• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Ngụy Tô vừa kinh hãi vừa tức giận, bụng bảo dạ :

- “Bất luận thế nào ta cũng phải liều mạng chiến đấu. Không thể để chúng thương hại đến Quyên muội”.

Chàng vung trường kiếm lên không chờ bọn chúng đến nơi đã tiến đánh trước.

Lăng Trung Ngọc khen thầm :

- “Thằng lỏi này khá đây! Ta giao phó Quyên muội cho gã quả đã không lầm”.

Nên biết Ngụy Tô tuy được chân truyền về môn kiếm pháp của phái Thiên Sơn, nhưng công lực của gã còn nông cạn. Dù lấy một chọi một cũng chưa chắc ăn đứt, mà bây giờ một mình gã phải địch với hai người thì quyết nhiên chẳng thể nào chống chọi được với Bạch Lương Ký và lão họ Hàn.

Về điểm này Lăng Trung Ngọc đã hiểu rồi, mà Ngụy Tô cũng biết thế.

Lăng Trung Ngọc ẩn trên ngọn cây lạnh lùng theo dõi. Giả tỷ chàng là tình địch của Ngụy Tô thì chỉ cứu một mình Cảnh Quyên Quyên đem đi rồi để mặc Ngụy Tô ở lại. Gã có lọt vào tay địch nhân hay không, chàng cũng chẳng cần lý gì đến.

Bạch Lương Ký còn ở ngoài xa hơn mười trượng chưa tiếp xúc với Ngụy Tô.

Đột nhiên hắn ọe một tiếng rồi bao nhiêu thực vật nôn ra hết.

Lão họ Hàn giật mình kinh hãi, vội hỏi :

- Bạch đại ca! Đại ca làm sao thế?...

Lão chưa dứt lời chợt thấy bụng đau sôi lên ùng ục. Hắn cũng ọe lên một tiếng và nôn ra hết. Cả nước máat nước mũi cũng trào ra. So với Bạch Lương Ký, lão còn thảm bại hơn.

Trong kẽ ngón tay Lăng Trung Ngọc đã kẹp sẵn hai mũi Kim Xà trùy. Chàng chỉ còn chờ nếu Ngụy Tô gặp thấy nguy là phóng ám khí ra để ngấm ngầm giúp gã.

Hiện giờ chàng thấy bọn họ chưa giao thủ mà Bạch Lương Ký và lão áo vàng họ Hàn đột nhiên mửa tháo ra, thì không khỏi sửng sốt. Nhưng chàng tỉnh ngộ ngay, cười thầm tự nhủ :

- “Mỹ Linh thật giống tinh linh cổ quái. Không hiểu cô ta ngấm ngầm động thủ chơi khăm thế nào? Vậy càng hay! Cách này của cô so với mình dùng Kim Xà trùy hãy còn kín đáo hơn”.

Bạch Lương Ký còn đang ôm bụng mà nôn mửa thì Ngụy Tô đã phóng kiếm đâm tới.

Hắn vội sử thân pháp “Đại Loạn Yêu Tà Sáp Liêu”, hai chân uốn cong rồi lui lủi lảng tránh.

Tay hắn cầm cây cầu long tiên dài đến hơn trượng. Vừa chuyển động thân hình, hắn vừa vung tiên quét ngang.

Đúng là một chiêu bại trung cầu thắng và tỏ ra có chân tài thực học, chớ không phải hạng tầm thường.

Đáng tiếc là ngọn tiên vừa phóng ra nhưng nội lực không đủ.

Bỗng nghe đánh cắc một tiếng. Đầu ngọn roi của hắn bị chặt mất ba tất.

Lão họ Hàn càng bi thảm hơn. Lão thi triển công phu Hồng Sa thủ đánh ra một chưởng. Kể về công lực lão thì ít ra phát chưởng này cũng có thể đẩy trệch mũi kiếm của Ngụy Tô đi.

Nhưng lưỡi kiếm của Ngụy Tô bị cây roi của Bạch Lương Ký quấn lấy, phát chưởng của lão họ Hàn mà đánh tránh thì nhứt định Ngụy Tô phải té nhào ngất xỉu.

Không ngờ đầu ngọn tiên của Bạch Lương Ký lại bị Ngụy Tô chặt đứt.

Phát chưởng của lão họ Hàn phóng ra hoàn toàn không một chút kình lực.

