Dưới sự chủ trì của bác, đám tang diễn ra suôn sẻ.
Thật ra còn có các lễ sau ba ngày, 21 ngày, 49 ngày nhưng đều tổ chức đơn giản, tôi cũng không định quay về tham dự.
Lúc gần đi, mẹ tôi rù rì với bác tôi một lúc, muốn tôi để lại một khoản tiền.
“Mấy kỳ cúng thất sau tuy nói làm đơn giản nhưng cũng phải mời mấy chục bàn thức ăn, rượu… Thiến Thiến, con để lại thêm 20.000.”
Mắt mẹ tôi trốn tránh.
Tôi đột nhiên cảm thấy không đúng. Ở nơi mà phòng tổng thống của khách sạn cao cấp nhất cũng chỉ tốn 200 tệ, chẳng lẽ chi phí đám tang đã tiêu tốn hết 240.000 tệ rồi sao? (240.000 tầm hơn 800 triệu VNĐ)
Tôi không thể không nghĩ đến chỗ trống sau tên Hứa Hân Duyệt trong sổ của bác cả. Tôi không thể không nghi ngờ.
120.000 tệ với tôi không phải số tiền nhỏ. Nếu tôi chi nó, tôi phải bảo đảm nó xứng đáng.
Tôi giả vờ không hề nghi ngờ, đồng ý. Sau đó tìm Trần Quân, nhờ anh nhanh chóng mua gói thuốc lá loại tốt nhất, trước mặt mọi người đưa cho bác, tìm cách dẫn ông ra ngoài để nói lời cảm ơn.
Trần Quân không hiểu nhưng làm theo.
Bác thích hút thuốc nhất. Quả nhiên khi thấy gói thuốc ngon trong tay Trần Quân, ông để quyển vở trong tay lên bàn trà, cười haha đi ra ban công cùng Trần Quân. Tôi vội chộp lấy quyển sổ, chạy vào nhà tắm khóa cửa lại, bật điện thoại lên bắt đầu quay lại.
Mọi người thấy hành động của tôi, xông tới muốn ngăn tôi lại nhưng không ngăn được. Cánh cửa gỗ phòng tắm bị họ gõ ầm ầm, tôi lại bình tĩnh mở vở ra. Mọi khoản thu chi đều được ghi vào trong quyển vở.
Tôi đoán không sai. Đám tang của ba tính đến giờ này chỉ tiêu 80.000. Tôi bỏ ra 100.000. Hứa Hân Duyệt không bỏ ra một xu. Có lẽ vì lo những lễ sắp tới thiếu tiền nên mẹ dỗ dành lấy thêm một khoản nữa.
Tôi bình tĩnh lại, tải video lên mạng rồi mở cửa.
Đón tôi là mẹ gào lên giận dữ. “Hứa Thiến, mày đang làm trò gì? Sổ sách người lớn mày cũng dám mở xem?”
Tôi cầm quyển vở trên tay, giơ lên. Tầm mắt đảo qua bác trai bác gái, còn có cô tôi, mỗi người một sắc mặt.
“Nhắc nhở các vị một chút, thứ nhất, tôi đã thành niên từ lâu, cũng là người lớn. Thứ hai, tôi tiêu tiền, dĩ nhiên có thể kiểm tra. Thứ ba, mẹ, mẹ có muốn giải thích chút không? Con nhớ rõ mẹ nói, hai đứa con gái, chi phí chia đôi, tại sao Hứa Hân Duyệt không cần bỏ tiền?”
Mẹ tôi gân cổ lên: “Sao con bé lại không bỏ? Nó bỏ rồi.”
“Tại sao không có ghi chép?”
“Sổ sách viết tay không tránh khỏi sai sót, sau này bổ sung là được! Nhưng mày lật sổ sách lung tung trong nhà thì không được.”
Quả nhiên là mẹ tôi. Cứng miệng, cứng lòng. Rõ ràng người làm sai là bà, bà cũng có thể chụp mũ trách con gái. Lẽ ra tôi đã quen với những việc này từ lâu rồi, không phải sao?
Khi còn bé, tôi không thể chống đỡ được sự uất ức này, chỉ có thể khóc, chỉ có thể giận dỗi, nhưng giờ tôi đã trưởng thafh.
Tôi có phương pháp hóa giải.
Mẹ chụp mũ, tôi cũng chụp. Chụp tới chụp lui, luôn có người đứng ra chọc thủng tất cả.
Chụp mũ cho ai thích hợp?
Tôi khẽ nói: “Mẹ, theo như mẹ nói thì con và Hứa Hân Duyệt gộp lại là 200.000, lễ tang tiêu tốn 80.000, vậy còn tổng cộng 120.000 chẳng biết đi đâu? Như vậy xem ra tay bác không sạch sẽ rồi.”
Tôi chuyển ánh mắt sang bác tôi, giọng lạnh lùng.
“Bác, ngài đức cao vọng trọng, không thể bắt nạt cô nhi quả phụ chúng cháu chứ.”
Dĩ nhiên mẹ tôi không dự đoán được tôi dầu muối không ăn, cứng họng, lại không thể tự vạch trần chính mình, giận đến run người.
Liên quan đến sự trong sạch, bác cũng không chịu nổi, đập bàn tức giận: “Được rồi, Hứa Thiến, đừng có ngậm máu phun người. Bác nói thẳng, Duyệt Duyệt không bỏ tiền. Em gái cháu làm việc trong biên chế, công việc ổn định, lương thấp. Cháu thì sao, ở ngoài kiếm tiền dễ dàng. Hơn nữa, Duyệt Duyệt ở quê chăm sóc bố mẹ, cháu làm chị ra nhiều tiền hơn thì sao chứ? Chị em trong nhà như tay với chân, cần gì phân biệt rõ ràng như vậy!”