Mục lục
Những Mảnh Ghép Của Sự Tỉnh Thức
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đã ba ngày kể từ khi đến nơi đây thực tập phép quán niệm hơi thở, ngày hôm nay thời tiết ói bức hơn thường khi, tôi đứng trước hiên cửa phòng mà cảm nhận được cái hanh khô. Từng cơn gió đem theo không khí nóng nực và khô khan, những chú chim cũng không hót nữa mà tìm chỗ mát trốn cái nóng khi trời chớm hè.

Cái thời tiết này dễ làm con người ta bực tức và nổi cáu lắm! Đang trầm ngâm thì tôi nhanh trí đi ra rừng trúc để tìm nơi mát mẻ ngồi tu thiền, rảo bước trên con đường tới rừng trúc tôi không vội vã mà chạy nhanh nữa. Nếu là trước đây tôi sẽ chạy thật nhanh để tìm chỗ mát mẻ tránh cái nóng bức, vì sợ nếu mình không nhanh thì người khác sẽ chiếm mất chỗ ngồi.

Nhưng sau khi học thiền và nghe Thầy giảng rất nhiều bài học hay, tôi nhận ra rằng "dù người có chạy nhanh tới đâu thì cũng đang chạy dưới cái nóng, mà nếu nóng vội ra sức chạy thì lại lấm tấm mồ hôi vừa mệt lại còn thấy oi bức hơn nữa, vậy thì tránh nóng đâu còn ý nghĩa gì!"

Tôi nghĩ được như vậy vì trước khi gặp được Thầy tôi có đọc một cuốn sách do người viết tên là "Đường Xưa Mây Trắng" trong đó có một chương tôi rất thích, Thầy có viết tên chương là "Đi Để Mà Đi". Những ngôn ngữ mộc mạc mà gần gũi của Thầy trong chương đó qua cái nhìn của nhân vật Sivastika cho tôi biết được "chúng ta đi để mà đi chứ không phải đi để mà tới". Cứ chậm rãi đi thôi rồi cũng tới, khi tới rồi thì ta cũng sẽ lại đi.

[Tôi viết tác phẩm này phần nhiều ngôn ngữ là lấy cảm hứng từ Thầy, và tôi biết ngôn từ của bản thân chưa đủ hay chưa đủ tốt, vì bản thân tôi không phải Thầy, cũng chưa đủ yêu thương để viết được những từ ngữ yêu thương nhất chạm tới người đọc. Nhưng tôi vẫn cứ viết cứ làm, một phần để tự thân thực tập tiếp cận những ái ngữ đó, phần còn lại là mong muốn mọi người đều có thể tìm lại những phẩm chất quý giá đã mất từ lâu ]

Nói thì như vậy nhưng đi thật chậm dưới cái khí trời hanh khô, ánh nắng chói chang quả thật là khó lắm! Càng đi chậm tôi càng thấy những tia nắng xuyên vào da thịt, mới đầu thì ấm càng lúc càng nóng rồi rát, những lúc như thế như một bản năng, trong đầu tôi liên tục vang lên tiếng nói: "Chạy đi chạy thật mau đi, tại sao phải đi chậm để chịu nắng".

Vậy mới biết con người ta đã có sẵn bản năng tránh né vấn đề, thay vì chọn đối mặt với nó. Đột nhiên tôi cũng cảm nhận được, thời tiết cũng giống con người vậy, mới hôm trước bước vào cũng giờ khắc ấy thì thời tiết mát mẻ, êm dịu biết bao, ấy vậy mà hôm nay nó như một người bực tức, cọc cằn mà giận dữ, nó trút giận lên những người thậm chí chẳng liên quan đến nó.

Con người thì cũng giống vậy, có những hôm nhẹ nhàng trìu mến, nhưng khi có chuyện bất như ý thì đại đa số đều nổi cáu, tức giận để rồi tìm kiếm những điều kiện, sự vật khác nhau trút lên thậm chí những thứ ấy chẳng phải nguyên nhân gây ra sự tức giận trong họ.

Thay vì đối diện với vấn đề với cơn giận ấy thì người ta thường tránh né bằng cách đổ lỗi, trút lên người khác bằng thái độ, và lời nói có sức sát thương rất lớn.

Vừa dứt dòng suy tư thì tôi nghe tiếng chân vội vã như đang chạy ở phía sau, tôi nghe rõ hơi thở gấp, dồn dập, quay lại nhìn thì thấy một cô gái, mặc áo lam chắc cũng là người nghe danh Thầy đến tu học.

