• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:


“Cho hỏi hai bạn dùng gì ạ?” – Đúng lúc này thì có một chị nhân viên đến bàn đưa menu rồi hỏi.
Tôi lấy cái menu lật xem qua một lượt, vừa xem thì đã đau đầu. Nhìn trong menu đủ các loại trà, mà xưa giờ tôi có biết gì về khoản này đâu. Vừa lò dò xem từng loại như đọc từ điển, vừa đắn đo xem uống cái nào.
“Lấy em trà ô long.” – Nàng nhẹ nhàng gấp cuốn menu lại rồi quay sang nói với nhân viên.
“Ừm, vậy còn bạn này.” – Chị nhân viên hí hoáy trên cuốn sổ nhỏ rồi quay sang tôi hỏi.
“Lấy cho em giống bạn luôn đi.” – Tôi gấp ngay cuốn menu lại. Xem cũng chả biết chọn gì thì tốt nhất là khỏi xem cho đỡ mệt óc.
“Vậy hai bạn đợi chút.” – Chị nhân viên khẽ cúi người chào rồi rời đi.
“Chọn đại hở?” – Nàng nhìn tủm tỉm cười.
“Chứ sao, có biết gì đâu mà chọn.” – Tôi nhún vai.
“Ở đây chỉ mô phỏng một phần nào của trà đạo Trung Hoa thôi, mình ghé đây chủ yếu vì thích cái khung cảnh này.”
“Mô phỏng là sao?”
“Hiếu để ý các bản nhạc đang phát không?” – Nàng không trả lời tôi mà hỏi ngược lại.
“Là tiếng đàn tranh.” – Lúc này tôi mới để ý thấy tiếng đàn du dương, nhẹ nhàng vang lên.
“Ừa, hương trà và tiếng đàn được xem là sự kết hợp để con người ta hưởng thụ vật chất và giải trí tinh thần. Kết hợp với khung cảnh nho nhã tạo cho người thưởng trà có cảm giác thanh tịnh hơn. Đó là quan điểm của người Trung Hoa thời xưa.”
“Ừm.” – Tôi gật gù – “Nhưng mà có liên quan gì đến sự mô phỏng nào đâu.”
“Ở đây có khung cảnh rồi, có tiếng cầm rồi. Chỉ khác ở chỗ là trà thôi. Vậy nên mình mới nói là mô phỏng.” – Nàng vẫn nhẹ nhàng giải thích.
“Ra thế. Linh nghiên cứu cái này kỹ quá ha.”
“Cái này đọc sách là biết chứ có gì đâu. Chứ nếu muốn nghiên cứu cụ thể thì phức tạp lắm, trà Nhật thì còn có thể chứ trà Trung Hoa thì mình chịu rồi.” – Nàng khẽ vén một lọn tóc qua vai rồi mỉm cười.

“Nói mình nghe thử xem?” – Tôi bắt đầu hứng thú với câu chuyện.
“Trà Nhật thì mình không rành, chỉ biết là nó khá nặng về nghi thức, còn cách pha trà thì đơn giản hơn người Trung Hoa. Mình có đọc được có người Nhật lúc xưa từng nói về pha trà là: Nấu nước cho sôi, pha vào trà, sau đó thêm các hương liệu cần thiết để tạo hương vị cho trà. Rồi chú ý màu sắc của trà phải thật tự nhiên và đẹp mắt. Trà Nhật thì mình chỉ biết thế, hì.”
“Thế trà Trung Hoa thì sao.”
“Trà Trung Hoa thì cầu kỳ trong giai đoạn chế biến với pha trà. Lục Vũ thời Đường có thể nói là đại sư về trà đạo, ông ấy sáng tác Trà Kinh có nói việc uống trà là sự kết hợp giữa Khí – Thủy – Hỏa – Sự. Trong đó Khí được coi là dụng cụ pha trà, Thủy là nước, Hỏa là nhiệt độ đun trà, Sự là bao gồm cảnh vật, con người, thời điểm dùng trà. Đó là pha trà, còn khâu chế biến từ trà tươi thành trà mình uống thì bao gồm 28 dụng cụ tất cả lận. Vậy nên nếu muốn đi sâu vào nó thì hơi khó, hì.”