Luồng kiếm quang lấp loáng. Máu ở hai đầu ngón tay bị chặt cụt chảy ra đầm đìa.

Ấy là còn may lão rụt tay về mau lẹ không thì cả bàn tay đã bị lưỡi kiếm của Ngụy Tô hớt đứt rồi.

Cứ tình hình này mà đoán thì chắc là Giang Mỹ Linh đã ngấm ngầm bỏ thuốc độc vào bình trà cho hai lão kia uống, mà lại là một thứ dược vật không mùi vị không màu sắc.

Lúc hai lão nằm trên giường nói chuyện, bình trà để gần ngay bên cửa sổ.

Giang Mỹ Linh dùng một cây ngâm trâm thò vào vòi bình rồi thổi thuốc tán vô trong mà bọn chúng không hề phát giác.

Bọn chúng nói chuyện đến nửa đêm tất nhiên khát nước liền rót trà ra chén uống.

Hai lão Bạch, Hàn uống trà rồi thì trong khoảnh khắc nghe bên ngoài có tiếng lịch kịch.

Chúng trở dậy chạy ra xem liền phát giác đồng bọn là tên phu xe đã chết cứng, còn hai người bị bắt cũng mất tích. Chúng kinh hãi không bút nào tả xiết, vội vàng hốt hoảng sục tìm.

Bây giờ bọn chúng xuất hiện nghinh địch cùng Ngụy Tô. Chúng thấy bên mình gã không có tay cao thủ nào khác đã hơi yên lòng.

Hai lão tuy không biết Ngụy Tô được ai giải khai huyệt đạo mà giải khai bằng cách nào? Nhưng trong bụng vẫn chắc mẩm dù hai tên tù binh có giải khai được huyệt đạo thì công lực cũng chẳng thể khôi phục lại được và chúng cho là thò tay ra bắt lại dễ như chơi.

Dè đâu dược vật của Giang Mỹ Linh cho chúng uống vào vừa đến lúc phát tác.

Dược vật này trước khi phát tác thì chẳng thấy có chi khác lạ. Nhưng nó vừa phát tác đã lên cơn dữ dội làm cho ngũ tạng nôn nao đau khổ vô cùng, thì còn phát huy kình lực nội gia thế nào được?

Trường hợp này xảy ra phản lại hẳn với sự tiên liệu của bọn chúng. Người bị giảm phần lớn công lực không phải Ngụy Tô mà là chính bọn họ.

May ở chỗ nội lực của chúng đã đến trình độ đáng kể. Chúng vận khí chống chọi rồi không nôn mửa nữa.

Nhưng rủi thay! Ngụy Tô vừa thấy chúng đã thi triển cuộc đấu liều mạng.

Gã vừa xô ra đã phát huy ngay “Truy Phong bát thức” trong Thiên Sơn kiếm pháp.

Chiêu số nào cũng toàn là đánh liều mạng.

Ngụy Tô vừa ra mấy chiêu, Bạch, Hàn hai người đã luống cuống và lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Bạch Lương Ký la lên :

- Nguy to rồi! Chắc là chúng ta đã trúng độc.

Hắn chưa dứt lời thì đột nhiên thấy Cảnh Quyên Quyên chạy tới lớn tiếng gọi :

- Tô ca! Vụ này là thế nào đây? Té ra Tô ca đang đánh nhau với hai tên ác tặc.

Cô rút trường kiếm ra nói tiếp :

- Bất tất phải hoang mang! Tiểu muội đã đến giúp một tay đây!

Thực ra lúc này Ngụy Tô đánh chiêu nào đắc thủ chiêu ấy, đâu phải gã hoang mang.

Những kẻ hoang mang lại là Bạch Lương Ký và lão Hàn đại ca.

Cảnh Quyên Quyên chưa nhảy vào vòng chiến đã nghe hai tiếng rắc rắc vang lên.

Cây trường tiên của Bạch Lương Ký gãy mất một đoạn và đầu vai bị mũi kiếm của Ngụy Tô đâm thủng.

Bạch Lương Ký không chịu được luồng chân khí trồi lên. Hắn lại ọe một tiếng rồi mửa cả uế vật ra, tiếp theo thổ đến máu tươi.

Hắn không dám trùng trình cắm đầu chạy trốn.

Lão họ Hàn để cả áo lăn người xuống triền núi. So với Bạch Lương Ký lão còn chuồn lẹ hơn.

