không khỏi hỏi lại: "Cậu báo với họ chưa?"
"Trước khi đi đã nói với mẹ tôi, bà ấy sẽ chuyển lời đến chú hai," Du Vũ chỉ balo căng phồng của mình, "Hồi nãy còn kêu tôi mang thực phẩm chức năng cho ông nội."
Tô Liệu: "..." Quả thật nói đi là đi.
"Cậu đừng lo, tôi về nhà mà." Du Vũ cười cười, "Về nhà còn chào hỏi trước làm gì nữa."
Tô Liệu nghe những lời này, chóp mũi Tô Liệu chua xót. Gia đình anh có một căn biệt thự lớn ở khu nhà giàu có nhất Ninh Cảng, và một căn hộ cao cấp ở mặt tiền trung tâm thành phố, nhưng anh lại điên cuồng muốn trốn khỏi nơi này.
Không thể không nói, trong nháy mắt đó, anh rất hâm mộ Du Vũ —— có một thế giới như vậy, bất cứ lúc nào, cho dù ở đâu, cậu đều có thể trở về.
Nơi khiến lòng người an tâm, mới là "nhà".
Hai người đổi từ xe buýt sang đi thuyền, cuối cùng cũng đến đảo Vọng Tiên lúc tám giờ. Chú hai ở với cạnh ông để dễ bề chăm sóc, nên sắp xếp cho hai người ở trong một căn phòng gác mái.
Ông nội Du Vũ là một ông cụ khỏe mạnh và nhiệt tình, lúc nói chuyện có chút cằn nhằn. Không biết có phải vì Du Vũ trở về hay không mà buổi tối ở nhà ông nội có rất nhiều người ra vào. Tô Liệu nghe thấy Du Vũ gọi "chú" gọi "dì" rất thân thiết, còn tưởng rằng họ là một đại gia đình, nhưng nhìn kĩ thì anh lại thấy họ không quá giống nhau, còn có mấy người hàng xóm cách vách cũng gọi ông nội Du Vũ là "Lão Hoàng" hình như không cùng một họ.
Sau khi về phòng, Tô Liệu không nén nổi tò mò: "Họ là người thân của cậu à?"
Du Vũ lắc đầu.
Hóa ra ở những thế hệ trước, làm việc trên các du thuyền ở Hoa Khê rất phổ biến, nhưng vào thời điểm đó, người dân không có đủ kinh nghiệm về luật pháp, pháp quy cũng chưa hoàn thiện, đã dẫn đến một chiếc thuyền đánh cá lớn gặp ra sự cố, những ngư dân trên thuyền một đi không trở lại. Có những góa phụ dẫn con đi tái giá, cũng có một vài đứa nhỏ bỗng dưng thành trẻ mồ côi.
Ông lão họ Hoàng, tên là Tam Thạch. Vợ ông mất sớm vì bệnh tật, hai người lại không có con, vì thế ông đã nhận nuôi mấy cô, cậu bé không nơi nương tựa, trong đó có ba Du Vũ. Sau này bọn họ lớn lên lập gia đình, coi ông nội như đấng sinh thành mà phụng dưỡng. Bây giờ trí nhớ ông nội không tốt lắm, những đứa trẻ ngày ấy ở Hoa Khê đều nguyện ý dẫn ông về chăm sóc, chỉ là ông nội lại bướng đến mức dù thế nào cũng không muốn rời đảo, cứ nghe đến thành phố thì mất bình tĩnh.
Mọi người mới cùng nhau thảo luận, cảm thấy ông cụ tuổi tác đã lớn, không cần làm ông không vui. Nếu trên đảo đủ tốt thì cứ chuyển lên đảo luôn, thành ra đảo nhỏ lại trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Buổi tối ở biển khá mát mẻ, không cần điều hòa hay quạt điện, mở cửa sổ, gió biển nhẹ nhàng và dễ chịu. Giường trong phòng cho khách không lớn, tiếng sóng ngoài cửa sổ lại giống như một thứ tiếng ồn trắng dịu dàng, hai người một đêm không mộng mị.
*
Ngành du lịch ở Hoa Khê phát triển cũng mang lại lợi ích cho đảo Vọng Tiên. Cơn sốt đổ xô làm việc tại các thành phố lớn đã qua đi, một số người trẻ tuổi chọn trở về quê hương mình. Nhưng đã một năm không gặp, "Phố biển" phồn hoa hơn nhiều trong trí nhớ của Du Vũ —— Câu cá biển, bến tàu du lịch, lặn biển, xem cá voi và các loại hoạt động du lịch nhân rộng. Mới bắt đầu kỳ nghỉ hè, đảo đã vào mùa cao điểm du lịch, đâu đâu cũng thấy các gia đình có con nhỏ.
Sáng sớm, Du Vũ đã đề nghị: "Chú hai, bọn cháu muốn đi biển."
