Tối đêm đó, Tam bà bà thắp nhang, còn đốt cả giấy tiền nữa, trong sương khói mờ mịt một cô gái mặc váy trắng hiện ra trước mặt bà. Cô gái nhìn thấy Tam bà bà liền khóc, tiếng khóc nức nở nghẹn ngào, khiến trong lòng người nghe sinh ra một cảm giác bi thương không nói nên lời.
Hôm đó Tam bà bà cùng cô gái ở trong nhà nói chuyện rất lâu. Nói xong thì cô ấy rời đi. Sau khi cô ấy đi rồi, Tam bà bà nói với mọi người, 3 ngày sau là ngày rằm, tất cả mọi người phải ở yên trong nhà, đợi sau khi gà gáy 3 lần mới được ra ngoài. Tam bà bà dặn dò xong thì để mọi người ra về, khi trời sáng, có người thấy cửa nhà bà đã khoá lại. Cử người vào xem thử mới phát hiện Tam bà bà đã chết ở trên giường, nét mặt bình thản.
Tam bà bà không con không cái, cho nên người dân trong làng đã giúp bà tổ chức tang sự.
Sau khi Tam bà bà ra đi, người dân trong làng lại rơi vào cảnh hoảng loạn. Thế nhưng có người nhớ lại lời dặn dò của bà ấy, nói rằng trong đêm rằm không được phép bước ra ngoài, chúng ta cứ ở yên trong nhà, đợi qua hôm đó rồi nói tiếp.
Ngày 15, trăng tròn vành vạnh, ánh trăng chiếu sáng cả mặt đất. Lý Phụng Khởi cũng giống hệt mọi người, ở yên trong nhà không dám ra ngoài. Thế nhưng đến nửa đêm, không nghe thấy một chút động tĩnh gì, ông có chút hiếu kỳ, muốn bước ra ngoài xem thử. Khi đó Lý Phụng Khởi đã hơn 50 tuổi rồi, con cái cũng đều lập gia đình sống riêng hết cả, chỉ còn ông và vợ nương tựa lẫn nhau. Có điều hôm đó vợ ông đã sang nhà em họ, để lại ông ở nhà một mình.
Lý Phụng Khởi mở cửa, ánh trăng chiếu rọi mặt đất sáng như ban ngày, gió từ không trung thổi qua, chó nằm trong sân đang ngủ ngon lành, khắp nơi một mảnh tĩnh lặng. Lý Phụng Khởi đứng trong sân hoạt động gân cốt, xoa đầu con chó và lắng nghe động tĩnh bên ngoài. Nghe được một lúc, không thấy có gì khác lạ nên định ra ngoài đi tiểu sau đó quay về ngủ.
Thế nhưng vừa ra được đến cửa, còn chưa kịp kéo chốt cài đã nghe sau lưng truyền đến tiếng vù vù. Lý Phụng Khởi quay đầu nhìn, con chó nhà họ không biết từ lúc nào đã tỉnh dậy, lông trên lưng nó dựng đứng lên hết cả, cái đuôi kẹp vào giữa hai bắp đùi, đang nhe răng nhếch mép nhìn ông.
Con chó này đã nuôi được 4, 5 năm rồi, trước giờ nó chưa bao giờ như vậy cả, hôm nay không biết là làm sao? Lẽ nào đang muốn làm phản?
Lý Phụng Khởi muốn đánh nó, vẫn còn chưa động tay thì một cơn gió thổi đến. Vốn dĩ trong không trung lúc nào mà chẳng có gió, thế nhưng cơn gió này lại đặc biệt lạnh lẽo, cả người như muốn đông cứng lại sởn hết gai óc. Gió vừa nổi lên con chó cũng bắt đầu sủa lớn.
Chó cậy thế chủ, chỉ cần có người ở đó, nó sẽ trở nên rất hung hãn.
Chó của Lý Phụng Khởi cũng dữ, nhưng nó chưa từng dữ đến như vậy bao giờ, cứ như muốn gào văng cuống họng ra ngoài vậy. Đêm đó, chó nhà ông vừa sủa lập tức những con chó trong làng cũng bắt đầu sủa theo. Chỉ trong thời gian ngắn khắp nơi đều vang tiếng chó sủa, cứ vậy dần trở thành một mớ hỗn loạn.
