Những mánh chui vé kiểu này Vương Nhuệ được nghe từ các công nhân. Bọn họ rất hay trốn vé, kể đến là ai cũng sành sỏi ra mặt. Vương Nhuệ cũng từng có ý đồ chui vé, có lần anh chỉ mua một vé lên tàu, nhưng bảo vệ vừa đến kiểm tra, anh sợ mất hồn mất vía, không biết nên chạy vào nhà vệ sinh hay tót xuống gầm ghế trước mắt bàn dân thiên hạ.
Cuối cùng anh đề nghị mua vé bù, kết quả phải bỏ ra hai tệ, giác ngộ thấy được một mất mười, về sau không đời nào dám mạo hiểm vậy nữa.
Bảo vệ áp giải mấy vị anh hùng trốn vé bị mắc lưới, liếc thấy Vương Nhuệ, cho rằng khách đứng ở khoang pha chế này có vẻ khả nghi, liền thét lên: “Vé của đồng chí đâu?”
Vương Nhuệ lục vé trong túi áo khoác, anh nhớ sau khi soát vé đã nhét vào đó. Nhưng moi mãi vẫn không thấy tung tích tấm vé đó đâu, anh lại lục đến túi quần, túi quần cũng rỗng tuếch!
Tim anh hẫng một nhịp: Lẽ nào anh đánh rơi trong lúc chen chúc. Vương Nhuệ cúi đầu nhìn sàn, chỉ thấy vỏ quýt, vỏ hạt dưa và giấy ăn, không chút bóng dáng tấm phiếu. Vương Nhuệ hoảng hốt khô cả họng, anh cứng họng cãi bảo vệ: “Thề là tôi mua vé rồi!”
Bảo vệ cười nhạt: “Mấy trò này tôi còn lạ lắm đấy, đi theo tôi!”
Trong lúc bảo vệ kiểm tra vé của Vương Nhuệ, mấy tên trốn vé còn lại tẩu mất. Bảo vệ quay ra thấy chẳng còn một ai, liền hỏi người đàn bà bế con ngồi dưới đất: “Chị thấy họ chạy hướng nào không? Chạy lên khoang trước hay xuống khoang sau?!”
Người đàn bà nói: “Tôi bận trông con tôi chứ trông họ làm gì, ai mà biết họ chạy đi đâu?”
Bảo vệ đổ hết tội trạng lên đầu Vương Nhuệ: “Đi theo tôi!”
Vương Nhuệ lóng ngóng lục vé, bực mình vì không thể lột [email protected] đồ tìm một lượt. Bảo vệ yêu cầu anh đi theo, anh nói: “Đợi tôi tìm lại hẵng, tôi có mua vé thật mà!”
Bảo vệ nói: “Tôi tóm được anh thì để lọt mất tận năm tên! Anh có phải đồng bọn của chúng không? Anh giữ chân tôi để cho họ chạy thoát chứ gì!”
Vương Nhuệ oan ức vô cùng: “Anh đừng vu oan giá họa, tôi là đồng bọn với họ khi nào! Tôi với họ không quen không biết, chưa kể tàu của các anh là tấm lưới, bọn họ là cá trong lưới, miếu ở đây hòa thượng còn chạy đi đâu được?”
Câu này của anh khiến bảo vệ cười nắc nẻ. Người đàn bà đang bế con cũng bật cười, chị ta bảo bảo vệ: “Tôi thấy anh còn chẳng bằng con gấu! Gấu đen tách ngô còn biết tách một bắp bỏ một bắp, anh thì tách một bỏ năm!”
Nghe chị nói vậy Vương Nhuệ cũng đỡ căng thẳng. Anh bật cười, bảo vệ cũng cười, hành khách tập trung trong khoang này cũng cười. Mọi người như đang nói tướng thanh, không khí vui vẻ hòa thuận. Đáng tiếc tiếng cười không phải bàn tay biết hóa phép, không thể giúp Vương Nhuệ tìm về tấm vé thất lạc, anh chỉ đành cúi đầu uể oải đi theo bảo vệ. Họ đi dọc đến toa ăn uống, ở đó đã có mấy bảo vệ khác đang bổ sung vé cho quân trốn vé.
Toa ăn uống có vài ghế trống, mấy cô phục vụ túm tụm nói cười, còn có vài đầu bếp đang đánh poker. Đầu bếp đội mũ trắng, áo khoác vốn trắng phau nhuốm màu dầu mỡ. Ruồi nhặng khoan thai le ve quanh tấm khăn trải bàn loang lổ vết nhơ.