"Ầy," Chú hai chỉ sang bên trái, “Nếu muốn ra biển xem cá voi thì mua vé ở đây, rồi đi thuyền từ bến tàu đến đảo Hoa Đào để du ngoạn ngắm cá voi." Sau đó, ông lại chỉ sang bên phải: "Còn muốn dẫn bạn đi lặn thì nói trước với chú, chú gọi cho thằng bạn mới khai trương cửa hàng đồ lặn."
Nhưng Du Vũ lại lắc đầu: “Không, không, cháu không muốn đi đến mấy con đường thương mại đó, mà là —— chỗ đấy cơ!” Cậu không nói rõ mà nhấn mạnh một cách thần bí: “Cháu muốn dẫn bạn đến đấy nên đến mượn thuyền của chú."
"Thằng quỷ, cháu lên đảo ăn không ở không, còn muốn cọ thuyền lặn miễn phí?" Chú hai dùng ngón trỏ búng trán Du Vũ, "Cháu đi mà hỏi ông nội có đồng ý không ấy!"
Du Vũ toét miệng cười với trưởng bối, Tô Liệu lại có chút ngượng ngùng, liền vội vàng nói: "Chú ơi, cái này bao nhiêu tiền ạ? Chỗ ở, lặn biển... Cháu có thể trả."
"Ai, bạn bè của tiểu Vũ cả mà, ông nội không lấy tiền đâu." Chú hai xua tay, đi trở vào trong nhà, lấy ra hai cái xô gỗ hỏng, lần lượt nhét vào trong ngực hai người, “Quy tắc cũ, mỗi đứa đào cho ông nội một chậu nghêu, đào đầy thì chú dẫn ra biển.”
Tô Liệu nhìn chằm chằm vào cái xô bị rò rỉ trong tay, vẻ mặt mờ mịt.
Du Vũ lập tức vui vẻ: "Đi, tôi dạy cậu."
Hai người nhảy lên chiếc xe ba bánh cọc cạch, chú hai đưa họ đến một vùng bãi triều do ngư dân địa phương ký hợp đồng. Nước biển đã rút gần hết, chỉ còn lại vài vũng nước và mấy bãi cát ngập nước. Có mấy cô chú đầu đội mũ rơm, vai quấn khăn ướt, chân đi dép xỏ ngón, cũng cầm một cái chậu gỗ to như bọn họ.
Du Vũ mặc một chiếc ba lỗ đen cộc tay, quần cộc bó eo, càng ra dáng vai rộng eo hẹp. Cậu quỳ một gối trên bờ cát, từ trong xô gỗ lấy ra một cái xẻng cùng một bình đựng đầy muối trắng: "Cậu nhìn này, trước hết lấy cái xẻng này xúc cát. Sau đó, tìm mấy cái lỗ nhỏ."
Tô Liệu ngồi xổm ở bên cạnh cậu, tò mò ngó nghiêng dáo dát, mọi thứ trên bãi biển đều khiến anh cảm thấy mới mẻ.
"Tháng bảy, tháng tám là mùa nghêu, mùa này nghêu rất to, thịt vừa béo vừa ngọt, đổi một chậu được không ít tiền.” Du Vũ cắm xẻng xuống cát, cố hết sức đẩy ra, cậu xúc mấy xẻng nhưng mặt cát vẫn láng o, không khỏi có chút tức giận, "Mẹ kiếp, tôi lụt nghề rồi, lúc trước chỉ cần một xẻng là được một con!"
Cậu còn chưa nói xong, tiếp tục cầm xẻng múc xuống, trên cát đột nhiên xuất hiện một cái lỗ nhỏ, đường kính ước chừng 1 cm, Du Vũ mừng rỡ: "Nhìn xem, chính là cái lỗ này!"
"Tìm được cái lỗ này rồi," Du Vũ lắc chai đựng muối trong tay, bóp mạnh miệng chai, “Rải chút muối lên cái lỗ đó.”
Những hạt muối trắng tan ra khi gặp nước xung quanh miệng lỗ nhỏ. Đột nhiên, một con nghêu "bật" ra khỏi lỗ như thể bị một chiếc lò xo ấn vào. "Lớn ghê," Du Vũ móc con nghêu ra khỏi cát ném vào trong xô, “Ha ha, phải vậy chứ!”
Tô Liệu cầm xẻng: "Tôi thử xem."
Anh quỳ trên mặt cát, noi theo Du Vũ xúc cát, có lẽ là vận may của người mới, Tô Liệu rất nhanh đã đào ra một cái lỗ nhỏ khác. Anh cẩn thận rắc muối lên miệng lỗ, đợi một lúc vẫn không thấy có gì xảy ra.
Ơ? Chẳng lẽ không có gì bên dưới?
Nhưng ngay khi Tô Liệu ghé đầu nhìn, một con nghêu mập mạp đột nhiên vọt ra, mang theo tiếng "rút dao", phun nước biển lên mặt anh. Tô Liệu lập tức đau đớn che mắt: "Đệt."
