Nhà vừa tối vừa chật chội, nhà cũ ở nông thôn, cửa sổ rất cao, lại rất nhỏ, trong nhà đến đèn điện cũng không có, thôn bọn họ vẫn chưa có điện.
Thôn cách thành phố khoảng hai mươi mấy km, Hà Xuân Sinh vốn ở nội trú, học kỳ này lại không đóng tiền nổi nữa. Giáo viên chủ nhiệm biết hoàn cảnh gia đình hắn, thuyết phục nhà trường cho hắn tiếp tục ở lại, nhưng Hà Xuân Sinh cũng rất ít khi ở lại ký túc xá.
Hắn thà rằng mỗi ngày đạp xe một hai giờ về nhà, ở lại ký túc xá, những người bạn cùng phòng chẳng mấy chốc sẽ phát hiện hắn đến quần lót cũng thủng lỗ.
Cha hắn nằm nghiêng trên giường, ông đã không thể nằm ngửa, bụng ngày càng trướng lên, nằm ngửa sẽ khó chịu. Sắc mặt vàng đến mức đen lại, mà ngay cả sau khi ói ra máu, cũng chỉ có môi là nhìn ra được chút sắc màu.
Ông ấy nên đi bệnh viện rút nước rồi. Hà Xuân Sinh nghĩ đến cái kim thần kỳ trong bệnh viện, có một lần hắn nhìn lén thấy được, bác sĩ đâm cái kim kia vào bụng cha, rút ra rất nhiều nước vàng, cái bụng căng như bụng ếch sẽ từ từ xẹp xuống, cha hắn cũng sẽ thoải mái một quãng thời gian.
Đi bệnh viện vậy, có lẽ sẽ nằm viện, có lẽ không, chỉ cần để bác sĩ hỗ trợ rút nước ra.
"Ba, chúng ta đi bệnh viện đi."
Cha hắn gắng sức mở mắt ra nhìn hắn, đôi mắt đã không còn thần thái nữa, giống như cây bút lông viết đến cuối cùng, chỉ còn lại một chút mực tàn. Rồi ông lắc đầu, không nói gì. Nói chuyện tốn sức, ông không có sức.
"Vậy ba muốn ăn gì? Con đi mua."
Ba ngày trước Trần đại ca cho hắn một ít tiền lẻ, khoảng mười mấy đồng tiền. Đó là thù lao tháng trước hắn đánh mười mấy người vỡ đầu chảy máu.
"Xuân Sinh." Cha hắn hình như nhớ đến cái gì, đột ngột lấy lại tinh thần, "Tay nghề ba mẹ dạy con, con nhớ chưa."
"Nhớ ạ."
Cha hắn không có sức nói nữa, chỉ gật đầu. Sau đó thiếp đi.
Thời gian ông ngủ càng lúc càng dài.
Gần trưa, Hà Xuân Sinh ngồi yên trước giường cha, cảm thấy đói bụng. Hắn giận mình vì sao lại đói bụng, đói bụng phải ăn, ăn lại tốn tiền.
Hắn vừa đào hết khoai lang nhà trồng lên chợ bán, lấy tiền mua thuốc cho cha. Bây giờ trong nhà ngoại trừ một ít gạo còn lại trong lu, không có bất kỳ thứ gì ăn được.
Hà Xuân Sinh đi ra mảnh đất hoang ngoài thôn hái một ít cỏ lam mang về. Tháng Sáu dương lịch, trời bắt đầu nóng lên, trường học chắc cũng sắp thi cuối kỳ rồi. Dù sao hắn cũng sẽ không tham dự, có thi cũng vô ích.
Trước khi bệnh cha hắn trở nặng, ông từng dặn hắn nhất định phải lấy được bằng trung học cơ sở, vì nếu như chỉ có bằng tiểu học, tương lai hắn chỉ có thể làm lao động chân tay. Có bằng trung học cơ sở, ít ra cũng có thể làm được nhân viên đánh chữ.