Cảnh Quyên Quyên sợ bị uế vật phun vào vội nhảy sang bên né tránh.

Ngụy Tô chạy đến bên cười hỏi :

- Quyên muội cũng tỉnh lại rồi ư? Trong mình cảm thấy thế nào? Hai tên ác tặc đã bị thương chắc không dám trở lại rượt theo nữa.

Cảnh Quyên Quyên giương cặp mắt thao láo ngơ ngác nhìn bốn phía lộ vẻ kinh ngạc hỏi :

- Thật chẳng khác chi một giấc mộng. Tại sao chúng ta lại đến trốn này? Vì lẽ gì mà Tô ca thoát thân được? Tiểu muội không việc gì, còn Tô ca thì sao?

Ngụy Tô đáp :

- Tiểu huynh cũng chẳng hiểu vụ này ra sao cả. Khi tỉnh lại đã thấy mình ở đây rồi. Có điều tiểu huynh cảm thấy mùi vị Bích Linh đan chắc có Địch sư huynh tới đây.

Cảnh Quyên Quyên hỏi :

- Tiểu muội cũng nghĩ thế. Nhưng nếu Địch sư huynh đến đây thì sao lại không thấy y đâu.

Lăng Trung Ngọc ẩn trên cây cười thầm nghĩ bụng :

- “Họ đoán trúng một nửa. Để họ gặp Địch Bình Thạch thì họ không ngờ có ta nữa”.

Bỗng nghe Ngụy Tô đáp :

- Lúc tiểu huynh vừa hồi tỉnh thì dường như nghe ở góc Tây nam có những tiếng ám khí rít lên ghê gớm. Chắc là Địch sư huynh bắn Thiên Sơn thần mang ra. Bây giờ chúng ta đi về phía đó xem sao.

Gã ngừng lại một chút rồi tiếp :

- Lúc tiểu huynh tỉnh lại thấy mình ở trên sườn núi này. Ngoài hai người chúng ta, chẳng còn một ai nữa.

Gã kể tiếp :

- Sau một lát thì bọn Bạch Lương Ký hai người tới đây. Cứ tình hình này chắc là Địch sư huynh giải khai huyệt đạo cho chúng ta rồi, còn gặp cường địch nào khác là hiện giờ đang rượt theo địch nhân.

Gã ngẫm nghĩ một chút rồi tiếp :

- Còn bọn Bạch Lương Ký thì hẳn là đến sau, nên cước trình của bọn chúng không đuổi kịp Địch sư huynh.

Cách giải thích này có vẻ hợp tình hợp lý.

Lăng Trung Ngọc gật đầu tự nói một mình :

- Thằng nhỏ này tuy còn là con cừu non mới ra đời mà xem chừng về bề lịch duyệt xét đoán sự việc như mắt trông thấy. Gã chỉ trật ở chỗ là không biết ta ở trong bóng tối hí lộng quỷ thần. Nếu không thế thì gã đoán trúng hoàn toàn.

Cảnh Quyên Quyên cười hỏi :

- Sao Tô ca không kêu tiểu muội tỉnh lại? Muốn sính cường một mình đấu với hai tên ác tặc phải không? Để coi Tô ca mệt sức tới chừng nào.

Cô vẫn cho là vì tiếng chiến đấu làm cho cô kinh tỉnh. Cô có biết đâu Ngụy Tô dù muốn kêu cô tỉnh lại cũng không thể được.

Mấy câu cô nói bề ngoài coi như lời trách móc mà thực ra có lòng thương Ngụy Tô.

Ngụy Tô trong lòng cảm thấy ngọt bùi, ngơ ngẩn cười nói :

- Tiểu huynh không mệt! Không mệt thật mà!...

Mắt gã chiếu ra những tia phấn khởi nói tiếp :

- Sư muội! Tiểu huynh rất lo cho muội. Trời ơi! Đầu tóc sư muội rối bù rồi để tiểu huynh gỡ cho.

Ngụy Tô đánh bạo lán gần vào Cảnh Quyên Quyên.

Cảnh Quyên Quyên mặt đỏ như ráng chiều khẽ cúi đầu xuống nhưng nàng không kháng cự để Ngụy Tô chải đầu cho mình.