“Gì phức tạp vậy.” – Tôi vỗ vỗ trán.
“Vậy mới tạo nên nghệ thuật trà đạo được chứ.” - Nàng mỉm cười.
“Lằng nhằng thế thì uống nước lã cho lành.” – Tôi thở dài.
“Lại nói linh tinh.” – Nàng lườm tôi trách cứ.
“Vậy chứ trà ô long là trà của Nhật hay Trung Hoa?”
“Trà ô long thì gốc là ở tỉnh Phúc Kiến, nhưng về sau nó lại thành thế mạnh của Đài Loan. Nhưng trà ô long ở đây chỉ là mua ở trong siêu thị được người ta làm đại trà, chứ không phải theo nguồn gốc thủ công như thời xưa.”
“Ừm.” – Tôi gật gù.
Lúc sau nhân viên mang lên 2 ấm trà bé xíu, tôi tò mò cầm cái chén lên xem thử thì mới biết nó bằng sứ rồi được tráng một lớp màu nâu bên ngoài chứ không phải bằng đất nung.
“Ủa Linh, sao thấy trong phim cổ trang người ta uống trà thường dùng cái chén to như cái bát ăn cơm cơ mà. Ở đây đã mô phỏng theo thời xưa sao không lấy loại đó?”
“Ngày xưa nhà Tống bị xâm lấn rồi nhà Nguyên lên cai trị, lúc đó nền văn hóa bị tàn phá, nên trà đạo cũng đi xuống. Rồi đến đời nhà Minh thì bắt đầu khôi phục lại văn hóa nhưng người ta đơn giản cách chế biến rồi pha trà, không còn cầu kỳ như trước. Lúc đó pha trà cũng không phải chia thành 4 yếu tố như Lục Vũ nói, mà đơn giản chỉ là cho trà vào đỉnh, đợi trà chìm xuống rồi uống. Còn cái mà Hiếu nói tách uống trà, đó chẳng qua là nước trà được rót từ đỉnh vào đó rồi dâng lên cho quý tộc thôi, chứ không gọi là thưởng trà.”
“Vậy chứ thưởng trà là dùng cái chén bé con con này à?”
“Ừa, nếu đúng như trà đạo từ thời Đường thì phải dùng chén màu xanh lục chứ không phải màu nâu đất như này. Ở đây người ta dùng thì mình đoán là để tạo thêm cảm giác giản dị thôi.”
“Phức tạp thế mà Linh cũng ráng mà đọc à?” – Tôi cảm khái.

“Thì nhà mình có nhiều sách nói về những thứ này nên lúc rảnh thì mình đọc thôi.”
“Có truyện không?” – Mắt tôi sáng rực nhìn nàng.
“Cũng có, nhưng Hiếu không đọc được đâu.”
“Tại sao?”
“Vì toàn chữ Hoa thôi, nếu Hiếu nhắm đọc được thì mình ượn, hì.”
“Gì ghê vậy.” – Tôi co rụt người.
“Hình như có khá nhiều truyện Việt Nam không xuất bản, nhưng nhà mình vẫn có.” – Nàng nhìn tôi tủm tỉm.
“Vậy thì. . . Linh dịch ra rồi đem bản dịch ình mượn.” – Tôi cười hề hề.
“Mơ đi, quyển nào cũng dày mấy trăm trang. Hiếu tưởng muốn dịch là dịch được à, có nhiều cổ ngữ mà mình còn không biết nữa kìa.” – Nàng bĩu môi.
“Ờ thì thôi vậy.” – Tôi thở dài chán nản.
Nhẹ nhàng rót một chén. . . suýt tràn, sau đó tôi lên rồi nốc thẳng y như uống rượu. Làm một sạch bách cả cái chén nhỏ rồi nuốt xuống. Lúc này tôi cảm nhận được vị ngọt đang lan từ miệng đến cổ họng rồi đi xuống, cùng với một mùi hương dễ chịu đang lởn vởn xung quanh.
