- Dạo gần đây thấy Điệp Tử cứ buồn rầu, không biết vì sao?
Diên Vỹ tưới nước cho hai chậu hoa hướng dương, nói bình thản:
- Có lẽ là về cái chết của Hương, dù Điệp Tử chẳng nhúng tay vào nhưng vẫn còn điều gì khiến cô ấy ưu tư mãi.
Im lặng. Lâu lâu tiếng ai lại thở dài. Diên Vỹ đưa mắt nhìn ra vườn hoa:
- Cháu cần ra xem đám hoa thiên điểu đã nở chưa, chúng háo nước lắm.
Ở bờ suối, Điệp Tử đang ngâm mình trong làn nước. Nàng không chịu búi tóc lên, cứ để mặc chúng trôi bồng bềnh như những rễ cây chằng chịt. Nàng nhớ đến Hương, đồng thời cả sự tiết lộ không ngờ từ Vĩ:
“Một vị giám đốc đã thuê chúng tôi đi khai hoang hòn đảo đó để làm quà sinh nhật cho con trai… Dù chẳng muốn nhưng tiền thù lao rất cao đủ để tôi trả tiền viện phí cho Hương trong nhiều năm.”
Đôi mắt cam vàng xoáy sâu trong làn nước xanh, bóng nàng trải dài.
- Vậy là còn có hai kẻ đứng sau vụ này… Không sao, chúng sẽ là người sau cùng!
Có những cánh hoa anh đào rơi nhẹ nhàng xuống người Điệp Tử. Nàng ngước lên nhìn liền bắt gặp gương mặt điềm nhiên vốn có của Diên Vỹ.
- Cô cứ ngâm mình lâu như thế sẽ nhũn người ra hết.
- Yên tâm, tôi không chết được đâu.
Nàng trồi người lên, mớ tóc dài bịn rịn vào cơ thể trần trụi ướt đẫm nước.
Nhìn Điệp Tử mặc bộ váy tím, Diên Vỹ khoanh tay, chậm rãi hỏi:
- Ngoài kia đang rầm rộ việc xuất hiện nhiều xác chết, những án mạng kinh hoàng ấy ắt hẳn có liên quan đến nàng Bướm Tím?
Điệp Tử kéo mái tóc dài bay tung ra sau lưng, khi đi ngang qua Diên Vỹ, còn không quên nói một câu ẩn ý:
- Lần trả thù này sẽ rất thú vị!
Diên Vỹ lại dõi theo bóng nàng, rồi ánh mắt cậu chuyển hướng xuống dòng suối, một cánh hoa anh đào đang trôi. Nhanh tay nhặt lấy, cậu xoay xoay cánh hoa ướt:
- Nếu đến gần chỗ nước mạnh thì hoa sẽ nát ra hết.
***
- Nhìn theo đồng xu này, tôi sẽ lắc thật nhẹ, anh có cảm giác buồn ngủ chưa?
Bác sĩ Phú đang cầm lủng lẳng sợi dây có buộc đồng xu bên dưới, ông chuyên gia trị bệnh mất ngủ cho bệnh nhân bằng phương pháp thôi miên. Vì cao tay nên lần nào cũng thành công nhưng riêng có một bệnh nhân rất khó trị.
Nguyễn Văn Tiệt, ba mươi mười tuổi, râu ria lởm chởm, đã đến đây bao nhiêu lần mà không khi nào Phú khiến hắn buồn ngủ. Hắn nãy giờ mắt hoa lên, rồi từ từ nhíu lại, vị bác sĩ thấy có vẻ như đã được thì thình lình mắt hắn mở to trừng trừng.
Bác sĩ Phú ngừng lại, vò đầu:
- Lại thất bại nữa rồi, tôi chán quá!
Tiệt lắc lắc cái cổ, hạ giọng năn nỉ:
- Tôi đã mất ngủ cả tuần nay, nếu cứ tiếp tục như vậy tôi sẽ chết mất.
Bác sĩ Phú thả nhẹ sợi dây lên bàn làm việc, thở hắt:
- Tôi rất cố gắng nhưng chẳng lần nào anh buồn ngủ, chắc anh tới chỗ khác vậy.
Tiệt gãi đầu cười cười, trông mặt hơi đểu:
- Ấy bác sĩ sao nói thế, có thể bệnh tôi đã trở nặng nên ông làm chưa được, biết đâu cố thêm vài hôm nữa sẽ thành công.
- Anh tin tưởng tôi quá nhỉ?
- Tiếng tăm bác sĩ ai mà chẳng biết. Với lại chỉ mỗi bác sĩ là giảm tiền thuốc cho tôi thôi, bác sĩ tốt quá chừng!
Bác sĩ Phú nghe mát tai, liền bảo hắn ngày mai đến đúng giờ đấy! Bước ra ngoài, Tiệt đưa mắt nhìn phòng khám nhỏ xíu, nhếch mép:
- Gã bất tài!
