Bây giờ là sáu giờ tối. Ngồi trong văn phòng của Ashley Jordan, Nathan thử thuyết phục vị liên danh chính đồng ý cho anh nghỉ phép hai tuần. Quan hệ giữa hai người được thiết lập dựa trên những mối ràng buộc chồng chéo phức tạp. Ban đầu, Nathan là người được Jordan đỡ đầu trong hãng luật, nhưng dần dần, Jordan đã trở thành cái gai trong con mắt đầy tham vọng của người đồng nghiệp trẻ thường bị anh chê trách ở điểm không chịu nhường nhịn ai bao giờ. Về phần mình, Nathan sớm nhận ra rằng Jordan không phải tuýp người lẫn lộn giữa tình nghĩa và công việc. Anh lập tức hiểu ra rằng nếu một ngày kia anh gặp phải chuyện gì cần đến sự giúp đỡ thì cũng không nên đến gõ cửa nhà anh ta.
Nathan thở dài, cố che giấu cũng chẳng ích gì: cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa anh và Garrett Goodrich, vụ tự sát của Kevin đã ảnh hưởng đến anh quá nhiều. Đó là chưa kể đến cơn đau vẫn luôn nặng trĩu trên ngực anh.
Nói đúng ra, anh không biết phải suy nghĩ sao về những lời mê sảng của Goodrich về các Sứ giả. Nhưng có một điều chắc chắn: anh cần nghỉ ngơi một thời gian, cho đầu óc thảnh thơi và tranh thủ những kì nghĩ lễ tới đây để chăm sóc con gái nhiều hơn.
Anh nhắc lại câu hỏi của mình:
- Ba năm trở lại đây, thử hỏi tôi đã nghỉ phép được mấy ngày?
- Hầu như không ngày nào cả, Jordan thừa nhận.
- Chúng ta mấy khi phải đem các vụ việc ra tòa, và nếu có xảy ra chuyện đó thì tôi đã để thua bao nhiêu vụ?
Jordan thở hắt ra nhưng không giấu nổi nụ cười. Anh đã thuộc làu cái điệp khúc này rồi. Nathan là một luật sư có tài nhưng không thể nào gọi là khiêm tốn được.
- Vài năm nay thì cậu không thua vụ nào cả.
- Tôi chưa để thua vụ nào trong cả sự nghiệp của mình, Nathan chữa lại.
Jordan gật đầu tỏ ý tán thành, rồi hỏi:
- Cậu làm vậy là vì Mallory à? Thật sao?
Nathan tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi:
- Nghe này, tôi sẽ mang điện thoại di động và máy nhắn tin để giữ liên lạc thường xuyên nếu có chuyện gì xảy ra.
- OK, cứ việc nghỉ hết phép của cậu, nếu muốn. Cậu có thể làm thế không cần hỏi đến tôi. Tôi sẽ đích thân theo dõi hồ sơ của Rightby’s.
Coi như cuộc tranh luận đã kết thúc, Jordan lại chúi đầu vào những số liệu đang lần lượt xuất hiện trên màn hình vi tính.
Nhưng Nathan không chịu dừng ở đó. Anh cao giọng để gây chú ý:
- Tôi muốn dành chút thời gian cho con gái tôi, tôi không thấy chuyện đó gây phiền toái gì hết.
- Đúng là bản thân chuyện đó không gây phiền toái gì hết, Jordan nói và ngẩng đầu lên. Điều phiền duy nhất là việc đó không được báo trước mà cậu thừa hiểu, trong nghề của chúng ta, phải dự tính trước mọi việc.
Ngày 11 tháng Chạp
Chuông báo thức reo lúc năm rưỡi sáng.
Dù Nathan đã chợp mắt được vài tiếng nhưng cơn đau vẫn chưa dứt. Ngược lại là khác, nó rát buốt trong lồng ngực, như ai vừa đốt lửa sau xương ức. Anh có cảm giác như ngay lúc này cơn đau đang lan sang bả vai trái và bắt đầu tỏa xuống dọc theo cánh tay.
Anh cũng không đủ can đảm để ngồi dậy ngay. Anh nằm lại trên giường và thở sâu, cố gắng lấy lại bình tĩnh. Khoảng vài giây sau, con đau rốt cuộc cũng dịu đi nhưng anh vẫn nán lại trên giường thêm mười phút, tự hỏi anh sẽ làm gì cho hết ngày hôm nay. Cuối cùng, anh cũng đưa ra một quyết định.
Khỉ thật! Mình không thể khoanh tay ngồi nhìn để rồi sau đó hứng chịu hậu quả. Mình phải biết rõ ngọn ngành mới được!
Anh ra khỏi giường và nhanh chóng vào đứng dưới vòi hoa sen. Anh rất thèm một tách cà phê nhưng phải cưỡng lại sự cám dỗ: anh phải nhịn ăn uống hoàn toàn nếu muốn làm xét nghiệm máu.
Anh mặc quần áo thật ấm, xuống nhà bằng thang máy rồi bước vội quan những họa tiết trang trí theo phong cách Art Déco giăng khắp tiền sảnh và những lối vào của tòa nhà. Anh dừng lại một lát để chào người gác cổng mà bản thân anh rất quý mến bởi lòng nhiệt tình, tử tế.
- Xin chào, thưa ngài.
- Chào Peter, tối qua Knick thi đấu thế nào?