Vương Nhuệ ngồi xuống, kiên nhẫn giải thích với bảo vệ: “Xin đảm bảo với anh, tôi chưa dám trốn vé bao giờ! Anh cho tôi mấy phút, tôi chạy quanh đây tìm lại!”
Bảo vệ nói: “Để bắt anh mà lọt mất năm người, tôi chưa bắt anh mua bù sáu vé là may cho anh lắm rồi! Nói mau, anh lên tàu từ trạm nào? Xuống ở trạm nào?”
Vương Nhuệ nói: “Tôi lên ở trạm Nhượng Hồ Lộ, muốn đi đến Cáp Nhĩ Tân!”
Bảo vệ gọi nhân viên bù vé: “Cho cậu này một vé từ Nhượng Hồ Lộ đến Cáp Nhĩ Tân!”
Vương Nhuệ sốt ruột: “Tôi thề, tôi mà chưa mua vé thì bị sét đánh chết!”
Bảo vệ nói: “Trời nắng chang chang thế này lấy đâu ra sét, thề thốt cái gì? Mua bù vé mau lên, không có đến Cáp Nhĩ Tân tôi gọi người đưa anh vào đồn đấy!”
Vương Nhuệ vẫn cứng đầu, anh dõng dạc từng chữ: “Tôi – không – trốn – vé!”
Bảo vệ nói: “Lời nói vô căn cứ, mang vé ra đây chứng minh coi!?”
Vương Nhuệ: “Thế anh để tôi chạy vào nhà vệ sinh cởi hết quần áo ra kiểm tra, kiểm tra từng ngóc ngách!”
Bảo vệ nói: “Không phải vào đấy làm gì, cứ đứng ngay đây mà cởi! Thời nay ai còn là kim đồng ngọc nữ chớ, có bộ phận nào trên cơ thể người chưa ai từng thấy đâu, cởi đê!”
Câu nói của bảo vệ khiến mấy nữ phục vụ cười khúc khích, nhưng miệng chưa khép cũng đã nhanh chân rút chìa khóa rời khỏi khoang ăn uống. Xem ra lại sắp đến một trạm nữa, họ phải phụ trách mở cửa khoang xe mình quản lý.
Vương Nhuệ cảm thấy mình bị sỉ nhục nặng nề, anh gầm lên: “Tôi có mua vé rồi, nhưng tôi không tìm thấy thật, chắc chắn nó đã rơi ở đâu đó!”
Bảo vệ cười: “Đừng kích động, ngày lễ tết thế này, dĩ hòa vi quý thôi được không? Mau mua vé bù rồi rời khỏi đây đi!”
Vương Nhuệ vẫn không cam lòng, anh nhớ không sai, tấm vé đó thực sự nhét trong túi áo. Anh cởi chiếc áo, bộ dạng như các nhà khảo cổ khai quật mồ mả, nghiêm túc săm soi túi áo. Kết quả phát hiện túi áo bị rạn chỉ bên trong, vé xe tọt vào miếng lót.
May mà miếng vải lót bên trong được máy khá kĩ nên tờ vé mới bình yên nằm gọn trong đó. Hồ hởi lôi tấm vé bày trước mặt bảo vệ, anh thực sự phát bực với cái áo này, có khác gì tên hán gian bán đứng anh không cơ chứ!
Bảo vệ trông thấy tấm vé liền nói: “Thực sự đổ oan cho cậu rồi ư!”
Thấy Vương Nhuệ tủi thân như sắp khóc, bảo vệ lại nói: “Thôi cậu ngồi đây đi, không thu tiền ghế của cậu nữa!”
Vương Nhuệ chẳng thèm ngồi lại đây, anh muốn quay về chỗ ban đầu. Anh phải mang tấm vé về cho hành khách trong khoang đó chứng kiến, anh không hề nói dối, anh hoàn toàn trong sạch! Vương Nhuệ vắt áo khoác lên tay, sải chân ra khỏi khoang ăn uống.
Cùng lúc tàu hỏa cũng rời trạm, con xe rung lắc dữ dội khiến Vương Nhuệ cũng loạng choạng theo. Lúc về đến chỗ đứng ban đầu, anh thấy người đàn bà bế con đã đi mất, không biết xuống tàu rồi hay đi tìm chỗ ngồi khác! Hành khách ban đầu ở đó cũng đã thay thế bằng những khuôn mặt mới. Chỉ còn lại bếp đun rỉ sét là vẫn bày ra bộ mặt từng trải mùi đời, nghênh đón anh trở lại.