Tiệt vào công viên, trên tay là một ổ bánh mì cùng tờ báo. Ngồi mạnh xuống ghế, hắn cắn phập vào ổ bánh còn mắt cứ dán lên dòng chữ đen trong giấy.
“Đêm qua lại có thêm người chết, giống các lần trước, lưỡi nạn nhân bị cắt đứt.”
Thật kinh hoàng!
Xem một lúc, Tiệt hạ tờ báo, thở dài ngán ngẩm. Miếng bánh mì cuối cùng được nuốt trọn. Hắn gác tay sau gáy, đầu ngả ra thành ghế, đôi mắt không chớp ngước nhìn trời. Thật ra Tiệt đang gặp rắc rối khác chứ không phải chứng mất ngủ, đó là sự “mất ký ức tạm thời”. Thỉnh thoảng hắn cứ mơ mơ màng màng rồi khi tỉnh ra lại thấy mình ở một nơi khác. Kỳ lạ nhất là những ký ức lúc ấy lại biến mất, hắn không nhớ mình đã làm gì. Chẳng rõ mắc chứng bệnh quái đản nào, nếu đi khám mà kê khai như vậy sẽ bị cho là điên nên Tiệt nói dối bị mất ngủ.
Nhiều lúc hắn rùng mình khi nghĩ rằng, biết đâu mình sắp chết. Ôi, không nghĩ lung tung nữa, mới liên tưởng có tí xíu đã thấy sợ. Bất chợt, tiếng ai nghe lảnh lót:
- Các em chơi cẩn thận kẻo té đấy!
Quay phắt qua, mắt Tiệt sáng trưng như hai chiếc đèn ô tô bởi người trong mộng của hắn đã xuất hiện. Cô giáo giữ trẻ hai lăm tuổi, tóc cột cao và trông rất duyên với cặp kính cận. Huyền, tên nàng mới mềm mại làm sao. Một dịp tình cờ, Tiệt đã gặp Huyền cũng tại công viên này, cô thường dẫn bọn trẻ đến đây chơi. Vừa nhìn là Tiệt thích ngay chính thế từ dạo đó hắn cứ trồng cây si ở chốn này. Sự thật thì cả hai có trò chuyện với nhau vài lần, xem ra rất hợp.
Hắn đang mơ mộng thì giọng Huyền vang lên bên cạnh, dịu dàng:
- Anh Tiệt!
Tiệt choàng tỉnh, miệng cười cười:
- Chào em, Huyền.
- Anh không được khỏe sao? - Huyền ngồi xuống bên cạnh, hỏi với vẻ lo lắng.
- Không, anh chỉ đang suy nghĩ. Em lại đưa bọn trẻ đến chơi hả?
- Chúng thích nơi này lắm, ở đây rộng rãi, sạch sẽ, có cả trò chơi lại không cần tốn tiền mua vé. - Huyền nghiêng đầu mỉm cười - Còn anh?
Tiệt rờ cái cằm lởm chởm râu, làm bộ làm tịch suy tư:
- Anh phải nghiên cứu nhiều tài liệu lắm… ở nhà trọ chật chội nên ra đây cho dễ chịu nhưng nhiều lúc anh đến đây để thư giãn như đọc báo chẳng hạn.
Hắn cầm tờ báo lên phẩy phẩy, ra điều tri thức. Huyền gật đầu, rồi tự dưng lên cơn ho. Tiệt ngạc nhiên:
- Em bệnh à, có nặng không?
- Mùa lạnh nên dễ bị ho, anh yên tâm, bệnh nhẹ thôi.
- Tốt nhất em nên đi bác sĩ, à hay là em đến phòng khám bác sĩ Phú ở gần đây đi, ông ta giỏi lắm, tiền khám cũng rẻ.
- Để em thu xếp, có lẽ là chủ nhật tuần này.
Tiệt thấy lòng sung sướng rộn ràng, cô nàng đã nghe lời mình bảo. Hắn năm nay ba mươi tám, sắp già mất rồi nhưng biết đâu lần này tình duyên sẽ đến với hắn.
Trong khi hai người nọ ngồi trò chuyện vui vẻ thì phía sau cây cổ thụ gần đó, bóng dáng Điệp Tử đang đứng nhìn chằm chằm gương mặt cười đểu của Tiệt. Nhóm khảo sát ba năm trước, Điệp Tử hận nhất là gã họ Nguyễn này vì chính hắn là kẻ đóng đinh lên cánh nàng. Nhất định phải cho gã ‘hưởng’ một cái kết thật đau đớn.
Đêm, tại ngôi nhà hoang, kẻ giết người hàng loạt lại ra tay, thêm một nạn nhân nữa ngã xuống. Tên sát nhân thở hổn hển vì cả hai đã giằng co khá quyết liệt.
