“Còn bốn năm nữa chúng mình lấy nhau đúng không?”.
Cậu bé thân hình hơi gầy bọc trong chiếc áo sơ mi đơn giản màu trắng, vẻ mặt cố tỏ ra chững chạc, lắc lắc cái đầu với mái tóc ngắn củn:
“Bốn năm nữa bọn mình mới mười sáu, chưa đủ tuổi. Phải đợi cậu mười tám, tớ hai mươi thì mới có thể kết hôn”.
Cô bé phồng má, ngây thơ nói:
“Chị họ của cậu mười sáu tuổi cũng lấy chồng rồi mà. Tớ phải đợi tám năm à, lâu lắm. Không chịu đâu”.
Cậu bé áo trắng gãi gãi cái cằm nhẵn thín chẳng có cọng râu nào:
“Chị ấy là tảo hôn. Bây giờ pháp luật nghiêm lắm, tảo hôn sẽ bị phạt đó! Tám năm qua lẹ cực, sau này chúng ta sống cùng nhau tám chục năm, cho cậu ngán tới cổ luôn!”.
Cô bé bật cười khúc khích.
“Không ngán đâu. Tớ thích cậu nhiều thế này này…”.
Hai cánh tay trắng ngần như ngọc dang rộng hết cỡ, cô bé đứng dậy xoay tròn như muốn ôm hết cả quả đất. Đột nhiên cậu bé hốt hoảng hô lên:
“Cậu chảy máu kìa!”.
Cô bé khựng lại, quay đầu nhìn theo ngón tay đang chỉ của cậu bé, mặt tái mét sợ hãi. Cậu bé gấp gáp hỏi:
“Có đau không? Có phải bị con gì cắn không?”.
Cô bé lắc đầu nguầy nguậy bảo không đau, lại bật khóc. Cậu bé nắm tay cô, dịu dàng xoa dịu:
“An ơi đừng khóc. Để tớ xem”.
Cô bé hít hít mũi, gật đầu. Cậu bé xoay cô lại, vén váy lên cao, bên trong chiếc quần con bé xíu, máu đỏ từng giọt nhỏ xuống cỏ non. Trên đùi cô bé không có vết thương nào. Cậu bé đột nhiên ngẩn người rồi reo lên:
“Cậu có kinh rồi!”.
Gương mặt hai đứa trẻ rạng rỡ nhuộm trong tầng nắng vàng. Cậu bé xoay người ngồi trước mặt cô bé, đập đập vào lưng mình:
“Mau lên, tớ cõng cậu về”.
Cô bé lại lau nước mắt không chịu:
“Không lên đâu. Bẩn áo của cậu mất. Tớ đi bộ về…”.
Cậu bé nhớ ra áo sơ mi trắng tinh trên người là quà sinh nhật cô bé tặng, liền cởi ra, gấp lại đưa tới tay cô bé:
“An cầm áo, tớ cõng. Lẹ nào”.
Cô bé lúc này mới ngoan ngoãn cầm áo vòng tay qua cổ để cậu bé nâng lên cao. Cậu bé gầy gò nhưng bước chân thoăn thoắt, cậu cười nhìn cảnh vật trước mắt, cảm thấy thế giới thật xinh đẹp. Trong sách có viết, con gái có kinh nguyệt, tức là đã dậy thì rồi, sẽ mau chóng lớn lên. Cô bé gác cằm nhỏ trên vai cậu, môi hồng như hoa đào hé mở:
“Cậu có vui không?”.
Cậu bé gật mạnh đầu, cười khoe răng trắng:
“Có. Vui cực í”.
Bên tai giọng nói non nớt róc rách như suối lại hỏi:
“So với đoạt giải nhất thi điền kinh thì có vui hơn không?”.
Cậu bé cười ha ha:
“Ngốc, tớ đoạt giải để cậu vui mà. Hôm nay vui hơn cơ”.
Cô bé cũng cười, dụi dụi đầu vào hõm vai cậu. Một lát lại ngẩng dậy hào hứng nói:
“Từ hôm nay tớ sẽ là thiếu nữ rồi đúng không? Là thiếu nữ rồi sau này có thể sinh con cho cậu. Cậu muốn mấy đứa? Soạn thích con trai hơn hay con gái hơn?”.
Cậu bé xốc người, ôm cô bé đang trượt dần xuống kéo sát lưng mình. Vừa chạy vừa suy nghĩ xem sau này có con trai hay con gái thì tốt hơn. Nghĩ mãi, nghĩ mãi. Cuối cùng chịu thua.
“Chúng mình cứ sinh hai đứa đi. Con trai con gái gì cũng được tuốt. Nhưng mà mười năm nữa mới có con được”.
Cô bé nghe thấy liền thắc mắc:
“Tám năm chứ, sao lại mười năm!”.
Cậu bé kiên quyết nói:
“Kết hôn rồi tớ phải đi làm kiếm tiền nuôi cậu chứ. Hai hai tuổi chúng mình hẵng sinh con”.