Thế nhưng tiếng chó sủa ầm ĩ này không kéo dài lâu, trước sau 5 phút, trong cơn gió lạnh truyền đến tiếng nức nở.
Âm thanh ấy rất nhỏ, giống như tiếng khóc thút thít bị kiềm nén. Có điều rất rõ nét, từng tiếng từng tiếng như đâm vào tim, khiến người khác đau lòng cực độ, chỉ cảm thấy trên thế gian này không còn gì đáng để lưu luyến nữa.
Cùng với tiếng khóc nghẹn ngào đó, tiếng chó sủa khắp làng dần ngưng bặt, sau vài nhịp thở, đột nhiên không còn nghe thấy bất cứ âm thành nào nữa. Lý Phụng Khởi trong lòng buồn bã, đang lúc không biết làm thế nào để giải sầu, con chó đã cọ cọ tới, chui vào hông của ông.
Con chó vừa chạy tới, trong lòng ông cũng lập tức dịu đi non nửa, sau đó la lên nguy hiểm, kéo nó chạy vào trong nhà. Vào đến bên trong cài cửa lại, trong lòng ông vẫn khó chịu, nhưng không còn nghe thấy tiếng khóc thút thít ấy nữa, cũng dần bình tĩnh hơn một chút.
Con chó vừa vào đến nơi, lập tức chui xuống gầm giường không bước ra nữa. Lý Phụng Khởi nói, sau đó trong làng vang lên tiếng đập cửa. Lần lượt hết nhà này đến nhà khác, một tiếng rồi lại một tiếng, rầm rầm rầm, rầm rầm rầm....
Trong tiếng đập cửa, âm thanh thút thít đó dần biến thành tiếng gào khóc, nghe bên tai thật sự quá sức thê lương. Cụ ông kể đến đây, lau lau mồ hôi trên trán, tiếp tục nói, nghe thấy tiếng khóc này đều nhịn không được muốn xem xem là người nào lại khóc đến tội nghiệp như vậy.
Đêm đó mọi âm thanh trong làng đều ngưng đọng, không có tiếng chó sủa, không có tiếng côn trùng kêu, không có tiếng ếch nhái, chỉ có tiếng than khóc âm ỉ không dứt, đâm thẳng vào tim người khác. Lý Phụng Khởi không mở cửa, ngồi ôm đầu suốt cả một đêm, nghe thấy tiếng đập cửa không ngừng vang lên bên ngoài kia từ tây sang đông, đập tới rồi lại đập lui, từng nhà một.
Đó là tiếng của A Nhiên, A Nhiên đập cửa nhà Lý Phụng Khởi, khẽ khóc lóc gọi, Tam đại gia, con là A Nhiên, con chết thê thảm quá, ông mở cửa cho con đi, để con vào nhà...
Lý Phụng Khởi nghe giọng A Nhiên, còn muốn để cô ấy vào, dù cho không thể giúp được gì, cho cô ấy ăn chút gì đó cũng được.
Tiếng đập cửa ấy cứ vang vọng từng hồi trong đêm tối, khiến lòng người ngập tràn phiền muộn, rầm rầm rầm, rầm rầm rầm, Tam đại gia, mau mở cửa đi, con là A Nhiên, con chết thê thảm quá...
Lý Phụng Khởi sợ mình nhịn không được, cắn chặt 5 đầu ngón tay trong miệng, cắn đến tay bật máu mới ngăn được ý định muốn mở cửa. Dày vò cả một đêm, đầu tóc ông đã bạc hơn nửa. Có lẽ đây là cái giá phải trả, sau đêm đó, số người trong làng đã ít đi một phần ba. Những người đó đều đã đi cùng A Nhiên, xuôi theo cổng làng, băng qua khu rừng nhỏ sau đó tiến vào Tiểu Tịnh Hải. Những dấu chân đó nối thành một hàng, từng bước từng bước đến bên bờ Tiểu Tịnh Hải.
Những người này bước vào Tiểu Tịnh Hải thì không bao giờ trở ra nữa, ngay cả thi thể cũng không thấy, nhưng bắt đầu từ hôm đó, trong Tiểu Tịnh Hải không ngừng phát ra tiếng kêu khóc. Cũng có người lên bờ, nửa đêm đi vào trong làng, khóc nghẹn, tiếng đập cửa nhà ai đó lại vang lên rầm rầm.