Lăng Trung Ngọc ngấm ngầm vui mừng cho gã, nhưng trong nỗi vui mừng lại có chút cay chua. Đột nhiên chàng tự nhủ :

- “Việc ta muốn làm đã làm xong rồi. Hỡi ơi! Ta còn ở đây ngó trộm họ làm gì”.

Lăng Trung Ngọc nén lòng thi triển khinh công “Đạp Tuyết Vô Ngấn” từ ngọn cây lướt đi. Chỉ trong khoảnh khắc, chàng ra khỏi khu rừng.

Ngụy Tô cùng Cảnh Quyên Quyên đang mê man trong giấc mộng thần tiên nên chẳng nghe thấy gì hết.

Lăng Trung Ngọc chạy một mạch đến đầu núi là nơi chàng đã ước hẹn tương hội với Giang Mỹ Linh.

Chàng ngẩng đầu nhìn lên không thấy bóng Giang Mỹ Linh đâu cả thì giật mình kinh hãi vội thi triển công phu “Phục Địa Thính Thanh” ngưng thần lắng tai nghe.

Sau một khắc, chàng nghe văng vẳng ở góc tây nam có tiếng đánh nhau chát chúa, cách đó chừng sáu bảy dặm.

Chàng sinh lòng ngờ vực tự hỏi :

- “Khinh công của Mỹ Linh so với vợ chồng Địch Bình Thạch còn cao hơn một bậc mà sao đến bây giờ vẫn chưa thoát?”

Nhắc lại Giang Mỹ Linh dẫn dụ vợ chồng Địch Bình Thạch ra chỗ khác rồi, Băng Xuyên Thiên Nữ không ngớt dùng Băng Phách đạn để ngăn trở nàng.

Giang Mỹ Linh tuy không sợ gì nhưng cước trình chậm lại một chút.

Nàng còn có thể dùng làn khói mù để che tai mắt Băng Xuyên Thiên Nữ rồi thi triển khinh công tuyệt đỉnh mà trốn chạy.

Nhưng nàng bị Băng Xuyên Thiên Nữ liệng Băng đạn rát quá làm cho rét run.

Nàng tức giận cướp lấy thanh Băng Phách Hàn Quang kiếm của Băng Xuyên Thiên Nữ.

Lúc đang chạy như mây bay gió cuốn, Giang Mỹ Linh đột nhiên dừng bước, thi triển công phu “Phất Vân thủ” cướp giật thanh bảo kiếm của đối phương.

Khinh công cả ba người này đều vào hạng nhất, tăng gia cước bộ nhanh như tên bắn.

Đang chạy lẹ quá mà muốn dừng lại đột ngột thật là khó khăn.

Băng Xuyên Thiên Nữ và Địch Bình Thạch chưa được đến trình độ này. Hai người không ngờ Giang Mỹ Linh dừng bước một cách đột ngột, đà người vẫn lao về phía trước.

Giang Mỹ Linh nhằm đúng lúc xoay tay ra chiêu, ngón tay nàng đã đặt vào chuôi kiếm của đối phương.

Băng Xuyên Thiên Nữ thấy một luồng kình lực ghê gớm nhả ra, nhưng nàng đang chạy rất mau nên đứng không vững, chúi về phía trước xuýt nữa té nhào.

Chiêu “Phất Vân thủ” của Giang Mỹ Linh vừa nhu vừa cương, nó là một công phu tay không đoạt kiếm rất lợi hại.

Dù là người võ công cao hơn mà đã bị ngón tay Giang Mỹ Linh nắm vào binh khí rồi là nàng vẫn đoạt được như thường.

Song thanh bảo kiếm của Băng Xuyên Thiên Nữ so với bất luận thứ binh khí nào cũng khác hẳn, vì trong hộp băng của nó có một hòn ngọc muôn năm luyện thành. Thân kiếm cũng như chuôi kiếm đúc liền vào nhau, nó không sở trường về sắc nhọn như những thanh bảo kiếm thông thường. Chuôi kiếm và thân kiếm đều lạnh toát.

Giang Mỹ Linh đã luyện được môn Tu La thần công đến bậc tám nên vẫn chịu được khí lạnh này, nhưng chiêu “Phất Vân thủ” của nàng lại không dùng đến Tu La thần công và không tiêu giải được khí âm hàn.

Giang Mỹ Linh đụng vào chất hàn ngọc tuy chịu đựng được nhưng huyết dịch và chân khí không lưu thông được như thường, nên công lực giảm đi mấy phần.

