Quý bà Wagner là một người phụ nữ cao, béo, có gương mặt hiền lành. Mặc dù học viện này không có chỉ định chức vụ Phó hiệu trưởng nhưng quý bà Wagner luôn được xem như Phó hiệu trưởng học viện. Hilda chủ yếu phụ trách dạy học, còn Wagner thì phụ trách những việc hậu cần lặt vặt khác.
Khác với Hilda, Wagner luôn ăn mặc rất sặc sỡ. Bà ta thích các loại quần áo màu sắc tươi sáng, bình thường nói chuyện với người khác cũng luôn cười híp cả mắt. Có điều, căn cứ vào mô tả trong nguyên tác, đây là một người phụ nữ lòng dạ vô cùng tàn nhẫn, luôn thành kính thờ phụng Hecate, khao khát nhận được ban thưởng từ Hecate với tư cách tín đồ cuồng tín. Từ trước đến nay bà ta luôn nhiệt tình với việc giết học sinh để hiến tế.
Có điều xem ra vào lúc này, bà ta vẫn duy trì hình tượng thân thiện với Đào Nhạc Tư.
"Cô nghe thầy Judith nói, tối hôm qua em thấy Anna trở lại?" Quý bà Wagner cười hiền nói.
Đào Nhạc Tư nói: "Có lẽ là do em gặp ác mộng thôi."
Quý bà Wagner lộ ra vẻ mặt đồng tình: "Nhất định là do em đã phải chịu áp lực quá lớn sau khi Anna bỏ đi. Nếu như em còn tiếp tục gặp ác mộng thì không bằng chuyển vào phòng một bạn nữ khác đi, nói không chừng các em ấy sẽ biết chăm sóc em."
Đào Nhạc Tư cười nhạt: "Cảm ơn cô, phu nhân. Nhưng em ở một mình hoàn toàn không sao đâu ạ."
Phu nhân Wagner cũng không bắt buộc Đào Nhạc Tư phải ở cùng Shana hay là những cô gái khác, bà ta chẳng qua chỉ mượn cớ quan tâm Đào Nhạc Tư thôi, muốn thăm dò xem đến cùng Đào Nhạc Tư biết được bao nhiêu bí mật trong học viện.
Mà Đào Nhạc Tư xin được ở một mình trong phòng Anna đương nhiên cũng là do cô có kế hoạch riêng.
Bây giờ, việc cấp bách nhất hiện nay đối với các phù thủy trong học viện này là chọn ra một cô gái thích hợp để Hecate nhập vào. Họ đang dao động giữa Anastasia, Shana, Emilia, Dorothy và Katherine.
Hecate là một vị nữ thần kén chọn, cô gái được chọn làm vật chứa để ả ta hạ phàm phải trẻ trung, xinh đẹp, thuần khiết, và cuồng tín. Nếu như lúc Hecate hạ phàm có điều gì không hài lòng với vật chứa, hoặc là tế phẩm dùng trong buổi huyết tế quá yếu ớt thì sẽ ban xuống sự trừng phạt nghiêm khắc. Ở phần kết trong nguyên tác, nghi thức thất bại, Hecate tàn sát hết tất cả thầy trò, theo phán đoán chắc là khâu nào đó đã xảy ra vấn đề, rất có thể là do Shana chưa đạt tới mức độ "cuồng tín" cần thiết.
Vào ban ngày, mưa đã tạnh, mặt đất gần như đã khô hết. Nhưng đêm vừa xuống thì mưa lại tí tách rơi xuống.
Đào Nhạc Tư đi đến phòng học đàn trên tầng hai thật sớm như thường lệ, nhưng điều khiến cô khá bất ngờ là, Hilda đã chờ cô sẵn ở đó.
"Em hy vọng cô không phải chờ quá lâu, phu nhân." Đào Nhạc Tư nói.