Kẻ duy nhất không vào Tiểu Tịnh Hải chính là anh trai ngốc của A Nhiên, hắn cứ chạy khắp làng miệng không ngừng lẩm bẩm, giết người rồi, giết người rồi....Khi hỏi đến ai giết người rồi hắn cũng không nói, chỉ nói là giết người rồi. Tên ngốc đó cuối cùng cũng chết, chết trên mặt hồ đã đóng băng.
Năm đó mùa đông đặc biệt lạnh vô cùng, tên ngốc trần truồng loã thể nằm trên lớp băng, cả người bị đông cứng lại. Người dân trong làng dùng khoan đục tảng băng ra nhưng băng đông lại rất cứng.
Sau hôm đó, tất cả dường như đã kết thúc. Thế nhưng không lâu sau trong làng lại có người chết, những cái chết đó không có ngoại lệ nào đều là những thanh niên trẻ tuổi. Bọn họ đều tự mình đi vào Tiểu Tịnh Hải, sau đó không một ai quay về nữa. Lý Phụng Khởi nói, đây là A Nhiên đang tìm anh chàng thợ mộc.
Thế nhưng anh ta cũng đã chết rồi, phải đi đâu mới có thể tìm thấy đây? Có điều tìm không được, từng người từng người trẻ tuổi trong làng đều phải chết. Khoảng thời gian đó có rất nhiều người dọn đi khỏi Tiểu Tịnh Hải, những làng xung quanh gần như đều trống rỗng. Nhưng cũng có nhiều người không chuyển đi, đơn giản vì họ không có nơi nào để đi cả.
Lúc đó đang là mùa hè bận rộn, đất đai không có người canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trồng trọt. Lãnh đạo công xã biết được chuyện này, đã phái người xuống kiểm tra.
Người được phái đến là hai vị công an, một già một trẻ. Họ đã sống luôn ở trong làng sau đó đến từng nhà từng hộ để khảo sát thăm hỏi. Lúc đó người biết chữ không nhiều, nông dân đều rất hiền lành chất phác, biết cái gì thì nói cái đó. Nhưng hai vị công an này là người đã kinh qua khảo nghiệm gian khổ, họ không tin vào những việc đó.
Hai người cũng tìm đến Lý Phụng Khởi, Lý Phụng Khởi dĩ nhiên không giấu diếm, ông đem tất cả đầu đuôi gốc ngọn những việc mình biết kể hết ra.
Bọn họ nghe xong liền nhíu mày, sau khi thì thầm với nhau một hồi thì chuẩn bị rời đi. Lý Phụng Khởi biết họ đang hoài nghi, ông tốt bụng nhắc nhở họ, loại chuyện này thật sự không đơn giản, tuyệt đối đừng xem nhẹ, nếu như có thể cử quân đội đến, bắn vài phát súng thì được rồi.
Người công an già sau khi nghe xong thì cười lạnh một tiếng, nói chuyện này nhất định là do phần tử phản động gây ra rồi, không thể để những chuyện cổ hủ mê tín đánh lừa được.
Cậu công an trẻ tuổi cũng nhắc nhở Lý Phụng Khởi, đừng tuỳ tiện nói bừa, phải tin tưởng vào khoa học.
Lý Phụng Khởi không biết cái gì gọi là khoa học, cả tên của mình còn không biết viết, làm gì biết đến khoa học chứ.
Kết thúc cuộc điều tra hai người họ quyết định trong đêm sẽ đi nằm vùng. Trước khi đưa ra quyết định này, họ đã bàn bạc với bên đội sản xuất, nói rằng không biết có thể cử thêm người đến phối hợp không. Thế nhưng những người trẻ trong làng đều đã dọn đi hết sạch rồi, làm gì còn ai có thể phối hợp được, những người ở lại đa số đều là người già yếu bệnh tật.
Lựa tới lựa lui, cuối cùng lựa được mấy người lớn tuổi trong thôn cùng hai người bọn họ đi nằm vùng, Lý Phụng Khởi cũng là một trong số đó.
Những người đó khi biết mình phải cùng công an phối hợp làm việc, người nào người nấy đều không bằng lòng. Dù vậy cũng không còn cách nào khác, dọn đi không được, lời của đội sản xuất nói lại không thể không nghe, chỉ có thể mặc cho bọn họ dẫn đi làm việc.