Chất hàn ngọc muôn năm này trơn tuột tựa như một vật hữu hình vô chất mà Băng Xuyên Thiên Nữ dùng quen rồi nên vung múa một cách dễ dàng.

Giang Mỹ Linh thì nắm không chặt, tay vừa sờ vào đã trơn tuột mất.

Võ công Băng Xuyên Thiên Nữ so với Giang Mỹ Linh chỉ kém một chút.

Nàng chúi người đi rồi lập tức đứng vững lại được ngay, liền xoay tay kiếm chém ngược trở lại.

Giang Mỹ Linh nhân lúc bất thình lình ra chiêu đắc thủ, mà không đoạt được bảo kiếm của Băng Xuyên Thiên Nữ.

Nàng không khỏi giật mình kinh hãi.

Động tác của Băng Xuyên Thiên Nữ vừa dừng lại thì cây Thanh Cương kiếm của Địch Bình Thạch đã chém tới nơi.

Gã ra chiêu “Đảo Xái Kim Điếu”, kiếm ảnh trùng điệp. Bốn mặt tám phương đều có mùi kiếm đâm tới.

May là võ công của Giang Mỹ Linh rất phức tạp nên có thể tùy cơ ứng biến.

Trong lúc nguy cấp chỉ hơi lơ là một chút là bị kiếm pháp của Thiên Sơn hạ thủ, nàng dùng “Thiên La bộ pháp” lướt tránh làn kiếm quang, rồi tìm đường rút lui.

Mặt trước Băng Xuyên Thiên Nữ sử dụng Băng xuyên kiếm pháp nhanh như chớp. Tay trái nàng ra chiêu “Vạn Lý Phi Sương”, tay phải ra chiêu “Thiên Sơn Lạc Diệp”. Kiếm khí trùng trùng dầy như chớp loáng.

Giang Mỹ Linh bị vây vào giữa vòng mưa kiếm quang. Nàng tức giận nghĩ thầm :

- “Giỏi lắm! Ta vì nể mặt Trung Ngọc ca, bất quá muốn giỡn chơi một lúc với họ mà họ liều mạng tỷ đấu với ta”.

Đang lúc kịch chiến bỗng nghe đánh soạt một tiếng. Giang Mỹ Linh rút thanh bảo kiếm của Võ Hạo Thiên lưu lại ra khỏi vỏ.

Thanh kiếm này đúc bằng một thứ vàng hiếm có ở đáy biển. Nó nhẹ như cánh ve sầu, nên gọi là “Tài Vân”. Nó còn lợi hại hơn thanh Du Long kiếm.

Thanh “Tài Vân” kiếm đụng vào thanh Băng Phách Hàn Quang kiếm cũng là vật chí bảo hiếm có, bật lên một tiếng choang rùng rợn.

Thanh Băng Phách kiếm đưa lên phóng ra một luồng khí xanh mờ mịt.

Giang Mỹ Linh cảm thấy một luồng khí lạnh từ lưỡi kiếm truyền vào đến lòng bàn tay.

Bàn tay hai người cùng run lên. May là cả hai thanh bảo kiếm đều không bị tổn thương chút nào.

Giang Mỹ Linh hất mạnh một cái cho hai thanh kiếm rời nhau. Tay trái nàng cầm thanh Du Long, tay phải cầm thanh Tài Vân. Uy lực ghê gớm vô cùng.

Băng Xuyên Thiên Nữ nhờ có bảo kiếm nên chống được. Địch Bình Thạch lùi lại liền mấy bước.

Giang Mỹ Linh cả mừng. Nàng toan phá vòng vây để xông ra thì Địch Bình Thạch đột nhiên giơ mũi trường kiếm lên vạch thành một đường hình cánh cung.

Bảo kiếm của Giang Mỹ Linh vẫn theo thế trước. Nàng chắc mẩm sẽ chặt gãy trường kiếm của Địch Bình Thạch mà sao lại không đụng tới.

Giang Mỹ Linh giật mình kinh hãi, thì thanh bảo kiếm của Băng Xuyên Thiên Nữ cũng quét tới nơi. Chiêu số của nàng giống hết chiêu thức của trượng phu.

Có điều một thuận một nghịch. Hai vầng kiếm quang hợp vào làm một liền bao vây Giang Mỹ Linh vào trong vòng tròn.

