Hai người họ vào ở trong nhà lớn của Phạm Bảo Nguyệt tại ngõ Ô Y. Hiện giờ đã không thể về lại nhà cũ, vì nơi đấy đã bị dân chúng kiêng kỵ người cõi âm và Bão Kê nương nương ném đầy rác rến, rau quả thối, chuột chết, dây máu phụ nữ tới tháng, còn giội rất nhiều máu heo.
Nhóc Đinh Bảo chẳng thích chuyển qua nhà lớn trong ngõ Ô Y, nên chỉ xua hết gà, ngựa, lừa sang ngôi phù đồ, rồi cả ngày cùng ngồi đắp tượng Phật với A Xuân. Bây giờ tuy đã biết Lý Nhu Phong và A Xuân đều là người cõi âm, nhưng cậu bé không hề sợ hãi.
Cậu thường xuyên đem trứng gà tươi tới biếu Bão Kê nương nương và Lý Nhu Phong, còn kể cho họ nghe bụng lừa xám đã lớn chừng nào. Lý Nhu Phong hỏi bao lâu mới có thể sinh la con? Nhóc Đinh Bảo trêu chàng, Tam lang ca ca, chuyện này mà huynh cũng chẳng biết à? Đầu càng to thì thời gian mang thai càng lâu, lừa xám này phải chờ đến cả năm lận. Cậu bé ngó Bão Kê nương nương trên giường đang nửa mở mắt nhìn mình, ngẫm nghĩ, ừm, nương nương thì, ngài nhỏ hơn xíu, cần có mười tháng thôi, Tam lang ca ca biết không?
Lý Nhu Phong làm như chưa nghe thấy. Trước kia chỉ nói muốn sống cùng nhau, nhưng sau khi sống cùng thì lại hơi khác với tưởng tượng. Việc đến nhà Phạm Bảo Nguyệt này, thực ra thì Tiêu Yên không cho họ nhiều lựa chọn. Tiêu Yên cũng tạm thời ở đây. Vương cung bị Tiêu TửAn hoang dâm vô độ phá thành chướng khí mù mịt, Tiêu Yên cứ gặp đống trang trí xa hoa dâm loạn là lại bực mình, phải sai người dỡ bỏ đi, tẩy rửa toàn bộ vương cung một lần.
Tiêu Yên lựa chọn nhà họ Phạm cũng là có suy tính riêng. Trước mắt chính là thời điểm then chốt để thu phục nhân tâm, y phải rời xa cung điện quây tường kín mít cho riêng bậc quân chủ kia, thì mới rút ngắn được khoảng cách với tất cả mọi người.
Lý Nhu Phong chẳng biết hiện giờ Tiêu Yên tính thế nào với mình. Y lấy cớ bận rộn chính sự để từ chối gặp chàng, nhưng không tách chàng khỏi Bão Kê nương nương mà vẫn để họ ở cùng nhau. Tuy vậy, mọi thứ tiêu dùng đưa đến đây đều là hàng thượng phẩm khi xưa chàng hay dùng. Chỉ riêng xiêm áo thì cả chất liệu, màu sắc, họa tiết, và vô số chi tiết nhỏ nhặt khác, toàn bộ đều đúng y sở thích của chàng ngày trước. Những điều này ngoài Tiêu Yên ra thì chẳng ai biết được. Hiển nhiên "bận rộn chính sự" chỉ là cái cớ. Tiêu Yên căn dặn tỉ mỉ với tôi tớ, Lý Nhu Phong chàng thích gì, không ưa gì, mỗi một phương diện đều giao phó rất rõ ràng.
Lý Nhu Phong mở mấy rương áo ngoài, khe khẽ thở dài. Chàng sờ thử những món ấy, chọn lấy dăm chiếc đơn giản, ít cầu kỳ nhất để mặc thử. Khổ nỗi người như chàng trời sinh đã giống trân châu tự mình tỏa sáng, chỉ cần thêm ít sắc màu, cho dù là loại đồ đơn điệu nhất thì vẫn tôn lên vẻ cao quý, xuất trần.
Chàng vừa khoác vào lại muốn thay ra, chợt nghe Bão Kê nương nương hờ hững nói: "Thay làm gì? Cái mẽ ngoài chàng này, không có da thịt ta cũng thấy cả rồi, còn ngại gì vài món y phục đấy?"
Chàng chợt bừng tỉnh: "Là ta nghĩ nhiều." Thế là không phiền não về mấy thứ đồ Tiêu Yên đưa tới cho mình nữa.
Nhưng thái độ của Tiêu Yên đối với chàng, từ trên thân Bão Kê nương nương có thể nhận thấy ít manh mối. Người hầu đưa tới rất nhiều vải vóc để Bão Kê nương nương chọn lựa. Bão Kê nương nương nhìn trái ngó phải, chau mày, cuối cùng lại cầm đồ cũ của mình cho người hầu xem: "Ta muốn loại này thôi."
Người hầu hết sức khó xử: "Nương nương, lang chủ bảo, nhất định phải may váy áo mới thật đẹp cho nương nương."
Bão Kê nương nương đều giọng hỏi: "Ta mặc thế này khó coi lắm à?"
Người hầu đau khổ thưa: "Nương nương, không... không phải là khó coi..."
Bão Kê nương nương ngắt lời: "Ngươi cứ nói thẳng đi, chẳng lẽ ta còn làm gì được ngươi sao?"
Người hầu liều mình thao thao: "Nương nương, lang chủ bảo, y phục nương nương mặc quá thô kệch, quá hoa hòe. Nương nương đã gả cho Lý công tử, thì phải làm sao để sánh ngang với thân phận của Lý công tử mới được."
Bão Kê nương nương căn vặn: "Lý công tử có thân phận gì?"
Người hầu rành mạch đọc thuộc lòng lời của Phạm Bảo Nguyệt: "Lang chủ bảo, Lý công tử tài hoa hơn người, lòng mang thiên hạ, có năng lực phụ tá, chính là hiền thần của xã tắc..."
"Biết rồi." Bão Kê nương nương lạnh giọng chen ngang, "Mặc váy bông thì không xứng với người chết kia nhỉ? Vậy ngươi may đồ liệm cho ta luôn đi."
Từ sau khi tỉnh lại, tính tình nàng càng cổ quái, nói năng cũng hết sức cay nghiệt. Người hầu kia sợ tới mức quỳ xuống rơm rớm nước mắt. Bão Kê nương nương kéo cô ấy dậy: "Thôi thôi, việc này không trách ngươi được. Là tự ta mạng trâu, chẳng kham nổi mấy thứ tơ lụa đó. Ngươi về trình với Phạm tiên sinh là ta còn rất nhiều váy áo, giờ cũng chỉ ru rú trong nhà, chưa phải gặp ai nên khỏi cần may đồ mới làm gì. Có may cũng là lãng phí thôi."
Lý Nhu Phong không nhìn thấy hoa văn trên những thứ vải đấy, nên chẳng thể giúp được gì chuyện này. Đợi người hầu rời khỏi, chàng đi qua kéo tay Bão Kê nương nương: "Nương nương, nàng ở đây thấy không quen à?"
Bão Kê nương nương đáp: "Nào có." Giọng nàng hơi mỏi mệt.
Lý Nhu Phong đề nghị: "Nương nương, đợi nàng khỏe hơn chút nữa, ta sẽ cùng nàng đến Đam Nhĩ, nhé?"
Bão Kê nương nương cười khan, đoạn che miệng ngáp dài: "Hình như ta lại buồn ngủ rồi."
Lý Nhu Phong dìu nàng đến bên giường, nàng vừa ngả lưng là thiếp đi. Lý Nhu Phong chau mày, nhẹ tay chạm vào nàng. Đã có da có thịt hơn, không còn là da bọc xương như khi vừa tỉnh.
Thời gian này, mỗi ngày Phạm Bảo Nguyệt đều đích thân tới chẩn trị, điều dưỡng cho nàng, ngay cả sắc thuốc cũng chẳng mượn tay người khác. Phạm Bảo Nguyệt nhận định Bão Kê nương nương từ nhỏ đã quá vất vả, nên tới lúc dậy thì không cao lên được. May mà thể chất cứng cáp, mỗi lần đến bên bờ sinh tử đều có thể vượt qua.
Phạm Bảo Nguyệt kê thuốc mạnh điều trị cho nàng. Tác dụng phụ của thứ thuốc mạnh này là Bão Kê nương nương cứ ngủ suốt đêm ngày. Ngay khi phát hiện, Lý Nhu Phong đã hết sức lo lắng, đến thắc mắc cùng Phạm Bảo Nguyệt. Phạm Bảo Nguyệt đáp, không ngủ nhiều thì làm sao hồi phục tinh thần, khí huyết được?