"Em có thể gọi tôi là Hilda, tôi hy vọng em sẽ không vì tôi làm phiền thời gian buổi tối của em mà lạnh nhạt với tôi như vậy." Hilda đứng cạnh đàn dương cầm, châm một điếu thuốc, trên môi nở nụ cười nhẹ.
Đào Nhạc Tư phát hiện Hilda luôn mỉm cười khi nhìn cô, thế nhưng nụ cười đó giống như là một người lớn không gì không biết đang nhìn một đứa trẻ ba tuổi vậy, chứa đựng vẻ bao dung và dạy bảo. Điều này nhắc nhở Đào Nhạc Tư rằng, thực tế cô và Hilda đang đứng ở hai đầu lục địa không bằng nhau.
Trong nguyên tác, cuối cùng đám phù thủy chọn Shana để tiếp nhận sự hạ phàm của Hecate thực chất là hành động bất đắc dĩ, bởi vì các cô gái khác mà bọn họ lựa chọn đều đã chết, hoặc phát điên, cuối cùng chỉ còn lại mỗi Shana. Khi Đào Nhạc Tư ngồi trước đàn dương cầm còn đang suy nghĩ, nếu như Dorothy không bị diệt khẩu, vào thời điểm Hecate lựa chọn cô ấy, liệu Hilda vẫn sẽ giữ ý định chọn cô ấy chứ?
Ngón tay cô lướt qua phím đàn, Hilda lại đột nhiên nói: "Không, chúng ta khoan hãy chơi bài này."
Đào Nhạc Tư ngẩng đầu lên, nghi ngờ nhìn nàng.
"Chúng ta luyện mấy thứ khác một ít trước, thả lỏng một chút. Đàn một bản điệu Waltz đi."
"Waltz kiểu nào?" Đào Nhạc Tư hỏi.
"Kiểu nào cũng được, cứ tuân theo nội tâm và phản ứng đầu tiên của em."
Đào Nhạc Tư hơi nghĩ ngợi, cô bắt đầu chơi bản Grand Waltz ở cung Mi giáng trưởng [1] của Chopin. Tiết tấu của bài này rất nhanh, ngón tay cô nhanh chóng chuyển động trên phím đàn, không để tâm đến những thứ khác nữa. Nhưng trước khi chủ đề thứ hai kết thúc, giọng nói lạnh lùng của phu nhân Hilda lại vang lên, cắt ngang cô.
[1] Tên thực sự của bài này là Grande Valse Brillante
"Bây giờ, đến một bản Minuet." [2]
[2] Một điệu nhảy chậm, nhịp phức (3/4), phổ biến ở xã hội Pháp từ thế kỷ 17, vốn chỉ được xem như một điệu nhảy dân gian nhưng sau đó thường chỉ được dùng trong giới quý tộc.
Đào Nhạc Tư ngừng chơi, cô hít một hơi, quyết định chọn một bài đơn giản hơn để đàn. Cô lựa chọn bản Minuet in G của Beethoven. Bài này không khó, rất dễ nghe. Nhưng chỉ vừa mới đàn xong một đoạn ngắn, Hilda lại cắt ngang.
"Rondo". [3]
[3] Còn gọi là thể luân khúc, một thể loại nhạc gồm một chủ đề chính xen lẫn với nhiều chủ đề nhỏ hơn, cho phép các nhạc sĩ lặp đi lặp lại một giai điệu vài lần mà không gây đơn điệu.
Đào Nhạc Tư bắt đầu chơi một bản rondo, chương thứ hai trong một bản sonata nổi tiếng của Dussek, giai điệu vừa êm tai lại vừa nhẹ nhàng. Song, khi cô mới chơi xong phần đầu tiên hoàn chỉnh, Hilda lại nói: "Khúc quân hành."
Đào Nhạc Tư sửng sốt một lúc, cô không có nghĩ ngay đến bản "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ" nổi tiếng, nhưng ngay sau đó cô đã bắt đầu chơi bản "Hành khúc nhà binh" của Schubert.