Bên ngoài, trên mái nhà đối diện, Điệp Tử đứng khoanh tay giương mắt về phía kẻ thắng cuộc tàn bạo kia. Nàng cười vẻ vô cùng thích thú bởi kẻ khát máu đó không ai khác chính là Tiệt! Gã sát nhân cúi xuống, túm lấy lưỡi xác chết rồi dùng dao cắt gọn. Tuy trông sự việc như thế nhưng hành động dã man kia lại là vô thức.
Điệp Tử giơ hai tay, vỗ vào nhau làm vang lên âm thanh “Bốp! Bốp!”.
Cùng lúc, Tiệt sực tỉnh và thấy đầu đau như búa bổ. Hắn liền đưa mắt nhìn quanh, đây là đâu? Hắn nhìn xuống thì trời ơi, một xác chết mở trừng mắt nằm ngay dưới chân hắn. Chưa kịp trấn tĩnh, gã họ Nguyễn nhìn lại bàn tay trái đang giữ chặt miếng lưỡi ướt, còn con dao nhuốm máu nằm yên trong bàn tay phải. Thất kinh! Hắn vứt mạnh hai cái thứ ghê rợn đó ra xa rồi bàng hoàng lao ra ngoài.
Bóng Điệp Tử cũng không còn trên mái nhà nữa.
Về đến nhà, Tiệt đóng chặt cửa. Mở đèn, hắn đi nhanh vào phòng vệ sinh. Áo và tay dính đầy máu. Hắn vặn vòi cho nước chảy xối xả, lau như điên thứ chất lỏng đỏ sệt trong lòng bàn tay. Nhưng còn áo? Chết tiệt! Giặt thế nào cũng không được, phải làm sao, để người khác thấy là không ổn! Đốt… đúng, đốt là cách hay nhất.
Trong ánh lửa bập bùng, Tiệt nhớ lại cảnh tượng rùng rợn khi nãy tại ngôi nhà hoang, chẳng lẽ tên sát nhân giết người hàng loạt xuất hiện khoảng một tuần nay chính là hắn? Những khi mất ký ức là lúc hắn đi giết người? Không thể nào…! Tiệt ngồi phịch xuống đất, tay ôm đầu, vẻ hoang mang. Hắn tuy ăn nói bỗ bã, tính cách hời hợt ưa chọc phá người khác nhưng lá gan rất nhỏ, chẳng bao giờ hắn dám ra tay giết người, không những thế lại còn giết người hàng loạt nữa.
Tiệt cố lôi trong mớ óc trống rỗng hiện tại của mình xem vừa nãy đã xảy ra chuyện gì khiến hắn lại ra tay giết người nhưng có vẻ tất cả đều vô vọng… Sao hắn không tài nào nhớ nổi bất cứ chi tiết nào dù là rất nhỏ?
Đêm đó, gã họ Nguyễn thức trắng cùng tâm trạng sợ hãi, hoang mang cùng cực.
***
Sáng, khi rời khỏi phòng khám bác sĩ Phú, Tiệt lững thững bước vào công viên. Huyền đã ngồi chờ hắn rất lâu. Vừa thấy người, cô giáo trẻ liền gọi:
- Tiệt, anh làm sao vậy?
Tiệt thả người lên ghế, mắt trắng dã vô hồn, đáp qua loa:
- Không, chỉ hơi mệt…
- Anh phải chú ý sức khỏe đấy, kẻo bệnh thì mệt lắm. À, anh biết tin gì chưa, cảnh sát lại phát hiện một xác chết bị cắt lưỡi ở ngôi nhà hoang cuối phố. Ghê thật, chẳng biết kẻ nào lại độc ác mất tính người như vậy. Bắt được hắn thì phải đem đi tử hình!
Cổ họng Tiệt khô ran, mồ hôi trên trán ra đầm đìa. Hắn sợ khi nghe về tin kẻ giết người tàn bạo ấy. Hắn từ từ xoay sang bên, giọng nhạt hẳn, vẻ hơi run:
- Huyền, có bao giờ ký ức của em bị… bị gián đoạn? Chẳng hạn em không nhớ mình đã làm gì trong một khoảng thời gian nào đó!
- Chưa nhưng em có biết sơ sơ về bệnh ấy. Đó được gọi là “chứng mất ký ức ngắn hạn”. Bệnh này cũng rất đáng lo, vì người bị mắc bệnh sẽ hành động vô thức đôi khi dẫn đến hậu quả khôn lường.
- Thế… thế em có rõ nguyên nhân của bệnh là gì không?
- Em chẳng rõ, hình như có rất nhiều nguyên nhân, nghe đâu trong đó nổi bật nhất là phương pháp thôi miên!