Sau sự hụt hẫng Lâm Tú San để lại, Vương Nhuệ sinh ra ảo não, thêm trận phong ba vé tàu ban nãy khiến tâm trạng anh sa sút triệt để. Nghĩ bụng sớm biết thế này đã không bốc phét trước ống kính, chẳng những bị đồng nghiệp chê cười, ngày nghỉ anh đánh đổi cũng chằng hề vui vẻ.
Trưa hôm trước, lúc ăn trưa trong công trường, quản đốc gọi anh ra bảo có hai phóng viên của đài truyền hình đến đây, muốn phỏng vấn tình hình đãi ngộ đối với người làm thuê. Quản đốc thấy Vương Nhuệ có ngoại hình ổn, mồm miệng cũng khéo, bảo anh phát biểu vài lời hay ho về công ty, cứ nói điều kiện ăn ở công ty trợ cấp rất tốt, cũng chưa từng nợ lương nhân công vân vân mây mây.
Vương Nhuệ không muốn làm người phát ngôn cho họ, nhưng đốc công thì thầm vào tai anh: “Cậu nói tốt sẽ thưởng cậu 100 đồng!”
Vương Nhuệ nói: “Ngoài tiền ra em còn muốn xin nghỉ Tết Trung thu, có vậy em mới đi.”
Đốc công vỗ ngực: “Không thành vấn đề!” Thế là Vương Nhuệ bị phóng viên kéo sang một bên phỏng vấn.
Phóng viên nam chĩa ống kính như tên lửa vào mặt anh, nữ phóng viên thì cầm cây mía tượng trưng cho micro dí vào mồm anh. Tuy là lần đầu ghi hình, nhưng Vương Nhuệ không hề thấy căng thẳng.
Phóng viên hỏi anh: “Anh có hài lòng với điều kiện ăn ở của Công ty Vĩnh Hằng không?”
Vương Nhuệ đáp: “Rất hài lòng, đồ ăn hàng ngày có thịt, có cơm, có màn thầu! Sinh hoạt cũng không quá chật chội, đủ duỗi dài cẳng chân!”
Phóng viên hỏi: “Công ty có từng nợ lương các anh không?”
Vương Nhuệ nói: “Không đâu, cứ đến đầu năm là chúng tôi đều nhận đủ lương!”
Phóng viên hỏi: “Anh có thích làm công nhân xây dựng không?”
Vương Nhuệ đáp: “Thích chứ, vì tôi đang xây dựng tổ ấm cho người dân mà. Chim không tổ thì phải dãi dầm nắng mưa, người không nhà thì là kẻ lang bạt rồi còn gì?”
Phỏng vấn kết thúc suôn sẻ, đốc công rất hài lòng, ông giữ đúng lời hứa trả anh 100 đồng và một ngày nghỉ phép. Vương Nhuệ dùng 100 đồng mua khăn choàng cho Lâm Tú San, mua ít quýt và bánh trung thu, định bụng đến Nhượng Hồ Lộ tạo bất ngờ cho cô, ai mà ngờ Lâm Tú San cũng được nghỉ một ngày, cũng bất ngờ đến tìm anh. Xem ra một khi đã đi sai, hai niềm vui bất ngờ liền trở thành nỗi sầu.
Vương Nhuệ vẫn nhớ cảnh tượng các công nhân vây quanh màn hình tivi vẻn vẹn 12inch xem chương trình anh phỏng vấn, hình ảnh Vương Nhuệ vừa biến mất khỏi chương trình buổi tối, mọi người bắt đầu bàn tán.
Người thì bảo Vương Nhuệ làm nghề này là quá phí, khả năng bịa chuyện của anh hoàn toàn xứng đang đi làm hôn quan; người lại bảo sau này mà túng thiếu quá thì sẽ tìm vay anh, ai bảo anh chém gió công ty không nợ lương? Còn có người bảo bộ dạng của Vương Nhuệ trông giống người này người kia, mà những cái tên kể ra đều là nhân vật phản bội trong các bộ phim điện ảnh.
Đám công nhân lời qua tiếng lại như bầy ong chích lên mặt anh, Vương Nhuệ đành phân bua: “Em mà không nói tốt một chút thì công ty đuổi việc cả lũ chứ chả đùa. Kiếp ăn nhờ ở đậu như chúng ta là phải dẻo mồm!”
Đám công nhân không nói gì hơn. Nhưng Vương Nhuệ cảm thấy rất khó chịu, nghĩ thầm đàn bà và vật chất quả thực có thể lôi kéo con người trở nên sa đoạ, 100 đồng và Lâm Tú San, đủ điều kiện mua chuộc anh mặt dày ca ngợi người ta.