Cô gái chạy gần hơn đến phía tôi thì nói lớn:

- Ê sao trời nắng như vậy mà không chạy đi cho mau mà đi từ từ nhìn tội vậy bạn?

Tôi cười xã giao cho có cảm giác thân thiết rồi đáp:

- Mình cứ đi chậm thôi, cũng tới rồi, chạy mau cũng nắng mà còn mệt thêm, đàng nào cũng bị nắng thì cứ từ từ tới nơi ngồi là thấy mát hơn khi đi dưới nắng rõ luôn ấy.

Cô gái nghe thấy tôi nói vậy cũng không chạy nữa mà chủ động bước chậm lại cố gắng đi cùng tôi. Đi chung được mươi bước chân thì tiếng thở dốc rõ hơn, bởi lẽ con người ta khi đang chạy nhanh mà đột ngột dừng lại thì thở mạnh lắm. Tôi ngó sang nhìn kĩ xem cô gái ấy ra sao thì quả như dự tính, mồ hôi nhễ nhại đẫm trán, mặt mũi cổ cau lại, thể hiện rõ sự tức tối khó chịu.

Thấy thế tôi liền hỏi:

- Sao nhìn bạn khó chịu quá vậy, có chuyện gì không vui hả?

Cô gái trả lời với âm giọng hằn học:

- Không thấy nắng hả, nắng vậy thì phải khó chịu bực tức chứ, hỏi kiểu gì mà khờ quá vậy?

Đang đi bình thường tự nhiên có người vì nắng nóng mà nói những từ ngữ với thái độ cọc cằn với mình cũng làm tôi cảm thấy không vui vẻ, thậm chí có chút khó chịu ngược lại với cô gái kia. Tôi định trả lời lại để cho cô ta đi chỗ khác và ngưng cái vẻ mặt kia lại thì tôi nhớ đến bài giảng của Thầy.

"hãy thấu hiểu người khác, đặt mình giống họ để rồi đưa ra phán đoán, yêu thương họ hơn" tôi nghĩ lại thấy cũng đúng, nếu đang nắng nóng như vậy mà còn bị người khác hỏi sẽ dễ gây bực tức, mà bản thân tôi cũng chút định dùng những lời lẽ mang tính sát thương để thể hiện sự nóng giận của bản thân ra đó thôi.

Nghĩ rồi tôi im lặng không nói gì thêm, mặc dầu lòng nghĩ vậy nhưng đâu đó trong tâm tôi cũng có giận cô gái kia, chỉ là cố nén xuống không nói ra thôi. Đi được một đoạn thì vẻ mặt của cô gái kia càng nhăn lại, những nếp nhăn ở mặt xô lại, cặp chân mày nhíu xuống, bước đi cũng ngày một mạnh như trút giận xuống mặt đất, thấy vậy tôi không nhịn được mà nói:

- Nếu bạn thấy nắng thì đi mau đi cho khỏi nắng, không cần cố đi chậm như mình đâu!

Nghe thấy vậy cô ta liếc tôi một cái rồi gắt lên:

- Khùng ghê, nãy thì kêu đi chậm xong giờ nói đi nhanh cho khỏi nắng, tự nhiên đi chậm với thằng dở hơi cho bực cả người.

Nói xong rồi cô gái chạy một mạch ra rừng trúc. Tôi nghe những lời ấy mà lòng càng không khỏi tức tối, tuy người chạy xa rồi nhưng những câu nói khi nãy cứ âm ỉ trong lòng mãi, rồi cái vẻ mặt lúc đi đứng cau có khó chịu, nhăn nhó khi nãy càng khiên tôi thấy không được vui hơn. Thêm nãy giờ đi dưới ánh nắng đã lâu cái nóng nực làm lòng tôi như lửa đốt, thật sự chỉ muốn xả ra cho hết bực mình.

Vừa bước đi với sự giận dữ dường như những bước cân của tôi không còn chậm rãi và thoải mái nữa, đi ngang qua hồ sen mà tôi vẫn rất thích thường ngày, lúc nào cũng thơm và đẹp ấy vậy mà bây giờ tôi nhìn những bông sen trắng kia mà không còn thấy nét đẹp êm dịu của chúng.

Tiến lại gần hồ sen tôi nom bóng mình dưới nước, nét mặt của tôi lúc bấy giờ giống hệt nét mặt của cô gái kia, sự khó chịu rõ rệt, chỉ nhìn bóng mình dưới nước lúc ấy chính bản thân tôi cũng không chịu được với cái nét mặt đáng ghét ở mặt hồ kia.

Bất giác tôi nhận ra rằng mình trở nên tức giận thật rồi, vì cô ta mà khiến mặt mũi luôn trong trạng thái khó chịu thì có đáng đâu? Rồi nhìn lại mình lúc này có khác gì cô ta khi nãy, để cái mặt như vậy nhìn người khác thì những người đối diện không tội tình gì cũng phải chịu sự bực tức của tôi vậy thì chẳng phải là một chuyện tốt đẹp gì.

May nhờ có hồ sen lúc ấy mà bản thân tôi nhận ra được tâm mình cũng xấu xí biết bao, khi giận lên thì không chỉ tâm xấu mà nét mặt thể hiện ra cũng chẳng mấy tốt lành, ấy là do tôi đã cố gắng thấu hiểu để ngăn cái miệng này không buông ra những lời lẽ sắc xéo, gây khổ đau cho người đối diện.

Nếu tôi không nhớ đến bài giảng của Thầy thì tôi của ngày xưa có lẽ đã tìm mọi cách buông ra những câu nói để trả đũa người đã đem lại sự tức giận cho tôi, nhằm xả cái tức giận này ra thay vì im lặng và ôm lấy nó giống bây giờ.

Suy tư một lát, dặn lòng buông hết chuyện khi nãy mà hít một hơi thật sâu rồi lại bước đi tới rừng trúc, khi tới nơi tôi nghe tiếng ồn ào cãi vã văng vẳng, giọng nói chưa đầy sự tức giận, mà giọng này nghe quen lắm, rất giống cô gái ban nãy. Đi sâu vào để xem có chuyện gì thì tôi thấy cô ấy lại đang nổi cáu với một chàng trai khác.

Cô gái đầy vẻ tức giận mà la lớn:

- Rõ ràng chỗ dưới bụi trúc này là của tôi, tôi ngồi đã hơn ba ngày nay rồi. Hôm nay nắng nên ra trễ một chút mà đã ngồi lên chỗ người khác rồi. Đi kiếm chỗ khác ngồi có được không?

Nghe giọng gắt gỏng hờn trách thì chàng thanh niên kia cũng không trấn tĩnh được mà đáp lại, lời nói mang tính rất khiêu khích:

- Buồn cười thật, nguyên cái rừng trúc rộng như vậy, thiếu gì chỗ ngồi? Mà chỗ này có ghi tên của bạn không? Nếu thấy người khác ngồi rồi thì đi chỗ khác mà ngồi, nơi đây là chỗ thanh tịnh có chút vậy cũng nổi điên lên với người khác, con gái á nên dịu dàng một chút cũng đừng hẹp hòi quá.

Trời thì đang nắng nóng, cô ta lại mới cáu gắt với tôi khi nãy, người nhễ nhại mồ hôi, vốn mang bực sẵn trong lòng mà chạy nhanh để kiếm chỗ mát, xong thấy chỗ thường ngày ngồi có người ngồi mất, cô gái không phải là kiểu người dễ nín nhịn tất nhiên sẽ tìm người ngồi lên chỗ của mình mà quát nạt xả hết cái nóng nực trong người rồi.

Nhưng lần này đối phương lại cũng là một chàng trai không muốn nín nhịn như tôi ban nãy, lập tức đáp trả, lại càng khiến giận càng thêm giận. Như lửa đang cháy lại có thêm xăng vào

Cô gái trợn mắt, mặt đỏ ửng lên nhìn là biết đang giận lắm, cô ta chống nạnh buông ra những ngôn ngữ không mấy đẹp đẽ:

- Tao mắc gì phải dịu dàng, phải nhịn cái ngữ đàn ông như mày? Loại đàn ông gì mà đi so đo chỗ ngồi với con gái, loại như mày có đẹp có tiền đến mấy cũng chả con nào thèm đâu, đàn ông hèn!

Anh bạn kia bị nói như thế xả thiền mà đứng bật dậy, mặt như muốn đánh cô gái kia, nhưng thay vì thấy sợ cô ta hất mặt lên giọng đầy thách thức:

- Mày đánh đi, có giỏi đánh chết tao đi rồi tao kiện cho ở tù nha thứ đàn ông hèn mới đánh phụ nữ.