Cô bé dịu dàng “ừm” một tiếng, sau đó cũng bắt chước cậu ra vẻ người lớn:
“Tớ cũng đi làm kiếm tiền nuôi con”.
Cậu bé nhe răng cười:
“Cậu có em bé sẽ mệt lắm, tớ đi làm nuôi mấy mẹ con”.
Cô bé cười hì hì. Cậu cõng cô về nhà, tới tận cửa phòng tắm nhỏ trong nhà cô bé. Sau đó hộc tốc chạy ra tạp hóa gần nhất.
“Cô Thúy ơi, má con tới kỳ kinh nguyệt mà quên mua đồ. Cô bán cho con một bịch…”.
Chủ sạp hàng “à” một tiếng.
“Loại có cánh hay không cánh hả con?”.
Cậu bé đọc rất nhiều sách, nhưng “cánh” này là cánh gì? Chưa từng nghe qua…
“Cả hai đi cô”.
Cậu mang hai gói một cánh, một không cánh chạy ùa về nhà cô bé, vào phòng cô lấy khăn sạch, một bộ váy vải mịn và cả đồ con. Ba của An thường xuyên đi xa, mẹ thì mất sớm. Từ nhỏ hai đứa trẻ đều cùng ăn, cùng chơi. Hai nhà sát vách, một năm mười hai tháng, cậu bé đến đây ngủ hết sáu tháng. Nửa năm còn lại, cô bé đến nhà cậu bé ngủ. Hai đứa trẻ dần trưởng thành, người lớn thấy vậy thì nhắc nhở, muốn cậu bé giữ ý, dù sao cũng là một nam một nữ. Cậu bé nghe xong thẳng thừng phản bác:
“Nếu chỉ vì người khác bàn tán linh tinh mà con để An một mình, vậy sau này lớn lên sẽ có thể vì sĩ diện ngay cả lương tâm cũng vứt đi được. Con trai hay con gái thì sao. Là con người phải sống sao không thẹn với lòng”.
Mẹ cậu bé còn đắn đo, hỏi lại:
“Nhưng người khác nói khó nghe sẽ khiến bé An buồn, con không sợ ư?”.
“Sao phải sợ! Hoàn cảnh của An ai mà không biết, người nào ác tâm đến mức nói năng hàm hồ thì không đáng để bọn con quan tâm”.
Ba cậu bé nhìn con trai cười gật đầu:
“Không uổng công ba đẻ mày ra!”.
“Anh à, là em đẻ con mà”.
“Thì anh góp công một nửa còn gì!”.
Ba của Soạn vốn là một tay giang hồ ở đất Sài Gòn, mười ba năm trước “về hưu non”, đến thị trấn nhỏ này cất đất dựng nhà. Gặp mẹ cậu bé là cô giáo làng, hai người quen nhau ba ngày, lập tức quyết định kết hôn. Ông ngoại cậu bé không vừa mắt thằng con rể ở đâu dẫn xác tới, mới mấy ngày đã dụ dỗ con gái rượu, đâu chịu cái đám này. Ba cậu bé quỳ trong sân nhỏ, bảy ngày bảy đêm, không quản nắng mưa, không uống một giọt nước. Lưng vẫn thẳng tắp. Đêm thứ bảy thành công, chính thức được nhận làm con rể. Trước lúc ngất đi, ngoác miệng cười nói một câu: “Cảm ơn ba”.
Cậu bé thừa hưởng tính cách của ba mình, một khi đã quyết ý chuyện gì, ai cũng không làm lung lay được!
Cô bé từ phòng tắm bước ra, nhảy chân sáo cười:
“Chúng ta qua nhà Soạn đi, báo tin cho dì Phấn biết”.
Cậu bé nhéo mũi cô:
“Mấy ngày này cậu không được chạy nhảy. Để tớ về đào mấy củ gừng, nấu cho cậu uống”.
“Có kinh rồi thì phải uống nước gừng à?”.
“Ừ, tháng nào ba tớ cũng ra sau nhà đào củ gừng nấu cho mẹ tớ”.
“Sau này mình lấy nhau, Soạn có đi đào củ gừng giống bác Sáo không?”.
“Ngốc quá, từ bây giờ, tháng nào tớ cũng đi đào gừng!”.
“Vậy tớ phải đi bắt trăn cho Soạn ăn hả? Ông Năm nói cao trăn là thần dược dành cho đàn ông í!”.
“Đừng nghe ông già đó nói linh tinh, dùng cao bậy bạ, “thằng nhỏ” của ổng sẽ bị liệt luôn đấy!”.
“Á! Vậy chú Trung bị liệt rồi sao?”.
Chú Trung mà cô bé nói, là con trai ông Năm…
Cậu bé lắc đầu nguầy nguậy, chỉ vào đũng quần của mình:
“Thằng nhỏ trong này cơ. Không phải chú Trung”.
Cô bé hiểu ra, bụm miệng cười. Cậu bé cũng cười, nắm tay cô bé cùng đi về nhà mình.