- Họ thắng Seattle với hai mươi điểm chênh lệch. Ward ghi liền mấy bàn đẹp mắt…
- Thế thì hay quá, mong sao trong trận gặp Miami họ vẫn giữ vững phong độ!
- Sáng nay ngài không chạy bộ sao?
- Không, lúc này máy móc đang bị han gỉ chút ít.
- Vậy thì ngài phải nhanh chóng hồi phục đi thôi…
- Cám ơn Peter, chúc một ngày tốt lành!
Bên ngoài, bầu trời vẫn tối đen và không khí buổi sớm lạnh thấu xương.
Anh bước sang bên kia đường và ngẩng mặt nhìn hai tòa tháp của San Remo. Anh nhận ra khung cửa sổ căn hộ của anh, tầng nhà thứ hai mươi ba của tòa tháp phía bắc. Như mọi lần, anh lại nghĩ: Không đến nỗi tệ.
Thành đạt đến mức đó thật không tệ chút nào đối với một thằng nhóc lớn lên trong khu ổ chuột phía nam của Queens.
Anh đã trải qua thời thơ ấu cực khổ, đó là sự thật. Một tuổi thơ hằn dấu nghèo đói và chi tiêu tiết kiệm đến từng khoản vụn vặt. Một cuộc sống nghèo khổ nhưng chưa đến nỗi khốn cùng, ngay cả khi hai mẹ con anh đôi lần phải cầm đến những phiếu ăn, loại thẻ nhận tiếp tế thực phẩm được phát cho người nghèo.
Phải, không đến nỗi tệ.
Bởi số nhà 145 nằm trên đường Park Avenue chắc chắn là một trong những địa chỉ nổi tiếng khắp toàn vùng. Vị trí này đối diện với công viên, chỉ cần thả bộ qua hai tòa nhà là đến trạm tàu điện ngầm mà hiển nhiên dân ở đây không mấy khi phải sử dụng đến. Các chủ nhân của tổng cộng một trăm ba mươi sáu căn hộ của tòa nhà, điểm ra toàn những doanh nhân, những tay trùm tài phiện, những gia đình danh giá lâu đời gốc New York và những ngôi sao của làng giải trí. Rita Hayworth đã sống tại đây cho đến lúc tạ thế. Có tin đồn rằng Dustin Hoffman và Paul Simon mỗi người vẫn sở hữu một căn hộ nơi đây.
Anh vẫn nhìn nóc tòa nhà được chia thành hai tòa tháp đôi, bên trên mỗi đỉnh tháp lại có một ngôi đền nhỏ kiểu La Mã đem lại cho tòa nhà dáng vẻ hao hao những giáo đường thời Trung cổ.
Không đến nỗi tệ.
Tuy nhiên, anh vẫn phải thừa nhận rằng, dù có là luật sư danh tiếng đi nữa, anh cũng không thể tự tậu cho mình căn hộ này nếu không có câu chuyện sau đây với người bố vợ. Nói đúng hơn là bố vợ trước đây của anh, Jeffrey Wexler.
Trong một khoảng thời gian dài, căn hộ thuộc tòa nhà San Remon đã là chốn đi về của Wexler khi ông có công chuyện đến New York. Đó là một người đàn ông chỉnh chu và cố chấp, một sản phẩm thuần khiết của giới tinh hoa Boston. Chỗ ở vốn dĩ thuộc về gia đình Wexler. Tức là ngay sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1930, thời điểm tòa nhà này được khởi công xây dựng bởi Emery Roth, kiến trúc sư tài hoa đã có sẵn trong bảng thành tích của mình nhiều công trình nổi tiếng khác nằm rải rác quanh Công viên Trung tâm.
Wexler đã thuê một phụ nữ gốc Ý dọn dẹp, trông nom căn hộ: bà tên là Eleanor Del Amico, trước đó vẫn sống cùng con trai trong khu ổ chuột ở Queens. Thoạt đầu, Wexler đã thuê bà bất chấp ý kiến phản đối của vợ mình, thấy chuyện thuê một người mẹ đơn thân vào làm là không tiện. Nhưng Eleanor luôn luôn hoàn thành xuất sắc công việc nên hai vợ chồng còn đề nghị bà trông coi thêm căn nhà nghỉ của gia đình tại Nantucket.
Cứ như thế, liên tiếp nhiều mùa hè, Nathan đã theo mẹ ra đảo. Và chính tại đó đã diễn ra sự kiện khiến cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn: cuộc gặp gỡ với Mallory.
Công việc của bà mẹ đã đặt anh vào vị trí thuận tiện nhất để tha hồ nhìn ngắm và khao khát nước Mỹ của những người da trắng theo đạo Tin lành, tầng lớp dân cư mà thời gian trôi chảy dường như không tài nào tác động đến. Chính anh cũng từng ao ước có một tuổi thơ với những khóa học dương cầm, những cuộc dạo chơi bằng thuyền buồm trong cảng Boston và những cánh cửa xe Merceder đóng sập lại. Dĩ nhiên, anh đã không thể đạt được gì trong số đó: anh không cha, không anh em, không tiền bạc. Anh không đeo phù hiệu của một trường tư thục trên ve áo đồng phục, không có áo sợi đan tay kiểu lính thủy hay xuất thân trong một gia đình danh giá.