“Cảnh cũng đã ngắm, trà cũng đã uống, tiếc là. . .” – Tôi chậc chậc lưỡi.
“Tiếc gì?” – Nàng nhìn tôi tủm tỉm cười.
“Tiếc là không có tiếng đàn của giai nhân.” – Tôi nhìn nàng trêu chọc.
“Nếu như giai nhân đây không có hứng thì sao?”
“Vậy thì cũng đành trách bản thiếu đây bạc phước thôi.” – Tôi nói xong phá ra cười.
“Chỉ giỏi ba hoa.” – Nàng bĩu môi.

“Ủa mà đàn đâu mà đánh?”
“Thấy có cái màn dựng ở đằng kia không, trong đó có đàn. Thỉnh thoảng cũng có vài hội chơi nhạc cụ dân tộc tổ chức giao lưu ở đây mà.” – Nàng chỉ về phía gần cầu thang.
“Vậy Linh còn đợi gì nữa?” – Tôi nhìn nàng đầy háo hức.
“Thế Hiếu thích bài nào, nói nghe xem mình có biết không?”
“Kiếm một bài nhạc Rock đi ha.” – Tôi nhìn nàng cười cười.
“Lại bắt đầu rồi đấy.” – Nàng khẽ lườm.
“Thôi bài nào cũng được, mình chưa nghĩ ra được gì cả.” – Tôi khoát tay.
“Ừa vậy ngồi đây nhé.” – Nàng mỉm cười rồi đứng dậy đi đến phía có cái màn che. Khẽ nói với nhân viên ở đó vài câu, chỉ thấy chị nhân viên xinh đẹp gật đầu rồi cười.
Sau đó thì nàng cũng đi vào bên trong, tôi ngồi tại chỗ chỉ nhìn thấy có cái bóng mờ hắt lên trên chiếc màn. Vài giây sau thì tiếng nhạc được phát trên những cái loa treo khắp 4 góc nhà được tắt đi, rồi ngay sau đó một âm thanh được phát ra trên cung đàn, từ thấp lên đến cao. Tôi đoán lúc đó có lẽ nàng đang thử dây.
Ngừng một lát, sau đó một giai điệu nhẹ nhàng vang lên. Giai điệu thánh thót, ngân nga lan tỏa mọi ngõ ngách trong căn phòng. Tôi không biết đây là bài gì, chỉ cảm nhận được giai điệu khi thì chìm xuống đau buồn, khi thì cao vút như khóc như hờn, khi thì nhẹ nhàng như có một người đang rủ rỉ ở bên tai. Âm thanh trong trẻo tao nhã khiến ọi người trong căn phòng nhỏ cũng dừng nói chuyện lại rồi yên lặng lắng nghe. Tôi bỗng nhiên hoảng hốt khi cảm thấy giai điệu giống như ai đó đang oán trách mình, rồi lại u buồn lắng đọng. Đến khi tôi cố đè cái cảm xúc đó xuống thì những cung nhạc cuối cùng khẽ vang lên kết thúc bản nhạc.
Nhưng sau đó tôi vẫn chưa thấy nàng đi ra, thầm thắc mắc không biết nàng còn ngây người trong đó làm gì. Rồi tiếng đàn lại khẽ vang lên như trả lời thay cho câu hỏi của tôi. Nghe qua đoạn đầu tiên thì tôi cũng biết đây là bài gì. Bài này nếu nói về dân chơi sáo thì coi như là bài nhập môn mà ai cũng biết, thậm chí những người không chơi sáo cũng biết nếu như họ xem phim Tây Du Ký. Đây là bài mà lúc Đường Tăng cùng đồ đệ đi qua Tây Lương Nữ Quốc thì xuất hiện, rồi không biết sao mà về sau thì nhiều người gọi bài này là Tây Lương Nữ Quốc luôn, chứ tên đúng của nó là bài Tình Nhi Nữ. Một bài khá đơn giản, giai điệu ngắn và ít nốt nhạc. Nhưng giai điệu của nó thì khá buồn, giống như một người con gái lặng lẽ chờ đợi một người trong vô vọng.
Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai mang chàng dưới âm gian trở về
Đàn kêu ai oán não nề
Chàng về bỏ lại lời thề biệt ly
Tôi khẽ lấy cây sáo ra, đợi cho nàng đánh xong một lượt rồi tôi đưa nhẹ cây sáo lên môi rồi chờ đợi. Khi nàng vừa bắt đầu cung đàn tiếp theo, tôi cũng nhẹ nhàng thổi theo giai điệu nàng. Tiếng đàn bỗng nhiên ngừng lại, tôi đoán có lẽ nàng ngạc nhiên rồi sau đó nàng nhanh chóng lướt từng cung đàn để tiếp tục giai điệu. Màn biểu diễn sáo – cầm song tấu khiến cho những người ngồi xung quanh càng ngạc nhiên hơn, nhưng họ không thể chiêm ngưỡng giai nhân đánh đàn nên đành quay sang chiêm ngưỡng. . . mỹ nam chơi sáo. Giai điệu của 2 loại nhạc cụ như hòa quyện vào nhau, khi lên bổng, lúc xuống trầm. Tiếng đàn ai oán bi thương, tiếng sáo êm đềm lặng lẽ như đang vỗ về an ủi. Lúc này tôi chỉ cảm thấy tâm trạng cực kỳ thoải mái, cũng như muốn thay tiếng sáo lại gần vỗ về an ủi thiếu nữ u buồn đang chơi đàn kia. Khi kết thúc bài nhac, xung quanh khẽ vang lên những tiếng vỗ tay cổ vũ. Rồi nàng đi ra, đôi má đỏ hồng rồi nhìn tôi mỉm cười.
“Sao rồi, Hiếu thấy thế nào?”
“Quá hay chứ còn gì nữa.” – Tôi cười toét miệng không tiếc lời khen ngợi.
“Nếu so với tiếng sáo của Hiếu thì sao?”
“Bậy bạ, sao so sánh vậy được. Mỗi loại hay một kiểu chứ.” – Tôi gạt tay phán xanh rờn.

“Đàn ở đây âm không được như đàn của ba ở nhà đâu.”
“Vậy ở nhà Linh đàn còn hay hơn à?”
“Cũng có thể, hì.” – Nàng cười rồi đưa tay lên khẽ quẹt chút mồ hôi ở trên trán.
“À mà bài đầu tiên là bài gì thế?”
“Đấy là bài Tương tư khúc, sao vậy?”
“Không sao, mình hỏi vậy thôi. Linh có sheet nhạc bài đó không, bữa nào ình đi.”
“Cũng được thôi, nhưng với một điều kiện.”
“Điều kiện gì?”
“Mình phải là người đầu tiên được nghe Hiếu chơi bài đó.”
“Vô tư thôi, có gì đâu.” – Tôi khoát tay.
“Vậy mai mình cầm qua nha, Hiếu nhắm tập chừng nào xong bài đó?”
“Để coi, chắc cỡ một tuần gì đó.”
“Nay chủ nhật phải không, vậy chủ nhật tuần sau nhé.”
“Chủ nhật tuần sau là ngày 24. Ủa bữa đó Giáng sinh.” – Tôi vỗ trán nghĩ ngợi rồi nói.
“Ừa quên mất ha." - Nàng nhíu đôi mi lại.
“Vậy bữa đó Linh đi chơi à?”
“Không, mình ít bạn nên cũng không đi chơi nhiều. Với lại Giáng sinh đường đông nên mình toàn ở nhà.”
“Vậy bữa đó. . . đi với mình được không?”
“Ơ. . .” – Nàng nhìn tôi ngạc nhiên rồi khẽ mỉm cười – “Nếu Hiếu muốn thì cứ vậy đi.”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK