(Trích 2 câu trong bài Ly tao của Khuất Nguyên)
Thái thượng hoàng hoăng thế, ta đi trông lăng cho Người, cùng Người bầu bạn.
(Hoăng thế: qua đời)
Ta đã theo Người từ lúc Người chỉ mới là một Hoàng tử, trong cung không có địa vị, vì gia đình ngoại thích không được lớn mạnh mà mẫu thân bị lạnh nhạt. Thế nhưng lúc đó Người ngây thơ hồn nhiên, không bận lòng chuyện tranh đoạt quyền lực. Ngày ngày đều quấn quýt bên mẫu thân, đọc sách, ngâm thơ, đánh cờ.
Nhìn Người trưởng thành, trở thành một nam nhân phong nhã tài hoa, ta đã quên mất trong cung cấm này, không phải cứ an phận là có thể sống qua ngày.
Người càng được lòng Tiên đế bao nhiêu, mẫu thân Người lại càng khổ tâm bấy nhiêu.
Bà vốn dĩ không muốn tranh đoạt, chỉ vì phút yếu lòng mà theo Tiên đế tiến cung, nhưng tình cảm của Đế vương có mấy khi lâu bền. Bà bị giam trong bốn bức tường sơn son thiếp vàng, ngày ngày đối mặt với cung quy điều lệ, thân tâm sớm đã nguội lạnh với hồng trần cho nên ngày bà ra đi mới thanh thản nhẹ nhàng đến vậy.
Đối mặt với cái chết của mẫu thân, đứa trẻ đơn thuần ngày nào bỗng chốc trở thành một Thái tử lạnh lùng cẩn thận, Người không ngần ngại lợi dụng tình cảm của người khác để từng bước tiến lên.
Đến bây giờ ta vẫn còn nhớ ánh mắt bàng hoàng đầy sợ sệt của Tiên đế trước khi băng hà. Ngài nhìn đứa con trai một tay mình dốc lòng dưỡng dạy đứng trên cao nhìn xuống, gương mặt không một biểu cảm.
“Nếu không phải nàng ấy đầu độc ông thì cũng là ta khiến ông bán thân bất toại, sống không được chết không xong. Ông nên biết điều mà tạ ơn đi.”
Tham vọng đó, ta cứ ngỡ sẽ nuốt chửng lấy Người, nhưng không biết nên cảm thấy may mắn hay bất hạnh khi Người gặp gỡ người đó.
Người cứ ép buộc mình phải vô tình, Người nghĩ rằng tỉnh cảm trong lòng không ai có thể biết được. Thực ra lúc đó ta chỉ muốn nói rằng, ánh mắt Người nhìn nữ tử đó đã tố cáo lên tất cả. Tựa như mặt trời mọc rồi lặn, tựa như thủy triều lên rồi xuống, nét dịu dàng trong đôi mắt sâu thẳm của Người chỉ có tên ngốc kia mới không nhìn ra. Mà Người, cũng ngốc nghếch chẳng khác gì người đó.
Người nói với ta: “Hòa Trung, ta thà để cả nàng ấy nghĩ ta độc ác, cũng không muốn nàng ấy biết thế gian này còn tàn nhẫn gấp bội.”
Vậy là Người nhận hết tội lỗi về mình, mặc dù Người vốn không hề có ý định giết chết vị Hữu thừa tường đó, mặc dù Người đã ngăn cản dã tâm của Tư Đồ Cung, nhưng lại không cản được số trời.
Ngoài mặt thì lạnh lùng, nhưng trong lòng bão tố.
Ta biết Người tìm đủ mọi cách để biết được tung tích của nàng ta, nhưng khi đối mặt với con số không tròn trĩnh Người lại vờ như mình đã buông bỏ. Đáng lí ra ta đã không cần bận tâm Người có thật sự quên đi hay chỉ đóng kịch, bởi vì chỉ cần không gặp thì sẽ không phải kìm nén. Thế nhưng trớ trêu thay, người trước kia tự mình bỏ đi nay lại đột nhiên quay về.
Khi Người hỏi ta có nên giữ nàng ấy bên mình hay không, ta lắc đầu nhưng rõ ràng lòng Người đã có đáp án. Rốt cuộc thì Người vẫn tình nguyện lấy dao đâm vào tim mình thêm lần nữa, kết quả không thay đổi nhưng con người đã đổi thay. Kể từ ngày đó, Người trở nên trầm lặng hơn cả trước kia, ánh mắt ngước nhìn bầu trời cũng ảm đạm đến bi thương.