Chỉ sau vài nhịp, Hilda nói: "Lãng mạn."
Đào Nhạc Tư ngẩng đầu lên, nhìn Hilda: "Cái gì?"
Hilda dùng ngón tay kẹp điếu thuốc đang cháy, tàn thuốc đã dài ra nhưng nàng vẫn không rũ bỏ. Trên mặt nàng không có biểu cảm gì, hoàn toàn giống như một nữ giáo viên trung niên nghiêm khắc. Đôi mắt nàng vì xương to mà có vẻ to đến khác thường đang nhìn chằm chằm vào Đào Nhạc Tư, nhưng trông chúng không hề đáng sợ.
"Chơi một bản nhạc mà em cho là lãng mạn. Thể loại, chủ đề hay ý định của nhà soạn nhạc không quan trọng, miễn là nó đúng như những gì em nghĩ là được rồi. Bây giờ bắt đầu đi, lãng mạn."
Đào Nhạc Tư nghi ngờ mục đích tối nay của Hilda là kiểm tra số lượng các khúc phổ mà cô biết. Cô suy nghĩ một chút rồi chơi bản "Love Dream" [4] của Liszt.
[4] Tên chính thức là Liebestraum No.3 - Love Dream
Đây có lẽ là bài đơn giản nhất trong số các tác phẩm dương cầm của Liszt, và cũng là tác phẩm mà Đào Nhạc Tư yêu thích nhất, không chỉ có giai điệu đẹp đẽ mà còn rất thích hợp để tóm tắt hai chữ "lãng mạn" này. Nhưng chỉ mới vừa đàn xong hai câu nhạc Hilda đã nói: "Nhẹ nhàng."
Hai tay Đào Nhạc Tư nhấc lên khỏi phím đàn, lơ lửng trong chốc lát, khi chúng rơi xuống chính là "Vũ điệu của Cô tiên Kẹo cứng" trong "Nutcracker Suite" của Tchaikovsky. [5]
[5] Dance of the Sugar Plum Fairy, một bản nhạc nằm trong vở nhạc-vũ-kịch nổi tiếng chuyển thể từ truyện Kẹp Hạt Dẻ và Vua chuột, phần âm nhạc của tác phẩm này đã được Tchaikovsky chuyển thể lại thành một tổ khúc dài hai mươi phút.
Tiếng đàn nhẹ nhàng như bông tuyết rơi, tuy nhiên chủ đề của giai điệu chính chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên thì Hilda nói: "Tĩnh lặng."
Đào Nhạc Tư kết thúc câu nhạc ở cụm nốt cuối rồi lập tức chuyển sang chương đầu tiên trong bản "Sonata ánh trăng" của Beethoven một cách liền mạch.
Giai điệu do tay trái cô chơi ra nhẹ nhàng và đẹp đẽ, giống như một giọng hát trầm, cho đến khi giọng nói của Hilda cắt ngang cô:
"Áp bức."
Thật ra Đào Nhạc Tư cảm thấy cái gọi là áp bức này là một thuật ngữ rất trừu tượng, loại nhạc nào mới được coi là áp bức? Tuy nhiên cô phản ứng rất nhanh, chỉ hơi suy nghĩ một chút thôi đã bắt đầu chơi bản "Vũ điệu của Kỵ sĩ" của Prokofiev [6]. Tay trái chơi đi chơi lại một hợp âm được đánh mạnh, rồi Hilda nói:
[6] Dance of the Knights
"Cách mạng."
Tay trái Đào Nhạc Tư lập tức tìm kiếm vị trí phím chính xác ở phía bên trái phím đàn, một loạt hợp âm rải nhanh bằng tay phải cuốn đi nhịp điệu ngột ngạt của "Vũ điệu của Kỵ sĩ", cô bắt đầu chơi "Revolutionary Étude" của Chopin.