Mấy người trong đám bọn họ được phát một khẩu súng có dây tua đỏ, nấp trong khu rừng nhỏ ngoài cổng làng, sẵn sàng chiến đấu. Dựa theo cách nói của hai vị cảnh sát, đã nắm rõ địa điểm và thời gian mà người phụ nữ váy trắng sẽ xuất hiện, cũng chuẩn bị sẵn sàng vũ khí, chỉ chờ cô ấy đến nữa thôi. Thế nhưng túc trực liên tục nhiều ngày, vẫn không thấy có gì xảy ra. Cũng may chẳng có gì xảy ra cả, nếu như có không biết mấy người bọn họ sẽ ra sao.
Chờ đến mấy ngày, cũng không chờ được gì, mấy người bọn họ ngày nào cũng sống trong thấp thỏm lo sợ. Hai vị công an đó cũng dần mất kiên nhẫn. Lý Phụng Khởi ra sức khuyên nhủ họ, có thể là phần tử phản động đó đã về nhà thu gom lúa gạo rồi, hay là mấy ngày nữa chúng ta lại tới?
Thật sự lúc đó hai vị công an cũng cảm thấy nên rút lui rồi, bọn họ cũng lo đánh rắn động cỏ, tên phản động này có phải đã biết được hành động của họ nên mới không tới?
Ở đội sản xuất, hai vị công an dưới sự chủ trì của đội trưởng đội sản xuất đã tổ chức một cuộc họp, quyết định nằm vùng một đêm cuối cùng, nếu như mục tiêu vẫn không xuất hiện họ sẽ thay đổi chiến lược. Mới đầu Lý Phụng Khởi cho rằng đám người này không làm nữa, trong lòng còn đang rất vui vẻ, sau khi vừa nghe thấy phải làm việc thêm một đêm, liền cảm thấy chán nản.
Có điều may là ở tổ sản xuất có lo cơm nước, đêm đó sau khi bọn họ ăn uống no nê, đến lúc trời chạng vạng tối lại xuất phát dưới sự dẫn dắt của hai vị công an.
Đến giờ Lý Phụng Khởi vẫn còn nhớ rất rõ, hôm đó trời tối đen như mực, gió lạnh từ trong hồ thổi đến mang theo hơi nước. Nước hồ khẽ vỗ vào bờ phát ra âm thanh rì rào. Giữa hồ truyền đến tiếng kêu không ngừng của đám ếch nhái, còn có tiếng cạp cạp của đám vịt trời trong bụi lau sậy phía xa xa.
Vào một đêm mùa hè như vậy, ngồi phe phẩy quạt hương bồ, ăn một miếng dưa hấu, tán gẫu vài câu rồi đi ngủ, đây là việc tốt đẹp biết bao nhiêu, cần gì phải chạy đến đây đào hố chôn mình. Hơn nữa hai bên hồ có rất nhiều muỗi, cắn người không thương tiếc, mỗi vết cắn đều nổi mẫn to như cái túi, bị cắn rồi sẽ ngứa rất lâu.
Lý Phụng Khởi thở phì phì, dưới chân không biết đã bị bao nhiêu con muỗi đốt rồi, vừa chụp vừa gãi, lúc nào cũng phải đập bộp bộp mấy tiếng nó mới đi. Những người khác cũng chẳng khá hơn là bao, trong bóng tối chỉ nghe thấy tiếng đập bộp bộp vang lên không ngừng. Mấy ngày trước sợ đánh rắn động cỏ, hai vị công an đã lên tiếng ngăn cản, bảo bọn họ yên lặng một chút. Thế nhưng tình hình tối nay mắt thấy cũng không có ai đến, hai người này không muốn nói gì nữa, cứ đợi thôi, đợi đến hơn 12 giờ, nếu như mục tiêu vẫn không xuất hiện thì sẽ rút lui. Mấy ngày nay đừng nói đến những người lớn tuổi này, ngay cả hai người họ cũng đều mệt chết đi được.
Cậu công an trẻ tuổi ngáp một cái, đang muốn đứng lên để duỗi lưng, người công an già đột nhiên kéo anh ấy xuống, thấp giọng nói, đến rồi.
Mấy người bọn họ cùng nhìn theo hướng tay của người công an già, chỉ thấy trong màn đêm dày đặc một thứ gì đó trắng trắng đang men theo con đường nhỏ trong rừng, lắc trái lắc phải từ từ tiến về phía họ.