Mọi người ở chung quanh không ai chịu nổi cô gái, cũng không muốn làm mất đi sự yên tĩnh nơi tu tập, nên đều khuyên can cả hai dịu lại, nhưng càng khuyên càng không có tác dụng.

Đang ồn ào lớn tiếng, bỗng nhiên thầy nhẹ nhàng bước tới giọng thầy vang lên hỏi:

- Thầy nghe phía xa có tranh cãi lớn, có chuyện gì mà các con bàn tán nhộn nhịp vậy?

Nghe tiếng Thầy mọi người đều im lặng, rồi chắp tay búp sen chào người, hai bạn gây ra tranh cãi kia nghe Thầy nói vậy rồi cũng nín nhịn lửa giận xuống chào người, cả hai lặng lẽ tìm chỗ ngồi thiền.

Tôi cũng ở trong đám người mà quan sát, phải công nhận năng lượng bình an mà Thầy đem đến thật lớn, một trận cãi nhau to như vậy mà chỉ với giọng nói hiền từ, ánh mắt điềm đạm và nhẹ nhàng đã khiến mọi thứ lắng xuống.

Thầy vừa bước miệng vừa mỉm cười tiến lại gần phía cô gái và chàng trai mới tranh cãi, nắm lấy tay họ rồi nói:

- Hai con hãy lên phía trên gần chỗ thầy, hôm nay có bài giảng mà ta nghĩ sẽ tốt cho cả hai.

Nói rồi Thầy dẫn hai người tiến gần về phía tọa cụ của người, như thường lệ người nhẹ nhàng ngồi xuống bắt kiết già, chỉnh chu lại trang phục quan sát mọi người một lượt, nhưng khác với mọi khi thay vì im lặng chờ an tĩnh mới giảng thì hôm nay Thầy liền nhìn cặp mới cãi vã mà vào luôn chủ đề:

- Thầy biết hôm nay chỗ chúng ta có một vài xích mích nhỏ, các con cũng không cần thấy ái ngại vì cuộc sống luôn có những bất đồng mà gây nên cãi vã như thế. Nên sẵn đây Thầy sẽ giảng về chủ đề "giận để mà thôi giận".

Thầy vừa nói xong ai nấy nghe đều ngơ ngác, chẳng ai hiểu nổi. Tôi cũng vậy, tôi không rụt rè như mọi khi mà thưa với người:

- Thưa thầy, giống ban nãy con thấy khi đã giận thì chỉ có giận thêm, như xăng gặp lửa, thì làm sao "giận để mà thôi giận được?"

Người nhìn tôi trìu mến xong người kể:

- Ngày xưa ở khung trời đao lợi, các chư thiên đang bàn nhau rằng: "Trên thế gian này có thanh kiếm nào là sắc bén nhất?, chất độc nào là tàn hại nhất? Ngọn lửa nào là dữ dội nhất, bóng đêm nào là u tối nhất?"

- Mọi người đều chẳng hay biết nên đã tới nhờ Vua trời Đế Thích giải bày, ngẫm hồi lâu Đế Thích cũng đành chịu. Ông bèn dẫn các chư thiên tới tìm đức "Như Lại" mong được giải đáp.

- Vua trời hỏi: "Bạch đức thế tôn con muốn hỏi ngài, thanh kiếm nào là sắc bén nhất?, ngọn lửa nào là dữ dội nhất?, chất độc nào là tàn hại nhất? Bóng đêm nào là u tối nhất?"

- Như Lai trả lời: "Lời nói trong khi giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất, dục vọng là chất độc tàn hại nhất, đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất, vô minh là bóng đêm đen tối nhất"

Kể tới đây Thầy nhìn hết thảy học trò phía dưới rồi hỏi:

- Hôm nay ta muốn nói cho các con về sự giận dữ, vậy có ai hiểu được ý nghĩa câu trả lời của đức Như Lai về giận dữ không? Tại sao ngài lại cho rằng "lời nói khi giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất?"

Vì khi nãy tranh cãi với cô gái, bản thân tôi là người mới trải qua đồng thời lúc sau lại chứng kiến những lời nói của 2 người qua lại khi tức giận, tôi không ngần ngại trả lời Thầy:

- Dạ thưa, khi con người ta nóng giận trong thời khắc ấy họ chỉ muốn xả hết cơn giận ra ngoài để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn, và để làm điều ấy họ tìm cách đáp trả đối phương bằng những lời nói sắc xéo, thù hận nhất khiến cho người kia phải đau khổ phải hối hận và trở nên tức giận giống họ.