Thôi miên ư? Đột nhiên hình ảnh ông bác sĩ Phú xuất hiện trong đầu Tiệt. Lẽ nào…? Ông ta điều khiển mình giết người? Không! Không phải thế!
Tiệt bất ngờ vùng dậy chạy đi thật nhanh mặc cho Huyền gọi theo. Rồi cô giáo trẻ ngừng lại, trên môi bấy giờ xuất hiện nụ cười.
Vài giây sau, Huyền biến hình trở lại là Điệp Tử.
Tối đó trong phòng trọ, Tiệt ngồi co ro, toàn thân run bắn, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Đôi mắt sợ sệt của hắn hướng về phía xác chết trước mặt, bà chủ nhà. Xung quanh dưới sàn nhà là miếng lưỡi cùng con dao sắc lạnh nằm vung vãi.
Chuyện gì nữa vậy? Tiệt nhớ là bà chủ nhà có lên đây đòi tiền tháng này, hắn xin khất sang tuần sau nhưng bà ta không chịu… Cuộc tranh cãi diễn ra tiếp đến thì Tiệt không nhớ gì cả, khi sực tỉnh thì đã ra nông nỗi này.
Tiệt hoàn toàn suy sụp, lòng muốn gào thét lên rằng, cái quái quỷ nào đang đến với hắn? Gã họ Nguyễn lật đật lấy va li rồi nhanh chóng nhét đống quần áo vào, cần rời khỏi đây càng sớm càng tốt trước khi cảnh sát phát hiện ra cái xác nằm trong phòng hắn. Hắn kinh hãi lao ra khỏi nhà, lúng túng đến mức quên mang cả dép.
***
Hôm sau ở phòng khám, bác sĩ Phú nhìn Tiệt vẻ bực bội:
- Nãy giờ anh nói gì tôi chẳng hiểu gì cả, thuật thôi miên của tôi khiến anh mất trí và làm chuyện điên rồ ư, láo nhỉ?
- Tôi nói hoàn toàn là sự thật, ông phải chữa bệnh này cho tôi! - Tiệt siết chặt tay - Ông là người có lỗi… lỡ như… lỡ như tôi giết người thì sao?
- Nếu anh có ra tay giết người thì cũng là lỗi của anh, chẳng liên quan gì đến tôi.
Trước khi đuổi Tiệt ra khỏi phòng khám, bác sĩ Phú còn cười mỉa mai, phán câu:
- Vào tù ngồi sẽ khiến anh nên người hơn đấy.
Mắt Tiệt mở to, bần thần. Hắn nghiến răng căm phẫn, xong lập tức rời khỏi đó. Bóng hắn vừa khuất thì có một bệnh nhân nữ bước vào phòng khám.
Lát sau, Tiệt quay lại còn mang theo mấy thùng xăng. Gã họ Nguyễn đã điên đến mức không làm chủ được bản thân nữa, hắn sẽ đốt cái phòng mạch này và thiêu chết tên bác sĩ bất lương kia. Tiệt khóa chặt cửa ra vào, khóa cả cửa sổ. Hắn đổ xăng quanh phòng khám, đổ hết mấy thùng xăng, chẳng lưỡng lự hắn lấy quẹt ga bật lửa. Lửa bốc lên cao, cháy lan nhanh chóng.
- Mày chết đi, Phú!
Tiệt cười điên dại, nhìn đăm đăm ngọn lửa hung tàn dần dần nuốt trọn cả phòng mạch nhỏ. Những người đi đường thấy cháy liền hô hào nhau dập lửa. Trong đám đông tụ lại xem, có một đứa bé chỉ tay bảo:
- Cô Huyền ở trong đó!
Cái gì… Huyền ư? Đúng rồi, hôm nay là chủ nhật, cô ấy nói sẽ đến đây khám bệnh! Ôi không! Tiệt bấn loạn mở di động gọi vào số máy của cô giáo trẻ. Từ trong cửa sổ trên cao của phòng khám, tiếng chuông di động vang lên rồi tắt hẳn. Vừa lúc, những người bên ngoài nghe tiếng la hét gào rú của người đàn ông cùng một cô gái.
Tiệt làm rớt điện thoại, ngồi phịch xuống, đôi mắt mở trừng trừng trắng dã. Lửa cháy sáng rực dữ dội dù những người dân đang ra sức chữa lửa.
Sau đó, xe cứu hỏa đến, lửa được dập nhưng không kịp cứu người bên trong.
Tiệt bị đưa về đồn cảnh sát. Với tội danh phóng hỏa giết người cùng những nạn nhân bị sát hại trước đó thì hắn cầm chắc bản án tử hình. Trước khi xe chạy đi, gã họ Nguyễn bất động khi thấy giữa đống hoang tàn đổ nát, xuất hiện bóng dáng Điệp Tử mặc chiếc váy tím nhìn hắn, nở nụ cười ma mị.