Độ khó của bản nhạc này rất lớn, thật ra cô luyện cũng không tốt lắm. Thế nhưng, vào lúc này, cô cảm thấy những điều này không thành vấn đề, mặc dù cô chơi sai rất nhiều nốt bằng tay phải. Cô đường đường là một nghệ sĩ đang biểu diễn dương cầm nhưng lại tự cảm thấy bản thân mình là một vũ công, dùng ngón tay thay cho tay chân để nhảy múa trên các phím đàn đen trắng, mà trong tay Hilda thì đang cầm sợi dây điều khiển cô.
Cách chơi đàn đặc biệt thế này khiến cho Đào Nhạc Tư không có thời gian nghĩ nhiều, nhưng không hiểu tại sao, suy nghĩ của cô lại bay đến những nơi xa xôi. Cô nghĩ đến ngôi nhà xa cách đã lâu của mình, mỗi lần nghĩ tới những điều này, trái tim cô lại tràn đầy...cảm giác đau đớn mà ngọt ngào.
"Chết." Hilda nói.
Đào Nhạc Tư bắt đầu chơi bài "The Swan" của Saint-Saens. Không cần đến đàn cello, tay phải của cô vẫn có thể đánh ra từng nốt chính xác.
"Chiến tranh." Hilda lại nói.
Đào Nhạc Tư nhất thời không biết bản nhạc nào trực tiếp thích hợp thể hiện chiến tranh, nhưng cô nhớ rằng trong bộ phim "The Pianist", một nghệ sĩ dương cầm người Do Thái đã chơi bản Ballade No.1 [7] của Chopin cho các sĩ quan Đức nghe, nên cô cũng bắt đầu chơi bản nhạc này.
[7] Nghe có vẻ giống với thể loại âm nhạc Ballad nhỉ? Vâng, vì Ballade và Ballad là hai thể loại nhạc dễ gây nhầm lẫn. Ballad là một bài ca có cấu trúc đơn giản, thể hiện dưới dạng một câu chuyện, thường là một bài tường thuật hoặc bài thơ được ngâm hoặc hát lên. Còn Ballade là một kiểu thơ và ca khúc Pháp thời Trung cổ và Phục Hưng, thường đề cập đến những thiên diễm tình. Bản Ballade được nhắc đến phía trên là một trong số những tuyệt tác của Chopin.
Lần này Hilda dừng lại rất lâu, khi Đào Nhạc Tư cảm giác mình đã chơi được hơn nửa bản nhạc rồi mới nghe Hilda nói: "Hoài niệm."
Đào Nhạc Tư dừng lại, cô suy nghĩ một lúc, có lẽ chỉ trong mấy giây thôi. Dường như thời gian nơi đây đều đã dừng lại, trong phòng đàn chỉ có mỗi sự tĩnh lặng bao trùm, còn tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ giống như vọng đến từ một nơi rất xa, Đào Nhạc Tư thậm chí còn cảm thấy mình có thể nghe được tiếng thở của Hilda.
Cô chơi bản Concerto số 2 [8] cho dương cầm của Shostakovich. Ở phần đầu của bản concerto này, tay trái và tay phải chơi cùng một giai điệu giống nhau, chỉ cách nhau một quãng tám. Hilda nghe rất lâu, nàng bắt đầu nhịp chân trên sàn phòng đàn, Đào Nhạc Tư khó mà đoán được lúc này tâm trạng nàng đang thả lỏng hay căng thẳng. Khi cô ngẩng đầu lên, cô chỉ có thể thấy được tấm gương đằng sau chiếc đàn dương cầm này bị một tấm rèm nhung che kín.
[8] Concerto là một thể loại hòa tấu âm nhạc. Một bản concerto trong nhạc cổ điển thường gồm 3 chương (movement): khoan thai, chậm, nhanh. Trong đó nhạc cụ độc tấu (solo) có thể là piano, violin, cello hay sáo được bè đệm bởi một dàn nhạc giao hưởng hoặc một ban hòa nhạc. Một bản concerto bao giờ cũng phải soạn riêng cho một loại nhạc cụ, nên tên của nhạc phẩm đó bao giờ cũng phải ghi kèm với nhạc cụ đó. Tên của bản concerto được nhắc đến là Shostakovich - Piano Concerto No.2 in F major, Op.102
Cô ước gì tấm gương ấy không bị che lại để cô có thể trông thấy từng cử động của phu nhân Hilda lúc này.