Lý Nhu Phong hỏi dược lực như thế có mạnh quá chăng. Phạm Bảo Nguyệt lại bảo, lần này chẳng chịu mạnh tay chữa trị tận gốc thì tính đợi tới khi nào?Tuổi Bão Kê nương nương đâu phải nhỏ gì nữa, họ Lý nhà cháu bây giờ chỉ còn duy nhất mình cháu, lẽ nào không trông mong con bé giúp họ Lý kéo dài hương hỏa?
Lý Nhu Phong quá mức sợ hãi, nói đâu phải chú không biết, cháu nào phải con người. Phạm Bảo Nguyệt lắc đầu thở dài, khuyên, cho dù cháu không phải người thì vẫn cần thực hiện lễ phu thê chứ? Vợ cháu đã trải qua một kiếp nạn trong mỏ đá động trời, nguyên khí hao tổn nặng, phải điều trị thêm một thời gian nữa. Cháu cũng nên kiên nhẫn hơn.
...
Lý Nhu Phong lẳng lặng nhìn quầng lửa kia. Dáng lửa không còn diễm lệ, ngang tàng như lần đầu chàng gặp gỡ, mà giờ đây đã trầm tĩnh hơn rất nhiều, tịch mịch cháy sáng giữa thế giới âm gian tuyền một màu tăm tối.
Chẳng biết có phải bởi vì uống thuốc điều trị hay không, chàng luôn cảm thấy Bão Kê nương nương từ khi tỉnh lại đã hết cần chàng rồi. Thậm chí nếu chàng không chủ động, nàng cũng sẽ chẳng buồn đến gần chàng, chẳng nói chuyện với chàng. Nàng thay đổi như thế khiến chàng hoang mang. May mà mỗi đêm nhìn lại, quầng lửa kia vẫn tản ra những đốm vàng lấp lánh, màu sắc rực rỡ ấy khiến chàng an tâm hơn rất nhiều.
***
Đêm khuya yên tĩnh, Lý Nhu Phong vẫn thức trắng. Bước ra sân ngoài, dưới ánh trăng bàng bạc là bao chiếc lá vàng rụng rơi. Thanh âm vi vu mỏng mảnh thế thôi mà tràn ngập chiếm trọn không gian, như lớp lớp sóng biển nối dài lan xa.
Những ngày qua, cứ khoảng tầm này lại có người tới xin gặp, tự giới thiệu là bạn bè năm xưa, muốn tìm Lý công tử ôn chuyện. Xác thực đều là bạn cũ của chuyện xưa năm nào, ai nấy đều không khỏi thổn thức, cứ bắt đầu tâm sự là chẳng nhận ra đã kéo suốt tận canh bốn canh năm (1h -5h sáng).
Vài hôm đầu Lý Nhu Phong chưa nhận thấy có gì khác lạ, về sau phát hiện đều là gặp nhau vào giờ này, bèn hỏi vì sao. Mới đầu đối phương đáp là trong thành còn trăm công nghìn việc chờ họ, ban ngày bận tối mắt tối mũi, chỉ khi đêm xuống mới nhín ra được chút thời gian. Lý Nhu Phong truy vấn mãi họ mới khai rõ là do Trừng vương dặn dò, bảo phải chờ tối trời mới được tới tìm Lý công tử.
Lý Nhu Phong nghĩ, ban ngày chàng không cách xa Bão Kê nương nương, ban đêm âm khí dày, nay trong nhà họ Phạm cũng đặt khá nhiều tượng Phật, đúng là có thể ra ngoài chốc lát. Tiêu Yên suy tính thật sự rất chu đáo, kín kẽ.
...
Cửa viện chỗ Tiêu Yên để ngỏ, trong viện đèn đuốc sáng trưng. Thủ vệ thấy là Lý Nhu Phong, bèn thưa: "Lý công tử, điện hạ hiện đang tiếp khách."
"Không sao, ta ngồi chờ cũng được. Trừng vương có rảnh thì gặp ta, không thì thôi vậy."
Hai người thủ vệ nhỏ giọng thương lượng chốc lát, rồi cúi đầu mời Lý Nhu Phong vào.
Lý Nhu Phong dạo bước loanh quanh dưới ánh trăng. Chàng nghĩ đến mấy lời kia của Phạm Bảo Nguyệt, "Lý công tử tài hoa hơn người, lòng mang thiên hạ, có năng lực phụ tá, chính là hiền thần của xã tắc."