Nguyên Địch Bình Thạch đã sử đến chiêu tuyệt diệu “Đại Tu Di kiếm thức” trong Thiên Sơn kiếm pháp. Chiêu này gồm cả thủ lẫn công. Nhất là về mặt thủ thì nó không để lộ chỗ sơ hở nào cho đối phương đánh vào được.

Dù là gặp phải cao thủ võ công cao thâm hơn mình một bậc cũng không thể đánh bại được ngay.

Võ công Giang Mỹ Linh so với Địch Bình Thạch có hơn một chút, nàng lại ỷ một mình hai thanh bảo kiếm, nếu lấy một chọi một thì chỉ trong vòng mười chiêu là thoát khỏi vòng vây được ngay.

Nếu đánh tới ba mươi chiêu thì nàng phá được Đại Tu Di kiếm thức.

Đánh tới năm mươi chiêu thì có thể khiến cho Địch Bình Thạch bị thương.

Nhưng hiện giờ đối phương lại thêm Băng Xuyên Thiên Nữ. Cả hai vợ chồng sử dụng Đại Tu Di kiếm thức phối hợp với nhau thành chiêu tuyệt diệu, nên Giang Mỹ Linh dù có hai thanh bảo kiếm mà vẫn không chạy thoát.

Vợ chồng Địch Bình Thạch thành thế “Song kiếm hợp bích” đánh mỗi lúc một ráo riết.

Giang Mỹ Linh la thầm :

- “Hiện giờ chắc Trung Ngọc đợi ta đến gan ruột bồn chồn. Dĩ nhiên chàng có thể tìm tới đây, nhưng ta không nghe thấy thanh âm chàng mà lại cất tiếng gọi chàng đến giải vây thì ra mình chịu nước lép”.

Giữa lúc nguy cấp, nàng nghĩ ra được diệu kế. Trong lúc kịch chiến nàng để một chỗ sơ hở.

Địch Bình Thạch cười thầm tự hỏi :

- “Đây là kế dụ địch mà định lừa được sao?”

Gã liền tương kế tựu kế, vung cây kiếm Thanh cương thành một đóa kiếm hoa tựa hồ lướt từ tả sang hữu đánh véo một cái nhưng đâm vào huyệt Ngọc Hành dưới nách Giang Mỹ Linh.

Đồng thời thanh bảo kiếm của Băng Xuyên Thiên Nữ cũng quét ngang tới.

Song kiếm hợp bích đã thành thế giết người.

Cả hai vợ chồng đều nghĩ thầm trong bụng :

- “Dù cho con yêu nữ này cao thâm gấp mười cũng khó mà thoát khỏi chiêu này”.

Trong mình Giang Mỹ Linh có mặt bảo giáp. Bỗng nghe đánh tách một tiếng. Mũi kiếm của Địch Bình Thạch đã đâm trúng nhưng đột nhiên cảm thấy nhẹ bẩng. Nguyên Giang Mỹ Linh thấy gã không kịp thu kiếm về để biến chiêu.

Tay trái nàng cầm thanh Du Long kiếm gạt bảo kiếm của Băng Xuyên Thiên Nữ, còn thanh Tài Vân kiếm ở trong tay phải hớt ngang Thanh Cương kiếm của Địch Bình Thạch.

Giang Mỹ Linh thoát ra được vòng vây cười khanh khách nói :

- Địch thiếu chưởng môn! Xin tha thứ cho ta không rảnh để bồi tiếp được nữa!

Ngờ đâu tiếng cười chưa dứt bỗng nghe thanh âm lạnh lẽo quát lên :

- Hãy đứng lại đã!

Tiếp theo là tiếng Địch Bình Thạch la gọi :

- Gia gia!

Giang Mỹ Linh giật mình kinh hãi ngoảnh đầu nhìn lại thì thấy trên sườn núi có một nam một nữ đứng đó. Người đàn bà dường như là Phùng Linh, còn người đàn ông ba chòm râu dài, tướng mạo oai nghiêm, vào trạc năm sáu chục tuổi.

Hai bên đứng cách nhau ít ra là nử dặm. Nhưng tiếng người đàn ông quát lên dõng dạc như tiếng chuông đồng làm chấn động màng tai Giang Mỹ Linh.

Địch Bình Thạch đã kêu lão bằng gia gia thì đương nhiên lão là Địch Long, Chưởng môn phái Thiên Sơn.