Qua một lúc lâu sau, Hilda mới nói: "Được rồi, bây giờ, đàn bản thân em đi."
Tiếng đàn bất chợt dừng lại, Đào Nhạc Tư ngồi trên ghế đàn, nhìn thẳng vào giá để bản nhạc trước mặt hồi lâu, không hề động đậy. Tại sao Hilda lại nói"Đàn bản thân em đi?" Nên biết rằng, Đào Nhạc Tư là học sinh khoa dương cầm, chứ không phải học sinh khoa sáng tác và cũng không có tác phẩm của riêng mình, thế thì làm sao có thể "đàn chính mình" đây?
Đột nhiên, trong lòng Đào Nhạc Tư dâng lên một cảm xúc kỳ lạ.
Cô nghĩ đến mẹ cô, người đã rời xa cô vĩnh viễn.
Sau khi mẹ qua đời, vì trốn tránh hiện thực mà Đào Nhạc Tư đã chơi rất nhiều trò chơi trên máy tính, mấy trò tương tự như "LIMBO" và "Silent Hill", các nhân vật chính đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để tìm kiếm người thân của mình.
Nếu như thời khắc này là một trò chơi, vậy vào màn kết, có phải Đào Nhạc Tư mệt mỏi cũng sẽ nhìn thấy mẹ mình không?
Cô cúi đầu xuống, chăm chú nhìn vào bàn phím đàn dương cầm đã ố vàng để Hilda không nhìn thấy những giọt nước mắt trong mắt cô.
Đào Nhạc Tư bắt đầu đàn một bài hát thiếu nhi mà mẹ cô thường hát cho cô nghe, "Hoa Lỗ Băng".
Vườn chè quê nhà đã trổ đầy bông, mà lòng dạ mẹ ở chân trời xa
Hằng đêm con nhớ tới mẹ, giọt lệ long lanh tựa hoa Lỗ Băng.
--- Lời bài hát trích từ bài Hoa Lỗ Băng (Trương Tín Triết) ---
Bởi vì trong nguyên tác Dorothy chưa từng nghe bài hát này nên khi cô chơi nó, cả giai điệu và hợp âm đệm ban đầu rất đơn giản. Nhưng khi bài hát dần đi xa hơn, các hợp âm dần trở nên đầy đủ hơn. Cô lặp đi lặp lại giai điệu đó rất nhiều lần, Hilda cũng chỉ yên lặng đứng bên cạnh, nghe đi nghe lại.
Cuối cùng, Hilda nói: "Được rồi, Dorothy."
Đào Nhạc Tư dừng lại, Hilda cũng dừng lại trong chốc lát, sau đó lại nói: "Bây giờ, Dorothy, tới phiên em thử bản nhạc của tôi một chút."
Đào Nhạc Tư đè nén cảm giác kỳ lạ trong lòng, cô cầm bản nhạc lên và bắt đầu đàn ngay. Cô không nghĩ mình có thể tiến bộ nhiều khi chơi bản nhạc cực kỳ đơn giản này sau khi đã chơi quá nhiều bản nhạc như vừa rồi.
*****
Lời tác giả:
Đào Nhạc Tư cực kỳ muốn đàn "Mariage D'Amour" nhưng lại không biết giai điệu của bản nhạc này, vì thế nên chỉ đành bỏ cuộc. (Một trong các bản nhạc huyền thoại hay phát trong đám cưới ấy =)))
*****
P/S: Trời ơi edit cái chương này quả là cực hình mà, vừa edit vừa tìm thông tin mệt xỉu luôn ấy 🥲🥲🥲