Thầy ôn tồn bảo:

- Con nói rất đúng, chúng ta là những con người hết sức bình thường, khi có những điều bất như ý thì tâm ta bị tổn thương sản sanh khó chịu, nó khiến ta như đang ôm một bụng đầy lửa vậy. Bản năng của con người là khi gặp những thứ có thể gây khó chịu, hay tổn thương sẽ vội buông ra.

- Giả như một người cầm ấm trà đang nóng đột ngột thì ngay lập tức họ vứt đi chỗ khác, rất ít người trước khi vứt sẽ quan sát xem có ai xung quanh không để tránh làm thương tổn những người kề cận.

- Cũng giống việc nổi giận, bụng người ôm đầy lửa hận mà khó chịu, rất ít người đè nén nó cho đến khi tự tắt thì họ lại mở miệng ra để phun cái lửa ấy vào người khác. Làm như vậy hiển nhiên sẽ nhanh hơn, thoải mái hơn là ôm lại rồi.

Nói một lát người ngưng lại, xoa xoa ly trà rồi nhấp vài miếng, Thầy lại hướng mắt về phía hai bạn mới tranh cãi ôn tồn nói tiếp:

- Các con có biết không! Những người tức giận thật ra là người rất tội nghiệp, bởi vì không thể chịu được những tổn thương bên trong, họ chịu đựng thật sự rất kém, nên đành phải xả ra bên ngoài tìm kiếm cảm giác thoải mái.

Khi một người nổi giận, trong tâm trí họ chỉ có hận thù, và liên tục suy nghĩ ra những ngôn từ rất sắc bén, khổ đau, hơi thở của họ mang đầy sự khó chịu nên khi buông nhời sẽ cực kì cay độc.

- Những lời nói khi ấy chẳng khác nào dao kiếm, dù người khác có mặc giáp cũng bị xuyên thủng, dù có ở vạn dặm vẫn còn cảm giác khổ đau. Nỗi đau ấy âm ỉ và kéo dài trong tim những người phải chịu những lời lẽ của họ khi nóng giận. Kiếm thật có thể một khắc làm con người ra chớt nhưng họ không còn cảm thấy đau đớn sau đó nữa.

Tuy lời nói không làm con người ta chớt ngay, mà nó hành hạ, dày vò tâm can của họ, nếu người nghe yếu mềm và nhớ lâu, thì năm tháng qua đi chỉ cần nhớ đến vết thương ấy lại rỉ máu lại khổ đau. "Thanh kiếm từ lời nói khi giận" còn ác độc, tàn nhẫn hơn việc cầm kiếm thật mà kết thúc sinh mệnh của một người.

Nói tới đây Thầy ngưng lại cho học trò suy ngẫm, không gian đột nhiên tĩnh lặng, những cơn gió cũng đã bắt đầu ôm lấy từng ngọn tre, trúc mà xạo xạc, chúng còn đem theo hương sen trong hồ phảng phất, cái nóng, cái giận của mùa hè cũng dần dịu xuống, chỉ còn đọng lại những lời giảng của Thầy, bất giác tôi thấy lòng mình an yên hơn, cũng không còn để chuyện khi nãy làm tâm buồn bực nữa, và tôi chắc rằng mọi người ở đây đều vậy. Ngay lúc này đây tất cả đều nghe và thực tập quán niệm hơi thở nên năng lượng bình an rất lớn.

Đoạn một hồi Thầy cất tiếng hỏi:

- Thấy tác hại của việc nóng giận là rất lớn, các con ngẫm cũng lâu rồi, vậy Thầy hỏi các con nghĩ có nên nổi giận không?

Tất cả đều đồng thanh đáp: "Thưa thầy không nên chút nào"

- Đúng vậy, khi biết được tác hại của việc giận là lớn đến mức nào, thì ta không nên nổi giận để mang thương tổn cho bản thân và người xung quanh.

- Vậy các con có biện pháp nào để ngưng giận chăng?

Có người nói: "Con biết được cách để không giận, là tập trung vào hơi thở, trong khi tức giận, cố gắng kiềm nén lại và không để tâm lời nói, hành động của người mang trong mình sự giận dữ tự khắc sẽ ngưng giận"

Người ngẫm nghĩ một lát rồi giọng lại vang vang:

- Cách của con quả là không sai, nhưng rất khó để làm được, trừ khi con tu đạt cảnh giới thấy người cũng như thấy ta, tâm tất không biến động.