Nhưng nhờ có Mallory, anh đã có thể háo hức nếm trải một vài mảnh vụn của nghệ thuật sống ngoài mọi giới hạn của thời gian ấy. Đôi khi anh được mời tham gia những cuộc dạo chơi ngoài trời xa hoa và rắc rối với nhiều công đoạn tại những vạt rừng râm mát của Nantucket. Nhiều lần, anh được Wexler dẫn theo trong những buổi đi câu thường kết thúc không thể thiếu một tách cà phê đá và bánh sô cô la hạnh nhân vừa mới ra lò. Và ngay đến Elizabeth Wexler, quý bà hết sức tao nhã kiểu cách cũng đôi lần cho anh mượn sách từ phòng thư viện của ngôi nhà rộng mênh mông, nơi tất thảy đều sạch bong, choáng lộn và thanh nhã.
Tuy nhiên, lòng nhân từ bề ngoài cũng không khỏi khiến cho gia đình Wexler cảm thấy phiền lòng khi thấy con trai người giúp việc cứu con gái mình khỏi chết đuối vào một ngày tháng Bảy năm 1972.
Và nỗi lo này chưa bao giờ vợi bớt. Ngược lại, nó lớn dần theo tháng năm và biến thành một mối thù địch không úp mở khi Mallory và anh thông báo họ biết ý định dọn đến sống chung với nhau và sau đó là kết hôn.
Gia đình Wexler đã tìm mọi cách để tách con gái khỏi người cô yêu. Nhưng chẳng ích gì: Mallory vẫn khăng khăng với quyết định của mình. Cô biết xét về lý, cô mạnh hơn những lời cảnh báo mạo xưng kia. Mạnh hơn những lời đe dọa và những bữa ăn gia đình từ ngày đó bầu không khí nặng nề vẫn thường bao trùm thay cho những cuộc chuyện trò giữa bố mẹ và con cái.
Ý chí sắt đá ấy đã kéo dài đến lễ Giáng sinh 1986 đáng nhớ, trong đêm giao thừa trong căn nhà lớn của gia đình quy tụ một nhúm còn sót lại của tầng lớp quý tộc Boston, Mallory đã đến dự, tay trong tay với Nathan và giới thiệu với gia đình anh là “chồng sắp cưới” của mình. Jeffrey và Lisa Wexler đã hiểu rằng họ không thể phản đối mãi quyết định của cô con gái. Chuyện đã đến nước này và không thể khác được thì ông bà đành chấp nhận Nathan Del Amico nếu không muốn mất Mallory.
Nathan thì thật sự kinh ngạc trước quyết tâm thuyết phục gia đình ủng hộ đám cưới của vợ và càng thêm yêu cô vì điều đó. Anh vẫn vậy, mỗi khi nhớ đến buổi tiệc đáng nhớ ấy, anh không khỏi run lên vì xúc động. Đối với anh, sẽ không có gì có thể xóa nhòa trong kí ức buổi tối Mallory nhận lời cầu hôn của anh. Nhận lời trước sự chứng kiến của những thành viên khác trong gia đình. Nhận lời trước cả thế giới.
Ngay cả khi hôn lễ của họ đã cử hành, gia đình Wexler vẫn không thực sự công nhận anh như một thành viên. Ngay cả khi anh đã tốt nghiệp đại học Columbia: ngay cả khi anh được nhận vào một văn phòng luật sư danh tiếng. Vấn đề không phải là ở số tiền anh kiếm được nữa mà là xuất thân xã hội. Có chút gì đó như thể trong môi trường này, hoàn cảnh xuất thân đã phân định sẵn cho người ta một chỗ đứng mà người ta cách nào cũng mãi mãi không thể thoát ra được, dù bằng cổ phiếu hay cả cơ nghiệp.
Đối với họ, anh sẽ mãi mãi là con trai của người giúp việc, một người họ đã miễn cưỡng phải chấp nhận để không phải xa rời đứa con gái, nhưng không phải vì thế mà bước chân được vào dòng tộc. Và sẽ không đời nào có chuyện đó.
Thế rồi đã xảy ra một vụ kiện. Năm 1995.
Thật ra, vụ việc này không trực tiếp thuộc thẩm quyền của anh. Nhưng khi thấy hồ sơ được chuyển đến cho Marble&March. Nathan đã nhất quyết đề nghị được xử lý.
Vụ việc không có gì khó hiểu: sau khi bị một công ty tin học lớn thôn tính doanh nghiệp của mình, một trong những thành viên sáng lập của hãng SoftOnline cho rằng mình đã bị những cổ đông mới thải hồi vô căn cứ và đòi hai mươi triệu đô la tiền bồi thường. Hãng từ chối trả khoản tiền này nên dẫn đến nguy cơ bị thành viên sáng lập kiện ra tòa. Người này đã tìm đến văn phòng luật Marble&March.
Cùng thời gian đó, những cổ đông mới của công ty – trụ sở vốn đặt ở Boston- đến lượt mình đã nhờ đến văn phòng luật riêng của mình: Branagh&Mitchell mà một trong những liên danh chính không ai khác, chính là …Jeffrey Wexler.
Mallory gần như van xin chồng bỏ vụ này. Chuyện này sẽ không thể đem lại điều gì tốt đẹp cho họ. Nó sẽ chỉ khiến cho mọi việc thêm phức tạp, bởi lẽ chính Wexler sẽ đích thân đại diện cho văn phòng của ông theo dõi hồ sơ.
Nhưng Nathan đã không nghe cô. Anh muốn chứng tỏ cho gia đình Wexler thấy khả năng của người vốn bị họ coi là tên lưu manh hè phố. Anh đã tìm gặp Jeffrey Wexler để báo trước với ông ta anh không chỉ nhận về mình vụ này mà còn nung nấu ý định giành phần thắng.
Wexler cho người tống cổ anh ngay lập tức.
Trong những việc tương tự, hầu như người ta không bao giờ để phải đem ra xét xử trước tòa. Thông thường, mọi chuyện sẽ được giải quyết bằng thỏa thuận giữa hai bên và công việc của luật sư chỉ còn gói gọn lại ở khâu thu xếp sao cho thân chủ của mình có lợi nhất.
Theo tư vấn của Wexler, hãng phần mềm đã đề nghị một khoản bồi thường là sáu triệu rưỡi đô la. Đó là một mức đền bù phải chăng. Phần lớn các luật sư bên nguyên sẽ chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, đi ngược lại tất cả các quy tắc thận trọng. Nathan đã thuyết phục thân chủ của mình không nhượng bộ.
Vài ngày trước hôm ra tòa, Branagh&Mitchell đã đề nghị mức bồi thường cuối cùng là tám triệu đô la. Lần này, Nathan vẫn thẳng thừng từ chối. Rồi Wexler đã nói câu này. Những lời mà anh sẽ không bao giờ quên:
- Cậu đã có được con gái ta, Nathan Del Amico ạ. Chiến lợi phẩm đối với cậu như thế chưa đủ sao?
- Không phải tôi “có được” con gái ông như lời ông nói. Tôi đã luôn yêu thương Mallory nhưng ông không chịu hiểu điều đó.
- Ta sẽ đè bẹp cậu như đè bẹp một con gián!
- Vẫn là cái lối khinh khỉnh thường ngày của ông, nhưng trong vụ này, nó không giúp được gì nhiều cho ông đâu.
- Hãy cân nhắc cho thật kỹ. Nếu cậu để cho khách hàng này mất tám triệu, danh tiếng của cậu cũng bị ảnh hưởng nhiều đấy. Mà cậu cũng biết danh tiếng của một luật sư khó xây dựng và cũng khó giữ gìn thế nào rồi.
- Cứ việc lo cho danh tiếng của ông ấy.
- Cậu không có đến một phần mười cơ hội để thắng vụ này. Và cậu biết điều đó.
- Ông sẵn sàng cược đến mức nào?
- Tôi sẵn lòng chịu treo cổ nếu nhầm.
- Tôi không yêu cầu cao đến thế.
- Vậy thì gì nào? Nathan ngẫm nghĩ một lát.
- Căn hộ San Remo.
- Cậu điên rồi!
- Tôi cứ nghĩ ông là người chịu chơi cơ đấy, Jeffrey.
- Dù sao đi nữa cậu cũng không có cơ may nào đâu…
Wexler tự tin đến nỗi rốt cuộc ông ta đã chấp nhận cuộc chơi:
- Thôi được. Nếu cậu thắng, tôi sẽ để lại cho cậu căn hộ. Chúng ta sẽ coi đó là món quà sinh nhật cho Bonnie. Nên nhớ rằng tôi không yêu cầu bất cứ thứ gì trong trường hợp cậu thất bại: cậu sẽ khá vất vả để hồi phục sau ngần ấy rắc rối nảy sinh. Vả lại tôi cũng không mong gì chồng của con gái sạt nghiệp.
Cuộc đấu trí giữa hai người đàn ông đã diễn ra như thế đó. Một vụ cá cược không chuyên nghiệp cho lắm – Nathan biết rằng anh không thể lấy làm hãnh diện khi mạo hiểm lợi ích của thân chủ để giải quyết một vấn đề cá nhân – nhưng đây là một dịp quá thuận lợi.
Đó là một vụ tương đối đơn giản nhưng do các bên liên quan không đạt được sự nhất trí đồng thuận trong các cách giải quyết nên đành đặt dưới sự cân nhắc đánh giá của quan tòa. Một khi đã từ chối đề nghị dàn xếp từ Wexler, thân chủ của Nathan đứng trước nguy cơ mất tất cả.
Jeffrey là một luật sư dày dặn kinh nghiệm và cả cách suy luận chặt chẽ. Khách quan mà nói, ông đã không lầm khi nói rằng đối thủ có quá ít cơ hôi để giành phần thắng.
Nhưng cuối cùng Nathan mới là người thắng cược.
Như vậy là thẩm phán Frederick J. Livingston của tòa án New York đã xử hãng SoftOnline thua và buộc hãng phần mềm phải trả đủ hai mươi triệu đô la tiền bồi thường cho người cựu nhân viên.
Anh cũng phải thừa nhận điều này: Wexler đã bình tĩnh chấp nhận thất bại và một tháng sau, tất cả các đồ đạc của ông trong căn hộ San Demo đã được dọn sạch.
Tuy nhiên, Mallory không nhầm: vụ kiện này không thể cải thiện được mối quan hệ giữa Nathan với bố mẹ vợ. Anh và Jeffrey đã hoàn toàn tuyệt giao bởi từ bảy năm nay, họ không còn nói với nhau lời nào nữa. Nathan ngờ rằng chính gia đình Wexler cũng mừng thầm về quyết định ly hôn của con gái. Làm sao có thể khác được.
Nathan cúi đầu khi nghĩ đến mẹ mình.
Bà từng đến căn hộ này thăm anh. Bà đã qua đời vì bệnh ung thư, ba năm trước khi diễn ra vụ kiễn lẫy lừng ấy.
Nhưng điều đó vẫn không thay đổi được sự thật: chính con trai bà đang sống trong căn hộ tầng thứ hai mươi ba, số nhà 145 Park Avenue.
Chính nơi bà đã làm công việc quét dọn trong ngót chục năm trời.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với Eleanor.
Cha mẹ Eleanor, người gốc Gaète, một cảng cá phía bắc Napoli, đã di cư sang Mỹ khi cô bé mới chín tuổi. Sự kiện này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học hành của cô bé bởi em chưa bao giờ sử dụng thành thạo được tiếng Anh, thậm chí trình độ tiếng Anh còn tệ đến mức em phải bỏ học từ rất sớm.
Năm hai mươi tuổi, cô thiếu nữa Eleanor gặp Vittorio Del Amico, một công nhân xây dựng làm việc tại công trường Trung tâm văn hóa nghệ thuật Lincoln. Anh ta là người khéo tán tỉnh và có nụ cười mơn trớn. Khoảng vài tháng sau, cô nhận ra mình đã có mang và họ đã kết hôn. Nhưng thời gian trôi đi, Vittorio lộ rõ bản chất là một người chồng vũ phu, thiếu thủy chung và vô trách nhiệm, cuối cùng là bỏ vợ con đi biệt tích.
Sau khi chồng bỏ đi, Eleanor tự xoay xở kiếm tiền nuôi con, đôi khi còn kiêm nhiều việc một lúc chỉ mong đủ chi tiêu dè xẻn hàng tháng. Người giúp việc, phục vụ bàn, lễ tân trong những khách sạn tồi tàn: bà không bao giờ nghỉ việc và nhận về mình nỗi nhục nhã thường gắn liền với loại công việc hạ cấp này. Không bạn bè thực sự, không họ hàng thân thích, bà không có lấy một nơi nương tựa.
Chỗ ở của hai mẹ con không có cả ti vi lẫn máy giặt. Họ sống tằn tiện nhưng giữ phẩm cách. Nathan được mặc quần áo sạch sẽ đến trường và có đầy đủ những dụng cụ học tập cần thiết để học hành tấn tới.
Mặc mẹ anh vất cả chồng chất, anh chưa từng thấy bà có đủ thời gian tự chăm sóc cho bản thân hay cho phép mình hưởng thụ chút ít. Bà chưa bao giờ đi nghỉ, chưa bao giờ đọc đến một quyển sách và chẳng hề nghĩ tới chuyện đi ăn nhà hàng hay đến rạp xem phim.
Bởi mối bận tâm duy nhất của Eleanor Del Amico là nuôi dạy con trai mình chu đáo. Tuy bản thân là người ít học, trình độ văn hóa thấp, bà vẫn gắng hết sức theo chương trình ở trường và kèm cặp con trai trong việc học. Bà không có bằng cấp nhưng bà có tình mẫu tử. Một tình yêu vô điều kiện và không thể mai một. Bà thường nhắc với con trai của mình rằng, bà yên tâm hơn khi đã hạ sinh một bé trai chứ không phải một bé gái: “Con sẽ xoay xở dễ dàng hơn trong thế giới này, thế giới do đàn ông thống trị”, bà cam đoan với anh như vậy.
Suốt mười năm đầu đời, mẹ là vầng mặt trời tỏa sáng cho riêng anh mỗi ngày, là bà tiên ủ lên trán chiếc khăn đã dấp nước để xua đi những cơn ác mộng, là người mỗi sáng trước khi đi làm đều để lại cho anh những lời nhắn chứa chan yêu thương và đôi khi là ít tiền ngay cạnh bát ca cao để anh thức dậy là biết ngay.
Phải, mẹ đã từng là thần tượng của anh, trước khi một thứ giống như là khoảng cách về địa vị xã hội bắt đầu dần dần chia rẽ hai mẹ con.
Thoạt tiên, anh khám phá ra thế giới đầy mê hoặc của gia đình Wexler, rồi năm mười hai tuổi, anh may mắn được nhận vào trường trung học Wallace School, một trường tư thục của Manhattan mỗi năm đều tiếp nhận và cấp học bổng cho khoảng mười trong số các học sinh xuất sắc nhất đến từ các khu phố nghèo. Nhiều lần, anh được các bạn bè mời về nhà chơi, những tòa cao ốc sang trọng của khu East Side hay Gramercy. Thế là anh bắt đầu hơi xấu hổ về mẹ mình. Xấu hổ về những lỗi ngữ pháp hay cách về cách phát âm Anh ngữ chưa chuẩn của bà. Xấu hổ về địa vị xã hội hiện rõ mồn một qua cách nói chuyện và hành xử của bà.
Lần đầu tiên trong đời, anh nhận thấy dường như tình yêu bà dành cho anh có gì đó sỗ sàng và anh dần dần tìm cách thoát khỏi vòng tay yêu thương đó.
Suốt thời gian theo học đại học, mối liên hệ giữa hai mẹ con bị bỏ lửng và cuộc hôn nhân của anh cũng không thay đổi được gì. Nhưng đấy không phải là lỗi của Mallory. Cô đã luôn nài nỉ anh đón mẹ về chăm sóc. Không, lỗi này của riêng anh. Anh đã quá bận rộn với việc leo cao trên nấc thang danh vọng, không thể nhận ra rằng mẹ cần tình yêu của đứa con trai hơn là số tiền anh chu cấp đều đặn hàng tháng.
Thế rồi, bệnh viện đã gọi điện cho anh vào một buổi sáng ảm đảm tháng Mười một năm 1991 để thông báo với anh rằng mẹ anh đã mất và tình yêu đó vụt trở lại nguyên vẹn trong anh. Như rất nhiều đứa con khác, giờ anh đang bị nỗi ân hận dày vò, bị ám ảnh bởi mỗi giây phút bản thân tỏ ra thờ ơ, bạc bẽo với mẹ lúc sinh thời.
Từ đó trở đi, không có ngày nào anh sống mà không nghĩ đến mẹ. Mỗi lần gặp trên phố người phụ nữ nào ăn mặc xoàng xĩnh, mệt mỏi vì công việc, kiệt sức ngay cả trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, anh như gặp lại mẹ và thấy hối tiếc vì đã không là một đứa con hiếu thuận hơn. Nhưng đã quá muộn. Tất cả những lời anh tự trách mình hôm nay cũng chẳng giúp ích được gì nữa rồi. Những việc anh đã làm để chuộc lỗi, như đều đặn mỗi tuần đến đặt hoa trên mộ bà, cũng không bao giờ bù đắp được quãng thời gian anh không ở bên mẹ anh khi bà còn sống.
Anh đã tìm thấy trong ngăn kéo tủ đầu giường bệnh của bà hai bức ảnh.
Bức đầu tiên chụp năm 1967. Bức ảnh chụp mẹ con anh vào một chiều Chủ nhật, gần bờ biển, trong công viên giải trí đảo Coney. Nathan lúc ấy mới ba tuổi. Cậu bé nắm chặt trong bàn tay nhỏ xíu que kem kiểu Ý và tròn mắt ngắm nhìn đoàn tàu lượn siêu tốc với vẻ thán phục. Mẹ cậu hãnh diện bế con trên tay. Đó là một trong những bức ảnh hiếm hoi trên môi bà nở nụ cười rạng rỡ.
Tấm ảnh còn lại anh biết rõ hơn bởi đó là lễ trao bằng tốt nghiệp khoa Luật đại học Columbia. Trong tấm áo choàng cử nhân và bộ lễ phục đẹp đẽ của mình, anh dường như nhìn thế giới bằng nửa con mắt. Chắc chắn rồi, tương lai đang trong tầm tay anh kia mà.
Trước khi nhập viện, mẹ anh đã gỡ tấm ảnh này ra khỏi khung thếp vàng vốn chiếm khác nhiều diện tích trong phòng khách của bà. Đến lúc chết, bà vẫn muốn mang theo bên mình biểu tượng của sự thành đạt của con trai, đồng thời là dấu hiệu của sự xa cách giữa hai mẹ con.
Nathan cố gắng gặt đi những ý nghĩ dễ khiến anh suy sụp.
Lúc này đã hơn sáu giờ tối một chút.
Anh bước vào bãi xe tại tầng hầm tòa nhà kế bên, nơi anh đã thuê hai chỗ đỗ theo tháng. Một chỗ dành cho chiếc Jaguar hai chỗ và chỗ kia thuộc về một chiếc hai cầu địa hình màu xanh thẫm sang trọng.
Hai vợ chồng đã tậu chiếc xe này khi quyết định sẽ sinh đứa con thứ hai. Đó là lựa chọn của Mallory. Cô thích cảm giác an toàn và cao ráo mà chiếc xe này mang lại. Cô luôn chăm lo sao cho gia đình mình được an toàn tuyệt đối. Đó là tiêu chí đầu tiên cô xét đến mỗi khi ra quyết định.
Giờ thì cần đến hai chiếc ô tô để làm gì kia chứ? Nathan tự nhủ khi mở cửa chiếc xe hai chỗ. Đã hơn một năm nay anh nghĩ đến việc bán chiếc xa hai cầu nhưng chưa thu xếp được thời gian. Anh đang định xoay chìa khóa khởi động thì lại nghĩ có khi nên dùng chiếc xe hai cầu vì biết đâu đường xá có thể trơn trượt thì sao.
Mùi hương của Mallory vẫn còn vương vấn bên trong khoang lái. Khi nhấn ga khởi động, anh đã quyết định sẽ bán chiếc xe thể thao hai chỗ và giữ lại chiếc địa hình.
Anh lái lên tầng ba của khu để xe, quẹt thẻ từ để mở thanh chắn và lái ra ngoài thành phố vẫn còn tối đen.
Tuyết đã ngừng rơi. Rõ ràng là ngay cả thời tiết cũng kỳ cục, liên tục dao động giữa lạnh và mát dịu.