Lúc Vương Nhuệ lên tàu ngược trở lại Cáp Nhĩ Tân, Lâm Tú San cũng hụt hẫng lên tàu ngược về Nhượng Hồ Lộ.
Khoảng 12 giờ trưa, cô đến công trường của Vương Nhuệ. Cô nhờ hai công nhân đang vận chuyển gạch lên cần cẩu: “Phiền các anh gọi Vương Nhuệ giúp em với!”
Hai người nọ trơ mắt nhìn nhau, họ cười khà khà: “Vương Nhuệ là ai? Chúng tôi không quen!”
Lâm Tú San quen Dương Thành, người đồng chí cạnh giường Vương Nhuệ, cô hỏi: “Thế các anh quen Dương Thành không?”
Hai người vẫn cười khà khà, đồng thanh đáp: “Vương Thành là ai? Chúng tôi không quen!”
Lâm Tú San tưởng mình đến nhầm công trường, đang lúc hoài nghi, hai người kia lại cười nói: “Em là vợ Vương Nhuệ hả? Bọn anh từng gặp em rồi, trước kia có đến công trường thăm Vương Nhuệ mà! Nhưng hôm nay cậu ấy không ở đây!”
Vừa nghe Vương Nhuệ không ở công trường, Lâm Tú San mềm nhũn hai chân, hoa cả hai mắt, giọng run rẩy: “Anh ấy xảy ra chuyện gì ạ?”
Hai công nhân nhìn nhau cười, một người lên tiếng: “Cậu ấy giờ là minh tinh rồi, còn lên tivi cơ mà!”
Lâm Tú San càng kinh hãi, cô nghĩ Vương Nhuệ cũng không phải loại người có thân phận có địa vị có tiền của, anh được lên tivi khác gì những người nghèo khổ ngoài kia, một là phạm pháp hoặc hi sinh hình tượng để giáo dục xã hội, cũng tức là hình tượng bị người ta lừa, khóc lóc đòi công bằng.
Đang lúc lòng như lửa đốt, Lâm Tú San trông thấy Dương Thành cùng mấy công nhân khác đang vận chuyển dụng cụ lên tầng, cô vội chạy qua gọi anh: “Chào anh Dương, Vương Nhuệ nhà em rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì vậy ạ? Sao anh ấy không tới công trường?”
Lúc nói những lời này, cô đã bắt đầu rơm rớm nước mắt.
Dương Thành thấy Lâm Tú San thì “giời ạ” một tiếng, lại nói: “Vương Nhuệ đi thăm em rồi mà, hai đứa ngược đường nhau rồi!”
Lâm Tú San nói: “Anh đừng lừa em, anh ấy sao rồi? Mọi người đều đang làm việc mà, sao anh ấy lại vắng mặt?”
Dương Thành vắn tắt chuyện Vương Nhuệ nhận lời tham gia phỏng vấn được công ty thưởng một ngày nghỉ. Anh nói: “Em mau bắt xe ngược về, tầm này chắc Vương Nhuệ đã đến chỗ em lâu rồi!”
Lâm Tú San nói: “Anh không lừa em thật ư?”
Dương Thành: “Anh lừa em làm gì!”
Dứt lời, Lâm Tú San cuống quýt chạy ra bến tàu bắt xe ngược về, cô mua tấm vé khởi hành lúc một giờ năm phút chiều. Nghĩ bụng Vương Nhuệ biết chuyện cô đến Cáp Nhĩ Tân tìm anh mà không gặp được, nhất đinh sẽ đoán ra cô lập tức bắt xe ngược về. Anh mà không đợi cô ở cổng xưởng dệt thì chắc chắn cũng đợi ở nhà trọ tư nhân họ thường lui tới.
Biết Vương Nhuệ vẫn bình an vô sự, Lâm Tú San bình tĩnh trở lại. Cô vào tiệm bán thức ăn nhanh gọi một suất mì trộn tương, sau đó liền chen vào dòng người qua cổng soát vé, đi xuống đường hầm dưới lòng đất, cô tìm đến vị trí con tàu của mình.
Ước tính trước năm giờ chiều sẽ gặp được Vương Nhuệ. Lâm Tú San không đen đủi như anh, cô mua được vé có ghế ngồi, hơn nữa còn ngay sát cửa sổ, điều này khiến cô thầm đắc ý. Cô cũng giống anh, cũng thích ngắm nhìn con sông Tùng Hoa khi tàu băng qua cầu.
Có lần cô còn bắt gặp cảnh mặt trời lặn xuống đáy sông, ngỡ như con sông chính là loài thuồng luồng ngậm lấy viên trân châu xán lạn.