Dường như ông trời vẫn cảm thấy nhân sinh này chưa đủ tàn nhẫn, lại một lần nữa đẩy Người vào góc tối sâu thẳm đầy cô độc, ngăn cả không để bất kỳ ai đến gần.
Năm Thuấn Vũ thứ Tám, quan Thái sử ghi chép, Hoàng hậu Võ thị hạ sinh long phụng, giúp hoàng thất khai chi tán diệp, Hoàng thượng vui mừng ban thưởng hậu hĩnh, còn tự tay hạ bút đặt tên cho Trưởng công chúa, hiệu là Quân Huy.
Người mang Công chúa đến cung của mình, người ngoài nhìn vào cứ nghĩ là Người vui mừng vì sau bao năm chờ đợi cuối cùng cũng có hoàng tự, nhưng chỉ có ta biết lý do thật sự. Công chúa thoạt nhìn trông rất giống người đã mất kia.
Người nói với ta, nhất định là Tiểu Vũ thấy người cô đơn buồn bã cho nên mới để Công chúa đến bên cạnh người.
Nhìn Công chúa càng lớn càng có nét đẹp quen thuộc kia, ta lại càng lo lắng, thế nhưng Người cứ giữ bên cạnh dạy dỗ yêu chiều.
Năm Thuấn Vũ thứ Hai Mươi Lăm, Công chúa đã tròn mười bảy nhưng vẫn không thấy phối hôn. Triều thần dâng tấu sớ mong Người nhanh chóng ban hôn sự, nhưng Người cứ lần lữa mãi. Thượng thư bộ Lễ, trong buổi thượng triều tiếp đón sứ giả là Thái tử nước Giả Na, mạnh dạn đề cập đến việc liên hôn giữa Giả Na và Đại Phù.
Người tức giận vô cùng:
“Nếu Trẫm không chuẩn tấu thì khanh định thế nào? Tạo phản?”
“Thần thân là đại quan, một lòng muốn tốt cho quốc gia nhưng lời này Bệ hạ lại chẳng để tâm, hẳn là do bản thân vô dụng. Thần cam nguyện bỏ mũ trả tước, từ này chỉ làm ngu dân cày ruộng.”
“Vậy thì Trẫm đành phụ lòng tốt của khanh. Người đâu, tước bỏ mũ mão áo quan của Vi Thượng thư, đuổi về quê làm ruộng. Bãi triều!”
Trước khi trở về cố hương, Vi Đại nhân muốn gặp Người lần cuối, Người cứ nghĩ y đến để nhận lỗi, ai ngờ ta đứng hầu bên cạnh chỉ thấy y để lại một phong thư, tức giận gằn từng chữ rồi quay bước rời đi.
“Người con gái tên Diệp Hạ Vũ vốn đã không còn trên đời này nữa!”
Ta không biết trong thư viết gì, chỉ thấy Người mở ra đọc rồi lẳng lặng gấp lại, đặt bút hạ chỉ ban hôn.
Từ ngày Công chúa xuất giá, Người bỗng trở bệnh, Thái y viện cứ sắc thuốc mãi mà không lành. Còn Người, mặc cho bao người khuyên can, vẫn dậy sớm thức khuya bận rộn chính sự, hễ có thời gian rảnh rỗi là lại đuổi hết cung nhân ra ngoài, lặng lẽ đọc bức thư kia.
Mùa đông năm Thuấn Vũ thứ Hai Mươi Bảy, có chuyện vui cũng có chuyện buồn.
Thái tử phi hoài thai vừa lúc tin báo Thái tử thắng trận trở về.
Võ Hoàng hậu mắc phong hàn suốt một tháng, miễn các lễ nghi thỉnh an, một mình ở trong cung dưỡng bệnh.
Người có đến thăm nhưng Hoàng hậu lấy lý do lây bệnh sang long thể nên từ chối ra tiếp. Người cũng chỉ dặn dò đôi ba câu với Thái y rồi quay bước rời đi. Tuy nhiên Người không về cung mà ra bờ hồ Hy Hòa, gió trời lạnh buốt khiến mặt hồ toàn bộ đều đóng băng, ta khuyên mãi mà Người không chịu trở về.
Một lúc sau Thái tử phi đến hành lễ thỉnh an.
“Sau này con không cần vào cung chăm sóc Hoàng hậu nữa.”
Thái tử phi nhẹ nhàng từ chối: “Mẫu hậu thân thể bất an, phận làm con, nhi thần đến chăm sóc người là chuyện nên làm.”