- Giờ Thầy sẽ giảng về cách để ngưng giận nhanh nhất cũng như giải đáp thắc mắc của các con về câu "giận để mà thôi giận".

Nghe thì có vẻ là cao siêu đấy, là khó hiểu đấy nhưng nhìn sâu hơn thì lại rất dễ dàng và có hiệu quả cực lớn để gạt bỏ nỗi giận dữ trong chúng ta. Khi trong tâm ta bắt đầu khởi lên những ý niệm xấu, những lời lẽ cay độc, hoặc bị ai đó thắp lên ngọn lửa giận dữ. Đừng vội đè xuống, mà hãy buông ra, giận càng mạnh hơn nữa và chúng ta ôm lấy cơn giận đó, chuyển hướng nó vào chính mình.

Thấy mọi người ai cũng ngơ ngác chưa hiểu Thầy nói thêm:

- Nghĩa là thay vì chúng ta giận người khác, thì hãy để sự tức giận ấy lên chính mình, hãy tự giận mình, chửi mắng mình rằng "Sao mi lại hẹp hòi ích kỉ vậy tâm ơi? Sao mi lại ác độc và cay nghiệt như thế". Những đau khổ, bực dọc khi bản thân con chịu như thế nào, thì người khác khi hứng chịu lửa giận của các con cũng giống như thế.

- Nếu nghĩ được như vậy thì ta sẽ hiểu được người kia sẽ tổn thương như thế nào, ít nhất sẽ ngưng giận, và thu lại những ý nghĩ xấu ác, nếu làm tốt hơn tâm ta sẽ an lạc và có những ái ngữ, êm dịu và yêu thương.

- Chúng ta sẽ trở nên cực kì tươi mát, và khi ta đã tươi mát thì những người xung quanh cũng tươi mát, lửa giận của họ cũng từ đó mà nguôi đi.

Khi này trời cũng đã xế chiều, những lời giảng của thầy như một dòng nước suối thanh khiết và tươi mát, chảy thật chậm rãi từ tai rồi đi sâu vào tâm trí, thẩm thấu tới từng dòng suy nghĩ, đặc biệt là càng hiệu nghiệm với những người tu thiền. Bởi khi thiền trong trạng thái tập trung chỉ cần chú tâm vào một vật hay lời nói ta sẽ có khả năng cảm ngộ cao về sự vật, lời nói ấy gấp nhiều lần.

Trong chúng tôi không còn tức giận nữa, cái nóng của bữa trưa cũng tan dần theo ánh mặt trời. Khi trời nhá nhem tối Thầy dừng buổi giảng pháp để mọi người cùng về chuẩn bị thọ trai.

Tôi lại không vội về ngay, mà ở lại cùng người rồi giãi bày:

- Thưa Thầy có thật là kiềm chế cơn giận theo cách của người giảng ban nãy là dễ dàng và hiệu quả không ạ? Con cảm thấy để làm được điều ấy rất khó!

Người đăm chiêu nhìn tôi rồi đáp:

- Quả thật là không dễ, nhưng cũng chẳng hề khó. Chúng ta đều là những người bình thường thôi, chẳng ai chưa từng giận và cũng không ai chắc sẽ kiểm soát hay kiềm chế cơn giận khi nó đã đạt điểm được.

Nhưng sẽ dễ hay khó là do mỗi chúng ta chọn, thay vì chọn sống giận dỗi để tự ngọn lửa của giận dữ làm tổn thương mình và mọi người xung quanh, sao ta không chọn sống một cách tươi mát, từ biểu cảm đến tâm hồn luôn tươi mát, để bản thân được thoải mái và ta tin chắc rằng khi ta luôn tươi mát, mọi người chung quanh sẽ đều cảm thấy thế.

Tôi bước theo sau Thầy rồi cứ đi theo mãi, tôi biết đó là con đường mà tôi đang đi và sẽ phải đi, con đường ấy đầy rẫy khó khăn và bóng tối nhưng tôi vẫn sẽ đi theo vì Thầy đang dẫn lối cho tôi, tôi tưởng tượng được rằng ngay lúc tôi đang đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc đang viết. Thì tôi như được thấy Thầy đang kề cạnh dù thực tế tôi chỉ có cơ hội thăm người qua những cuốn sách, tác phẩm còn sót lại của người..

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK