Đó là một điềm lạ, không biết hay hay gở, và cho ai.
Không bao giờ ông đi như thế lại không có mục đích. Bao nhiêu công việc, ông đã định trong bụng cả rồi.
Đáp những cái vái dài của người nhờ vả ông, của người tự nhận là đầy tớ, tôi con ông, ông nhìn họ, chứ đầu và môi không nhúc nhích.
Đứng xem lũ trẻ con đánh khăng và cãi nhau, ông nhoẻn mép ra cười. Rồi tạt vào văn chỉ, ông lấy que móc đất chỗ chân cột, xem còn mối hay chăng. Ông rỗi rãi quá.
Quá điếm canh, ông bước thong thả hơn.
Ông đến xóm Chũm. Chị Pha ngồi ở ngõ, đương bế con, miệng lúng búng đầy cơm, tay cầm chiếc đũa, vội vàng đứng dậy, ngửa mặt lên trời chào:
- Lạy quan.
Ông Nghị hơi gật, ôn tồn hỏi:
- Ừ, nhà mày đâu, ít lâu nay tôi không gặp?
Lại ngửa cổ lên, chị đáp:
- Lạy quan xá tội cho, nhà con đến ba bốn tháng nay, những việc là việc.
- Mấy lần trên nhà có bận, tao có ý hỏi mà không thấy.
Thấy ông Nghị hỏi, Pha vội vã chạy ra, lễ phép vái chào. Sở dĩ lâu nay anh lánh mặt, vì mỗi lần gặp Nghị Lại, là mỗi lần anh bị ông hỏi đã nhất định chưa. Nhất định nghĩa là nhất định bán ruộng cho ông. Anh chỉ nhất định từ chối, mà ông thì nhất định đòi mua. Bởi vậy, mấy tháng nay, hai ba lần Nghị Lại cho gọi, mà anh đều nói dối là đi vắng. Hôm nay ông đến tận nhà, anh không chạy đâu cho thoát chuyện ông gạ mua ruộng.
Nghị Lại hỏi:
- Thế nào, lúa má nhà mày có khá không?
- Bẩm quan con mới cấy.
- À, tao nghe nói mày mới đẻ con trai?
- Dạ, vâng.
Ông nghị cười vui vẻ, bảo chị Pha:
- Lúc nào thong thả, bế nó vào trong tao, tao thưởng cho đồng bạc, nghe không? Đã cho nó ăn cơm rồi đấy à?
- Vâng, cho nó cứng cáp, mà con đi vắng luôn, cho cháu ăn cơm cho quen.
Rồi ông đứng sát gần Pha, thân mật, hỏi thầm:
- Thế nào, việc nó kiện mày ra làm sao?
Pha ngơ ngác hỏi:
- Bẩm ai? Con không biết.
Ông nghị nháy một mắt, trỏ sang nhà trương Thi. Chị Pha thấy câu chuyện đột nhiên, ghé lại gần, hai mắt trố lên để nghe. Pha lo lắng hỏi:
- Bẩm quan con không biết tí gì.
Ông nghị cau mặt mắng:
- Chết thật, việc can hệ thế mà mày không biết. Thế hôm nọ hai bên chửi nhau, đánh nhau thế kia mà?
- Lạy quan không, nó chửi con, nhưng con có chửi lại đâu?
- Thế sao nó lại kiện?
Pha không đáp, xám mặt, nhìn vợ bằng đôi mắt đầy ý nghĩa. Tự nhiên anh thương vợ dại con thơ và cảm nỗi nhà nghèo bị cơn hoạn nạn. Nghị Lại để cho sự lo lắng đủ thì giờ thấm thía rồi mới nói:
- Mà hình như nó lo ông lục sự.
Rồi ông cười, nói đùa:
- Giá nó nói với tao một tiếng, tao cho nó cái danh thiếp lên quan, có phải bằng mấy lục sự thừa phái có khi họ đơm đó không? Thế mày định theo kiện hay chịu ngồi tù?
- Bẩm quan, con chả biết tính thế nào cả.
- Việc này thì mày tính lấy, chứ ai tính hộ cho mày?
Pha thở dài:
- Bẩm ngồi tù thì khổ vợ con, mà theo kiện thì con làm gì mà có tiền?
Nghị Lại thầm thì:
- Tao đến đây hôm nay, định hỏi mày chỗ này đây, vì tao ghét thằng trương Thi, nó vừa làm hại tao, chắc mày biết đấy chứ?
- Dạ, dạ.
Pha vừa đáp, vừa gật lia lịa, anh đã hiểu câu nói thật của ông nghị.
Thằng bé con bị bế ngửa, chói mắt, và bị mẹ nhổ cơm vào mồm, khóc xa xả. Chị Pha lấy chiếc đũa quyệt quanh mép nó và gõ vào cột cổng cành cạch.
- Mà bản tâm là nó định hại mày kia đấy, nhưng phúc bảy mươi đời nhà mày, nó lại bỏ nhầm sang ruộng nhà tao.
Pha lại gật:
- Bẩm con hiểu.
- Cho nên tao tưởng mày theo kiện rồi kiện lại nó, chứ có đứa hàng xóm như thế, thực là nguy hiểm. Hiện nay còn nhà mà ở, còn ruộng mà cấy, nhưng biết đâu mai đây, vì một hũ rượu của nó mà mày không những khánh kiệt mà còn bị tù tội. Cho nên tao định đến đây bàn với mày, là tao cho mày tiền để mày kiện lại nó.
Tiếng "cho" là một tiếng chưa ai có hân hạnh được nghe phát ra ở cửa miệng Nghị Lại, vì vậy khi nói đến nó, ông dằn rõ to, và cũng vì vậy, cả bốn con mắt của vợ chồng Pha nhìn lại ông, như nhìn một cái kỳ quan vậy. Ông Nghị Lại nhắc:
- Tao cho mày tiền mà kiện lại nó. Mày có dám không?
- Bẩm con sợ quan trên bênh anh ấy.
Ông nghị vênh váo nói:
- Khi nào tao bảo ai kiện, tức thì quan phải xử cho người ấy thắng. Thế mày có điều gì ngại không?
Chị Pha bản tính tham lam và nông nỗi, mồm lúng búng cơm, bèn xui chồng:
- Nếu quan thương, thì tội gì. Làm cho nó biết tay chứ.
Nhưng Pha trầm ngâm, cúi mặt xuống đất, suy tính. Vợ anh nói:
- Tiền quan bỏ ra, quan lại nói với quan huyện giúp. Thì đằng nào thằng Thi không rũ tù phen này.
Nghị Lại nói khích:
- Thật đấy, mày không dám kiện nó thì mày cũng hèn, mà rồi nó đè đầu đè cổ cho, con ạ.
Nghe những câu có lý thì bùi tai, Pha quả quyết:
- Lạy quan, thôi thì trăm sự nhờ quan.
- Được, thế thì mai mày vào trong tao, tao vẽ lối cho mà làm rồi tao đưa tiền cho mà lo nghe chưa.
Nói đoạn, Nghị Lại quay đi. Hai vợ chồng Pha hể hả vái dài.
Nhưng mới độ vài bước, ông nghị quay lại, à một tiếng rất thiếu tự nhiên:
- À, nhưng mà nó còn đang kiện mày kia mà? Mày phải theo xong cái kiện này thì mới kiện lại nó được chứ.
Rồi không để Pha kịp suy nghĩ sâu xa đến những nỗi khó khăn, ông đã nói ngay để gỡ cho anh mối tơ vò:
- Được, để tao viết lên quan mấy chữ, ngài sẽ dàn xếp bỏ việc này đi, không xét nữa.
Pha hớn hở đáp:
- Dạ. Con tưởng con không chửi nhau với nó thì nó kiện thế nào được con?
- Ồ có chứ, cho nên mày phải kiếm cái gì quà cáp lên quan, với các ông thừa trên huyện, nghe chưa? Nghề thế, không thì ai làm việc không cho mình?
Ngập ngừng, Pha không đáp. Nghị Lại phải dỗ luôn:
- Mày ngại không có tiền à? Cái đó không hề gì. Tao cho mày vay. Mấy hột mà sợ?
Chị Pha khi ấy đã nhổ xong ngụm nước vào miệng cho con rồi, nên chị được tự do, bèn nói với chồng:
- Quan đã thương thì thầy nó đừng ngại. Tiếc đám đồng bây giờ, nhỡ tai hại về sau thì khốn.
Ông nghị híp mắt cười, khen:
- Ừ, con mẹ đàn bà mà giỏi.
Chị Pha sung sướng. Pha hỏi:
- Bẩm quan, tốn độ bao nhiêu?
- Độ dăm ba đồng chứ mấy vạn?
Không để chồng quyết định, chị Pha nói trước:
- Vâng, lạy quan, thế thì trăm sự nhờ quan.
Rồi nhìn chồng, chị đanh đá tiếp:
- Tôi tức lắm cơ, không kiện cho nó mất nghiệp thì không chịu. Chốc nó thầy lên hầu quan, quan cho cái giấy cầm lên ông huyện và lĩnh món tiền quan cho mà mua chè lá.
Nghị Lại khen chị Pha nhanh việc, rồi dặn Pha:
- Chốc nữa đến tao nhé. Nhưng tao tính cứ đem tiền vào cho đỡ kềnh càng.
Nói đoạn, Nghị Lại ung dung đi như đi chơi, một lát nữa mới về đến nhà.