“Trẫm biết Hoàng hậu không có bệnh, yến tiệc cuối năm không muốn nhìn thấy Trẫm nên mới làm thế. Thời tiết Đại Phù mùa đông khô hanh, con ở không quen thì đừng ra ngoài nhiều, ở trong Đông Cung dưỡng thai cho tốt là được.”
Thái tử phi là người nhanh nhạy, cũng không từ chối gì thêm nữa.
Người ngẫm nghĩ gì đó, rồi hỏi: “Hoa đào giờ đã nở chưa?”
Thái tử phi vốn gốc là người Mạc, phụ thân làm quan trong triều nên mới chuyển về Đại Phù, hằng năm đều chuyển vài cây đào từ quê lên theo lệ đón xuân của tổ tiên.
“Bẩm Phụ hoàng, mấy ngày trước đã nở cánh đầu tiên, phụ thân có tặng cho nhi thần một cây.”
“Hẳn là rất đẹp...”
“Nếu Phụ hoàng thích, nhi thần sẽ viết thư nhờ phụ thân mang vào vài chậu, đặt trong cung cũng rất đẹp.”
Ta thấy Người hơi ngập ngừng rồi lại lắc đầu: “Cũng không sống nổi được đến năm sau, ngắm làm gì sự úa tàn sau xuân.”
Ta nhìn Người đứng bần thần trong gió hồi lâu, càng nhìn càng cảm thấy bóng lưng ấy xót xa cô độc biết bao.
Thật ra mấy năm trước Tri châu Bình Giam cũng có dâng sớ muốn tặng Người hai cây đào chuyển về từ vùng cố kinh, Người cầm tấu chương nhìn hồi lâu mà không hề phát hiện ra nước mắt đã chảy xuống ướt đẫm trang giấy.
“Hòa Trung, nàng ấy nói không nên gượng ép những thứ không thuộc về nhau.”
Một câu nói rõ ràng là vô tình lạnh lùng, vậy mà Người cứ đem nó cất giữ trong lòng, giả vờ như một lời dặn dò yêu thương, rồi lại một mình loay hoay khổ sở với nỗi nhớ. Vứt đi không được, xoa dịu lại càng không thể.
Thuấn Vũ năm thứ Hai Mươi Tám.
Một lần trong lúc mang đồ ăn tối vào Ngự thư phòng, ta đột nhiên nghe thấy tiếng Người nói chuyện. Ta lấy làm lạ, hôm nay quan lại đến bàn việc đều đã về hết rồi, Thái tử phi chuyển dạ, Thái tử đã về từ sớm, vậy thì Người nói chuyện với ai.
Ta đứng bên ngoài chưa vào, khẽ đẩy cửa nhìn bên trong. Chỉ thấy Người đứng quay lưng lại với mình, nhìn vào bức tranh treo trên giá, giọng người dịu dàng vui vẻ.
“Tiểu Vũ, hôm qua ta mơ thấy nàng. Nàng may cho ta một bộ y phục, mặc dù tay áo hơi ngắn, đường chỉ cũng không được đẹp nhưng ta rất thích. Ta còn mơ thấy buổi sáng thức giấc, chúng ta cùng nhau xếp chăn, ta đặt lên tráng nàng một nụ hôn thật nhẹ. Rồi ta thấy bản thân bồn chồn đi lại trước cửa phòng, bà đỡ vui mừng thông báo nàng vừa hạ sinh con trai.”
Người hơi ngừng lại, cúi đầu chạm hình vẽ trên bức tranh cười một tiếng trầm thấp.
“Nàng không biết đâu, lúc đó ta đã chạy như điên vào phòng, đến giày cũng chẳng buồn tháo. Ta mơ thấy ta và nàng cùng ngồi bên hiên nhà đầy nắng. Lúc đó hình như lũ trẻ của chúng ta đã biết chạy nhảy rồi, hai ta cùng ngắm nhìn chúng nô đùa ngoài sân. Ta sẽ mang cả gia đình đến thảo nguyên cưỡi ngựa, đốt lửa nhảy múa và làm bánh nếp hòe.”
Người nhắm mắt, khe khẽ thở dài, lời nói bị chặn lại không dám thốt lên: “Nhưng khi mở mắt ra, chỉ còn lại một mình ta trên chiếc giường rộng lớn. Tiểu Vũ, trướng gấm vàng rực lúc đó, ta không thích một chút nào cả...”
Rồi Người khuỵu gối ngồi xuống bên cạnh bức tranh, tựa đầu vào giá treo, giọng người khẽ khẽ một mình vang vọng trong điện rộng trần cao: “Tiểu Vũ, ta thật sự rất nhớ nàng, một mình ta chịu đựng không nổi nữa rồi, phải làm sao đây?”