Lời này nhất định chẳng phải từ miệng Phạm Bảo Nguyệt, chỉ có thể là ý của Tiêu Yên. Tiêu Yên mang tâm tư gì? Y nói, "Ta chỉ còn lại ngươi." Y còn nói, "Cuộc đời này, ta tuyệt đối không để ngươi rời xa nữa." Như thế xem ra, kể cả chỉ có thể làm quân thần, Tiêu Yên cũng nhất quyết
phải giữ chàng lại.
Lý Nhu Phong bất giác bần thần, bỗng nghe có người đẩy cửa đi ra, chào từ biệt Tiêu Yên. Chàng vội tránh vào góc tối ở phòng bên.
Chàng phân biệt được tiếng bước chân của Tiêu Yên. Tiêu Yên đưa người nọ đến ngoài phòng thì đứng đấy giây lâu, chắc đang trông theo người nọ rời đi. Một lúc sau Tiêu Yên xoay người cất bước, tính trở lại phòng.
Lý Nhu Phong hơi phân vân có nên ra gặp y không, hay phải trình bày thế nào với y, lúc này lại chợt nghe có người vào sân. Người kia ống tay áo căng đầy gió, Lý Nhu Phong nhận ra là Thông Minh tiên sinh.
Bước chân Thông Minh tiên sinh vội vàng, dường như có chuyện gấp lắm. Ông cụ vừa nhỏ giọng trao đổi với Tiêu Yên vừa cùng đi vào phòng. Lý Nhu Phong nghe được một câu từ miệng Tiêu Yên, một câu cực kỳ quan trọng:
"...Chẳng mấy ngày nữa, quân đội Đại Ngụy sẽ kéo tới vây thành..."
Một câu đánh thức kẻ u mê.
Lý Nhu Phong giật mình hoảng hốt. Chàng quả nhiên là được bảo hộ quá tốt, lại quen thói ham ăn biếng làm. Cớ sao chàng không nghĩ ra, kỳ thực thành Kiến Khang đã sớm nguy cơ trùng trùng?
Hoàng triều Đại Ngụy lung lay trước gió, thế mà vẫn cố kéo dài hơi tàn. Từ lâu chúng đã xem thế lực dòng họTiêu là cái gai trong mắt, chỉ hận chưa thể trừ khử sạch sẽ để củng cố vận nước của Đại Ngụy. Bởi thế khi Ngô vương và Trừng vương ngao cò tranh nhau, tàn sát lẫn nhau, thành Kiến Khang rơi vào tình cảnh rối ren ngàn năm có một, thì chẳng lý nào chúng không muốn đứng giữa làm ngư ông đắc lợi.
Lý Nhu Phong đã không thể phớt lờ, bèn lặng lẽ vịn tường đến bên cửa sổ. Khung cửa kia được bịt kín mít, nhưng chàng có thính lực vượt trội, dễ dàng nghe rõ Thông Minh tiên sinh trong phòng,hỏi: "Lần này Đại Ngụy phái ra bao nhiêu binh mã?"
Tiêu Yên đáp cực nhỏ: "...Như tiền tuyến báo lại, Đại Ngụy tuyên bố có bốn mươi vạn quân. Song theo phán đoán của ta, binh lực thực tế ước chừng hơn hai mươi vạn."
Thông Minh tiên sinh lặng im không phản ứng gì, Tiêu Yên lại tiếp: "Trong quân Đại Ngụy thì tổng số lính dùng được cũng chỉ chừng này. Nay đã dốc hết toàn lực, xem ra là muốn nhân cơ hội làm một trận lớn tận diệt chúng ta, chấm dứt hậu họa."
"Quân ta chính xác có được bao nhiêu?"
"Tám vạn. Nếu có thể tin dùng được một phần bộ hạ cũ của Dương Đăng và Tiêu Tử An, thì nhiều nhất mười vạn."
Hai người trầm mặc rất lâu. Đương lúc Lý Nhu Phong bắt đầu lo lắng, chợt nghe Thông Minh tiên sinh hạ giọng: "Vậy xem ra, trận này bắt buộc phải dùng đến người cõi âm."
"Trước mắt tiên sinh tìm được bao nhiêu rồi?"
"Hơn bốn ngàn."
"Dương bạt thì bao nhiêu?"
"Một thôi."
"Đủ dùng không?"
"Chỉ cần Trương Thúy Nga cam tâm tình nguyện phối hợp cùng chúng ta" Thông Minh tiên sinh kiên định lạ thường, "Thế là có thừa."
Lý Nhu Phong choáng váng tựa vào vách tường lạnh buốt.