Anh lục trong hộc đựng găng và tìm thấy một CD cũ của Leonard Cohen. Một trong những đĩa nhạc yêu thích của người vợ cũ. Anh cho đĩa vào ổ. Mallory yêu thích những ca sĩ nhạc đồng quê nói riêng và sự tranh đấu nói chung. Cách đâu vài năm, cô đã tới châu Âu, tới Gênes, để biểu tình chống lại tác hại của toàn cầu hóa và quyền tự quyết tuyệt đối của các tổ chức đa quốc gia. Trong kì bầu cử tổng thống mới đây, cô đã hăng hái tham gia chiến dịch tranh cử của Ralph Nader[1] và khi chuyển tới sống ở bờ biển phía Đông, cô đã không bỏ sót bất cứ cuộc biểu tình nào ở Washington chống lại Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới, Mallory chống lại tất cả: chống nợ nần và đói nghèo của các nước thuộc thế giới thứ ba, chống môi trường suy thoái, chống sử dụng lao động trẻ em…Những năm gần đây, cô đã hăng hái đấu tranh chống lại mối nguy hiểm đến từ các loại thực phẩm biến đổi Gene. Cô đã dành rất nhiều thời gian cho một hiệp hội đấu tranh vì một nền nông nghiệp không phân bón, không thuốc trừ sâu. Hai năm trước khi ly hôn, anh đã vài lần theo cô sang đến Ấn Độ, nơi hiệp hội này tiến hành một chương trình đầy tham vọng là phân phát hạt giống sạch cho nông dân nhằm khuyết khích họ duy trì phương pháp canh tác truyền thống.
Nathan vẫn luôn phê phán tính rộng rãi hào phóng của người giàu nhưng theo thời gian, cuối cùng thì anh cũng nhận ra rằng, đối với anh, người không làm gì cả, thì đó âu cũng là một việc đáng kể rồi.
Tương tự, dẫu rằng đôi khi anh coi thường tinh thần chiến đấu của vợ mình thì anh vẫn thầm ngưỡng mộ cô bởi anh thừa biết rằng, nếu thế giới chỉ trông cậy vào những người như anh để trở nên tốt đẹp thì cá nhân anh không thể nào đợi được đến lúc ấy.
Vào lúc này, lượng xe cộ lưu thông vẫn chưa đông đúc. Chỉ nửa giờ đồng hồ nữa thôi, tình hình sẽ khác hẳn. Anh lái thẳng hướng khu Hạ Manhattan rồi không suy nghĩ gì nữa, để hồn mình cuốn theo chất giọng trúc trắc của Cohen.
Còn cách quãng đường Foley một quãng, anh liếc qua gương chiếu hậu. Một trong hai chiếc ghế sau có phủ chiếc khăn choàng Xcốtlen với họa tiết của Norman Rockwell mà anh đã mua ở hệ thốn của hàng Bloomingdale’s hồi mới cưới, Bonnie vẫn thích rúc vào trong đó mỗi khi cả nhà đi du lịch.
Không, anh đâu có mơ: chiếc xe vẫn quyện mùi nước hoa của Mallory. Một mùi nồng nàn pha trộn giữa hương vani và hương hoa tươi. Những lúc như thế này, anh nhớ cô kinh khủng. Sự hiện diện của cô trong tâm trí anh thực đến mức nhiều lần anh có tưởng đang ngồi bên một cái bóng. Cô ngồi đó, ở ghế bên, như một bóng ma.
Mọi chuyện với cô đã có thể khác đi rất nhiều nếu không có tất cả những thứ này: tiền bạc, sự khác biệt về địa vị xã hội, nhu cầu vượt lên chính mình để chứng tỏ rằng anh xứng đáng với cô. Anh phải tôi luyện cho bản thân một cá tính dựa trên thái độ vô sỉ và chủ nghĩa cá nhân từ rất sớm và chôn giấu tất cả những gì là yếu đuối nơi anh. Để trở thành một trong những người xuất sắc nhất, để không phải nói câu xin lỗi vì sự kém cỏi của mình.
Khi nhớ lại tất cả những điều này, anh thốt nhiên thấy sợ, sợ rằng không còn được gặp Mallory nữa. Ngoài đứa con gái ra anh không còn ai là họ hàng thân thích hay bạn bè thực sự. Nếu anh chết đi, ai sẽ lo lắng đến anh? Jordan chăng? Hay Abby?
Anh lái xe xuống cuối phố Lafayette và bỗng cảm thấy tâm trí bị nhấn chìm trong nỗi buồn.
Khi tiến xe vào cầu Brooklyn, anh có cảm giác bị đặt lọt thỏm trong một chiếc nôi được tạo bởi dây cáp bằng thép treo cầu. Hai nhịp dây văng luôn làm anh liên tưởng lối vào đầy huyền bí của một tòa kiến trúc Gô tích, hoàn toàn đối lập với những kiểu dáng tân thời của dãy nhà chọc trời mãi mãi bị biến dạng bởi tòa tháp đôi đã biến mất. Mỗi lần lái xe qua đây, vào những ngày có sương mù, anh hầu như mong nhìn thấy chúng xuất hiện trở lại tại một góc ngoặt nào đó với những mặt tiền lấp lánh và hai đỉnh tháp dính vào bầu trời, ý nghĩ đó mới thật ngốc nghếch làm sao.
Bỗng chốc, một đoàn xe cứu thương vượt qua anh, đèn quay gắn trên nóc xe chớp liên hồi, lao thẳng về phía Brooklyn. Hẳn đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng đâu đó trong đêm giá lạnh. Lạy Chúa, New York là thế đấy! Cùng lúc anh càng yêu mến và ghét cay ghét đắng thành phố này. Thật khó để giải thích cảm giác đầy mâu thuẫn đó.
Mãi nghĩ lan man, anh bỏ qua lối rẽ ra khỏi cầu và lại trở về những đường phố hẹp của khu Thượng Brooklyn. Anh lái ngoằn nghoèo trong khu phố yên tĩnh này một lát rồi cũng tìm ra một lối đi về phố Fulton. Đến đó rồi, anh rút điện thoại cầm tay ra và bấm một số đã lưu trong danh bạ của mình một thời gian trước. Đáp lại cuộc gọi của anh là một giọng nói ngay vào giờ sớm tinh mơ như vậy hết sức tỉnh táo:
- Bác sĩ Bowly xin nghe.
Bệnh viện tư của bác sĩ Bowly là một cơ sở khám chữa bệnh có tiếng về chất lượng phục vụ. Văn phòng luật thường gửi nhân viên tới đây để kiểm tra sức khỏe trước khi nhận vào làm chính thức. Thời gian qua, bệnh viện đã mở rộng hoạt động và mở thêm một trung tâm cai nghiện nhắm đến đối tượng khách hàng thượng lưu khu bờ Đông.
- Nathan Del Amico từ văn phòng luật Marble&March. Tôi muốn được khám tổng quát.
- Tôi sẽ nối máy với tổng đài, đầu dây bên kia đáp, bực mình vì bị làm phiền từ sáng sớm chỉ vì một cuộc hẹn tầm thường như vậy.
- Không, bác sĩ, tôi muốn nói chuyện trực tiếp với ông kia.
Bác sĩ ngớ người ra vì ngạc nhiên nhưng vẫn giữ thái độ lịch thiệp.
- Tốt thôi… Tôi nghe ông đây.
- Tôi muốn kiểm tra thật kỹ kia, Nathan rào đón: xét nghiệm máu, chụp X-quang, đo tim mạch…
- Ông cứ yên tâm: tất cả những mục đó đều có sẵn trong chương trình khám tổng quát của chúng tôi.
Nathan thấy ở đầu dây bên kia, bác sĩ đang uể oải gõ trên bàn phím máy tính.
- Chúng tôi có thể hẹn gặp ông trong khoảng… mười ngày tới, Bowly đề xuất.
- Trong mười phút tới thì hơn, Nathan vặc lại.
- Ông … Ông đùa đấy à?
Nathan đã đến địa phận quận Park Slope. Anh bẻ lái cho xe ngoặt vào khu phố sang trọng nằm ở phía Tây công viên Prospect Park. Anh cất giọng rất lành nghề.
- Văn phòng đã nhận bào chữa cho ông trong một vụ liên quan đến thuế. Cách đây đã ba năm, nếu tôi nhớ không nhầm…
- Chính xác, Bowly thừa nhận, càng lúc càng thêm kinh ngạc. Và phía các ông đã làm tốt công việc của mình, tôi đã được xử trắng án.
Tuy nhiên có thể thấy bác sĩ đang rất đề phòng.
- Tôi biết, Nathan nói tiếp, một trong những cộng sự của tôi đã lo vụ này và tôi tin rằng ông còn kê thiếu với sở thuế một vài chứng từ.
- Nhưng… Ông muốn gì đây?
- Cứ cho là tôi có vài người bạn làm ở Bộ Tài chính, có lẽ họ sẽ rất quan tâm đến những thông tin này.
- Như thế thì đi ngược lại mọi thông lệ trong nghề luật! Bác sĩ chống chế.
- Tất nhiên là vậy, Nathan thừa nhận, nhưng ông đâu có cho tôi quyền lựa chọn.
Vừa cho xe tiến vào phố Penitent Streetm, luật sư lóa mắt bởi luông ánh sáng đèn pha của xe đi ngược chiều.
Trò khốn gì thế này!
Anh buông rơi điện thoại cầm tay, tập trung hết cỡ để đánh lái sang phải. Anh vừa kịp tránh một vụ đụng xe.
- Alo! Anh với lấy điện thoại và tiếp tục.
Trong một khoảnh khắc, anh tưởng Bowly đã gác máy, thế nhưng sau khi chờ đợi khoảng dài im lặng, bác sĩ khẳng định bằng một giọng ý chứng muốn chắc chắn:
- Tôi sẽ không đời nào nhượng bộ trước một lời đe dọa kiểu này. Nếu ông nghĩ tôi sợ với…
- Tôi không đòi hỏi ở ông nhiều, Nathan thở dài. Chỉ một bản kết quả khám tổng thể nội trong ngày hôm nay. Tôi sẽ trả thật hậu, nhất định thế.
Anh tìm ra một chỗ đỗ xe không xa bệnh viện tư. Trời đêm đã chuyển dần sang xanh và ngày bắt đầu rạng.
Anh sập cửa xe lại, kích hoạt hệ thống khóa xe tự động và cuốc ngược lên có phố hai bên có dãy đèn đường bằng sắt cuốn.
Trong phòng khám, bác sĩ Bowly im lặng hồi lâu trước khi nhượng bộ:
- Nghe này, tôi không thích lối nói chuyện của ông nhưng tôi sẽ xem liệu có khoảng thời gian nào trống để sắp xếp cho ông đến khám hay không. Ông thích đến khám lúc mấy giờ?
- Tôi đến rồi đây, Nathan nói và đẩy cánh cửa dẫn vào bệnh viện.
[1] Ứng cử viên của Đảng Xanh tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kì 1996-2000, nổi tiếng với những đợt vận động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.