Du Vũ cười to.
Một năm qua, toàn là Tô Liệu dạy Du Vũ, điều kiện đề bài là gì, vẽ đường thẳng phụ như thế nào, cách chia động từ tiếng Anh dễ nhớ... Có lúc đầu óc Du Vũ chưa kịp tải, không thiếu những lần bị Tô Liệu cà khịa đôi ba câu. Bây giờ thời thế đổi thay, cuối cùng cũng đến ngày tiểu bá vương được nở mày nở mặt.
Khả năng đào nghêu của Tô Liệu rõ ràng không bằng Du Vũ, khi hai người cùng nhau đào được hai xô lớn thì đã gần đến giờ ăn tối. Buổi chiều, chú hai đã đi mượn cho Du Vũ một chiếc thuyền chạy bằng điện màu trắng, chở rất nhiều thiết bị lặn và lắp định vị khẩn cấp GPS, hẳn là ngày thường để đón khách du lịch.
"Chú ý an toàn!"
Du Vũ hờ hững xua tay: "Biết rồi!"
Tô Liệu không thể không thừa nhận, Du Vũ rất bá trên biển, có thể lặn xuống hơn 30 mét để bắt cá, có thể chèo thuyền cưỡi gió vượt sóng. Con thuyền nhỏ màu trắng có lực đẩy đáng kinh ngạc, một đường ra khơi xa. Chẳng mấy chốc, đảo Vọng Tiên đã nhỏ đến mức khoảng cách giữa ngón cái và ngón trỏ suýt soát.
Tô Liệu không nhịn được khẩn trương lên: "Cậu muốn dẫn tôi đi đâu thế?"
Du Vũ vô cùng thần bí, ẩn ý nhìn anh: "Cậu đoán xem?"
Tô Liệu suy nghĩ một chút: "Cậu đưa tôi đi xem cá voi?" Vừa rồi anh nhìn thấy quảng cáo trên bến tàu, nói rằng xác suất nhìn thấy cá voi chỉ có 2-30%. Tuy nhiên, cho dù không thấy được cá voi, đại khái vẫn có thể gặp cá heo, nên mọi người vẫn rất vui vẻ hưởng ứng.
Du Vũ lắc đầu, nói muốn xem cá voi phải ngồi tàu lớn, mất một hai tiếng mới lái đến nơi. Suy cho cùng, vùng nước ven biển của Trung Quốc tương đối nông, đây không phải là độ sâu mà loài cá voi ưa thích, cộng với việc đánh bắt quá mức trong nhiều năm và ô nhiễm của vùng biển xa bờ, cá voi đã ngừng đến khu vực này một thời gian rồi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính sách bảo vệ sinh thái trên mọi khía cạnh đã được triển khai, có nhiều cách xem cá voi văn minh và tiêu chuẩn hơn, từ đó bọn chúng mới bắt đầu hoạt động trở lại.
Vài phút sau, Tô Liệu nhìn thấy một ít đá ngầm xuất hiện trên mặt biển, chúng bị xói mòn bởi thời tiết. Du Vũ chỉ vào một cặp đá ngầm hình chữ “U”: "Khi tôi còn nhỏ, ba tôi đã đưa tôi đến đây và tìm thấy một con cá voi nhỏ mắc cạn trong khe nứt. Nó chỉ dài cỡ một, hai mét, nhưng thực sự rất lớn dù mới chỉ là một đứa nhỏ."
"Sau đó, ba tôi đã báo cáo với chính quyền, bỏ sức chín trâu hai hổ mới cứu được nó." Du Vũ lắc đầu, "Tôi không biết có phải sau lần đó, cá voi hoạt động ở khu vực này thường xuyên hơn hay không."
"Sau này ba tôi lặn xuống, phát hiện địa hình ở khu vực này rất kì lạ."
"Cậu nhìn phiến đá bên kia mặt biển, màu sắc rất nhạt, gần như màu da của chúng ta, chỗ sâu nhất cũng chỉ có mười hai mét. Có lẽ rất lâu trước đây từng là một hòn đảo, bị nước biển bao phủ." Du Vũ vươn ngón tay hướng chỉ đến khu vực xa hơn, "Còn vùng biển ở phiến đá bên kia sâu hơn, bởi vì phía dưới có vực sâu, cũng chính là vách núi dưới lòng biển."
"Con cá voi nhỏ kia nhất định là từ biển sâu bơi tới, ngoài ý muốn mắc cạn ở chỗ này."
"Những rạn san hô ngăn dòng chảy của biển, đồng thời tạo cho sinh vật biển một không gian sinh trưởng đa dạng hơn." Du Vũ tắt máy, dừng thuyền lại. Cậu chỉ vào phía dưới hải vực, mỉm cười dịu dàng: "Tôi muốn cho cậu xem, vườn hoa bí mật của mình."