Còn về nghề thủ công của gia đình, mấy năm gần đây ảm đạm cực kỳ, cả năm bán không được một tấm vải. Từ năm Hà Xuân Sinh học lớp ba, lớp bốn, không còn người nào đến chỗ thợ may may đồ, vải do nhà xưởng nhuộm ra đẹp hơn nhà bọn họ, lại hợp thời trang, thích màu gì mua màu đó, không phải chỉ có một loại vải xanh hoa trắng quê mùa; quần áo nhà xưởng may công nghiệp đẹp hơn thợ may, kiểu cũng mới mẻ độc đáo, quan trọng nhất là chỉ cần dạo phố một chuyến là có thể chọn được tất cả quần áo mình thích, không cần tốn thời gian chờ thêm vài ngày. Phố lớn ngõ nhỏ, ngoại trừ những bà lão, không còn mấy ai mặc đồ nhuộm màu lam. Nghề nhuộm vải mấy năm gần đây cơ bản không kiếm được tiền.
Tiền, tiền, tiền. Mệnh của ba hắn tiền không cứu được, nhưng mẹ hắn sao lại đến mức ấy? Bọn họ nói bệnh của mẹ vốn chỉ cần một tiểu phẫu là giải quyết được, vậy mà lại phải kéo dài tới mức lúc đưa đến bệnh viện chỉ có thể chịu chết.
Trước đây bọn họ dựa vào nghề gia truyền vẫn sống được qua ngày, vài mẫu đất cằn cỗi không để vào mắt, đến mấy năm trước tình hình ảm đạm, bọn họ cũng thuê đất của người trong thôn, món nào năm ấy bán tốt thì trồng thứ ấy. Lại thêm vài năm, được mùa mất giá, hoa màu vứt đầy mặt đất, đến tiền phân bón cũng không lấy lại được.
Hắn nhớ tới năm ấy, mẹ gào khóc trước bao cải, không lâu sau thì đổ bệnh.
Trong nhà đến dầu cũng không có. Hai tháng trước, lúc ba hắn còn đi lại được, ông lên chợ bán thức ăn mua thịt mỡ vụn còn thừa lại, người ta nửa bán nửa cho không hề ít. Về nhà làm nửa nồi mỡ lợn, đổ vào thố tráng men, đã dùng lâu như vậy.
Hà Xuân Sinh tuổi nhỏ da mặt mỏng, hết dầu cũng không dám đi mượn người khác. Trong thôn không còn bao nhiêu người, người có sức khỏe đều vào thành phố làm việc, chỉ còn mấy bà lão, đi mượn dầu nhất định sẽ bị hỏi này hỏi nọ, phiền cực kì. Cũng đâu thể nào đánh các bà ấy được?
Hắn đốt củi nấu cháo xong, lại đun chút nước, bỏ cỏ lam vào, thêm ít muối khuấy khuấy, được thêm một món ăn. Nhìn nước luộc trong nồi, cho dù là nồi gang đen sì, hắn cũng biết đó là màu xanh lam. Tâm tính thiện lương như bị lưới sắt nung đỏ trói chặt, rốt cuộc là phẫn nộ hay đau đớn, thiếu niên hoàn toàn không diễn tả được.
Khi còn nhỏ, hắn vô cùng thích lẽo đẽo theo sau người lớn, học theo bọn họ cắt cỏ ngâm chàm, màu xanh lam quen thuộc đó đáng yêu như vậy, hắn ngạc nhiên nhìn bản khắc hoa đã quét hồ được đặt trên vải trắng, chờ khô, bỏ vào lu chàm, từ lu đầu nhuộm đến lu cuối, rồi phơi khô, nền xanh lam, hoa trắng.
Hắn cảm thấy đó là những bông hoa đẹp nhất trên đời. Nhưng bây giờ, đó lại là những bông hoa không đáng tiền nhất.
Hắn đem cháo và cỏ lam vào phòng, phòng quá tối, hắn không đóng cửa. Cha hắn cảm nhận được ánh sáng, nằm trên giường giật giật.
"Ba, ăn cơm."
Cha hắn ừ một tiếng. Hà Xuân Sinh nâng ông dậy, tựa vào đầu giường, đút cháo cho ông. Mấy miếng vào bụng, ông đã lắc đầu muốn nằm xuống.
Hà Xuân Sinh sợ hãi, nửa năm trước cha hắn ói máu một lần, lúc vào bệnh viện, bác sĩ không cho ông ăn gì, chỉ cho tiêm. Nhưng bây giờ không ở trong bệnh viện, không tiêm lại không ăn, người có thể sống được bao lâu?
Cỏ lam không phải cho cha hắn ăn, ông ăn không được những thứ thô. Hà Xuân Sinh ngồi ở đầu giường, và miếng cỏ lam không có dầu vào miệng, ngoại trừ mặn, chỉ có đắng.