Ta đứng lặng, chỉ biết thở dài nhìn nam tử từng xông pha chiến trường, dày dạn gió sương, lãnh đạm trí tuệ, quyền lực vô song mà người đời vẫn luôn sùng bái kính ngưỡng. Hóa ra cũng có thứ có thể đánh gục con người hoàn hảo này, Người cứ thế mà thua không còn một mảnh giáp.
Thuấn Vũ cùng năm, Người sắp xếp truyền ngôi cho Thái tử, còn mình thì lặng lẽ rút về điện Trường Tuế, ngoại trừ một vài người hầu bên cạnh thì không tiếp kiến bất kỳ ai nữa.
Trí nhớ của Người bỗng nhiên suy giảm, Thái y giải thích là do Người ngày thường làm việc quá độ nên sớm kiệt quệ, không có biện pháp nào chữa trị.
Ta lúc nào cũng đứng ngoài cửa đợi gọi, dù có mỏi chân cũng không dám rời đi, chỉ sợ Người bỗng nhiên bắt gặp lại những đồ vật cũ, không nhớ ra thì còn có thể hỏi ta. Đến việc dọn phòng, ta cũng đứng một bên quan sát, sợ bọn nô tài không biết lại vứt đi thứ gì.
Một hôm Người đang ngồi đọc sách thì bỗng nhiên gọi ta vào. Tay Người cầm một mảnh giấy Tuyên, trên khuôn mặt đã trải sương gió là đôi mắt ngây ngô như đứa trẻ. Người hỏi ta: “Hòa Trung, thư này là ai gửi?”
Ta nhận lấy đọc thử.
“Gửi Hy Hy, ta biết Đường Nhất Bạch vẫn luôn nợ ta một lời hứa mười dặm hoa đào, thật ra vì chàng đến nên ta cũng không còn chấp nhất chuyện hắn thất hẹn nữa rồi. Chỉ cần có thể yêu chàng thêm một ngày thì yêu thêm một ngày, chỉ cần có thể ngắm chàng thêm một ngày thì ngắm thêm một ngày, vậy là đã thành ý mãn nguyện. Chúng ta đã từng thật hạnh phúc, sau này không còn bên nhau nữa thì cũng phải sống thật tốt, phải kiên cường với cuộc sống này.
Kiếp này tan biến rồi, mong rằng có thể hóa thành những giọt mưa mát rượi nhẹ nhàng ôm lấy trái tim chàng, xoa dịu những nỗi đau bỏng rát của chàng.”
Ta nhìn nét chữ thanh thoát mà mạnh mẽ, rồi lại nhìn nét tò mò chờ đợi trên gương mặt Người, một chữ cũng không nói nên.
Bức thư mà Người từng đem ra đọc hằng ngày, mỗi một nét đậm nhạt trong đó đều thuộc nằm lòng, vậy mà cũng có ngày Người mang chính bức thư đó đi hỏi ta người gửi là ai.
Rốt cuộc ta phải vui mừng vì cuối cùng Người cũng đã buông bỏ được người nên buông bỏ, hay phải chua xót bởi vì cuộc đời của vị chí tôn này, đến cuối cùng không những không thể giữ nổi thân xác nữ nhân mình yêu, mà còn đánh mất cả hình bóng người đó trong tim?
Cả ngày hôm đó, Người ngồi trên ghế dài ngoài sân, ngây ngô ngắm nhìn bức thư thật lâu.
Chớp mắt một cái mà đã sang đông, Đại Phù dù cho thời tiết hanh khô, lạnh giá đến đâu cũng không có tuyết rơi.
Đêm nọ ta vào phòng Người kiểm tra lò đốt, đang loay hoay thì nghe thấy tiếng Người từ trong giường truyền ra.
“...Được, ta đồng ý với nàng. Ngày mai dẫn nàng ra ngoài ngắm hoa đào...”
Giọng Người càng ngày càng nhỏ, tựa như đang thủ thỉ tâm sự cùng ai, có cả tiếng cười khúc khích xen lẫn.
Hôm sau tuyết bỗng rơi, chỉ là bông nhỏ lại rất thưa nếu không nhìn kỹ sẽ tưởng là mưa, thế nhưng trời trong quang đãng, còn có nắng nhẹ.
Ta ngẩng đầu mỉm cười, quả là một ngày đẹp để hẹn nhau ngắm hoa đào nở.
Nhớ thương đợi khanh đến, tròn hẹn tâm tình quân.
(Khanh, quân: cách gọi người yêu thời xưa)