Nguyên Địch Long giữ địa vị là tay cao thủ hạng nhất trong thiên hạ. Tuy lão không muốn tham gia cuộc đại hội trên núi Thanh Thành để cùng tôn sư các phái bao vây Đào Vĩnh Trạch.

Nhưng lão rất băn khoăn, nên không đợi Thanh Thành phái người đến mời, cũng cùng bà vợ xuống núi về đến Trung Nguyên.

Lão có ý chuẩn bị vạn nhất mà trong cuộc đại hội Thanh Thành mà các vị tôn sư các phái có dấu hiệu thất bại thì lão sẽ ước hẹn với Đào Vĩnh Trạch đơn đả độc đấu một phen.

Không hẹn mà nên, một hôm Địch Long vào trong chùa trên trái núi này ngủ trọ.

Chừng nửa đêm, Địch Long bỗng nghe tiếng ám khí Thiên Sơn thần mang rít lộn như xé bầu không khí. Lão vội chạy ra coi thì vừa gặp lúc Địch Bình Thạch thua trận.

Lão lại ngó thấy thanh Du Long bảo kiếm lọt vào tay Giang Mỹ Linh thì dù là người hàm dưỡng sâu xa cũng phải đùng đùng nổi giận. Giang Mỹ Linh tuy đã luyện xong nửa pho bí lục của Võ Hạo Thiên mà lại chưa được thành thuộc Nàng vừa thấy Địch Long tới khi nào còn dám chống chọi chỉ ỷ vào khinh công trác tuyệt để né tránh hoặc tẩu thoát. Vừa nghe Địch Long quát “Đứng lại”, nàng càng chạy nhanh hơn.

Địch Long chau mày hỏi :

- Anh muội! Anh muội bắt lấy con yêu nữ này để hỏi ả coi sao lại đoạt thanh bảo kiếm trấn sơn của chúng ta. Ả có mối thù gì với phái Thiên Sơn.

Nên biết Địch Long tuy tức giận đến cực điểm, nhưng lão là nam tử trượng phu mà ra tay tróc nã một thiếu nữ thì có điều không tiện, nên lão giục bà vợ động thủ.

Phùng Anh vốn là người thuần hậu, mỉm cười đáp :

- Đại ca bất tất phải nổi giận. Con nhỏ này đã đoạt được kiếm ở trong tay Địch Bình Thạch thì cũng là một tay hiếm có. Tiểu muội bắt thị lại cho đại ca ôn tồn hỏi thị, không nên khiến thị phải sợ hãi.

Giang Mỹ Linh đang chạy như bay bỗng nghe tiếng gió thổi tà áo lạch phạch rồi đột nhiên một bóng trắng lướt qua bên mình.

Giang Mỹ Linh nhìn kỹ lại thì ra Phùng Anh đã vượt qua lên phía trước nàng để chắn đường.

Giang Mỹ Linh sợ run tự hỏi :

- “Giả tỷ mụ này đâm ta một kiếm vào sau lưng thì liệu ta còn sống được chăng?”

Nàng tưởng lầm Phùng Anh là Phùng Linh rồi bụng bảo dạ :

- “Khinh công của Phùng Linh tuy cao hơn ta nhưng bản lãnh mụ vị tất đã hơn ta mấy. Ta đã có hai thanh bảo kiếm thì hay dở gì cũng phải thử coi, còn hơn là để lọt vào tay họ”.

Phùng Anh cười nói :

- Tiểu cô nương! Bất tất phải chạy nữa. Cô cứ trả lại thanh Du Long kiếm cho ta rồi quay lại cùng chúng ta trò chuyện. Chỉ cần cô nói hợp đạo lý là chúng ta chẳng làm khó dễ gì đâu.

Giang Mỹ Linh nói :

- Được rồi! Vãn bối sẽ trả kiếm lại cho tiền bối.

Đột nhiên cô vung thanh Du Long kiếm ra chiêu “Bạch Hồng Quán Nhật” mũi kiếm nhằm đâm vào trước ngực Phùng Anh.

Nàng còn sợ khinh công của đối phương cao quá, phóng một kiếm khó lòng thành công. Tay phải nàng cầm thanh Tài Vân kiếm cũng phóng liền ra chiêu “Phong Quyển Hoa Lạc” nhằm chém vào hai chân Phùng Anh.

Hai thanh kiếm một trên một dưới ra chiêu cực kỳ hiểm độc.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK